Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Người Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại sau 30 năm
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, January 4, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Khuôn Mặt Người Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại sau 30 năm

Thursday, December 09, 2004 Nha~ Trân




Mô tả cho thật đúng, thật đầy đủ, thật điển hình, khuôn mặt chung của người phụ nữ Việt Nam hải ngoại ở thời điểm này, quả là một vấn đề quá khó và quá phức tạp.

Tất nhiên người phụ nữ được đề cập đến, được đem ra mổ xẻ và đưa lên khung hình thường phải là người phụ nữ có mẫu số chung về nhiều khía cạnh, đại diện cho đa số trong cộng đồng người Việt hải ngoại qua nhiều đợt di tản kể từ 1975, bao gồm được mọi thành phần phụ nữ với mọi trình độ văn hóa, mọi nguồn gốc xuất thân và từ những bối cảnh xã hội có khi hoàn toàn khác biệt. Để có thể đưa ra một khuôn mặt tiêu biểu có tính tổng hợp khái quát như thế, việc tìm kiếm thật không dễ. Những vấn đề mà chị Đào thị Hợi hay chị Dương Nguyệt Ánh quan tâm thì có lẽ chị ABC đang làm công việc assembly ở một xí nghiệp lao động Mỹ hay chị XYZ ngày đêm cong lưng bên cái máy may, trong một căn gara đóng kín cửa, sẽ không thấy chúng dính dấp gì tới họ cả.

Xã hội Mỹ, trong một trật tự ổn định hàng trăm năm, đã đi đến việc tiêu chuẩn hóa đời sống và con người. Việc tiêu chuẩn hóa người phụ nữ trong cộng đồng Việt Nam có lẽ phải chờ đến lớp tuổi trưởng thành trong thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta hôm nay, để chuẩn bị hay hình thành cái tiêu chuẩn ấy, là sự lựa chọn một trong ba thái độ:

1/ HỘI NHẬP: Sẵn sàng chấp nhận phong thái sống của người Mỹ. Nằm trong khuynh hướng này, nhiều gia đình nuôi dạy trẻ theo văn hóa bản địa: ăn uống, nói năng, xưng hô, mặc quần áo, để tóc, xỏ lỗ tai...in hệt thời trang Mỹ và người Mỹ. Cách đối xử với người lớn và giữa anh chị em trong nhàtự do, ồn ào, đơn giản. Trẻ có ấn tượng gia đình chỉ là nơi trú chân tạm thời cho đến năm 18 tuổi, chừng đó, chúng có cuộc sống riêng. Cha mẹ trong những gia đình này nhượng bộ tối đa trước nhu cầu của con cái, hăng hái hòa nhập vào nếp sống mới, không một chút nỗ lực duy trì cái gốc gác quá khứ mà từ trong thâm tâm, họ cũng không mấy gắn bó hay tự hào.

2/ BẢO THỦ: Những gia đình này, trái lại, khăng khăng giữ con cái trong các khuôn mẫu Việt Nam cố định, kiểm soát nghiêm nhặt việc học hành, thời giờ, đi lại và quan hệ bằng hữu của trẻ. Thường thường, bà mẹ không đi làm để có thời giờ, điều kiện chăm sóc và giữ gìn con cái. Do đó, thu nhập gia đình không cao, trẻ bị giới hạn trong một mức sinh hoạt tương đối thấp kém về mặt vật chất và tổ chức. Trong những gia đình này, cảnh chồng chúa, vợ tôi, ít nhiều còn tồn tại như một dấu vết lỗi thời của nền luân lý thủ cựu, chịu ảnh hưởng của nho giáo ở quê nhà trước đây.

3/ TRUNG DUNG: Cha mẹ trong những gia đình trung dung ý thức được sự cần thiết phải hội nhập vào môi trường xã hội Mỹ nhưng đồng thời cũng muốn bảo vệ những giá trị tinh thần lâu đời của dân tộc.

Những nhà theo khuynh hướng này chịu sự tác động gay gắt của luồng ảnh hưởng giao thoa trầm trọng, như chị Đào thị Hợi đã phát biểu: “Cái khó của chúng ta ở hải ngoại là làm sao giữ chắc được vai trò trụ cột của người phụ nữ làm mẹ, làm chị, làm người yêu, trong một thế giới bấp bênh giữa hai nền văn hóa, giữa cái mới và cái cũ, giữa đòi hỏi của gia đình và công việc làm, giữa lý tưởng và thực tế.” Nỗ lực này luôn luôn là một dằn vặt thôi thúc, không nguôi, bên cạnh nỗi dằn vặt áo cơm, bệnh, lão, khiến cho nhiều chị em có khi toan bỏ cuộc, buông xuôi, dù biết rằng như thế có khác nào làm thân chiếc lá trôi trên dòng vô định, kéo theo cả số phận của con thuyền gia đình rồi cũng sẽ lao đao.

Do vậy, bàn về một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng và thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài những khó khăn, phức tạp vừa nêu, còn lẩn khuất nỗi băn khoăn và tham vọng vẽ lên cho được, từ một chân dung đã có, đang có, tiến tới cái chân dung phải có, xem như là thành quả làm thăng hoa người phụ nữ Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử thật đặc biệt.

Vì thân phận người phụ nữ gắn liền với thiên chức làm vợ, làm mẹ nên hình ảnh người phụ nữ cũng thường phải gắn liền với gia đình, nơi đó, họ tỏa sáng như cái bóng đèn, vừa hướng dẫn bước đi chung, vừa làm bạn với mọi thành viên của cái cộng đồng nhỏ bé ấy. Cho nên, có một căn bản phổ cập nhất khi nói về người phụ nữ, đó là ước vọng tạo dựng và bảo vệ một cuộc sống gia đình bình an và hạnh phúc.

Trong nếp sinh hoạt ở đây hiện nay, có thể nói hầu hết phụ nữ phải băng mình ra ngoài xã hội, tham gia việc kiếm tiền cùng với chồng. Cách sống này ít nhiều có đem lại cho người phụ nữ cái nhìn mới về tư thế của họ trong tương quan với nam giới, cụ thể là với đức ông chồng. Trước hết, các bà cảm thấy độc lập và hoàn toàn bình đẳng với các đấng phu quân, không những chỉ bình đẳng mà còn có phần “cao cơ” hơn các ông vì các bà nắm lực lượng con cái và bếp núc. Đây là nguồn gốc đầu tiên đưa đến xung đột giữa vợ chồng, làm rạn nứt hoặc thậm chí, tan vỡ những cảnh nhà trước kia êm ấm ở quê nhà.

Trong cái hào quang lấp lánh của sự tự do hứa hẹn nhiều đặc quyền cho người phụ nữ, trong sự cám dỗ vô biên của một đời sống mới vừa hé mở, các bà tựa như mũi tên đã đặt trên dây cung, họ phải lao thẳng về phía trước, một cách tất nhiên và mạnh mẽ. Trong khi đó, các đấng phu quân hoặc e dè, hoặc còn nuối tiếc thời vàng son “phu xướng, phụ tùy”, cứ muốn níu kéo các bà ở lại trong cái vị thế cũ. Đây là nguồn gốc thứ hai của sự gẫy đổ trong nhiều gia đình.

Ngày nay, khuôn mặt hãnh tiến của người phụ nữ Việt Nam mang đôi hia bẩy dặm trên con đường giải phóng mình đang có ưu thế trở thành khuôn mặt tiêu biểu, như chị Đào thị Hợi đã ghi nhận: “Ta có thể nói là người phụ nữ Việt nam ở hải ngoại đang phá vỡ không biết bao nhiêu hình ảnh cố định (stereotypes) về họ. Đạp đổ được những hình ảnh cố định này mới đích thực là giải phóng phụ nữ.”

Dầu sao, trong thực tế đời thường, ta vẫn thấy đó đây những người vợ, sau tám tiếng rưỡi đồng hồ lao động tại các hãng xưởng, một giờ lái xe và với một cháu bé bên lưng, chiều về vẫn tất bật thổi cơm, nấu canh, tất bật nhẩy lên xe đem thức ăn nóng đến sở cho chồng làm ca hai vì “ở chỗ anh ấy làm không có lò vi ba để hâm, em sợ anh ấy ăn nguội hoài, sanh bệnh.” Đó đây, ta vẫn thấy những bà vợ âu yếm đi nép vào tay chồng ở những khu mua sắm, vui vẻ, hoà nhã bàn bạc với chồng từng chi tiêu nhỏ. Những ngày cuối tuần ở nhà họ là những ngày sum họp hả hê, đầm ấm, thức ăn, thức uống ê hề, có cả tiếng máy may chạy rào rào bên cửa sổ. Đó đây, ta vẫn thấy những người phụ nữ góa bụa thực sự hay góa bụa tại chỗ, đêm đêm ngồi dưới ánh đèn cùng học bài với các con, đôi mắt mỏi mệt nhìn vào những trang tự điển chi chít chữ, lâu lâu khắc khoải nhìn kim đồng hồ để thầm ước lượng đêm nay ngủ được mấy giờ? Sáng tinh mơ hôm sau, chị đã phải trỗi dậy, chuẩn bị mọi thứ cho mình, cho các con, cho bố mẹ già đang ở chung trước khi vội vàng ra xe vào lúc năm giờ để kịp ca làm.

Cho nên, việc giải phóng người phụ nữ Việt nam ở hải ngoại không chỉ là một phong trào xã hội hay chính trị ồ ạt. Nó nằm trong cả một quá trình phấn đấu cam go của từng cá nhân để tự tu dưỡng, tự xây dựng cho mình những giá trị tinh thần vững mạnh và cao quí, từ đấy đánh đổ được các định kiến đầy đố kỵ và bất công về phía xã hội,ø những suy nghĩ chật hẹp và những ham muốn không tưởng nơi tự thân mình.

Nói chung, trong bất cứ thời điểm và bối cảnh văn hóa nào, khuôn mặt đích thật nhất của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn gắn liền với hình ảnh của lòng quảng đại, đức hy sinh, được xem như những tặng phẩm quí giá, như của cải trong kho mà Thượng Đế ban cho người nữ để họ làm đẹp mình và làm phong phú cuộc sống xung quanh. Ở đâu có người đàn bà đúng nghĩa, ở đấy, cuộc đời sẽ hạnh phúc và đáng sống.

Mong rằng thế hệ các bà mẹ, bà chị sẽ để lại cái di sản tinh thần quí báu ấy cho con cháu về sau.

nguon: nguoiviet online
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.