I- CÁC THUẬT NGỮ ÐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TRUYỆN KIỀU
Thích Nữ Huệ Nguyệt
Trong truyện Kiều có rất nhiều thuật ngữ liên hệ đến đạo Phật được tác giả xử dụng với thâm ý chuyên chở một nội dung đạo vị. Những thuật ngữ này phần nhiều xuất xứ từ các kinh Ðịa Tạng, Phổ Môn, Thủy Sám, Chẩn Tế khoa nghi ... Nhưng ở đây người viết chỉ bàn đến một số thuật ngữ ít được lưu ý.
1) Ðoạn trường: Có thể đã được rút từ kinh Ðại báo phụ mẫu trọng ân: ‘Như viên đề ái tử, thốn thốn đoạn can trường (như vượn khóc con yêu, đứt ra từng khúc ruột)’. Lấy tích con vượn mẹ yêu con bị thương không nỡ rời, người ta bắn cả hai mẹ con về làm thịt. Khi mổ bụng ra vượn con tuy bị thương mà ruột vẫn lành lặn, còn vượn mẹ vì quá thương con nên ruột đã bị đứt ra từng khúc.
2) Trạc tuyền: là pháp danh của Thúy Kiều khi xuất gia. Tên này lấy tích từ văn Thủy sám, bài tựa có câu: ‘Nhạn hạ hữu tuyền, minh đán trạc chi tức dũ’ (dưới núi có dòng suối, sớm mai xuống rửa mụt ghẻ sẽ khỏi ngay). Cụ Nguyễn Du đặt cho Kiều cái pháp danh ấy, phải chăng dụng ý nói Kiều cũng có một oan hồn theo báo đời như kiểu oan hồn của Triệu Thố mười đời theo dõi Ngộ Ðạt quốc sư để báo thù? Và oan hồn theo báo nàng Kiều không ai khác hơn là Ðạm Tiên vậy. Cái suối giải oan cho Kiều chính là sông Tiền Ðường, nơi nàng nhảy xuống từ trần, và hồn ma Ðạm Tiên đã đến tỉ tê khi nàng vừa được vớt lên đang còn ‘mơ màng phách quế hồn mai’.
‘Rằng tôi đã có lòng chờ
Mất công mười mấy năm thừa ở đây’
Rõ ràng là hồn ma Ðạm Tiên vẫn theo báo Kiều cho đến bây giờ khi nàng sạch nghiệp mới chịu buông tha. Nó còn muốn cho Kiều phải chết trong tủi nhục và sống trong đọa đày. Lần đầu tiên khi Kiều toan tự sát bằng con dao để khỏi rơi vào tay tú bà, thì hồn ma ấy lại hiện lên răn đe:
‘Số còn nặng nợ má đào
Người dù muốn thác trời nào đã cho
Hãy xin hết kiếp liễu bồ
Sông Tiền Ðường sẽ hẹn hò về sau’
Nghĩa là khi Kiều đáng chết để khỏi nhục thì hồn ma Ðạm Tiên cản ngăn, làm cho nàng phải sống nhục.
3) Am mây: thường dùng trong truyện Kiều ‘am mây quen lối đi về đời hương’. Do chữ trong Cao tăng truyện, thiền sư Nhất Biến cất am trên núi cao, tu thiền có để lại bốn câu thơ:
‘Thiên phong đãnh thượng nhất gian ốc
Lão tăng bán gian, vân bán gian
Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ
Ðáo đầu bất tợ lão tăng nhân’
(Trên đỉnh núi cao cất một gian nhà, lão tăng nửa gian, mây nửa gian. Ðêm qua mây theo mưa gió đi mất. Rốt cuộc không bằng lão tăng nhàn.)
4) Phiến mây: khi Kiều ở Chiêu Ẩn am với Giác Duyên, Nguyễn Du tả:
‘Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương’
Hai chữ phiến mây thường được viết sai là phướng mây, chữ phướng giải thích là cái tràng phan treo trong, chứ không được giải thích. Kỳ thực, phiến mây mới đúng hoặc đọc miếng mây theo tự dạng chữ Nôm. Như ta biết lúc bấy giờ, Kiều đang ở chùa làm chú tiểu. Công việc một chú tiểu vào buổi đại hồng chung. Thứ tự công việc của chú tiểu được diễn tả đầy đủ trong câu thơ trên. Ban ngày (sớm) thì chép kinh trên lá bối, khuya dậy thì đánh mộc bảng hay ‘mộc ngư’ (tấm bảng bằng gỗ mít thường khắc hình con cá tượng trưng sự tỉnh thức, vì cá rất ít ngủ) để làm hiệu lệnh khi thức dậy, kế đến là khêu đèn cho sáng (ngọn đèn khêu nguyệt) rồi dóng đại hồng chung (tiếng chảy nện sương) không ai mò tới những tấm phướng làm gì vào giờ ấy. Bởi vậy, phiến mây chỉ có thể là tấm ‘mộc ngư’ hay tấm bảng bằng gỗ mít đánh lên để thức chúng dậy buổi khuya. Chữ ‘mây’ rút từ bài tựa Kinh Ðịa Tạng và nhiều kinh khác. Chư Bồ tát tụ hội đông như mây, nên có danh từ ‘vân tập’. Tấm bảng bằng gỗ mít thường gọi chung là ‘ngọc bảng’, khi được dùng để đánh hiệu lệnh ở phòng ăn gọi là ‘phạn bảng’, ở phòng tắm gọi là ‘thủy bảng’, treo ở chánh điện triệu tập tăng chúng thì gọi là ‘vân bảng’. Chữ phiến mây xuất phát từ chữ ‘vân bảng’ nầy. ‘Ngọn đèn khêu nguyệt’ rút từ khoa Mông sơn thí thực;
‘Kinh song lãnh tống tam canh nguyệt
Thiền thất hư minh toán dạ đăng’
(Cửa kính trăng thảm lạnh lùng, nhà thiền leo lét đèn chong canh dài)
‘Tiếng chày nện sương’ xuất xứ từ bốn câu thơ của Trương Kế:
‘Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền’
Tản Ðà dịch:
‘Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San’
5) Nhồi tâm hương: Lúc ở Quan Âm Các nhà Hoạn Thư, công việc của nàng được Nguyễn Du tả như sau:
‘Ngày phô thủ tự, đêm nhồi tâm hương’
‘Ngày phô thủ tự’ nghĩa là ban ngày bày ra chép kinh.‘đêm nhồi tâm hương’ thường đọc sai là ‘nồi’ giảng sai thành đồt lò hương trầm .. kỳ thực ‘tâm hương’ ở đây là ngũ phần hương, năm thứ hương của pháp thân là: giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. ‘nhồi tâm hương’ là ngồi thiền, tĩnh lự (làm lắng dịu những lo nghĩ) để tô bồi năm phần hương của pháp thân.
6) Giọt nước cành dương: khi tả tâm trạng Kiều ở Quan âm các, Nguyễn Du đã viết:
‘Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên’
Bốn chữ ‘giọt nước cành dương’ rút từ khoa Mông sơn thí thực và khoa nghi chẩn tế:
‘Bồ tát liễu đầu cam lồ thủy
Năng linh nhất trích biến thập phương
Tinh chuyên cấu uế tận quyên trừ
Phổ sái đạo tràng tất thanh tịnh’
(Nước cam lồ đầu cành dương của Bồ Tát có thể làm cho một giọt rưới khắp được cả mười phương có thể trừ sạch hết những nhiễm ô, rưới khắp cả đạo tràng được thanh tịnh)
7) Quan phòng: cuối cùng hai chữ bí hiểm chưa ai giải đúng là hai chữ ‘quan phòng’ trong câu:
‘Quan phòng then nhặt lưới mao
Nói lời trước mặt rơi châu vắng người’
Ðây là giai đoạn Kiều tu ở Quan âm các: ‘Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia’. Thật ra tam quy thập giới mới đúng. Có lẽ những người sao chép không rành giới luật trong đạo Phật mà chỉ quen danh từ tam quy ngũ giới nên đã tự tay sửa lại tưởng cụ Nguyễn Du viết lầm, nhưng ông, một người am tường Phật giáo sâu sắc, một người đã từng đọc kinh Kim Cang cả ngàn lần (xem thơ chữ Hán Nguyễn Du ) và khi chết đã chết tỉnh giác như một thiền sư thì không thể nào không biết đến giới luật sơ đẳng của người xuất gia là tam quy thập giới. Chính chữ Quan Phòng chỉ cho mười giới ấy. Chữ Quan có nghĩa là quan bế (đóng cửa) có thể tìm thấy trong từ ngữ Bát quan trai giới (giới để đóng tám cửa) ’Phòng’ là phòng phi chỉ ác, tức là đề phòng việc sai trái, dứt hẳn điều ác, chỉ cho luật. Như vậy chữ ‘quan’ chỉ cho bốn giới trọng trong mười giới Sa di, được ví như cửa phải đóng, không thể khai mở được. Ðó là bốn giới ‘sát, đạo, dâm, vọng’. ‘Phòng’ chỉ cho sáu giới khinh tiếp theo. ‘Then nhặt’ (then cài kỹ đóng chốt) là bổ túc cho ý nghĩa chữ ‘quan’, bốn giới không thể vi phạm. ‘Lưới mao’ (mao là lông, nhẹ như lông). Ðọc ‘mau’ là sai, bổ nghĩa cho chữ phòng chỉ sáu giới nhẹ, có thể du di, chẳng hạn giới không ăn chiều.
http://quangduc.com/tho/208triethoc-kieu.html