[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/Sedona7.jpg?t=1172634092[/img]
Mẹ ! Những hòn đá trải đường
Mẹ Liễu , người đưa báo đêm
Những chiếc lá phong màu đỏ tươi, màu mơ ửng chín rực rỡ run run trên cành, bay la đà trong không, nằm im lìm bên lề đường hay chồng chất dướI gốc cây. Những chiếc lá hay cườI khúc khích trong sương mù, những chiếc lá thích thì thầm trong bóng đêm. Những chiếc lá đang rơi của mùa thu Seattle và những con đường vòng quanh co, những ngõ cụt, những dốc cao.
Một đêm thu, các ngọn đường thả ánh vàng trên con đường nhỏ ngoằn nghèo, len giữa những hàng phong, những hàng tùng bách cành lá xum xuê. Trong ánh vàng các hạt sương đùa giỡn vô tư. Dưới ánh lờ mờ ngọn đèn bên lề đường lối vào nhà lão Burger, con dốc nhỏ phủ lá rụng và những bực thang gỗ ướt sương khuya, một bóng đen bước ngập ngừng. Bóng đen ngừng một chút nghỉ mệt, ngước nhìn căn nhà tít trên cao, thở nhẹ rồi tiếp tục leo dốc. Cả khu phố đang say ngủ, chỉ có lá thu và sương đêm, chỉ có các ngọn đèn vàng , chỉ có các con dốc trơn trượt đang nghe bước chân nàng. Những âm thanh êm êm của những bước chân vững chãi, những âm thanh ngập ngừng của những bước chân e dè, những âm thanh hối hả của nhịp tim đập, những âm thanh của hơi thở nhẹ, của những lo âu, của sợ hãi cô đơn và của những lời cầu nguyện, xin đươc bình an trong đêm tối.
Đêm đầu tiên nghe bước chân nàng, những bước chân đầy ưu tư, các lá thu xì xào. Các chiếc lá vàng đang đong đưa trên cành, những chiếc lá chưa muốn bỏ cuộc vui, những chiếc lá còn sót lại của mùa thu, thấy bóng dáng nàng, chúng thì thầm: “ Tội nghiêp! Có lẽ đây là đêm đầu tiên nàng bỏ báo vùng này.” Chúng lao xao bàn tán, chẳng ai đeo đuổI nghề này hơn ba mươi ngày, ngay cả những cậu sinh viên mê môn điền kinh. Đường lộ khu này vòng vèo, ẩm ướt, lên đồi xuống dốc, nhất là dốc vào nhà lão Burger và mụ Mèo đêm khó ngủ. Lão Burger, nhà trên đồi, hơn 50 bực thang mới tới cổng. Lối vào nhà mụ Mèo đêm với những cây phong cổ thụ, lá rụng phủ lối đi, báo phải bỏ vào cái thùng gỗ bên hông nhà và phải thật nhẹ. Mụ có bệnh mất ngủ kinh niên, mụ nghe tiếng sương rơi, tiếng lá rụng, không biết phàn nàn cùng ai. Nhưng nếu mụ nghe tiếng báo rơi nặng, mụ có dịp trả thù bệnh mất ngủ của mình. Mụ sẽ gọi toà báo và có dịp than phiền vài mươi phút cho thoả lòng.
-Một giọng khác lên tiếng: “Trời tối quá, chiếu sáng hơn một tí đi”
Vài chiếc lá vàng nghe lời thúc dục vội vàng lià cành và bay la đà trong sương khuya như chỉ đường cho nàng.
-Một giọng khác có vẻ hài lòng:”Sáng hơn rồi.”
Chúng không hiểu tại sao, người đưa báo đêm là một phụ nữ. Phần lớn, người đưa báo đêm là các cậu trai trẻ hay đàn ông trong khu phố này.
-Nàng là ai.
-Nàng là ai
-Nàng là ai
Các chiếc lá thì thầm bàn tán sôi nổi vội im bặt khi nàng đi đến gần. Chúng nghe giọng nàng thì thầm cầu nguyện: “Xin Ngài thương xót. Xin Ngài thương xót.. .”
Liễu, tên nàng, một người tị nạn Viet Nam cư ngụ tại Seattle bang Washington. Sau 1975, chồng nàng bị chính quyên Viet Cộng đẫy vào cải tạo hơn mười năm. Thời gian chồng đi cải tạo, nàng bán hết dần đồ đạc trong nhà và nữ trang để nuôi chồng. Hơn mười năm trời, nàng tần tảo buôn bán nuôi các con còn nhỏ, đợi ngày chồng về. Sau những năm tháng bị đày đọa từ tinh thần đến thể xác anh trở về nhà mắt sâu hoắm , gò má nhô cao, xương xẩu. Anh chỉ đủ sức bước đến cửa nhà rồi nằm vật trên thềm cửa. Liễu chạy xuôi ngược buôn bán kiếm tiền chạy thày thuốc cho chồng. Anh khi tỉnh khi mê cho đến khi khoẻ lại anh ngồi hàng giờ nhìn vào khoảng không. Anh hay bẳn gắt, cọc cằn, hay lo sợ thái quá. Anh tuy có mặt trong gia đình nhưng không còn khả năng giúp nàng lo cho con cái.
Liễu với số ngoại ngữ nhỏ bé, với bốn con còn thơ dại. Nhìn con ngủ ngoan hiền, nhìn chồng ưu tư, Liễu chưa muốn bỏ cuộc. Vì tự do, vì tương lai của các con, Liễu phải can đảm hơn cho nên Liễu xin bỏ báo đêm, vừa không cần ngoại ngữ, ban ngày có thể săn sóc miếng cơm manh áo cho gia đình.
Thưở nhỏ sống cùng bà nội, Liễu cũng chẳng là đứa cháu duy nhất theo nội trên con xuồng ba lá, đem lúa ra nhà máy xay đó sao. Liễu sợ các con sâu bần, những con sâu róm lông dài, màu sắc kinh dị, nổi lềnh bềnh trên mặt sông, chỉ nghĩ chúng đụng da mặt, tay chân là con Liễu té lăn quay bất tỉnh rồi. Lòng thương nội già nua, không ai giúp đỡ, Liễu đi theo nội như một vị thần hộ mạng trong ý nghĩ con nhỏ Liễu. Còn bây giờ ở Mỹ, có cơm ăn nhà ở, Liễu còn lo lắng nhiều hơn, Liễu đang ở một nơi xa lạ. Nhiều lúc buồn cho những khó khăn, Liễu chỉ còn khóc, khóc cho thân phận mình, khóc cho nỗi bất hạnh của chồng. Nước mắt tuy có chuyên tải ít nhiều đau khổ nhưng thực tế vẫn hiện hữu trước mặt. Ừ thì mẹ lại sẽ là ba thay cho ba con không còn minh mẫn như ngày còn trẻ, ừ thì mẹ có ngại gì đêm tối, ngại gì những ngày đường ướt nước phủ đầy lá vàng mẹ té hoài, mỗi cái té đau điếng đến nỗi nước mắt cứ ứa ra cho mẹ thêm can đảm. Có những đêm tuyết rơi, một mình trên xa lộ vắng, mẹ chỉ còn trông vào Đấng Chúa Cứu thế, mẹ chỉ còn biết cầu nguyện, mẹ biết rằng Thượng Đế luôn luôn đoái thương các bất hạnh của con người.
Mẹ Phượng
Dáng người thanh thanh, giọng nói ngọt ngào và những bước chim khuyên. Phượng, một cô giáo trẻ dễ thương, con chim khuyên trong vòm trời đẹp của những năm tháng nàng có quê hương, nơi vùng biển ấm với cát trắng với nắng vàng và một trời đầy thương yêu mơ mộng. Những năm, những tháng trong dĩ vãng mỗi lần nghĩ đến nàng thấy mình đang được ôm trong chiếc võng đời êm ả cũ. Thời gian trôi nhanh như giòng nước lũ, nàng, một mảnh vụn lềnh bềnh trôi, thân phận các người nữ sống trong một quê hương, chiến tranh trở thành câu chuyện trong bàn ăn và đùa rỡn của các cô bạn trẻ. Ngày đó, nàng chưa biết sợ chiến tranh vì nàng đang thở, đang sống và đang mơ trong khung trời son trẻ, trong thế giới sách vở văn chương. Nàng đang làm bổn phận người chị dẫn đường cho các em nhỏ. Cái thế giới khói súng, các tiếng khóc nức nở hay thì thầm, một thế giới nào đó, xa xôi. Thỉnh thoảng nhìn các đốm lửa hoả châu cô đơn trên vòm trời đen, cô thầm nghĩ một ngày nào đó trong tương lai, chiến tranh cũng phải lùi bước cho cây được trổ chồi non, cho cỏ được xanh mướt màu mạ, cho trẻ nhỏ được cười tươi bên bờ vai rộng của cha anh. Phượng là chiến sĩ của niềm tin, của sự suy tưởng trung thực và của một thế giới nhân bản.
Một ngày tháng tư, 1975, giông bão đổ xuống cho muôn triệu người miền nam yêu mến tự do, Phượng không được làm cô giáo, mớ kiến thức văn chương sách vở trở thành kẻ thù của bọn ngu xuẩn xâm chiếm quê nàng, những kẻ chưa nhìn thấy ánh sáng văn minh nhân loại đang tự hào đổi giòng lịch sử, đào thải văn hoá của cha anh. Chúng đang đẩy lùi văn hoá Việt về trăm năm cũ, đọc chưa thông, dẫm các vết bùn đen trộn máu lên bực giảng, nhìn trò ngây thơ bằng các cặp mắt căm thù. Lịch sử thay đổi một trang sử buồn, văn hoá không được vun bồi, phải biết văn hoá, phải yêu văn hoá cùng nghĩa như yêu quê hương mới truyền giảng được văn hoá. Quê hương và văn hoá là một, bọn người mới này chỉ biết nói như két mà óc họ trống rỗng, vì tim họ chưa được một phút lắng nghe ca dao của mẹ, để được tim thả hồn theo mẹ Viet Nam. Nhưng trong tim cô giáo Phượng cô biết, lịch sử sẽ chuyển mình, một ngày nào đó, căm thù lui dần, trẻ thơ cũng sẽ tìm về nguồn cội, như các giòng sông vẫn phát nguồn từ các hạt nước nhỏ trên thượng nguồn. Cơn bão đời kéo dài miên man vô tận, con dốc đời cô rơi nhanh. Nhiều lúc cô giáo trẻ mường tượng về một tương lai xa xôi, trong một trường trung học nào đó trên quê hương cô, Việt Nam, cũng sẽ có cô giáo trẻ đứng trên bực giảng nhìn các cặp mắt màu hạt dẻ mở to đợi chờ, các đôi môi hồng xinh xinh và dịu dàng nói: các em nghĩ gì về Huyền Trân, về Bùi Thị Xuân, về Đoàn thị Điểm, về Hồ Xuân Hương, những nhân vật nữ trong văn chương và sử liệu...môi cô giáo trẻ sẽ mỉm cười mắt cô sẽ long lanh và nắng sẽ đẹp như thơ.
Cô giáo trẻ năm nao không có diễm phúc đứng trên bực giảng nhìn trò yêu nữa, đời Phượng rơi vào một khúc quanh mới, như một giòng sông đang đổi giòng, như một giòng sông không lối thoát, biến mất vào cát bụi thời gian. Cô giáo dẫn con ra biển đông cùng một khối trách nhiệm trên đôi vai gầy. Con nhỏ như chim trên giàng, chíp chíp các chiếc mỏ xinh xinh. Như chim mẹ, Phượng cho con một cái nôi đời đầy yêu thương, và cứ như thế ngày tháng trôi qua, thân thể mảnh mai của Phượng cũng theo tháng ngày mòn mỏi khô cằn.
.. .Những năm đầu họ hăm hở của kẻ thắng trận, dạy con cháu các điều lếu láo không tưởng. Lương tâm nhà giáo và lòng tự trọng không cho phép cô làm nghề giáo nữa. Tội nghiệp cho con cái mình, cha anh đi cải tạo không có ngày về, nhà cửa của mẹ cha được nhà nước giải phóng, không có chỗ ở, ăn bữa đói bữa no, không được học đạo đức, không có thầy cô có căn bản dạy dỗ, tương lai chúng sẽ ra sao. Từ ngày nước nhà mai một, các con nhỏ ra đời, cô thiếu dinh dưỡng thành sức khoẻ yếu dần trong những ngày sống trong cảnh nhà nước chiếm mọi thứ. Không những con người không có tự do, không có công ăn việc làm, không có miếng ăn. Sức khoẻ cô cũng cạn dần theo ngày tháng. Không gì khổ hơn một cuộc sống không tương lai, không hy vọng. Cô lo sợ con mình sống trong sự ngu dốt nếu còn ở Việt Nam, cô vượt biên, biết chết mà vẫn đi. Tàu cô lênh đênh trên biển, bị hải tặc cướp ba lần, không nước uống không thức ăn, không biết phương hướng, ghe nổi lềnh bềnh cho đến khi gặp hai vợ chồng già làm nghề đánh cá, dẫn ghe vào bờ. Mọi người bị đói và kiệt sức, cô không có sữa cho con bú, hai mẹ con kiệt sức nằm chờ chết trên con tàu lênh đênh ngoài khơi. Nhiều lần quá cô đơn, quá đau khổ, Phượng nhủ thầm…Trời ơi ! Tự do. Bao nhiều người phải trả một giá quá đắt. Phượng may mắn đến được bến bờ, còn bao ngươi không may, không làm mồi cho cá vì giông bão, cũng chết đói chết khát hay bị giết hoặc bị hải tặc bắt. Hoà bình bất đắc dĩ, và biển đông là con đường duy nhất cho người Việt đi tìm tự do.
.
Phượng đang đương đầu với các khó khăn trên quê người, Phượng đang vượt một đại dương mới, đang leo một con dốc cao không tưởng. Mỗi năm mùa tựu trường, những ngày đầu đến trường là những đêm mất ăn mất ngủ của mẹ, tiền đâu mua quần áo cho con, mua giầy dép, áo lạnh và sửa cái xe cũ. Phượng cho con tất cả. Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn ngủ, tất cả cho con. Cho mà không tiếc, cho một cách tự nguyện, cho một cách sung sướng, không phàn nàn hay ân hận.. .
Mẹ Cúc, cô giáo Việt Văn
Cô giáo Cúc viết, viết cho con cô, một quyển truyện duy nhất trong cuộc đời làm mẹ, làm vợ và làm người….Một người phụ nữ Viêt Nam trong những tháng ngày ngụp lặn trong giòng hồng thủy. Chỉ còn cô và con trên con sông đời vô tận.
Nhìn con không lớn, nhìn nắng mưa Seattle thất thường, cô sững sờ thấy rằng cô đang thở không khí tự do, cô không tưởng tượng nổi cô và con đang sống trên đất Mỹ. Cô giáo Cúc đôi khi mỉm cười nhìn ảnh chồng trên ban thờ, thủ thỉ cùng chồng những vui buồn nuôi con một mình trong đời cô.
Cô giáo Cúc dạy môn Việtt văn trường trung học Lê Văn Duyệt Gia Định trước 1975. Cô yêu văn chương từ lúc nào cô không nhớ nữa. Cô giáo Cúc, dáng người cao cao gầy gầy, cặp mắt to đen linh động với hàng mi cong mơ màng. Cô sinh trưởng tại miền nam, tính tình bộc trực ngay thẳng. Như bao người nữ miền nam, chồng cô một sĩ quan Quân Lực Viêt Nam Cộng Hòa. Chung số phận với bao người nam khác, anh bị đi cải tạo khá lâu. Cải tạo chỉ là hai chữ Việt Cộng dùng để đầy đọa người lính miền nam sau ngày hậu chiến. Những người lính này không có một quy chế tù nhân, cải tạo có nghĩa là đi tù muôn đời, hay nói cho cùng cho đến chết.
Thờ gian cô nuôi chồng trong trại cải tạo, các thứ trong nhà có giá, được bán ngoài chợ trời, nuôi con nuôi chồng cho qua ngày. Cô giáo Cúc bị xỉu nhiều lần trên bực giảng vì đói, đói đến mờ mắt, đói đến lê thân không nổi, đã thế từ ngày chủ nghĩa vô sản giải phóng miền nam, cô giáo Cúc phải học lối dạy học của các cán bộ đảng, phải truyền bá thơ văn của đảng và nhà nước. Những lời văn thô thiển, u tối, trình độ hiểu biết và học vấn của các cán bộ nhà nước quá kém, những người chỉ biết sử Việt bắt đầu từ 1945. Văn chương Việt được ưu đãi tối đa của các nhân vật chưa học hết lơp ba lớp bốn, mớ hiểu biết ngoài chuyện chửi rủa người miền nam ra thì bí tị, làm cô giáo Cúc tái tê. Không biết làm gì cho hả giận, oán đời, cô đợi đêm khuya, con cái yên giấc nồng, cô chửi tưới từ lớn tới nhỏ cho đỡ tức. Nhà nước dùng người, cũng như những kẻ tiểu nhân dùng người, cho các anh chị chân đi dép râu làm thầy, có dịp trả thù dân tộc, có dịp dạy trò cho biết rõ tội lỗi tổ tiên( những tháng ngày nhà nước trả thù dân tộc, những người miền nam là nạn nhân đáng thương hậu thế kỷ XX). Cô giáo Cúc không được mặc áo dài đi dạy học, vì mặc áo dài không vô sản chút nào cả, cô giáo phải mặc bà ba nâu, đen bạc mầu, đúng như nhà nước hưá khi giải phóng, mọi người sẽ bằng nhaư, đi đất như nhau, đói như nhau, dốt như nhau vân vân và vân nhưng chỉ có dân thôi còn các đảng viên là ưu Việt, đã là ưu Việt rồi phải ở các căn nhà của các đấng đang trong trại cải tạo. Vài năm sau nhà nước tỉ tê các cô giáo phải mặc áo dài cho đúng tư cách nhà giáo. Áo dài coi bộ duyên dáng hơn ba cái áo bà ba màu đen, màu vỏ già của nhân viên nhà nước những năm hớn hở tưởng đang cải tổ nền văn hoá đồi trụy của cô giáo, văn hoá của những người tạch tạch sè, những con người tiểu tư sản. Lúc đó cô giáó Cúc moi mấy áo dài thời thượng ra mặc, và được khen rất hợp thời trang, rất đẹp và rất cách mạng, rất đúng chỉ tiêu nhà nước. Cô giáo Cúc giật mình cho cuộc đổi đời, chế độ cũ tuy không hoàn hảo nhưng con người có lòng nhân, có tự trọng và nhất là có công ăn việc làm. Cô không ưa bọn nhà giàu lũng đoạn thị trường, ngồi trên đầu trên cổ dân lành, nhưng khi bọn nghèo túng lên làm chủ, dân còn khổ và nghèo đến triệu triệu lần, đến nỗi ngay cả cột đèn nếu chúng biết đi cũng chạy ra biển Đông. Nhìn con đói, nhìn chồng bịnh hoạn, nhìn số phận mình hẩm hiu, cô tự hỏi, quê hương cô ngàn đời yêu mến đâu rồi nhỉ. Cô có cảm tưởng cô sống trong một nước ngoại quốc nào đó, tiếng nói khác lạ, cách cư xử khác lạ, tư tưởng khác lạ nhìn đâu cũng thấy mắt đẫm lệ, nhìn đâu cũng thấy căm thù, nhìn đâu cũng thấy điêu tàn.
Một tháng trước ngày gia đình được chấp nhận vào Mỹ, người bạn đời của cô qua đời vì được các anh em nhà nước giải phóng từ tinh thần đến thể chất. Chôn cất chồng rồi cô giáo muốn ở lại quê hương, nhưng cô hứa với người bạn đời sẽ đem con qua Mỹ cho chúng nên người. Cô nghĩ đời mình đã hết nhưng còn các con nhỏ, tương lai mờ mịt, đảng và nhà nước chỉ lo cho đám con cháu của họ. Hơn bao giờ hết cô giáo biết học vấn, sự hiểu biết rất cần cho con mình, cho dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Cô giáo sống trong lo âu thù hận đã lâu, cho nên biết rằng dấn thân vào cuộc đời mới trên qưê hương mới cũng chỉ là một cuộc đổi đời mới với tiếng nói lạ, với tư tưởng lạ, nhưng con và mẹ sẽ có các giấc ngủ êm đềm trong căn nhà ấm, mẹ con sẽ có các bữa ăn đầm ấm bên nhau.
Hơn mười năm sống dưới chế độ giải phóng, cô bị bệnh nhức đầu kinh niên và những ám ảnh điên người, đến Mỹ rồi cô vào nằm bệnh viện. Ở Mỹ hơn năm năm, đời cô giáo êm đềm, cô có cháu ngoại, thế giới cô rộn ràng tiếng khóc trẻ thơ. Cô không còn thời giờ nhìn bức hình người chồng khuất núi, thì thầm chia xẻ nỗi vui buồn của gia đình cô, cô không viết thêm cuốn thứ hai, cô cảm tạ Thượng Đế cho cô trong tuổi xế chiều những ấm áp hạnh phúc của tình người trên quê hương mới.
Bạn tôi, những người tị nạn Cộng Sản Viet Nam và thu Seattle năm 2000.