Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Thơ Bút Tre - Một trường phái thơ kỳ lạ - Nguyễn Ngọc Bảo
xv05
#1 Posted : Wednesday, March 21, 2007 4:00:00 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Thơ Bút Tre - Một trường phái thơ kỳ lạ
(Trích lược bài viết của Nguyễn Ngọc Bảo)

Có một giai thoại thơ Bút Tre liên hệ đến nhà thơ Bùi Giáng khá thú vị đã được đồn đãi như sau:

Sau biến cố tháng Tư 1975, các văn nghệ sĩ miền Nam người thì đã vượt biên, người thì bị cầm tù, riêng nhà thơ Bùi Giáng không chịu cảnh tù tội vì là người mang bệnh tâm thần.

Nghe kể, một hôm Bùi Giáng ghé trụ sở Hội Nhà Văn ở thành Hồ chơi. Lúc bấy giờ, nhà thơ Thu Bồn, một ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại bảo rằng:

- Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, làm một bài cho anh em nghe chơi.

Bùi Giáng gãi tai trả lời:

- Lâu qúa tui hông có làm thơ, quên mất cả rồi.

Thu Ba năn nỉ:

- Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Bấy lâu nay chỉ kiến văn kỳ thanh, hôm nay mới kiến diện kỳ hình ông đó.

Bùi Giáng cười móm mém:

- Nhưng tui làm dở, đừng có cười tui nghe!

Thu Bồn giục:

- Thôi mà đừng khiêm tốn nữa, không ai cười đâu.

Bùi Giáng tằng hắng một tiếng rồi đọc:

Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
Thu Bồn cảm động sờ …vai Thu Ba

Thu Ba nhăn mặt:

- Ý dà, ông làm thơ lục bát chi mà chẳng có vần điệu gì hết trơn.

Bùi Giáng đáp:

- Thì sức tui chỉ có vậy, cô muốn thơ có vần thì kiếm chữ khác thay vào đi.

Thu Ba bỗng đỏ mặt hứ lên một tiếng. Bùi Giáng lại móm mém cười một cách ngây thơ rồi quay đi trước cái nhìn giận dữ của Thu Bồn.


Đa số quần chúng, đù đã nhiều lần nghe đến những câu gọi là thơ Bút Tre với thái độ thích thú và tán thưởng nhưng ít ai hiểu rỏ gốc gác ông Bút Tre. Cũng chẳng mấy người biết tại sao có sự phân biệt giữa thơ Bút Tre thật và thơ Bút Tre dân gian cùng những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai loại thơ này.


Bút Tre thật

Bút Tre là bút hiệu của ông Dặng văn Đăng, sinh năm 1911 tại Sông Thao, Vĩnh Phú. Thời niên thiếu ông theo học chương trình giáo dục của Pháp. Đến khi trưởng thành, ông được bổ nhiệm làm giáo học tại Tuyên Quang.

Sau năm 1945, Ông Đặng văn Đăng tham gia kháng chiến. Năm 1962, ông được cất nhắc làm trưởng ty văn hóa Phú Thọ cho đến năm 1968. Ông về hưu năm 1970 và mất năm 1987.

Tập thơ Bút Tre của ông được in trong khoảng trước năm 1968 tức trước khi ông rời khỏi chức trưỏng ty văn hóa Phú Thọ.

Điểm đáng chú ý là tuy mang danh trưởng ty văn hóa nhưng thơ của ông ngô nghê, luộm thuộm đến độ buồn cười. Lắm khi người đọc phải vận dụng trí thông minh để hiểu ông muốn nói gì. Chẳng hạn như những câu thơ sau:

Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.

Đọc hết bài thơ, ngẫm đi ngẫm lại, người đọc mới hiểu rằng ông trưởng ty muốn nhắc nhở chúng ta cần phải đặt văn hóa cơ sở lên hàng đâù trong các sinh hoạt quần chúng.

Sau đây là vaì thí dụ của thơ Bút Tre thật:

Nhìn lên đỉnh núi con Voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Voi cũng như người, voi sản xuất
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai

Hay:

Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về

Ông Bút Tre muốn viết “hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thắng trận Điện Biên trở về”. Tuy nhiên vì sự bó buộc của luật thơ lục bát khiến ông phải cắt tên ông Giáp, đặt vào hai câu riêng rẽ.

Hay:

Anh đi đồng ruộng lắng nghe
Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn

để ca ngợi tướng Nguyễn Chí Thanh, trưởng ban Nông nghiệp trung ương thập niên 1960.

Đại loại, những bài thơ trong tập thơ Bút Tre nếu không ngô nghê về cú pháp thì cũng nghèo nàn về ý tứ và lắm khi sai cả niêm luật. Sau khi ra đời, tập thơ nhanh chóng chìm vào quên lãng.


Bút Tre dân gian

Tuy nhiên việc đời có lắm chữ ngờ. Một hôm , tập thơ rơi vào tay mấy “ông nhân dân” giàu tính khôi hài và hẳn là đang rỗi việc. Các ông nhân dân này khoái quá, bèn túm lấy cách làm thơ Bút Tre, dùng trí tưởng tượng phong phú và óc trào phúng của mình, gia giảm nguyên liệu, biến chế thành những câu lục bát để giễu cợt. Những câu thơ đầu tiên được quần chúng nồng nhiệt chiếu cố rồi hưởng ứng noi theo. Trong những câu thơ này, câu thơ ca ngợi tướng Thanh được đổi lại thành:

Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy nhà

mà nhiều người đã biết đến

Dần dà dòng thơ Bút Tre dân gian được thành hình, ngày càng phát triển và trở thành cái gọi là trường phái Bút Tre tung hoành ngang dọc từ thành thị đến thôn quê trên đất nước trên hơn ba thập niên qua.

Có thể nói, đây là một phong trào làm thơ “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” độc nhất của văn học Việt nam, kể cả văn học bình dân lẫn văn học trí thức. Cốt lõi của dòng thơ là tính trào phúng và chất tục, khi thì tục lồ lộ, khi thì tục mà thanh, khi thì thanh mà tục đáp ứng được thị hiếu của nhân dân đang cần những nụ cười sảng khoái để quên đi trong khoảnh khắc những lầm than cơ cực.

(Kỳ tới: Đặc điểm thơ Bút Tre dân gian)
xv05
#2 Posted : Sunday, March 25, 2007 11:29:42 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
(tiếp theo)

Đặc điểm thơ Bút Tre dân gian
(Trích luợc bài viết cuả Nguyễn Ngọc Bảo)

Một cách tổng quát, dòng thơ Bút Tre mang những những đặc điểm sau:

1).Chia cắt hai chữ lẽ ra phải được nối liền nhau, một chữ đặt ở cuối câu "lục" và chữ kia ở đầu câu "bát", nhằm mang ý nghĩa trào phúng cho một trong hai câu thơ. Ý nghĩa này khác hẳn với nghĩa của cả hai câu nếu đọc liền một mạch.

Chẳng hạn như:

Chị em nô nức đặt vòng
Hoa mồ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn


Hoặc:

Chị em mặc váy đánh cầu
Lông bay vun vút qua đầu các anh


Có khi cái tên được ngắt làm đôi, như câu thơ khen ngợi cậu Nguyễn Trùng Dương đã oanh liệt chiếm giải vô địch đô vật trong một hội xuân ở tỉnh Bắc Ninh:

Bắc Ninh có cậu Nguyễn Trùng
Dương vật khoẻ quá cả vùng thất kinh



2).Thêm hay bớt, hoặc đổi dấu ở những câu phải hiệp vần trong câu thơ, để câu thơ trở nên hài hước và mang dụng ý châm chọc, rồi ghi bí chú bên dưới:

Liên xô rất đỗi tự hào
Anh Ga Ra Rỉn bay vào vũ tru

(Bí chú: Ga-ra-rin bay vào vũ trụ)

Hoặc:

Mừng ngày mồng tám tháng ba
Chị em phụ nữ chúng ta vung lền

(Bí chú: vùng lên)

Hoặc:

Phụ nữ thường rất hay lười
Riêng em, anh thấy là người cần cu

(Bí chú: cần cù)

Hoặc:

Trung ương chỉ thị ba cùng
Đảng viên phải bám quần chùng nhân dân

(Bí chú: quần chúng)

"Ba cùng" ở đây là sách lược "cùng ăn, cùng ở, cùng làm". Nhân dân đã đói đến nỗi quần phải chùng mà còn bị các ông bám vào thì chịu sao cho thấu.


3).Câu thơ thiếu một chữ khiến điều muốn diễn tả hóa thành khôi hài:

Anh đi em ở lại nhà
Cửa mình em mở người ra kẻ vào

(Bí chú: cửa nhà mình)


4).Cố ý dùng chữ không đúng với luật bằng trắc của thơ lục bát, khiến người đọc phải tự động nghĩ đến một chữ khác hợp với luật thơ:

Đồng Xuân nô nức tiếng đồn
Có cô bán trứng vịt lộn rất to

Hoặc:

Khoai luộc tiếp tế chiến khu
Chị em bóc thử một củ ăn liền


5).Gói ghém hình ảnh dung tục:

Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò
ra

Hoặc như trong hai câu tả chị em du kích:

Má kề nòng súng thẳng đơ
Tay thuôn chị cứ bóp cò sướng chưa?


6).Mang ý nghĩa bỡn cợt như câu thơ châm chọc ông tổng bí thư Nguyễn văn Linh trong thời đổi mới:

Hoan hô ông Nguyễn văn Linh
Trước kia ghét Mỹ nay hình như thương



(Kỳ tới: Tiểu sử Bút Tre theo dân gian)
Phượng Các
#3 Posted : Sunday, March 25, 2007 12:25:21 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
đọc mấy câu thơ này thấy Big Smile quá!
xv05
#4 Posted : Tuesday, March 27, 2007 2:30:25 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Mời chị Phượng Các và quý vị đọc tiếp:


Tiểu sử Bút Tre theo dân gian
(Trích luợc bài viết cuả Nguyễn Ngọc Bảo)

Khi phong trào thơ Bút Tre vừa nở rộ, hầu như không ai rõ lai lịch ông Đặng Văn Đăng. Vì vậy, óc tưởng tượng của quần chúng có cơ hội được bộc phát. Ở những lúc trà dư tửu hậu, mọi người cứ bát nháo tranh luận về tiểu sử Bút Tre. Trong số các bản tiểu sử do nhân dân đặt ra, nhân vật Bút Tre sau đây là thú vị hơn cả:

Bút Tre vốn xuất thân là người miền Nam, tập kết ra Bắc sau khi hiệp định Geneve chia đôi đất nước được ký kết. Ông sinh quán tại Bến Tre nên lấy tên hiệu là Bút Tre. Khi ra miền Bắc, ông được phong làm trưởng ty văn hóa Yên Báy (chứ không phải Phú Thọ như trong nguyên bản). Lúc bấy giờ ông tự in một tập thơ để đánh dấu các chiến dịch ông từng tham gia. Có khi là chiến dịch Pleiku, Buôn mê Thuộc, bản Mường Tè của người thiểu số và có lần ra mãi đảo Côn lôn. Những chiến dịch này được diễn tả như sau:

Anh đi chiến dịch Pờ Lê
Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra


Và:

Anh đi chiến dịch Ban Mê
Thuột xong vài bữa rồi về với em


Và:

Anh đi chiến dịch bản Mường
Tè xong rồi lại tìm đường về xuôi


Đi chiến dịch quanh năm suốt tháng, nghĩ cũng tội cho người yêu ở nhà. Vì vậy lần đi Côn Lôn, ông nhắn nhủ nàng hãy cố tìm vui với tình làng nghĩa xóm trong những ngày chờ đợi:

Anh đi chiến dịch đảo Côn
Lôn em ở lại xóm thôn vui vầy


Ở chiến khu, có lần Bút Tre thấy ông Hồ đến ủy lạo chiến sĩ (nói chung) và thăm Nguyễn thị Định (nói riêng), Bút Tre viết:

Thị Định đón bác trời mưa
Thấy đầu bác ướt vội đưa cái nòn

(Bí chú: cái nón)

Có lần ông Hồ bắt được một con chim, thế là:

Bác Hồ có một con chim
Bác kêu Thị Định đi tìm cái lông

(Bí chú: cái lồng)

Có một đêm khuya, Bút Tre đang nằm trong hầm của tổ văn nghệ thì bỗng có một nữ dân công khiêng thùng đạn tiếp tế vào vì tưởng đó là hầm chiến sĩ. Nói theo tiếng Bắc, thì chị vào nhầm chỗ, còn theo tiếng Nam thì chị vào lộn nơi:

Yêu thay chị nữ dân công
Nửa đêm khuya khoắt đem lộn vào đây


Lúc bấy giờ thấy chị mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì vất vả, nhà thơ thương quá, bèn tặng chị quả chuối duy nhất của mình:

Mời em ăn một quả chuồi
Để em nhớ mãi cái buổi hôm nay


Có lẽ là chị khó thể quên được cái buổi hôm ấy.

Khi ở đất Bắc, Bút Tre hý hoáy tán tụng ngày bầu cử:

Mừng ngày bầu cử tự do
Những ai xứng đáng thì cho vào hòm


Đọc hai câu thơ trên, nhiều người quả quyết rằng vì xa quê đã lâu nên nhà thơ đã quên mất ý nghĩa của chữ "hòm" ở trong Nam.

Đôi khi nhà thơ nổi hứng ca tụng lãnh đạo:

Bác Hồ quả thật có kinh
Nghiệm trong sử sách có mình Bác thôi


Hoặc:

Trên rừng con khỉ đánh đu
Dưới thành Lê Duẫn mút cu chưa về

(Bí chú: đi Moscow chưa về)

Hoặc:

Giỏi thay đồng chí Trường Chinh
Làm việc thì ít xuất... ngoại thì nhiều


Nhà thơ còn cảm phục chị em du kích:

Chị em du kích giỏi thay
Bắn máy bay Mỹ rớt ngay cửa mình

(Bí chú: cửa nhà mình)

Khi bác theo tổ tiên Mác, Lê, nhà thơ bèn tặng hai câu:

Bác Hồ ta thật vẻ vang
Đang từ khoẻ mạnh... chuyển sang... từ trần


Chưa hết, ngày nhà nước cho bác vào an nghỉ ngàn thu ở bến Ba đình rồi bắt thiên hạ vào thăm viếng:

Đường vào lăng bác âm u
Chị em bộ đội dở mũ ra chào


Quả thật, qua mồm miệng của nhân dân, ông Bút Tre dân gian là một nhà thơ độc đáo, vượt xa ông Bút Tre trưởng ty văn hóa thuở xưa rất nhiều.

(Kỳ tới: Ảnh hưởng của thơ Bút Tre)
xv05
#5 Posted : Wednesday, April 18, 2007 1:52:37 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
(Tiếp theo và hết)

Ảnh hưởng của thơ Bút Tre
(Trích luợc bài viết cuả Nguyễn Ngọc Bảo)

Có thể nói, thơ của ông Bút Tre Đặng văn Đăng là nguyên nhân khiến dòng thơ Bút Tre được phát sinh, nhưng người khai sáng và phát triển dòng thơ này là nhân dân.

Cho đến hôm nay, trường phái thơ Bút Tre đã lan rộng ra cả nước. Có thể nói hầu như bất kỳ một người làm thơ nào, dù tài tử hay chuyên nghiệp như nhà thơ Nguyễn Duy, cũng đã hơn một lần bước vào cõi thơ Bút Tre sáng tác dăm ba câu, trước để mua vui, sau để châm biếm.

Trong vài năm qua, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe hoặc đọc được đôi ba câu thật hóm hỉnh như:

Cùng vào lăng bác đi cầu
Nguyện cho thân quyến vừa giầu vừa sang.


Hoăc:

Bốn ông chung một đĩa lòng
Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi.


Hoặc như các cô cậu ngồi chit-chat với nhau qua máy điện toán:

Email anh viết thật bay
Bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.


Cũng xin kể thêm một câu chuyện chứng tỏ uy lực của trường phái thơ Bút Tre. Người viết có một anh bạn vừa về thăm gia đình ở Sài gòn. Vốn là người sống mẫu mực, trong những ngày ở Việt nam anh không hề có ý định ghé đến những nơi thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, một hôm đang rảo bước qua một quán hát Karaoke, anh gặp một cô nhân viên của quán, mặt hoa da phấn đứng trước cửa, lúng liếng nhìn anh rồi đon đả mời chào:

Mời anh vào quán Kara
O.k em đã mở ra sẵn sàng.


Nghe câu thơ anh khoái quá bèn tặc lưỡi, theo cô vào quán hát đại vài ba bài. Khi ra về, anh tự nhủ một chút yếu lòng vì mấy câu thơ Bút Tre thì cũng đáng lắm chứ.

Như đã đề cập ở trên, một trong những đặc điểm của trường phái thơ Bút Tre là sự cưỡng bách vần điệu. Trên thực tế, Bút Tre không phải là đầu tiên phải ép chữ vì gặp trở ngại về vần. Thuở trước, dưới thời Tây Sơn, nhà nho Nguyễn Huy Lượng cũng vì không tìm được chữ hợp với cả ý lẫn vần cho một câu trong bài phú nổi tiếng "Tụng Tây Hồ Phú" nên đã phải viết như sau:

Sắc dờn dờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo
Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vần ngân rơi xuống mảnh nhò nhò.


Khi đọc bài phú, người đọc phải hiểu rằng tác giả muốn viết "mảnh nhỏ nhỏ".

Một học giả nổi tiếng thời Pháp thuộc là ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã có lần chứng tỏ là người cùng hội cùng thuyền với Bút Tre. Trong tập dịch Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine, bài "Le petit poisson et le pêcheur" (Con cá nhỏ và người câu cá), vì bị bí vần, ông đã dùng một chữ khiến những bậc khả kính phải cau mày mà phì cười khi đọc. Bài thơ tiếng Pháp có những câu:

Petit poisson deviendra grand
Pourvu que Dieu lui prête vie;
Mais le lâcher en attendant,
Je tiens, pour moi, que c' est folie.


Có nghĩa:

Con cá nhỏ một ngày kia sẽ lớn
Miễn là Chúa ban cho nó sự sống
Nhưng thả nó ra để chờ đợi
Theo ý tôi thật là điên khùng.


Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch như sau:

Miễn là cá sống dưới hồ
Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
Nhưng mà cá đã cắn cu
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tầy.


Khi đọc bài thơ dịch, phải vận dụng trí phán đoán, độc giả mới có thể hiểu ông ám chỉ con cá cắn "câu" chớ không phải cắn cái loài người vẫn dùng để truyền giống, nhưng vì bí vần nên ông phải mượn tạm chữ "cu". Trong tập sách phê bình "Nhà Văn Hiện Đại", học giả Vũ Ngọc Phan phê phán kịch kiệt lối dịch ẩu này. Ông Phan viết nguyên văn rằng "cắn gì chứ cắn cu thì ai mà không phải phì cười".

Qua các dẫn chứng vừa kể, rõ ràng là trước Bút Tre, có nhiều người đã phải hy sinh sự chính xác của ngôn nhữ cho vần điệu của bài thơ, có khi phải đặt bút hạ những chữ oái oăm như trường hợp ông Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, ngày đó không ai nghĩ đến chuyện bắt chước lối làm thơ ấy để giải sầu và để châm chọc như ngày nay. Vì sao?

Ông Hà Sĩ Phu đã có lời giải đáp cho câu hỏi nêu trên. Trong bài "Chia tay ý thức hệ", ông viết như sau:

"Xã hội quái đản ấy buộc phải đẻ ra thơ Bút Tre để phản ảnh nó khi văn học chính thống cứ ngồi lù lù đó một cách vô tích sự..."

Phân tích một cách thấu đáo, có thể nói, thơ Bút Tre đã lan rộng và bám chặt vào đời sống quần chúng nhờ bốn yếu tố: 1/. gói ghém tư tưởng phản kháng của giới bị trị, 2/. mang tính khôi hài dung tục, 3/. giả vờ ngô nghê để châm biếm một cách sâu sắc, hóm hỉnh, 4/. dễ nhớ.

Điều đáng nói là tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, những cây bút sắt đã dần dần trở thành mòn rỉ sau quãng thời gian dài phải cung cúc ca tụng chính sách đảng và nhà nước. Không có những Bút Tre dân gian, đời sống người dân có lẽ trở thành buồn tẻ biết bao. Có thể nói bốn câu thơ sau đây của một bậc sĩ phu vô danh trong nước đã diển tả được ảnh hưởng của thơ Bút Tre đối với quần chúng:

Tại sao ai cũng thích nghe
Cứ nghe mà biết Bút Tre là cười
Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi
Bút tre vẫn để cho đời nguồn vui.



(Nguồn: Việt Luận)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.