Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages123>
Tiếng nước tôi...
Song Anh
#1 Posted : Thursday, April 20, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Ca Dao Tục Ngữ, Nền Văn Hóa Căn Bản của Dân Tộc

Trích Đoạn từ 2 tác phẩm đã xuất bản

Theo định nghĩa trong Tập "Tục Ngữ, Thành Ngữ Ca Dao và Dân Ca Việt Nam" của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997:
Ca Dao (petit chanson populaire) = Câu hát ngắn thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian
Cách Ngôn (Précepte, Maxime) = Lời nói làm khuôn phép (cách kiểu mẫu, khuôn mẫu)
Châm Ngôn ((Précepte, conseil) Lời văn có vần điệu để khuyên đời
Dân Ca (Chanson populaire) Bài ca có tính cách dân tộc, dễ hiểu và hợp với tâm tình đơn giản của nhân dân
Ngạn Ngữ (Proverbe, dicton populaire) Câu nói ngắn gọn của dân gian với mục đích răn dạy
Phong Dao (Chanson populaire) = Lời ca câu hát của dân gian tại các địa phương mà có thể hiểu được phong tục tập quán của một dân tộc trong lịch sử
Phương Ngôn (Proverbe) = Lời nói thông dụng của từng địa phương có ý nghĩa như câu tục ngữ
Tục Ngữ (Proverbe) = Câu nói có tính cách răn dạy hay châm biếm chuyện đời
Thành Ngữ = Là những câu nói ngắn gọn dân gian thường dùng trong khi nói hay viết cho có vẻ mầu mè. (Trang 3)

Theo Ông Lê Gia trong bộ sưu tập "Tâm Hồn Mẹ Việt Nam" (NXB Văn Nghệ, 1994) đưa ra những nhận định khá khác biệt với những Sưu tầm ca dao trước đây. (Trang 13 - 30 Quyển Một)

a. Tục Ngữ: Câu nói dựa theo phong tục ăn sâu vào tư tưởng mọi người, được mọi người chấp nhập và truyền tụng. (trang 13)

Có người hiểu theo nghĩa thứ 2 (Tầm thường thấp kém, tục tằn (t.13) mà cho rằng Tục ngữ là câu nói thô tục, quê mùa không văn vẻ (Bất thành văn) thuộc đám bình dận. (t. 14)

a1. Thành ngữ: là một phần câu, do một số tiếng góp nên, nhưng lại là phần quan trọng. (t. 18)

Thí dụ: Trong câu tục ngữ
Nói phải như gãi chỗ ngứa (Tục Ngữ)

Cũng như trong câu phong giao:
Một ngày hai bữa cơm đèn
Còn gì má phấn răng đen hỡi chàng

Thì "Gãi chỗ ngứa" và "Má phấn răng đen" là hai thành ngữ.
Nhưng gãi trúng chỗ ngứa lại là một câu tục ngữ vì nó có ngụ ý (nghĩa bóng) và thay cho một câu trọn nghĩa: Làm đúng việc, làm có lơi...

a2. Ngạn Ngữ: Câu nói có từ lâu đời, được lưu truyền trong một nước, một vùng. Có nhiều người dùng "Ngạn ngữ" thay cho "Tục ngữ" (t.22)

a3. Sấm Ngữ: Nghiệm đúng sự việc sẽ xảy ra ... như "Mặt rỗ, tổ ghen"

"Chớp Đông hay nháy, gà gáy thì mưa" (Sấm Trạng)(t.22)

a4. Mê Ngữ (Câu đố): Mơ hồ, không rõ... Mê ngữ là các câu đố, có ẩn nghĩa như: Đầu bằng con ruồi đuôi bằng cái đĩa (t.23)

a5. Phương ngôn: 1. Tiếng nói hoặc một câu văn hay của một vùng nào đó như: "Trai Cầu Vồng yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim" 2. Câu nói hay, chỉ phương hướng cho ta theo là phương pháp cho ta dùng, như: Bầu ơi thương lấy bí cùng , Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. (t.23)

a6. Cách Ngôn: Lề lối, phép tắc (t.24)

a7. Châm Ngôn: Có nghĩa là răn đời, lời nói dùng làm kim chỉ đường cho cuộc sống (t.24)

a8. Ngụ ngôn: Lời nói có ý nghĩa bên trong (t.24)

a9. Túy ngôn: Theo Hán tự Túy là: Của cải, gia sản, tức cái hay cái quý cái đẹp. (t.25)

Phân tách cho kỹ, ta thấy: Phương ngôn, cách ngôn, châm ngôn, túy ngôn... là lọai tục ngữ nói về cách cư xử, còn sấm ngữ, mê ngữ nói về việc làm ăn chơi bời. Tất cả đều gọi chung là Tục Ngữ(t.25)

b. Phong Dao: - Hát ngắn, bài hát câu hát không thành chương khúc, ít giọng điệu, chỉ dùng thanh nhạc, không có nhạc khi phụ họa, dùng hát hát ngâm chơi tùy hứng, không trình diễn với sân trường và bối cạnh

- Lời đồn đại, lời nói vô bằng cớ, không biết xuất xứ (Dao ngôn, Dao tục)

Vậy phong dao có nghĩa là những câu , những bài hát ngắn chưa thành chương khúc, ít giọng điệu, dựa theo phong tục tập quán và được truyền tụng lâu đời, không rõ tác giả và xuất xứ, đôi khi có tính cách đồ đại một sự việc gì. (t.26)

b1. Đồng dao: Những câu hát ngắn, không rõ xuất xứ, của trẻ con hát chơi hay đồn đại một sự việc gì như:

"Ông tiển ông tiên

Ông có đồn tiền ...." (t.27)

b2. Lý ca hay Lý ngữ: ...là câu hát nơi đồng quê, được hát một cách thản nhiên, một cách nhàn nhã như:

"Trời mưa lâm râm

Cây trâm có trái... (t.28)

Vè của ta vừa là Thi vừa là Dao....(t.29)

c. Dân Ca: Hát lên, tiếng hát, bài hát có giọng điệu, tiết tấu, chương khúc (có bài bản) (t.29)

d. Ca Dao: Như trên ta đã thấy, hai chữ "Ca" và "Dao" có hai nghĩa khác nhau cũng như hai chữ "Thi" và "Phú" vậy.

Sách "cổ dao ngạn" (Phong dao, ngạn ngữ) xưa có viết: Ca va Dao khác nhau ở chỗ là Dao có thể dùng làm lời Của Ca.

Sách Mao Truyện (Truyện hay chọn lọc) nói: "Khúc hợp nhạc viết Ca, đồ ca viết Dao" có nghĩa là khúc hát có đệm nhạc là Ca, hát trơn là Dao.

Vậy một bài hát không thể vừa Ca vừa Dao nên cũng không thể có bài hát nào được gọi là bài Ca Dao cả (t.30)

Trân trọng
Ca Dao

Trích từ site : http://www.cadaotucngu.Com

Song Anh
#2 Posted : Friday, April 21, 2006 5:24:51 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Ngôn Ngữ - Ký Ức và Thi Ca Truyền Khẩu Việt Nam
Võ Thu Tịnh

Về phương diện ngôn ngữ, có thể chia văn chương truyền khẩu thành hai loại: Loại văn vần có hình thể cố định, như ca dao, dân ca... lời được lưu truyền nguyên văn, không thay đổi, đồng thời vì luôn luôn ngắn gọn và có nhiều vần, nên được tiếp nhận dễ dàng và được ghi khắc vào ký ức của người nghe một cách lâu dài. Và loại văn xuôi có hình thể không cố định, như các truyện thần thoại, huyền thoại, cổ tích, truyện kể, lời văn không cố định, cùng một cốt chuyện như nhau, mà khi kể, mỗi người lại dùng lối văn riêng của mình, không ai giống ai. Khi nghe kể xong, người ta chỉ nhớ cốt chuyện mà thôi, chớ không mấy ai nhớ hết các lời văn xuôi mà người kể đã dùng. Paul Valéry giải thích hiện tượng ấy như sau: "Ngôn ngữ mà tôi vừa dùng để diễn đạt một ý đồ, một sự mong muốn, một mệnh lệnh, một ý kiến, một thỉnh cầu hay một giải đáp của tôi, các câu văn xuôi ấy, một khi vừa làm xong nhiệm vụ truyền đạt của chúng, tức khắc sẽ biến mất. Tôi đã thốt các câu văn xuôi ấy ra, là để cho chúng nó tiêu tan đi và dứt khoát biến nhập vào trong trí óc các anh... Nếu các anh đã hiểu được những lời tôi nói rồi, thì những lời ấy không còn cần thiết gì đối với các anh nữa, chúng đã biến vào tâm tư các anh, và để bù lại, các anh đã nhận được của tôi, dưới hình thức các tư tưởng và các ý thức liên hệ, những gì để các anh có thể phục nguyên lại ý nghĩa trong những lời văn xuôi mà tôi đã dùng, bằng những lời văn của chính các anh thốt ra, và những lời ấy có thể khác với những lời của tôi vừa nói đó ".(1)
Nếu một câu chuyện quá dài, khó nhớ, dân gian ta thường xen vào ở mỗi đoạn chính của câu chuyện ấy một vài "câu thơ" ngắn để làm mốc, nhờ đó về sau, người nghe có thể nhớ lại các diễn biến của cốt chuyện dễ dàng hơn. Chẳng hạn trong một cổ tích dài như chuyện Tấm Cám, ở mỗi sự việc chính đều có một vài "câu thơ" kèm theo, ví dụ như:
Đoạn đầu, Tấm nuôi cá bống của Phật cho:
Cái bống là cái bống bang ! Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta. Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Đoạn Tấm bị dì ghẻ giết, hóa ra chim hoàng oanh:
Giặt áo chồng tao, Thì giặt cho sạch. Phơi thì phơi bằng sào, Chớ phơi hàng rào, Rách áo chồng tao !
Đoạn gần cuối, Tấm lại bị giết, lần nầy Tấm hoá ra trái thị:
Hú trái thị rơi bị bà già, Bà đem về nhà ngửi chớ bà không ăn!
Trong Introduction à la poésie orale (Nhập môn thi ca truyền khẩu), giáo sư Paul Zumthor nhận xét rằng: "Người ta có thể ngờ rằng trong lịch sử đã không bao giờ có một nền văn hóa nào mà không có thi ca truyền khẩu" (2). Và Jean-Louis Joubert, trong La Poésie (Thi Ca), đã xác nhận thêm: "Khi chưa có chữ viết, người ta phải cầu đến thi ca truyền khẩu để ghi lại và vĩnh cửu hóa những gì con người đã nói hay đã nghĩ. [...] Và lời nói bảo tồn lâu cũng bằng chữ viết, có khi lại còn lâu hơn chữ viết nữa." (3) Thi ca truyền khẩu là một "thuật nhớ" (mnémotechnique), là "ký ức" của những dân tộc không có chữ viết. Dân ta từ xưa cũng có câu:
Trăm năm bia đá vẫn mòn, Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ !
Nhà thơ dùng "chữ viết ", khi sáng tác chỉ có một mình. Viết xong, còn có thì giờ sửa tới sửa lui. Tác phẩm "thơ chữ viết" là một sở hữu riêng của tác giả. Còn ở thơ truyền khẩu, dân gian khi sáng tác thường đối diện với nhiều người và phải ứng tác các câu ca dao, dân ca tức khắc và ngay tại chỗ. Nếu các câu ứng tác ấy được dân gian cho là hay, là đúng với tâm tình, ước vọng của mình, thì họ đem các câu ấy ra lặp lại (hay đọc lại) nguyên văn, không thay đổi, để đối đáp với nhau trong những dịp hò hát về sau. Paul Zumthor cho rằng: "Thơ truyền khẩu là một công trình "đọc lại" hơn là một công trình "sáng tạo". (4) Tất nhiên, ở thi ca truyền khẩu Việt Nam, cũng như ở thi ca truyền khẩu của bất cứ dân tộc nào, lúc đầu hẳn cũng phải có ngưới "sáng tạo" ra, rồi dân gian về sau mới có mà " lặp lại" hay "đọc lại". Những người sáng tạo ra thơ truyền khẩu của dân ta là những người sinh sống ở nông thôn: cày ruộng, làm công, làm thợ... và đáng kể nhất là các hàn Nho. Hàn Nho là những nhà Nho nghèo (hàn) sinh ra ở thôn quê, lớn lên ở thôn quê. Chính họ là những người mà đời sống đã gắn liền với xóm làng, với bà con, láng giềng, thân thuộc chân lấm tay bùn, để chia xẻ, từ những nỗi khó khăn thường ngày, đến những lối suy cảm, những niềm vui buồn sâu xa của con người nông thôn Việt Nam. Những dịp hội hè, nhóm họp, hát xướng, họ đều có mặt. Chính họ là những người đã "gà" thơ cho trai, gái trong làng hát đối đáp với nhau, tức là đã dự một phần lớn và quan trọng vào công việc "sáng tác nguyên thủy". Những câu ý hay, lời đẹp của họ đã được truyền miệng từ anh trai cày đến chị thợ cấy, đem lại cho các nhà thơ bình dân vô danh khác bao nhiêu nguồn cảm hứng để sáng tác thêm. Chính Nguyễn Du lúc thiếu thời đã từng bao nhiêu năm đi hát phường vải, đã từng ứng tác câu hát, lời ca cho nam nữ thanh niên. Trong Truyện Kiều, ai biết được có bao nhiêu câu giống ca dao, hay có bao nhiêu câu Kiều ngày nay đã trở thành các câu ca dao? Nhưng thường cũng có trường hợp, dân gian, trong khi lặp lại các câu đã được ứng tác từ trước, đã tự động sửa đổi đi ít nhiều. (Sửa đổi cũng có thể coi như một công trình "sáng tạo", nhưng ở phạm vi nhỏ hẹp hơn mà thôi). Sửa đi sửa lại nhiều lần như thế, đến khi lời thơ được xem như là hoàn hảo rồi, thì hình thể câu ca dao hay dân ca sẽ được cố định và được dân gian lưu truyền lâu dài, sâu rộng hơn. Thi ca truyền khẩu không phải là tư hữu của một cá nhân nào, mà là kết quả của sự cọng tác trong thời gian, trong không gian, giữa nhiều người trong dân chúng.
Thi ca truyền khẩu gồm có ca dao và dân ca... Song hai loại nầy khác nhau thế nào? Ca dao vốn là bài hát suông không có đệm tiếng nhạc, là những câu hát theo giọng điệu tự nhiên, lưu hành trong nông thôn để bày tỏ tình tự của dân gian. Còn dân ca là những bài hát theo một làn điệu nhất định, như hát xoan Phú-thọ, hát phường vải Nghệ Tĩnh, hát quan họ Bắc-ninh, hát bài chòi Bình-định, hát ca lý Nam phần... hay hò cấy lúa, giã gạo, chèo đò, kéo gỗ... phần lớn để vừa tỏ tâm tình, lại vừa giúp cho quên mệt nhọc trong khi lao tác. Dân ca có nhiều tiếng láy, tiếng đệm, hay tiếng hò, tiếng xô ở điệp khúc, để đưa hơi, đưa giọng cho dễ hát. Nếu gạn bỏ các tiếng láy, đệm, hò, xô ấy đi, thì những lời còn lại hình thể giống như những câu ca dao. Hay ngược lại. Chẳng hạn như câu ca dao:
Thương em cho nửa trái cau, Giấu cha giấu mẹ, núp sau bóng đèn.
Nếu đem ra hò theo dân ca, điệu "hò hụi Kiên Giang" Nam phần, thì phải thêm các tiếng đệm, láy, hò, xô như sau: Xô : " (Hò hụi là là hụi hố khoan. Khoan hố khoan hố khoan ơ hò hụi). Kể : (Là anh có) thương em, Xô : (Là là khoan hố khoan, hố khoan ơ hò hụi). Kể : Cho nửa trái cau, Xô : (Là là khoan hố khoan, hố khoan ơ hò hụi.) Kể : Giấu cha giấu mẹ, Xô : (Là là khoan hố khoan, hố khoan ơ hò hụi). Kể : Núp sau bóng đèn ".
Hoặc mấy câu dân ca theo điệu "quan họ" Bắc Ninh dưới đây: " (Tình bằng có cái) trống cơm, (khen ai) khéo vỗ (ấy mấy vông) nên vông (ấy mấy vông nên vông). Một bầy (tang tình) con sít lội (lội lội) sông (ấy mấy) đi tìm. (Em nhớ) thương ai (đôi) con mắt (ấy mà) lim dim. Một bầy (tang tình) con nhện (í ớ a, ấy mấy) đi tìm (đi tìm, ấy mấy) giăng tơ ".
Gạn bỏ các tiếng láy, đệm, hò, thì có hình thể giống như ca dao:
Trống cơm khéo vỗ nên vông, Một bầy con sít (a) lội sông đi tìm. Thương ai con mắt lim dim, Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ...
Chú giải : (a) Con sít = loại chim sống trong ruộng nước, lông xanh, mõ đỏ, hay ăn lúa.
Trên thực tế, ngày nay khi ghi lại một bài dân ca, người ta chỉ ghi các lời ca hình thể giống như một bài ca dao, không ghi các tiếng láy, tiếng đệm, tiếng hò, tiếng xô, v.v...
Nhà thơ dân gian phải ứng khẫu tức khắc và ngay tại chỗ trước mặt mọi người, không có thì giờ để suy nghĩ, tìm tòi những gì mới lạ hơn... mà chỉ có thể dựa vào những điều mình đã biết, đã nhớ, những gì đã có sẵn trong trí, trong tiềm thức, trong ký ức của mình. Đối tượng của thi ca truyền khẩu là dân chúng thôn quê, vì vậy những điều mà ca dao, dân ca nói lên còn phải bắt nguồn từ trong tâm tình, ý nghĩ, ước vọng chung của dân tộc Việt Nam, thì mới được dân gian cảm thông, tiếp nhận một cách dễ dàng. Những điều dân ca, ca dao nêu ra có tính cách như là những câu trả lời cho các câu hỏi mà dân gian đã từng tự đặt ra trong tiềm thức của họ.
Mà ứng khẩu hay ứng tác thì thường phải có "hứng". Từ xưa đến nay, từ đông sang tây, các nhà thơ đều cho rằng "hứng" là điều kiện cần thiết để sáng tác thơ văn. "Hứng" thường có ba lối: Một là "thiên hứng", là đặc ân của trời phú cho một số ít người, bỗng nhiên thốt ra được những câu thơ rất hay mà chính tác giả cũng không ngờ được. Hai là hứng theo "thói quen", vì thói quen lâu ngày đã trở thành một "bản sinh thứ hai" của những người thuộc được nhiều câu ca dao, dân ca, và thường đi hò hát lâu năm ở nhiều nơi. Nhờ thuộc được nhiều câu ca dao, (một kho tàng thi liệu trong ký ức) nên khi ứng khẩu, có thể đem ra "lặp lại", ghép lại với nhau, sửa đổi ít nhiều, thế nào cho câu dưới vần được với câu trên, tạo thành một bài ca dao ngắn, vần nhịp chỉnh đốn, thích nghi với hoàn cảnh lúc đó. Ngày xưa, một trong những điều kiện để được nhận vào các nhóm "hát quan họ" hay các nhóm "hát phường vải" chẳng hạn, là phải "thuộc được nhiều câu ca dao hay dân ca" (5). Ba là lối "gợi hứng tại chỗ", như tự mình lắc lư đầu, gật gù, gõ nhịp... lẩm bẩm trong miệng, đi qua đi lại, vung tay vung chân... (chưa kể hút thuốc, ăn trầu, uống rượu...) để tự kích thích thần kinh, tưởng tượng, cảm xúc, khơi mở kho tàng thi liệu trong ký ức, khiến cho từng loạt câu thơ có thể xuất hiện tuông ra dễ dàng. (6)
Trong các cuộc hát hò ở thôn quê, thỉnh thoảng cũng có được một vài nhà thơ dân gian có "thiên hứng", còn đa số ứng tác bằng "thói quen", dùng trí nhớ lặp lại những câu đã thuộc để ghép thành bài. Hoặc dùng một kỹ thuật "gợi hứng tại chỗ" mệnh danh là "thể hứng". Đó là lối dùng những câu mào đầu gọi là "câu hứng", đưa ra một vài hình ảnh hay sự việc gì đó, để gây không khí hào hứng làm cho ta cảm thấy thích thú, rạo rực muốn ca hát lên, muốn buông ra những câu thơ, bài hát, tiếng hò... Và nhất là cũng để cho nhà thơ dân gian có thì giờ suy nghĩ, tìm tiếng bắt vần xuống các câu sau, mà diễn tả tình ý của mình. Đặc điểm của thể hứng là nội dung những "câu hứng" mào đầu ấy không liên hệ gì với nội dung của bài ca dao hay dân ca. Tỉ dụ như ở các câu sau đây:
Chim xanh ăn trái ổi Tàu, Xứng đôi cha mẹ gả, ham giàu làm chi? Hay: Sông sâu mà sẵn đò ngang, Càng nhiều nhân ngãi càng mang oán thù !
Những hình ảnh, sự việc dẫn ra ở hai câu hứng, mào đầu: "chim ăn ổi", "sông sâu sẵn đò" không liên quan gì đến việc "xứng đôi cha mẹ gả", "nhiều nhân ngãi mang oán thù". Ngoài việc giúp cho các nhà thơ dân gian được kích thích, được có thì giờ để tìm ý tìm lời, thì các "câu hứng" mào đầu còn có mục đích giúp cho họ lấy giọng, có được đà, mà can đảm đi vào đề, bày tỏ những ý nghĩ riêng tư của mình ra. Theo lối xử sự giữa nam và nữ ngày xưa, nếu bắt đầu mà "tỏ tình" ra một cách quá đường đột, trắng trợn, thì có thể làm cho người nghe ngượng ngập, thẹn thùng. Giả tỉ có trường hợp một cô gái muốn nói với người yêu rằng: "Thương anh đứt ruột mà giả đò làm ngơ" chẳng hạn. Cô ta đã có sẵn trong đầu "câu bát" (8 tiếng) ấy, bây giờ cần có một "câu lục" (6 tiếng) để dùng làm "câu hứng", mà tiếng chót có vần "ò" (để vần với tiếng "đò" ở câu bát), ghép với nhau cho thành một câu ca dao lục bát. Cô gái ấy có thể:
(a) Hoặc tự mình đặt ra một câu 6 chữ nào đó, chỉ cần tiếng chót có vần "ò" để ghép với "câu bát" ấy mà thôi, như:
Đêm khuya lặn lội thân cò, Thương anh đứt ruột, giả đò làm ngơ.
Ý trong câu hứng của cô gái đặt ra: "đêm khuya lặn lội thân cò " không liên hệ gì với ý chính trong câu bát "thương đứt ruột mà giả đò làm ngơ".
(b) Hoặc cô gái lấy lại nguyên một vài câu ca dao đã có sẵn, mà tiếng chót có vần "ò", như: "Chim chuyền bụi ớt líu lo", "Đường đi cách núi trở đò", "Đêm khuya gà gáy ó o"... Đem lắp mỗi câu ấy vào với "câu bát" thì sẽ thành nhiều câu ca dao giúp cho cô gái bày tỏ được tình ý của mình:
Chim chuyền bụi ớt líu lo, Thương anh đứt ruột, giả đò làm ngơ. ...Đường đi cách núi trở đò, Thương anh đứt ruột, giả đò làm ngơ. ...Đêm khuya gà gáy ó o, Thương anh đứt ruột, giả đò làm ngơ....
Có những câu ca dao được dân gian đem ra dùng đi dùng lại, để làm "câu hứng" mào đầu, như:
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đã say. Em thương anh, cha mẹ chưa hay, Như ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào? ... Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đã say. Anh hùng thước lụa trao tay, Nước non một gánh vơi đầy ai hay? ... ... Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đã say. Nợ nhà giàu trả hết lại vay, Chớ nợ duyên chồng vợ, trả mấy ngàn ngày cho xong.
(c) Hoặc cũng lấy một câu lục đã có sẵn, đem sửa vài tiếng chót cho có vần "ò", rồi ghép với "câu bát" ý chính của mình. Như lấy câu lục ở một bài đã có sẵn sau đây:
Thò tay ngắt ngọn rau ngâu, Thấy em còn nhỏ giữ trâu mà buồn.
Đổi "ngọn rau ngâu" thành "một ngọn ngò", cho có vần "ò":
Thò tay ngắt một ngọn ngò, Thương anh đứt ruột, giả đò làm ngơ.
(d) Lắm khi thể hứng gồm có nhiều câu (chớ không phải chỉ một câu lục mà thôi), như:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông An Cựu nắng đục mưa trong. Em đây vốn thiệt chưa chồng, Núi cao sông rộng, chưa biết gửi lòng nơi mô? ... Dừa Bến Tre, ba đồng một trái, Chuối Bến Tre, một nãi đồng ba. Ai biểu anh tới đây, rồi lại đi xa, Để em thương, em nhớ, em chờ, em đợi, nước mắt nhỏ sa vắn dài. ... ... ... Anh ngồi cầu Trường Tiền, ngó lên Phu Văn Lâu, dạ sầu bát ngát, Ngó về Thương Bạc thì dạ héo gan hon, Đoái nhìn phong cảnh nước non... Bạn chờ qua, qua chờ bạn, biết bao nhiêu nỗi hao mòn thảm thương.
Thỉnh thoảng, cũng có những câu hứng mà vừa là câu phú (tả rõ), hay vừa là câu tỉ (so sánh), hay vừa là câu ẩn dụ (so sánh thật kín đáo), như:
Vừa hứng vừa phú :
Rủ nhau xuống bể mò cua, Đem về nấu với mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng, Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.
Hai câu đầu thể hứng, lại vừa tả rõ việc mò cua, hái mơ để nấu canh "mơ chua", rồi từ chữ "mơ chua" bắt quàng liên hệ xuống ý "chua ngọt" của cuộc tình giữa đôi lứa, ở hai câu sau.
Vừa hứng vừa tỉ :
Sông kia có lạ chi cầu, Đấy đây có lạ gì nhau mà nhìn.
Câu hứng đưa ra hình ảnh "sông không lạ chi cầu" để liên hệ với ý ở câu dưới: cũng như " đây và đó có lạ chi nhau".
Vừa hứng vừa ẩn dụ :
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đã say. Lòng ta như chén rượu đầy, Lời thề nhớ chén rượu nầy bạn ơi !
Giữa ý của hai câu hứng và ý ở hai câu tiếp theo, có một liên hệ giây chuyền: liên hệ giữa hình tượng "rượu hồng đào" với "chén rượu đầy", "lời thề nhớ chén rượu nầy". Dư âm của ý "rượu chưa nhấm đã say" bàng bạc suốt bài, dẫn khởi đến "cuộc tình duyên mới gặp mà đã say mê", mà đã buông "lời thề chung thủy ngay tại đêm nay". Một ẩn dụ cấu trúc nhẹ nhàng mà tha thiết.
Đặc tính của những "câu hứng" là ý bâng quơ, rời rạc, không ăn nhập gì với nội dung bài dân ca hay bài ca dao. Đó là những "câu thơ vô nghĩa" so với toàn bài. Trong "đồng ca" (bài hát trẻ em) cũng có những "câu thơ vô nghĩa", đó là những đoạn câu có vần, có nhịp điệu cho dễ nhớ, với mục đích vừa dạy từ ngữ vừa mua vui cho trẻ em. Như:
Trời mưa lâm dâm, Cây trâm có trái, Con gái có duyên, Đồng tiền có lỗ, Bánh nổ thì ngon, Bánh đòn thì béo, Cái kéo thợ may, Cái cày làm ruộng...
Thi ca nước Pháp, vào các thế kỷ XII, XIII, cũng có một loại thơ gọi là "fatrasie" trong mỗi bài thơ, trừ câu đầu và câu chót, tất cả những câu khác đều bâng quơ, vô nghĩa. Vào cuối thế kỷ XIX, Paul Verlaine chủ trương "thơ trước hết là nhạc", câu thơ chỉ cần giàu âm hưởng, nhạc điệu, có khi bất chấp ý nghĩa, chẳng hạn như ở bài Pantoum négligé, 16 câu toàn là "vô nghĩa" (hay có một ý nghĩa mà không ai thấy được), xin trích 4 câu đầu, dịch ra tiếng Việt như sau:
Ba cái bánh pa-tê nhỏ, chiếc áo sơ-mi của tôi cháy. Cha sở không thích ăn xương. Cô em bạn dì tôi tóc vàng, tên là Ursule. Chúng ta di cư sang Les Palaiseaux ! (7)
Gần đây, ở nước Anh cũng có phong trào thơ "nonsense" (vô nghĩa), với những câu nội dung chẳng ăn nhập vào đâu cả. Thi ca Pháp, cũng đã phát sinh khuynh hướng chủ trương thơ chỉ cốt ở ngữ thuật (jeu du langage) hơn là ý nghĩa, lời thơ có nghĩa hay vô nghĩa cũng không quan trọng gì. Đến mức Paul Valéry phải nhắc đi nhắc lại rằng: "Một thi nhân không có trách vụ cảm thấy trạng thái nên thơ: điều đó là một việc riêng tư của anh. Mà trách vụ của thi nhân là tạo ra cái trạng thái nên thơ ấy nơi những người khác. (8)
Nhưng bản thể các "câu hứng vô nghĩa" trong ca dao ta có phần khác hơn. Trước khi vào đề, dân gian ta dùng những "câu hứng" gợi lên những hình tượng, sự việc, tình ý rút ra từ thiên nhiên xung quanh họ, từ cuộc sống hằng ngày của chính họ, từ ký ức chung của dân tộc Việt Nam, nên đã gây được những tiếng vang dội sâu rộng trong tiềm thức của người nghe, gây được trong tâm tư người nghe một cảm giác thích thú, một sự biểu đồng tình tha thiết để sẵn sàng tiếp nhận sự truyền đạt một cách dễ dàng. Các "câu hứng" là những tiếng nhạc dạo trước khi đàn, là bài hát rao tuồng để mở màn trong một tuồng hát bộ ngày xưa, là một tập quán trong việc ứng xử "lịch sự" lâu đời của xã hội Việt Nam. Khác hẳn với các câu "thơ vô nghĩa" Tây phương ; các "câu hứng" của dân ta dù có giá trị nghệ thuật, tâm lý, xã hội thế nào, cũng vẫn không tách ra khỏi cái nhu cầu đóng góp, chuẩn bị cho trách vụ chính yếu của nhà thơ là truyền đạt tình ý cho những người đang nghe.
Phương thức truyền đạt tình ý của "thơ viết" và của "thơ truyền khẩu" có phần khác nhau. Các thi nhân "thơ viết" phải theo phương thức ngữ pháp hóa ngôn từ, còn các nhà "thơ truyền khẩu" lại theo phương thức kịch trường hóa ngôn từ. Nhà thơ "chữ viết" có thì giờ nhiều, nên thường cặm cụi gò dũa câu văn theo ngữ pháp bác học qui tắc chật hẹp, khó khăn, còn nhà thơ "truyền khẩu" phải ứng tác tức khắc và ngay tại chỗ, trước quần chúng: họ vừa là tác giả, vừa là người diễn xướng, vừa là kịch nhân, trọn quyền linh động tận dụng mọi nghệ thuật ngôn từ của môn kịch. Mà kịch trường ở đây chính là sân khấu đại qui mô của cuộc sống xã hội hiện hữu hằng ngày của dân gian ta. Do đó, nghệ thuật thi ca truyền khẩu rất phong phú, linh động, luôn luôn buông túng theo các biến chuyển của xã hội, mà đổi mới không ngừng. Giáo sư Paul Zumthor đã kết luận: "Chính vì các lẽ ấy, nên thi ca truyền khẩu thường bao gồm nhiều qui tắc và phức tạp hơn thi ca sáng tác bằng chữ viết: ở những xã hội mà tập tục truyền khẩu chiếm ưu thế, thì thi ca truyền khẩu có một nghệ thuật điêu luyện hơn phần đông các tác phẩm sáng tác bằng văn tự." (9)
Nhưng đừng quên rằng nghệ thuật thi ca truyền khẩu vốn là nghệ thuật của "ngôn ngữ-ký ức". Và muốn cho người nghe ghi nhớ dễ dàng và bền lâu vào ký ức, thì các câu thơ truyền khẩu phải phù hợp với: nhịp vận động của thân hình con người, phải vang lên những âm hưởng của tiếng nói con người, phải dùng tưởng tuợng con người mà nhìn hình tượng, dùng lý trí con người mà thấy được sự chuyển ý của văn ảnh cô đọng, dẫn khởi. Như vậy, "ngôn ngữ-ký ức" đòi hỏi trong các bài ca dao, dân ca một cấu trúc xây dựng trên ba yếu tố: nhịp điệu, âm hưởng và hình tượng văn ảnh. Vấn đề được đặt ra ở đây là ngôn ngữ Việt Nam chúng ta có cung cấp cho thi ca truyền khẩu (ca dao, dân ca) đầy đủ các yếu tố đặc thù ấy không? Nếu có thì đến mức độ nào?
A. Nhịp điệu
Jean-Louis Joubert, giáo sư đại học Sorbonne tại Paris, trong tác phẩm La Poésie, có giảng rõ: "Cấu trúc thi ca truyền khẩu đã bắt chước theo các điệu bộ nhịp nhàng của thân hình, lối ngâm dằn từng tiếng thích hợp với sự hô hấp. Những phương thức đơn giản, trong đó điệu bộ và ngôn ngữ chồng chất lên nhau (từng loạt các câu cân bằng và mất cân bằng, điệp ngữ và đối ngẩu, đối xứng và xen kẽ, song song và bắt vần, v.v...) tạo điều kiện dễ dàng cho sự ghi nhớ và bảo đảm sự biểu đồng tình của cử tọa, đồng thời cho phép sáng tạo, bằng ngữ thuật, những tạp diễn vô hạn định. Sự hội nhập điệu bộ và thân hình vào thi ca vẫn tiếp diễn dù là khi người ta rời xa lối truyền khẩu. Chính sự hội nhập nầy đã cấu tạo nên nhịp điệu, nhờ đó thơ được nổi bật hơn các công trình tạo tác khác bằng chữ viết (10).
Sự hội nhập ngôn ngữ thi ca truyền khẩu với điệu bộ của thân hình con người, được thể hiện trong ngôn ngữ Việt qua sự vận dụng những tiếng kép đôi và lối xen kẻ nhiều tiếng kép đôi với nhau. Ngôn ngữ Việt vốn có rất nhiều tiếng kép đôi, là những tiếng gồm có hai tiếng ghép lại: hoặc 2 tiếng đều có nghĩa, như: rụng rời, nóng nực, ngày tháng, mờ mờ, nhẹ nhẹ..., hoặc 1 tiếng có nghĩa với 1 tiếng vô nghĩa, như: lạnh lẽo, buồn bã, ngại ngùng (lẽo, bã, ngùng: là những tiếng vô nghĩa), hoặc 2 tiếng đều vô nghĩa, như: thong dong, khắc khoải, tồng ngồng, lôi thôi, v.v... Dân ta có khuynh hướng dùng những rất nhiều tiếng kép đôi thay cho những tiếng đơn đồng nghĩa, để cho câu nói được nhịp nhàng, cân đối. Thay vì nói "ao thu lạnh" chẳng hạn, thì người ta lại thích nói "ao thu lạnh lẽo"; đáng lẽ chỉ nói "gặp nhau vui lắm " thì lại thích nói "gặp nhau vui vẻ lắm". Thay vì nói "đi chậm" thì lại thích nói "đi chậm chạp". Các tiếng "lạnh, vui, chậm" có nghĩa, các tiếng "lẽo, vẻ, chạp" là những tiếng vô nghĩa, chỉ thêm vào nghe cho nhịp nhàng, êm tai, hay cho ý nghĩa được tinh tế hơn. Các câu thơ Việt được nhịp nhàng cân đối là do dân gian đem những tiếng kép đôi xen kẽ lại với nhau, để tạo thành hai vế đối xứng nhau, như:
Nhân duyên tháng đợi năm chờ, Ngồi buồn làm một bài thơ không chồng.
Hai tiếng kép đôi "năm tháng" và "đợi chờ" xen kẽ nhau thành: "tháng đợi / năm chờ".
Hơn nhau tấm áo, manh quần, Thả ra mình trần, ai cũng như ai.
Hai tiếng kép đôi "tấm manh", "aó quần" xen kẽ nhau thành: "tấm áo / manh quần".
Gẫm xem thế sự thăng trầm, Xưa ông mặt trắng, nay thằng mặt trơn.
Ba tiếng kép đôi "xưa nay", "ông thằng" và "trắng trơn" xen kẽ nhau thành: " Xưa ông mặt trắng / nay thằng mặt trơn" .
Sông Ngân hà dễ bắt cầu, Trai thương vợ cũ, gái sầu chồng xưa.
Bốn tiếng kép đôi "trai gái", "thương sầu", "vợ chồng" và "cũ xưa" xen kẽ thành hai vế đối xứng: "Trai thương vợ cũ / gái sầu chồng xưa"...
Như thế, dùng tiếng kép đôi, và xen kẽ các tiếng kép đôi là hai phương thức căn bản để xây dựng nhịp điệu trong thơ truyền khẩu Việt Nam. Các nhà thơ "chữ viết" nổi tiếng nước ta, trước đây, cũng thường vận dụng các tiếng kép đôi nầy. Chẳng hạn như trong Đoạn Trường Tân Thanh, đoạn "Kiều đi Thanh Minh" (câu 43 đến câu 142), Nguyễn Du đã dùng trên 30 tiếng kép đôi (nô nức, dập dìu, ngổn ngang, tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, sè sè, dầu dầu, xôn xao, mong manh, dầm dầm, đau đớn, mòn mỏi, phôi pha, gặp gỡ, lầm rầm, nhỏ to, mê mẩn, tần ngần, ủ dột, vắn dài, nặng nề, ào ào, rành rành, hiển hiện, lai láng, bồi hồi, dùng dằng, gần gần, con con,... ) và mười mấy lối xen kẽ các tiếng kép đôi thành những tiếng kép bốn, phân ra làm hai vế đối xứng nhau:
"Trâm bình", "gảy rơi" > Thì đà trâm gảy, bình rơi bao giờ. "Thỏ ác", "lặn tà" > Trải bao thỏ lặn, ác tà. "Ngựa xe", "áo quần", "nước nen" > Ngựa xe như nước, áo quần như nen. "Thoi vàng", "tro tiền", "vó giấy", "rắc bay" > Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay. "Ngày xanh", "má hồng", "mòn mỏi", "phôi pha" > Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha...
Văn chương Đông phương chúng ta thiên nhiều về sự đối xứng, nhưng trong thi văn Pháp, "sự đối xứng hay đối ngẫu... là một khái niệm mới xuất hiện gần đây, mà tu-từ học cổ-điển không hề lưu tâm đến. Khi Malherbe dịch các bài thơ Thi Thiên trong Thánh Kinh (Psaumes), hình như ông không nhận thấy rằng căn bản thi ca Thánh Kinh đã xây dựng trên những đối ngẫu, và trong bản dịch sang Pháp văn, ông không hề tìm cách phục nguyên lại các lối đối ngẫu ấy." (11)
Các văn thi sĩ Pháp cũng không hay dùng đến lối đối ngẫu trong các tác phẩm, và trong lý luận văn học của họ cũng không bàn cập đến vấn đề ấy. Tuy vậy, dân gian Pháp vẫn theo lối đối ngẫu mà sáng tạo ra nhiều câu ca dao, tục ngữ cân đối, như: "Loin des yeux, loin du coeur" (xa mặt, cách lòng), "Après la pluie, le beau temps" (hết mưa, lại nắng), "Tel père, tel fils" (cha nào, con nấy), "Oeil pour oeil, dent pour dent" (ăn miếng, trả miếng), "La parole est d'argent, le silence d'or" (lời nói là bạc, im lặng là vàng)... Như thế, là vì dân gian Pháp (cũng như dân gian Việt hay bất cứ sắc dân nào khác trên thế giới) bao giờ cũng theo qui luật tự nhiên chung của con người về nhịp thở và về nhịp cử động thân hình, mà cấu tạo ra những câu nhịp nhàng, đối xứng, để cho dễ nói, dễ thuộc, dễ nhớ.
B. Âm hưởng
Âm hưởng ở thi ca truyền khẩu Việt Nam luôn luôn được gắn liền với nhịp điệu. Âm hưởng ở đây chỉ chung tiếng nói, lời nói của con người Việt Nam, một tiếng nói có âm vận và âm thanh thật phong phú. Âm vận chỉ những tiếng có vần với nhau. Hai tiếng vần với nhau trước hết phải có một âm căn bản như nhau (âm căn bản là những âm chưa có dấu giọng), rồi nếu thêm các dấu giọng thì ta sẽ có:
Vần bằng là những tiếng có dấu huyền và tiếng không dấu vần với nhau, tỉ dụ như "mơ" vần với "mờ", với "cờ", với "tơ" (cùng một âm căn bản "ơ"); "tài" vần với "mai", với "đài" (cùng một âm căn bản "ai"); "thương" vần với "lường", với "chương" (cùng một âm căn bản "ương")...
Vần trắc là những tiếng có dấu sắc, dấu ngã, dấu hỏi, dấu nặng vần với nhau, tỉ dụ như "có" vần với "thỏ", với "mõ", với "họ" (cùng một âm căn bản "o"); "cáng" vần với "hảng", với "lãng", với "trạng" (cùng một âm căn bản "ang"), v.v...
Về vị trí của vần trong câu, ta có hai loại: Cước vận (cước = chân), là những vần gieo vào các tiếng ở cuối câu, và yêu vận (yêu = lưng), là những vần gieo vào tiếng ở lưng chừng câu. Âm vận cũng là một loại điệp ngữ (điệp âm) lặp lại nhiều lần các âm căn bản cùng một thanh.
Đặc điểm của ca dao Việt là vừa có cước vận vừa có yêu vận.
Ca dao Tàu chỉ có cước vận, không có yêu vận, như ở bài ca dao Tịnh Nữ trong Quốc phong, (Kinh Thi) dưới đây:
Tịnh nữ kỳ thù, Sĩ ngã vu thành ngu. Ái nhi bất kiến, Tao thủ trì trù.
(Dịch: Cô gái dịu dàng xinh đẹp, đợi ta ở góc thành. Yêu mà không được gặp, Ta xoa đầu băn khoăn).
So với bài ca dao Việt sau đây:
Chồng gì anh, vợ gì tôi ? Chẳng qua là cái nợ đời chi đây ! Mỗi người một nợ cầm tay, Ngày xưa nợ vợ, ngày nay nợ chồng.
Ta thấy bài ca dao Tàu 4 câu chỉ có 3 tiếng cước vận mà thôi: "thù", "ngu" và "trù" ở cuối các câu 1, 2 và 4. Còn bài ca dao Việt cũng 4 câu mà có đến 5 tiếng bắt vần: Cước vận: "đây" vần với "tay". Yêu vận: "tôi" vần với "đời", "tay" vần với "nay".
Chúng tôi nhận thấy có nhiều yêu vận trong "thơ truyền khẩu" của dân Mạ (Thượng Việt ở Cao nguyên Trung phần) và dân Lào, [mà theo Bình Nguyên Lộc, tác giả Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Nam, đó là những sắc dân vốn cùng một tông Malai (Malaya) với chúng ta. (12)] thơ bình dân Lào sau đây:
Xa thú, xa gio, mư xay kậu, Khạ pha chậu khỏ kao tam nan. Pên ni than xưp ma tè koòn, Vậu tè boòn pang Khun Bu Rôm.
(Dịch: Chắp tay lên trán kính cẩn thưa: Kẻ tôi tớ nầy xin kể lại sau đây, theo cổ tích từ đời xưa truyền lại về đoạn vua Khun Bu Rôm). Bốn câu mà có đến 6 tiếng yêu vận: "kậu" vần với "chậu"; "nan" vần với "than"; "koòn" vần với "boòn".
Và ở bài ca dao Mạ:
Oi puu' taany mang, Oi pang taany ngai, Oi đờ-rai taany ngai bii mhoo...
(Dịch thoát: Chăn "puu' " dệt ban tối, chăn "pang" dệt ban ngày, chăn "đờ-rai" dệt ngày lẫn đêm). Bốn câu có đến 6 tiếng yêu vận: "mang" vần với "pang"; "ngai" vần với "đờ-rai", và "ngai".
Có người cho rằng âm vận hiện nay trong thi ca truyền khẩu Việt Nam là kết quả của sự hòa nhập giữa cước vận Tàu với yêu vận Lào, Mạ... Nói một cách chính xác hơn nữa, (vẫn theo Bình Nguyên Lộc) Việt Nam vốn cùng chung một tông Malai (Malaya) với Lào, Mạ, nên tất nhiên đã có sẵn yêu vận, về sau chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, nên chúng ta thu nhận thêm cước vận (tỷ lệ : 1 cước vận / 2 hoặc 3 yêu vận) để tạo ra các thể lục bát, song thất lục bát ngày nay. Nhìn chung, "điệp ngữ" (điệp âm) của âm vận đã hòa nhập với "đối xứng" của nhịp điệu, khiến cho ngôn ngữ Việt Nam trong thi ca truyền khẩu nghe du dương, êm tai, giàu nhạc tính. Mà nhạc tính, theo định nghĩa nguyên thủy trong văn học Tây phương là bản thể của thi ca: "Thơ là nhạc của tâm hồn" (Voltaire), "Thơ là tham vọng của ngôn từ muốn chứa đựng cho được nhiều ý hơn, pha trộn với nhiều nhạc hơn, mà ngôn ngữ thông thường không chứa đựng và không thể chứa đựng được" (Valéry) (13).
Âm thanh trong ngôn ngữ Việt chỉ chung các giọng dài, giọng ngắn của tiếng Việt. Tiếng Việt có nhiều dấu, phân thành hai loại. Tiếng bằng, giọng êm dịu, có thể kéo dài ra được, như những tiếng không có dấu và những tiếng có dấu huyền. Tiếng trắc, giọng ngắn ngủn, không đọc dài ra được, như những tiếng có chữ c, ch, p, t đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã. Trong những tiếng bằng và tiếng trắc, tiếng nào cũng có thứ tiếng bổng và tiếng chìm. Tiếng bổng trong tiếng bằng là những tiếng thượng bình thanh, không có dấu; tiếng chìm trong tiếng bằng là tiếng hạ bình thanh, có dấu huyền. Tiếng bổng trong tiếng trắc là những tiếng có dấu sắc và dấu ngã, tiếng chìm là những tiếng có dấu hỏi và dấu nặng. Những tiếng bằng, trắc ở ca dao thường dùng để ngắt đoạn trong câu, nhấn mạnh vào các nhịp điệu.
Thể thơ là hậu quả của sự hòa nhập giữa nhịp điệu, âm thanh và âm vận. Chính cách ngắt câu, ngắt đoạn (nhịp điệu), cách đặt và đổi chỗ các tiếng trắc, tiếng bằng vào tiếng chót của mỗi đoạn câu (âm thanh) và cách gieo yêu vận hay cước vận vào những vị trí nào trong toàn bài (âm vận), đã quyết định cấu trúc của các "thể thơ" trong thi ca truyền khẩu dân ta. Các nhà văn học thường phân thi ca truyền khẩu ra thành ba thể: thể nói lối (những câu từ 2 đến 5, 6 tiếng), thể lục bát chính thức (cứ 1 câu lục 6 tiếng và một câu bát 8 tiếng đi cặp với nhau) và thể song thất lục bát chính thức (gồm có hai câu thất, mỗi câu 7 tiếng và hai câu lục bát). Luật thơ do các nhà Nho ngày xưa đã căn cứ vào những câu thơ lục bát hay song thất lục bát đã thành hình mà đặt ra luật thơ với nhiều qui lệ, song chính yếu ta nhận thấy có:
1. Tiết tấu (cách ngắt đoạn trong câu): mỗi câu có ba hay 4 đoạn, mỗi đoạn có 2 hay 3 tiếng, qui định như sau: câu thất 3/2/2, (khác với các câu thất trong thơ Tàu 2/2/3); câu lục 2/2/2, câu bát 2/2/2/2. Trong mỗi câu, những tiếng chót các đoạn phải lần lượt trắc rồi bằng, hay bằng rồi trắc, một qui luật mà Hoài Thanh gọi là "luật đổi thanh" (Thi nhân Việt Nam, 1942) theo biểu đồ sau đây:
Thể lục bát
Câu lục 0 B / 0 T / 0 B Câu bát 0 B / 0 T / 0 B1 / 0 B2
Thể song thất lục bát
Câu thất 1 0 0 T / 0 B / 0 T Câu thất 2 0 0 B / 0 T / 0 B Câu lục 0 B / 0 T / 0 B Câu bát 0 B / 0 T / 0 B1 / 0 B2
Chú thích: 0 = tiếng không buộc trắc hay bằng; 0 B1 / 0 B2 = hễ B1 thanh bằng bổng, không có dấu, thì B2 thanh bằng chìm, có dấu huyền, và ngược lại.
Xin lưu ý : "Luật đổi thanh" ấy cũng không khỏi có một vài biến dạng, ngoại lệ:
a. Biến dạng: đoạn cuối các câu bát, theo đúng "luật đổi thanh" phải là 0 B, nhưng lại là 0 B1 / 0 B2. Vì sao? Theo thiển ý chúng tôi, thì hai đoạn 0 B1 / 0 B2 nầy có thể coi như là một đoạn có tiếng chót thanh bằng 0 B, nhưng tiếng chót thanh bằng B ấy được kéo dài ra để chấm dứt câu và chấm dứt theo hai ‘thuật kết câu’ như sau:
Hoặc ngân kết, kéo dài thanh bằng ra qua một (vài) tiếng thanh bằng khác, để kết câu theo công thức (B b B), ví dụ:
Người khôn, ai chẳng nâng niu Hoa thơm, ai chẳng chắt chiu (B) trên (b) cành (B) ... Hát câu đẹp cốm, tươi hồng, Hát câu nên vợ, nên chồng (B)
Hoặc láy kết, đưa giọng lên cao láy qua một tiếng trắc, rồi trở lại thanh bằng để kết câu theo công thức (B t B):
Con cò trắng toát như bông Muốn nghe hát đúm, mà không (B) ... Ước gì em biến nên chum, Anh biến nên nước, ta đùm (B) lấy (t) nhau (B).
Ngân kết theo công thức (B b B): "chiu trên cành", "chồng cò ơi"; láy kết theo công thức (B t B): "không chịu vào", "đùm lấy nhau", là những ‘thuật kết câu’, ‘kết bài’ thường dùng trong cổ nhạc, trong dân ca chúng ta. Như thế, các tiếng chót ở hai đoạn cuối các câu bát, nếu tiếng trước thanh bằng (B1) không dấu (bằng bổng), thì bắt buộc tiếng sau (B2) phải thanh bằng có dấu huyền (bằng chìm), và ngược lại. Đó cũng là một hình thức "đổi thanh", song mức độ nhẹ hơn: vẫn ở trong thanh bằng, mà kéo dài từ thanh bằng bổng xuống thanh bằng chìm, hay ngược lại từ thanh bằng chìm lên thanh bằng bổng.
b. Ngoại lệ: Tiếng chót của đoạn đầu câu thất (trong song thất lục bát), theo "luật đổi thanh" phải là tiếng trắc, nhưng nếu hai câu bảy đặt thành 2 câu sóng nhau, (hoặc đối, hoặc không đối), thì có thể là một tiếng thanh bằng, như ở các bài dưới đây:
Của của trời (B) ai chăm (B) thì được (T) Việc việc đời (B) ai trước (T) thì hơn (B) Cứ gì (B) ăn trắng (T) mặc trơn (B) Làm người (B) gánh vác (T)...
Song Anh
#3 Posted : Friday, April 21, 2006 5:31:24 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Danh ngôn thời Xuân Thu
BÙI-HÀNH-KIỆM
Kẻ sĩ cần nhất khí độ phải cho to, kiến thức phải cho rộng.
CHIẾN-QUỐC SÁCH
Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.
CHU-HI
Cách trị nhà cốt ở hoà thuận, cách mưu sinh cốt ở siêng năng.
CỔ NGỮ
Việc tốt nhất ở thế gian không gì bằng cứu người nguy cấp thương kẻ khốn cùng.
CÔNG-NGHI
Không lấy bậy của ai là giầu; Không bị nhục với ai là sáng
ĐÀM-TỬ
Kẻ xa xỉ thì giầu mà vẫn không đủ, người kiệm ước thì nghèo mà tiêu vẫn có thừa.
DỊCH KINH
Người hay ít nói, người nông nỗi nhiều lời.
GIA NGỮ
Chớ nói nhiều, nói nhiều lỗi nhiều.
Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng ngọn lưỡi.
HÁN THƯ
Muốn cho người không nghe chẳng gì bằng đừng nói, muốn cho người không biết chẳng gì bằng đừng làm.
HẬU HÁN THƯ
Nền không chắc mà tường không cao thì sự bại hoại nằm sẵn ở đó.
HỨA HÀNH
Tâm không bình an, khí không hoà nhã thì lời nói hay lầm lỗi
KHỔNG TỬ
Dở nhất trong cái đạo xử thế là không thấy cái lỗi của mình.
Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đức.
Kẻ sĩ không lo người đời chẳng biết mình mà chỉ sợ mình bất tài thôi.
Không oán trời, không trách người là quân tử.
Người khôn ngoan hỏi nguyên do lầm lỗi ở bản thân, kẻ dại khờ hỏi nguyên do ở người khác.
Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người.
Thấy người hay nghĩ sao cho bằng, thấy người dở tự xét mình có dở
KINH-VIÊN TIỂU-NGỮ
Kẻ có tính hay nghi ngờ đừng chớ cùng họ lo toan việc lớn.
LÃ KHÔN
Để tâm nghiền ngẫm mãi thì lẽ gì mà không nghĩ ra, kiên gan bền chí mãi thì việc gì mà làm chẳng nổi.
Việc làm nên trước mọi người, câu nói nên sau mọi người.
LÃ-TƯ-PHÚC
Có học vấn mà không có đạo đức là người ác, có đạo đức mà không có học vấn là người quê.
LÃO TỬ
Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.
Biết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.
LỄ KÝ
Sa chân thì chết đuối, sảy miệng thì chết oan.
LUẬN HÀNH
Người quân tử chẳng sợ cọp mà chỉ sợ miệng kẻ gièm pha.
LUẬN NGỮ
Người quyền thế chỉ biết hùng dũng mà không biết nghĩa thì làm loạn
Người thường dân chỉ biết hùng dũng mà không biết nghiã thì trộm cướp.
LỤC TÀI-TỬ
Nuốt được cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người.
LỤC-THẾ-NGHI
Làm việc vô ích để cầu phúc không bằng làm việc có ích để cứu người.
LÝ-TIÊU-VIỄN
Xử những việc khó xử càng nên khoan dung ; Xử với người khó xử càng nên trung hậu ; Xử thời buổi khó khăn càng nên tự nhiên như vô tâm.
MẠNH TỬ
Đối với kẻ tự hại thân dầu nói cũng bằng thừa. Đối với kẻ tự liều thân dầu giúp cũng vô ích.
Kẻ sĩ mà còn quyến luyến sự yên vui thuận tiện cho xác thịt thì tâm lụy chí hèn không đáng được gọi là kẻ sĩ.
Nghiã nhân là ngọn đuốc soi đường cho thiên hạ.
Ngu thì người ta khinh, khôn thì người ta ghét; Khôn mà làm như ngu mới thật là khôn.
Người ta chẳng chịu làm điều dở về sau mới có thể làm được điều hay.
Đọc sách mà không chịu tinh tường suy nghĩ là vùi dập đi cái công phu của người xưa.

© http://vietsciences.free.fr/ Từ Vũ

Song Anh
#4 Posted : Monday, April 24, 2006 6:14:02 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18


Phép bỏ dấu hỏi ngã trong tiếng việt, mời vào site :
http://zencomp.com/great...i/u-hoinga/hoinga00.htm
Song Anh
#5 Posted : Monday, April 24, 2006 6:26:49 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Nguyễn Phú Phong

Con cái, Cái con, Con và Cái. Danh từ, Loại từ và Quán từ
Con, cái là những từ được sử dụng với tần số rất cao trong ngôn ngữ nói cũng như trong ngôn ngữ viết. Con, cái lại là những từ đa nghĩa và vì thế có thể được xếp vào nhiều từ loại khác nhau. Các tác giả văn phạm hoặc ngữ pháp tiếng Việt đều có đề cập ít nhiều đến hai từ này, nhất là trong mục dành cho loại từ và có những cái nhìn không giống nhau về con và cái. Cách phân tích và giải thích của tôi về hai từ này có những điểm khác biệt trên mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp với một số khá đông tác giả. Ðể làm sáng tỏ vấn đề, trong bài này tôi sẽ khai triển những điểm sau đây: I. Ngữ nghĩa của con và cái , II. Loại từ con và cái nói riêng và loại từ nói chung.



I. Ngữ nghĩa của con và cái

Ðể minh định các nghĩa của con và cái, tôi áp dụng phương pháp ngữ nghĩa cặp đôi (sémantique de paire) đã nêu ra nhân khi nghiên cứu đại từ chỉ ngôi tiếng Việt (xem Nguyễn Phú Phong, 2002, tr 167).


Cái với nghĩa là ‘mẹ’ khi nằm trong thế đối lập với bố như trong Bố Cái đại vương, hoặc với con như trong Con dại cái mang ; con, cái trong câu tục ngữ này đồng nghĩa với con, mẹ.


Cái/con nghĩa tương đương với to/nhỏ như trong cặp đối ngữ sông cái/sông con. Cái, con với nghĩa này được xem là tính từ nhưng là những tính từ không thang độ (adjectif non gradable), khác với to nhỏ. Có thể nói rất to, khá nhỏ nhưng không nói rất cái, khá con. Cái, con với nghĩa ‘to, nhỏ’ có thể phái sinh từ cái, con với nghĩa ‘mẹ, con’


Cái/ con : ‘chính/phụ’. Nhà cái/nhà con. Nói các vai chính phụ của những tay chơi trong một đám bạc.


Cái/nước. Khôn ăn cái, dại ăn nước. Cái/nước ở đây kể như đồng nghĩa với ‘đặc/lỏng’


Ðực/cái. Trong đối lập bò đực/bò cái thì cái chỉ đến một giới tính, vậy đực/cái là một đối lập giới tính song song với đối lập ‘nam/nữ’


Con/thằng : ‘gái/trai’ như trong con Lan/thằng Lân. Con ở đây đồng nghĩa với cái vì con Lan và cái Lan đều chỉ đến một người con gái tên Lan.


Con cái. Ðây là trường hợp ghép từ song song trong đó cái có nghĩa như con và con cái là ‘con và con’, ‘con nói chung’. Nghĩa của cái trong từ kép con cái không những không đối biệt mà còn đồng nghĩa với từ con. Như vậy cái ở đây là một từ đồng âm khác nghĩa với cái ‘mẹ’ ở 1.


Cái/ con như trong cái nhà/con mèo. Cái, con trong hai đoản ngữ này được đặt nhiều tên khác nhau: appellatif, phó danh từ, lượng từ, loại từ.

Loại từ (classifier, classificateur) là tên được nhiều người dùng nên ở đây tôi cũng áp dụng. Nhưng làm sao định nghĩa loại từ nói chung, cái và con nói riêng? Trương Vĩnh Ký (1884, tr.22) một trong những tác giả văn phạm tiếng Việt đầu tiên, viết : L’appellatif est un mot ou préfixe qui sert à classer, à énumérer et à déterminer un nom substantif. Les êtres animés ont pour appellatif, le préfixe con. Tạm dịch ra : Loại từ là một từ hay một tiếp đầu tố dùng để xếp loại, để đếm và để xác định một danh từ. Những sinh vật động có loại từ là tiền tố con. Còn về cái thì ý kiến của tác giả này là (tr.26): Le mot cái est l’appellatif des objets inanimés (Từ cái là loại từ của những vật bất động).

Như vậy theo TVK, rõ ràng là appellatif ‘loại từ’ là một định từ cho danh từ và chức năng của nó là xếp loại, đếm và xác định. Ðể việc trình bày được đơn giản, chúng tôi xin ghi nét bất động ‘inanimé’ của TVK là [-Ðộng] đối lập với nét động là [+Ðộng] và như thế đối lập cái/con trong mục 8 này là : cái [-Ðộng]/con [+Ðộng], hoặc: [-Ðộng]/[+Ðộng]; cái, con như thế đã được hư hoá hay ngữ pháp hoá và mang nét ngữ nghĩa mới là [-Ðộng] hay [+Ðộng].

Lấy nhận xét của TVK làm cơ sở, chúng tôi trong phần II sau đây sẽ bàn luận và giải thích quan điểm của mình về cách hiểu thế nào là xếp loại, đếm và xác định liên quan đến loại từ.

Nhưng trước tiên hãy kết luận về mục I này: cái, con quả là những từ đa nghĩa, có khả năng nằm trong ít nhất tám thế đối lập khác nhau. Ðiều đáng ghi nhớ hơn cả là các nghĩa khác nhau của cái, con xét trên mặt lịch đại không xuất phát cùng một thời điểm. Có thể cho rằng cái với nghĩa ‘mẹ’ là nghĩa cổ nhất (Bố Cái đại vương là tên một ông vua ở cuối thế kỷ thứ 8) nhưng không phải các nghĩa khác đều là phái sinh. Trong các nghĩa cái con đến sau, có nghĩa ra đời sớm hơn nghĩa khác như nghĩa 3 ‘chính phụ’ chắc là muộn hơn nghĩa 2 ‘to nhỏ’, và nghĩa [[Ðộng] phải xuất hiện sau rốt, có thể không sớm hơn thế kỷ 19 với sự xuất bản cuốn Dictionarium anamatico-latinum của Taberd (1838) và cuốn Grammaire de la langue annamite của Trương Vĩnh Ký (1884). Vì sao ? Vì trong cuốn Dictionarium (1651), A. de Rhodes không hề đề cập đến cái, con với nét nghĩa [[Ðộng]. Còn trong Quốc Âm Thi Tập thì có nhiều ví dụ cho thấy Nguyễn Trãi dùng cái, con như hai loại từ đồng nghĩa chứ không đối lập ở nét [[Ðộng] (xem chi tiết ở mục II.3 phía dưới).



II. Loại từ và con, cái


1. Cái nhìn lịch sử về loại từ

Trước tiên câu hỏi được đặt ra là loại từ xuất hiện trong tiếng Việt từ lúc nào? Vì thiếu tư liệu nên khó mà biết chính xác thời điểm nhưng chắc chắn là khá xa xưa. Ðể có một ý niệm về lịch sử của những từ gọi là loại từ ở Hán ngữ, hãy đọc bài của A. Peyraube & Wiebush (1993), và bài của Lê Xuân Thại (2000). Có tác giả cho rằng loại từ đã xuất hiện vào khoảng TK 14-TK 11 trước CN, nhưng theo Peyraube loại từ chính hiệu xuất hiện không sớm hơn thời Hán (TK 2 trước CN - TK 3 sau CN), hay còn muộn hơn, vào đầu thời Trung Cổ Trung Quốc, tức là giữa TK 3 và TK 6 sau CN, và số lượng loại từ gia tăng đáng kể vào thời hạ Trung Cổ, TK 7-TK 13. Sở dĩ số lượng loại từ gia tăng ở Hán ngữ hạ Trung Cổ là vì tiếp xúc với những ngôn ngữ có loại từ như tiếng Thái.

Về phần Việt ngữ, thơ của Nguyễn Trãi thế kỷ 15 với những từ ngữ con lều, cái râu bạc, bà ngựa, con am,... chứng minh sự đã có mặt của loại từ ở thời này. Rõ ràng là những từ con, cái, bà dùng để định đơn vị cá thể của lều, râu, ngựa phải có trước Nguyễn Trãi rất lâu nhưng những cái tên như appellatif, loại từ, phó danh từ, lượng từ thì mới đặt ra đây, từ khi từ vựng tiếng Việt được phân thành từ loại. Xin đừng lẫn lộn loại từ như một từ chất liệu của ngôn ngữ với loại từ là tên đặt cho một từ loại, thứ sau này chỉ là nhãn hiệu sản phẩm của một cuộc phân tích lý giải nào đó.


2. Ðịnh nghĩa loại từ

Dựa vào những tiêu chí nào, người ta nhìn nhận có một từ loại gọi là loại từ? Ở mục II.8 phía trên, Trương Vĩnh Ký cho rằng con và cái - hai từ tiêu biểu cho loại từ - được dùng để xếp loại, đếm và xác định cho danh từ. Hai đặc tính đầu, xếp loại tức là định tính (qualification, catégorisation) và đếm tức là định lượng (quantification, dénombrement) là những đặc tính dùng để định nghĩa loại từ. Như vậy Lt là một giao diện (interface) hai mặt, mặt định lượng (Qnt) và mặt định tính (Qlt), có thể ghi bằng biểu thức Lt <Qnt, Qlt>. Vì Lt luôn luôn định đơn vị nên ta có thể thay thế Qnt bằng 1, và biểu thức trên trở thành Lt <1, Qlt>. Loại từ có thể là hư từ hay là thực từ, mức hư có thể là Ø (rỗng không) nên Qlt có nghĩa từ vựng không đều, có thể đi từ Ø, rỗng (empty), hư đến thực, đầy (full morpheme). Xem ở đoạn dưới các sắc thái, mức hư thực khác nhau về Qlt của Lt cây. Giả thuyết về một Lt zêrô, tức là với Qlt= Ø cũng được đề cập đến trong Nguyễn Tài Cẩn (1975, 210-211) và Nguyễn Phú Phong (1995, tr.19 và 27). Nói tóm lại, Lt là một từ có chức năng định đơn vị cho danh từ theo sau, nhưng không phải là một đơn vị thuần toán học kiểu như số 1, mà là một đơn vị mang theo một tính chất Qlt nào đó. Tầm quan trọng hơn kém nhau của hai chức năng định tính Qlt và định lượng Qnt của Lt tuỳ thuộc vào cách nhìn của các tác giả.

Ðối với tiếng Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu như J. Tai (xem Peyraube & Wiebush, 1993) cho vai trò định tính là trọng yếu nên dựa vào lý thuyết điển dạng (théorie des prototypes) để xếp loại các loại từ. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng chính chức năng định lượng, hay đúng ra là định đơn vị, của loại từ mới là chính yếu. Khuynh hướng rõ nét trong tiếng quan thoại là dùng ge như một loại từ duy nhất biểu đạt cá thể cho tất cả các danh từ, do đó xác nhận rằng vai trò định tính, xếp loại của loại từ là thứ yếu. Hơn nữa khó mà xếp Lt theo vai trò định tính vì những thuộc tính đan chéo của nó. Ví như trong tiếng Việt, Lt cây chẳng hạn có thể đặt vào loại thực vật (cây cam), tả loại có hình dạng như cái cây (cây bút), chỉ người (cây bút nổi danh), chỉ trọng lượng (cây vàng ‘lạng vàng’), v.v.


3. Vị thế của loại từ trong đoản ngữ

Trong tiếng Việt, việc xác định loại từ và vị thế của nó trong đoản ngữ danh từ gây nhiều tranh cãi. Tranh luận xoay quanh hai điểm:


Lt là hư từ hay thực từ?

Nếu Lt là thực từ thì Lt hay Dt là từ trung tâm của danh ngữ? Hay nói cách khác, loại từ là từ xác định (déterminant) cho danh từ hay là từ bị xác định (déterminé)?


3.1. Loại từ là hư từ hay thực từ

Ý kiến tiêu biểu về loại từ có thể là của Nguyễn Tài Cẩn (1975). Tác giả này (tr. 48) nói “loại từ thì có đặc điểm của một hư từ” nhưng ở phần phụ lục của cùng cuốn sách, NTC lại không còn cả quyết là tổ hợp “loại từ+danh từ” phải được xem như một tổ hợp “hư+thực” nữa (tr. 292). Dẫn theo Cao Xuân Hạo (1998, 241-250) thì NTC trong công trình năm 1976 đã hoàn toàn đồng nhất loại từ với các danh từ chỉ đơn vị đo lường (DTDV). Việc sắp loại từ hay từ chỉ đơn vị cá thể (classifier or individual measures theo từ ngữ của Chao) như một tiểu loại của lượng từ thì Chao Yuen Ren đã làm cho tiếng Trung Quốc trong A Grammar of Spoken Chinese (1968: 585). Nhưng việc xác nhận loại từ như là một danh từ định lượng cũng không ngăn cấm Chao nhìn nhận rằng loại từ là định từ của danh từ vì Chao nhận thấy rằng số từ (St) trong tiếng Trung Quốc không thể làm định từ trực tiếp cho danh từ mà phải qua trung gian từ định đơn vị, tức là Lt.

Nếu cho rằng Lt là từ trung tâm của đoản ngữ, là từ được Dt xác định thì theo logic này St trong đoản ngữ [St Lt Dt] phải là từ trung tâm chứ không phải Lt vì những lý do sau đây: (1) St có đặc điểm của một từ thực, một danh từ (J.C. Milner 1978:28 gọi là nom de nombre ‘danh từ chỉ số lượng’); (2) St và Lt đều nằm trong một từ loại lớn hơn là định lượng từ (quantifier).

Việc phân định rằng Lt là từ trung tâm của đoản ngữ còn vấp phải một trở ngại lớn là giả thuyết có một Lt zêrô (LtØ). Nếu công nhận có LtØ thì chẳng lẽ trong trường hợp này, trung tâm đoản ngữ là cái trống rỗng! Trung tâm của đoản ngữ mà rỗng là chuyện vô nghĩa.

Qua những điều đã lược bày ở trên thì rõ ràng là Lt có khi là một hư từ, có khi là một thực từ. Xem trường hợp từ cây ở trên khi là từ thực có nghĩa từ vựng đầy đủ (cây cam), khi là từ hư, vơi đi nghĩa từ vựng phần nào (cây bút). Vì vậy đối lập thực/hư được sử dụng để phân biệt danh từ/loại từ, hoặc từ chính/từ phụ, trở thành vô hiệu trong nhiều trường hợp. Như thế thì dựa trên tiêu chuẩn nào trong đoản ngữ [Lt Dt], dù Lt là thực từ đi nữa thì Lt cũng chỉ là một định từ cho Dt và Dt mới là từ trung tâm? Sau đây là một số thử nghiệm (test) ngữ pháp và ngữ nghĩa dẫn đến kết luận Dt (chứ không phải Lt) là trung tâm đoản ngữ.


3.2. Danh từ là trung tâm đoản ngữ

3.2.1. Trường hợp loại từ zêrô (Ø)

Ðối chiếu (1a) và (1b):



Hai con người quái lạ

Hai [Ø] người quái lạ


(1a) và (1b) có thể xem như như đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở chỗ trong (1a) Lt là con thì trong (1b), Lt= Ø. Nếu giả thuyết rằng trung tâm của đoản ngữ [hai con người] trong (1a) là Lt con, thì tất nhiên phải nhìn nhận trung tâm của đoản ngữ [hai (Ø) người] là LtØ. Hiển nhiên đây là điều không chấp nhận được, nên từ trung tâm của đoản ngữ (1a,b) phải là Dt người.


3.2.2. Quan hệ tuyển hợp ngữ nghĩa

Trên mặt ngữ nghĩa có sự ràng buộc với nhau, hay có quan hệ tuyển hợp ngữ nghĩa với nhau giữa hai từ trung tâm của hai thành tố của một câu. Ví dụ như trong (1a) ở trên có sự thích hợp ngữ nghĩa giữa trung tâm chủ ngữ, là Dt người, và trung tâm vị ngữ, là động từ trạng thái quái lạ. Vì với (1a), không thể hiểu là *con quái lạ (trường hợp này Lt con là từ trung tâm của đoản ngữ hai con người), mà phải hiểu là người quái lạ (như vậy Dt người là từ trung tâm).

Xin lấy một câu thơ cổ như (2) :


Chị trăng dì gió cũng thày lay


Ai thày lay ? Ðó là trăng và gió, hai Dt, chứ không phải chị và dì, hai Lt. Như vậy Dt trăng quả là trung tâm của chủ ngữ [chị/Lt trăng/Dt], và Dt gió là từ chính của đoản ngữ [dì/Lt gió/Dt] đối với vị ngữ thày lay.


3.2.3. Loại từ chủ yếu là một định từ về số lượng

Chức năng chủ yếu của Lt là định lượng, hay đúng hơn là định đơn vị, cho danh từ theo sau nó. Vì Lt là yếu tố định lượng nên quan hệ Số từ+Loại từ tức là tiểu đoạn [St+Lt] trong đoạn ngữ [St+Lt+Dt] rất chặt chẽ, khó tách rời. Ví dụ trong (3a), Lt và St nhập thành một khối có thể cùng tách rời khỏi Dt, để có (3b) :



Nó mua một trái táo

Táo, nó mua một trái

Nhưng nếu tách rời St khỏi Lt, ta sẽ có câu sai ngữ pháp *Trái táo, nó mua một. Như vậy tiểu đoạn [St+Lt] một trái có thể được xem như định ngữ về số lượng cho Dt táo.


3.2.4. Ðồng dạng cấu trúc với đoản ngữ đại từ chỉ ngôi

Hãy xét đại danh ngữ (4):


Hai đứa tao

(4) được xem là một đại danh ngữ chỉ ngôi có cấu trúc là [St Lt Ðt] (Ðt : đại từ); ngôi của (4) là ngôi 1 vì đại từ tao, ngôi 1, là từ trung tâm (xem Nguyễn Phú Phong,1995, 196-202; và 2002,158-161). Trong (4) thay thế Ðt tao bằng Dt học sinh, ta có (5) :


Hai đứa học sinh [St Lt Dt]

Dựa vào đồng dạng cấu trúc giữa (4) và (5), phải nhìn nhận Dt học sinh là trung tâm của (5) (chứ không phải Lt đứa).

Bốn thử nghiệm vừa ngữ pháp vừa ngữ nghĩa ở trên dựa theo những tiêu chí khoa học đủ sức thuyết phục để kết luận rằng danh từ là trung tâm đoản ngữ. Nếu ai quan tâm đến vấn đề, thì xin đọc thêm Nguyễn Phú Phong 1992, tr. 43-46; 2002, tr. 26-30. Bây giờ ta hãy quay trở lại câu chuyện cái, con.


4. Ðối lập Lt cái/con

4.1. Cái đồng nghĩa với con (nghĩa I.7)

Hầu hết các sách văn phạm hoặc ngữ pháp tiếng Việt bắt đầu từ Taberd (1838), Trương Vĩnh Ký (1884) đều cho rằng con là Lt đi với Dt chỉ loài động vật hữu sinh, còn cái hợp với Dt chỉ những vật vô sinh, do tay người làm ra, như ví dụ (6):


con chó / cái bàn

Cách giải thích như vậy là rút ra từ nhận xét lý giải một số đông trường hợp, nhưng liệu có còn giá trị hay không nếu ta đem áp dụng vào những ví dụ sau đây:


Con kiến/cái kiến

Cái tép/con tép; cái cua/con cua (như: Cái tép cũng nhảy, cái cua cũng bò)

Cái cú/con cú; cái cáo/con cáo (như: Cái cú cái cáo cũng náo về rừng)

Con lều/cái lều; con am/cái am (con lều, con am, xem Nguyễn Trãi QÂTT)

Rõ ràng các Dt kiến, cua, cú, cáo chỉ động vật nhưng lại ghép với Lt cái. Còn am, lều là những vật vô sinh bất động lại kết hợp được với con. Vậy cho rằng đó là những trường hợp ngoại lệ và có người còn phê cách sử dụng cái, con như thế là lộn xộn, tuỳ tiện. Theo tôi, kết luận như trên là quá hấp tấp vì bỏ qua bề dày lịch sử của loại từ. Trên mặt lịch đại, nếu ta đứng vào thời Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, và dùng con, cái với nghĩa I.7 (cái đồng nghĩa với con) thì thấy ngay các ví dụ (7)-(10) với cái, con đều rất bình thường. Giả thuyết của tôi là ở thời QÂTT và trong thời gian khá lâu sau đó, việc khu biệt cái/con song song với đối lập vô sinh/hữu sinh chưa thành hình rõ nét và cái, con được dùng như hai từ đồng nghĩa, cùng thể hiện khái niệm ‘con’ (xem mục I.7 ở trên); con, cái cùng chỉ đến một thực thể phân lập, thích hợp với chức năng định đơn vị của loại từ.

Ðể tăng cường thuyết phục rằng cái, con một thời đã được dùng như hai Lt đồng nghĩa, tôi kể thêm vài ví dụ ngược lại, tức là con thay cái, rút ra từ Trương Vĩnh Ký (1884): con sào, con gươm, con khoan... Và bài thơ của bà Huyện Thanh Quan (thế kỷ 19) với hai câu mà cái, con dùng như đồng nghĩa:


Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Gia gia là tên một loài chim nhưng ở đây ghép với Lt cái mà cũng chẳng làm giáng cấp loài chim này từ vật hữu sinh đến vật vô sinh (xem Nguyễn Hưng Quốc, 2003). Trái lại là khác. Cách làm thơ theo thể đối câu, đối chữ như thế là tài tình và chữ cái dùng ở đây rõ ràng là đồng nghĩa với con nếu ta đọc câu thơ theo lối xen kẽ trên dưới: Nhớ thương nước nhà đau lòng mỏi miệng con cái quốc gia quốc gia.

Hai câu thơ đối nhau (hay song song với nhau) với hai từ con, cái soi nhau như trong gương cũng gặp thấy trong Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập, chứng nhân của ngôn ngữ tiếng Việt thế kỷ 15, qua hai câu thơ sau đây (Bài Lại vịnh nắng mùa hè, tr. 69):


Ðậu lá võ vàng con bươm bướm
Ấp cây gầy guộc cái ve ve

Té ra đối lập Lt con/cái song song với đối lập hữu sinh/vô sinh hoặc động/bất động chỉ hình thành mới đây, nên không có giá trị khi áp dụng vào tiếng Việt ngày xưa. Vì vậy trong thơ nôm của Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, cũng như trong nhiều bài ca dao, cách dùng không phân biệt hai Lt cái và con thường xảy ra, và nói lên một đặc tính của tiếng Việt cổ. Di tích của nét đặc thù này còn lưu rõ trong phương ngữ miền Bắc, qua nhận xét của Trương Vĩnh Ký (1884, tr.27): "Ở Bắc Việt, nếu là những con vật nhỏ, người ta nói cái kiến, cái chim, cái cóc...".


4.2. Ðối lập cái c ‘con’ và cái m ‘mẹ’

Cái c với nghĩa con có phải xuất phát từ cái m với nghĩa ‘mẹ’ hay không, hay nói cách khác cái c ‘con’ và cái m ‘mẹ’ có đồng từ nguyên hay không? Theo tôi thì không, vì hai từ cái này trên mặt ngữ nghĩa là những từ ‘trái nghĩa’.


4.2.1. Cái c với nghĩa ‘con’

Vậy thì cái c hình thành như thế nào ? Ta hãy xét vần ai của cái c qua loạt từ: con cái, mềm mại, hăng hái, quằn quại, rộng rãi, rỗi rãi v.v. Rõ ràng là những từ kép này đều có chung căn tố ai và việc ghép thêm ai vào từ chính đứng trước có tác dụng làm tăng cường ngữ nghĩa của từ chính và đồng thời mở rộng ngoại diên của ngữ nghĩa này. Và đó chính là ngữ nghĩa của tiếp vĩ tố -ai, hay của hình vị tiếp vĩ (suffix) mang phần vần -ai, những hình vị này có thể xem là đồng nghĩa với từ chính đứng trước. Cụ thể, việc tiếp mại sau mềm có hiệu năng làm xác nhận hoặc củng cố ngữ nghĩa của mềm, và mềm mại là mềm không sai, hoặc có thể cho là mềm, tương tự như mềm; rộng rãi là rộng, hoặc xem như rộng, đúng là rộng, v.v. Căn tố -ai không đứng riêng lẻ mà phải kết hợp với một phụ âm đầu X và một thanh điệu theo qui tắc sau: phụ âm đầu X ghép với ai là phụ âm đầu của từ chính và thanh điệu là thanh trắc cùng âm vực với thanh của từ chính. Ngữ nghĩa của các hình vị (morpheme) mang căn tố (radical) ai cũng phải lí giải trong khuôn khổ của từ ghép mà Xai là tiếp vĩ tố (suffix); Xai đồng nghĩa hoặc rất gần nghĩa với từ chính, thành tố trước của từ ghép. Trong các ví dụ những từ có tiếp tố Xai thì phải công nhận là chỉ có cái trong con cái mới dùng được như một từ độc lập, đồng nghĩa với từ chính con. Tuy vậy dùng như thế cũng phải tuân theo một số ràng buộc. Các bạn có để ý chăng là ở mấy đoạn thơ (11) và (12), con bao giờ cũng nằm trong câu thơ trước câu thơ có cái. Cái tuy dùng như một từ độc lập vẫn giữ vị trí tiếp vĩ tố, tức là sau từ chính.Thứ tự bao giờ cũng con trước, cái sau. Một cuộc đảo lộn thứ tự sẽ làm thay đổi ngữ nghĩa, như trong ví dụ (13), cái sẽ được hiểu là ‘mẹ’ :


Nàng về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng


4.2.2. Cái m ‘mẹ’

Về phần từ cái m ‘mẹ’ thì có từ căn là -ái với nghĩa là thuộc về giống cái. Ta gặp lại từ căn ái trong các từ gái, (chim) mái, (heo) nái, tất cả các từ này đều chỉ giới tính nữ. Như vậy ta có hai từ cái: cái c và cái m khác nhau vì hình thành từ hai hình vị từ căn -ai/-ái khác nhau và do đó có ngữ nghĩa khác nhau. Muốn biết thêm chi tiết về những hình vị dưới âm tiết (subsyllabic morpheme) trong tiếng Việt, hãy đọc Nguyễn Phú Phong (1998) và (1999).

Các nhà nghiên cứu đa số đều nhìn nhận là hầu hết các loại từ đều xuất phát từ danh từ mà ra, qua một quá trình ngữ pháp hoá (grammaticalization) và vì quá trình này mà loại từ là một từ hư, từ rỗng (empty word, mot vide). Nhưng phải hiểu hư, rỗng như đã biến đổi ngữ nghĩa, mất hoặc mòn một phần nghĩa gốc, nghĩa tiên khởi (primitif), chứ không phải rỗng là rỗng tuếch, không còn một chút ngữ nghĩa nào trong quá trình hư hoá. Cách hiểu khái niệm hư hoá/ngữ pháp hoá (grammaticalization) nói chung và áp dụng vào loại từ nói riêng đưa đến nhiều tranh luận (xem Nguyễn Tài Cẩn, 1975, 290-293). Trong trường hợp cái, con thì hai Lt này có đến ít nhất bảy xuất xứ khác nhau và như vậy việc diễn giải phần định tính Qlt của Lt cái, con rất tế nhị, nếu không nói là phức tạp.


4.3. Lại con đồng nghĩa với cái (nghĩa I.6)

Trở lại xét Lt con, cái trong ví dụ (14) dưới đây:


Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông, hởi cò?
Không, không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái diệc đổ ngờ cho tôi...

Theo tôi, cái trong (14) xuất phát từ cái với nghĩa ở I.6, đồng nghĩa với con, cùng chỉ đến một cá thể nữ còn trẻ, hoặc ở phận thấp trên thang vị xã hội. Vì sao? Vì câu thơ sau cùng nói rõ ràng là Mẹ con cái diệc... Cái ở đây dùng để nhân cách hoá một số loài chim rất gần gũi với nông dân Việt Nam chứ không phải để giáng cấp từ một loài hữu sinh đến một loài vô sinh. Hình ảnh người con gái nông thôn chẳng được phát hoạ qua hình dáng con cò, con cá bống là gì, trong nhiều bài đồng dao như (15) và (16):


Cái cò là cái cò vàng
Mẹ bé yêu bé, bé càng làm thơ
Cái cò bay bổng bay lơ
Lại đây chị gửi xôi khô cho chàng...


Bồng bồng ! Cái bống là cái bống bình
Thổi cơm gánh nước một mình bống xơi
Bồng bồng ! Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ

Tiếng Việt đã chẳng cho phép trong một số trường hợp nói ông cọp thay vì con cọp, chú khỉ thay con khỉ, bà ngựa thaycon ngựa (ví dụ có trong QÂTT), gọi trăng bằng chị, đặt gió ở hàng dì, như trong câu thơ cổ sau đây:


Chị trăng, dì gió khéo thày lay

Vậy thì cái cò thay con cò là chuyện dễ hiểu. Nhưng cái ở đây (ghi là cái g) chắc cùng gốc với cái m ‘mẹ’ vì cùng chỉ đến một cá thể nữ phái và như thế khác với cái c ‘con’ ở mục I.7. Bây giờ ta có thể cho rằng có hai Lt cái khác nhau.


4.4. Ðối lập cái/con và đối lập [-Ðộng]/[+Ðộng]

Vào thời QÂTT thế kỷ 15 cho đến thế kỷ 17 chưa có sự phân biệt cái/con đi đôi với đối lập vô sinh [-Ðộng] / hữu sinh [+Ðộng]. Giả thuyết này xuất phát từ cách dùng từ con trong QÂTT và việc A. de Rhodes không có một chữ nào nói đến cách sử dụng đối biệt hai chữ cái, con trong phần Phụ lục Brevis Declaratio về ngữ âm và ngữ pháp của cuốn Dictionarium (1651) mặc dù tác giả này có những nhận xét rất tinh tế về tiếng Việt. Nhưng từ ngữ là những sinh vật, có sinh, có tử, có biến chuyển. Có thể vì chịu áp lực ngữ nghĩa của hai từ đối nghĩa cái, con (nghĩa I.1, I.2, I.3, nhất là I.1 với đối lập cái /con tương đương với ‘mẹ/con’), hai Lt cái, con đồng nghĩa đã đi tách ra hai đường, cái dần dần có khuynh hướng dùng trước các Dt chỉ vật vô sinh, bất động, do tay con người làm ra, còn con được ghép với Dt chỉ động vật. Khuynh hướng đối biệt hai Lt này đã rõ nét ở thế kỷ 19 nên Taberd và Trương Vĩnh Ký mới nhận thấy ra và ghi lại. Nhất là TVK, người biết nhiều ngoại ngữ, ắt đã gặp hiện tượng loại từ trong những ngôn ngữ mình đã học.

Tuy vậy còn một số trường hợp như các ví dụ (18)-(21) cần được giải thích thoả đáng :



con trăng

cái trăng



con cờ

cái cờ (con cờ tra thấy trong Dictionarium, 1651)



con số

cái số



con mắt

cái mắt (con mắt có ghi trong Dictionarium, 1651)

Rõ ràng là cùng có một danh từ trung tâm mà các danh ngữ ở (a) với Lt con không đồng nghĩa với các danh ngữ (b) dùng Lt cái. Sự khác nghĩa (a)/(b) hiển nhiên là do có đối lập con/cái. Bản chất sự đối lập đó là gì? Ðối lập ngữ nghĩa thuộc về ngôn ngữ hay đối lập thiên nhiên về thuộc tính của sự vật trong thế giới ngoài ngôn ngữ? Các sách văn phạm, các nhà ngữ pháp thường giải thích hiện tượng theo phép tương suy (analogy) kiểu như: Con cũng dùng làm loại từ cho thể từ trỏ đồ vật ta coi là có thể chuyển động và Cái cũng dùng làm loại từ cho thể từ chỉ động vật nhỏ (TrươngV C, Nguyễn H L, 1963, tr.283). Những nhận xét kiểu trên đã có trong Trương Vĩnh Ký, 1884, trang 24 ("On applique par analogie... con à certains objets animés qui paraissent animés par leur destination et leur effet"), và trang 27 ("Par extension, dans le Tonquin, on dit des petits animaux: cái kiến, cái chim, cái nhái, ..."). Cách giải thích dựa vào thế giới tự nhiên như vậy là khiên cưỡng và tầm áp dụng của nó bị giới hạn không đáp ứng cho những ví dụ (18)-(21).

Chúng ta đang đứng trước một hiện tượng thuộc về ngôn ngữ, đối lập cái/con là một đối lập ngữ nghĩa, nên những toan tính giải thích dựa vào những nét khác biệt của sự vật thuộc về thế giới thực tại bên ngoài sẽ để sót nhiều ngoại lệ. Cách hiểu [+Ðộng] như thuộc tính của một vật hữu sinh là vin vào đặc điểm của sự vật ở thế giới bên ngoài ngôn ngữ. Thay vì hiểu nghĩa [[Ðộng] như trên, chúng ta nên hiểu [[Ðộng] như một nét ngữ nghĩa-ngữ pháp mà tiếng Việt tạo ra qua hai từ con, cái, để phân biệt ngữ nghĩa của những cặp từ ở các ví dụ (18)-(21). Cụ thể, khi nói cờ trong con cờ là một Dt [+Ðộng] là vì Dt này ghép với Lt con và ngữ nghĩa của cờ phải hiểu như cờ [+Ðộng], như con cờ, chứ không phải như cái cờ với cờ [-Ðộng].

Ai có học tiếng Pháp thì đều biết phân biệt masculin/féminin ‘giống đực/giống cái’ là những phạm trù ngữ pháp như trong la table ‘cái ghế’, table thuộc giống cái vì đi với article la, chứ không phải table thuộc giới tính nữ. Còn trong le crayon ‘cái bút chì’, thì Dt crayon thuộc giống đực vì đi với article le, chứ không phải vì crayon có dương vật. Tội nghiệp cái đầu nhỏ dại của chúng tôi khi mới bắt đầu học tiếng Pháp cứ lẫn lộn masculin, féminin (genre), phạm trù ngôn ngữ, với masculin, féminin (sexe) chỉ đến giới tính của sự vật thuộc thế giới bên ngoài ngôn ngữ. Cả nhà bác học nổi tiếng Trương Vĩnh Ký cũng không phân biệt rõ ràng giống và giới tính khi ông viết câu (1884, tr. 63): "Le genre du substantif s’exprime par la distinction sexuelle pour les bipèdes, les quadrupèdes et les volatiles (Giống của danh từ được biểu hiện bằng sự phân biệt giới tính ở các thú hai chân, các thú bốn chân và gia cầm)." Trong tiếng Pháp, la poste ‘nhà bưu điện’, poste giống cái vì mạo từ la, mà le poste ‘đồn bót’, poste giống đực vì mạo từ le, thì rõ ràng le, la chỉ là những phương tiện ngữ pháp-ngữ nghĩa dùng để phân biệt hai từ poste khác nhau, và (genre) masculin, féminin ‘(giống) đực, cái’ phải hiểu là những phạm trù của ngôn ngữ. Nhận xét này đã đưa tôi đến những kết luận sau đây đối với Lt con, cái :


Ðối lập cái/con là một đối lập ngữ pháp-ngữ nghĩa thuộc nội tại ngôn ngữ tiếng Việt

Nét [[Ðộng] nên hiểu như một nét ngữ nghĩa (semantic feature)

Cách hiểu [[Ðộng] như nét ngữ nghĩa có sức giải thích bao quát hơn, có hiệu lực cho mọi đối lập con/cái tương đương với đối lập hữu sinh/vô sinh theo ví dụ (6), thỏa mãn những trường hợp khu biệt cái, con đặt trước những Dt chỉ vật vô sinh nêu ra ở các ví dụ (18)-(21). Cách dùng cái, con trong các ví dụ (7)-(10) được xem như là những trường hợp trung hoà ngữ nghĩa (neutralisation sémantique) giữa hai Lt này. Hiện tượng trung hoà ngữ nghĩa đã xảy ra trong tiếng Pháp đối với un/une như nói un après-midi hay une après-midi ‘một buổi chiều’ cũng được. Qua nét [[Ðộng] ta thấy sức trừu tượng hoá của ngôn ngữ, với sự nẩy sinh những khái niệm mới, hé mở cho ta thấy quá trình hư hoá, ngữ pháp hoá của một số từ thực, v.v.


4.5. Cái quán từ

Trong những từ cái đứng trước Dt, có một từ cái không những không đối lập mà còn kết hợp được với Lt con để làm định ngữ cho Dt. Ví dụ trong (22), cả đoạn [cái con] làm định ngữ cho Dt chó :


Cái con chó!

(22) là lời Giáp thốt lên để khen hay chê một con chó mà Giáp biết. Tính xác định, chỉ biệt của Dt con chó là do sự có mặt của từ cái và như vậy từ cái này là công cụ dùng để chỉ xuất một sự vật do Dt biểu hiện. Cái trong (22) kết hợp với Lt con (và những Lt khác) và vì đứng trước đoạn [Lt Dt] nên gọi là quán từ (quán: ‘bao trùm lên trên’). Công dụng của quán từ (Qt) là chỉ xuất, xác biệt và như thế ngữ nghĩa của cái Qt là thuộc về chỉ thị (deictic) chứ không thuộc từ vựng (lexical) như cái Lt. Có thể gom trong biểu thức <1, +Chỉ biệt> hai thuộc tính định nghĩa của cái Qt ; <1> chỉ số ít ở mặt định lượng; <+Chỉ biệt> là nét ngữ nghĩa ở mặt định tính. Vì vị trí của cái Qt là đứng trước con Lt, đúng y thứ tự vị trí của cái ‘mẹ’đối với con ‘con’như đã minh hoạ ở (13) nên tôi chắc nguồn gốc của cái Qt là cái ‘mẹ’.

Qt số ít cái có Qt số nhiều tương ứng là các được ghi bằng biểu thức <>1, +Chỉ biệt> (với >1 có nghĩa là nhiều hơn 1). Các là từ gốc Hán.

Còn có một từ cái, dạng tổng hợp của hai từ cái, cái Qt và cái Lt, như trong (23b):



*Mấy cái cái bút này hỏng !

Mấy cái bút này hỏng !

Theo thiển ý, tiếng Việt không cho phép kết hợp cái Qt và cái Lt dưới dạng cái cái ở (23a) nhưng chấp nhận kết hợp dưới dạng một từ cái ở (23b), từ cái này được đọc mạnh trên mặt ngữ âm, còn trên mặt ngữ nghĩa thì phải được hiểu như <1, +Chỉ biệt, -Ðộng>, tức tổng hợp ngữ nghĩa của cả hai từ cái, Qt và Lt. Giới hạn của bài báo không cho phép tôi khai triển nhiều hơn, muốn biết thêm chi tiết, xin đọc Nguyễn Phú Phong, 1995, tr. 77-88; 2002, 59-71.


III. Tóm lược

Tóm lại, trong tiếng Việt hiện đại ta có thể phân biệt nhiều từ cái và con khác nhau, đứng truớc danh từ và làm định từ cho danh từ:


Cái1 Lt được định nghĩa bằng biểu thức cái1 <1, -Ðộng>; yếu tố <1> nói lên rằng phần định lượng của cái là định đơn vị ; yếu tố [-Ðộng] dùng để định tính cho Dt theo sau. Lt cái1 có Lt đối lập là con1 được định nghĩa bằng con1 <1, +Ðộng>. Xem ví dụ (1).

Cái2 Lt được định nghĩa bằng <1, +Gái>. Việc phân biệt Lt cái1/cái2 là cần thiết để đối lập cái1 hoa ‘cái bông’ với cái2 Hoa ‘người con gái tên Hoa’. Với cái2 thì con2 tương ứng không nằm trong thế đối lập, mà ở thế bổ túc, nghĩa là nói cái2 Hoa hay con2 Hoa cũng đồng nghĩa. Con1 nhạn ‘chim nhạn’ khác con2 Nhạn ‘người con gái tên Nhạn’ là do khu biệt con1 /con2 . Cái2 và con2 cùng đối lập với thằng <1, -Gái>.

Cái3 <1, +Chỉ biệt> là một quán từ, dùng để xác định Dt theo sau và như thế biệt xuất sự vật do Dt đó thể hiện, ra khỏi loại khỏi nhóm. Cái3 kết hợp với Lt chứ không đối lập, ví dụ (24): Cái3 con1 chó dữ quá!

Cái4 <1, +Chỉ biệt, -Ðộng> là dạng kết hợp của hai từ cái: Qt cái3 + Lt cái1, xem ví dụ (23b). Từ cái trong các địa danh như Cái Bè, Cái Sắn, ... rất gần với cái4 .


IV. Kết luận

Thay lời kết, tôi trích lời nhận xét của một giáo sư người Pháp khi đọc đoạn luận văn của tôi năm 1992 nói về con, cái: Sự hoán đổi (alternance) giữa con, cái thật đáng lưu tâm. Con đúng ra là một thực thể có phạm vi rõ ràng, được tạo ra, được cá thể hoá (entité circonscrite, produite, individuée) đối lập với cái quy đến một thực thể được phân biệt với một thực thể khác và với thực thể này, thực thể biểu hiện bằng con lập thành một thể đôi (dyade) không tách rời ra được. Dường như chúng ta đang đứng trước đối lập giữa một bên là đôi (la paire) và bên kia là cặp (le couple). Ðôi liên quan đến hai cá thể độc lập dẫn đến cuộc lý giải về cái có thể so sánh được, cái giống nhau và cái khác nhau (deux individus indépendants qui renvoient à la problématique du comparable, du pareil et du pas pareil). Cặp đụng đến loại cá thể phân biệt được nhưng không phân tách ra được vì chỉ có giá trị trong sự bổ túc cho nhau (forme d’entités discernables mais indissociables pour ne valoir que dans leur complémentarité).

Như vậy giải thích đối lập/không đối lập của hai từ con, cái theo vị giáo sư này nằm trong lý giải hai khái niệm đôi và cặp. Qua cái, con ta thấy ngay là một trong những cái tài tình của ngôn ngữ là dùng một cách biến hoá, sinh động những từ đa nghĩa, những từ đồng dạng dị nghĩa, theo phép kết hợp (cái con), đối ứng (con/cái) hoặc song ứng (con, cái), các phép này là những thủ pháp thông dụng trong ngữ nghĩa cặp đôi (sémantique de paire) mà tôi xin đề ra.




Thư mục

Cao Xuân Hạo, 1998. Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữa âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Tp Hồ Chí Minh, NXB Giáo Dục

De Rhodes, A., 1651. Dictionarium annamiticum, latinum et lusitanum, Rome

Lê Xuân Thại, 2000. Loại từ trong tiếng Việt và trong tiếng Hán - Ðồng nhất và khác biệt, trong Viện Ngôn Ngữ, Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam, tập I, 107-116, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội

Milner, J.-C.,1978. De la syntaxe à l’interprétation, Paris, Ed. du Seuil

Nguyễn Hưng Quốc, 2003. Cuộc đảo chánh trong một chữ, talawas, 4.12.2003

Nguyễn Tài Cẩn, 1975. Từ loại danh từ trong tiếngViệt hiện đại, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội

Nguyễn Trãi (thế kỹ 14-15). Quốc âm thi...
Song Anh
#6 Posted : Monday, April 24, 2006 6:32:07 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Nguyễn Phú Phong

Từ và Chữ/Tự, Ðoản ngữ và Từ ghép
Nhân đọc bài của Dũng Vũ, Chính trước phụ sau, đăng trên talawas 8.2.2005, tôi xin góp mấy ý kiến về những điểm sau đây:


1. Phân biệt từ và chữ/tự

Chữ (caractère, character; lettre, letter) là một đơn vị của chữ viết (écriture), một đơn vị ký hiệu trong một hệ thống chữ. Từ (mot, word) theo ngôn ngữ học truyền thống là một yếu tố có nghĩa. Nhưng từ không phải là yếu tố có nghĩa nhỏ nhất, ví như re trong refaire (làm lại, tiếng Pháp), hay như -iếc trong phở phiếc là những yếu tố không tự do, nhỏ hơn từ, nhưng vẫn có nghĩa. Do đó có nhu cầu đặt ra khái niệm morphem, hình vị, tức là yếu tố nhỏ nhất có nghĩa.

Trong Hán Việt tương đương với chữ là tự (dấu nặng). Cho đến những năm cuối thập niên 30 thế kỷ 20, người ta dịch dictionnaire, dictionary là tự điển. Sau đó chợt thấy sai lầm mới đổi thành từ điển vì mục đích của từ điển là giải thích từ chứ không phải tự/chữ như trong các tự điển Hán Nôm.

Rốt cuộc, chữ/tự và từ cần phải phân biệt nhưng ở hai diện khác nhau: một bên là chữ viết, bên kia là ngôn ngữ. Từ là đơn vị của ngôn ngữ vừa trên mặt ngữ âm, chữ viết, và ngữ nghĩa. Như vậy ngôn ngữ nào cũng có từ nhưng có nhiều ngôn ngữ không có chữ vì lẽ giản dị là không có chữ viết (như tiếng Mường chẳng hạn).


2. Chính trước phụ sau

Nhìn chung thì nguyên tắc chính trước phụ sau áp dụng cho từ ghép trong tiếng Việt là đúng. Nhưng còn phải hiểu thế nào là từ ghép. Ðối với tiếng Việt, việc định từ ghép đặt ra nhiều trường hợp gay cấn, gây ra nhiều tranh cãi nên đề nghị viết liền hoặc đánh dấu ngang giữa hai thành tố một từ ghép còn bỏ dở. Ðổi lại bây giờ người ta áp dụng một giải pháp rất tiêu cực: các âm tiết dù có nghĩa hay không, dù quan hệ của nó với yếu tố phía trước hay sau nó có chặt chẽ (như một từ ghép) hay rời rạc đều viết tách biệt với nhau, không ngang liền, không gạch nối. Việc này chứng tỏ chữ quốc ngữ còn bị ảnh hưởng nặng bởi chữ Hán theo đó mỗi chữ có nghĩa hay không đều chiếm lĩnh một ô vuông riêng biệt. Nghĩa là chữ quốc ngữ còn xem trọng tự hơn từ. Muốn biết «cái lợi to lớn hơn nếu viết liền», xin đọc bài của Hoàng Tuệ và của Nguyễn Văn Tu (Viện Văn Học, 1961). Riêng tôi, tôi có công bố một bài về vấn đề này (Nguyễn Phú Phong, 1989-90). Bây giờ, hãy trở lại vấn đề từ ghép được nêu ra một cách cụ thể trong bài của Dũng Vũ.


2.1. Từ ghép gốc Hán

Từ ghép như quốc phòng, thư viện vì là gốc Hán nên tuân theo cú pháp tiếng Hán, trật tự các thành tố là phụ trước chính sau. Ở đây ta nghiên cứu tiếng Việt nên không đề cập đến các trường hợp này.


2.2. Từ ghép đẳng lập

Những từ ghép như sốt rét, bà con là những từ ghép đẳng lập, hai thành tố của từ ngang nhau, không ai chính không ai phụ.


2.3. Từ ghép chính phụ

Những từ kiểu máy bay, xe đạp, cảm ơn là những từ ghép chính phụ, thành tố đầu là chính, thành tố sau bổ túc cho thành tố đầu, bổ túc đây hiểu theo nghĩa rộng.


2.3.1. Phân biệt từ ghép (mot composé) với đoản ngữ (syntagme)

Chiếc lá, bài thơ là đoản ngữ hay từ ghép? Từ ghép đã được minh hoạ qua các ví dụ ở trên nhưng đoản ngữ là gì? Ðể nghiên cứu ngữ pháp, người ta thường xét đến những đơn vị như câu, từ và hình vị. Nhưng giữa câu và từ/hình vị người ta còn nhận ra một đơn vị trung gian khác là đoản ngữ. Vậy đoản ngữ là thành tố trực tiếp (Immediate Constituant) của câu, lớn hơn từ và có thể gồm nhiều từ. Cái quan hệ giữa các thành tố trong từ ghép thuộc về từ vựng (lexical) còn quan hệ giữa các thành tố trong đoản ngữ nghiêng về cú pháp (syntax). Xin minh hoạ cái khác nhau giữa hai quan hệ đó qua ví dụ (1) và (2):


Năm chiếc lá rơi > (1’) Lá rơi năm chiếc

Có năm (chiếc) máy bay rơi > (2’) * Bay rơi, có năm (chiếc) máy

Theo (1’) thì chiếc có thể tách rời khỏi lá còn theo (2’) thì hai thành tố máy bay không thể tách rời. Như vậy máy bay là từ ghép còn chiếc lá là đoản ngữ chứ không phải từ ghép. Vì thế từ điển thường đưa những đơn vị từ vựng như máy bay vào để giải thích chứ những đoản ngữ như chiếc lá thì không.


2.3.2. Loại từ hay danh từ?

Chiếc trong chiếc lá có phải là danh từ (DT) không? Rằng trong ngữ cảnh đoản ngữ DT đó, chiếc thuộc loại Danh (substantif) nhưng không hẳn là DT chính hiệu. Gốc của chiếc là Hán có nghĩa là «lẻ loi» thuộc về tính từ nhiều hơn. Còn con, cái trong con gà, cái bàn có còn là những danh từ chính hiệu, tức là những thực từ không? Rõ ràng là không vì con, cái là những từ đã hư hoá, mất đi một phần lớn nghĩa từ vựng của chúng, đến mức mà người ta định nghĩa loại từ con, cái chỉ bằng hai nét ngữ nghĩa đối biệt +Ðộng / -Ðộng. Như vậy không thể tiếp tục xem con, cái trong con gà, cái bàn như những danh từ thực thụ. Ðể gộp những hư từ con, cái chung với những DT thực như anh (trong anh lính) thành một từ loại, người ta mới đặt ra từ loại loại từ, hay phó danh từ, hay tiền danh từ.

Phó danh từ nếu hiểu như chưa phải là một danh từ đầy đủ tiêu chuẩn của nó thì không thể áp dụng cho từ anh trong anh lính. Nhưng nếu hiểu phó danh từ như một từ phụ nghĩa cho danh từ (theo sau) thì rất thích ứng vì nó nói lên quan hệ cú pháp giữa hai thành tố của đoản ngữ anh lính; anh là phụ/phó từ cho lính từ chính.

Nhưng phụ (từ) (hay định (từ), bổ (từ)) ở những mặt nào? Con, cái, anh có chung một chức năng là định đơn vị cho danh từ gà, bàn, lính theo sau. Không có anh thì lính chỉ nói lên một khái niệm thôi. Ghép với anh, anh lính chỉ đến một đơn vị sự vật cụ thể. Chức năng của anh trong anh lính là định lượng (định đơn vị) và định tính (qua anh, lính ở đây chỉ đến một chàng trai). Như vậy anh đối với lính là một định từ lưỡng diện: phần lượng luôn luôn bằng một; phần tính tức phần bổ nghĩa thì có thể đi từ thực/đầy (như trường hợp anh), hay hư/vơi (như với con, cái).

Có nhiều tác giả đặt nặng mặt định tính hơn nên mới đặt cái tên loại từ (từ xếp loại danh từ theo tính chất sự vật mà danh từ biểu thị). Nhưng mặt định tính của loại từ không đồng đều, khi vơi khi đầy nên cái tên loại từ đôi khi không ổn.

Có tác giả nhận thấy rằng mặt định lượng mới quan trọng, nên thay vì loại từ thì gọi là từ định đơn vị cá thể. Như Chao Y. R. (1968: 585) có nhận xét sau đây về tiếng Trung Quốc: «Classifiers, or individual measures, have also been called numeratives or numerary adjunts (NA) because a numeral cannot directly modify a noun...” (Loại từ, hay từ định lượng cá thể, cũng có thể được gọi là số từ hay phụ từ số lượng bởi vì một số từ không thể làm định từ trực tiếp cho danh từ...)

Ðặt ra từ loại loại từ là dựa vào chức năng cú pháp-ngữ nghĩa của nó: loại từ là từ định đơn vị về mặt lượng (cú pháp) và mặt tính (ngữ nghĩa) cho danh từ theo sau; vậy nó là một bổ từ cho danh từ theo sau. Như vậy tổ hợp Loại từ+Danh từ là một đoản ngữ, một đơn vị cú pháp, phụ trước chính sau, còn máy bay là từ ghép, một đơn vị từ vựng chính trước phụ sau.

Kết luận rút ra là quan hệ chính trước phụ sau chỉ có giá trị trong tiếng Việt khi đem áp dụng cho những từ loại thực (như danh từ, động từ, tính từ). Cú pháp nội bộ của đoản ngữ có thể theo trật tự khi chính phụ, khi phụ chính. Ví dụ (3) và (4):


Hai con chó ấy

đã ăn rồi

Trong (3), chó là từ trung tâm của đoản ngữ danh từ, hai và con là tiền định từ cho chó, còn ấy là hậu định từ cho chó.

Trong (4), động từ ăn là từ chính của đoản ngữ động từ với đã là tiền phụ động từ và rồi là hậu phụ động từ.


2.3.3. Danh từ là trung tâm của Ðoản ngữ

Ngoài những lý do đã nêu ở mục 2.5, trong bài Con cái, cái con, con và cái đăng trên talawas ngày 26.11.2004, tôi có đưa ra bốn thử nghiệm vừa cú pháp vừa ngữ nghĩa để chứng minh rằng trong một đoản ngữ như (3) Hai con chó ấy, danh từ chó là từ chính, từ trung tâm, loại từ con là phụ, là định từ cho chó. Trong bài Chính trước phụ sau, Dũng Vũ không gọi là loại từ mà gọi là danh từ hình thức vì theo ý của DV «loại danh từ này có khả năng hình thức hoá một cái chung chung thành một thực thể cá biệt.» Một câu giải thích (hay một định nghĩa) như vậy rõ ràng nói lên rằng danh từ hình thức (hay loại từ) là định từ, bổ từ, phụ từ cho danh từ theo sau, nghĩa là đoản ngữ Loại từ+Danh từ theo trật tự Phụ trước chính sau.


3. Về việc xác định từ loại

Phía trên tôi đã đưa những lý do, những tiêu chí đưa đến sự phải nên nhìn nhận rằng những từ như con, cái, anh trong các đoản ngữ (5) con gà, (6) cái bàn, (7) anh lính là thuộc về loại từ và từ loại này được định nghĩa theo chức năng định đơn vị cho đơn vị từ vựng theo sau. Vậy việc định từ loại danh từ cho các từ như gà, bàn, lính trong (5), (6) và (7) được thực hiện lúc nào? Phải chăng các từ này chỉ được nhìn nhận là danh từ trong ngữ cảnh Loại từ+Danh từ mà thôi không? Một quan niệm như trên mặc nhiên công nhận là đơn vị từ vựng có thể thuộc nhiều từ loại khác nhau tuỳ theo ngữ cảnh cú pháp. Chuyện này không phải là đặc điểm riêng của tiếng Việt. Mở cuốn từ điển tiếng Anh, ta thấy ngay vô số từ (như cover chẳng hạn) được xếp vào hai từ loại khác nhau là Danh từ và Ðộng từ. Còn từ le trong tiếng Pháp có thể dùng như mạo từ (article) hay đại từ (pronom). Như thế trong tiếng Việt từ anh có thể khi là danh từ, khi là loại từ, khi là đại danh từ tùy theo ngữ cảnh. Ta có thể nghĩ rằng tiếng Anh khá gần với tiếng Việt ở điểm sau đây:

Sự khu biệt danh từ/động từ là việc của ngữ pháp

Ví như rain (tiếng Anh) hay mưa (tiếng Việt) nếu đứng ngoài mọi ngữ cảnh thì đố ai dám quyết đó là danh hay động từ. Trong đoản ngữ a rain, trận mưa thì rain với mưa mới được xem như danh từ chứ còn trong to rain hay sắp mưa thì rain phải là động từ. Một cuộc phân từ loại như vậy là dựa vào cú pháp. Và một đơn vị từ vựng như mưa trong tiếng Việt đứng ngoài mọi ngữ cảnh chưa xếp vào từ loại danh từ hay động từ thì nói lên cái gì, nếu không phải là một khái niệm trừu tượng hơn trước khi có sự phân biệt Danh/Ðộng. Bởi vậy theo suy nghĩ của tôi, việc gắn loại từ trận cho mưa, hoặc phụ động từ sắp cho mưa, có tác dụng biến mưa thành Danh hay Ðộng (từ) về mặt cú pháp mà về mặt ngữ nghĩa đưa mưa từ một khái niệm trừu tượng, Danh, Ðộng chưa phân biệt, đến mưa như một sự vật cụ thể (Danh) vì gắn liền với một đơn vị (cá thể), hoặc một hiện tượng cụ thể (Ðộng) vì gắn liền với một toạ điểm thời gian nào đó.

Nhưng khác với Việt ngữ là ngoài tiêu chí cú pháp, Anh ngữ còn dựa vào tiêu chí hình thái (morphology) để khu biệt Danh/Ðộng. Như động từ rain sẽ thay đổi hình thái tùy theo thời: It rained.


4. Số lượng loại từ

Theo một toan tính kiểm kê, Dũng Vũ có nói đến số lượng tối thiểu là 140 loại từ. Và xác nhận là còn nhiều nữa. Như vậy thì không thể nào làm danh sách đầy đủ của loại từ. Lí do này khiến tôi nghĩ rằng loại từ là một từ loại mở, không đếm xuể. Hơn nữa loại từ có thể là một thực từ (mà thực từ là thuộc từ loại mở) cũng là một lí do cho tôi kết luận rằng loại từ không phải là từ loại khép. Vậy đếm không xuể thì làm sao định nghĩa, nhìn ra một loại từ. Qua chức năng của nó vậy: Loại từ là một tác tử dùng định đơn vị cho danh từ theo sau. Dựa vào đặc tính định nghĩa này thì những từ nào biểu đạt một khái niệm phân lập (notion discrète) có thể đếm được (comptable) đều có thể làm loại từ. Lưu ý rằng định nghĩa loại từ của tôi không bị chi phối bởi sự khu biệt (từ) hư/(từ) thực như của một số tác giả đi trước tôi.


Thư mục giản lược
(xem thêm Thư mục bài Con cái, cái con, con và cái, talawas 26.11.2004)

Chao Yuen Ren 1968, A Grammar of Spoken Chinese, Berkeley and Los Angeles, University of California Press

Ðinh Văn Ðức, Kiều Châu 2000, Góp thêm đôi điều vào việc nghiên cứu danh ngữ tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học 2000, Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam (Tập I)

Nguyễn Phú Phong, Le vietnamien: un cas de romanisation inachevée (Tiếng Việt: một trường hợp Rôman hoá còn dang dở), Paris, Cahiers d'Etudes Vietnamiennes 10, 1989-90: 25-32

Nguyễn Phú Phong, 1995, Questions de Linguistique Vietnamienne. Les classificateurs et les déictiques, Paris, Presses de l’EFEO. (Bản tiếng Việt: Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt. Loại từ và chỉ thị từ, Hà Nội, Nhà XB Ðại Học Quốc Gia, 2002)

Nguyễn Phú Phong, Con cái, cái con, con và cái. Danh từ, Loại từ và Quán từ, talawas 26.11.2004

Viện Ngôn Ngữ Học 2000, Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam (Tập I), Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội

Viện Văn Học, 1961, Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, Hà Nội, NXB Văn Hoá

Song Anh
#7 Posted : Wednesday, April 26, 2006 7:26:56 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18


Còn ai nhớ chuyện “tựa” mất tên và “tên” thành “tựa”?

Những trao đổi xung quanh từ vi tính trên talawas khuấy động trí nhớ tôi về những điều có vẻ rất phi lý trong sự đặt từ mới của người Việt cho tiếng Việt. Tôi không định mạo hiểm chẳng hạn cắt nghĩa hiện tượng những chữ dùng mới hình như chỉ nảy sinh từ… vỉa hè, mà nếu có chữ dùng mới nảy sinh từ giới kỹ thuật thì hình như nó cũng thường khá nhiều “tính” vỉa hè mà dấu hiệu dễ nhận là vẻ tạm bợ, ngẫu nhiên, đem luận giải thử sẽ thấy khấp khểnh, của những chữ dùng mới đó. Tôi cũng không định góp thêm lời bàn về vi tính hay tạp ghi. Tôi chỉ nhân cái mạch luận bàn chữ nghĩa này, xin đưa ra một “ca” khác, cũng là chuyện chữ, đúng hơn, là chuyện dùng sai chữ mà hình như không thể sửa được nữa.

Bài thơ này là Xuân về, truyện ngắn này là Cái mũi, cuốn tiểu thuyết này là Số đỏ, bộ phim này là Người tình… - đó là những cái tên, cụ thể là tên tác phẩm. Tên đó còn được gọi là nhan đề, đầu đề, và - như rất thông dụng bây giờ – tựa đề.

Nhan là mặt; trông mặt đặt tên, cho nên nhan đề là hợp lý.

Ðầu đề cũng là cách gọi dễ chấp nhận, cá kể đầu rau kể mớ, túm đầu mà gọi là đắc sách rồi.

Nhưng còn tựa đề? Tựa vốn là dịch một trong những chữ tự của tiếng Hán trỏ bài viết ở đầu sách, có thể là tác giả viết cho cuốn sách của mình (như Lỗ Tấn gọi là lời tựa viết lấy), có thể là viết cho cuốn sách của người khác (như Thế Lữ viết tựa cho tập Thơ thơ của Xuân Diệu), tất nhiên tựa cũng trỏ hành vi viết tựa ấy, - hành vi sáng tác hay trứ tác. Tựa là một thể tài văn chương, và vì người ta viết nhiều thứ sách nên cũng nhiều loại tựa sách, vậy xin gọi chung tựa như một thể tài trứ thuật - điều đó là rõ ràng.

Thế thì thiếu gì chữ để gọi tên bài tên sách tên phim mà lại gọi tựa đề? Nếu đã nói: tập thơ đầu tay của Xuân Diệu có tựa đề Thơ thơ thì bài của Thế Lữ in ở đầu sách Thơ thơ gọi là gì?

Ðem tựa để gọi tên vở diễn sân khấu, bộ phim trên màn ảnh lớn hoặc màn ảnh nhỏ, - là chuyện đi quá xa. Nhưng người ta còn đi xa hơn nữa khi nói: cuộc hội thảo với tựa đề, đêm ca nhạc với tựa đề… (những trường hợp này ngẫm ra dùng đầu đề, nhan đề thậm chí cũng chưa thích hợp bằng tiêu đề—nó trỏ cái đề được nêu ra như cây cọc tiêu đánh dấu). Thế mà cách gọi tựa đề lại hết sức phổ biến trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, có thể nói trên tất cả những phương tiện truyền thông có dùng chữ Việt tiếng Việt trên thế giới hiện nay.

Rõ ràng là tựa như một thể tài sáng tác văn chương, một thể tài trứ thuật, - đã bị mất tên; trong khi đó tên tác phẩm vốn gọi theo mặt hoặc theo đầu, nay bị gọi theo… không biết là theo cái gì! Nên thấy là việc dùng từ tựa đề đang rất phổ biến hiện nay đã khiến nó chỉ còn là ký hiệu hoàn toàn quy ước, không còn liên hệ gì với hàm nghĩa thực của hoạt động đề tựa và thể tài tựa. Ta buộc phải công nhận cách dùng này chỉ vì những người khác nói như thế hiểu như thế, chỉ vì đây là chuyện quy ước, là biểu hiện tính “võ đoán” của ngôn ngữ…, đó là một mặt; nhưng mặt khác chúng ta chưa đến nỗi quên hẳn để không còn biết rằng từ tựa đề đang phổ biến hiện nay vốn là kết quả của một sự lệch lạc, - mặt chữ lệch hẳn khỏi hàm nghĩa gốc của nó.

Ai đã sống ở miền Bắc, ở Hà Nội từ trước năm 1975 hẳn nhớ rằng ở đây thời đó cách gọi tựa đề chưa hề tồn tại. Chỉ đến sau 1975, cùng với rổ nhựa rổ nhôm quạt máy tủ lạnh tivi xa lông băng cát-xét theo xe lửa xe tải tàu thuỷ tàu bay tràn ra Bắc, những thay vì, tựa đề… cũng tràn ra theo. Nay thì cách nói thay vì cách gọi tựa đề không chỉ đậm đặc ở Sài Gòn, Ðà Lạt, Ðà Nẵng, mà ngay trên đất Hà Nội, trên các tỉnh lẻ miền Bắc, trên hầu hết các diễn đàn của thế hệ trẻ, trên tivi của khắp các vùng miền.

Ðến bây giờ, những ai muốn giữ cách gọi tên (tác phẩm) là đầu đề, nhan đề… hiển nhiên đang trở thành thiểu số, đang trở nên dị biệt.

Tôi nêu chuyện mà tôi cho là dùng chữ sai này nhưng tôi không hề tin chuyện này sẽ được sửa chữa. Cá nhân tôi không bao giờ dùng tựa đề theo cách phổ biến hiện nay; nhưng điều này chẳng có nghĩa lý gì.

Có phần chắc là tương lai của vi tính cũng… sáng sủa không kém tựa đề!

Lại Nguyên Ân
27.2.2005
Song Anh
#8 Posted : Sunday, April 30, 2006 8:45:36 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Chữ quốc-ngữ và chữ nôm
Tự-vị Taberd và di-sản văn-hóa Việt-Nam


Đối với những ai có lòng tha-thiết với văn-hóa dân-tộc, thì cuốn tự-vị Việt-La-tinh do giám-mục Taberd biên soạn và cho in bên Ấn-độ năm 1838, thực là một tài-liệu không thể bỏ qua, vì nó đánh dấu một chặng đường quan-trọng trong lịch-sử hình-thành của nền quốc-học Việt-Nam. Quan-trọng là vì đây là lần đầu tiên chữ quốc-ngữ được đối chiếu với chữ nôm trong một cuốn tự-vị được in ra. Các tự-vị chữ nôm được biên soạn và ấn-hành sau này đều lấy lại cái sáng-kiến đó một như là một việc rất tự-nhiên.
Có lẽ đôi khi, vì nhiều lý-do, người ta ngần-ngại không muốn nhìn nhận tác-phẩm đó là một tài-liệu có tầm-cỡ quan-trọng. Một lý-do chính, có lẽ là vì lẽ nó do một người ngoại-quốc biên-soạn, cho in ở ngoại-quốc, và hơn nữa lại viết bằng tiếng La-tinh. Cũng dễ hiểu : vào thời buổi này, muốn học được khoa-học và kỹ-thuật, muốn hiểu được chính-trị và kinh-tế trong thế-giới, thì cần phải am tường sinh-ngữ. Cho nên ở Việt-Nam chúng ta không thiếu các thứ tự-vị Anh, Pháp, Tàu, Nhật, v.v.. Chứ ngoài một thiểu số người công-giáo, vì lý-do tôn-giáo, thì hỏi có ai nghĩ đến việc học một cổ-ngữ như tiếng la-tinh, không có liên quan gì đến văn-học Việt-Nam ? Một lý-do khác nữa có lẽ là lòng tự-ái.
Nhưng trái lại, cũng chính vì lòng tự-ái dân-tộc, mà tôi trộm nghĩ tự-vị Taberd là một công-trình quan trọng, đáng được chú-ý. Thực vậy, người Việt ta ý-thức rằng mình có một nền văn-hóa riêng, nhiều khi còn bạo-dạn tuyên-bố mình có bốn nghìn năm văn-hiến, nghĩa là không thua gì người Tàu. Nhưng cái ý-thức đó dù sao cũng còn là chủ-quan : chắc gì là người Tàu đã chịu nhận như thế ? Ta biết họ từ xưa vẫn đã có ý-định đồng-hóa, làm cho người Việt thành ra người Tàu. Lần cuối cùng khi họ đô-hộ nước ta, vào thời nhà Hồ, thì quan lại nhà Minh đã tìm cách thu lấy cho hết các sách vở của người Việt, kể cả sách viết bằng chữ Hán. Kho tàng văn-hóa của ta cũng vì thế mà mất-mát đi khá nhiều. Đàng này khác : các giáo-sĩ Tây-phương sang truyền-giáo đã công-nhận và tôn-trọng văn-hóa riêng của ta. Như thế thiết-tưởng không phải là vì ta cũng dùng chữ Hán, cũng có tam-giáo như người Tàu, nhưng chắc-chắn là vì ta có tiếng nói riêng và chữ viết riêng, tức là chữ nôm. Tôi dám chắc rằng nếu trên đất Việt-Nam xưa kia không có chữ nôm, mà chỉ có chữ Hán, thì dĩ-nhiên là người Tây-phương hẳn đã cho rằng người Việt cũng chẳng khác gì người Tàu. Chính vì chưa hiểu rõ như thế cho nên khi đức giáo-tông Alexandre VII gửi tông-huấn cho các giám-mục ở Đàng Ngoài và Đàng Trong thì đã đề cho nó cái tên nghe thật lạ tai : Tông-huấn chỉ đạo cho các vị đại-diện giáo-tông-tòa đang lên đường sang các quốc-gia của người Tàu ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659) !
Trước hết, ngay từ thế-kỷ XVII, các giáo-sĩ Tây-phương sang Việt-Nam truyền giáo, đã ra công quan-sát phong-tục tập-quán, đồng thời học tiếng nói và chữ viết của ta, để dễ bề chia-sẻ niềm tin của họ với người mình. Họ rất có thiện-cảm với người Việt, và đã viết ra nhiều lời ca-tụng văn-hóa và ngôn-ngữ của chúng ta. Ngay trong đầu thế-kỷ XVII, giáo-sĩ Girolamo Maiorica là người Ý (Italia) đã soạn ra hàng chục cuốn sách đạo bằng chữ nôm. Sau đó giáo-sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc- Lộ) quê ở Avignon (nay thuộc về nước Pháp) đã cho in tại Roma năm 1651 sách giáo-lý bằng chữ quốc-ngữ Việt-Nam và tiếng La-tinh, sách về ngữ-học Việt-Nam bằng tiếng La-tinh và tự-vi Việt-Bồ-đào-nha-La-tinh. Những người đã xướng-xuất ra các công-trình ấy vốn là những người có học-thức, có đầu óc cởi mở, và đã ra công học hỏi được nhiều, nhưng ta không nên quên rằng các vị ấy đã học với người Việt mình. Những người Việt này thường là những thầy giảng đi theo cộng-tác trong việc truyền-giáo. Họ cũng là những người biết chữ thánh-hiền, biết sử-dụng chữ nôm, và hiểu biết phong-tục tập-quán nước ta. Cho nên tuy rằng trong các công-trình ấy không nhắc đến tên tuổi của họ, nhưng ta cũng chắc được rằng những người công-giáo Việt-Nam ấy đã đóng góp vào đó, nếu không phải là về phương pháp thì cũng là về phần tài liệu, một phần không phải là nhỏ. Cho nên khi làm những công-việc đó với người ngoại quốc, họ lại càng ý-thức được cái gì thuộc về văn-hóa nước nhà.
Còn về việc viết bằng tiếng La-tinh, thì ta cũng nên biết rằng vào mươi thế-kỷ trước đây, tiếng La-tinh là ngôn-ngữ dùng trong giáo-hội công-giáo, đồng thời cũng là ngôn ngữ của giới học-giả Âu-châu (cũng như chữ Hán trong miền đông châu Á), Xin đan-cử một ví-dụ : Các triết-gia như Hegel, Feuerbach đều viết luận-văn tiến-sĩ triết-học bằng tiếng La-tinh, còn Karl Marx thì tuy viết luận-văn bằng tiếng Đức nhưng đã tham khảo sách vở bằng tiếng La-tinh và tiếng Hi-lạp. Các giáo-sĩ, cũng như các học-giả thời đó, ngoài tiếng nói nước mình còn biết tiếng La-tinh nữa. Cho nên khi viết sách và tự-vị bằng tiếng La-tinh, không phải chỉ là để cho người công-giáo, mà còn là để cho giới học-giả Âu-châu học biết ngôn-ngữ và văn-hóa Việt-Nam nữa. Có một điều mà có lẽ chưa ai để ý, là những người như Alexandre de Rhodes, Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá-Đa-Lộc) hay Jean-Louis Taberd, là những người nói tiếng Pháp, đều đã soạn tự-vị Việt-La-tinh, chứ không soạn tự-vị Việt-Pháp. Lý-do thật là đơn-giản : họ là người đi giảng đạo Thiên-Chúa, đi chia-sẻ niềm tin công-giáo, chứ không phải là người đi truyền-bá văn-hóa, chính-trị và học-thuật nước Pháp. Về sau này, khi người Pháp can-thiệp vào Việt-Nam và đặt nền thống-trị của họ trên đất nước ta, thì lúc đó mới thấy xuất-hiện nhiều tự-vị Việt-Pháp và Pháp-Việt.
Nếu ta bỏ hẳn phần tiếng La-tinh ra, thì tự-vị Taberd cũng vẫn còn là quan trọng, vì lẽ trong tự-vị vừa dùng chữ quốc-ngữ, vừa dùng chữ nôm. Chữ quốc-ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát-âm, còn chữ nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự-lập về văn-hóa đối với người Hán-tộc. Như vừa nói trên đây, các tự-vị chữ nôm ngày nay của ta cũng dùng hai thứ chữ viết như thế.
Chính vì ở phần dẫn-nhập và phần chỉ-dẫn trong Tự-vị, soạn-giả đã viết tới hơn bốn mươi trang lớn bằng tiếng La-tinh, là một cổ-ngữ mà ngày nay cả bên Âu-châu cũng ít người đọc được, cho nên thiết-tưởng cũng cần phải giải-thích tóm tắt nội-dung của các phần đó.
Sau đây xin có mấy lời về : 1- Thân thế và sự-nghiệp của soạn-giả ; 2- Nội-dung cuốn tự-vị ; 3- Tự-vị và nền quốc-học ; 4- Vấn-đề quốc-ngữ.
1- Thân-thế và sự-nghiệp của soạn-giả
Jean-Baptiste Louis TABERD (tên Việt là Từ) sinh tại Saint-Étienne, quận Loire (Pháp) ngày 18-6-1794, gia-nhập Hội Truyền-Giáo Nước Ngoài, trụ-sở tại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris), thụ phong linh-mục ngày 27-7-1817. Ngày 7-11-1820, rời Pháp, trên tàu Maison Saget, sang Việt-Nam truyền giáo. Vào những năm 1825, 1827, theo lệnh vua Minh-Mạng, các giáo-sĩ người Pháp bị đưa về Dinh Cung-Quán ở Huế quản-thúc, trong số này có linh-mục Taberd ; nhưng nhờ tổng-trấn Lê Văn Duyệt can-thiệp, nên linh-mục được tự-do lui về Saigon. Ngày 30-5-1830, tại Bangkok linh-mục Taberd được tấn-phong làm giám-mục, với hiệu tòa Isauropolis, và được lãnh trách-nhiệm coi sóc địa-phận Đàng Trong, nhưng vì hoàn-cảnh khó-khăn nên chỉ ở miền nam chứ không ra ngoài Huế được.
Giám-mục Taberd đang ở Thị-Nghè, thì lại bị vua Minh-Mạng ra dụ ngày 6-1-1833, triệu về Huế trình diện, nên cùng với ba giáo-sĩ Pháp và mười lăm chủng-sinh ở Lái-Thiêu trốn ra khỏi Thị-Nghè, qua ngả Châu-Đốc, Hà-Tiên, Campuchia, tới Chanthaburi ngày 21-3, rồi tới Bangkok sau hơn một tháng trời. Hành trình hết sức mệt nhọc.
Tại Bangkok nhà vua nước Xiêm (Thái-lan) muốn lợi-dụng và lôi-cuốn giám-mục về phía nước Xiêm để chống lại Việt-Nam, nhưng bị từ chối. Để khỏi vướng mắc về chính-trị, mùa hè năm 1834, giám-mục trốn xuống Penang, Singapore, rồi sang xứ Bengale bên Ấn-độ. Nhận thấy không thể trở lại Việt-Nam được, nên giám-mục Taberd đã xin Tòa Thánh bổ-nhiệm phó giám-mục ở Đàng Trong, để làm việc thay cho mình. Vì thế năm 1835, linh-mục Étienne Théodore Cuénot (tên Việt là Thể) được cử vào chức-vụ này. Năm 1838 giám-mục Taberd xin từ chức giám-mục Đàng Trong, và được cử làm giám-mục ở xứ Bengale. Cũng năm ấy ngài cho xuất-bản tại nhà in J. C. Marshman ở Serampore cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Anamitico-Latinum. Ngài mất tại Calcutta ngày 31-7-1840.
Cuốn tự-vị này được hoàn-thành, ít nhất đã có sự cộng tác của chủng-sinh Philiphê Phan Văn Minh, vì khi ông này còn đang học tại đại chủng-viện Penang, đã được giám-mục Taberd mời sang Calcutta để cộng-tác vào việc biên-soạn. Sau này Phan Văn Minh đã được thụ-phong linh-mục. Thực ra các soạn-giả đã dùng làm căn-bản bổ-sung khá rộng cuốn tự-vị chép tay Dictionarium anamitico-Latinum của giám-mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn.
Ngoài cuốn tự-vị nổi tiếng đó, giám-mục Taberd còn cho xuất-bản :
- Tabula geographica imperii annamitici, Bengale, 1838.
- Documenta rectae rationis, Pondichéry, 1838 (Sách này dùng vào việc huấn-luyện các chủng-sinh Việt-Nam và Trung-hoa. Sách được tái-bản lần thứ ba tại Hương-cảng năm 1914).
- Giáo-lý Đàng Trong, 1838. (Theo soạn-giả Trương Bá Cần dẫn chiếu cuốn Bibliotheca Missionum. Xin coi : Công giáo Đàng Trong thời giám-mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết, 1992, trang 40).
2- Nội-dung cuốn tự-vị
21- Phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn
Đáng chú ý là phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn, vì nó cho ta biết thêm về nguồn gốc cuốn tự-vị, lại cho ta thấy soạn-giả đã có hiểu biết nhiều về văn-học Việt-Nam, đồng thời cũng muốn thông những cái biết ấy cho người khác. Trong phần này số trang được ghi theo kiểu viết số Rô-ma. Trong số 46 trang thì trừ 8 trang viết bằng chữ quốc-ngữ ra, các trang khác đều viết bằng tiếng La-tinh cả.
Ngay trong phần dẫn-nhập (tr. I-II), soạn-giả cho biết cuốn tự-vị đã được khởi-công do giám-mục Bá-Đa-Lộc, tức Pierre Pigneaux de Béhaine, là người thạo tiếng Đàng Trong. Ta biết vị này còn thạo cả chữ Hán nữa, và còn soạn một cuốn tự-vị Hán-Việt-La-tinh, hơn 900 trang, được tàng-trữ trong văn-khố Hội Truyền-giáo Nước Ngoài tại Paris, và cũng mới do hội này rọi ảnh cho in ra vào cuối năm 2001[1], và cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (bản chữ nôm có bài tựa bằng chữ Hán, đã được in tại Quảng-đông [2] năm 1774, bản chữ quốc ngữ mẫu-tự La-tinh thì còn trong văn-khố nói trên). Qua bao nhiêu cuộc binh-đao, sau vụ nhà trường đào-tạo chủng sinh Việt-Nam ở Cà-mau bị đốt cháy năm 1778, bản chép tay đã được cứu thoát và đem sang Bengale rồi được tu-bổ và ấn-hành,
Mục-đích của người làm tự-vị này là để giúp cho những người muốn học tiếng Việt, như các nhà truyền-giáo ở Việt-Nam, các thương-gia, các khách du-lịch, các học-sinh Việt-Nam và các học-giả muốn tìm hiểu về văn-chương Việt-Nam.
Nhận xét thứ nhất của soạn-giả là ngôn ngữ nước ta do ngôn-ngữ Trung-hoa mà ra. Lý do là vì cách viết rất giống chữ Hán : một phần thì lấy lại đúng chữ Hán, một phần thì lấy từ chữ Hán mà chế-biến ra. Vì có những cái thay đổi như thế, cho nên người Tàu đọc chữ Việt (chữ nôm) không ra, mà người Việt nói thì họ không hiểu được. Tuy nhiên, soạn giả viết tiếp, chữ Hán được dùng bên Việt-Nam trong các bộ luật và trong các đơn-từ, ai muốn được bổ làm quan thì phải học chữ Hán. Vì thế họ có thể bút-đàm được với người Tàu. Nói tóm lại là người Việt dùng hai thứ ngôn-tự : tiếng nói hằng ngày của người dân và chữ Hán dùng trong giới nhà nho. Soạn-giả đưa ra nhiều ví-dụ để giải thích người Việt dùng chữ Hán, có lúc đổi hẳn nghĩa, có lúc thì đọc trại đi thành ra dăm ba từ ngữ khác. Như thế quả là soạn-giả đã khá hiểu tình trạng tiếng Việt.
Sau những nhận-xét chung, thì trình-bầy tiếng Việt. Bắt đầu là giảng về âm-học, thanh-học và văn-phạm Việt-Nam. Soạn-giả viết thật tỉ-mỉ về các chính-âm, các phụ-âm đầu và phụ-âm cuối, và về cả sáu thanh như tiếng Đàng Ngoài (tr.III-IX). Có điều đáng chú ý là soạn-giả có kể ra hai phụ-âm đầu là bl và ml, trước đây vẫn dùng cho đến đầu thế-kỷ XIX, nhưng trong chính tự-vị thì không dùng đến nữa, mà thay bằng hai phụ-âm tr và l. Còn về văn-phạm thì viết vắn tắt (trang IX-XII) và viết các phần đoạn theo như văn-phạm Âu-châu. Nhưng bù vào đó thì lại có hơn hai chục trang (XIII-XXXIX) về các phụ-từ đặc biệt Việt-Nam, dùng để viết cho câu văn thêm đẹp, hay nói cho đúng ra là để viết cho ra tiếng Việt.
Sau cùng thì có 8 trang (XXXIX-XLVI) dậy rất tỉ-mỉ về cách làm thơ : thơ lục bát, thơ Đường thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn, và về cách làm phú và làm văn tế, với các câu đối, biền ngẫu đúng phép. Những trang này thì viết bằng tiếng Việt, vì thực ra nếu không thông thạo tiếng Việt thì khó mà lãnh hội được. Tất cả đều có những bài mẫu được dịch ra tiếng La-tinh. Độc-giả có thể căn-cứ vào đó mà hiểu được những cái đặc-sắc tế-nhị của tiếng Việt.
22- Phần chính
Phần chính của cuốn tự-vị gồm 620 trang, mỗi trang chia ra làm 2 cột. Các chữ trong tự-vị được xếp theo thứ-tự A, B, C của mẫu-tự La-tinh, nhưng mỗi từ-ngữ đều được viết bằng chữ nôm trước, viết theo mẫu-tự La-tinh sau, rồi dịch nghĩa ra tiếng La-tinh. Tiếp sau đó thì chua thêm những kiểu nói bắt đầu bằng chữ đó. Cũng nên chú ý rằng các sách nôm của người công-giáo Việt-Nam trong gần bốn thế-kỷ, đều gọi chữ nôm là quốc-ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu-tự La-tinh là chữ quốc-ngữ.
Cứ theo lý mà xét, thì tự-vị này phải nặng về tiếng Đàng Trong, vì cả hai giám-mục Pigneau (Bá-Đa-Lộc) và Taberd đều đã hoạt-động ở Đàng Trong, và hơn nữa, cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774) viết theo mẫu-tự La-tinh của giám-mục Bá-Đa-Lộc cũng viết theo tiếng Đàng Trong, ví-dụ : nhơn, chứ không viết nhân. Tuy vậy tiếng Đàng Ngoài cũng xuất-hiện khá nhiều trong tự-vị đó, ví-dụ : được thay vì đặng, vào thay vì vô. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.
Ai muốn tra tự-vị theo kiểu Tàu, nghĩa là theo thứ-tự các bộ chữ và theo số nét viết, thì có thể tìm trong những trang 661-712. Đặc biệt nhất là trong những trang 713-719 có một bảng để chỉ cho biết những chữ Hán gồm nhiều bộ phức tạp thì phải tìm theo bộ nào.
Ngoài những từ-ngữ thông thường trong những trang trên đây, lại có 40 trang (621-660) dành cho những từ-ngữ chuyên-môn về thực-vật-học, về cây-cối, hoa quả, rau cỏ ở Đàng Trong (Hortus floridus Cocincinae). Như ta biết, phép phân-loại, dùng trong thực-vật-học, và sau này dùng trong động-vật-học, đã được định-hình do Carl von Linné (1707-1778), đặt tiêu- chuẩn khoa-học để thống-nhất cách chia loại trên loại dưới, chia hạng trên hạng dưới, đồng thời dùng tiếng La-tinh, chứ không dùng từ-ngữ thường-nhật của học-giả các nước khác nhau, để thống-nhất cách gọi tên các loại thảo-mộc. Cho nên chỉ có người am-tường khoa thực-vật-học mới biết nhiều tên bằng tiếng La-tinh như thế. Đây là một truyện tình-cờ : năm 1972 tôi có đưa một cây rau răm cho một giáo-sư đồng-nghiệp, người Bỉ, dạy thực-vật-học ở đại-học Kinshasa (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa-học ; sau khi khám nghiệm, ông ta xếp nó vào loại polygonaceae, và gọi tên nó là polygonum (verisimile) odoratum Loureiro ; bây giờ tra tự-vị Taberd, xuất-bản năm 1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum. Thế mới biết soạn-giả không phải là những người vô-học. Thiết tưởng các nhà thực-vật-học nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo-mộc bên ta và tên các vị thuốc bắc trong tự-vị đó với các tên dùng trong khoa-học ngày nay xem sao.
Sau cùng còn một phần phụ-lục dành cho những từ-ngữ Hán-Việt (chữ Hán đọc theo dọng Việt), vừa xếp theo thứ-tự của mẫu-tự La-tinh (trang 1-107), vừa xếp theo bộ chữ Hán (trang 108-126). Các trang, như ta thấy, được ghi lại từ 1 đến 126, như là một cuốn sách mới.
Như thế cũng đủ thấy là tự-vị Taberd thật là tiện lợi : tra cứu theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc-ngữ đều được dễ-dàng cả. Dĩ nhiên việc biên soạn này là một công trình rất có phương-pháp, và tốn nhiều công phu. Nếu không tha thiết với tiếng Việt, với chữ nôm, thì chắc không ai làm. Và hơn nữa, nếu không có nhiều người cùng làm chung thì không ai một mình mà làm nổi.
3- Tự-vị và nền quốc-học
31- Vấn-đề quốc-học.
Xét cho cùng thì có lẽ nền quốc-học của người Việt đã không phát-triển theo cùng một nhịp với truyền-thống quốc-gia và ý-thức dân-tộc.
Thực vậy, từ mấy nghìn năm nay, tổ-tiên người Việt đã có công-lao lập nên truyền-thống quốc-gia và gây-dựng ý-thức dân-tộc. Truyền-thống và ý-thức ấy thường đi đôi với nhau trong mối tình liên-đới và ý muốn đùm-bọc lấy nhau của người mình : ‘’bầu ơi thương lấy bí cùng ...’’. Thứ nhất là cùng nhau tranh-đấu với người ngoại-bang để dành lấy cho mình một lãnh-thổ làm đất sống. Thứ hai là thâu góp kỷ-niệm về những người đã có công bảo-vệ và bành-trướng non sông, rồi viết thành quốc-sử, có tính-cách thống-nhất và liên-tục trong thời-gian. Ba là nhìn nhận là của mình tất cả những gì có liên-quan đến môi-trường sinh-hoạt, như đất-đai, sông núi, thổ-sản, thành-quách, đền chùa, thần-linh và các nhân-vật có tiếng : cái ý-định ấy đưa tới việc biên-soạn những sách như Đại Nam Nhất Thống Chí, v.v. Bốn là nhận-định về lối tổ-chức đời sống chung, như hành-chính, tư-pháp, điển-lễ, phong-tục. Về điểm này ta không thiếu gì sách vở. Thiết tưởng ở đây cũng nên kể thêm cách-thức phân-phối ruộng đất và tài sản trong nước. Về thời trước thì có tất cả chừng 16.000 quyển địa-bạ mà học-giả Nguyễn Đình Đầu đang phiên-dịch, chú giải và đã bắt đầu cho xuất-bản. Xem vào đó ta thấy xưa kia ruộng đất đã được phân-loại và phân-phối như thế nào. Ngày nay cách-thức phân-phối tài-sản giữa các công-dân cũng lại là một tiêu-chuẩn để đánh giá mức-độ liên-đới giữa người trong một nước với nhau.
Nhìn vào quá-khứ, ai cũng phải nhận rằng người Việt quả thật là đã sớm có truyền-thống quốc-gia và ý-thức dân-tộc. Nhưng có một điều làm cho nhiều người thắc-mắc và bàn cãi, đó là cái nội-dung của văn-hóa dân-tộc, đó là câu hỏi : quốc-học là cái gì ? bốn nghìn năm văn-hiến là thế nào ?
Thực thế, sau khi tách rời ra khỏi đế-quốc Trung-hoa và định vị-trí mình ở phương nam, người Việt vẫn tiếp-tục dùng chữ Hán trong sách vở về đủ mọi ngành : hành-chính, tư-pháp, quốc-sử, địa-dư, điển-lễ, tế-tự. Ví-dụ, khi Phật-giáo truyền vào nước Tàu, thì kinh-điển, lễ-nghi đều chuyển sang chữ Hán cả ; trái lại, khi truyền vào Việt-Nam, thì không những Khổng-giáo, Đạo-giáo, mà cả Phật-giáo, trong suốt mươi mười lăm thế-kỷ, vẫn giữ kinh-điển và lễ-nghi bằng chữ Hán, mà không ai lấy làm lạ, tuy ai cũng biết rằng đọc lên thì người dân không hiểu. Mãi gần đây người ta mới bắt đầu phiên dịch và chú-giải bằng tiếng Việt. Thậm chí khi viết về những sự-kiện riêng của dân Việt, người ta cũng viết bằng chữ Hán và coi đó là lẽ đương-nhiên, ví-dụ như :Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái, v.v. Rồi chính cái ý-thức dân-tộc được Lý Thường Kiệt đưa ra chọi với quân nhà Tống, hình như cũng được tuyên-bố bằng chữ Hán : Nam quốc sơn hà nam đế cư ... Chẳng lẽ văn-hóa người Việt tất cả chỉ là học lại của người Tàu ? tất cả đều phải nói lên bằng tiếng Tàu mới được ?
32-Vấn-đề chữ nôm
Chắc hẳn là vì đã ý-thức được cái thiếu sót ấy cho nên trong nước độc lập thời nhà Trần, hay có lẽ còn sớm hơn nữa, đã có những nhà Nho nghĩ đến việc chế-biến chữ Hán để viết ra tiếng nói của người dân Việt : chữ nôm bắt đầu thành hình, và ngay thời đó đã có những văn-kiện như bài văn-tế cá sấu : ‘’Ngạc-ngư kia hỡi mày có hay...’’. Theo như sử-gia Ngô Sĩ Liên thì người ta bắt đầu làm thơ phú bằng tiếng Việt vào khoảng đầu thế-kỷ XIV. Văn chương chữ nôm không phải là không phong-phú, nhưng các nhà Nho vẫn tiếp-tục làm thơ văn bằng chữ Hán, nhà cầm quyền vẫn ra sắc-lệnh cai-trị dân bằng chữ Hán, viết quốc-sử bằng chữ Hán.
Thực ra ta khó tưởng-tượng ra cái khó khăn của ông cha ta khi đi tìm chữ viết cho dân-tộc. Cũng như người Nhật và người Cao-ly, người Việt dùng rất nhiều từ-ngữ Trung-hoa trong ngôn-ngữ của mình, có lẽ cũng tới ít là 50%, cho nên khó mà bỏ chữ Hán với lối viết tượng-hình đã quen. Tôi không rõ vì sao trong khi tìm chữ viết cho dân-tộc, người Nhật-bản và người Cao-ly đã căn-cứ vào các nét chữ Hán mà sáng chế ra lối viết theo như cách đọc, hoặc là viết thành vần, hoặc là viết thành âm, vừa đơn-giản, vừa đọc lên ngay được. Chính vì không có sáng-kiến như thế cho nên chữ nôm của ta vừa quá lệ-thuộc vào chữ Hán, lại vừa phiền phức hơn chữ Hán. Đã thế, khi dùng chữ Hán, có lúc lấy đúng nghĩa chữ, có lúc chỉ lấy cách đọc nhưng lại hiểu theo nghĩa khác, có lúc lại đọc trại ra làm dăm ba kiểu và hiểu ra dăm ba nghĩa. Giám-mục Taberd trong phần chỉ-dẫn cũng xác-nhận sự-kiện ấy, và có đưa ra ví-dụ chữ lận nghĩa là sẻn-so, mà ta có thể tùy câu văn mà đọc thêm ra nữa là lần, lấn, lẩn, lẫn ! Cho nên người ta có đọc ‘’lẫn’’ chữ nôm, thì cũng không có gì là khó hiểu.
Đứng trong hoàn-cảnh như thế, có những nhà Nho cho rằng ‘’nôm na là cha mách-qué’’. Xét một cách khách-quan, thì cách thức dùng và biến-đổi chữ Hán của người Việt, cũng không hơn không kém gì cách-thức của người Nhật, vì nhiều khi một chữ Hán mà họ đọc ra dăm ba kiểu tùy câu văn, lại đọc ra làm nhiều vần nữa. Chính vì những lý-do đó mà chữ viết của người Nhật và chữ nôm của ta rất khó học, khó hơn cả chữ Hán, Cho nên không dễ gì mà ấn-định cách viết chữ nôm cho có thống nhất, lại vì một lẽ nữa, là người viết chữ nôm thường căn cứ theo tiếng nói địa-phương của mình mà sáng chế (Xin xem Bảng tra chữ nôm thế kỷ 17, Chữ nôm sau thế-kỷ 17 và Bảng tra chữ nôm miền Nam của học giả Vũ Văn Kính). Nay ta dễ hiểu vì sao trong lúc người Tàu có tự-vị Khang-Hi, thì người Việt chưa làm ra được tự-vị chữ nôm, và có lẽ cũng ít người nghĩ đến việc vun-trồng cho tiếng Việt. Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều cũng nói khiêm tốn là để mua vui một vài trống canh mà thôi. Hơn nữa, sau này khi chữ quốc-ngữ được dùng thay chữ nôm thì xem chừng cũng ít ai thương tiếc nó.
33-Tự-vị tiếng Việt
Khi các giáo-sĩ Âu-châu vào Việt-Nam truyền giáo, thì họ có đem theo một số sách giáo-lý đã soạn bằng Hán-văn ở Trung-Quốc để cho các nho sĩ đọc. Nhưng họ đã học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt cho dân chúng. Có lẽ vì thế mà giới nho-sĩ cho rằng đó là tả-đạo, giảng cho ‘’ngu phu ngu phụ’’. Chữ nôm khó học, thì họ chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách-qué, như các nho-sĩ chỉ biết chịu phục có người Tàu. Họ thực biết tôn-trọng vốn liếng chữ nôm của ta cũng như họ đề cao kho tàng Hòa-văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn-nghiêm như tôn-giáo, họ đã dùng ngay chữ nôm (như trong các tác-phẩm của Girolamo Maiorica), và người công-giáo tiếp-tục viết, in và dùng sách chữ nôm cho đến giữa thế kỷ XX. Tuy vậy họ cũng tìm cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh để cho người Âu-châu học tiếng Việt cho dễ. Thứ chữ viết ấy được khánh-thành trong sách Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes cho in tại Roma năm 1651. Chính vì ý-thức được rằng ngôn-ngữ là kho-tàng quí-báu của văn-hóa dân Việt, và cũng chính vì muốn dùng tiếng Việt cho đúng nghĩa, cho đúng văn-pháp, cho nên ngay từ thế-kỷ XVII, từ A. de Rhodes trở đi, nhiều giáo-sĩ Âu-châu đã ra công làm tự-vị và viết về ngữ-học Việt-Nam.
Làm tự-vị tức là làm sổ tất cả các từ-ngữ được dùng trong một dân-tộc. Người ta thường căn-cứ vào sách vở của các nhà văn, căn-cứ vào cách ăn nói của người dân, để xác-định các ý-nghĩa khác nhau của từng từ-ngữ. Muốn cho tự-vị thành ra hữu-dụng, thì sau công việc thu-thập tài-liệu như thế, phải tìm ra cách-thức xếp đặt các từ-ngữ cho có thứ-tự, để ai nấy biết cách tra cứu. Các tự-vị do các giáo-sĩ Âu-châu biên soạn đều được xếp đặt theo thứ-tự của các mẫu-tự La-tinh, nhưng cũng có bảng xếp-đặt theo thứ-tự các bộ chữ Hán và theo số các nét chữ. Tự-vị Taberd cũng theo qui-tắc như thế, cho nên muốn tra-cứu chữ quốc-ngữ theo thứ-tự mẫu-tự La-tinh, hay là tra-cứu chữ nôm theo kiểu Tàu (theo bộ chữ và số nét chữ) cũng được cả.
Soạn-giả có thể giới-hạn tự-vị vào những từ-ngữ thông dụng mà thôi. Nhưng tự-vị cũng còn có thể bị giới-hạn, vì soạn-giả chưa sao-lục ra được hết mọi từ-ngữ, hết mọi cách viết chữ nôm đã dùng trong các sách nôm ở Việt-Nam, hay là chưa tìm ra được tất cả các ý-nghĩa của từ-ngữ. Cho nên những người đi sau thường lấy lại của người đi trước, và đôi khi cũng căn-cứ được vào các tác-phẩm đã có, để khám phá thêm được một ít từ-ngữ hay ý-nghĩa mới. Từ-ngữ được viết vào tự-vị tức là được công-nhận. Cũng như các tự-vị khác, tự-vị Taberd đã ghi lấy những từ-ngữ và những chữ viết (chữ nôm) đã dùng trong một thời-kỳ, trong một địa-phương nhất-định. Cái sở-trường và cái sở-đoản của nó là ở chỗ đó,
Xin đan-cử ra đây một vài ví-dụ, gọi là để đề-nghị một vài phương-hướng nghiên-cứu về chữ nôm công-giáo : a) có một số từ ngữ chuyên-môn của công-giáo, như :‘’dòng’’ (hội những người đi tu), ‘’rỗi’’ ( được cứu-độ, được sống muôn đời), ‘’kinh’’ (lời cầu-khấn, ‘’oratio’’,chứ không phải là ‘’sách’’, như thỉnh-thoảng có người hiểu lầm), b) có một số từ-ngữ chuyển-âm từ tiếng La-tinh hay Bồ-đào-nha, như : ‘’vít-vồ’’ (giám-mục, chuyển-âm từ tiếng Bồ-đào-nha ‘’bispo’’, chữ nôm thì dùng hai chữ Hán ‘’viết vô’’, nhưng phải đọc là ‘’vít-vồ’’), ‘’pha-pha’’ (vị giáo-tông ở Roma, cũng gọi là giáo-hoàng, La-tinh và Bồ-đào-nha là ‘’papa’’). c) có những chữ vẫn thông dụng, nhưng lại không có trong tự-vị như ‘’Giê-su’’ là tên vị giáo-tổ (Chữ Hán-Việt là ‘’Gia-tô’’, người Tàu đọc là ‘’Giê-xu’’ ; viết chữ nôm thì dùng hai chữ ‘’Chi-thu’’, nhưng phải đọc trại đi là ‘’Giê-su’’ thì mới là đúng, chứ không đọc là ‘’Chi-thu’’, như đôi khi có người đọc sai. d) có những chữ nôm mà soạn-giả chưa tìm ra tất cả các cách viết, như : chữ ‘’rỗi’’ (được cứu-độ, ‘’salus’’), thì soạn giả chỉ ghi cách viết chữ ‘’khẩu’’ bên trái chữ ‘’lỗi’’[3], chứ không ghi cách viết chữ ‘’sinh’’ bên trái chữ ‘’lỗi’’[4], v.v.
4- Vấn đề quốc ngữ
41- Trở lại vấn-đề chữ quốc-ngữ
Ai cũng biết rằng tiếng ta khác tiếng Tàu, và khi người xưa dùng hai chữ (nho !) ‘’quốc-âm’’, hay là ‘’quốc-ngữ’’[5] là có ý nói đó là tiếng ta chứ không phải là tiếng Tàu, nhưng lại là tiếng ta viết theo các bộ chữ Hán. Còn cách viết tiếng ta theo mẫu-tự La-tinh thì xưa không có tên gì đặc-biệt. Các giáo-sĩ tạo ra nó là tạo ra cho họ dùng, để họ ghi được lấy dọng nói của ta để học cho dễ, cũng như họ đã làm như thế với tiếng Tàu và tiếng Nhật. Nhưng đồng thời họ vẫn học cho kỳ được chữ Hán, chữ Nhật, chữ Nôm, khó mấy họ cũng chịu khó học. Chứ họ chẳng có quyền lực gì để thay đổi chữ viết của dân tộc nào cả ; họ cũng không hề có tham vọng thay đổi gì cả.
Ở nước ta, chữ Nôm và chữ viết theo mẫu-tự La-tinh đều là hai lối viết lên dọng nói của tiếng ta, vì thế cùng là viết quốc-ngữ cả. Nhưng chỉ vì một biến cố lịch-sử không có ở Tàu ở Nhật, mà tình-trạng thay đổi như ta thấy ngày nay. Số là sau khi chính phủ bảo-hộ và thuộc-địa bãi bỏ chữ Hán và lấy tiếng Pháp thay vào đó làm ngôn-ngữ hành-chính và văn-hóa, lấy ngôn-ngữ của người bảo-hộ mới để thay cho chữ viết của người đô-hộ cũ, thì chữ Hán không còn phải là con đường tiến-thân ở Việt-Nam nữa[6]. Chữ Nôm vì quá tùy-thuộc vào chữ Hán, lại trước đó cũng chẳng được trọng-dụng như chữ Hán, cho nên cũng theo đó mà lu mờ đi[7], cho nên chỉ còn có lối viết theo mẫu-tự La-tinh là được gọi là quốc-ngữ mà thôi. Đã thế vào đầu thế-kỷ XX lại có một số sĩ-phu có tên tuổi đứng ra cổ-võ cho chữ quốc-ngữ ấy, vì thấy nó tiện lợi và dễ học hơn chữ NômEight Ball. Và họ đã thành công. Ngày nay là gần một thế kỷ sau đó, chúng ta đã quá quen dùng chữ quốc-ngữ rồi, văn-chương của tiền-nhân hầu hết cũng đã chuyển sang chữ quốc-ngữ, rồi các sáng tác văn-học, khoa-học, thư-tín và giấy tờ hành-chính đều viết bằng chữ quốc-ngữ cả. Cho nên có lẽ không còn ai chủ-trương phải trở về chữ Nôm nữa : nó thật là thần-tình, nhưng vẫn còn nhiều khuyết-điểm và chưa được ấn-định cho chính-xác.
Thế nhưng vẫn có người muốn gây ra vấn-đề. Thực vậy, có một vài học-giả Việt-Nam đã tung ra quan-niệm là các giáo-sĩ Tây-phương đã dùng cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh, với dự-định đen tối là làm cho người Việt mất gốc (gốc Hán hay gốc Nôm ?) đi, để rồi truyền-giáo cho dễ[9]. Quan-niệm đó tuy không có bằng chứng gì cả, nhưng đã được một số người coi như là có uy-tín, cho nên chép lại mà không phê-bình thực hư. Thiết tưởng nếu ai biết đến tự-vị Taberd, tự-vị Huỳnh Tịnh Của, và các sách chữ nôm, chữ Hán của người công-giáo dùng từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế-kỷ XX (có hàng trăm cuốn như thế trong văn-khố Hội Truyền Giáo Nước Ngoài tại Paris, và trong các xứ đạo ở Việt-Nam), thì chắc sẽ ăn nói đắn-đo dè-dặt hơn. Ngoài ra thì ai cũng biết là việc truyền giáo được dễ-dàng hay là bị khó khăn thì là vì nhiều lý-do khác, chứ không phải là vì sách viết bằng chữ nôm hay là chữ quốc ngữ theo mẫu-tự La-tinh[10].
42- Giả-sử không có chữ quốc-ngữ
Vì không tránh được cái thắc mắc trên đây, cho nên ta cứ tạm giả-sử như là không có chữ quốc-ngữ, hay ít ra là giả-sử chữ quốc-ngữ không được chính-quyền nào chọn làm chữ viết chính-thức. Như thế chắc hẳn là tình-trạng văn-hóa nước ta phải khác bây giờ nhiều. Phải chăng như thế là có cơ-hội tiến-bộ hơn ? Hay là vẫn đứng ỳ lại như cũ ? Nhưng nếu cứ đứng ỳ lại như thế thì rất có thể là dần dần sẽ đi đến chỗ khủng hoảng, và cuối cùng thì phải quyết-định cho rõ một trong hai ngả : một là Hán-hoá người Việt, làm cho họ dần dần thành ra người Tàu, hai là cải-cách và ấn-định chữ Nôm làm chữ nước ta. Ngả trước thì chắc không ai muốn, mà ngả sau thì chưa ai làm.
Tiến-bộ hơn ? Chưa chắc ! Vì lấy động-lực nào mà tiến ? Và tiến theo hướng nào ? Tuy rằng ta nằm trong văn-hóa Tàu, và thường chỉ chịu phục có người Tàu đã đô-hộ mình trước, nhưng chỉ có một số tối thiểu là nhà Nho biết chữ Hán, lại cũng không có phương-tiện để trao đổi tư-tưởng rộng rãi với người Tàu người Nhật[11]. Với cái tầm mắt hạn hẹp như thế, vua tôi nhà Nguyễn lại còn tâng bốc nhau, cho rằng thơ chữ Hán của mình xướng họa với nhau trong lúc trà dư tửu hậu lại còn hay hơn cả thơ người Tàu[12]. Muốn Tàu hơn cả Tàu, trong khi người Tàu và người Nhật đang muốn canh-tân, phái người sang Tây để học lấy cái sở-trường của bên đó, trong khi những bản điều-trần của Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân nước nhà thì lại bị coi khinh.
Ở đây tôi chỉ muốn nói đến đề-nghị của Nguyễn Trường Tộ về chữ viết của nước ta. Lập-trường của ông được trình bày rõ ràng trong điều thứ 4, khoản thứ 5 của Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp), về việc dùng quốc-âm[13]. Có một điều đáng chú ý, mà sử gia Trương Bá Cần đã nêu lên, là : ‘’Nguyễn Trường Tộ là người công giáo. Ông thừa biết rằng chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La tinh, được sử dụng phổ biến trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18, là một mẫu tự đơn giản và dễ học hơn ‘’chữ Hán quốc âm’’ nhiều. Nhưng ông đã không đề nghị lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết cho cả nước. Có lẽ ông đã giải thích điều đó khi ông nói : ‘’Chả lẽ nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao ? Vì ta dùng chữ Nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt ’’. Nguyễn Trường Tộ cũng đã không nói gì đến chữ Nôm là một thứ Quốc âm được thành hình từ thời Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) thế kỷ thứ 8, và phát triển với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu ... Chữ Nôm cũng được sử dụng rộng rãi trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18 ...Chữ Nôm nói đúng ra cũng còn phức tạp’’[14].
Sau khi nêu ra cái tai hại của lối học khoa cử và lối văn chương chơi chữ[15], Nguyễn Trường Tộ đề nghị dùng ‘’chữ Hán quốc âm ‘’, đại khái như sau : ‘’ Tôi tính quốc âm ta ước chừng hơn một vạn tiếng, trong đó chỉ có lối ba ngàn tiếng không thể viết như chữ Hán. Trường hợp đó ta dùng những chữ Hán tương tự rồi thêm hiệp vần vào một bên mà thôi. Đó gọi là ‘’chữ Hán quốc âm’’ (...) Như vậy người học sau này chỉ học mặt chữ thôi, không phải tốn nhiều công phu học cái tiếng chẳng phải Hán chẳng phải ta’’[16]. Về cái tiện lợi của chữ Hán quốc âm, ông giải thích : ‘’Nay ta không có chữ viết riêng mà chỉ dùng chữ nho để viết thay. Về phát âm đã không theo đúng giọng Trung Quốc cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta. Người mới học phải thuộc mặt chữ bằng mắt lại phải vận dụng trí nhớ để nhớ những phát âm lạ tai. Âm vận của thứ chữ này chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe cũng như vịt nghe sấm mà thôi. Thế có phải phí hơn một nửa công phu trí óc không ? Nay nếu học sách quốc âm, học sinh ở nhà đọc đàn bà con nít nghe cũng hiểu, như vậy tuy không đi học mà cũng học được. Hơn nữa nếu dùng quốc âm thì lúc nhỏ đã có cha mẹ dạy, lớn lên đi học chỉ học nét viết mà thôi. Thế có phải giảm bớt được một nửa công phu không ?’’[17].
Đề nghị cụ thể của Nguyễn Trường Tộ là như sau : ‘’Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng...
Song Anh
#9 Posted : Sunday, April 30, 2006 8:56:06 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

TÌM HIỂU ĐỊA VỊ CHỮ NÔM
TRONG BUỔI TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN GIỮA ÂU VÀ Á THẾ KỶ XVII



Trong phạm vi văn hóa, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Âu và Á, giữa các nước Phương Tây và Việt Nam, đã được đánh dấu bằng một sự việc vẻ vang và có lợi cho cả đôi bên, nhất là cho Việt Nam chúng ta, đó là việc thành lập chữ quốc ngữ, hay Việt ngữ phiên âm. Người hoàn tất công cuộc latinh hóa Việt ngữ đó, người đã để lại tên mình trong những tác phẩm bất hủ, chính là giáo sĩ Đắc Lộ.
Nhưng người ta tự hỏi, chữ quốc ngữ có phải là một sự việc độc nhất ghi dấu cuộc tiếp xúc Au Việt, hay còn có một biến cố nào khác về văn hóa? Chúng tôi trả lời là có, và có trước cả việc phiên âm Việt ngữ. Biến cố này xảy ra thầm kín hơn, sâu sắc hơn, và cũng vì thế ít người để ý hơn. Có lẽ cũng vì thiếu tài liệu và khó khăn việc tìm tòi. Đó là điều chúng tôi đem trình bày cách thô thiển ở đây, trong bài nhan đề “Tìm hiểu địa vị chữ Nôm thế kỷ XVII”.
Địa vị chữ Nôm cho tới thế kỷ XVII
Người Việt Nam từ ban đầu hẳn đã có một tiếng nói riêng biệt hay tiếng Việt. Song còn về chữ viết thì chưa rõ. Có lẽ văn tự ấy đã phát hiện từ đời Sĩ Nhiếp, nhưng chắc chắn đã thành hình và sử dụng từ thời Hàn Thuyên (thế kỷ XIII). Tuy nhiên việc sử dụng ấy rất có giới hạn. Người thời ấy có quan niệm khinh tiếng mẹ đẻ, coi thường chữ viết hay chữ Nôm, nếu chúng tôi không lầm, thì tương tự như thái độ khinh thị và sao nhãng Việt ngữ của một số người thời đại chúng ta. Các sử gia và các tác giả đều đã nhận thấy sự kiện ấy. Chữ Nho hay Hán tự đã được dùng trong các học đường, trong các cơ quan hành chính, trong việc biên soạn sử địa, trong sự diễn đạt tư tưởng. Chữ Nôm thì giữ một địa vị bà con nghèo, để tiêu khiển trong vài ba câu thơ, ngâm nga mấy câu hát nói… “Nôm na mách qué” là thế, đến nỗi chữ “Nôm” trở nên gần như đồng nghĩa với “tầm thường”, “bình dân”, “thô thiển”, trái với tiếng “chữ” có nghĩa là “văn học”, “có học”, “thanh tao”. Một tỉ dụ không đúng, song rất gần như thái độ của chúng ta ngày nay, khi nói chuyện mà kèm thêm được vài ba chữ, vài ba câu Pháp ngữ, Anh ngữ. Nói nôm và nói chữ là thế.
Nhưng nếu có văn gia nào có thời giờ nhàn rỗi mà soạn một cái gì bằng chữ Nôm thì chỉ là những bài hát vần, thơ phú, chứ tuyệt nhiên không ai quan tâm soạn sách chữ nôm bằng văn xuôi. Phải chăng đây cũng là một trong những đặc điểm của nền văn chương Việt Nam cho tới thế kỷ XVII. Các thi văn, truyện ký, sử ký, địa chí đều viết bằng Hán văn, còn về Việt văn, chỉ toàn là vận văn. Tình trạng này thực ra còn kéo dài mãi đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nói tắt, người ta chưa có ý thức về địa vị của Việt ngữ trong việc giáo hóa và truyền đạt tư tưởng. Bởi thế, chữ Nôm văn xuôi chưa được một địa vị xứng đáng với văn tự của một nước có chủ quyền độc lập, một tiếng nói của mọi người dân Việt.
Chữ Nôm dưới mắt của giáo sĩ người Âu
Nói chung thì một người Âu thế kỷ XVII mới tiếp xúc với nước Việt Nam đều phải nhận thấy một sự việc phức tạp này: ngoài thứ chữ chính thức trong các trường học, các khoa thi, các giấy tờ, còn một thứ chữ tương tự (thực ra chỉ tương tự thôi) đó là chữ Nôm. Hơn thế nữa, nếu người Trung Hoa nói tiếng quan thoại và viết tiếng đó bằng “chữ nho” thì người Việt khi viết thì viết bằng Hán tự, còn khi nói thì nói bằng “chữ nôm”. Nhận xét trên biểu lộ một thái độ lệ thuộc văn tự khá tệ hại của các nhân sĩ thời xưa.
Giáo sĩ Borri đã so sánh việc dùng chữ Hán tại Việt Nam thế kỷ XVII tương tự như việc sử dụng tiếng latinh thời Trung cổ tại Âu Châu. Thời đó, La ngữ là tiếng của kẻ trí thức, tiếng chính thức dạy trong các học đường và là tiếng độc nhất, mặc dầu mỗi nước đã có một tiếng nói bản thổ, song chưa được chính thức gia nhập vào phạm vi học đường và tư tưởng, cho tới ngày tiếng bản thổ thay thế hẳn cho la ngữ, tiếng này trở về địa vị một tử ngữ chứ không còn là “sinh ngữ” độc tôn.
Theo Borri thì Hán tự gồm 80.000 chữ, mỗi chữ đều có một hình thức khác nhau, đến nỗi phải để ra 10 năm mới trông viết được đầy đủ, mà thực ra đã dễ đâu! Người Việt Nam đã rút bớt thứ chữ viết của họ, nghĩa là chữ nôm, nên chỉ còn chừng 3 ngàn chữ thôi 1. Trái lại người Nhật Bổn đã sáng chế ra một thứ mẫu tự gồm 48 chữ cái để có thể biên soạn những công việc thường nhật. Song chính người Nhật vẫn trọng dụng chữ Hán, đến nỗi người ta đã gọi thứ chữ vắn tắt này là chữ của đàn bà (Christophe Borri, Relation de la nouvelle mission des Pères de la Campagnie de Jésus au Royaume de Cochinchine, traduite de l’Italien, Lille, 1631, tr.69-74).
Nếu giáo sĩ Borri đã rõ ràng đề cập một cách sơ lược tới chữ nôm, thì không phải chúng ta sẽ hiểu là ngài đã học hay viết được thứ chữ khó khăn ấy. Thật vậy, trong đoàn giáo sĩ tiên khởi đến truyền bá Kitô giáo tại Việt Nam vào thế kỷ XVII, trừ một vị mà chúng tôi sẽ bàn giải sau, thì không một ai đã tỏ ra thông thạo chữ Nôm. Người có tên tuổi trong văn hóa Việt Nam, cha Đắc Lộ, không hề để lại một bút tích nào chứng thực ngài đã biết chữ nôm. Điều này có lẽ không có chi lạ: bởi vì chữ nôm là thứ chữ vừa thuộc loại tượng hình như chữ Hán, vừa thuộc loại tượng âm. Cho nên muốn biết chữ nôm, phải thông thạo Hán tự đã. Bởi vậy đối với các người ngoại quốc, có thể nói là một thành trì bít kín không thể xâm nhập đặng.
Đọc các tác phẩm của giáo sĩ Đắc Lộ chúng ta thấy rõ ngài không biết chữ nôm, cả đến chứ Hán nữa. Song không phải vì thế mà chữ nôm không có một địa vị quan trọng trong việc truyền bá Kitô giáo. Thật vậy, chúng ta thấy rằng những người cộng sự đầu tiên của giáo sĩ Đắc Lộ trong công việc này là những người Việt Nam có học, nghĩa là vừa thông thạo chữ Hán vừa thấu đáo chữ nôm. Những lời giáo huấn, những kinh sách ngài rao giảng được biên chép lại, dĩ nhiên bằng chữ nôm, trong khi đó chắc chắn là nhà truyền giáo của chúng ta đã ghi lại bằng thứ chữ latinh do các giáo sĩ khác khởi xướng và do chính ngài điều chỉnh và hoàn bị dần dần, với thời gian. Trong một bệnh viện, Simon đã chép các kinh sách (Rhodes, Histoire du Tunquin, tr.145); bà “chị nhà vua” đã làm thơ vịnh lại tất cả bộ sách giáo lý (sd, tr.174), bà Catarina, thầy Phanxicô, thầy Inhaxu cũng đã ghi lại các điều về đạo (sd, tr.190, 238); chính các giáo hữu cũng đã soạn một cuốn lịch các ngày lễ tôn giáo và đem in (sd 249), nhất là câu truyện các giáo đoàn miền Bắc đã gửi cho các giáo đoàn miền Nam một bộ gồm 20 cuốn sách các giáo sĩ miền Bắc đã soạn: dĩ nhiên bằng chữ nôm (Fr.Cardim, Relation, tr.108).
Trên con đường tìm tòi những tác phẩm chữ Nôm thế kỷ XVII
Như vậy, ngay từ thế kỷ XVII, với đoàn giáo sĩ tiên khởi, người ta hẳn đã thấy có những tác phẩm bằng chữ nôm. Bởi vì đi tới đâu, các ngài đã dùng ngay ngôn ngữ ở đấy để soạn các sách về tôn giáo, hoặc phiên dịch Kinh thánh cho người bản thổ đọc và học. Chữ quốc ngữ thời đó mới còn trong giai đoạn nghiên cứu, giai đoạn phôi thai, ở trong vòng sử dụng, hay đúng hơn thử nghiệm của một số giáo sĩ ngoại quốc và có lẽ cả một số những người Việt cộng tác mật thiết với các ngài. Có thể nói được rằng: chính cuốn sách quốc ngữ đầu tiên mà chúng ta ngày nay được biết, cuốn “Phép giảng tám ngày…” củ giáo sĩ Đắc Lộ in năm 1651, đã qua một giai đoạn chữ nôm trước khi được phát hành thành sách bằng quốc ngữ hay Việt ngữ phiên âm.
Vậy, những tác phẩm tôn giáo bằng chữ nôm tiên khởi ấy, nghĩa là trước sau hay đồng thời với niên hiệu 1651, có hay không, nếu có thì ai là tác giả và gồm những quyển nào?
Tác giả Thanh Lãng, trong cuốn “Biểu nhất lãm văn học cận đại”, Sài Gòn, năm 1958, đã có công cho độc giả hiểu biết thêm về văn chương Kitô giáo. Trong nhóm “nhà văn” này, người ta thấy giáo sĩ Đắc Lộ (thế kỷ XVII), thuỷ tổ chữ quốc ngữ, linh mục Philipphê Bỉnh (thế kỷ XVIII), nhà văn lưu lạc nơi quê người. Như vậy, hai thế kỷ XVII- XVIII, Kitô giáo chỉ để lại các tài liệu chữ quốc ngữ, còn chữ nôm thì tuyệt nhiên không có, hay chưa được tác giả bàn giải tới (Thanh Lãng, sd, tr.18-48)
Năm 1959, linh mục Nguyễn Hồng đã cho xuất bản bộ “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam”, trong đó tác giả đã dành một đoạn dài đề cập tới “các thừa sai dòng Tên với nền văn hóa Việt Nam”. Người ta chỉ nhận thấy giáo sĩ Đắc Lộ với chữ Việt phiên âm do ngài hoàn thành và một số mấy giáo sĩ khác đã lưu lại những tác phẩm thuộc phong hóa, lịch sử. Vấn đề các sách soạn bằng chữ nôm đã không được nghiên cứu tới. Người ta có cảm tưởng như hình ảnh quá “vĩ đại” của giáo sĩ Đắc Lộ đã choán hết sự chú ý của soạn giả. Thực ra, việc thành lập chữ quốc ngữ là một biến cố rất mực quan trọng cho tiền đồ văn học nước nhà, song không phải chỉ có những sự nghiệp về chữ Việt phiên âm trong thế kỷ XVII, mà còn có một nền văn hóa chữ nôm đáng cho ta chú ý tới nữa. Au cũng là một thiếu sót của bộ Lịch sử rất quý và rất công phu, bộ sử Kitô giáo thứ nhất viết cách khoa học và đầy đủ tài liệu, nhất là những tài liệu chưa bao giờ ấn hành (Nguyễn Hồng, sd. tr.286-288).
Những văn liệu chữ Nôm thế kỷ XVII hiện nay được tàng trữ tại Thư viện quốc gia Paris.
Năm 1951, trong khi sưu tầm những sách nói về vị truyền giáo thời danh tại Đông Nam Á, cha Schurhammer, người Đức đã giới thiệu với thế giới Công giáo một nhân vật người thành Napoli bên Ý, người đã giảng đạo tại Việt Nam cũng vào thời kỳ với cha Đắc Lộ. Đó là cha Girôlamô Majorica (1591-1656). Vị này 2 đã soạn nhiều sách tôn giáo bằng chữ nôm, trong đó có nhiều tích truyện thánh, sách giáo lý và tiểu sử Phanxicô Xavie. Những kết quả của việc khảo cứu này đã được đăng trên một tạp chí bằng tiếng Đức năm 1951 (Georg SCHURHAMMER, Annamitisch Xavierius Literatur đăng trong quyển Missionswissenschaftliche Studien, Anchen, 1951 tr.300-314).
Giáo sĩ Schurhammer trong khi kiểm điểm những văn liệu tại Bảo tàng viện của dòng Tên ở Rôma, mới chỉ biết trên giấy tờ về thân thế và sự nghiệp của Majorica, song thực ra chưa tìm ra chính những tác phẩm đó. Cũng như trong một tài liệu khác, người ta thấy rằng: khi mấy giáo sĩ đầu tiên thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc Paris đến Việt Nam, nghĩa là vào những năm sau năm 1660, các ngài đã vội vã thu được trên dưới 50 cuốn sách viết bằng chữ nôm và gởi ngay về Âu Châu, giữa làm tang vật và kỷ niệm. Cho nên với công cuộc của Schurhammer và tài liệu trên, người ta được biết chắc chắn đã có một số tác phẩm và đã có một tác giả soạn sách tôn giáo.
Có lẽ do một sự tình cờ, trong khi chú trọng nghiên cứu những tài liệu văn hóa cổ Việt Nam tại Âu Châu, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khám phá ra một số sách khá quan trọng bằng chữ nôm hiện lưu trữ tại thư viện quốc gia Paris. Bộ sách này đã do giáo sĩ Majorica dịch hay soạn. Như vậy, công việc của ông Hoàng Xuân Hãn đã đến xác nhận những tìm tòi của Schurhammer. Tất cả những tác phẩm này đều còn là bản thảo viết tay. Giáo sư đã tả lại như sau:
“Năm 1951, trong khi kê khai thư mục về những sách bằng chữ nôm lưu trữ tại Thư viện quốc gia Paris, tôi đã tìm ra một số bản thảo của nhà thừa sai đó (Girôlamô Majorica), còn nguyên từ thời tác giả. Tất cả đều xuất xứ từ một chủng viện Truyền giáo ngoại quốc, và đã được xếp vào ngăn Hán tự, nhất ngăn Fourmont. Hầu hết cùng một khổ chung (16*25) viết trên giấy gió, đóng theo sách nho, bìa bằng vỏ cây phết cậy. Màu bìa xam xám, mềm và dai. Chín cuốn trong bộ đó chắc chắn là của một người, bởi vì bia đều có dấu hiệu riêng là gấp làm ba mặt”.
Theo bài chính giáo sư đã cho đăng ở một tập san sử liệu (Hoàng Xuân Hãn, Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue vietnamienne conservées à la bibliothèque nationale de Paris, trong “Archivum Historicum Societatis Iesu”, vol XXII, 1953, tr.203-214) thì lỗi viết thảo cổ, thuộc thế kỷ XVII hay XVIII rất dễ đọc và nhiều khi rất đẹp. Trong nhiều quyển, người ta đọc tới tên người sao lại, tỉ như Vito Tri, một người khá quen biết trong hàng linh mục Việt Nam tiên khởi thế kỷ XVII. Tên tác giả cũng được biên bằng chữ nôm: “Chi-yo-ni-mo Mai-o-yi-ca” hoặc bằng chữ Roma” Jeronymo Mayorica”.
Giáo sĩ Mai Do (Majorica)
Giáo sĩ Mai Do, thuộc dòng Tên, sinh năm 1591, tại thành Napoli, nước Ý đại lợi. Gia nhập Dòng năm 1605, đến năm 1619 được cử sang An Độ. Cứ theo thủ tục thời đó, ngài qua Lisbon, thủ đô Bồ, rồi ở Goa hai năm. Vào năm 1623, ngài khởi hành đến Macao, với ý hướng tới truyền giáo tại Nhật. Song vì nước Nhật đang khủng bố Kitô giáo, cho nên ngừơi ta thấy ngài trở lại Macassar, rồi tới miền Nam nước Việt, chắc là tại Hội An. Sau 5 năm, nghĩa là năm 1629, ngài bị trục xuất, lúc đó ngài đã thông thạo Việt ngữ lắm. Trú ngụ tại đất Chàm, ngài bị tống lao và chỉ được cứu thoát là nhờ sự can thiệp của người Bồ: ngài trở về Macao.
Năm 1631 ngài ra Đàng Ngoài (Bắc) và truyền giáo tại đây nhiều năm. Giáo sĩ Đắc Lộ còn nói về hoạt động của ngài vào năm 1640 và sau đây sẽ thấy một cuốn sách của ngài với niên hiệu 1650.
Theo cha Schurhammer và ông Hoàng Xuân Hãn, thì ngài mất ngày 27 tháng 1 năm 1656. Một tài liệu khác còn cho biết là ngài chết tại thủ đô Hà Nội ngày nay.
Giáo sĩ Đắc Lộ có nhắc đến tên ngài: thực ra Mai Do là đồng sự cùng đi một chuyến tàu với Đắc Lộ từ Lisbon đến Goa (Đắc Lộ, Hành trình và truyền giáo tr.12-13). Ngài còn cho biết rằng: Mai Do đã làm việc truyền bá đạo trong một thời gian là 35 năm với những kết quả rất khả quan. Vẫn lời giáo sĩ Đắc Lộ nói về Mai Do:
“Mai Do người thợ đáng phục và không hề mệt nhọc, đã gửi thư cho tôi…” (Đắc Lộ, Hành trình và truyền giáo tr.114).
Về việc thông thạo tiếng Việt của Mai Do, giáo sĩ Đắc Lộ đã xác nhận trong một đoạn viết về ngài và cha Bernadino Regio, đồng sự và cộng tác với Mai Do:
“Cả hai, Girolamo Majorica và Bernadino Regio, cả hai đều là người Ý; Mai Do rất hiểu biết tiếng (Việt Nam) mà ngài đã học trong khi lưu lại Đàng Trong” (Đắc Lộ, Lịch sử Đàng Ngoài, tr.273).
Có lẽ ngài đã hoạt động tại vùng Nghệ An. Năm 1638, xảy ra vụ tranh chấp giữa giáo dân và các lái buôn người Tàu, kết quả giáo đường bị phá và một người Trung Hoa bị chết. Song nhà truyền giáo được trắng án.
Thời gian trôi và dưới triều Trịnh Trạng, giáo đoàn tương đối được tự do thi hành đạo. Năm 1640, Mai Do được cử làm trưởng đoàn truyền giáo Đàng Ngoài. Từ đó, trừ một vài biến cố nhỏ gây khó khăn cho việc giảng đạo, còn thì công việc tiến hành rất khả quan.
“Cái lợi của Mai Do, cũng như của đồng sự ngày xưa của ngài là giáo sĩ Đắc Lộ, đó là ngài rất thạo tiếng Việt. Người ta lấy làm lạ rằng chỉ có hai vị thừa sai này đã để lại những tác phẩm bằng tiếng Việt” (Hoàng Xuân Xãn, bài dẫn trên).
Song nếu cả hai cùng lưu lại cho hậu thế những bộ sách Việt ngữ thì người ta đã nhận thấy rằng: giáo sĩ Đắc Lộ để lại những tác phẩm bằng chữ in và bằng chữ quốc ngữ hay Việt ngữ phiên âm, còn Mai Do đã lưu lại những tác phẩm bằng chữ viết tay và chữ nôm. 3
Những tác phẩm chữ Nôm của Mai Do
Cứ theo sử sách còn ghi lại thì nếu đầy đủ, tác phẩm của Mai Do lên tới 48 cuốn. Chúng tôi không kê khai hết ở đây. Bài của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có chép lại rõ ràng và hoàn bị. Tác giả bài nói đây còn ghi chú rất tỉ mỉ tên từng cuốn, những tình trạng bản thảo hiện nay tại Thư viện, số cũ và mới của Thư viện, khổ sách số tờ, số cột của mỗi trang, lời phê phán và định đoạt về soạn giả, xuất xứ của bản thảo, rất tiện cho việc nghiên cứu sau này. Ở đây chúng tôi chỉ xin ghi lại tên mấy cuốn mà ông Hãn đã phân tích rất kỹ lưỡng.
7 cuốn sau đây đích thực của Mai Do
1.Thiên Chúa Thánh giáo Hối tội kinh 54 tờ, năm 1634
2.Thiên Chúa Thánh giáo khai mông, 80 tờ.
3.Đức Chúa Chi thu, 5 quyển, hơn 250 tờ.
4.Truyện Đức Chúa Chi thu, 38 tờ, vào năm 1668.
5.Thiên Chúa Thánh mẫu, 2 quyển, 56 tờ, năm 1634 theo Schurhammer, II, 91 tờ, vào năm 1635
6.Các thánh truyện, 2 quyển, I, 384 tờ; II 443 tờ “năm thứ hai Khánh Đức” là năm 1650.
7. Không có tên sách (song là một cuốn truyện các thánh, 61 tờ.
Những cuốn sau đây có thể là của Mai Do.
8. Ông thánh Inhaxu truyện, 56 tờ, vào năm 1634 hay 1646.
9. Ông thánh Phanchicô Xaviê truyện, 19 tờ, “ngày 12 tháng 7 năm thứ 4 triều Phúc thái”, hay năm 1646. Theo Sch. thì là năm 1638.
10. Ngắm lễ trong mùa Phục sinh đến tháng bảy, 100 tờ, năm 1634.
11. Những điều ngắm trong các ngày lễ trọng, 103 tờ, “tại làng Vu Duyệt, huyện Quỳnh Lưu”, Nghệ An.
12. Kính mừng lễ mùa Phục sinh, 55 tờ, làng Trinh Hà, Thanh Hóa.
Còn hai cuốn nữa theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cũng có thể là của Mai Do:
13. (Về phép Thánh Thể), 67 tờ.
14. Sách Kinh, 57 tờ, khổ 15*24.9 (theo bài dẫn của Hoàng Xuân Hãn tr.208-213).
Về thể văn, người ta nhận thấy một đường lối cổ của những người ngoại quốc, chưa hoàn toàn thâu thái Việt ngữ và những thừa sai viết theo tư tưởng và cách hành văn của người Au Châu, thứ văn “nhà thờ”, “cố đạo”.
Dẫu sao, theo Hoàng Xuân Hãn thì việc phiên những tác phẩm ấy sang Việt ngữ hay quốc ngữ là điều hữu ích. Bởi vì ngoài tất cả những chữ sai, những câu thất luật thường gặp nơi những người ngoại quốc chưa thấu đáo một ngôn ngữ, chúng ta sẽ nhận thấy những câu văn ngắn, khúc chiết báo hiệu những lối văn chịu ảnh hưởng của ngoại ngữ, nhất là Pháp ngữ ngày nay trong tiếng Việt. Hơn nữa, phiên âm những sách đó sẽ giúp ta khám phá nhiều từ ngữ cổ, ít hay không còn thông dụng nữa.
§
Để kết luận bài nhỏ mọn này, chúng tôi không thể không nhận ra giá trị của việc khám phá ra những tác phẩm chữ nôm của giáo sĩ Mai Do này. Ông Hoàng Xuân Hãn thật đã có công rất nhiều với nền văn hóa cổ Việt Nam. Hy vọng đây có lẽ mới chỉ là một phần nhỏ trong công cuộc tìm tòi mà ông đã theo đuổi trong nhiều năm lưu lại tại Au Châu. Chúng tôi được biết ông đã chuyên tâm nghiên cứu lâu năm trong hầu hết các Thư viện lớn tại Paris cũng như Roma hay Lisbon. Mong còn nhiều phát giác mới nữa sẽ được trình bày làm sáng tỏ kho tàng quý báu văn tự nước nhà.
Trở lại địa vị chữ Nôm trong giai đoạn này, chúng tôi thấy cả là một cuộc cách mạng. Nếu Hồ Quý Ly đã một phần nào thất bại trong việc tiến cử chữ nôm làm văn tự chính thức trong giới văn học và dân chính, nếu sau này, thế kỷ XVIII vua Tây Sơn Nguyễn Huệ mới chỉ khởi xướng và chưa kịp hoàn tất công cuộc dịch thuật các sách ra chữ nôm và dùng chữ này trong các khoa cử, thì ngay đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Âu, nhất là Mai Do người Ý đã thực hiện được cuộc cải cách lớn lao và bền bỉ. Đó là lấy ngôn ngữ, văn tự của người địa phương để giáo hóa người địa phương, dùng chữ nôm để truyền bá tôn giáo cho người Việt mà ngót 50 sách của Mai Do là một bằng chứng vĩ đại.
Nhưng nếu gọi việc sử dụng chữ nôm của Mai Do là một cuộc cải cách lớn lao trong nền văn hóa nước nhà, thì phải nói ngay đến việc sáng lập chữ quốc ngữ, cũng trong thế kỷ XVII là một cuộc cải cách lớn lao khác.
Như thế hai nhân vật, hai sự nghiệp phải nhắc nhở đến, trong giai đoạn chuyển hướng của văn học nước nhà, khi bước sang một thời đại mới, đó là giáo sĩ Mai Do với những tác phẩm viết tay bằng chữ nôm và giáo sĩ Đắc Lộ với những sách in bằng quốc ngữ.
Chú thích
(1) Cho tới nay, nếu chúng tôi không nhầm, thì kể là chưa có một công cuộc học hỏi, khảo cứu nào sâu rộng về chữ nôm. Hình như đã có một tư nhân hay một cơ quan nào đang soạn một cuốn từ điển chữ nôm (?). Số 3 ngàn chữ nôm kia có thể là đúng; còn 80 ngàn chữ Hán thì quá đáng; tự điển Khang Hy 1716 có 44.449 chữ và tự điển của Ting-Tu (1039) có 53.525 chữ.
(2) Chúng tôi tạm gọi cha Majorica là Mai Do cho tiện
(3) Năm 1658, Tissanier đặt chân lên đất Bắc và ngài đã thấy giáo đoàn không thiếu các sách về giáo lý, truyện thánh, tiểu sử Chúa Giêsu mà cha Mai Do đã soạn bằng tiếng Bắc.
Năm 1667 Đức cha Deydier còn nhắc tới hình ảnh của mấy giáo sĩ như Đắc Lộ, Dalmeras và Mai Do, vị sau này, trong khi lưu lại đất Bắc đã chép nhiều sách rất hữu ích (Hoàng Xuân Hãn, bài đã dẫn, tr.205, chú 9)

Nguyễn Khắc Xuyên



Trích từ :
http://www.dunglac.net/t...vantoan/quocngu-nom.htm













































Song Anh
#10 Posted : Sunday, May 14, 2006 6:23:23 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Tiếng Việt Dễ Mà Khó


Tiếng Việt vừa dễ vừa khó, đúng hơn, dễ mà lại khó. Dễ đến độ rất hiếm người Việt Nam nào cảm thấy có nhu cầu phải sắm một cuốn Từ Điển Tiếng Việt trong nhà. Dễ đến độ bất cứ người nào trưởng thành ở Việt Nam cũng đều có thể tưởng là mình thông thái, và nếu muốn, đều có thể trở thànhà nhà văn được.

Thế nhưng, chỉ cần, một lúc thảnh thơi nào đó, ngẫm nghĩ một chút về tiếng Việt, chúng ta bỗng thấy hình như không phải cái gì chúng ta cũng hiểu và có thể giải thích được.



Trước đây, có lần, đọc cuốn Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, một nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và văn hoá dân gian nổi tiếng ở trong nước, tới đoạn ông bàn về hai chữ "làm thinh", tôi ngỡ đã tìm thấy một phát hiện quan trọng. Theo Trần Quốc Vượng, "thinh" là thanh, âm thanh, hay là tiếng ồn. "Nín thinh" là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng "làm thinh" lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là... im lặng. Cũng giống như chữ "nín thinh". Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: "nín" và "làm" y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); "đánh bại" và "đánh thắng" y như nhau. Quả là một thứ tiếng "sắc sắc không không", nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay "huyền đồng", nói theo ngôn ngữ của Trang Tử. (1)



Thú thực, đọc những đoạn phân tích như thế, tôi cảm thấy mừng rỡ và thích thú vô hạn.



Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, đọc bài viết "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm" của Lê Trung Hoa, tôi lại bàng hoàng khám phá ra là chữ "làm thinh" thực chất chỉ là biến âm của chữ "hàm thinh" trong chữ Hán. "Hàm" có nghĩa là ngậm (như trong các từ: hàm ân, hàm oan, hàm tiếu, hàm huyết phún nhân...). "Hàm thinh" là ngậm âm thanh lại, không cho chúng phát ra, tức là không nói, tức là... im lặng. (2) Y như chữ "nín thinh". Nhưng sự giống nhau ở đây chỉ là sự giống nhau của hai từ đồng nghĩa, chứ chả có chút Phật tính hay Trang Tử tính gì trong đó cả.



Tôi mới biết là mình mừng hụt.



Một ví dụ khác: về hai chữ "vợ chồng".



Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ "vợ chồng" đại khái như sau: "Chồng" là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ "vợ"? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: "chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?" (tr. 40)



Đọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái "vai", người ta lại nói cái "bai"; thay vì nói đôi "vú", người ta lại nói đôi "bụ"; thay vì nói "vải", người ta lại nói "bải"; thay vì nói "vá" áo, người ta nói "bá" áo; thay vì nói "vả" (vào miệng) , người ta lại nói "bả" (vào miệng), v.v... Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ "vợ" là... bợ? "Vợ chồng" thực ra là "bợ chồng"?



Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ "bái" sang tiếng Việt thành "vái"; chữ "bản" sang tiếng Việt thành "vốn" và "ván"; chữ "bích" sang tiếng Việt thành "vách"; chữ "biên" sang tiếng Việt thành "viền"; chữ "bố" sang tiếng Việt thành "vải"; chữ "bút" sang tiếng Việt thành "viết"; chữ "bà phạn" sang tiếng Việt thành "và cơm", v.v...



Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Ấm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...



Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh). Đến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Điều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau. Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v... Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.(3) Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ Nhớn, Nhời, và Nhẽ. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói là lớn, lời và lẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.



Đặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ "vợ" trong "vợ chồng" là "bợ" rất có khả năng gần với sự thật. "Vợ chồng" như thế, thực chất là "bợ chồng". "Bợ": từ dưới nâng lên; "chồng": từ trên úp xuống. Danh từ "bợ chồng" diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?



Qua các trường hợp biến đổi từ "hàm thinh" thành "làm thinh" và từ "bợ chồng" thành "vợ chồng", chúng ta tiếp cận được một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm. Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu "long lanh" thành "nong nanh" hay "nôn nao" thành "lôn lao" như một số người ở một số địa phương nào đó. Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu "về" thành "dề" như ở miền Nam, hay "nhà" thành "dà" như ở một số làng huyện ở miền Trung, "trung trinh" thành "chung chinh" như ở miền Bắc. Điều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó. Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế. Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Đúng ra là "nguôi hoai". Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ "phân đã hoai". "Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau. Tương tự như vậy, chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt". "ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt". "Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt. Chữ "nói mớ" thật ra là biến âm của chữ "nói mơ", nói trong giấc mơ. "Nước miếng" thật ra là biến âm của "nước miệng", nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi. Chữ "to tát" hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TáT; nhưng trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TáC kết thúc bằng C: "to tác", kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác. Mà chúng ta đều biết chữ TáC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau. (4)



Các con số đếm, nơi rất cần sự chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm. Như số 1, chẳng hạn. Đứng một mình là một. Đứng trước các con số khác cũng là một. Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành "mốt": hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt. Những chữ "mốt" ấy chính là biến âm của "một". Nhưng không phải lúc nào "mốt" cũng có nghĩa là một: "Mốt" trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt... không phải là một. Con số 5 cũng vậy. Đứng một mình là năm. Đứng trước các số khác cũng là năm. Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành "lăm": mười lăm, hai mươi lăm... Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành hăm nhăm. Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành băm nhăm. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như hăm nhăm và băm nhăm. Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì "mười" biến thành "mươi": hai mươi, ba mươi, bốn mươi... Dấu huyền bị biến mất. Có điều, "mươi" không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười. Trong nhóm từ "mươi cái áo", chẳng hạn, "mươi" lớn hơn hoặc nhỏ hơn mười: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.



Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác. Như từ "không", chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói "không", mà cũng có thể nói "hông", nói "khổng", nói "hổng". Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ "không" ấy có thể có thêm một biến âm khác là "hôn": "nghe hôn?" Chưa hết. Một số âm vị trong cụm "nghe hôn" ấy bị nuốt đi; "nghe hôn" biến thành "nghen", rồi đến lượt nó, "nghen" lại biến thành "nghén" hay bị rút gọn lần nữa, thành "nhen", rồi "hen", rồi "hén", rồi "nhe", v.v...



Như vậy, biện pháp biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Đã có từ "vậy", chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: "vầy" (như vầy này!). Đã có từ "lui hui", người ta tạo thêm các chữ "lúi húi" rồi "lụi hụi". Đã có từ "chừ bự", người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Đã có "trật lất", người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt... (5) Đã có từ "ngoại" vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: "ngoài" để các quan hệ không gian cũng như thời gian và "ngoái" để chỉ quan hệ về thời gian: "năm ngoái".



Biện pháp biến âm như vậy đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt: hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, chẳng hạn: các chữ bớt và ngớt; đớp, tợp, hớp và đợp; bẹp, xẹp, lép, khép, nép và nẹp; khan, khàn và khản; xẻ, chẻ, bẻ và xé; xoăn, xoắn, quăn và quắn; tụt, rụt và thụt; véo, nhéo, và béo; v.v...



Các từ tương tự ấy có khi khác nhau về từ loại nhưng lại tương thông tương ứng với nhau về ý nghĩa, chẳng hạn: chúng ta có cái nẹp để kẹp, cái nêm để chêm, cái nan để đan, cái mõ để gõ, cái nệm để đệm, cái vú để bú; hoặc chúng ta cưa thì thành khứa, rung thì rụng, phân thì có từng phần, dựng thì đứng, thắt thì chặt, đập thì giập, dìm thì chìm, ép thì ẹp, dứt thì đứt, chia thì lìa, gạn thì cạn, v.v....



Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ "đút" trong một câu văn không có gì đặc biệt: "Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần..." Từ chữ "đút" ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ "rút": cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).

Điều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: "-ÚT". Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm "đ-" (đút) và một chữ bằng phụ âm "r-" (rút). Hơn nữa, cả từ "đút" lẫn từ "rút", tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. "Đút" cái gì vào túi hay "rút" cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.

Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần "-ÚT" khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. "Sút" là động tác đưa bóng vào lưới. "Hút" là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. "Mút" cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác "hút" ở chỗ vật thể được "mút" thường là cái gì đặc. "Trút" là đổ cái gì xuống. "Vút" là bay từ dưới lên trên. "Cút" là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. "Nút" hay "gút" là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau.



Thay dấu sắc (ÚT) bằng dấu nặng (ỤT), ý nghĩa chung ở trên vẫn không thay đổi. "Trụt" hay "tụt" là di chuyển từ trên xuống dưới. "Vụt" là di chuyển thật nhanh, thường là theo chiều ngang. "Lụt" là nước dâng lên quá một giới hạn không gian nào đó. "Cụt" là bị cắt ngang, không cho phát triển trong không gian. "Đụt" (mưa) là núp ở một không gian nào đó, nhỏ hơn, để tránh mưa ngoài trời. Vân vân.



Nếu những động từ có vần "-ÚT" thường ám chỉ việc di chuyển (hoặc việc ngăn chận quá trình di chuyển ấy) giữa hai không gian thì những động từ có vần "-UN" lại ám chỉ việc dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định nào đó, thường là có giới hạn. "ùn", "chùn", "dùn", hay "đùn" đều có nghĩa như thế. "Thun" hay "chun" cũng như thế, đều chỉ cái gì bị rút, bị co. "Cùn" là bẹt ra. "Hùn" là góp lại. "Vun" là gom vào. "Lún" hay "lụn" là bẹp xuống. Cả những chữ như "lùn" hay (cụt) "lủn", (ngắn) "ngủn", "lũn cũn"... cũng đều ám chỉ cái gì bị dồn nhỏ hay thu ngắn lại.



Với cách phân tích như vậy, nếu đọc thật kỹ và thật chậm các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung. Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm éT hay ẹT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng. "Kẹt" là mắc vào giữa hai vật gì; "chẹt" là bị cái gì ép lại. "Dẹt" là mỏng và phẳng; "tẹt" là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); "bét" là nát, dí sát xuống đất; "đét" là gầy, mỏng và lép. Những dộng từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: "chen", "chẹn", "chèn", "len", "men", "nghẽn", "nghẹn", "nén". Những từ láy có khuôn vần ỨC - ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như "tức tối", "bức bối", "bực bội", "nực nội", "nhức nhối", v.v...



Những ví dụ vừa nêu cho thấy hai điều quan trọng:



Thứ nhất, nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được. Điều này khiến cho không ai có thể an tâm là mình am tường tiếng Việt. Ngay cả những nhà văn hay nhà thơ thuộc loại lừng lẫy nhất vẫn luôn luôn có cảm tưởng ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn.



Thứ hai, vì có những quy luật, những điểm chung tiềm tàng giữa các chữ như vậy cho nên việc học tiếng Việt không quá khó khăn. Nói chung, người Việt Nam đều có khả năng đoán được ý nghĩa của phần lớn các chữ mới lạ họ gặp lần đầu. Lần đầu gặp chữ "thun lủn", chúng ta cũng hiểu ngay nó ám chỉ cái gì rất ngắn. Lý do là vì chúng ta liên tưởng ngay đến những chữ có vần "UN" vừa kể ở trên: cụt ngủn, ngắn ngủn, v.v... Lần đầu gặp chữ "dập dềnh", chúng ta cũng có thể đoán là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v...



Nói tiếng Việt vừa dễ vừa khó là vì thế.



Nguyễn Hưng Quốc



Chú thích:



1. Trần Quốc Vượng (1993), Trong Cõi, Garden Grove: Trăm Hoa, tr. 169.

2. Lê Trung Hoa, "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm", in trong cuốn Những vấn đề văn hoá, văn học và ngôn ngữ học (nhiều tác giả), nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1999: 211-225.

3. Xem bài "Vài chuyển biến trong phụ âm đầu tiếng Việt và các hiện tượng láy từ liên hệ" của Nguyễn Phú Phong trên Tập san Khoa Học Xã Hội (Paris) số 3 năm 1977, tr. 73-80.

4. Một số ví dụ trong đoạn này lấy từ bài viết của Lê Trung Hoa theo sách dẫn trên.

5. Biện pháp biến âm này đặc biệt thông dụng trong phương ngữ miền Nam. Có thể xem thêmcuốn Từ Điển Phương Ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái, Lê Văn Đức và Nguyễn Công Khai, nxb Thành Phố HCM, 1994.

Song Anh
#11 Posted : Sunday, May 14, 2006 6:29:53 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Tìm hiểu những yếu tố triết học (hay triết lý dân gian) trong tục ngữ Việt Nam


Tục ngữ và triết học là hai lĩnh vực, hai hiện tượng ý thức xã hội khác nhau. Tục ngữ thuộc lĩnh vực nghệ thuật, là một thể loại văn học dân gian (folklore), còn triết học thuộc lĩnh vực khoa học, là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận.

Tri thức của tục ngữ là tri thức dân gian, được rút ra trên cơ sở quan sát và miêu tả cái cụ thể, đó là những tri thức kinh nghiệm, những "lẽ phải thông thường". Còn triết học - triết học nào cũng đi xa hơn "lẽ phải thông thường là tri thức khoa học, là hệ thống những quan niệm, quan điểm về thế giới, là sự tổng hợp và khái quát ở mức độ chung nhất và cao nhất những quy luật vận động của tự nhiên, của xã hội, của con người, của tư duy. Tục ngữ là văn học dân gian nên tác giả của nó là tập thể, là quần chúng nhân dân, còn triết học là một môn khoa học nên tác già của một hệ thống hoặc một tác phẩm triết học bao giờ cũng là cá nhân - là những người hoạt động trí óc chuyên nghiệp, có khả năng tư duy lý luận và có năng lực khái quát cao. Xét về cội nguồn, về thời điểm ra đời tục ngữ cũng có trước triết học. Tục ngữ đã có từ trong xã hội nguyên thuỷ, nhưng trong xã hội nguyên thủy thì chưa thể có triết học, nhiều lắm là chỉ có những mầm mống của tư tưởng triết học, hay là tư duy tiền triết học phải đến thời đại văn minh, tức là khi xã hội đã phân chia giai cấp thì triết học thực sự mới có điều kiện ra đời, nghĩa là trình độ tư duy trừu tượng và các tri thức khoa học của con người đã phát triển đến mức đòi hỏi và có khả năng khái quát các tư tưởng triết học.

Tục ngữ tuy không phải là triết học nhưng về phương diện nào đó nó rất gần gũi với triết học. Tục ngữ được làm ra với mục đích triết lý, luôn luôn cố gắng phát hiện ra bản chất và tính quy luật của các sự vật và hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Do đó nhiều người gọi tục ngữ là "'triết lý dân gian", "triết học của nhân dân lao động". Điều đó được thể hiện ở chỗ trong nội dung tục ngữ có chứa đựng những yếu tố của tư tưởng triết học, nghĩa là những tư tưởng triết học không được thể hiện một cách đầy đủ và chặt chẽ như những quy luật, nguyên lý và mệnh đề triết học mà nó chỉ được thể hiện một phần nào đó và bằng cách nào đó trong nội dung của tục ngữ.

Về mặt thế giới quan, tục ngữ Việt Nam đã phản ánh những nhận thức có tính duy vật tự phát, thừa nhận sự tồn tại và vận động khách quan của thế giới không phụ thuộc vào con người: "Chạy trời không khỏi nắng", "Chạy mưa không khỏi trời", "trời", "nắng", "mưa" ở đây chính là hiện thực khách quan. Sự vật và hiện tượng khách quan tồn tại, vận động và phát triển theo quy luật vốn có của nó: “Trăng đến rằm thì tràng tròn, sao đến tối thì sao mọc", "Còn da lông bọc, còn chồi nẩy cây". Tư tưởng duy vật của nhân dân lao động còn được thể hiện ở thái độ phản đối những chuyện mê tín dị đoan và những người làm các nghề đó: "Thầy bói nói dựa", "Bói ra ma, quét nhà ra rác”.

Nhân dân lao động còn thể hiện tư tưởng duy vật của mình trong việc nhìn nhận và giải quyết các vấn đề về đời sống xã hội. Đó à một thứ chủ nghĩa duy vật trực quan, chất phác, ngây thơ, xuất phát từ kinh nghiệm. Quan điểm duy vật đó được thế hiện một cáchh đơn giản và sinh động: "Có thực mới vực được đạo”. "Thực" ở đây có thể là ăn, là lương thực, là kinh tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vận dụng trong những trường hợp cụ thể khác nhau. Nhưng dù sao, "thực" cũng là một cơ sở kinh tế, là đời sống vật chất là tồn tại xã hội, còn "đạo" nghĩa là sự nghiệp, là lý tưởng hoạt động thuộc lĩnh vực kiến trúc thượng tầng, là đời sống tinh thần, là ý thức xã hội. "Thực" vực "đạo", nghĩa là vật chất quyết định tinh thần, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.

Con người là chủ thể xã hội, nhưng cũng là một sinh vật. Đối với mọi sinh vật, ăn phải là nu cầu hàng đầu: "Mẻ không ăn cũng chết". Những con người thì không chỉ có ăn, mà sau ăn phải là mặc: "Được bụng no còn lo ấm cật". Và khi có ăn có mặc rồi thì con người không lo chết đói chết rét nữa: "Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”.

Nhưng muốn có ăn, có mặc thì phải lao động vì như Engen nói: "lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống con người". Vốn là những người lao động nên nhân dân ta rất coi trọng lao động và thấy rõ giá trị của lao động: “Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn”, “Có khó mới có miếng ăn”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”…

Nói đến xã hội, nói đến lao động thì phải nói đến chính bản thân con người, vì không có con người thì không có xã hội, không có lao động. Bởi vậy xưa nay triết học Đông Tây đều bàn về con người rất nhiều. Tục ngữ ta có câu; " Người ta là hoa đất” - một câu nói chỉ có năm từ thuần Việt mà thể hiện sâu sắc quan niệm cả về vũ trụ và nhân sinh, với một tư tưởng nhân văn cao đẹp.

Nói về con người và giá trị con người, tục ngữ ta thường so sánh người và của bao giờ cũng đặt người trên cao hơn rất nhiều: “Người làm ra của, của không làm ra người", "Một mặt người hơn mười mặt của”, “Người sống hơn đống vàng"… Đương nhiên, trên thực tế tuy cùng là "người" nhưng không phải ai cũng như ai, cũng như tuy cùng là "của" nhưng không phải cái gì cũng có hai trị như nhau, vì thế tục ngữ ta cũng có phân loại: “Người ba bẩy đảng, của ba bẩy loài”.

Đi đôi với tư tưởng duy vật tự phát, trong tục ngữ Việt Nam cũng chứa đựng rất nhiều những yếu tố của tư tưởng biện chứng. Đó là cách nhìn nhận các sự vật và hiện tượng không phải ở trạng thai đứng im, bất biến mà ở trong sự vận động, biến đổi và phát triển và luôn luôn liên hệ điều đó với đời sống con người: “Trời còn có khả năng khi mưa, ngày còn khi sớm khi trưa nữa người”, “Người có lúc vinh, lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong”, “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, “Hết cơn bĩ cực đến kỳ thái lai”, “Tre già măng mọc”, “Con chị nó đi, con dì nó lớn”…

Các sự vật và hiện tượng không tồn tại độc lập, tách rời nhau: mà giữa chúng có những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau với mức độ và phạm vi khác nhau tùy theo từng đối tượng cụ thể: "Mạ nhờ nước, nước nhờ mạ”, “Hồ cậy rừng, rừng cậy hồ”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Gần lửa rát mặt”, “Cháy thành vạ lây”, “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, “Thớt trên mòn, thớt dưới cũng mòn’, “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, “Cả nhà làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ”, “Lê tồn Trịnh, tại Lê bại Trịnh vong”…

Mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng được tục ngữ thể hiện khá phong phú và sinh động, tuy không phải dùng đến khái niệm “Chất, lượng, độ, thuộc tính” như triết học. Phân biệt chất khác nhau được tạo nên bởi những thuộc tính khác nhau: “Chẳng chua cũng thể là chanh, chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây”. Chất khác nhau tạo ra những giá trị khác nhau: “Trăng mờ còn tỏ hơn sao, dẫu rằng núi nở còn cao hơn đồi”. Không thể lấy lượng thay chất được dù rằng lượng đó gấp bao nhiêu lần: “Trăm đom đóm không bằng bó đuốc, trăm hòm chỉ chẳng đúc lên chuông”. Chất bao giờ cũng được coi trọng hơn lượng. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “Văn hay chẳng lọ dài dòng”… và rất nhiều câu diễn tả sự thay đổi về lượng khi “vượt độ” sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất: “Quá mù ra mưa”, “Tốt quá hoá lốp”, “Mèo già hoá cáo”, “Góp gió thành bão, góp cây nên rừng”… Đặc biệt có câu thể hiện sự chuyển hoá lẫn nhau giữa khái niệmlượng và khái niệm chất: ”Gò với núi cũng kể loài cao, bể với ao cũng kể loài thấp”.

Mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng được tục ngữ nói đến ở nhiều góc độ và mức độ khác nhau, rất thực tế và linh hoạt. Bản chất bao giờ cũng bộc lộ qua hiện tượng: "Người khôn dồn ra mặt", "Khôn ngoan hiện ra nét mặt, què quặt hiện ra chân tay". Có thể căn cứ vào hiện tượng đề kết luận về thực chất sự vật: "Nứa trôi sông chẳng giập thì gẫy, gái trồng rẫy chẳng chứng nọ cũng tật kia". Hiện lượng khác nhau nhưng bản chất chi là một: “Khác lọ cùng một nước". Cái bề ngoài thì dễ thấy nhưng cái bên trong thì khó mà thấy: "Họa hổ hoạ bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm". Phải cảnh giác với những hiện tượng xuyên tạc bản chất: "Thủ thỉ nhưng mà quỷ ma", "Tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi"...

Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả (gọi tắt là quan hệ nhân quả) cũng được thể hiện trong nhiều câu tục ngữ: "Không có lửa sao có khói", “Gieo gió gặt bão”, “Trèo cao ngã đau”, “Nguồn đục dòng cũng đục”, “Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dừng ai dễ đặt điều cho ai”…

Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong tục ngữ được thể hiện như là sự gắn bó và phân biệt giữa cá thể và và loài trong thế giới sinh vật: “Thân chim cũng như thân cò”, “Lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng”, “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật”…

Quan hệ mâu thuẫn trong tự nhiên và xã hội được trình bày như là “sự trái ngược” đơn thuần: “Được mùa cau, đau màu lúa”, “Được người mua, thua người bán’, “Được lòng ta xót xa lòng người”, “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”…

Bên cạnh những tư tưởng duy vật và tư tưởng biện chứng có tính chất trực quan đó, nhân dân lao động ngày xưa, do thế giới quan không thuần nhất, do trình độ nhận thức còn thấp kém và do bị áp bức nặng nề trong xã hội có giai cấp đối kháng nên không tránh khỏi những tư tưởng duy tâm và mê tín dị đoan. Tuy có nghi ngờ, không tin vào các loại "thầy" cụ thể làm nghề mê tín, nhưng họ lại tin vào thần thánh, vào vận hạn, vào tướng mạo và những dấu vết trên cơ thể con người, vào ngày giờ lành dữ, và nhất lả tin vào số mệnh (những câu tục ngữ nói về "số" cũng nhiều hơn về các thứ mê tín khác): "Đất có thổ công, sông có hà bá," "Trời cho hơn lo làm", "Một khoáy sống lâu, hai khoáy trọc đầu, ba khoáy chóng chết", "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba", "Từ sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên", "Trăm đường tránh chẳng khỏi số", "Tốt số hơn bố giầu', "Số giàu tay trắng cũng giàu, số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo"...

Những tư tưởng duy tâm, mê tín nói trên không những chi phối nặng nề đời sống của nhân dân lao động nước ta trong các xã hội trước đây, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận nhân dân trong xã hội ta ngày nay, đặc biệt là đối với lớp người làm nghề buôn bán và tầng lớp thanh niên gặp nhiều khó khăn, trắc trở về tình duyên, về công việc làm ăn... Đó cũng là điều khó tránh khỏi. Chi có sự phát triển của đời sống xã hội và kinh nghiệm thực tế của mỗi người mới có thể dần dần khắc phục và loại trừ những quan niệm sai lầm trong thế giới quan và nhân sinh quan.

Ý nghĩa triết học của kho tàng tục ngữ Việt Nam rất rộng lớn, phong phú, muôn hình, muôn vẻ. Đó là những di sản quý báu “Những viên ngọc quý” của đời sống tinh thần được coi như một trong những điểm tựa về tư tưởng truyền thống của dân tộc mà chúng ta cần và có thể chọn lọc, kế thừa và sử dụng trong cuộc sống mới hiện nay.

Vũ Hùng
Tạp chí Triết học 24/03/2006


Song Anh
#12 Posted : Monday, May 15, 2006 4:30:00 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Tương Tư trong Ca Dao Việt Nam

Kathy Trần

Tương tư là một trạng thái tâm hồn... cực kỳ kỳ cục.

Như mọi trạng thái... tâm thần khác, nó là hậu quả hay kết quả của một tình cảm bất thường, hào hứng và nguy hiểm nhất: Tình yêu!

Có yêu người ta mới tương tư!

Không yêu, người ta chẳng thèm dòm mặt, chẳng thèm để ý cho mệt.

Thêm một chi tiết nữa là người ta chỉ tương tư khi tình yêu chưa được thoả mãn, bị thiếu thốn rất nhiều hay hơn nữa: Bị từ chối.

Tương tư trở thành căn bệnh. Ðã là bệnh thì không kể già, trẻ, lớn bé, nam nữ hay đen trắng. Trái tim còn đập thình thịch trong ngực là người ta còn có thể mắc bệnh tương tư.

Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

*
Gặp mặt nhau, chưa biết nàng bằng lòng mình chưa, chàng cứ thấy trái tim mình thôi thúc, kêu réo ầm ỹ:

- Ðúng tần số rồi, đúng đối tượng rồi, yêu đi thôi! Yêu đi thôi!

Chàng làm sao được bây giờ ngoài việc làm cho sự thôi thúc trong lòng được đáp ứng.

Chàng tìm cách gần gũi người mơ, nói cho người ta biết rằng chàng đang yêu và tìm cách cho nàng yêu chàng.

Dịp may, gặp nàng bên đường trong một đêm trăng, chàng thủ thỉ hỏi han:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Từ ánh trăng vàng rực rỡ trên dòng sông, long lanh chiếu trong chiếc gầu sồng của nàng rồi hắt ra thành một giải luạ bạc trải dài trên đồng lúa cuả một đêm rằm, chàng về nhà, nhớ trăng, nhớ nước, nhớ người mà ngẩn ngơ tự hỏi:

Nước non một gánh chung tình.
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?

Riêng chàng, chàng nhớ lắm. Nhớ từ ánh trăng vàng mông mênh tới nụ cười e thẹn có đồng tiền trên má bởi vì đâu phải dễ tìm người trong mộng. Chàng đã đi hết lục tỉnh Nam Kỳ mới bắt gặp được người mơ:

Trên rừng có cây bông kiểng.
Dưới biển có cá hóa long.
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi lục tỉnh giáp vòng.
Tới đây trời khiến đem lòng thương em!

Chàng nhớ nhung lắm, chàng “thương” lắm và chàng cũng yêu lắm nhưng chàng chưa dám ngỏ lời:

Thò tay anh ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ!

Chàng chỉ dám hỏi bâng quơ để coi người ta có chịu trả lời mình không:

Lá này là lá soan đào
Tương tư gọi nó thế nào hỡi em?

Lỡ nhung nhớ, lỡ tương tư, bây giờ lại phải xa nhau, nỗi đau kể sao cho xiết:

Ðứt tay mấy chút chẳng đau.
Xa em một chút như dao cắt lòng.

Yêu nhau rồi, không thể nào chịu được chia xa, nó như dao cắt lòng chàng.

Chàng nhất định phải được cùng nàng gá nghiã. Dù cha mẹ rầy la, đánh mắng hay cùng lắm chàng đành xin chịu chết để được gần nàng:

Anh thương em trầu hết lá lươn.
Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay.
Dầu mà cha mẹ có hay.
Nhất đánh nhì đầy hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó em ơi.
Chết thì chịu chết.
Lìa đôi anh không lìa!

*
Nhớ nhung, thương nhớ làm chàng thức suốt đêm dài. Chàng tơ tưởng được thở than cùng nàng, được thề thốt một đời chung thủy. Chập chờn hết đêm, chàng giật mình tỉnh dậy, thấy mình vẫn một mình:

Bước sang canh một, anh thắp ngọn đèn vàng.
Chờ con bạn ngọc thở than đôi lời.
Canh hai vật đổi sao dời.
Tính sao nàng tính trọn đời thủy chung.
Canh ba cờ phất trống rung.
Mặc ai, ai thẳng ai dùn mặc ai.
Canh tư hạc đậu cành mai.
Sương sa lác đác khói bay mịt mờ
Canh chầy tơ tưởng, tưởng tơ.
Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.

Ðêm ngủ không yên, ngày tơ tưởng mặt mà lòng càng nặng chĩu mối sầu tương tư:
Chàng nhớ nàng lắm. Nơi nào đó, nàng đang ngồi bên song cửa, chàng muốn hỏi ai kia rằng lòng nàng có như tấm lòng chàng? Có thấy cô đơn, có cần người chia xẻ, có thắt thẻo đợi chờ ai::

Ngồi tựa song đào.
Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương?
Gió lạnh đêm trường.
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường chờ ai?

*

Chàng nặng lòng đến thế. Còn nàng, từ ngày ăn miếng trầu cay cũng đâm ra thờ thẫn, nhớ nhớ, quên quên.

Từ ngày ăn phải miếng trầu.
Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
Biết là thuốc dấu, bùa yêu.
Làm cho khúc mắc nhiều điều xót xa,
Làm cho quên mẹ quên cha.
Làm cho quên cả đường ra lối vào.
Làm cho quên cá dưới ao.
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời

Chàng tương tư ai đó thì cũng có người đang nhớ nhớ, thương thương ai. Ðể che dấu những tình cảm của mình, người ta đã phải dối mẹ, dối cha:

Thương nhau cởi áo cho nhau.
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Tại mẹ may áo rộng tay.
Con quen gió mát, áo bay mất rồi.

Cảnh vật quen thuộc, yêu dấu chung quanh, đâu đâu cũng là bóng hình ai:

Qua đình ngả nón trông đình.
Ðình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu.

Khi trang điểm, lúc đứng ngồi, lòng càng xót xa thương nhớ:

Cầm lược thì nhớ đến gương.
Ôm chăn nhớ chiếu, nằm giường nhớ …ai?

Nhớ thương làm người ta ngủ không yên, ăn không được, quay quắt nhớ miếng trầu ngày nào:

Một thương hai nhớ ba sầu.
Cơm ăn chẳng được ăn trầu cầm hơi.

Chiếc khăn, ánh đèn, đôi mắt cũng hùa nhau mà... nhớ thương mãi người nào đó:

Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai, khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai, khăn chùi nước mắt?
Khăn thương nhớ ai, khăn giặt để vai?
Ðèn thương nhớ ai mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai mắt ngủ chẳng yên?

Lễ giáo bắt người con gái phải kín đáo, phải thụ động nên tình yêu càng lắng đọng, nỗi tương tư càng chua xót vì không dám cùng ai chia xẻ, tỏ bày:

Anh buồn có chốn thở than.
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya!

Nàng ngắm gió, nhìn mây, thấy mình không được như con chim, con cá. Nàng trông ngóng mãi một bóng hình:

Con chim buồn, con chim bay về cội
Con cá buồn, con cá lội trong sông
Em buồn, em đứng em trông
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!

Trông gần rồi lại ngó xa mà bóng hình ai vẫn biền biệt:

Ngày ngày em đứng em trông.
Trông non, non ngất.
Trông sông, sông dài.
Trông mây, mây kéo ngang trời.
Trông trăng, trăng khuyết.
Trông người, người xa…”

Trời, mây, non nước vẫn chỉ mãi một mầu nhạt nhoà cho trăng cô đơn , cho hoa buồn bã:

Vì mây cho núi lên trời.
Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng
Vì sương cho núi bạc đầu.
Vì cơn gió mạnh cho rầu rĩ hoa
Vì mây cho núi lên cao.
Mây còn mờ mịt, núi nhòa mờ xanh.

Bao lâu nữa nàng sẽ cô dơn, sẽ bạc đầu như ngọn núi dưới sương tuyết, thời gian?

Non xanh bao tuổi non già?
Vì chưng sương tuyết hóa ra bạc đầu?

*
Tương tư vì xa cách hay không được đáp ứng để mình mãi bâng khuâng nhưng không đau đớn, đắng cay bằng bị phụ tình:

Lá khoai anh ngỡ lá sen
Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu!

Người yêu đã một thời thề thốt nay ngoảnh mặt, quay lưng để chàng tiếc công yêu đương, thương nhớ:

Cầm vàng mà lội qua sông.
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng!

Người ta phụ mình chỉ vì cái nghèo đeo đuổi Vậy mà ngày xưa đó có người đã hẹn biển, thề non. Chàng tiếc cho một mối tình và cũng tiếc cho một lần lầm lỡ tin yêu:

Ai phụ tôi đất trời chứng giám
Phận tôi nghèo đâu dám phụ ai
Tưởng giếng sâu tôi nới sợi dây dài
Ngờ đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây!

Biết người ta phụ bạc rồi, sao lòng mình cứ xót xa, tiếc nuối rồi mãi ước ao, năn nỉ:

Ðờn cò lên trục kêu vang
Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng
Muốn cho đây đấy đạo đồng
Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương.

Không, con người mình đêm ngày nhớ thương, muốn cả đời gắn bó đã nhất định làm con chim hót mãi trong lồng!

Nhưng... ước chi, một ngày nào đó, con chim sẽ xổ lồng bay cao:

Chim khôn mắc phải lưới hồng
Hễ ai gỡ được đền công lạng vàng
Anh rằng anh chẳng lấy vàng
Hễ anh gỡ được thì nàng lấy anh.

Chàng đã yêu, chàng đã đau đớn vì yêu. Nàng có hay cho mối tình chung thủy, gắn bó một đời cuả chàng hay nàng nhất định chia tay, theo chồng xa xứ, để lại mọât người khóc nhớ, khóc đau:

Dế kêu dưới đống phân rơm
Tui xa người nghĩa bưng chén cơm khóc ròng.

Chàng sẽ ngày ngày tương tư người phụ ngãi mà tự hỏi và mãi trách người ra đi:

Chồng gần không lấy
Bậu lấy chồng xa
Mai sau cha yếu, mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, kỷ trà ai dưng?

Nếu chẳng phải tự nàng phụ bạc mà tại mẹ cha rẽ thúy chia uyên thì niềm cay đắng lại thêm nhiều phần chua xót, tủi nhục:

Tiếc thay bác mẹ nhà nàng
Cầm cân không biết là vàng hay thau
Thật vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng!!!”
Nỗi đau này ai thấu cho chàng?

Có chăng là những người cùng cảnh đã lỡ một chuyến đò tình để mắc bệnh tương tư?

San Jose, 05/ 2006
Song Anh
#13 Posted : Tuesday, May 16, 2006 6:16:49 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Ngẫm nghĩ ngạn ngữ

Nói đến văn hoá dân gian, người ta thường nhắc tới các nhân tố của nó như ca dao, truyện cổ, dân ca, cách làm nghề thủ công, kiến trúc nhà ở... mà ít khi nhắc tới ngạn ngữ. Thậm chí trong văn học dân gian người ta cũng ít nhắc tới ngạn ngữ. Kỳ thực ngạn ngữ lại là kho "trí tuệ nhân dân", như nghĩa gốc của từ folklore mà các nhà nghiên cứu ngày nay hay dùng để chỉ văn hoá dân gian. Ngạn ngữ hay tục ngữ là văn chương mà không hẳn là văn chương, là tri thức mà không hoàn toàn là tri thức.
Nó là đúc kết kinh nghiệm về tự nhiên và xã hội, trong ứng xử của con người đối với tự nhiên, đối với con người. Vì truyền miệng nên nó phải rất gọn, rất cô đúc, trong một câu ngắn, thường có vần lưng để dễ thuộc, dễ đọc. Nhưng cũng có khi ngạn ngữ trải thành một câu lục bát, như câu lục bát sau đây:

Cây cao thì gió lọc lừa
Chi bằng cây thấp gió đưa dịu dàng


Tục ngữ đã mượn hình ảnh cây mà chính là để nói người, địa vị của con người. Như câu trên, nếu không tỉnh táo, rất dễ lầm với ca dao là loại bộc lộ tâm tình, tình cảm (như "Ta nhớ mình", "mình quên ta..."). Thực ra, nhận diện tục ngữ hay ngạn ngữ không quá khó, và tiêu chí nó chính là đúc kết của những kinh nghiệm.
Nhưng ngạn ngữ cũng không quá "thật thà", nhất là trên lĩnh vực xã hội.
Chẳng hạn câu: "Con gái còn son không bằng tô don Vạn Tượng".
Có người thắc mắc: Sao lại đem so sánh con người với một tô don? Đừng quên rằng ngạn ngữ cũng có "quyền" nói kiểu thậm xưng, nói nhấn. Nếu không nói nhấn ắt ấn tượng sẽ kém đi.
Như câu trên, so sánh mà không so sánh. Ta có thể hình dung như một ai đó vừa xơi xong một tô don, còn hít hà vì vị cay của ớt, vị ngọt của don mà buộc miệng. Một câu dân gian khác cũng ở trạng thái rất "đã" như thế:

Nghèo nghèo nợ nợ
Cũng kiếm cho được con vợ bán don
Mai sau nó chết cũng còn cặp ui!


Có bao nhiêu quan hệ xã hội thì hình như cũng có bấy nhiêu ngạn ngữ. Chẳng hạn như quan hệ mẹ ghẻ - con chồng:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.


Chẳng hạn như đặc tính của quan:

Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma...
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn như là trẻ con...


Nói về nỗi khổ của người làm thuê thì có câu

"Một vũng trâu nằm hơn năm làm mướn",

Nói về đặc tính các địa phương thì có câu

"Quảng Ngãi đãi ra sạn",
"Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết"...


Một khối lượng lớn ngạn ngữ nói về tự nhiên và mối quan hệ với tự nhiên, và rõ ràng với tự nhiên, con người có "hiền" hơn, thật thà hơn. Một thứ dự báo thời tiết như "Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa", "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm" vẫn đúng cho mọi thời. Nhiều câu ngạn ngữ khác cụ thể hơn về một địa phương nào đó. Chẳng hạn như các câu:

Đồng Thi Phổ thổ Ba Tơ
Cây Động Lá cá Suối Răn


Một số câu ngạn ngữ không hẳn là tự nhiên, cũng không hẳn xã hội, lại rất thú vị khi nó nói toác ra được nét tâm lý của con người. Chẳng hạn như các câu:

Gái yêu bằng tai trai yêu bằng mắt;
Gái một con trông mòn con mắt;
Cây suông ba nhánh cũng suông;
Gái khôn trai dễ lâu buồn cũng xiêu;
Nhất chặt tre nhì ve gái;
Nhất lé nhì lùn;
Mũi diều hâu cái đầu lộn cứt;
Những người con mắt lá răm / Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.


Tất nhiên, những đúc kết mang tính "Nhân tướng học" như trên cũng cần phải xem lại ở tính khoa học của nó.
Ngạn ngữ là văn chương nhưng không hẳn là văn chương. Nó nằm trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Giả dụ một mai, con người chế tạo ra cái máy nào đó nói thay cho con người, con người chỉ việc ngồi chơi và yên lặng, thì lúc đó mới hết... ngạn ngữ. Đâu phải chỉ có những câu ngạn ngữ xưa truyền lại, thời bao cấp có rất nhiều ngạn ngữ mới xuất hiện, phản ánh rất nhiều mặt của xã hội mà sau đây chỉ xin trích một ít:

Nhất cự ly nhì cường độ;
Yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu;
Tiền quý, quỳ tiến;
Thủ kho to hơn thủ trưởng;
Vào nhà thủ trưởng tưởng cái kho;
Dốt chuyên tu ngu tại chức...


Có lẽ không chỉ riêng các nhà "hàn lâm học sĩ", các nhà lãnh đạo, quản lý cũng nên nghiên cứu về ngạn ngữ.

Q.N



Song Anh
#14 Posted : Thursday, May 18, 2006 9:00:39 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18



Tâm là con nuôi, Lòng là con đẻ

Suốt hai ngàn năm người Việt đã cho chữ Tâm vào lòng tiếng Việt như thế nào?

[Tâm huyết, tâm hồn, tâm linh, tâm thư, tâm tình, tâm tính, tâm địa, tâm trạng, tâm tư

tâm thần, tâm lý, tâm niệm, tâm giao, tâm đầu ý hiệp / quyết tâm, vô tâm, đồng tâm,

lưu tâm, tận tâm, ác tâm, thiện tâm, thâm tâm, tiểu tâm...] [mượn xài chừng 25 chữ,] trong khi đó, vẫn nói # 250 cách khác nhau với chữ lòng, rứt ruột đẻ ra!



Qua 2000 năm, con số tiếng đôi ghép với tâm chỉ bằng 10 % ghép với chữ lòng, kể cũng lạ, vì nhiều người cứ la hoảng là có quá nhiều tiếng Tàu trong tiếng Việt! nhưng khi hỏi là bao nhiêu % thì không ai biết cả, người thì nói 30%, người thì nói 50%, thử hỏi, đã có ai đếm xem có cả thảy bao nhiêu tiếng Việt gốc và mượn của Tàu bao nhiêu tiếng Tàu gốc thì họ cũng không biết, rồi lại hỏi vậy chứ tiếng Tàu có bao nhiêu chữ gốc cái đã, và người Việt đã mượn bao nhiêu % của tiếng Tàu đó ? thì họ cũng không biết luôn thành thử ông nói gà bà nói vịt, chỉ là đoán mò mà không chịu đếm cho chắc, vì ngôn ngữ cũng là một khoa học mà không khoa học nào qua mặt được sự đếm cái gì mình muốn. Một tiếng cũng như một đơn vị ngôn ngữ , sao lại chẳng đếm được rồi từ đó mới có thể nói có sách mách có chứng được chớ!



Bao nhiêu tiếng ghép với lòng trong tiếng Việt ? xin đừng đoán , ta hãy đếm xem:


an lòng, ấm lòng, ép lòng, ức lòng, ướm lòng, ưng lòng, yếu lòng [7]

bạc lòng, bằng lòng, bấn lòng, bận lòng, bên lòng, bền lòng, biển lòng, bão lòng, buộc lòng, buồn lòng, buông lòng, bực lòng [11]

cách lòng, cam lòng, cảm lòng, cầm lòng, có lòng, cực lòng [6]

chạnh lòng, chao lòng, chiều lòng, chịu lòng, chung lòng, chuyển lòng, chuyện lòng, chút lòng Eight Ball

dằn lòng, dặn lòng, dâng lòng, dọn lòng, dốc lòng, dối lòng, dứt lòng [6]

đành lòng, đau lòng, đáy lòng, đặt lòng, đầu lòng, đem lòng, đẹp lòng, để lòng, định lòng, đo lòng, đoạn lòng, đói lòng, đổi lòng, đồng lòng, động lòng, được lòng [16]

ghi lòng, gởi lòng, gợi lòng, gượng lòng [4]

giàu lòng, giận lòng, giục lòng, giữ lòng

hả lòng, hai lòng, hài lòng, hẹn lòng, hẹp lòng, hỏi lòng, hổ lòng, hồi lòng, hợp lòng, hứng lòng, hương lòng [11]

kềm lòng [1]

khó lòng, khổ lòng, khơi lòng, khứng lòng [4]

lạc lòng, lạnh lòng, lấy lòng, lót lòng, lợn lòng, lửa lòng [6]

mảnh lòng, mát lòng, mặc lòng, mếch lòng, mềm lòng, mất lòng, mệt lòng, một lòng, mở lòng, muỉ lòng, muôn lòng [11]

não lòng, nao lòng, nát lòng, nặng lòng, nằm lòng, nén lòng, nẻo lòng, nể lòng, no lòng, nóng lòng, nỗi lòng, nới lòng, nở lòng, nung lòng, nửa lòng, nuối lòng, nức lòng

[17]

nhắn lòng, nhẫn lòng, nhẹ lòng, nhiều lòng, nhọc lòng, nhủ lòng, nhụt lòng [7]

ngã lòng, ngay lòng, ngầm lòng, ngẫm lòng, nghẹn lòng, nghĩ lòng, nghịch lòng, nghiêng lòng, ngỏ lòng, ngỡ lòng, nguyền lòng, nguyện lòng, nguôi lòng, nguội lòng,

ngược lòng, ngượng lòng [16]

phải lòng, phát lòng, phật lòng, phỉ lòng, phiền lòng, phím lòng, phụ lòng[7]

quyết lòng! [1]

rắp lòng, rầu lòng, riêng lòng[lòng riêng], rối lòng, rộn lòng, rộng lòng, rốt lòng,

ru lòng, rủ lòng [10]

sẵn lòng, sầu lòng, se lòng, sinh lòng, sóng lòng, sổ lòng, sờn lòng, sướng lòng Eight Ball

tạ lòng, tấc lòng, tận lòng, tấm lòng, tê tái lòng, tiếng lòng, toại lòng, toan lòng,

tỏ lòng , tơ lòng, tủi lòng, tự lòng [12]

thay lòng, thẳng lòng, thật lòng[thiệt lòng, thực lòng], thẹn lòng, theo lòng, thể lòng, thêm lòng, thiếu lòng, thỏa lòng, thuận lòng, thuộc lòng, thuyền lòng, thử lòng, thừa lòng [14]

trái lòng, trao lòng, trào lòng, trọn lòng, trong lòng, trở lòng [6]

vào lòng, vẹn lòng, vui lòng, vuốt lòng, vỡ lòng, vừa lòng, không vừa lòng, vững lòng[ 8]

xao lòng, xấu lòng, xiêu lòng, xót lòng, xuôi lòng [5]



Chà! cả thảy là 192! cọng thêm với các tiếng ghép mà lòng đứng trước để nói lên một tình cảm, mà các nhà ngôn ngữ học thường gọi là classifiers, thí dụ như : lòng dạ, lòng riêng, lòng thành, lòng trần, lòng nuối tiếc, lòng tiếc thương, lòng cha mẹ, lòng người, lòng ngay thẳng, lòng tốt, lòng xấu, lòng ruột, lòng chung thủy, lòng gian dối, lòng nham hiểm, lòng ác độc,lòng thành tín, lòng nao nức, lòng thương, lòng yêu quý, lòng quý mến, lòng cảm phục, lòng lo lắng, lòng ganh ghét... còn rất nhiều nữa, bạn đọc hãy kiếm thêm cho vui lòng...thì có thể đến trên 250 chữ ! [nên nhớ là không dùng chữ tâm mà hòng thay thế cho chữ lòng trong những thí dụ trên đây được đâu nhé!] hai chữ đó nó kỵ nhau, không hợp nhau!

Mặc dầu qua hơn 2000 năm, ông bà ta cũng coi tâm như đứa con nuôi, nhưng xem lòng mới là đứa con rứt ruột đẻ ra và thương nó nhiều hơn mười mấy lần !



Nguyễn hy Vọng M.D.

Song Anh
#15 Posted : Monday, May 22, 2006 10:13:46 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18


Cái nôi của tiếng Việt

Cái gì linh thiêng lắm hoặc làm cho người ta phải sững sờ kinh ngạc vì cái tốt đẹp của nó mới là phép lạ. Cái gì xảy ra hằng ngày thì dù có tốt đẹp cách mấy, người ta cũng xem thường.

Vậy mà các bạn thử nghĩ coi, một em bé Cao-mên 3 tuổi nói tiếng Cao-mên lẻo-lẻo trong khi 78 triệu người Việt lại không nói được, còn em bé Việt 3 tuổi nói tiếng Việt được khá rành trong khi cả 6 ngàn triệu người trên thế giới lại không biết tiếng Việt là cái gì; nghĩ có lạ không? Vậy là phép lạ chứ gì! Phép lạ của tiếng nói loài người chỉ cần tình thương và vòng tay ấp ủ của người mẹ chịu khó bập bẹ cho con tiếng nói của mình. Từ cái bập bẹ thôi nôi vào đời đó mà sinh ra sau này cả mấy ngàn thứ tiếng nói khác nhau của nhân loại.

Xin mời các bạn nhìn qua bản đồ vùng Đông nam Á. Theo những hiểu biết mới mẻ nhất cuả khoa ngôn ngữ học hiện nay, con người xưa sống trên vùng đất này nói một thứ tiếng xưa gọi là tiếng nói của giòng họ Mon-Khmer. Tiếng nói này là một trong những cái nôi đầu đời của tiếng Việt.

Môn ( phải đọc là MÒN) là tên của một sắc dân sống bên Miến-điện phía đông nam Rangoon chừng một trăm cây số, gần bờ biển. Tiếng Mòn (còn phát âm là Môn hoặc Rman) là tiếng nói của họ. Độ chừng 1 triệu người Mòn sống ở đó và chừng gần một trăm ngàn sống ở một vùng nhỏ phía tây Bangkok khi họ chạy loạn qua đó trong vòng mấy trăm năm gần đây.

Tiếng Mòn đã có chữ viết từ năm 900 A.D. và hiện còn 800 bia đá bên Miến Địên khắc chữ Mòn và các thứ chữ xưa khác của Miến (xem hình một mẫu chữ Mòn). Chữ Mòn viết cũng như nói (viết theo mẫu tự a b c), có điều là họ viết theo cái cách riêng của họ mà thôi. So sánh sư phát âm của các từ Việt với Mòn (xem bảng đính kèm), ta thấy chúng giống nhau đến chừng nào! Vậy mà họ với ta không ai biết nhau cả và văn hóa họ không giống gì với văn hóa của ta!

Nhưng riêng người Miến và Thái thì không ngớt ca tụng cái gia tài văn hóa và ngôn ngữ mà người Mòn đã đem lại cho họ, luôn cả cái đất đai mênh mông của người Mòn mà người Thái và Miến đã chiếm lấy mà ở rồi xem thường những đòi hỏi của người Mòn về đất đai và quyền tự trị như là những quyền lợi không chính đáng!

Người Mòn cũng đã đắp nên không biết bao nhiêu là đền đài từ 1,500 năm nay, trên đất Miến và đất Thái mà xưa là của họ. Hiện nay người Miến và người Thái tu bổ giữ gìn rồi đắp cho lớn thêm và nhận là của họ!

Bước đường nam tiến của hai dân tộc Miến và Thái đã lấn át dân tộc Mòn suốt cả 1500 năm nay rồi rốt cuộc đã gần như tiêu diệt dân Mòn nhưng lại nhìn lạm luôn cái gia tài văn hóa,ø ngôn ngữ và văn tự của người Mòn! Lẽ tất nhiên là đã có hàng trăêm thế hệ Mòn/Miến/Thái lấy lẫn nhau, lai nhau và pha trộn máu và tiếng nói của nhau (mixing bloods and languages) để sinh ra tiếng Miến và tiếng Thái hiện nay.

Còn Việt nam ta thì sao? Giưã Việt và Mòn xa lạ quá thì tại sao lại có chung tiếng nói? Đo ùlà vì từ lâu người ta cứ tưởng là cái nôi văn hóa của một dân tộc cũng là cái nôi ngôn ngữ của nó luôn! Tưởng vậy mà không phải vậy. Ngôn ngữ của một sắc dân nào cũng rất là đa dạng ngay từ lúc đầu, nó do sự đóng góp của nhiều ngôn ngữ của các bộ lạc đã tạo nên sắc dân đó qua thời gian dài dằng dặc.

Một thí dụ rõ ràng là tiếng Pháp và người Pháp. Hồi xưa người Gaulois nói tiếng Gaulois, nhưng bây giờ con cháu họ là người Pháp đâu còn nói tiếng Gaulois nữa, dù là một tiếng cũng không còn, mặc dầu họ vẫn tự hào (sic) là con cháu người Gaulois! Thật ra, người Pháp đâu phải chỉ là con cháu của người Gaulois xưa mà thôi, họ còn là con cháu của biết bao sắc dân khác nữa, nào là người Ibérian, người Visigoths, người Franks (ở vùng Đức bây giờ qua), người Vandals, người Burgundy, người Lombards. Những tiếng nói xưa của các bộ lạc đò đã chết đi để trở thành tiếng Pháp (xưa) rồi tiếng Pháp xưa đã bị bứng mất gốc bởi tiếng Latinum, vì người Pháp xưa đã bỏ rơi tiếng nói của ông bà họ mà hè nhau đi nói tiếng nói của người La-mã là giống người đã chinh phục họ 2000 năm về trước!

Cũng may, chúng ta không thế, chúng ta vẫn còn nói tiếng nói xưa của ông bà ta từ hồi nào đến giờ, lẽ tất nhiên là với nhiều thay đổi qua sự chung đụng với nhiều sắc dân khác như Thái, Lào, Khmer, Mòn, và n Chàm và luôn cả với các sắc dân khác trên dãy Trường-Sơn hùng vỹ (mà ta gọi bằng nhiều cách khác nhau: người Thượng, người Mọi, dân tộc ít người, bộ lạc thiểu số v..v...)

Chú-ý: Mọi chỉ là đọc trẹ theo Mwoi, tiếng Mon-Khmer, có nghĩa là một nhóm người, tương đương với “ bộ-lạc”. Người Thượng thường nói là họ chia ra thành từng mwoi khác nhau[groupe d’hommes/ tribe]

Bây giờ xin nói về tiếng Khmer, mà trong giới ngôn ngữ học hiện nay ai cũng công nhận là tiếng nói thôi nôi thứ hai cho tiếng Việt, ngoài tiếng Mòn ra; vì vậymà họ cho là tiếng Việt ta thuộc giòng Mon-Khmer. Có người cho là tiếng Khmer không thể thôi nôi cho tiếng Việt được vì nó không có dấu giọng. Thật ra tiếng Việt xưa cũng không có dấu luôn và đã lần lần có dấu qua 2000 năm. Lúc đầu là có hai dấu (đúng ra là hai âm-vực cao và thấp) rồi mỗi âm vực phát triển ra ba dấu giọng (huyền ngã nặng và hỏi sắc không /theo ông Haudricourt, một nhà ngôn ngữ học người Pháp).

Sự thực phức tạp hơn thế nhiều, vì trong khi tiếng Việt miền Bắc chịu ảnh hưởng của tiếng Quảng Đông và tiếng Miao nằm phía trên Bắc Việt mà có thêm dấu ngã thì tiếng Việt miền Trung, nhất là miền Bắc Trung Việt, đang còn chậm chân vì bị ảnh hưởng nặng nề hơn của tiếng Lào Thái nên không phát âm ra dấu giọng ngã được (người Lào Thái cũng chỉ có năm dấu giọng, không có dấu ngã) vì vậy mà tiếng Việt miền Trung bị hiểu lầm là không chịu phân biệt (sic) hỏi ngã, làm như thể người miền Trung cố tình biết mà không chịu nói ra!

Cũng thế, tiếng miền Trung không phân biệt /c/ với /t / ở cuối một từ không phải vì họ muốn vậy, mà vì tiếng Lào và tiếng Thái đã ảnh hưởng nặng nề về phát âm và nhấn giọng đến tiếng miền Trung), nên cũng đã không phân biệt được ( thí dụ tiếng Thái và Lào đều viết và phát âm là “đặêk” (øto put) y hệt như phát âm miền Trung “Đặc”(trừ ra phát âm Quảng-trị) Tiếng Miên cũng vậy, phát âm và viết đều là đăk (to put ).

Chúng ta đang ở một địa hạt tế nhị mà chữ viết, theo ông Leonard Bloomfield, thay vì giúp cho ta tìm hiểu rõ hơn về cái tiếng, lại làm trở ngại cho sự tìm hiểu, vì cái chữ đã gò bó cái từ và gây ra ngộ nhận như trong trường hợp trên. Cũng như có nhiều hiểu lầm về ý nghĩa giưã Hán-Việt và Việt, do sự phát âm giống nhau như Lang bạt trong tiếng Việt thì có một ông học giả Hán Việt cho rằng đó là do mấy chữ lang bạt kỳ hồ trong tiếng Tàu mà ra (sic). Nếu có ai hỏi tại sao lại có mấy chữ kỳ hồ xen vào đó làm gì thì họ lờ đi, cũng như nôm na thì có người bảo là do chữ nam của Tàu,(sic) có nghĩa là thuộc miền nam, phương nam; vậy thì na là gì? họ bí nên họ cũng lờ luôn.! Sự khác biệt râùt nhiều giữa giọng nói, phát âm, ngữ vững cùng là những khác nhau trong cách viết chữ Việt của ba miền là một hiện tượng phản ảnh sự biến chuyển “không đồng bộ” (asynchronic) của ba miền tiếng Việt, vẫn là một bí mật ngôn ngữ rất lớn, không dễ gì giải thích một cách quá sơ sài như ta thường được nghe. Phải có một sự nghiên cứu sâu rộng vào mọi khía cạnh của ngôn ngữ ba miền và so sánh với tất cả những ngôn ngữ anh em khác ở khắp Đông Nam Á, họa may ra mới có sự giải thích hợp lý.

Thật ra, tiếng Khmer và tiếng Việt giống nhau đến mức kinh ngạc, chỉ cần so sánh bảng từ ngữ Khmer-Việt sau đây (xem bảng). Theo thống kê, có cả 30 phần trăm từ ngữ Việt giống với từ ngữ Khmer chứ không riêng gì vài chục từ trong bảng đó. (Quyển Từ điển nguyên ngữ tiếng Việt sắp xuất bản sẽ đem lại sự hiểu biết thích thú cho bạn đọc về nguồn gốc cuả chừng 27,000 từ đơn và kép trong tiếng Việt của chúng ta.)

Vùng đất sống hiện nay của người Khmer đã bị thu hẹp lại rất nhiều nếu chúng ta biết rằng khi xưa, khoảng 2000 năm về trước, vùng đất của họ bao gồm một phần lớnù Thái và Lào hiện nay thì ta dễ hiểu hơn tại sao ngôn ngữ học quốc tế lại ghép tiếng Việt vào cái nôi Khmer!

Thật ra không phải chỉ có tiếng Mòn và tiếng Khmer mới thôi nôi cho tiếng Việt mà các thứ ngôn ngữ khác ở Đông nam Á cũng theo giòng thời gian mà ảnh hưởng và dính líu đến nhau đểõ hình thành và đào tạo ra tiếng Việt hiện nay.

Nguyễn Hy Vọng, MD.


Trích từ : http://www.gio-o.com
Song Anh
#16 Posted : Monday, May 22, 2006 10:19:30 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18



Cái thắc mắc ngàn đời của chữ Việt

-t hay là –c ? , nhiều người Trung và Nam không viết cho đúng, vì họ đều phát âm với – c mà thôi.! dấu hỏi hay dấu ngã, nhiều người Trung và Nam [65 % dân Việt] cũng không viết đúng được.

Đó không phải là lỗi của họ, đó là lỗi của cái chữ viết đã không viết theo đúng như nói nguyên tắc vàng ngọc của chữ viết là phải viết cho đúng với phát âm, mà không có một ngôn ngữ nào trên thế giới theo đúng cả, "trừ ra chữ viết Tây ban nha là khá nhất “ se habla como se escriba” “ nói cũng y hệt như viết, còn Pháp Anh Mỹ đều viết tùm lum tà la hết ! Pháp thì đọc một âm mà viết nhiều cách: cinq, ceint, saint, sein.

Mỹ thì có meat và meet cũng một âm mà hai ý nghĩa khác nhau, ngoài ra cả đống đồng âm mà khác nghĩa. Riêng Việt và Tàu thì loạn xà ngầu; một âm Tàu thường phải viết ra cả chục cách khác nhau mới hiểu nhau được .

Việt thì ít bị cái nạn đó hơn Tàu chỉ tương đối một đôi khi lẫn lộn thôi, vả lại xét theo văn mạch/ ý xuôi thì hiểu ngay, cứ xem e mail đó, nếu đánh mà không có dấu, ta cũng đoán hiểu được chẵng cần đến vps hay vni làm gì thêm lộn xộn vì mỗi người Việt đều có computer trong óc rồi[thông minh quá sá] nếu không tại sao không có dấu mà vẫn hiểu e mail được?!

Thật ra, có một sự lầm lẫn lớn về tiếng Việt . Xưa ta nói, pha tiếng, pha âm là một chuyện rất thường, thí dụ xưa con người Đông nam Á nói là đặc/ đặk [ to put something on ...] và cũng viết là với –c /k chứ không phải với –t [như người Bắc bây giờ] thành thử trong cái phương trình ngôn ngữ Đông nam Á, viết như người Bắc mới là ngoại lệ.!

Cũng như hiện nay, gần 300 triệu người Thái, Lào, Nam dương, Mã lai, Miến Điện,Việt miền Trung và Nam, và các sắc dân Mon-Khmer ở quanh vùng rừng núi của Trường sơn hùng vĩ đều phát âm /gi-/ cả trong khi chỉ có miền Bắc[ # 30 triệu người] phát âm là /d/ nhẹ hoặc như là /z /.

Đó là vì tiếng Việt miền Bắc bắt chước phát âm của Hmong và Tàu Quảng đông chỉ mới khoảng 300 năm nay thôi[ piệu ziễn—biệu diễn !] zừng zú[Hmong] – rừng rú mà ngươiø Bắc phát âm nghe như là dừng dú [sic]trong khi cả Đông nam Á vẫn giữ cái âm nguyên thủy là /gi - / tương đương với / y/ [ điều này được chính Al de Rhodes nhắc đến trong quyển từ điển của ông ta năm 1651.

Cái chuyện hỏi ngã lại còn lạ nữa! các tiếng nói ở Đông nam Á thuộc giòng Thái xưa, kể cả Lào, đâu có hề phân biệt được hỏi ngã đâu , họ chỉ nói và phát âm được một dấu mà không hẳn là hỏi, cũng không hẳn là ngã, và người Việt miền Trung và Nam còn nói như họ, trong khi người bắc đã phân hóa, tách riêng rẽ ra mà phát giọng/ nhấn giọng khác hẳn đi. Bảo là họ xé lẻ cũng phải, hay bảo là họ đã tiến lên một nấc ngôn ngữ khác cũng được thôi!

Biết bao nhiêu là cái khác nhau của tiếng Việt ba miền làm cho ta nghĩ đến cái nguồn gốc khác nhau, cái thôi nôi khác nhau, cái biến chuyển khác nhau của ba thứ dân đó chứ không phải như trong cái “wishful thinking” của các người nhắm mắt lại với thực tế mà cứ cho là tiếng Việt là[sic] thống nhất là trong sáng, là gì gì nữa, như một thứ tư tưởng ru ngủ ...những gì mình muốn cho mình nói ra như thể thật tình có luôn, trong khi sự thật chẳng hề có như vậy! có muốn tránh né sự thật cũng không được !

Hãy nghe và đọc/phát âm của ba miền sau đây:

“ nhạc xị-í Trịnh ... là một nhạc xị-í chân chính, zù không còn chẹ nự-ứa, đạ xáu mươi nhăm zồi, xắp về hiu! Mấy cái chương chình đạ-á xập tiệm, lí zo zì mà vẫn còn zung zăng zung zẹ, nàm việc không có hĩu hiệu, thôi đi uống ziệu cho quên xầu”

hoặc là : chén đoại em jựa jồi mắc mợ chi mà jựa nựa, đi mô mà đi túi ngày, chừ jăng? muống chi được nấy jồi bọ vợ bọ con không shợ người ta giậy miếng [ nói mỉa] hà? mầng chi thì mầng, chớ chịu không đặng nựa! hay là: yụk hớt, đi yề yới yợ miền guê, gửa gau gánh nước mà sống cho qua ngài, hớt yồi, chèng đéc ơi !

Nếu đó không phải tiếng Việt thì là tiếng gì? không lẽ tiếng Tàu?! Cái sự thật của ngôn ngữ là đó, dù ai có bịt mắt bưng tai cũng chẳng tránh né được. chi bằng ta phải bình tĩnh xem nó như là những cái không tránh được của tiếng Việt, những cái “ bỏ thì thương, vương thì tội," mà ngôn ngữ nào cũng có, ngay tiếng Pháp cũng còn 73 tiếng địa phương chứ đâu phải chỉ có tiếng Pháp, đó là điều làm điên đầu ông Chirac tổng thống Pháp khi phải tranh luận với ông Jospin, thủ tướng Pháp về chuyện đó!

Cái thực tế của ngôn ngữ như một cái nhằm, xóc vào tay ta, phải chịu đựng nó cho đến ngày nó bung mủ ra, không sao hơn được. Chi bằng ta hãy xem nó như cái hương vị ba miền, cái gia vị mắm muối của bữa ăn tiếng Việt để mà tìm hiểu tại sao nó lại như vậy?, thay vì sao nó lại vậy!, là hai cái thái độ khác nhau xa chừng.

Ở đây, ta thấy được cái quan trọng của từ nguyên học Đông nam A,Ù một khoa học ngôn ngữ từ lâu bị quên lãng vì cái thành kiến sai lầm là tiếng Tàu sinh ra tiếng Việt của mấy chục thế hệ Hán Việt, mặc dù từ 90 năm nay, cái thành kiến đó đã bị những nhà ngôn ngữ học thế giới đánh gục, nhưng các học giả Việt vẫn không chịu tin , không chịu tìm tòi trong các tiếng nói ĐNÁ, mà vẫn khư chỉ biết tìm kiếm nguồn gốc và chữ nghĩa trong tiếng Tàu!

Thành ra vô ích, vì tìm em như thể tìm chim, em đi ngã nớ mà anh tìm ngã ni, thì có tìm không ra là phải rồi!



Nguyễn hy Vọng M.D.
http://www.gio-o.com





Song Anh
#17 Posted : Sunday, May 28, 2006 4:05:58 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Cái hệ lụy Tàu Việt


Tôi muốn nói đến cái nợ ba đời ta gánh chịu khi Tàu nó đô hộ mình suốt ngàn năm. Phải hiểu là, dân Tàu có đến sáu tiếng nói khác nhau mà đến nay vẫn còn khác nhau!

mà nếu không có cái chữ viết nó ràng buộc lại thì kể như đi đong.mỗi tiếng một ngã.. vì vậy mà tiếng nói nào trong thế giới cũng có chữ đánh vần kiểu a b c trừ ra tiếng Tàu duy nhất hiện nay phải vừ avẻ vừa viết[sic] chấp nhận khoảng 7500 cái hình vẽ là 7500 cái âm[sic] nếu không thế thì nước Tàu sẽ tan rã rất nhanh không phải là một nước nữa, đó là lý do tại sao Tàu không dám viết theo a b c . Cái chữ Tàu thật ra là cái nợ ba đời cho chúng nó’ a mill stone around their neck theo lời của các học giả Tây phương nhận xét!

Thật ra chỉ có 214 bộ [hình vẽ dễ viết] mà họ ghép lại thành ra # 7500 hình vẻ [tự] rồi ghép qua ghép lại nhiều lần nữa thành ra # 40000 chữ mà chỉ chừng 4000 / 8000 hay dùng mà thôi! cũng như tiếng Việt có 26 chữ cái ghép thành # 10000 chữ # 10000 từ [âm có nghĩa] rồi ghép qua lại thành ra chừng 40000 từ cả đơn lẫn kép[riêng tiếng / lòng/ đã có 256 cách nói; và ông Đỗ thông Minh bên Nhật tìm ra được 360 tiếng ghép với /cười/ [xem 2 bản kê]

Trở lại tiếng Tàu , vì vẻ để mà viết, nên có những cái vớ vẩn sau đây:

chữ/ mẹ/ họ vẻ cái hình con ngựa cái! Trời đất!

Còn hình ba người đàn bà nằm chồng lên nhau thì họ bắt phải hiểu là /gian/ hiếp dâm!

chữ nữ [đàn bà] được dùng cho những hình / chữ gợi ý dâm dục hay những tính xấu của con người, chưa hề có tiếng nói nào kỳ thị đàn bà con gái cho bằng

tiếng Tàu! thí dụ như :

gian [có người đàn bà đứng một bên(sic), làm như thể chỉ có đàn bà là gian dối mà thôi!

yêu có nghĩa là quái gở , lại cũng người đàn bà đứng bên trái! vậy chứ đàn ông không có ai quái gở cả sao?

đố là ghen ghét, ganh tị với ai, Tàu nó cũng để người con gái đứng ngay bên cạnh, vậy trên đời này đàn ông cao thượng cả sao, không biết ghen ghét ai hà?

nỗ là gắng sức thì các chú con trời lại bắt đàn bà con gái có mặt trong chữ này luôn , ý là muốn để riêng cho đàn ông tha hồ chạy rong chơi sao?

phanh là dan díu, là cái hình đàn bà con gái đứng đó mà chịu trận

nộ là nổi giận, đâu phải chỉ có đàn bà nổi giận? vậy mà cũng bắt một người đàn bà đứng đó mà chịu trận thêm cái nữa!

vĩ vĩ là nói chẹt chẹt , nói cho đúng ra người Tàu nào mà chả nói chẹt chẹt, mà lại nói to mồm nữa[ hồi xưa tôi có mê một cô Tàu cũng khá đẹp mà lại buôn bán đảm đang, chỉ có cái là nói chuyện chơi mà cũng quá to mồm nên đành phải “ de” !]

xướng là con hát/ con đĩ! nên nhớ là đĩ đực thiếu gì, đâu chả có!

nhứ là nói lãi nhãi, lại đổ hô cho đàn bà

mị là nịnh hót cũng đỗ hô cho đàn bà độc quyền

hiềm là nghi ngờ ai lại cũng đàn bà lãnh đũ

tật là ghen ghét! đàn ông cũng ghen chứ bộ!

lãn là lười biếng oan cho các bà quá, từ thuở có loài

người, đàn bà mà lười biếng thì bây giờ làm gì còn nhân loại !

Viết đến đây tôi muốn lộn máu, đành tạm ngưng.

Tôi thách mấy ông Hán Việt nô lệ chữ Tàu cho quá năm 2002 , hãy công khai tranh luận với tôi về điểm này, độc giả sẽ là người làm trọng tài.

Ngoài ra có cả một đống homonymes [ phát ra một âm mà có cả 15, 16 nghĩa khác nhau là chuyện thường]! đó là cái nợ ba đời của ba Tàu; kể cũng tội, vì cái lưỡi của Tàu nó ngắn ngủn nên chỉ nói vàphát âm ra chưa tới 4000 âm thôi , biết làm sao được ! trong khi người Việt phát ra được 27000 âm khác nhau và người Thái Lào cũng nhiều bằng ấy, còn người Miên thì vô địch luôn! :40000 cách phát âm! [ chả thế mà mấy ông ngôn ngữ học Pháp phải tấm tắt khen :

“ l’oreille cambodgienne est tellement sensitive aux moindres nuance de prononctiation et d’intonation que la moindre différence ne saurait être tolérée”....

Trong khi đó thì Tàu nó đọc sáu cách cho nhân là người: lên, nên, diên, nyin, yên mà chỉ viết 1 cách nếu viết theo a b c thì sẽ loạn cào cào ngay lập tức.

hồi còn mồ ma ông Nghiêu ông Thuấn thì chỉ là những hình vẽ rất dễ biết , như

khẩu miệng/ ao [lõm xuống] /đột [lồi/trồi lên]

mã ngựa ngư cá

Sau này khá hơn, các hình vẽ ấy có thêm chút máu mặt , /nhàn/ relaxation

là nhìn trăng dưới khung cửa , nhưng, bạn hỡi, nếu trong lúc đó ta bị đau bụng thì không biết cái nhàn của ta kéo dài được bao lâu! cho nêm tóm lại , cách viết chữ lạ lùng đó ảnh hưởng đến cái nhân tính của Tàu suốt chiều dài của tiền sử và lịch sử là áp đặt, chuyên chế, độc tài/ mình nghĩ sao, viết sao bắt người ta phải theo như vậy !

Cao- ly và Ø Việt nam ta không bị vậy , họ có chữ viết đánh vần từ thế kỷ 15 và ta có chữ a b c đánh vần từ 1651.

Còn Nhật bản vẫn mang 60% gánh nặng chữ Tàu , nhưng đã trả nợ sòng phẳng và trả lời xứng đáng cho Tàu ; vì trong 150 năm qua, họ văn minh hớn Tàu nhiều nên đã đặt ra rất nhiều tiếng mới về kỹ thuật cho họ rồi các cụ Lương khải Siêu và Khang hữu Vi, trong khi lao đao bên Nhật, cùng sau này cụ Hồ Thích chỉ việc khuân về Tàu xài bằng thích, ai cũng tưởng là các cụ ấy đặt ra, mà các cụ Việt mình cũng tưởng thế nên vẫn lẩm cẩm vọng ngoại một cách đáng buồn cười.

Thật là bé cái lầm/ hay là cầm lầm, cũng không sao, vì của thiên thì trả địa , đâu có mất đi đâu, bốn bể một nhà mà lị! Tuy nhiên mấy ông ba Tàu không mấy khi chịu nhận là họ có mượn những dân xung quanh họ khá nhiều về ngôn ngữ và văn hóa, họ khi nào cũng tự cao tự đại là chỉ có cho mà không có mượn của ai cả theo kiểu quân tử Tàu.

Sự thật là họ mượn như điên, sau đây chỉ là vài thí dụ [ lúa, trà, xin chứng tỏ ngay là chính Khổng tử, ông sư tổ của họ cũng nói như sau :


“Ta không biết Tế sạ * là gì, nghe đâu là tên gọi ngày lễ giao mùa đầu năm của dân Man, họ nhảy múa, dựng nêu, đánh đu, uống rượu say mèm! chú ý: đọc theo âm TẾT


/ Ta không biết trà là gì, nghe đâu là một thứ lá trong rừng mà bọn người Man nấu mà uống cho giải nhiệt

/ Ta không biết lúa là gì, nghe đâu là một thứ cốc loại[sic]mà bọn người Man trồng trên những cánh đồng ngập nước gọi là ló* ta chỉ biết ăn kê và lõa mạch thôi!


chú ý: ló* là tên lúc đầu của lúa, Tàu bắt chước gọi theo y hệt là ló , nhưng Hán Việt đọc là lạc! [lạc điền]

Và nhà Đông phương học nổi tiếng khắp Âu châu là ông Shafer đã nói như sau:

“ much of the spiritual and imaginative part of their civilization, much of what the world now think of as typically “chinese”, was originated among the proto Thái people south of the Yang tse kiang, among the proto Tibetan people of the west, and, among the proto Mongolian people of their Northern region/ but it was less easy for the Chinese to acknowledge, or even to realize that they do borrow ideas and things made and life style of the foreigners, yes, in fact they did and at length.


Nguyễn hy Vọng M.D.
Song Anh
#18 Posted : Thursday, June 1, 2006 2:28:47 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18



"4000 NĂM

RÒNG RÃ BUỒN VUI"


Ta thường nói "cây có cội, nước có nguồn".

Nguồn gốc của chúng ta là ông bà tổ tiên, nguồn gốc của ông bà tổ tiên là nòi giống.

Nòi giống thì một phần khác nhau ở tiếng nói.

Tiếng nói là một trong những điều rõ ràng nhất làm cho ta biết đuợc giòng giõi của ta. Nhung có thật là ta biết được nguồn gốc tiếng Việt qua những sự kiện khách quan hay là do thành kiến thông thuờng mà vì quen nghe rồi đâm ra tin là thật?

Từ lâu, ta thường nghe nói là nòi giống ta bắt nguồn bên Tàu, là một nhánh của nòi giống Tàu, tiếng nói của ta là biến thể của tiếng Tàu, v.v. Ta không chối cãi là có nhiều điểm làm cho ta phải tin nhu vậy vì địa thế, quá khứ lịch sử và văn hóa có nhiều dính dáng ràng buôc với nước Tàu.

Tuy nhiên, những sai lạc về suy diễn đã là mây mờ che phủ cái quá khứ thật sự của ông bà ta mấy ngàn năm nay.

Thí dụ nhu hồi xưa khi nguời Tàu qua nước ta, ông bà ta đã có chữ viết chưa?

Những khai quật cách đây khoảng 70 năm của bà Madelene Colani tại Đông sơn, Thanh Hóa đưa ra tài liệu về 17 sắc dân Mường và tiếng nói cùng nếp sống của họ mà cụ Nguyễn Trãi gọi là "song viết"

Bốn giòng chữ trên một trống đồng Bắc sơn, khoảng 2000 năm, truớc cả chữ Nôm rất lâu có thể là để đánh dấu một biến cố quan trọng, tên một triều đại hay một vị vua chúa, hoặc ghi nhận một trận đánh lịch sử

Hơn nữa, cách đây 100 năm, ông Lacouperie, giáo sư ngôn ngữ, trong sách "Beginning of writing", xuất bản tại Luân Đôn, cũng đã trưng bằng cớ của bốn mẫu chữ Đông Nam Á.

Có điều là cả 100 năm sau mới có mẫu chữ này trên trống đồng tìm thấy ở VN mà dĩ nhiên ông ấy không được biết đến.

Tài liệu này chứng tỏ hồi xưa cách đây khoảng 2,300 năm và hơn nữa đã có những mẫu chữ viết của các dân tộc Đông Nam Á, không thuộc Tàu hay Ấn Độ vì không giống tí nào với các mẫu chữ xưa của Tàu hay của Ấn Độ đồng thời.

Nếu đã có chữ viết riêng biệt từ xa xưa thì tiếng nói hẳn cũng riêng biệt, không phải là tiếng Tàu hay tiếng Ấn Độ

Một thành kiến nữa là cho rằng cái gì bên Tàu là của Tàu, hay do Tàu mà ra [sic]

Thí dụ như nuớc Tàu thì nguời Tàu ở và nói tiếng Tàu chứ tiếng gì vào đó nữa.

Sự thật là hồi xưa, khoảng 2500 năm về truớc, nguời Tàu chính cống chỉ ở một vùng đất nhỏ phía trên trung lưu của sông Hồng Hà.

Họ thuộc bộ lạc tên là "Hoa" hay "Pa" , ở miền trung của Tàu nên gọi là Trung Hoa.

Từ đó mà xuống tận biển Nam là một vùng đất mênh mông có nhiều giống dân khác hoàn toàn, khác dân Hoa về tiếng nói cũng như lối sống, đã ở đó từ ngàn xua.

Sử Trần Trọng Kim nói rằng (nhà Ân) nuớc Tàu ở phía trên sông Hoàng Hà. Bên này sông Truờng Giang là man di hết cả [nguòi Man ].

Một dẫn chứng lý thú là theo sử Tàu, Khổng Tử (551-479) BC cũng không biết gì về các sắc dân đó cả. Ngài bảo với ông Tư Mã Ngưu, một nguời học trò khi ông ấy sắp di cư về Nam, đến thỉnh ý ngài : "Ta không biết gì về miền Nam! Chỗ đó nguy hiểm lắm. Có về đó mà sống phải cẩn thận. Dân ở đó nghe đâu là dân Tam Miêu. Họ nói tiếng khác với ta. Phong tục cũng khác. Ngay cả cây cối miền đó cung khác. Thức ăn cũng khác. họ trồng lúa mà ăn. Họ uống một thứ nuớc giải khát từ một lá trong rừng gọi là lá trà. Chúng ta thì ăn kê và lõa mạch. Ta không biết trà là gì ." [theo tài liệu Shafer "Ancient China"


Hai trăm năm sau đó, ông Mạnh tử [372-289 BC] cũng còn nói về người nuớc Sở [T'su] vùng Hồ nam bây giờ : "họ là những nam Man, man di mọi rợ, nói tiếng líu lo. Họ không phải là nguời chúng ta !"

Rồi thì, duới áp lực bành truớng của người Hoa, tràn xuống hay xâm nhập lần lần, những nhóm dân khác phải đi lần xuống miền Nam.của miền Nam

Một vài bộ lạc bị đồng hoá, bị lấn luớt. Một vài sắc dân khác, nhẫn nhục để cho bị cai trị, mất dần dân tộc tính, sáp nhập vào dân Tàu..

Lại một vài sắc dân khác bị mắc bẫy vào guồng máy cai trị của Tàu, ăn bổng lộc của Tàu, nhận tước vị của Tàu, mặc dù máu mủ bản xứ, nhưng giới cầm đầu là quan lại cho Tàu, có muốn cuỡng lại hay làm gì cho đồng bào của họ cũng không được [thời ta bị 1000 năm Bắc thuộc]

Khi các triều đại Tàu không đủ sức mạnh thì họ chỉ yêu cầu các sắc dân ấy triều cống nhẹ nhàng; nhưng khi chúng nó hùng hỗ tràn về phía nam qua các cuộc viễn chinh thì các sắc dân kia, ai không chịu nỗi, tất nhiên phải bỏ chạy về Nam, đến đâu hay đó, đến những vùng mà ảnh huởng của Tàu chưa hề có

Không biết bao nhiêu giống dân đã đi về miền Nam, lớp này qua lớp khác.

Công cuộc ấy kéo dài cả mấy ngàn năm, mà cho đến nay vẫn còn chưa xong vì theo bản đồ nhân chủng lớn nhất của Trung cọng , thì vẫn còn # 50 triệu nguời khác giống sống phần lớn ở miền Hoa nam, trong đó có 25 triệu nguời Zhuang [gốc Tai], # 10 triệu Yi và Zang [gốc Tây Tạng] và 25 sắc dân khác, ít nhiều từ vài chục ngàn nguời cho đến hai ba triệu nguời [nguời Hmong, nguời Dao …]

Qua > 2000 năm các giống người ấy, xem bản đồ, đã liên tiếp di dân về miền nam của miền nam …, theo kiểu "dùi cui đánh đục thì đục đánh săng" dần dà lai giống với đa số thổ dân ở tại chỗ từ ngàn xưa, xin nhấn mạnh là nguời thực sự là bản xứ tại vùng mà bây giờ gọi là Bắc Việt, Bắc Lào và Bắc Thái Lan.

Những nguời ấy là ai ? Họ đã ở đó từ ngàn xưa, không đâu tới mà cũng chẳng đi đâu cả, sống ở đó và chết ở đó từ lâu lắm trước khi các nhóm nguời người xa lạ ở miệt trên lấn xuống mà ở chung ở đụng

Họ mới thật là ông bà tổ tiên của chúng ta chứ không phải là cái bọn nguời Hoa nam bị Tàu đuổi xuống, lại càng không phải là cái bọn Tàu từ Hoa Bắc lấn chiếm Hoa nam !.

Chúng ta bây giờ là máu huyết pha trộn lai giống với hai nhóm nguời đó qua mấy ngàn năm, qua 100 đời nguời… mà phần nhiều họ là dân Tai- Kdai [Thái xưa] cùng với bọn Dao và Hmong xưa chứ không phải là Tàu Quảng Đông, Tàu Quảng tây, hay Tàu Vân nam [vì vậy mà trong tiếng Việt hiện nay pha trộn 42% gốc Tai cổ xưa và cũng còn có trên ba trăm tiếng gốc Hmong trong đó, mà chưa kể 28 % ngôn ngữ ta có gốc Mon Khmer, gốc bản xứ đó !

Theo ông Terrien de Lacouperie trong tài liệu "Les langues du mondes" / 1887 thì tổ tiên nguời An nam, nguời Muờng, là kết quả pha gíống của Tai ở Hoa nam với dòng Mon Khmer của miền Đông nam Á, nhưng vì bị Tàu cai trị suốt 1000 năm và ảnh hưởng thêm 1000 năm nữa nên phong tục và ngôn ngữ đã vay muợn của Tàu rất nhiều, nhung tuy vậy vẫn còn mang nặng nhiều nếp sống # song viết nguyên thủy của đại tộc Indonesian, cùng với ngôn ngữ của rất nhiều các nhóm thổ dân ở Đông nam Á.

Giả thuyết này vẫn còn giá trị vì nay thì êkip ngôn ngữ của Encyclopedia Britannica đã đánh gục cái thành kiến sai lầm về nguồn gốc Tàu của tiếng Việt [xem bài trích dẫn] và tiếng Muờng Vệt nay đã nằm gọn trong cái nôi ngôn ngữ Đông nam Á, không còn là một thứ tiếng "mồ côi""bí mật" nữa nhu ông Mario Pei đã nói.

Giả thuyết xưa cho là nguời Việt xuôi Hồng Hà và nguời Lào Thái xuôi Mê kông mà xuống chỉ là một lập luận sai lầm ngay cả về phương diện địa lý nữa.

Măc dù dòng sông là dòng sống nhưng số nguời sống bên cạnh một dòng sông lớn đâu có nhiều bằng số nguời sống dọc theo tất cả mọi phụ lưu nhỏ đã tạo thành ra nó.

Giòng sông là một đuờng chỉ tay mà caí lưu vực của nó là cái bàn tay, rộng lớn hơn cái đuờng chỉ tay rất nhiều.

Hơn nữa đừng quên rằng từ ngàn xưa đã có người sống trên vùng đất đó rồi chứ đâu phải đất trống trời sinh ra để đợi dân Thái dân Việt xuống mà ở ?! [sic]

Tại Hoà bình cách đây 30 ngàn năm {!} đã có di tích con nguời [xem hình một vật xưa ở đó] Tại Đông sơn cách đây # 2500 năm cũng vậy, và họ đã để lại nhiều di vật trong đó có hàng trăm trống đồng ! Và Hoabinhian và Dongsonian trở thành những cái tên quốc tế mà ít ra là những nguời có học cũng từng nghe đến. Và đương nhiên là họ để lại cho dân Giao chỉ rất nhiều tiếng để mà nói

Các cuộc di dân, dù vĩ đại đến đâu, cũng không ra khỏi cái thực tế ngàn đời là phải lai giống với các nguời sống tại chỗ, cho dù có tàn sát người ta đi nữa cũng không làm sao mà tiêu diệt nguời ta cho hết đuợc. Và chính cái đám dân tại chỗ đó, mà dù tiếng nói của họ cũng lai cãn theo với tiếng nói của kẻ phương xa ðến, nhưng vẫn không bị tiêu diệt hay đồng hoá hoàn toàn, mới thật là nói tiếng nói của ông bà chúng ta .

Thành thử mỗi một tiếng nói sau mấy ngàn năm chung đụng là một sống sót tuyệt vời pha trộn cả vinh quang lẫn ô nhục của sự chung đụng, đụng chạm và sau cùng là hoà hợp kết hợp dù là đồng lòng tự ý hay là miễn cuỡng bất đắc di


Mà tiếng nói nào cung vậy, không riêng chi tiếng Việt.

Tiếng Pháp có 46% tiếng gốc của Đức , chỉ có 58% là của Latinh, Hy lạp ! Có ai ngờ thế không? [theo Encyclopedia of Languages / David Crystal]

Tiếng Mỹ thì còn "quậy" hơn nữa, vay muợn tùm lum của mọi thứ tiếng khác trên thế giới chứ đâu phải là một đứa con chính thống của giòng Anglo Saxon đâu? [theo từ điển American Heritage Dictionary]

Ảnh hưởng của tiếng Ả rập còn rất nhiều trên tiếng Spanish đến nỗi nguời ta còn ví tiếng này như là một đứa con ngoại hôn của dòng Indo European

Giờ ta trở về với tiếng Việt . Từ # 1 triệu nguời cách đây 2 ngàn năm, nay chúng ta đã là 83 triệu, đông hết biết luôn, sinh đẻ quá nhiều, chết bao nhiêu cung không sao !

Ít ai biết là nay tiếng Việt đứng thứ "top ten" về số đông nguời nói, dựa trên tiêu chuẫn một tiếng nói chính thức của một quốc gia dân tộc. Ai cũng biết rằng nay nó là một tiếng nói quốc tế hiểu theo nghiã là đi đâu cũng thấy nó.

Hồi tôi qua Đức cũng thấy một cô bé Việt ngồi đọc sách truớc nhà thờ lớn nhất thế giới ở Cologne.

Lần tôi đi thăm cái trống đồng ở Vienna, nguời gác bảo tàng viện ở đó cũng bập bẹ "chào ông".

Trên Vạn lý truờng thành năm 2000, tôi cũng nghe nguời Việt nói choẹt choẹt.

Con số gần 3 triệu nguời Việt trốn chạy cọng sản đã đem lại mùi vị quốc tế cho tiếng Mường của ông bà chúng ta, mà cũng là cho tiếng Việt của năm 2004 !

Theo ông Shafer trong "Ancient China" thì chính sự kết hợp ngôn ngữ và văn hoá giữa Tàu và các bộ lạc Hoa nam nhu Hmong, Dao, Yi, Zhuang vân vân, mới khởi sắc sinh ra cái văn hoá của Tàu chứ không phải là ngược lại !

Sự đóng góp của các bộ lạc đó vào cho nếp sống của Tàu nói chung, không phải là nhỏ mà gần đây càng thấy hiện ra rõ ràng hơn sau gần hai ngàn năm bị Tàu bỏ lo chỉ vì nó là kẻ chiến thắng.nên lờ đi những cái đóng góp của những kẻ chiến bại.

Có rất nhiều tài liệu ngôn ngữ dẫn chứng là dân Tàu đã du nhập "làm của mình" những cái lúc đầu của các giống dân kia, để góp thêm vào văn hoá và ngôn ngữ của họ, và cái này sẽ là đề tài của một bài viết khác.

Chỉ xin tóm tắt lại, theo nhận xét về Việt nam của Encyclopedia Britannica rằng, "mặc dầu vẫn còn nhiều điểm chưa biết rõ, cái rõ ràng nhất là tiếng Tàu không chung một gia đinh với tiếng Việt", nó chỉ là một ông hàng xóm lấn luớt và hoạnh hoẹ muôn đời.

Cái Song viết # nếp sống của dân Giao chỉ ngày xưa vẫn còn cho đến ngày nay, mặc dù có pha trộn nhiều đuờng nét văn hoá vay mươn từ dân Tàu.

BS NGUYỄN HY VỌNG http://www.gio-o.com
Song Anh
#19 Posted : Sunday, June 4, 2006 9:34:31 PM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

"Khúc Nhạc Đồng Quê"

Nếu ta chịu bỏ công và thì giờ đi từ Bắc vô Nam, từ Lạng Sơn Cao bằng xuống lần lần qua từng làng xã, quận huyện mà vào tuốt tận mũi Cà mâu rồi sang từng làng xã Hà tiên Rạch giá… tại mỗi nơi ta ghi âm tiếng nói của nguời ở đó, ghi chừng 200 tiếng thuờng nói hằng ngày như là :

ăn ngủ ỉa đái, chạy nhảy leo trèo, tay chân mặt mũi, to nhỏ lớn bé, lâu dài xa gần, lên xuống qua lại v.v..

ta sẽ có được hàng ngàn những "mẫu ghi âm" như thế để so sánh và nghe được khúc nhạc đồng quê của tiếng Việt ba miền.

Nó như là một chuỗi âm thanh không âm nào giống âm nào mà cái nhìn chung thì cho đó là tiếng Việt ba miền, nhưng trong mỗi miền lại đã có hàng trăm cái giọng khác nhau với ít nhiều hiểu được hay không hiểu.

Điều này không lạ gì, vì tiếng nói nào cũng nhu vậy, tiếng Tàu, tiếng Tây, tiếng Anh Mỹ … nhưng nguời ta có nghiên cứu nhiều về chuyện đó, còn nguời Việt mình thì chưa có ai làm cả, cho đến nay.

Vì vậy sinh ra nhiều sự hiểu lầm về tiếng Việt ba miền, người thì nói là chỉ có một thứ ngôn ngữ cho nguới Việt, kẻ thỉ bảo là cách một rặng núi đã không hiểu nhau nói chi đến tiếng Việt Cà-mâu đem so với tiếng Việt ở Lạng-sơn.!

Có thật là cam quýt trồng chỗ đất này thì ngọt, chỗ kia thì chua nhưng cam vẫn là cam, quýt vẫn là quýt không ? Có thật là có một cái gì bất biến gọi là cái muôn đời của tiếng Việt không ?

Cái mà ta gọi là nguồn gốc đó có thật không? hay chỉ là một cách nói để che đậy cái thiếu hiểu biết của chúng ta về tiếng Việt?

Nếu bảo rằng người Việt gốc từ dân Yueh bên Tàu thì tại sao bây giờ chả ai biết dân Yueh nó nói tiếng gì?

Nếu bảo nguời Việt gốc Thái ? theo Maspero thì tại sao trong tiếng Việt có đến 28% tiếng Mon và Khmer trong đó ?

Nếu bảo người Việt thuộc gốc Mon Khmer [các nhà ngữ học đa số theo thuyết này] thì tại sao lại có 42% tiếng Thái Lào trong tiếng Việt ?

Nếu bảo nguời Việt là gốc Austro Asian thì nào có khác gì bảo tiếng Pháp thuộc gốc Âu châu ! hay con cá nó sống vì nước!

Thành thử ta phải xét đến cái nguồn gốc đa dạng của tiếng Việt mà chớ vội cho nó vào một nguồn gốc nào sớm quá.

Trước hết ta phải tìm cho ra nguồn gốc của từng tiếng một : chim, chuột, cá, cây, lá, mèo, chó, đi đứng chạy nhảy…

Phải tiếp tục tìm cho ra hết, không bỏ sót một tiếng Việt nào, dù là địa phương hay xưa hay ít nói … chúng nó có cả thảy 27400 tiếng [đơn, kép, ghép hai, ghép ba, ghép bốn]

Sau khi xong, phải đếm xem tiếng nào có nhiều nguồn gốc nhất {đó là lá / leaf, leaves],

Nó có đến 58 tiếng nói khác ở Đông nam Á cũng phát âm như vậy và cũng hiểu là lá !

Đã lạ lùng chưa? Có ai ngờ đến không ? Mà đó là sự thật [đón xem "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt"]

Rồi thì đếm xem có bao nhiêu ngôn ngữ lớn nhỏ [nhiều hay ít nguời nói] đã dự phần, đã chung dòng chung gốc, chung nguồn chung cội với chừng ấy tiếng Việt : thưa , cả thảy là 58 tiếng nói !

Rồi thì hãy làm bản đồ xem thử chúng nó ở nơi nào trong thế giới loài người? thưa chúng nó đều ở cả vùng Đông nam Á chứ không hề ra khỏi vùng đó.

Rồi thì thử tìm xem bao nhiêu phần trăm tiếng Việt là gốc Thái, gốc Lào gốc Kampuchia, gốc Mã lai, v.v.. ?

Thưa , xem cái "bánh" ngôn ngữ này [linguistic cake] bạn sẽ tìm ra nhiều ngạc nhiên cho mình ! Bạn sẽ không ngờ mà tiếng Việt nó lại như vậy[sic] !!!

Thành ra ta có thể nói một cách chung là tiếng Việt ta có gốc Đông nam Á, vì cái gốc đó nó rải rác trên 1 triệu cây số vuông và # 400 triệu nguời nói, lớn gấp ba Viêt nam và đông gấp năm lần dân Việt !

Thế thì tại sao ta không nói được tiếng Miên , tiếng Thái v.v.. ? và tại sao họ nói ta không hiểu? Tại vì ta không chịu học, chỉ có thế thôi !

Cũng như nguời Pháp đâu có hiểu đuợc tiếng Anh, và người Anh Mỹ đâu biết nói tiếng Pháp ! mặc dầu cùng chung một nguồn gốc ?! Cũng chỉ có thế thôi! họ không chịu học tiếng nói của nguời khác.

Và ta sẽ thấm thiá cái câu chuyện trăm trứng trăm con của ông bà chúng ta, không hẵn là huyền thoại đâu. Đó là cái cách hiểu của nguời xưa, thật xưa, về cái tiếng nói khác nhau của con nguời.

Và thời gian, mấy chục ngàn năm là ít; đã là cái nguyên nhân làm ra cái khác nhau đó.

Các bạn cũng biết là tiếng nói nào cũng có độ vài ba chục ngàn tiếng thuờng nói là cùng.

Cho là 30 ngàn đi thì sau ba mươi ngàn năm đã thay đổi hẵn nếu mỗi năm chỉ khác đi một tiếng ! Thấy chưa ? Cái thời gian dài kinh khiếp đó đã làm cho ta không thể nào tưởng tượng ra đuợc là những thay đổi tí ti nhỏ giọt đó đã làm thay đổi hẵn bộ mặt lúc đầu của tiếng nói con người !

Nên ta đừng lạ là tại sao các tiếng nói con nguời lại khác nhau đến thế mà phải biết mừng cho chúng nó là sao còn giống nhau đến thế ?! Sau khi trải qua một thời gian thay đổi lâu dài [quá sức tưởng tượng của con người] .Giồng gì đâu ?! bạn sẽ hỏi thế ! giữa tiếng Việt - Miên ?! Này nhé, nều bạn khéo léo nhận xét một chút,

[Quyển "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" sẽ hướng dẫn cho bạn], thì hãy nói :

tay chân nguời Miên cung nói là đay châng

dơ tay lên thì nói là gio đay long !

đặt tay xuống // đặk đay xóh

đất đai // đai

đốt pháo // đôk phao

năm mới // ch-năm th-mây

một ngày mới // muôi th-ngày th-mây

luôn tay luôn chân // ruôl đay ruôl châng

Đó, chỉ có những biến đổi nhỏ nhặt như thế sau ba chục ngàn năm, bảo sao các nhà ngữ học không dồn tiếng Việt vào chung với tiếng Miên [Khmer] ?

Thật ra phải xem trọn 27400 tiếng một của Việt và lấy ra đuợc 28% chung gốc với Miên, thì bạn mới thấy được sự giống nhau hết biết luôn giữa hai thứ tiếng anh em đó, nhưng đó lại là một chuyện khác !

Tôi xin dừng lại và sẽ trình bày sự giống nhau giữa tiếng Việt và tiếng Mường trong lần tới. Sẽ có 58 lần như vậy vì tiếng Việt giống nhau với 58 thứ ngôn ngữ khác ở Đông nam Á, kể cả với tiếng Muờng, lẽ tất nhiên… vì các nhà ngữ học đều xem tiếng Muờng là tiếng "tiền Việt"vì không có tiếng nào giống tiếng Việt cho bằng nó !

***********************************************

Câu thơ nôm này đã làm "điên cái đầu" mấy ông Hán Việt, vì ý nghĩa của nó rất hóc búa

Có bao nhiêu "cộc" trong tiếng Việt ?

1/ con chim cộc / không hợp nghĩa


2/ cộc lốc / nghĩa đen

Eng : short, terse

Fr : court, écourté, bref

Nùng : cọt ngắn, cụt

Slừa khén cọt áo cánh cụt

Thái : cộc ngắn, cụt, cộc

Khộc ngắn, cụt, cộc


3/ cộc cằn thô lỗ, lỗ mãng / nói năng cách cộc lốc, sẵng, sỗ sàng

English : rude, gruff, rough, coarse, insolent, impudent, vulgar, temperamental, offensive, hurting, upsetting, harsh (used as adjective, attribute, adverb)

French : grossier, offensif, offensant, déplaisant, rude

Đồng nguyên vơi cộc là

Chàm : gôk đụng chạm

đôm gôk nói đụng chạm

gôk klêch cộc cạch / có tôi loi

chm-kôk cộc cằn

Eng :to hurt, harm, offend, hit, rail, blast at someone

Fr : blesser, offenser, rudoyer qqn, bougonner

Khmer : xằng khôk đụng chạm, xúc phạm ai

Thái : t-cộc nói nặng, nói xóc óc

t-khộk nói nặng, nói xóc óc

sr-kôk nói móc họng

xara kôk nói mất lòng

kộk kệk cộc kệch

k-kằn k-kôk cộc cằn

kr-kôn kr-kộk cộc cằn

Pali / Sanskrit-Thái :

kr-kanh kr-kok cộc cằn

bourru, grossier, rude, irascible, emporté colérique, insolent, bougon, blessant/bougonner, rudoyer, offenser blesser qqn par des paroles impolies ou remarques déplaisantes

Nguyễn Trãi chỉ muốn nói : "chẳng muốn đụng chạm đến ai, chỉ nói chơi vậy thôi"

Chẳng cộc nhân gian gởỉ chơi



Bs Nguyễn hy Vọng
viethoaiphuong
#20 Posted : Monday, June 5, 2006 8:46:42 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tôi - VHP xin ghi danh học lớp "tiếng Việt" trong khuôn viên Đại Học của prof. SA , nhưng miễn phí nha, vì tôi nghèo lắm về tiền, chỉ giàu "tình-thơ" thôi, nếu thầy thương tôi cho tôi theo thầy học chữ nghĩa và cuộc đời ạ!!
Đa tạ những bài viết rất hay của thầy!!
Tiện hôm nay đọc bài viết về chữ "Hán" trong cái site này "http://vietsciences.free.fr/"- trò "vẽ đường" cho thầy "rẽ" qua đó đọc những bài về "văn hóa Việt Nam",... nghĩ là thầy sẽ thích cũng nên !
Trò ngoan - VHP
Users browsing this topic
Guest (21)
3 Pages123>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.