Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Thursday, April 21, 2011 4:43:34 PM
Ngô Nhân Dụng
Mấy năm trước, mục này đăng một bài với đề tài: Thiện vẫn hơn Ác. Một vị độc giả Người Việt là Bác Sĩ Henny Nguyễn đã chọn đọc lại bài đó trong chương trình phát thanh Niềm Vui Mới nhân dịp Lễ Phục Sinh này.
Ðây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại đề tài đó, để nuôi nấng niềm tin vào cái Thiện.
Nội dung bài Thiện vẫn hơn Ác nhắc đến một cuộc nghiên cứu khoa học in trên Tạp chí Nature năm 2008 trình bày kết quả một cuộc thí nghiệm của Giáo Sư Martin Nowak ở Ðại Học Havard, kết luận rằng, trong đời sống loài người, sau cùng ai ăn ở thiện vẫn “có lợi” hơn là những người sống với cái ác. Con người hướng về điều thiện, đó là một bẩm tính có thể chứng minh cho phương pháp khoa học được. Cũng giống như các loài chim thiên di mỗi mùa Thu bay về phương Nam bao giờ cũng bay từng đàn chứ không con chim nào bay riêng lẻ, loài người làm việc thiện vì đó là “sách lược tối ưu” cho cả chủng loại. Trải qua hàng triệu, hàng tỷ năm, mỗi loài sinh vật có những thói quen được tích tụ và truyền cho các thế hệ sau để tự bảo toàn, trong loài người Sống Thiện là một “chọn lọc tự nhiên,” đã trở thành di truyền.
Môn sinh học, khi nói đến “chọn lọc theo thiên nhiên” (natural selection) thì người ta nghĩ tới những sinh vật ích kỷ giành lấy tài nguyên cho chính mình, thắng thế với các đồng loại. Nhưng bây giờ thì các nhà nghiên cứu lại chú ý đến những hệ thống sinh học được tổ chức trên quy tắc cộng tác và vị tha, đặc biệt là trong xã hội loài người. Những cuộc nghiên cứu tên đề tài này hiện nay rất phổ biến và có những khám phá rất đáng chú ý. Từ phạm vi sinh học, người ta dùng cùng một phương pháp để nghiên cứu về kinh tế, xã hội học, và đạo đức học.
Hai Giáo Sư Claus Wedekind và Manfred Milinski ở Ðại Học Bern, đã làm một cuộc thí nghiệm về tính thiện của con người, bản báo cáo của họ vào năm 2000 nay đã trở thành một công trình “cổ điển.” Làm việc thiện tức là việc ích lợi cho người khác, và thế nào mình cũng chịu tốn kém một chút nào đó. Mục đích cuộc thí nghiệm của hai ông là xem tại sao có nhiều người thích làm việc thiện dù không được đáp lại. Hai ông dùng một lý thuyết sinh học là “đền đáp gián tiếp” (indirect reciprocity).
Bình thường, ai làm việc tốt cho mình thì chúng ta báo đáp. Trong quan hệ trực tiếp giữa hai cá nhân, hiện tượng vay trả, đáp ứng (reciprocity), có đi có lại, là chuyện thường diễn ra và dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng hay làm những việc tốt lành cho những người hoàn toàn hoàn toàn xa lạ; cho những người mình chỉ gặp gỡ tình cờ và không nghĩ trong đời sẽ còn gặp lại.
Tại sao người ta làm việc thiện “không cần đáp ứng” cho người lạ như vậy? Các nhà xã hội học thử đoán nguyên do theo lối thuần lý. Họ giả thiết là loài người ai cũng lo cho lợi ích của chính mình. Do đó có một lý do khiến mọi người làm việc tốt cho người khác mà không cần được đáp lại trực tiếp, là làm việc thiện sẽ tạo được tiếng tốt cho mình; nhờ được tiếng tốt đó mà sẽ được người khác tin, rồi sẽ làm việc tốt cho mình. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “đền đáp gián tiếp” (indirect reciprocity). Trong văn hóa Việt Nam chúng ta còn tin là khi làm việc thiện thì sẽ tạo được phước đức, dù mình không được xã hội đền đáp trong đời này thì đến đời con, đời cháu cũng sẽ được đền đáp gián tiếp. Cả xã hội loài người có một guồng máy phân bố phước đức, có thể coi như một thị trường cho chúng ta đầu tư phúc đức. Mỗi người sinh ra đều nhận được một di sản Phúc Ðức do ông bà để lại, mình có thể được hưởng và đóng góp thêm vào kho phước đức đó cho đời sau! Niềm tin đơn giản đó giúp cả xã hội cùng tốt lành, có lẽ vì thế mà người Việt Nam cứ giữ niềm tin đó suốt bao nhiêu thế hệ! Nói theo lối thuyết tiến hóa, những thói quen nào có ích lợi cho cả chủng loại thường được lưu giữ trong phong tục, tập quán, thấm nhuần trong nền văn hóa.
Nói đến luật tiến hóa là người ta nghĩ đến quy tắc “cạnh tranh để sinh tồn;” nhờ mỗi sinh vật cố gắng giành phần lợi ích về tay mình cho nên cả xã hội được thúc đẩy tiến tới. Sống trải qua hàng triệu năm, những hành vi, thái độ và tính toán mà một sinh vật tập được để tự bảo tồn sự sống của mình, dần dần trở thành những thói quen tự nhiên. Những thói quen nào giúp bảo vệ chủng loại sẽ được truyền qua nhiều thế hệ, dần dần được coi là bản tính. Ngược lại, những hành vi, thái độ nào không có lợi cho chủng loại thì sẽ không được truyền lại vì những sinh vật mang các thói quen đó sẽ dần dần sẽ biến mất. Thí dụ khi quan sát một giống ong, người ta thấy những con ong thợ khi đến hút mật hoa trên một loại cây luôn luôn chọn hút các bông hoa từ dưới gốc cây rồi đi dần lên trên. Khi khảo sát người ta thấy những bông hoa ở phía dưới thường chứa nhiều mật hơn. Từ bản năng, các con ong đã biết lựa chọn một “giải pháp tối ưu!” Mặt khác, khi một con ong bay tới, sà vào một bông hoa mà thấy có “dấu chân” của một con ong khác đã tới thăm bông hoa đó rồi, thì rời bỏ cả cái cây đó luôn, không thử dò tìm các bông hoa khác trên cùng một cây nữa. Làm như vậy cũng là “lựa chọn tối ưu” vì về lâu về dài sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ.
Chắc không phải những con ong thợ này đã được huấn luyện trong tổ trước về “đường lối,” “chính sách,” và phương pháp quyết định “giải pháp tối ưu” trước khi cho đi “làm công tác?” Thói quen đó có thể giải thích bằng thuyết tiến hóa. Trong hàng tỷ năm cuộc đời của loài ong, những con ong có thói quen tốt này thì được sống lâu hơn, đông hơn, có cơ hội tồn tại và truyền giống; trải qua hàng tỷ thế hệ ong, nghệ thuật tìm mật hoa này đã biến thành những đặc tính bẩm sinh.
Trước đây khi nghiên cứu về diễn trình tiến hóa của các sinh vật và của loài người, người ta chỉ giả thiết ai cũng có thói vị kỷ, ganh đua, nhưng không mấy người chú ý đến vai trò của óc vị tha, của lòng từ ái. Nói chung là khi nghiên cứu thuyết tiến hóa người ta thiên về mặt duy lợi, vị kỷ mà không chú ý về Cái Thiện. Nếu đặt trọng tâm trên sự cộng tác giữa các cá nhân trong một giống sinh vật, người ta chỉ chú ý tới những hành động hy sinh của cá thể để bảo tồn giòng giống của chủng loại; một thứ bản năng có tính sinh học. Trong khi đó, một điều ai cũng phải thấy là tất cả các nền văn minh trong lịch sử đều đề cao Cái Thiện, thúc đẩy sự cộng tác giữa mọi người và ngăn ngừa tánh ích kỷ hại nhân.
Hai giáo sư người Thụy Sĩ Claus Wedekind and Manfred Milinski đã bày ra một “trò chơi” nhờ các sinh viên tham dự vào một cuộc thí nghiệm để tìm hiểu hiện tượng “đền đáp gián tiếp” có thật sự thể hiện hay không. Họ được 80 sinh viên cộng tác, mỗi người ngồi trước máy điện toán, coi như được phát một số đồng Franc tiền Thụy Sĩ. Họ có quyền phát tiền cho một người bạn tham dự cuộc chơi. Mỗi lần mỗi sinh viên lại cho tiền một người khác nhau, mỗi người chơi không biết ai là “đối tác” của mình; trên màn ảnh máy vi tính chỉ biết là đối tác đó đã từng phát tiền cho người khác bao nhiêu lần.
Kết quả cho thấy thuyết “đền đáp gián tiếp” (indirect reciprocity) được thể hiện. Nếu thuyết đó không đúng, tức là các sinh viên quyết định đem tặng tiền cho người khác một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, thì khi trò chơi kết thúc, số tiền vốn của mọi người sẽ gần như bằng nhau. Nhưng sau cùng, khi tổng kết xem mỗi người còn bao nhiêu tiền, người ta thấy những sinh viên nào hay đem tiền cho người khác nhất cũng là những sinh viên nhận được nhiều hơn các bạn khác.
Nhưng tất nhiên trong nhân loại có những người vị tha hơn người khác, và ngược lại có người thường chỉ nghĩ đến mình. Hành vi của họ khác nhau như thế nào khi biết rằng những người có tiếng vị tha có thể được đền đáp?
Một cuộc nghiên cứu khác, công bố năm 2008 trên tạp chí Social Psychology Quarterly, của hai Giáo Sư Brent Simpson và Robb Willer ở Mỹ, đã tìm hiểu kỹ hơn về tác phong của con người trong hoàn cảnh có sự đền đáp gián tiếp. Trong thí nghiệm này, người ta trắc nghiệm trước các đối tượng để xếp loại những người có khuynh hướng vị kỷ trong một nhóm, nhóm kia là những người được xếp loại vị tha. Khi tham dự cuộc chơi mà biết rằng các hành động thiện trong tương lai có thể được đền đáp thì những người vị kỷ phản ứng rất tích cực. Ngược lại, những người vốn tính vị tha thì dù biết sau này có được đền đáp hay không, họ cũng không chịu ảnh hưởng. Như vậy nghĩa là hành động hoàn toàn vị tha là có thật; nhưng nhân loại không phải ai cũng vị tha. Thí nghiệm thêm lần nữa, hai tác giả thấy rằng khi được chứng ai có hành động thiện, thì những người vị tha thường “tưởng thưởng” cho những người thiện đó nhiều hơn những người có tính vị kỷ qua việc đền đáp gián tiếp.
Tạp chí Games and Economic Behavior tháng 11 năm 2009 đăng kết quả cuộc nghiên cứu của ba giáo sư ở Âu Châu, họ chia các đối tượng nghiên cứu làm hai nhóm, một nửa thì mỗi lần “làm việc thiện” đều được báo cho mọi người biết, một nửa thì hoàn toàn không. Kết quả cho thấy trong xã hội quả thật có hiện tượng thuần túy “đền đáp gián tiếp.” Nhưng bên cạnh đó cũng có những người làm điều thiện vì tính toán hơn thiệt.
Nhiều quý vị nghe những câu chuyện trên sẽ thấy là kết quả của những cuộc nghiên cứu mới kể thật ra không có gì lạ. Nếu vậy thì rất đáng mừng. Không thấy gì mới lạ, nghĩa là chúng ta không cần phải mất công bầy ra các cuộc nghiên cứu (hàng ngàn cuộc nghiên cứu đã thực hiện) chỉ để biết một điều mà ai cũng đã tin là đúng từ lâu rồi: “Thiện tâm ở tại lòng ta.”
|