VUA KHẢI ĐỊNH VÀ ĐỆ NHẤT ÂN PHI HỒ THỊ CHỈ
Trúc Diệp Thanh
1-Ông Hoàng cả Bửu Đảo với 2 lần hụt kế vị.
Vua Khải Định, Nguyễn Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế, tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên Nguyễn Phúc Tuấn, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục, dân gian thương gọi là ông Hoàng Cả, sinh ngày 01 tháng 9 năm Ất Dậu tức 8/10/1885.
Khi vua Đồng Khánh qua đời vào năm 1888, Bửu Đảo mới 3 tuổi nên không được chọn kế vị. Triều đình chọn hoàng tử Bửu Lân con vua Dục Đức (1) kế vị tức vua Thành Thái. Bửu Đảo (còn gọi là ông Hoàng Cả) lớn lên dưới triều Thành Thái, nổi tiếng là một ông hoàng ăn chơi ham mê cờ bạc, thường xuyên bị thua bạc, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và cả những người hầu hạ. Nơi ở của Bửu Đảo là phủ Phụng Hóa nên khi phong tước Công được gọi là Phụng Hóa Công. Bửu Đảo kết hôn với tiểu thư Trương Thị con gái Trương Như Cương, quan đại thần có quyền thế và giàu có bậc nhất lúc bấy giờ. Lấy được vợ giàu có, Bửu Đảo thường xuyên xin tiền vợ để đánh bạc. Không chịu được cuộc sống bên cạnh người chồng bê tha cờ bạc và lạnh lùng chăn gối (Bửu Đảo thích gần đàn ông hơn đàn bà), bà Trương Thị xin về nhà xuất gia tu hành. Bửu Đảo có một người hầu gái trẻ trung, xinh đẹp là Hoàng Thị Cúc mang thai và nhất quyết cái thai đó là giọt máu của ông hoàng Bửu Đảo. Khi sinh con Bửu Đảo công nhận là con của mình và đặt tên là Vĩnh Thụy và đây cũng là người con duy nhất, kể cả khi Bửu Đảo trở thành vua Khải Định có thêm nhiều bà vợ khác.
Năm 1907, viện cớ vua Thành Thái “bị điên” không điều hành được triều chính, Pháp gây sức ép buộc vua thoái vị và triều đình chọn người kế vị. Lúc này Bửu Đảo đã 22 tuổi, được phong tước Công, lại đã có con nối dõi tức có đầy đủ điều kiện để được chọn kế vị ngôi vua từng bị hụt năm Đồng Khánh qua đời. Chính phủ Pháp cũng rất muốn chọn Bửu Đảo từ lâu nổi tiếng thân Pháp. Song cũng chính vì lý do ăn chơi bê tha và thân Pháp mà Phủ Phụ Chính lúc bấy giờ từ chối tiến cử Bửu Đảo. Công việc đang bế tắc thì theo sự thu xếp của nhà báo Diệp văn Cương và đề xuất của Phụ chính đại thần Lê Trinh, triều đình và cả phía Pháp chấp nhận chọn hoàng tử Vĩnh San con vua Thành Thái lúc này mới 8 tuổi kế vị, tức vua Duy Tân. Năm 1916, sau khi tham dự một cuộc binh biến chống Pháp do Trần Cao Vân và Thái Phiên bất thành, vua Duy Tân bị truất phế đi đày, trong hoàn cảnh buộc phải chọn người kế vị theo yêu cầu của Pháp, Bửu Đảo mới được chọn lên ngôi tức vua Khải Định.
Khải Định nổi tiếng là một ông “vua bù nhìn”. Dưới triều Khải Định mọi việc đều do Tòa Khâm sứ định đoạt. Khải Định hoàn toàn phục tùng Khâm sứ Trung kỳ lúc này là Charles (Eugène Charles) gửi gắm cả con là Vĩnh Thụy cho vợ chồng Khâm sứ. Khải Định còn nổi tiếng là ông vua ham chơi, thích trang điểm lòe loẹt. Nhà vua tự sáng chế những bộ y phục mới cho mình và cho cả các quan lại. Mũ áo long bào nhà vua dùng mặc lúc thiết triều, ra nước ngoài không theo các quy định truyền thống mà nửa cổ nửa kim. Trong “Thất điều thư” của Phan Chu Trinh hạch 7 tội của Khải Định lúc nhà vua thăm Pháp năm 1922, có tội thứ năm là “phục sức sai chế độ”:”tự chế ra quân phục ghép gù vai Âu châu vào chiến bào kiểu cũ, chen kết thêm đá quý, vàng, bạc, Âu không ra Âu, Á không ra Á. Lại thêu rồng, thêu phượng trên nón. Hành động này làm tổn hại bang giao, sĩ nhục quốc thể. Theo hình luật thì nên lấy phép nước gia hình cho đáng tội”.
Công bằng mà nói, cái “tài sáng chế” và năng khiếu thẩm mỹ của Khải Định tuy chỉ nhằm thỏa mãn sinh hoạt cá nhân không hề mang lại việc gì ích quốc lợi dân nhưng cũng để lại cho hậu thế 2 công trình kiến trúc có giá trị:1-lăng Khải Định với kiến trúc nửa Âu nửa Á, đặc biệt có tòa tiền sảnh ốp sành sứ có giá trị mỹ thuật cao; 2-Cung An Định nguyên là phủ Phụng Hóa được xây cất từ thời vua Đồng Khánh giành cho ông Hoàng Cả Bửu Đảo lúc bấy giờ còn là một tòa phủ bình thường ở vùng thôn quê dân dã ở An Cựu, dưới thời Khải Định phủ Phụng Hóa được cải tạo thành Cung An Định, một lâu đài kiến trúc châu Âu với nội thất sang trọng đáng chú ý có nhiều bức tranh tường có giá trị mỹ thuật cao.
2-Vì sao vua Duy Tân từ chối cuộc hôn nhân với Hồ Thị Chỉ, con gái Thượng Thư Hồ Đắc Trung?
Tuy mang bệnh “bất lực” nhưng Khải Đinh có tất cả 12 bà vợ trong số đó chỉ có 2 bà có cưới hỏi theo đúng lễ nghi. Đó là bà Trương Thị tuy đã về nhà xuất gia tu hành từ trước lúc Khải Định lên ngôi và bà Hồ Thị Chỉ được làm lễ cưới sau ngày Khải Định lên ngôi.
Hồ Thị Chỉ, con gái áp út của Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung là người đã qua “2 lần nạp phi” đầy kịch tính và từng có những đồn đại về mối quan hệ giữa ông Hồ Đắc Trung với vua Duy Tân. Đến năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, một số nhà sử học, nhà văn được Sư bà Diệu Không (thế danh Hồ Thị Hạnh con gái út của đại thần Hồ Đắc Trung, em gái bà Hồ Thị Chỉ) kể lại sự thật về 2 lần nạp phi của Hồ Thị Chỉ-chị ruột, mà Sư bà từng là người trực tiếp chứng kiến. Theo lời kể của sư bà Diệu Không, khoảng năm 1913, khi vua Duy Tân 14 tuổi ở ngôi được 6 năm, để nhà vua ở tuổi thiếu niên không vướng vào chính trị như vua cha Thành Thái, người Pháp cho xây tòa “Thừa lương” ở Cửa Tùng (Quảng Trị) vào mùa hè hàng năm nhà vua ra nghỉ ngơi tắm biển. Cùng tháp tùng nhà vua trong mỗi lần ra Cửa Tùng có ông Hồ Đắc Trung Thượng thư bộ Học cùng 4 người con cùng lứa tuổi (2 trai: các công tử Hồ Đăc Điềm, Hồ Đắc Di, 2 gái Hồ Thị Chỉ, Hồ Thị Hạnh) để nhà vua có bạn trò chuyện, nô đùa.
Tiểu thư Hồ Thị Chỉ kém Duy Tân 2 tuổi lúc này đã có dáng dấp một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, giỏi cả Hán ngữ, Pháp ngữ được nhà vua để mắt đến. Đầu năm 1915 Hồ Thị Chỉ được lệnh vào nội cung gặp 2 bà Thánh cung (Hoàng Thái hậu) được 2 bà vừa ý ban cho một đôi bông tai và một đôi vòng vàng làm kỷ niệm. Sau đó có quan trong nội cung ra dạy cho Hồ Thị Chỉ các nghi lễ triều đình và nói sẽ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ nạp phi. Cả nhà Thượng thư Hồ Đắc Trung đều hân hoan, nhất là Hồ Thị Chỉ vốn có ấn tượng rất tốt đẹp với vua Duy Tân. Bất ngờ đến cuối năm 1915, vua Duy Tân đã mời Thượng thư Hồ Đắc Trung gặp riêng và nói lời rút lui việc hôn nhân với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết lý do. Đầu năm 1916 lễ nạp phi diễn ra, người ngồi kiệu hoa vào cung không phải là Hồ Thị Chỉ mà tiểu thư Mai Thị Vàng con gái ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân.
Khỏi nói nỗi thất vọng của gia đình Thượng thư Hồ Đắc Trung, nhất là đối với tiểu thư Hồ Thị Chỉ. Đến tháng 5 năm 1916 vua Duy Tân bị Pháp bắt vì tham dự cuộc khởi nghĩa vũ trang do Việt nam Quang phục hội lãnh đạo. Từ biến cố này nguyên nhân của việc nhà vua từ hôn với Hồ Thị Chỉ đã được sáng tỏ. Theo lời khai của nhà vua với người Pháp, sở dĩ nhà vua thay đổi ý định kết hôn với con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung vì lúc bấy giờ Ngài đã nhận lời tham dự cuôc khởi nghĩa vũ trang do Quang Phục hội lãnh đạo, Ngài không muốn người yêu là Hồ Thị Chỉ và gia đình đông con của Thượng thư Hồ Đắc Trung phải gánh chịu liên lụy. Thượng thư Hồ Đắc Trung không hề hay biết gì về cuộc khởi nghĩa. Ban đầu người Pháp cũng đặt Thượng Thư Hồ Đắc Trung vào vị trí số người có nghi vấn liên quan đến cuộc khởi nghia bất thành, nhờ lời khai đó mà ông Hồ Đắc Trung được công nhận là vô can. Cả gia đình nhất là tiểu thư Hồ Thị Chỉ càng thêm cảm phục quý mến tình cảm của ông vua yêu nước dành cho gia đình và bản thân. Song điều phũ phàng là tình cảm thiêng liêng đó đã bị giáng một đòn sấm sét chỉ vài tháng sau đó.
3-Tiểu thư Hồ Thị Chỉ trở thành đệ nhất Ân phi của vua Khải Định (2)
Ngay sau khi được kế vị ngôi vua, Khải Định đã gặp Thượng thư Hồ Đắc Trung ngỏ lời cầu hôn với tiểu thư Hồ Thị Chỉ. Hồi ký của Sư bà Diệu Không (tức Hồ Thị Hạnh em gái Hồ Thị Chỉ) kể: ”Khải Định nói: Tôi cần một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người đó là con gái Thầy-ông gia hụt của Duy Tân. Trước đây tôi đã có người vợ con cụ Trương Như Cương nhưng bà ấy đã xin về ba năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con Thầy làm Hoàng phi vợ chính. Thật ra tôi cũng đã có một người hầu và một con mới 4 tuổi, nó sẽ là con của bà Hoàng phi” (3). Nghe tin đó ban đầu tiểu thư Hồ Thị Chỉ phản ứng quyết liệt, bỏ ăn chỉ nằm khóc và nói với song thân:”con xin nguyện ở vậy trọn đời, không nhận lời ai nữa…”
Cả nhà ông Hồ Đắc Trung hoang mang cực độ. Họ biết tình cảm của con gái với cựu hoàng Duy Tân rất sâu nặng đồng thời họ cũng lường được hậu quả thảm khốc khi con gái từ chối lời cầu hôn của vua Khải Định. Cuối cùng sau lời khuyên giải của gia đình, nhất là lời em gái Hồ Thị Hạnh tỉ tê trong đêm khuya viễn cảnh của cha mẹ bị đọa đầy, các anh (4) phải bỏ học dở dang…Hồ Thị Chỉ đã nghĩ lại: phải hy sinh tình cảm riêng tư vì sự sống còn của toàn gia đình. Lễ nạp phi đã được tiến hành. Khải Định tôn trọng lời hứa trước đây phong Hồ Thị Chỉ làm đệ nhất Ân Phi và rất sủng ái bà Ân phi. Dưới triều Khải Định thường thấy bà Ân phi, với tư cách là Hoàng hậu xuất hiện bên cạnh Khải Định trong những lần tiếp tân, yến tiệc khoản đãi quan chức người Pháp và người nước ngoài khác. Bà Ân phi nổi bật với vẻ ngoài xinh đẹp, thông thái vừa có kiến thức phương Đông lại am hiểu văn hóa, nếp sống phương Tây, rất được các vị khách nước ngoài khen ngợi.
Thảm kịch đã xảy ra sau ngày Khải Định qua đời (1925) mà bà Ân phi không có được mụn con với nhà vua (5). Vĩnh Thụy lên nối ngôi đặt niên hiệu Bảo Đại. Vua Bảo Đại lập lại các danh hiệu Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Đông cung thái tử… Các triều vua trước đều coi trọng vị trí các các bà hoàng phi có cưới hỏi, theo thứ tự dù không có con hoàng phi ở cấp cao hơn vẫn có vị trí đứng trên các bà phi có con (đựợc gọi là mẹ đích để phân biệt với mẹ đẻ) như: 2 bà vợ của vua Đồng Khánh sau khi qua đời được tôn “Lưỡng tôn cung”: Thánh cung là bà Nguyễn Thị Nhàn con đại thần Nguyễn Hữu Độ (mẹ đích) và Tiên cung là bà Dương Thị Thục con gái quận công Dương Quang Xương (mẹ đẻ Bửu Đảo sau này là vua Khải Định). Dưới triều Duy Tân cũng có 2 bà Thánh cung (Hoàng Thái hậu) là bà mẹ đích của vua Duy Tân con gái Đại thần Nguyễn Thân và bà mẹ đẻ tên húy là Nguyễn Thị Định.
Cung An định
Theo lời hứa của Khải Định với ông Hồ Đắc Trung lúc cầu hôn con gái và vị trí của Hồ Thị Chỉ sau ngày làm vợ Khải Định, bà Ân Phi chính là “mẹ đích” của Vĩnh Thụy. Song với Bảo Đại, một ông vua bù nhìn được Pháp trực tiếp đào tạo, nói tiếng Pháp lưu loát hơn tiếng mẹ đẻ, có cuộc sống xa hoa ăn chơi trác táng với cả các “bà đầm”, phu nhân các quan chức Pháp, Bảo Đại đã bỏ “ngũ bất lập” có từ đời vua Minh Mạng, khôi phục các chức danh Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Đông cung thái tử và thay đổi cả nghi thức nội cung, chỉ phong cho mẹ đẻ (bà Hoàng Thị Cúc) chức Đôn Huy Hoàng Thái hậu tức bà Từ Cung có quyền thế bậc nhất trong nội cung. Ân phi Hồ Thị Chỉ (mẹ đích) không được phong Hoàng Thái hậu, không sống trong nội cung mà sống ở Cung An Định.
Mới ngoài 20 tuổi, một giai nhân quốc sắc thiên hương một thời, đã trãi qua cuộc đời thăng trầm cay đắng, bà Ân phi phiền muộn, mắc phải bệnh trầm cảm nặng, trở thành bệnh điên không một Ngự y, một bác sĩ Tây y nào chữa khỏi; đáng chú ý là ông anh ruột là Hồ Đắc Di một bác sĩ giỏi, tốt nghiệp ở Pháp về nước, (sau này là hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà nội), rất thương em gái nhưng cũng bất lực. Sau năm 1975 hai người anh của bà là Luật sư Hồ Đắc Điềm, Giáo sư Hồ Đắc Di theo kháng chiến trở về rất quan tâm săn sóc em gái lúc này không còn nơi ăn chốn ở. Bà Ân phi còn sống thọ đến 83 tuổi và qua đời năm 1985 ở Huế và được an táng bên cạnh song thân của bà trong nghĩa trang của họ Hồ Đắc trên ngọn đồi thông cạnh chùa Hồng Ân do ni trưởng Diệu Không (em gái) sáng lập và trú trì thuộc sơn phận xã Dương Xuân Thượng thành phố Huế.
Thay lời kết:
Hiện nay ở TP Huế có nhà lưu niệm Hoàng Thái hậu Từ Cung tọa lạc tại số 147 đường Phan Đình Phùng- Huế. Ngôi nhà này là một biệt thự xây cất thời thuộc Pháp, ông Hồ Đắc Điềm đã mua ngôi nhà này tặng cho em gái là Hồ Thị Chỉ. Năm 1955, khi Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại lên làm Thủ tướng, ông Diệm không cho bà Từ Cung sử dụng Cung An Định nơi bà vẫn ở từ sau Cách mạng tháng 8. Bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân Phi, sửa sang lại làm nơi ở và thờ phụng Khải Định. Sau khi qua đời, vợ chồng Bảo Đại và bà Nam Phương cũng được thờ trong ngôi nhà này. Điều người viết bài này trăn trở là bà Hoàng Thị Cúc (sau này là bà Từ Cung) xuất thân dân dã, vốn là người hầu gái của ông Hoàng Cả Bửu Đảo không có cưới hỏi nhưng nhờ sinh con trai (cái thai vẫn còn nhiều nghi vấn) được phong Huệ phi (đứng sau Ân phi) và có hậu vận giàu sang khi chết vẫn có nhà lưu niệm.
Trong khi đó bà Hồ Thị Chỉ vốn dòng dõi danh gia vọng tộc, được Khải Đinh cưới làm vợ chính thức theo nghi lễ của một Hoàng hậu và được phong đệ nhất Ân phi, là mẹ đích của hoàng tử Vĩnh Thụy. Trong 8 năm làm vua của Khải Định, bà Ân phi luôn luôn ở cạnh vua, có mặt trong các buổi tiếp tân, yến tiệc khoản đãi khách nước ngoài của nhà vua với tư cách một Hoàng hậu kiêm phiên dịch cho nhà vua. Với ngoại hình xinh đẹp, cao sang cùng kiến thức thông thái nói tiếng Pháp lưu loát, bà Ân phi từng giúp cho hoạt động ngoại giao của Khải Định thêm thuận lợi và cũng làm cho khách nước ngoài khâm phục một đệ nhất phu nhân nước Việt. Việc bà mẹ đích (bà Ân Phi) không được suy tôn Hoàng Thái hậu là việc của Bảo Đại song khi qua đời bà rất xứng đáng được thờ bên cạnh Khải Định tại nhà lưu niệm bà Từ Cung.
Mùa Xuân Tân Mão (2011)
Trúc Diệp Thanh
Chú thích:
(1)-Vua Dục Đức: là hoàng tử trưởng (trong số 3 người con nuôi của vua Tự Đức vốn không có con nối dõi), nguyên có tên Ưng Ái con thứ 2 của Thụy Thái vương Hồng Y là em thứ tư của Tự Đức. Ưng Ái sau đổi tên là Ưng Chân, sau ngày Tự Đức băng hà được nối ngôi theo di chiếu của vua cha. Dục Đức chỉ làm vua 3 ngày rồi bị Tôn Thất Thuyết bắt giam buộc nhịn đói đến chết. Dục Đức sau này có con là vua Thành Thái và cháu nội là vua Duy Tân là 2 ông vua yêu nước bị Pháp bắt đi đày.
(2)-Từ dưới triều Minh Mạng quy định không lập Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Đông cung thái tử, Tể tướng, Trạng nguyên (Ngũ bất lập). Các bà vợ của vua được phân làm chín bậc. Cao nhất là “Nhất giai phi”(Hoàng hậu).“Nhất giai phi” có ba thứ bậc: Hoàng Quý phi, Ân phi, Huệ phi. Trong số các bà vợ của Khải Định có ba bà được phong “Nhất giai phi” song thứ hạng khác nhau. Bà Trương Thị tuy về nhà xuất gia trước khi Khải Định lên ngôi nhưng vẫn dược nhà vua dành cho danh hiệu cao nhất ”Hoàng Quý phi”. Ngôi thứ 2 là” Ân phi” dành cho Hồ Thị Chỉ. Bà Hoàng Thị Cúc nhận ngôi thứ ba:”Huệ phi”.
(3)-Hồi ký của Thích Nữ Diệu Không đã được in thành sách “Đường thiền sen nở” do Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn, Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây-Nxb Lao Động ấn hành năm 2009. Những dòng chữ nghiêng là trích từ “Đường thiền sen nở”.
(4) Các công tử Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Liên, Hồ Đắc Thứ đang học ở Hà Nội.
(5) Theo BS Hồ đắc Duy, bà Ân phi săn sóc và ở bên cạnh vua Khải Định cho đến khi băng hà, trước lúc vĩnh biệt ông đưa cho bà một chùm chìa khóa. Bà cầm lấy trong tay và giao trả lại cho chồng và nói: “Em chỉ muốn có với anh một đứa con mà thôi” (Hồ Đắc Duy, Cuộc đời bà nhất giai Ân phi Hồ thị Chỉ, Tạp chí Xưa Nay, Xuân 2011, số 371+372 tháng 1 năm 2011, trang 59-60)