Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Lời Tựa Diệu Tần
1. Đây là tác phẩm đầu tay của một cây viết nữ rất khiêm nhường. Ấu Tím là bút hiệu của Như-Hoa họ Chu. Tôi có giục tác giả là nên cho in thành sách rồi ra mắt với bạn đọc bốn phương, nhưng Ấu Tím chỉ muốn làm e-book. Ấu Tím khiêm nhường ở tính tình, nếu có hỏi ý nghĩa của Ấu Tím, một bút danh rất ô mai rất học trò. Như Hoa cười tiết lộ: tôi tròn đầy trong đối xử với mọi người, chín bỏ làm mười. Còn màu tím? Tôi rất ưa màu tím, tím hoa sim, hoa cà và tím của củ ấu có hai mũi nhọn. Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi thương yêu, tha thứ cho nhau hai chiếc gai nhọn đó biến đi.
À ra thế! Bản chất khiêm tốn, nhưng tôi xem ra tài năng chẳng nhường ai. Ấu Tím ngâm thơ, hát, hò giọng miền Nam, múa rất có nét.
2. Hẳn nhiên là Ấu Tím còn có năng khiếu viết văn. Cùng với Linh Vang ở tây- bắc Hoa Kỳ, hai người trong nhóm chủ trương tuyển tập “Phụ Nữ Việt”, đã ra được hai số năm 05 và 06, đang chuẩn bị tập năm 2007. Tuyển tập này quy tụ được các cây bút đã thành danh ở hải ngoại như Linh Bảo, Lê Thị Nhị. Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Vũ Thị Điềm Đạm, Mai Ninh, Sương Mai… ở Mỹ, ở Âu Châu. Tại Bắc Cali, tác giả âm thầm sinh họat văn nghệ với nhóm Trưng Vương, Sương Nguyệt Anh, cựu sinh viên Võ Bị. Ấu Tím có truyện đăng trên tạp chí Nguồn, Văn, Văn Học, bài thường xuyên cho tuần báo Việt Times, những tiểu khúc văn đầy nữ tính, rất nữ sinh.
3. Tác giả tuy không còn là nữ sinh, nhưng đọc hết 20 truyện ngắn của tác giả sẽ thấy nổi bật hai tính chất này trong văn phong Ấu Tím: nữ tính và hoài niệm tuổi học trò. Tác giả sinh ra ở miền Bắc nhưng lớn lên và trưởng thành ở miền Nam. Do đó Ấu Tím khi viết theo giọng Sè Goòng thì rất miền Nam. Cũng như khi người đa tài này cất tiếng hò, thính giả nhận ra là giọng rất sông Tiền, sông Hậu. Xen vào những chuyện kể mảnh đời thơ ấu hoặc trưởng thành “bắc kỳ di cư ”, người đọc thấy có ba truyện rất miền Nam, đó là “Đọan Cuối Tình Yêu”; “Bướm Vàng Đậu Ngọn Mù U” và “ Những Mảnh Tình Vắt Vai”.
4. Đây là những ký ức, hoài niệm từ nữ sinh áo cánh, kẹp tóc, đánh chuyền cho đến tuổi tóc xõa, áo dài tha thướt, “anh theo Ngọ về”, những cuộc tình vui buồn, dang dở, đau khổ, trái ngang mà vai chính là phụ nữ. Đây không hẳn là những tờ lưu bút ngày xanh mà là những lời văn đã tới, đã đạt. Không tác giả phái nam nào diễn tả tâm thức, tâm trạng phái nữ bằng tác giả phái nữ. Chuyện tình cũng thế, niềm hạnh phúc, nỗi đau khổ, niềm uất ức, phụ nữ nuốt vào trong. Đàn bà tế nhị chi ly hơn nhiều. Anh đâu có biết em thích ngửi mùi thuốc lá của anh, em rất ưa hơi đàn ông của anh, trong khi các anh chỉ biết ca tụng hương thơm trên mái tóc dài hay chê người ta không có thân hình đẹp, không có mắt huyền. Anh đâu có hay đàn bà không ưa lối uống trà ừng ực, xúc miệng sùng sục, thiếu lịch sự và mỹ cảm nhiều lắm.
5. Có lẽ những hoài niệm đáng ghi nhớ nhất trong đời một phụ nữ là những năm còn bé cắp sách đến trường và những cuộc tình duyên đã trải qua. Yêu ai yêu cả một đời…Nhớ quá đi thôi, nhớ suốt đời, nhớ cho đến khi nhắm mắt. Khi đã thành gia thất chỉ còn là trách nhiệm, bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm bà nội bà ngoại. Đàn ông không như thế, không nhớ nhiều lắm về tuổi thơ, có khi còn cáu kỉnh khi ai nhắc lại chuyện thủa nhỏ của mình. Chuyện tình thì vô trách nhiệm, lại coi như lập thành tích, một cuộc rong chơi thích thú. Như tác giả nói qua Lời Ngỏ chỉ muốn người đọc cười khóc cùng tôi. Tôi nghĩ rằng những chuyện kể ở đây rất ít hư cấu, thuật lại khá trung thực, bởi đó rất có thể là hồi ký của chính người viết, và ôn lại chuyện cũ của các bạn gái.
6. Điểm vào đó không phải là chỉ có chuyện nữ sinh, chuyện tình ái. Ấu Tím là chứng nhân của những thời 60, 70, 80 ở Sài Gòn và 90 ở ngòai nước cho đến ngày nay. Trong bối cảnh lịch sử, xã hội, nỗi bất hạnh của đất nước, phụ nữ gái thời loạn khổ lắm. Người tình quân nhân đưa đón em tại trường, người chồng yêu thương bị chết trận, người cha chết bó chiếu trong trại tù cải tạo, những cái ngu dốt, độc ác của lũ người thắng trận. Rồi những dòng hồi ức ngày 30 tháng Tư năm đó…Những tiếc nuối, ân hận, những hứng chịu những kỳ thị, bất công. Người con gái thèm áo cưới, thèm nghe tiếng trẻ con khóc… nhưng hoa trong biển lửa, ước mơ nhỏ, bình thường, giản dị không bao giờ thực hiện nổi.
7. Tôi chọn “ Một quãng xuân thì” là truyện gây xúc động nhất. Cô gái nhà nghèo ngoan đạo, hiền lành, chăm chỉ,quanh năm suốt tháng vất vả nuôi tằm quay tơ, hái trà hai bàn tay cứng và xưng đỏ lên. Cô lạc lõng cô đơn nơi hẻo lánh. Không có người đàn ông nào tìm đến với cô. Cô không có tình yêu, không ai yêu cô và cô chưa yêu ai. Nhưng cô phải tự nhận lấy thiên chức làm mẹ, cô cần một đứa con, cô yêu thương trẻ con. Người đàn ông vô danh và vô trách nhiệm bỏ đi, còn lại cô quằn quại dưới roi đòn, xỉ vả của bà mẹ ngoan đạo, nhưng ác với con gái có chửa không chồng. Thân phận phụ nữ thật đúng như câu thơ: Tôi làm con gái, buồn như lá cây.
8. Tuy chỉ mới đặt bàn viết ít lâu nay, Ấu Tím đã tỏ ra có bản lĩnh viết văn và có triển vọng tiến rất xa. Bởi Ấu Tím viết với tất cả tấm lòng chân thật, không làm dáng, làm điệu. Những câu chuyện, những mảnh đời đã kể là những bi kịch. Mong sao những tác phẩm kế tiếp tác giả sẽ lạc quan hơn, sẽ có nhiều hoa, bướm, tin yêu hơn. Trong Lời Ngỏ tác giả nghĩ rằng viết ra chỉ Có gió nghe và có mây hiểu chuyện. Không phải thế đâu, Ấu Tím khiêm nhường quá đấy thôi. Gió sẽ đưa hơi văn , đưa tâm sự tác giả đi khắp nơi, mây sẽ chuyên chở lời gửi gấm chân thành của Ấu Tím đến bốn phương trời tới tay người đón nhận, người đọc sẽ cảm thông và yêu qúy tác phẩm đầu tay này.
|