Nữ nghệ sĩ kiêm Nữ thể thao gia lừng danh: Như Mai - Đã ra người thiên cổ!
16.05.2010Nữ nghệ sĩ Tú Trinh gọi điện thoại báo tin cô Như Mai, nữ nghệ sĩ kiêm thể thao gia vừa từ trần ngày 12 tháng 5 năm 2010 sau một tháng trời điều trị tại bệnh viện 115. Quá xúc động, tôi ngồi bần thần rất lâu và cứ tưởng là mình nghe lầm, chớ không thể nào nữ nghệ sĩ Như Mai, một thể thao gia, một người khoẻ gấp mấy Nguyễn Phương, chưa hề nghe Như Mai có bệnh gì quan trọng mà lại rời bỏ cuộc đời để về cõi vĩnh hằng một cách rất đột ngột.
Còn nhớ năm 2005, khi về thăm quê hương, nhân dịp đầu Xuân, tôi đến Nhà Truyền Thống của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế ở đường Cô Bắc thắp nhang bàn thờ Tổ Cãi Lương, tôi gặp Như Mai - Kim Hoàng và các nghệ sĩ cải lương đến dự tiệc đón Xuân do Hội Nghệ sĩ tổ chức. Cô Như Mai hỏi thăm tôi về cuộc sống của chúng tôi ở Montréal và cô bàn rất nhiều về việc góp vốn kinh doanh để có lời làm thành quỷ giúp các nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn ở Việt Nam. Cô đã thực hiện kế hoạch đó và hằng tháng gởi cho Ban Ái Hữu nghệ sĩ vài trăm ngàn Việt Nam Đồng để giúp các nghệ sĩ bệnh hoặc các nghệ sĩ ở viện dưỡng lão nghệ sĩ ở đường Âu Dương Lân. Hai nghệ sĩ Kim Hoàng và Như Mai được các bạn nghệ sĩ công nhân là hai nhà mạnh thường quân tích cực nhất trong việc giúp nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn trong hàng chục năm trước và sau năm 1975.
Nữ nghệ sĩ Như Mai tên thật là Trần Thị Mai, sanh năm 1927, sinh tại Đà Nẳng. Cha tên là Trần Đình Quế, sinh quán Nha Trang, Mẹ là bà Lê Thị Tuyết Ngọc, sinh quán Saigon, hai ông bà ra Đà Nẳng làm ăn sinh sống, gặp nhau, kết hôn và sinh ra Mai tại Đà Nảng.
Cô Mai học trường Pháp tại Đà Nẳng. Năm 14 tuổi, cô Mai là cô gái duy nhất đăng ký đua xe đạp tuyến đường Đà Nẳng - Hội An- Đà Nẳng.
Năm 1943, gia đình cô Mai dời về Saigon sinh sống, cô học đánh bóng bàn với hai tay vợt bóng bàn vô địch Đông Dương là Mai Văn Chất và Mai Văn Hòa.
Năm 1949, cô Mai nổi danh là tay vợt bóng bàn nữ chuyên lối đánh tấn công, đập banh rất chuẩn xác. Cô Mai họp với Mai Văn Hòa thành một cặp đánh đôi, một công một thủ, từng thắng các đối thủ của các tỉnh Vĩnh Long, Mỹtho, Biên Hòa, Thủ Đức. Cần Thơ, Saigon, Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1952, tại Hà nội, cô Mai đánh thắng cô Nguyễn Thị Nhuận, cây vợt nữ vô địch của Hà Nội.
Cũng trong năm 1952, cô Mai đánh thắng hai nhà vô địch bóng bàn nữ Tiết Thúy Sơn và Phó Kỳ Phương tại Hồng Kông.và cô Mai hạ cô Thái Thị Dung, cây vợt nữ vô địch của Cambodge.
Năm 1953, cô Như Mai đứng cặp với Trần Thị Kim Ngôn đánh hạ cặp nữ số một Hồng Kông là Hoàng Bích Diêu và Trần Ngọc Nghi và năm 1956, trong chuyến dự giải quốc tế ở Philipines, Lê văn Tiết đoạt giải quán quân, cô Như Mai được mời đánh bóng bàn biểu diễn, các khán giả bóng bàn tại nước chủ nhà nhiệt liệt ngợi khen.
Ngoài tài năng vô địch bóng bàn nữ, cô Như Mai còn đoạt nhiều cúp vô địch về đua xe đạp nữ, vô địch nữ trong cuộc đua xe gắn máy( mobylette), đua xe hơi tuyến đường Saigon – Đà Lạt, Nha Trang – Saigon.
Cô là bạn thân của cô Lý Bữu Trân( con gái của nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há) nên cô thường xem bà Phùng Há hát. Tuy có thành tích rất cao về các môn thể thao nhưng cô Như Mai thích ca hát nên .cô học ca cổ rồi gia nhập đoàn hát Nam Phi với nghệ danh nữ nghệ sĩ Như Mai. Nữ nghệ sĩ Như Mai thủ diễn vai kép Trần Nhân Tôn trong tuồng Vương Phi Mỵ Ê và vai Hoàng Tử A Ti La trong tuồng Giai Nhân và Ác Quỷ, hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo.
Khi hát trên sân khấu Nam Phi, Như Mai kết bạn với bạn diễn Kim Hoàng. Tình bạn thân thiết đến độ chồng của Kim Hoàng là anh Út Để nổi ghen và gây xào xáo trong gia đình, đưa đến việc ly hôn của Kim Hoàng và Út Để.
Năm 1956, Như Mai và Kim Hoàng rời khỏi gánh hát Nam Phi. Nhân dịp đi theo phái đoàn thể thao Việt Nam sang thi đấu ở Manila( Phi luật Tân), Tokyo ( Nhật Bản), Hồng Kông, Như Mai đưa Kim Hoàng đi theo và giới thiệu cho Kim Hoàng ca tân nhạc ở đài phát thanh Manila, Tokyo và Hồng Kông.
Năm 1960, Như Mai lập đoàn hát cải lương Kim Hoàng – Như Mai, sử dụng nhiều tuồng của các soạn giả thời danh như Hà Triều – Hoa Phượng, Thanh Cao, Thu An, Quy Sắc, Kiên Giang và tập trung một dàn diễn viên tài danh như Thanh Cao, Lệ Thơ, Sáu Huề, Ba Thâu, Ngọc Ẩn, Thanh Hải, hề Minh Ngọc, hề Quí với quyết tâm tạo sân khấu tốt nhất để cho nữ nghệ sĩ Kim Hoàng phát triển tài năng. Thời gian đầu, đoàn Kim Hoàng – Như Mai gây được tiếng vang lớn với vở tuồng Quán Gấm Đầu Làng. Chỉ tiếc là năm 1963 có nhiều biến động chính trị, Saigon nhiều lần bị giới nghiêm ban đêm nên đoàn Kim Hoàng – Như Mai và nhiều gánh hát không hát được, phải chịu rã gánh.
Năm 1964, cô Như Mai đi học khóa tu nghiệp Huấn Luyện Viên bơi lội của Thế Vận Hội Tokyo, nữ nghệ sĩ Kim Hoàng đi theo cô Như Mai như hình với bóng. Sau khóa tu nghiệp Huấn Luyện Viên Bơi Lội của Thế Vận Hội Tokyo, Như Mai và Kim Hoàng học múa vũ điệu của Nhựt Bổn với nữ vũ sư trưởng của vũ đoàn Hoàng Gia Nhựt Bổn.
Năm 1966, thể thao gia Như Mai tham dự Á Vận Hội Kualalampua, nữ nghệ sĩ Kim Hoàng tháp tùng theo Như Mai và được dịp biểu diễn ca nhạc tại nhà Quốc Hội Mã Lai.
Năm 1967 Như Mai – Kim Hoàng gia nhập gánh hát Kim Chung của Bầu Long, Kim Hoàng đóng vai đào chánh, Như Mai làm Quản Lý, đại diện cho Bầu Long để điều hành đoàn hát.
Từ năm 1972 đến năm 2000, Như Mai – Kim Hoàng mở lớp dạy ca hát cổ nhạc tại nhà riêng ở số 335 A đường Lê Văn Sỹ( sau 1975, đổi tên là đường Nguyễn Trọng Tuyển)
Thời gian này, Như Mai – Kim Hoàng thường đến chùa nghệ sĩ, giúp bà Phùng Há thực hiện việc vận động quyên góp tiền bạc lập quỷ cứu trợ nạn nhân thiên tai bảo lụt và các nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn. Như Mai và Kim Hoàng đã theo bà Phùng Há và đoàn cứu trợ vận chuyển hàng hóa, gạo thóc, quần áo, thuốc men cứu trợ đến tận các vùng hẻo lánh xa xôi trong đồng Tháp Mười, ở tận các xã vùng sâu của miền Đông hoặc miền Hậu Giang, thực hiện hơn hai chục lần cứu trợ nạn nhân bảo lụt.
Cả hai Như Mai và Kim Hoàng được xem là đôi bạn tình, như chim liền cánh, như cây liền cành. Lúc mới gặp nhau, thân thiết đến độ Út Để và Kim Hoàng ly hôn, dư luận báo chí kịch trường và một số nghệ sĩ không tán thành tình cảm của hai cô, nhưng cô Như Mai là một thể tháo gia, từng quyết đấu, tranh đoạt được nhiều cúp vô địch thể thao nên càng bị ngăn cản, cô Như Mai càng quyết thực hiện cho kỳ được tình cảm và quan niệm sống của riêng mình. Cô đã chiến thắng trong việc bảo vệ tình cảm của cô và Kim Hoàng, khiến cho về sau này không ai còn có ý phản đối cuộc sống chung của hai cô, mọi người đã có thói quen gọi liền liên danh Kim Hoàng – Như Mai mỗi khi nói về hai cô xem như một thực thể không thể tách làm đôi, dù mọi người có ý niệm rõ ràng đó là đồng tính luyến ái
Những thành quả trên đường hoạt động nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Kim Hoàng, dù cô có tài sắc, ca hay diễn giỏi nhưng đều do công lao của người bạn tình chung Như Mai tạo cơ hội và điều kiện để cho Kim Hoàng có đất dụng võ, có sân khấu để hát và Như Mai đã có óc tổ chức và tài quảng cáo để giới thiệu tên tuổi của nữ nghệ sĩ Kim Hoàng ngay từ lúc Kim Hoàng rời đoàn hát Nam Phi, Kim Hoàng vẫn được báo chí nhắc nhở xuyên qua các lần trình diễn ca nhạc trên đài phát thanh Manila, Tokyo, Hong Kông, Lào, Cambodge.
Nhắc đến nữ nghệ sĩ kiêm thể thao gia Như Mai, khán giả và nghệ sĩ cải lương đều thương mến và khâm phục tinh thấn cương quyết, tình cảm của Như Mai dành cho Kim Hoàng, đồng thời giới nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn và dân chúng ở các vùng bị thiên tai bảo lụt được cứu trợ không quên được hình ảnh của cặp đôi nghệ sĩ Như Mai Kim Hoàng, hai nghệ sĩ đầy tình thương dành cho nhũng người dân không may mắn như hai cô.
Bây giờ thì Như Mai về cõi vĩnh hang, chỉ thương cho Kim Hoàng từ nay cô đơn chích bóng, một mình gánh nặng nổi thương nhớ Như Mai: người bạn nghệ sĩ, bạn tình suốt hơn nữa thế kỷ đã cùng cô chung sống, cùng chia vui xẻ buồn.
Vợ chồng Nguyễn Phương xin thành thật chia buồn cùng cô Kim Hoàng và cầu chúc cho cô được tâm thân an lạc khi ngộ ra rằng sinh ly tử biệt là luật trời dành cho tất cả mọi người, không chừa một ai.
Điều đáng an ủi là khi Kim Hoàng tiển người bạn về chốn suối vàng, cô xét lại người mất đã làm được quá nhiều công ích cho xã hội và điều thiện giúp đở đồng nghiệp và đồng bào, đáng cho mọi người chiêm ngưởng và khâm phục. Đó cũng là niềm an ủi lớn dành cho Kim Hoàng mỗi khi nhớ về Như Mai.
Tang lễ của nữ nghệ sĩ kiêm thể tháo gia Như Mai được tổ chức tại tư gia: 343 / 46 đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1 , quận Tân Bình.
Trần Thị Mai ( nghệ danh Như Mai) hưởng thọ 84 tuổi – sanh năm 1927.
Sau đó sẽ an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ vào 6 giờ sáng ngày 15 tháng 5 năm 2010.
Ở phương trời Canada xa thẳm, vợ chồng Nguyễn Phương xin thắp nén nhang tưởng niệm, cầu nguyện cho hương linh cô Như Mai sớm được về nơi tiêu diêu cực lạc.
cailuongvietnam.com