Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Y Phục Thời Lĩnh Nam - Trần Ðại Sỹ
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, January 9, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Y Phục Thời Lĩnh Nam (Triều đại vua Trưng)

Trích phụ lục Ðộng đình hồ ngoại sử, 3 quyển do Nam Á
Paris xuất bản. Tái bản lần thứ nhất (2000).

Yên tử cư sĩ Trần Ðại Sỹ.
trandais@MicroNet.fr

Trong khi khởi thảo viết bộ Anh hùng Lĩnh nam, vào ngày 10 tháng
ba Mậu thân (1968) một trong những vấn đề làm tôi bận tâm
là y phục hồi ấy ra sao? Ðiều này đưa đến việc cần tìm
hiểu văn minh của người Việt trong buổi bình minh lịch sử.
Ðọc trong kho tàng văn hóa Việt nam, không thấy thư tịch nào
nói đến. Hỏi thăm những bậc thức giả, mười vị thì đủ
mười đều lắc đầu. Thảng hoặc có vị cho vài lời khuyên.

Một vị khuyên rằng:

- Nên theo y phục những năm trước đây, người ta cho các thiếu
nữ trung học Trưng vương, Gia long tại Sài gòn đóng vai hai bà
Trưng, vào ngày phụ nữ hay ngày giỗ vua Trưng.

Một vị khuyên:

- Cứ cho mặc áo dài, khăn đóng vành vàng, khóac ngoài lớp sa
mỏng trắng, quần trắng, đi hài là được. Ðem ý kiến ấy
hỏi một vị khác, lập tức vị này bác bỏ:

- Không được. Như vậy là đầu gà đít vịt, chẳng ra thể
thống gì. Bởi chiếc áo dài đó phỏng theo áo Le Mur mới chế ra
vào thập niên 1930, rồi biến hóa đi. Khi áo Le Mur vào đến
Huế, lại có màn tân cổ giao duyên thêm chiếc khăn với cái áo
choàng ngòai. Y phục ấy đâu phải y phục thời Trưng vương. Quần
đó là quần tân thời không phải quần của người Việt xưa.

Một vị khác khuyên:

- Bà Trưng quê ở Bắc Ninh, Sơn tây, chắc hồi ấy mặc quần
đen, áo búi que, đầu đội khăn vuông mỏ quạ như con gái Bắc
ninh đầu thế kỷ này.

Lập tức vị khác nhăn mặt:

- Bậy! Phụ nữ Việt nam mặc quần chỉ mới có từ thời
Nguyễn. Trước kia các cụ bà mặc váy. Trong văn chương bình
dân chẳng từng có câu:

Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãy hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Ði thì ăn cướp quần chồng sao đang.

Như vậy từ triều Nguyễn về trước đàn ông mặc quần, đàn
bà mặc váy. Loại váy này cho đến năm 1947 1948 ở nông thôn
vẫn còn tồn tại. Còn áo dài ư? Từ triều Nguyễn về trước
phụ nữ Việt nam mặc áo tứ thân, thắt khăn vòng qua bụng, nút
ở ngang hông. Gái chưa chồng thì nút ở bên phải. Gái có chồng
thì nút ở bên trái.

Ðại loại, những ý kiến như thế được đưa ra. Nhưng không ý
kiến nào có luận cứ vững chắc. Có vị khuyên:

- Anh viết tiểu thuyết, thì giống như vẽ ma, vẽ qủi, muốn tả y
phục thời ấy thế nào mà chẳng được.

Ý kiến này phụ thân tôi gạt thẳng:

- Lịch đại văn học Việt nam chưa có vị nào chịu bỏ thời giờ,
chịu bỏ cả đời ra viết lịch sử tiểu thuyết trường thiên.
Nay con là người đầu tiên viết. Con viết vì muốn làm sáng tỏ
hào khí anh hùng dân tộc. Con viết vì muốn trả nợ tổ tiên.
Ông kỳ vọng vào con. Bố kỳ vọng vào con. Con phải học hỏi những
gì của người đi trước. Tại sao bộ Tam quốc chí của La Quán
Trung lại thành công hơn các bộ Phong thần, Ðông Chu liệt quốc,
Tây Hán, Ðông Hán, Thuyết Ðường, Chinh Ðông, Chinh Tây? Một
là văn La diệu hơn văn các vị kia. Hai là La đi sát lịch sử,
sát với sự thực, nên được tin tưởng hơn. Gần đây, Kim Dung
thâu thái cổ nhân, thêm vào nghệ thuật Tây phương mà thành
công. Kim Dung chỉ đặt tác phẩm vào hoàn cảnh lịch sử, mà
không viết lịch sử tiểu thuyết. Con đi sau tất cả bằng ấy
người. Con có cái kiến thức Trung quốc ngang với họ, con lại
có kiến thức Tây phương sâu xa. Con hơn họ ở điểm con được
luyện võ từ nhỏ, nay đến trình độ đáng kể. Con hơn hẳn họ
ở điểm con học tới trình độ cao nhất của y học đông lẫn
tây... Con cần viết sao cho tác phẩm không đi vào chỗ qúa
đáng như ma trâu, đầu rắn. Con nhớ rằng, một lời con viết
là Trưng vương nói, là Hưng Ðạo vương nói. Tuyệt đối không
nên, không thể bịa đặt qúa đáng. Không tìm ra y phục thời vua
Trưng chắc chắn, thì tìm lấy một nét có thể bấu víu được,
là quần áo các bà hầu bóng ngài. Hay hãy tìm trong y phục cổ
Việt nam, lấy một loại quần áo cổ điển nhất, rồi phong cho
làm y phục thời vua Trưng là được rồi, việc gì phải qúa câu
nệ.

1. TÌM DẤU VẾT Y PHỤC THỜI VUA TRƯNG.

Thói quen của thuật giả khi gặp vấn đề nan giải là tắm rửa
sạch sẽ, đến trước Bảo điện đọc kinh Bát nhã, rồi nhập
Thiền. Sau khi Thiền, nhắm mắt tưởng tượng. Trong tưởng
tượng đó, thấy gì hiện ra, tùy nghi giải quyết. Bởi vậy,
đối với việc tìm tòi về y phục thời Lĩnh nam thuật giả
nhập thiền ba lần, đều thấy vua Trưng mặc một thứ y phục
rất khác lạ với y phục Trung quốc và Việt nam, nhưng lại rất
quen thuộc.

Trong dịp giỗ vua Trưng năm 1969, thuật giả chở mẫu thân đi phụ
giúp bà bạn hầu bóng hay nói nôm na là lên đồng vua Trưng. Khi
bà mặc quần áo, về đồng uy nghi mà đẹp vô cùng, thuật giả
mới bừng tỉnh: + Mình đáng chết thực, thì ra từ nhỏ, mình
thấy hình bóng, y phục vua Trưng qua các bà đồng, cho nên trong
lúc nhập thiền, y phục đó hiện lên.

Kỷ niệm về thời thơ ấu sống lại mãnh liệt. Ðền thờ hai
bà bao giờ cũng có tượng, trong tư thế ngồi, mặc quần áo,
đầu đội khăn. Tượng đặt phía sau màn. Chỉ quan khách đặc
biệt, mới được phép mở màn chiêm ngưỡng tượng hai bà. Hai
bên bệ thờ, còn có tượng của mười hai nữ đại công thần,
cũng mặc quần áo, đầu đội khăn. Nhiều đền chỉ thờ có
sáu nữ đại công thần mà thôi.

Mười hai nữ đại công thần là:

1. Minh từ Hoàng thái hậu Hoàng Thiều Hoa.
2. Tể tướng Nguyễn Phương Dung.
3. Tư đồ, Công chúa Phùng Vĩnh Hoa.
4. Bình Ngô đại tướng quân, Công chúa Nguyễn Thánh Thiên.
5. Ðại Ðô đốc, Công chúa Gia Hưng Trần Quốc.
6. Trấn Bắc đại tướng quân, Công chúa Phật Nguyệt.
7. Trấn viễn đại tướng quân, Công chúa Tây vu Hồ Ðề.
8. Trấn đông đại tướng quân, Công chúa Ðông triều Lê Chân.
9. Uy viễn đại tướng quân, Công chúa Bát nàn Vũ Trinh Thục.
10. Long nhương đại tướng quân, Công chúa Yên lãng Trần Năng.
11. Ninh viễn đại tướng quân, Công chúa Ðăng châu Ðào Phương Dung.
12. Tổng trấn Luy lâu, Công chúa Khâu ni Quách A.

Hồi ấy, cứ đến ngày mùng sáu tháng hai âm lịch, tại các đền
thờ vua Trưng, ban trị sự đền tổ chức lễ tắm tượng, để
chuẩn bị cho ngày Thánh hóa. Lễ tắm tượng được tổ chức
theo nghi lễ cổ truyền như sau:

Công việc tắm tượng được trao cho một cụ bà, đạo cao đức
trọng. Trước ngày tắm tượng, bà phải trai giới ba ngày, tắm
rửa sạch sẽ. Sáng ngày sáu tháng hai, bà mặc áo dài đỏ, cùng
với ba đồng nam, ba thiếu nữ bưng nước ngũ vị hương, dùng
lụa mới tắm tượng. Năm mười một tuổi, thuật giả cũng
hưởng ơn huệ bưng nước ngũ vị hương tắm tượng vua Trưng
cùng mười hai nữ đại công thần. Vì vậy được thấy tường
tận y phục các ngài. Y phục đó giống hệt y phục các bà lên
đồng mặc, khi vào gía vua Trưng. Ðặt vấn đề, ai đã may
quần áo mặc vào tượng vua Trưng cùng mười hai đại công
thần? Người may căn cứ vào đâu, để may loại y phục như
vậy? Một lần thuật giả đem vấn đề đó đặt ra với các
vị trưởng thượng. Các vị đó đều cho ý kiến. Nhưng ý kiến
của giáo sư Nguyễn đăng Thục có tính chất trung dung, thuật giả
xin ghi lại:

- Sau khi bà Trưng nhảy xuống sông Hát giang tự tử, mười hai
nữ đại công thần vị quốc vong thân.Người đương thời đã
lập đền, tạc tượng thờ. Dĩ nhiên họ phải may quần áo giống
như hồi sinh tiền các ngài đã mặc. Ðền thờ sau này tuy có
trùng tu, xây mới, nhưng không ai có can đảm may loại y phục khác
với y phục trên tượng các ngài. Vì vậy, y phục trên tượng
các ngài là y phục thời Lĩnh nam. Còn các bà đồng, khi các bà
hầu bóng, bao giờ cũng may y phục giống như y phục mặc trên
tượng. Kết lại y phục trên tượng bà Trưng với mười hai nữ
đại công thần được coi là đúng nhất với y phục phụ nữ
hồi đầu thế kỷ thứ nhất.

Thế là thuật giả căn cứ vào y phục trên tượng vua Trưng cùng
mười hai nữ đại công thần mà tả y phục phụ nữ thời Lĩnh
nam. Nhưng chỉ tuân theo loại quần áo mà không tuân theo mầu
sắc. Về mầu sắc, thì lại theo sử, hoặc theo các cuốn phổ
lưu truyền. Như y phục của bà Hoàng Thiều Hoa, thường mầu
vàng. Y phục của Hồ Ðề thì theo người Mường, mầu tím. Y
phục của bà Nguyễn Phương Dung, Phùng Vĩnh Hoa thường mầu
trắng v.v.

Về cờ của Lĩnh nam với Hán, thời bấy giờ mang mầu gì? Tìm
mầu sắc cờ Hán, phải trở lại bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.
Trong đooạn Lưu Bang luận bàn với Trương Lương nên dùng mầu
gì. Trương Lương đưa ý kiến nên dùng mầu đỏ. Lưu Bang kinh
ngạc hỏi rằng Hán ở phương tây thuộc kim. Mầu đỏ thuộc hỏa.
Hỏa khắc kim, nếu dùng mầu đỏ thì chẳng hóa ra mình khắc hại
mình ư? Trương Lương giải thích rằng: Hán ở phương tây
thuộc kim. Kim cần hỏa mới luyện thành khí. Kim không hỏa thì
không thành. Vì vậy ta mới dùng cờ mầu đỏ. Khi vua Quang Vũ
nhà Hán phất cờ trung hưng, nối tiếp sự nghiệp tổ tiên,
vẫn dùng cờ đỏ.

Còn cờ Lĩnh nam? Không một bộ sách nào ghi lại. Chúng tôi tạm
theo cờ của đền thờ vua Trưng, nền mầu vàng, viền ngòai
đỏ, và tua mầu xanh. Theo cuốn phổ ở đền thờ Giao long nữ
thuộc Hổ môn Quảng đông tả trận Lãng bạc. Thủy quân Hán bại,
bỏ chạy, từ xa, hễ thấy thuyền nào kéo cờ vàng là vứt vũ
khí trốn chạy. Vì vậy trong tòan cuộc khởi nghĩa của vua
Trưng, chúng tôi tả cờ Lĩnh nam mầu vàng.

Từ đấy, thuật giả cặm cụi viết, và vấn đề y phục thời
Lĩnh nam không nhắc đến nữa. Bẵng đi hai mươi năm, không đem
ra bàn cãi. Cho đến cuối năm 1986, khi trao bản thảo bộ Anh hùng
Lĩnh nam cho nhà xuất bản Nam á. Vấn đề y phục của vua Trưng
lại được đặt ra. Anh Mai Trung giám đốc nhà xuất bản Nam á
muốn chọn một trong các bức danh họa đã có sẵn về vua bà,
làm bìa. Thuật giả nghiên cứu trong hơn bốn mươi bức tranh vẽ
cũng như sơn mài làm trước 1975, sau 1975. Trong hơn bốn mươi
bức đó, y phục hai bà Trưng chia làm ba loại khác nhau:

- Loại thứ nhất, phỏng theo y phục các thiếu nữ mặc, khi đóng
vai hai bà Trưng trong ngày phụ nữ, vào khỏang 1956-1963. Trong đó
có bức tranh của họa sĩ Phạm Hòang, đã được chọn để làm
bìa cho bộ Anh hùng Lĩnh nam.

- Loại thứ nhì, quần trắng, áo dài "Le mur" mầu vàng, không
thắt lưng, choàng ngòai một lớp "sa" mỏng, mầu trắng, chân đi
hài, đầu đội khăn vành.

- Loại thứ ba, đầu chít khăn mầu, quấn ngòai một giải khăn,
để xõa xuống lưng. Áo dài hơi giống áo tứ thân, cổ chòang
khăn phủ xuống đến vai. Ngang lưng thắt khăn, nút sang một bên
hông. Vua Trưng thì nút ở bên trái, bà Trưng Nhị thì nút ở bên
phải, quần hơi giống quần phụ nữ thời nay. Chân đi giầy,
lưng đeo kiếm.

Sở dĩ chúng tôi chọn tranh của Phạm Hoàng làm bìa, vì biết chắc
rằng, hồi quyết định y phục cho các thiếu nữ trường Trưng
vương, Gia long đóng vai hai bà, ban tổ chức có tham khảo ý kiến
của ban trị sự hội tôn kính Trưng vương. Trong hội này, có rất
nhiều "lính" hay "ghế" của hai bà. Sau khi bàn đi, tính lại, dung
hòa ý kiến, ban tổ chức đưa ra y phục trên, hơi giống y phục
của tượng hai bà, sau đó canh tân đôi chút.

Một lý do khác nữa khiến chúng tôi chọn tranh ấy, vì trước
mắt dân chúng Việt nam, dù muốn, dù không, loại y phục đó đã
thành quen rồi. Tiểu thuyết, khác với lịch sử. Sử cần đúng,
cần thực chính xác. Tiểu thuyết cần quen với quần chúng. Khi
loại y phục đó quen với quần chúng, thì tự nó đã thành tiểu
thuyết rồi.

Có thân hữu nêu ý kiến, nên cho người về Việt nam chụp hình
đền thờ vua Trưng ở Ðồng nhân, Hà nội, hoặc chụp hình
tượng hai bà trong đền để làm hình bìa. Bấy giờ là thời
gian Việt Nam cón đóng kín cửa, mọi chụp hình đều phải xin
phép. Việc này không ổn, vì khi nhờ, phải nhờ Việt kiều về
thăm Hà nội chụp. Lỡ ra bị lộ ra ngòai rằng về để chụp
hình để in sách ở ngoại quốc, thì người chụp hình khó tránh
khỏi rắc rối, lôi thôi.

Ghi chú tái bản lần thứ nhì. Năm 1993, tôi về Việt Nam công
tác cho Liên hiệp các viện bào chế Abu châu (Coopérative Euopéenne
pharmageutique, viết tắt là CEP), lợi dụng dịp này tôi đến lễ
tại đền thờ vua Trưng ở quận hai bà Trưng, thì thấy y phục
trên tượng ngài cùng 6 nữ đại công thần giống như y phục
các bà hầu bóng các ngài.

Ðến đầu năm 1988, giữa anh Mai Trung với thuật giả thảo luận
về việc chia cuộc khởi nghĩa của vua Trưng làm ba giai đoạn.
Giai đoạn một vẫn để nguyên tên là Anh hùng Lĩnh nam từ quyển
một đến quyển bốn. Giai đoạn hai từ quyển năm đến quyển
bẩy, đặt tên là Ðộng đình hồ ngoại sử. Giai đoạn ba, từ
quyển tám đến quyển mười, đặt tên là Cẩm khể di hận. Khi
quyết định như vậy, đương nhiên hình bìa phải thay đổi.

Hình bìa bộ Ðộng đình hồ ngoại sử nhờ họa sĩ Phạm Ðình
Tín vẽ. Khi họa sĩ vẽ xong, thuật giả xem y phục bà Phật Nguyệt
đứng trên chiến hạm, thấy giống hòan toàn y phục của các bà
mặc khi hầu bóng vua Trưng. Thuật giả có hỏi họa sĩ Tín về lý
do nào ông lại vẽ y phục như vậy? Ông nháy mắt, rồi cười tủm
tỉm trả lời:

- À, thì tôi đã thấy nhiều lần rồi.

Thuật giả hiểu, trong cuộc đời gần bẩy mươi năm của ông.
Ông đã từng được xem lên đồng, các gía về vua Trưng, Hoàng
Thiều Hoa, Trần Quốc, cho nên ông vẽ y phục ấy giống như vậy.

2. TÌM DI TÍCH TRONG BẢO TÀNG VIỆN.

Ngày 20 tháng 12 năm 1989, tôi có công tác y học, phải đi Vân nam.
Khác với những lần trước, muốn đi Vân nam, phải đến Bắc
kinh, rồi đổi máy bay đi Côn minh. Lần này, có đường bay mới
từ Vọng các đi thẳng Côn minh. Tôi tới Vọng các, rồi đổi máy
bay đi Côn minh. Vừa đi, vừa về giảm đường dài được mười
hai nghìn cây số, thành ra thời gian công tác dư năm ngày. Các
bạn đồng hành lập tức trở về Vọng các tắm hơi, hoặc vào
nhà hàng No hands để được các cô Thái xinh đẹp đút cơm, mớm
thức ăn cho. Tôi thì tôi lợi dụng thời gian đó sang Ngô châu,
Liễu châu thuộc Quảng tây và Quảng châu thuộc Quảng đông để
tìm tài liệu, di tích lịch sử Việt Nam. Tại các bảo tàng viện
di tích văn hóa cổ ở đây, tôi tìm được được nhiều ánh
sáng về y phục thời vua Trưng.

Trong bốn viện bảo tàng Côn minh, Liễu châu, Ngô châu, và Quảng
châu, các công trình khai quật những ngôi mộ cổ, cũng như tranh
khắc ở các thạch động, trống đồng, vào thế kỷ thứ nhất,
cung cấp cho tôi giả nhiều chi tiết quan trọng về y phục thế kỷ
thứ nhất. Dưới đây, tôi trình bầy các ảnh chụp y phục của
các vùng vào thời vua Trưng và thời Ðông hán:

- Lạc dương, kinh đô nhà Ðông Hán.
- Liêu đông, vùng phía đông Trung quốc.
- Vân nam, Quảng tây, Quảng đông, lãnh thổ Lĩnh nam.

Qua các hình, cho chúng ta thấy, y phục ba tỉnh trước kia thuộc
lãnh thổ Lĩnh nam hoàn khác biệt với y phục thuộc lãnh thổ
Hán. Khác biệt đến độ gần như trăm phần trăm. Mà y phục
đó giống y như y phục trên tượng vua Trưng cũng như của các bà
lên đồng mặc khi hầu "giá" các anh hùng thời Lĩnh nam.

3. KẾT LUẬN.

Tôi không chép sử, không thể và không bao giờ có ảo vọng viết
sử. Tôi chỉ viết lịch sử tiểu thuyết. Tuy y phục thời Lĩnh nam
không phải là yếu tố quan trọng, nhưng khi tả y phục các ngài
cũng không thể cho các ngài mặc quần đen, đội khăn vuông mỏ
quạ như vậy thì chẳng khác gì cho các ngài mặc jean, nhảy disco.
Tuy nhiên nếu muốn cho vua Trưng mặc váy, áo búi que, đầu chít
khăn vuông mỏ quạ như các cô gái Bắc ninh hồi trước 1945, trong
giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa năm 39 sau Tây lịch thì cũng còn
có thể cãi được rằng: khi bà Trưng mới khởi nghĩa, bà mặc
quần áo giống như thôn nữ, để hòa đồng với mọi người
thì cũng được. Mấy năm trước đây, một phong trào tự xưng
là tranh đấu ở hải ngoại, đã cho cờ của quân Tây sơn mầu
vàng. Vua Quang Trung thì mặc giáp trụ giống như giáp trụ của Tôn
Sĩ Nghị. Rồi phong trào ra nghiêm lệnh cấm dùng bất cứ cờ
nào khác. Hôm làm lễ ra mắt phong trào, có mấy đứa trẻ con
hơn mười tuổi tham dự, chúng cãi rằng cờ của vua Quang Trung
mầu đào và ngài mặc quần áo nâu sồng như trai thôn quê, vì
căn cứ vào bài Ai tư vãn của công chúa Ngọc Hân sau được phong
Bắc cung hoàng hậu, khóc ngài:

Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước, biết bao công trình.

Vì dốt nát, bị trẻ ngây thơ hỏi, lòi đuôi chồn, thay vì người
ta giải thích cho chúng, thì lại xua đuổi chúng ra, bảo chúng là
Việt cộng con. Buồn thực.

Viết tại Paris ngày giỗ thứ 1947 vua Trưng, (1990)

Yên tử cư sĩ Trần Ðại Sỹ
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.