Tác giả Khanh
Gởi: Wed Jul 07, 2004 1:02 am
Bức Tranh Thiếu Nữ Áo Lục
Cuộc đời, sự nghiệp của người họa sĩ tài hoa thăng trầm như những gam mầu ẩn hiện trên bức tranh. Đã có thời ông đạt đến đỉnh cao danh vọng và giàu có nhờ những bức tranh đẹp được ưa chuộng khắp nơi nhưng vô hồn và xa lạvới ông. Chính xu hướng thương mại hóa đã cướp đi niềm say mê sáng tạo và hạnh phúc của người họa sĩ. Những ngày cuối đời, mặc dù sức lực đã cạn kiệt, nhưng thiên nhiên thoáng đãng, tươi tắn với con người trong sáng vô tư, đã trả lại cho ông khả năng và lòng ham muốn tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật và ông đã vẽ nên một kiệt tác - Bức tranh thiếu nữ áo lục.
Đó là một du khách đặc biệt, ông ta thường có mặt ở lăng rất sớm, không qua cửa chính, bởi người bán vé vào thăm lăng gần tám giờ mới làm việc, còn ông, bằng cách nào đó đã đi dạo trên những con đường rợp bóng thông, tùng, sứ, nhãn từ sớm tinh mơ, khi cái hoàng cung u trầm, diễm lệ của vị vua đã khuất còn chìm trong màn sương. Có khi ông còn làm việc trong ánh sáng lờ mờ, yếu ớt của đêm chưa hẳn qua, ngày chưa hẳn tới. Mắt mở căng, ông cố nắm bắt một chút lạnh lẽo, ẩm ướt, run rẩy, tái xám của thứ ánh sáng ma quái bằng những nhát cọ khắc khoải, bướng bỉnh cho đến lúc tóm bắt được nó trên lụa trước khi nó vuột vào rạng đông.
Khi hoàng cung của cõi chết bắt đầu hiện ra rỡ ràng, diễm lệ dưới ánh dương quang, họa sĩ ngừng tay. Ông ngồi dựa vào thân cây, trang nghiêm, tĩnh mặc như một kẻ thiền tọa, lắng nghe như uống từng giọt âm thanh mê hồn tắm đẫm hương sứ của lũ chim sớm. "Ta trồng nơi đây nhiều cây để gọi chim về...", vị vua chủ nhân lăng từng ước muốn như vậy ở văn bia. Đối với họa sĩ, khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu. Nỗi đời tan biến và ông đắm chìm trong bản hợp xướng tuyệt vời của các chú chim bé bỏng. Chính giữa lúc ấy ông bỗng nghe một tiếng thở dài, ông giật mình nhìn quanh. Chẳng có ai ngoài ông và lũ chim.
Càng ngày họa sĩ càng cảm thấy ông không chỉ một mình trong sớm tinh mơ. Có ai đó luẩn quẩn quanh ông. Một tiếng chân, một tà áo mơ hồ như ảo giác đã làm ông mất thanh thản. Đôi khi ông tưởng như nhìn thấy một đôi mắt trong lùm cây trước mặt, một đôi mắt đen hơm mầu đêm, nhìn ông chăm chắm. Bấy giờ ông không làm việc được nữa. Cây cọ vẫn mơn man trên nền lụa nhưng trái tim ông thì đang rình rập. Ông chơi trò cút bắt với một cái bóng. Nó thoắt ẩn, thoắt hiện, đằng trước, đằng sau... và bao giờ cũng đè nặng lên ông cái nhìn trĩu nặng và nóng bỏng. Thế mà chủ nhân cái nhìn là cô bé mười lăm mười sáu tuổi, một cô bé như bước ra từ một bức tranh cổ với vẻ đẹp lạc loài và y trang lạc thời, tay đầy hoa sứ, người sực nức mùi thơm ngọt đậm. Ông đang túm vạt áo mầu lục của cô, còn cô thì run rẩy như một cọng cỏ. Họa sĩ bật cười ha hả. Kẻ rình ông và ông rình lại chỉ là một cô bé đứng thấu ngực ông! Buông áo cô ra, ông ngắm cô từ đâu đến chân, lập tức cô bỏ chạy. Vệt cỏ sáng lung linh rồi khuất trong mầu cây. Ông mơ hồ nghe vọng tiếng lục lạc.
Họa sĩ ra đi thật sớm từ ngày gặp cô. Ông ước ao thực hiện một bức chân dung về cô bé lạ lùng kia, cô bé như một mảnh cổ kính vỡ ra từ đâu đó quanh đây. Thức dậy cùng tiếng chuông chùa, ông có mặt ở lăng khi nó chưa tỉnh ngủ. Ông biết ông không chỉ một mình nhưng nếu ông quay lại lập tức ông chỉ thấy một ảo ảnh, một mảng lục non mơ hồ thấp thoáng trong sương. Càng ngày ông càng thiết tha được vẽ ảo ảnh đó. Có lần ông thử vẽ phác cô căn cứ vào khoảnh khắc đối diện lần đầu nhưng ông không thể nhớ nổi. Gương mặt cô nhạt nhòa và ông chỉ phác họa một cái bóng cũng nhạt nhòa như thế dưới câyđại nở đầy hoa, giữa chòm lâu đài, miếu tạ nên thơ. Khi ra về, ông để phác họa lại. Sáng hôm sau, nó vẫn ở đấy nhưng được buộc bằng một dải lụa. Mở ra, ông thấy cô bé đã nhốt mình lại bằng một dãy tường thành lởm chởm gươm nhọn. Thỉnh thoảng, từ những viên gạch rêu phong ló ra một đầu người, khuôn mặt dữ dằn khắc nghiệt. Còn những công trình kiến trúc xinh xắn quanh cô thì bị bôi đen ngòm trông như những nấm mồ, ông sững sờ, cô bé chỉ đứng thấu ngực ông có phải là một cô bé không nhỉ? Tiếng thở dài, rồi bức tranh này nữa! Những gì ông thể hiện hoàn toàn đối nghịch với ông. Chốn lăng tẩm nên thơ dưới mắt ông trở thành một mộ địa thực sự dưới mắt cô - lạnh lẽo, âm u, tàn nhẫn. Ông lại nhìn bức tranh gần hoàn thành trên giá. Lềnh bềnh trong sương, nom nó như được vớt lên từ cõi chết, nhợt nhạt trong ánh sáng yếu ớt rồi dần ửng hồng, rõ nét, rõ ràng khoe với ngày yên bình. Ông đã ra đi bao ngày trong sương sớm giá buốt, trong tờ mờ tranh tối tranh sáng để cố bắt kịp khoảnh khắc giao thoa giữa ngày - đêm, sống - chết, vui - buồn... Nhưng bây giờ nom nó chỉ là một tác phẩm cùng - kiểu - với - mọi người, tái hiện một vẻ đẹp được thừa nhận. Còn cô, tại sao cô lại phủ nhận.
Mấy tuần nay, cô đã dám thơ thẩn nhặt hoa sứ gần ông. Thường khi ông vẽ thì cô ngồi chơi với đống hoa rụng. Cô sắp chúng thành một con chim xoạc cánh, một dãy núi, một cây thông...
Ông nói với cô:
- Em sẽ vẽ được đấy.
- Nhưng em không vẽ như ông. Chán chết!
- Em muốn vẽ gì?
- Cỏ.
Họa sĩ lấy quyển sổ phác họa, vẽ cho cô một con đường mờ mịt, khuất lấp sau ngọn cỏ. Cô lắc đầu:
- Cỏ đám cưới kia.
Rồi cô chạy đi và trở về bên ông với đôi tay đầy hoa dại. Cô tung chúng lên cỏ.
Thế là ông vẽ cỏ - đám - cưới. Hoa tóc tiên rực rỡ mầu nhưng thắm, hoa ngũ sắc đỏm đáng. Hoa bâng khuâng mơ màng. Hoa lồng đèn ngộ nghĩnh... Chúng cưới nhau trên cỏ, khiêu vũ, đùa chơi, gối đầu trên cỏ. Hai mươi năm cầm cọ, họa sĩ chưa bao giờ vẽ một cái gì tươi tắn giản dị, rạo rực sức sống dường kia. Mầu sắc cứ tuồn tuột khỏi tay ông, chạy ào vào bức tranh, chúng tự tìm chỗ, hối hả reo vui trên nền cỏ rạo rực. Họa sĩ như lành bệnh hẳn sau đợt tranh vẽ cỏ. Ông theo cô vào thế giới cỏ bất tận, đầy bí ẩn giàu tưởng tượng của cô. Sau này khi ông mất, người ta tìm thấy rất nhiều tranh cỡ nhỏ vẽ cỏ. Chúng chẳng bao giờ giống nhau và cũng chẳng chỉ mầu xanh. Họ đặt chúng sang một bên, chép miệng: "vớ vẩn".
Đã đầu đông, trời có những ngày se lạnh, ông vẫn lên lăng, ông lên chơi với cô bé. Giữa họ không tuổi tác, khoảng cách, thời gian. Sáng nay, đứng cách nhau nửa sải tay, ông bàng hoàng nhận ra cô bé lớn nhanh quá. Cô thiếu nữ mười lăm mười bảy hai mươi và bây giờ, trước mặt ông, nom cô như một thiếu phụ héo hon, bất hạnh. Phải vẽ nhanh kẻo không kịp nữa, ông nhủ thầm.
- Này em, tôi muốn vẽ em trên cỏ và sau đó em đặt một cái tên gì đó tùy em. Nhưng phải mau lên, kẻo tôi vẽ bà già mất!
- Thì em "già rồi"! - Cô cười, hé những chiếc răng tựa ngọc.
Thiếu phụ biến mất. Trước mặt ông lại là cô bé, nom như cọng cỏ, một cô bé thơ ngây và xa lạ, cô đơn và lạc lõng, như đi ra từ một câu chuyện xa xưa. Ông bối rối ngơ ngác.
- Khi vui em trẻ, khi buồn em già. Ông đừng để ý.
- Bé như em có chi mà buồn?
- Em chẳng làm được chi theo ý em. Cô xịu mặt.
- Thế em muốn chi?
Cô nói lảng:
- Sáng nay cỏ rét đấy!
- Sao em biết?
- Chúng xanh ra.
- Em có rét không? Em mặc phong phanh quá!
Ông cởi áo khoác choàng lên vai cô. Cô rùng mình. Bàn tay cô như muốn hất ra, nửa như bấu chặt. Cô lắp bắp:
- ấm quá... ấm quá... Em chưa khi mô ấm như thế ni.
- Cho em luôn đó.
- Em không được nhận. Em phải đi đây. Mai ông đến không?
- Nếu em chịu ngồi cho tôi vẽ?
- Nhưng phải sớm nữa kia.
- Sớm quá làm sao thấy em. Ngày mai em có muốn tôi đem gì cho em
không? Kẹo, búp bê? Cho em đừng mau lớn quá.
- Không! Em chỉ muốn ra ngoài kia. Cô chỉ tay về phía núi xanh xanh - và...
đi với ông. - Em chưa hề đi với người đàn ông nào cả.
- Mai ta đi.
- Em không được phép.
- Trốn!
- Không trốn được.
- Tường thấp lắm. Tôi sẽ đỡ em trèo.
Nhưng cô sợ hãi thật sự. Mặt cô tái mét. Mắt nhìn ngược xuôi. Ông chợt nhớ những đầu người dữ dằn ló ra từ những viên gạch cô vẽ và sự khiếp sợ của cô như luồng gió tạt qua làm ông rùng mình. Đó là buổi cuối cùng ông gặp cô trên lăng.
Khi cô đi rồi, ông trở về nhà, từ lăng đến chỗ ông ngụ ở làng Dương Xuân Thượng không xa lắm. Người bác già càu nhàu: "Mi là thằng điên. Đi chơi sớm rứa có đi chơi với ma. Đi về sớm rứa có vẽ người chết. Trời đất thì độc địa. Mấy chỗ đó thì đầy âm khí. Vua mô mất cũng hàng chục tá đàn bà con gái theo hầu, suốt đời hương khói...". Người bác bỏ lửng câu nói, vấn điếu thuốc Cẩm Lệ rồi bặt luôn, đứng dậy đi ra vườn.
Ông vào phòng mở tung mọi cánh cửa. Sớm mai phảng phất mùi mít chín cây. Chiếc bàn nhỏ bừa bãi thuốc lá, sơn cọ. Góc phòng có một bức tranh đậy sùm sụp mảnh vải. Ông đến giật tấm vải phủ. Người đàn bà trong tranh trần truồng tắm nắng mai, mắt nhắm nghiền, gương mặt nhăn nhúm. Thoạt đầu ông chỉ muốn tái hiện gương mặt người vợ khi bắt gặp nàng trong tay "vị - cứu - tinh". Mắt trừng trừng, những nhát cọ sắc như dao, ông rạch trên mặt vải những đường nét biến dạng của một gương mặt no nê khoái cảm để nó không còn trú ẩn trong tâm thức ông nữa. Mỗi ngày, ông đứng bảy đến tám giờ bên giá vẽ. Nhưng càng vẽ, nỗi căm thù, khinh bỉ càng biến mất. Chỉ còn ông và hội họa của ông. Người đàn bà trong tranh không còn là hình ảnh của vợ ông nữa, đó chỉ là một người nữ đang sống những phút mê đắm trần thế phù du, gương mặt nhăn lại như đau đớn. Một đợt sóng buồn âm u thương cảm trào dâng làm dịu dần những nhát cọ của ông, làm khinh phiêu những sợi tóc rối của người đàn bà, khiến nàng bơi trong làn ánh sáng dữ dội và mê hoặc.
Ngày cuối, khi đường cọ sau cùng, kiệt sức và trống rỗng, ông bàng hoàng nhận ra đó là một tác phẩm đẹp nhất của ông, ông đã trút cạn ở đó nỗi đắng cay và nguồn sinh lực, sự thống khổ và niềm đam mê. Từ lâu ông không làm việc như thế. Từ lâu ông đã vẽ - như ngủ. Đôi tay tài hoa của ông điều khiển lấy mọi việc. Chúng làm đủ trò ảo thuật trên vải. Kỹ thuật càng tinh tế, tranh ông càng toát ra cái vị vô hồn. Chúng không có những ngóc ngách bí ẩn. Không có nguồn sinh lực tiếp máu cho hình khối, mầu sắc, đường nét. Những điều đó, dường như chỉ mỗi mình ông nhận thấy bởi chúng vẫn thường được ca ngợi, ham chuộng và biến thành những chồng tiền rất dày. Chúng nhìn ông với vẻ ngạo nghễ, xa lạ. Tranh ông ngày càng có mặt ở nhiều gallery trong nước và nước ngoài. Cha đẻ của chúng thì không hề thấy. Chỉ người vợ gương mặt trang điểm kỹ lưỡng như đeo mặt nạ, nụ cười đông cứng chuẩn mực trên môi và một người đàn ông lịch sự, nói tiếng Anh như gió, luôn tràn trề vẻ xót thương và lòng tận tụy trong việc bồi đắp tiền bạc, danh vọng cho ông. Vợ ông gọi hắn là "vị cứu tinh". Càng giàu có, người ta càng thấy họa sĩ lang thang trên đường phố, như một kẻ vô gia cư, áo quần lôi thôi, tóc tai bù xù. Có khi ông biến đi đâu cả hai ba ngày, đám bạn bè thừa thãi lời khen và bia bọt không thể nào thấy được. Chỉ có lũ chim sẻ biết. Ông cho chúng ăn, thì thầm trò chuyện với chúng. Sau hai, ba ngày, ông ló đầu ra, tóc tai đầy mạng nhện, quẳng xuống từ căn gác xép sát mái mấy bức tranh vẽ những mảng trời không yên tĩnh bé bằng manh chiếu, những bức tranh vợ ông cằn nhằn vì bán không chạy. Có lần bà bắt gặp ông ở họa phòng vào hai giờ sáng, ngọn nến trước mặt, lầm thầm trước một khung tranh trắng toát, còn những hình nhân trong bức tranh quanh ông thì như lũ âm binh, vàng vọt, dài thượt, leo lét nhảy múa dưới ánh nến. Họa sĩ cầm nến dí vào chúng với vẻ ghê tởm. Vợ ông hét lên. Từ đó ông trở thành bệnh nhân của bệnh viện tâm thần. Giới hội họa xôn xao bàn tán. Họ gọi đó là số phận thiên tài. Còn "vị cứu tinh" thì được dịp chứng tỏ lòng tận tụy.
Quả từ khi có hắn, tiền bạc vào nhà ông như nước và ngược lại, nước cuốn theo sự đói nghèo, yên bình, đam mê sáng tạo và cả hạnh phúc.
Vâng! Nếu không có "vị cứu tinh" xuất hiện vào một chiều mưa tám năm về trước, ở gallery tẻ lạnh của ông thì bây giờ ông không ở đây mà bên cạnh vợ con hoặc trong cái chòi nhỏ sau vườn, nơi ông đắm chìm trong đơn độc sáng tạo. Anh ta đến chỉ tình cờ núp mưa và chợt rùng mình trước những bức tranh ế ẩm của người họa sĩ vô danh có vẻ mặt đăm chiêu, khắc khổ. Vốn sống bằng nghề môi giới tranh, anh ta đánh hơi mình sẽ được gì từ cái gallery thưa thớt mấy người này. Anh ta trở lại với một trùm buôn tranh tầm cỡ quốc tế, đặc biệt sính tranh á Đông. Ngày hôm đó, họa sĩ đem họ về nhà. Ông lôi ra từ dưới gầm giường, trên mái, trên vách những bức tranh chưa hề được triển lãm. Chúng nóng hôi hổi như những viên hồng ngọc thô mới lôi lên từ lòng đất. Hai vị khách ngồi chồm hổm, có khi gần như bò để xem tranh. Chúng nằm la liệt trên sàn nhà, chẳng khung, chẳng tên nhưng cõi người nặng trĩu, ngọn gió hư vô xào xạc trong vô thanh cứ làm họ bàng hoàng. Tất cả ngồn ngộn một sức sống mãnh liệt ứ trào khỏi mầu sắc và hữu hạn.
Từ đó cuộc sống ông không còn là của ông nữa. Tiền bạc, danh vọng ùa vào trong nhà ông như một lũ xâm lăng. Chúng làm mất quân bình mọi cái, khuân đi mọi cái, thay đổi mọi cái. Ngay cả ông cũng không còn nhận ra vợ con, bạn bè mình. Họ đẹp ra, sang ra, thân tình hết mực nhưng... hoàn toàn xa lạ!
Bây giờ ông ở đây sau khi li dị. Ra tòa vợ ông là kẻ thắng thế vì nghiễm nhiên ông là kẻ suy nhược thần kinh nặng trước mọi người và cả y học.
Thoạt đầu ông định nghỉ ngơi ở Huế vài tuần nhưng ông đã ở nửa năm và không muốn đi nữa. Ông không ngừng ngạc nhiên trước những tặng vật nho nhỏ của thành phố này. Một bông hoa dại hồn nhiên nở trong búi cỏ trên vỉa hè lát đá của một đại lộ. Ngôi nhà hoang phế liêu xiêu, cánh cửa rục rã, mái trĩu thời gian vẫn tự tại có mặt bên cạnh những ngôi nhà kiến trúc kiểu mới như một đại diện của quá khứ. Ông lãng đãng mơ màng trong không khí trầm lắng, êm ả, trong nhịp điệu từ tốn, chậm rãi của thành phố đứng bên lề sự chuyển động chóng mặt của thời đại. Ông lang thang khắp chốn Huế từ tốn, lặng lẽ hồi sinh cho ông.
°
Ông bắt tay vào việc thực hiện chân dung thiếu nữ áo lục lúc Huế thật sự bước vào mùa đông. Không gian trắng xóa mưa buồn, lê thê giọt vắn, giọt dài sướt mướt. Trời lạnh như cắt. Người bác già co ro xuýt xoa bên cái lồng ấp nhỏ bằng tre ủ những cục than hồng. Còn ông, ông đóng cửa và bắt đầu vẽ.
Chưa bao giờ ông làm việc khó khăn đến thế. Mấy lần thay lụa, cô vẫn như cái bóng không nắm bắt được. Khái niệm về thời gian và tuổi tác không tồn tại nơi cô. Ông hình dung cô lúc mới gặp, cô thiếu nữ trẻ măng, bối rối thì cô lại hiện trên vải như một thiếu phụ, khóe miệng cay đắng, đuôi mắt li ti vết chân chim. Có lúc người thiếu phụ ấy lại như cọng cỏ mùa xuân xao xuyến, áo mầu lục non, ánh mắt cháy bỏng... Cô hiện ra lung linh và bất định, lúc già, lúc trẻ, lúc buồn, lúc vui, lúc rõ như sờ nắn được, lúc nhạt nhòa mơ hồ như một ảo ảnh đến nỗi ông có cảm tưởng ông bệnh và cô chỉ là một ảo giác của người bệnh. Bức chân dung về cô mấy tuần rồi vẫn dừng lại ở cái nền và y trang. Buông cọ vì bất lực, ông mặc áo ấm và đi lên lăng. Từ sau buổi sáng ấy, ông không còn được gặp cô nữa. Lúc đó đã bốn giờ chiều. Trời thật rét. Chẳng có du khách, cũng chẳng có cô, chỉ có những tượng đá trầm mặc và ngàn thông rũ tóc khóc than. Sự quạnh vắng của cõi chết thật khủng khiếp. Ngồi một lúc ông đứng dậy ra về, và đúng lúc đó, ông trông thấy cô. Cô đứng trầm ngâm bên hồ bán nguyệt, lặng lẽ nhìn về phía núi. Trời lạnh mà cô vẫn phong phanh tấm áo mỏng. Mừng rỡ ông kêu lên. Ông vừa chạy vừa gọi. Tiếng chân ông dội vào hoang vắng. Tiếng gọi của ông loãng trong tiếng thông xào xạc. Ông chạy và cảm thấy khoảng cách giữa ông và cô không ngắn lại. Lật đật ông vấp té. Khi đứng dậy, cô không còn ở đó nữa. Tuyệt vọng, ông tựa vào bờ thành thở hổn hển. Hơi thở phả ra lập tức biến thành khói trắng tan trong lạnh giá.
Tối hôm đó ông bị ốm. Người bác già vừa nấu cháo hành giải cảm vừa lầm bầm gọi ông là thằng điên. Vùi trong chăn, ông mơ hồ nghe tiếng gõ vào cửa kính. Mưa đấy. Ông thầm nhủ. Nhưng không phải mưa. Một que diêm, hai que diêm lóe lên và ông thấy một gương mặt nhòe nhoẹt nước áp vào cửa kính. Ông nhận ra đó là gương mặt ông đã hoài công tái hiện trong tranh. Run rẩy, ông ngồi dậy. Không kịp bật đèn, đi chân trần, ông đến mở cửa. Một tấm thân mảnh mai, sũng nước đổ ập vào ông. Ông dìu cô đến giường và bật ngọn đèn ngủ. Cô tơi tả như một cành hoa trong mưa gió. áo quần ướt đẫm, tóc bết dính, cái lồng ấp nhỏ trong tay cô cũng tắt ngúm và đầy nước; chỉ có đôi mắt cô là như hai hòn than rực cháy sự liều lĩnh, thách thức. Ông lấy áo quần mình tự thay cho cô. Tay ông chạm vào làn da mịn bóng như sa tanh phảng phất hương trầm. Cô nhắm nghiền mắt, lả đi trên gối, phập phồng thổn thức dưới tay ông. Thay áo cho cô xong, ông kéo chăn lên tận cằm, bước xuống tìm nến. Ông tắt đèn thắp hết nến lên và quỳ xuống bên cô, nâng gương mặt cô trong tay. Bây giờ ông có thể chạm nó như một thực thể, thấy rõ từng nét mày, khóe môi, cả nốt ruồi son bên cánh mũi. Dưới ánh nến, được rửa bằng nước mưa và nước mắt, gương mặt đó sáng rỡ vì hạnh phúc, nồng nàn, trẻ măng. Ông kéo giá vẽ lại gần. Trong bức tranh gần hoàn thành ông vẽ gương mặt thiếu nữ áo lục. Ông làm việc mê man. Khi ông rời nó, cô đã ngủ. Trong giấc mơ, cô lắp bắp những lời vô nghĩa đối với ông:
- Tử Cấm thành... xin lửa... đêm đông chí...
Tắt những ngọn nến, ông nằm xuống bên cô.
°
Sáng hôm sau, họa sĩ dậy trễ. Người bác bưng ly sữa đến tận phòng. Ông càu nhàu khi thấy cửa không cài. Cái thằng đãng trí đã để gió lùa suốt đêm. Ông đến lay đứa cháu còn nằm trong chăn ấm. Lập tức ly sữa lai láng trên nền. Ông già mếu máo kêu lên. Nhưng căn phòng rộng trong khu vườn mít chỉ có hai người. Một nằm đó, bình yên như ngủ, thân thể lạnh giá. Một đứng đó, mếu máo cô độc. Bên cạnh họ là bức tranh chưa ráo sơn trên giá. Người thiếu nữ trong y trang mầu lục, cổ đeo kiềng vàng, tươi tắn như chiếc lá mùa xuân. Quanh cô, dờn dợn một biển cỏ. Trước mặt, một rặng núi xanh. Gió lạnh tạt vào phòng, gờn gợn bức tranh lụa. Người đàn ông già kinh hoàng dụi mắt. Ông thấy một cái bóng nữa bên cô, nhạt nhòa, cao lớn. Cả hai sóng đôi chạy về phía núi.
Nhận được tin ông mất, người vợ cũ và "vị cứu tinh" ra Huế ngay lập tức. Họ không để ý người chết. Họ để mắt tới những bức tranh nhất là bức tranh thiếu nữ áo lục. Họ gói ghém chúng cẩn thận. Chúng sẽ theo họ về bằng máy bay.
Khi hai người thận trọng tháo gỡ giấy bọc để trình bày với giới mua tranh kiệt tác cuối cùng của họa sĩ tài ba, họ kinh hoàng nhận thấy thiếu nữ áo lục đã mất mặt. Gương mặt diễm lệ, tươi tắn dường kia chỉ còn là một khoảng trống không đường nét, không mầu sắc, một khoảng trống thật tệ hại trong bức tranh đáng lẽ thật toàn bích.
Quế Hương
11-1992