Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Con "QUỐC QUỐC", Cái "GIA GIA"
1. Con "Quốc Quốc :
Con "Quốc Quốc" vốn là chim Cuốc. Tiếng "quốc quốc" do cách tá âm (mượn âm) "cuốc cuốc" mà ra và có điển tích gốc Trung Hoa. Trong bài "Qua đèo Ngang" của bà Huyện Thanh Quan có câu :
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chim Cuốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy, Thục Vũ hay Đỗ Vũ. Giống chim này, đầu mỏ hơi cong, miệng to đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lũi trong bụi rậm dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối xuân vào hè thì kêu ra rả suốt đêm (có người cho rằng chim này có khi kêu ra rả suốt cả đêm, đến máu chảy hòa với nước mắt, đến rựng sáng là giẫy chết). Tiếng của chim Đỗ Quyên kêu rất thảm thiết, gieo vào lòng người lữ khách một nỗi buồn nhớ quê hương vô hạn. Chim này không tự làm ổ lấy, đẻ trứng vào ổ chim Oanh. Chim Oanh ấp, nuôi cho đến lớn\ .
Sự tích chim Cuốc có nhiều thuyết, nhưng chính yếu vẫn là điển tích sau đây.
Vua nước Thục là Đỗ Vũ có tính đam mê nữ sắc, tư thông với vợ của bề tôi là Biết Linh. Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Đoạn này sách "Thành đô ký" lại nói : Vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết Linh biết chuyện, bày kế cho vợ nói khích Đỗ Vũ nhường ngôi cho Biết Linh rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước đi, để sống trọn tình chung. Đỗ Vũ nghe theo, giao nước cho Biết Linh nhưng vợ Biết Linh bấy giờ lại bỏ Đỗ Vũ, trở lại sống cùng chồng. Hối hận vì hành động xằng bậy của mình để nước mất nhà tan, vua Thục rầu buồn sanh bịnh rồi mất, hồn hoá thành chim Đỗ Quyên. Do đó, người ta cho rằng chim Đỗ Quyên mến tiếc thời vàng son của mình nên kêu gào thảm thiết. Các văn nhân thi sĩ thường dùng chữ "đỗ quyên" để nói lên nỗi niềm luyến nhớ quê hương, và cũng để diễn tả mùa hè.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, đoạn tả về khúc đàn của Kiều gảy cho Kim Trọng nghe lúc tái hợp, có câu :
Khúc đâu êm ái xuân tình, Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.
Thật vậy, không có tiếng kêu gì bi thảm, não nuột cho bằng tiếng chim Cuốc. Những buổi trưa hè nắng chang chang hay những đêm hè tịch mịch, tiếng chim Cuốc trong những bụi rậm hay trong bụi niễng dưới đầm vọng lên làm người cảm thấy bi ai một cách lạ lùng. Nó gợi lên được sự nhớ nhung về một thời oanh liệt xa xôi nào; có khi nó thúc giục và làm bừng dậy cái tinh thần ái quốc nồng nàn đương tiềm tàng trong lòng người thời nước mất nhà tan.
Thi ca cổ điển VN dùng rất nhiều từ liên hệ tới điển về chim Cuốc.
Trần Danh An, một di thần nhà Hậu Lê (1428-1788; thời kỳ thống nhất là từ 1428-1527 gồm Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Hoàng và Lê Cung Hoàng), nghe tiếng Cuốc kêu cũng cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh, một công nghiệp dựng nước của Lê Thái Tổ (tức Bình Định Vương Lê Lợi, chống giặc Minh 10 năm -- 1418-1427 -- và đuổi được giặc Tàu về nước, lên ngôi và đặt quốc hiệu là Đại Việt), tài đức của Lê Thái Tông (tức vua thứ hai đời nhà Hậu Lê, nối ngôi Lê Thái Tổ)... Hôm nay, Lê Chiêu Thống hèn nhát, họ Trịnh (tức Trịnh Duy Sản) chuyên quyền, lòng ái quốc thiết tha sống động trong tâm hồn thi sĩ, nhưng ông cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc nên đành gói ghém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ :
Chim giá cô ở bờ sông Nam, Chim Đỗ quyên ở bờ sông Bắc, Giá cô kêu gia gia, Đỗ quyên kêu quốc quốc Chim nhỏ kêu tiếng nước nhà Cô thần đối cảnh tình man mác
(Giá cô tại giang Nam Dỗ quyên tại giang Bắc Giá cô minh gia gia Đỗ quyên minh quốc quốc Vi cầm do hữu quốc gia thanh Cô thần đối thử tình vô cực)
Mặt khác khi đứng trước thành Cổ Loa (1), nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa kia tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì ngày nay điêu tàn quạnh hiu bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã : ... Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu
(Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm)
Tiếng Cuốc kêu của Quan Án Chu Mạnh Trinh tuy có não nuột thật nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi đát bằng tiếng Cuốc của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của ông nói lên nỗi mất nước, nỗi đau buồn uất hận trước cảnh đen tối của thời cuộc :
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ. Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tang bóng nguyệt mờ. Có phải tiếc xuân mà đứng gọi ? Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ? Ban đêm ròng rã kêu ai đó ? Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm sự của một người dân lưu vong, vong quốc là một thông lệ trong văn chương VN. Như vậy "Thục Đế", "Đỗ Quyên, "Quốc Quốc" đều do điển tích về Thục Đế bên Tàu mà ra.
2. Cái "Gia Gia" :
Cuối đời nhà Thương (1783-1154 trước TL), vua Trụ hoang dâm vô đạo, tàn hại lê dân, người người oán giận. Văn vương là Cơ Xương, vốn là một chư hầu của nhà Thương, nhân từ đức hạnh, được các chư hầu và dân chúng kính phục. Văn vương có một người tôi tài giỏi là Khương Tử Nha phò tá làm cho chính trị trong nước ngày càng thịnh. Văn vương chết, truyền ngôi cho con là Cơ Phát, lấy hiệu là Võ vương. Sau, Võ vương nghe lời quần thần, hội chư hầu lại đem binh phạt Trụ mong cứu dân chúng thoát cảnh lầm than. Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc nghe thấy, ra nắm dây cương ngựa của Võ vương, nói rằng :
- Cha chết chưa chôn mà đã lo việc chinh chiến, thế có gọi là hiếu được không ? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thì còn gọi là nhân được không ?
Võ vương bảo :
- Vua Trụ hoang dâm vô đạo, sát hại lê dân làm giận lòng người, trái ý trời. Nếu ta thủ phận, ngồi nhìn sự hà khắc của vua Trụ thì muôn dân còn trông cậy vào đâu. Hơn nữa, giang san có riêng gì của vua Trụ, ngày xưa vua Thành Thang chẳng chinh phạt vua Kiệt nhà Hạ để dựng lên nhà Thương đó sao ?
Bá Di, Thúc Tề chẳng nghe, cho Võ vương là bội chúa. Nhưng cận thần của Võ vương tức giận, muốn giết cả hai. Tử Nha can :
- Không nên. Hai ông là người nghĩa.
Sau Võ vương thắng trận, vua Trụ tự thiêu, lập nhà Chu, các chư hầu đều thần phục. Bá Di, Thúc Tề lấy làm hổ thẹn, coi thóc gạo cũng là của nhà Chu mà không ăn nữa... Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn, và làm bài hát "Thái vi" (hái rau vi) rằng :
Lên núi Tây sơn chừ, ta hái rau vi Kẻ bạo thay bạo chừ, biết phải trái gì Thần Nông, Ngu, Hạ (2) đã qua chừ, ta biết đâu mà quy y Đành chịu vậy chừ, vận mạng ta suy
(Đăng bỉ Tây sơn hề thái kỳ vi hĩ Di bạo dịch bạo hề bất tri kỳ phi hĩ Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một hề ngã an thích quy hĩ Vu ta tồ hề mạng chi suy hĩ)
Nhưng một hôm có người bảo hai ông :
- Đất bây giờ là đất của nhà Chu, thiên hạ là thiên hạ của nhà Chu, hai ông đã chê, không ăn cơm gạo nhà Chu mà hái rau vi của giang san nhà Chu thì có khác gì.
Hai ông cho là có lý nên từ ấy nhịn ăn mà chết.
Tương truyền, hai ông vì uất ức, oan hồn chưa tan nên biến thành một loại chim, thường gào thét giọng bi thảm :
- Bất thực túc Chu gia...Bất thực túc Chu gia (Không ăn lúa nhà Chu...Không ăn lúa nhà Chu)
Vậy cái "gia gia" là chim Đa Đa do âm gia gia mà ra.
-------------------------- (1) Lời chú thích của Kim Nguyễn : Như ta đã biết, lịch sử nước ta được chia làm 7 giai đoạn như sau :
1. Thượng cổ thời đại 2. Bắc thuộc thời đại 3. Tự chủ thời đại 4. Nam Bắc phân tranh thời đại 5. Nhà Nguyễn Tây Sơn 6. Nhà Nguyễn Gia Long 7. Cận kim thời đại
Thượng cổ thời đại (kéo dài 2768 năm, từ 2879-111 trước Tây Lịch) với họ Hồng Bàng (2879-257 trước Tây Lịch), nhà Thục (257-207 trước TL) và nhà Triệu (207-111 trước TL). Riêng nhà Thục, ứng với thời này bên Tàu là gần cuối thời Chiến Quốc và đến phiên Tần Thủy Hoàng gồm thâu Lục Quốc mở ra nhà Tần từ 221-207 trước TL. Nước Văn Lang (Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của nước ta, có vị trí ở địa phận miền Bắc bây giờ; thủ đô là Phong Châu, thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên ngày nay) của các vị vua Hùng bị Thục Phán, vua nước Âu Lạc cũng gọi là Lạc Việt, đánh chiếm. Theo Khâm Định Việt Sử thì đây không phải là nước Thục bên Tàu vậy Lạc Việt hẳn thuộc một dòng họ độc lập nào đó ở gần nước Văn Lang. Thục Phán xưng là An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc (gồm 2 nước Lạc Việt và Văn Lang), đóng đô ở Phong Khê (Cổ Loa), nay là huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (An), gần Hà Nội. Năm 214 trước TL, Tần Thỉ Hoàng đánh chiếm Bách Việt (Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây), thấy thế An Dương Vương thần phục nhà Tần, Bách Việt và Âu Lạc được chia thành 3 quận : Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Âu Lạc). Tuy thuộc về Thượng cổ thời đại, nhưng trong thời gian mới lập quốc An Dương Vương đã biết xây thành Cổ Loa, một kiến trúc vĩ đại, thành cao và từ ngoài vào thì xoáy trôn ốc, nên gọi là Loa thành.
Tại Cổ Loa Thành còn ghi lại mối tình của nàng công chúa Mị Châu vì nghe lời ngon ngọt của chồng là Trọng Thủy, con của kẻ tham vọng Triệu Đà, đã khiến cho nhà Thục mất nước. Năm 208 tức năm 50 đời vua An Dương Vương, có một quan Thái thú quận Nam Hải (Quảng Đông) tên là Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc. Đánh nhiều lần vẫn không thắng vì không vào được thành Cổ Loa. Theo tục truyền thì khi xây thành Cổ Loa, An Dương Vương được Thần Kim Quy hiện lên giúp trừ yêu quái phá rối. Thần Kim Quy đã cho An Dương Vương một cái móng chân để làm lẫy nỏ. Nỏ đó, khi nào có quân giặc tới, đem ra bắn chết hàng vạn người, nên Triệu Đà thua mãi phải rút quân. Sau đó Triệu Đà nghĩ kế cho con trai là Trọng Thủy kết duyên với con gái An Dương Vưong tên là Mị Châu. Lấy được vợ rồi, Trọng Thủy dọ thám tình hình và đươc Mị Châu lấy nỏ thần cho chồng xem. Trọng Thủy bèn lấy lẫy thật thay bằng một lẫy giả, rồi định mang về đưa cho cha. Trước khi đi, Trọng Thủy hỏi Mị Châu rằng nếu chàng ta về lỡ khi có giặc đánh đuổi thì làm sao để tìm được Mị Châu. Mị Châu cho biết rằng, "Thiếp có chiếc áo lông ngỗng, hễ chạy tới đâu thì lấy lông ngỗng rắc ra dọc đường để chàng biết mà tìm thiếp". Trọng Thủy về báo cho cha hay sự tình. Triệu Đà liền cất binh đánh Thục Phán. Cậy có nỏ, Thục Phán không phòng bị, chờ giặc tới gần chân thành mới đem nỏ ra bắn thì không thấy hiệu nghiệm nữa. Thua trận, An Dương Vương đem con là Mị Châu chạy về phía Nam. Đến núi Mộ Dạ (huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An) gần bờ bể, thấy giặc đuổi quá sát, mới khấn thần Kim Qui lên cứu. Kim Quy hiện lên nói rằng, "Giặc ngồi sau lưng đó !". Quá tức giận, An Dương Vương chém đứa con gái rồi nhảy xuống biển tự tử. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng đuổi tới núi Mộ Dạ thì thấy xác vợ nằm chết tại đó. Bi thương vô hạn, Trọng Thủy đem vợ về an táng rồi nhảy xuống cái giếng gần Cổ Loa Thành mà tự tử. Có điển tích cho rằng hồn Thục Phán vì nhớ nước nên hoá thành chim Cuốc, ngày đêm kêu lên những tiếng não nuột. Hiện nay dấu tích Cổ Loa Thành và đền thờ An Dương Vương còn lưu lại ở xã Xuân Kiều, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, gần Hà Nội. Về phần Triệu Đà, sau khi lên ngôi, Triệu Đà lấy hiệu là Vũ Vương, đặt tên nước là Nam Việt (Quận Nam Hải + Âu Lạc; vậy Nam Việt này khác với Nam Việt của VN ngày nay), đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ.
(2) Thần Nông : thuộc về Tam hoàng (Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông), dạy người làm ruộng.
Ngu Thuấn : một vị vua đời xưa của nước Tàu, nhờ hiền đức mà được Đường Nghiêu truyền ngôi cho.
Hạ : Vua Vũ đời nhà Hạ (2205-1818 trước TL). Đây là vị minh quân đời Thượng cổ.
* posted by Eagle / TGNV
|