RFI - Thứ ba 13 Tháng Tám 2013
Thái Lan : Thiên đường hay địa ngục của du kháchREUTERS
Trọng NghĩaThái Lan một điểm đến mà du khách nước ngoài hầu như không thể bỏ qua : bãi biển thần tiên, đền chùa quyến rũ, cảnh đêm bốc lửa... Nhưng ngày nay, bên cạnh những cảnh quyến rũ vừa kể, còn những thực tế không ‘thơ mộng' chút nào mà lại còn rất phiền hà : trộm cắp, hành hung, lường gạt... Các hành vi nhắm vào du khách này khiến nhiều nước vì e ngại cho an ninh kiều dân của mình, nên đã yêu cầu chính quyền của nơi được mệnh danh là ‘xứ sở của nụ cười’ là phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ những người mến mộ đất nước này.
Năm ngoái, 2012, Thái Lan đã đạt kỷ lục về lượng du khách đến đây - khoảng 22 triệu người. Và nếu số đông không mấy bị phiền toái, thì cũng không ít người đã gặp phải những ‘chuyện’cần rút kinh nghiệm, đặc biệt là ở bãi biển trên đảo Phuket nổi tiếng ở miền Nam nước này.
Ví dụ như câu chuyện của gia đình bà Elodie Triche được phóng viên AFP kể lại. Họ đã bay đến thẳng đảo vào tháng 5 vừa qua. Lúc ra khỏi phi trường, do nhầm lẫn, họ đã không đi qua khâu xuất trình giấy tờ cho nhân viên di trú. Khi phát hiện ra sai lầm của mình, họ đã tự động quay trở lại để đóng dấu trên hộ chiếu. Kết quả không ngờ là dấu đâu không thấy, mà thay vào đó là cả gia đình đã bị câu lưu.
Elodie kể lại : Họ bị chụp ảnh, lấy dấu tay, bị giam 12 tiếng đồng hồ, đựợc trả tự do sau khi nộp tiền bảo chứng, trước khi bị kết án ngay hôm sau : Một năm tù treo, mỗi người bị phạt 2000 baht (khoảng 50 euro). Đi theo bố mẹ, có một em bé gái chưa đầy 2 tuổi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, trường hợp gia đình Elodie cũng còn tốt đấy. Có nhiều người còn thê thảm hơn : Họ bị bỏ thuốc mê, bị trấn lột mà không hay biết gì cả.
Wal Brown, một người Úc làm công tác thiện nguyện, có liên hệ với cảnh sát ở Patong, thành phố chính của đảo Phuket, kể lại câu chuyện của 2 du khách người Ý, được tìm thấy ngoài bìa rừng, trên người chỉ còn mỗi cái quần lót, vẻ mặt ngơ ngác. Trong suốt 3 ngày, họ vẫn không tài nào nhớ được chuyện gì đã xẩy ra với mình, tiền bạc, quần áo đều mất sạch.
Du khách cũng được cảnh báo là phải cẩn thận trước những kẻ cò mồi, mời mọc cho vé miễn phí vào các quán xem các màn trình diễn dành cho người lớn. Vé vào cửa miễn phí, nhưng giá nước giải khát thi cao khỏi nói, gấp mấy lần giá vào cửa ! Một chai bia chẳng hạn, có khi phải trả đến 40 euro. Một du khách đã bị đánh đập vì không chịu trả khoản tiền quá đáng như thế.
Liên Hiệp Châu Âu phải lên tiếng !Các phái bộ ngoại giao đã yêu cầu chính quyền Bangkok phải có những biện pháp bảo vệ du khách. Hơn một chục đại diện ngoại giao Châu Âu đã đến Phuket, nêu trực tiếp nỗi quan ngại của họ với chính quyền hòn đảo du lịch này.
David Lipman, trưởng phái bộ Châu Âu tại Thái Lan, không tin là tình hình đang được cải thiện. Giải thích với AFP, ông cho biết là chính vì thế mà họ phải vận động chính quyền trung ương cũng như địa phương Thái.
Về phần mình, cảnh sát Phuket cho biết là họ đã cố gắng hết sức với những phương tiện hạn chế của mình. Trung tá cảnh sát Nikorn Chootong biện minh là cảnh sát cố thiết lập một ‘khu an toàn ở Patong’ để bảo vệ du khách. Theo ông, dân chúng tại đây có thể giúp cảnh sát trong việc chăm lo cho du khách, vì số 100 cảnh sát viên tại Patong rõ ràng là không đủ.
Du khách thì có đủ loại phàn nàn : Chuyên chở công cộng nhiều nơi không có, họ lại bị những người lái xe lam tuk tuk nạt nộ, bị ăn cắp, bị cảnh sát vòi tiền… Đó là chưa kể đến việc họ phải đền tiền cho những thiết bị đi thuê đã bị hư hại từ trước, những ai không chịu trả thì bị đe dọa, hành hung.
Ông Lipman, đại diện Châu Âu, nhắc lại vụ một du khách thuê một chiếc môtô đã phải đền tiền cho chiếc xe mà chính người cho thuê đánh cắp.
Những khoản tiền phạt của cảnh sát vì đậu xe không đúng chỗ cũng là một vấn đề ‘không nhỏ’. Theo ông Lipman, hiện tượng này phảng phất mùi vị ‘tham nhũng’, nên tránh cho du khách.
Vấn đề cãi cọ về giá cả đôi khi gây ra tử vong : Một du khách người Mỹ, vào tháng 7 vừa qua đã mất mạng, bị một tài xế taxi giết chết sau một vụ đôi co về giá cuốc xe.
Tuy nhiên, các trường hợp thiệt mạng như kiểu nói trên không nhiều, chẳng thấm vào đâu với các vụ du khách bị chết đuối. Vào năm ngoái, 2012, tính ra có 111 người Úc bị chết ở Thái Lan, người Pháp cũng lên đến 88 ca. Số chết đuối này gần như là tương ứng với lượng du khách mỗi nước ghé Thái Lan. Vào năm ngoái (2012), có gần một triệu người Úc di du lịch Thái Lan, Pháp ít hơn nhưng cũng lên đến 600.000 người.
Ông Lipman lấy làm tiếc, du khách đến Thái Lan vì nghĩ đến một mùa nghỉ hè thoải mái, thích thú, nhưng trong thực tế có khi lại gặp phải đầy rẫy chuyện bực mình. Tóm lại, Thái Lan không hoàn toàn là thiên đàng cho du khách như người ta thường nhìn thấy một cách phiếm diện.