Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,837 Points: 0
|
Nghệ sĩ ưu tú Tô Kim Hồng: Đôi mắt là "hồn" của người diễn viên Có lẽ chính vì có đôi mắt sắc và đẹp nên Nghệ sĩ ưu tú Tô Kim Hồng thường được vai đào lẳng. Chị cũng là một trong số ít những nữ nghệ sĩ cải lương đặc biệt thành công với loại vai này. Cái lẳng của chị không bao giờ đi quá xa để vi phạm thuần phong mỹ tục mà thường dừng lại ở chỗ là biểu hiện của những người đàn bà đẹp và biết phát huy thế mạnh của mình một cách khôn ngoan, khéo léo.
Thành công nổi bật nhất của Nghệ sĩ ưu tú Tô Kim Hồng là vai Điêu Thuyền trong "Phụng Nghi Đình". Đây là một vai diễn rất nổi tiếng không chỉ vì nó là một nhân vật lịch sử quen thuộc mà còn vì nó đã được rất nhiều tên tuổi lớn của sân khấu cải lương thể hiện. Trong số đó, cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga và Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương là hai cái tên được nhắc nhở nhiều nhất. Điêu Thuyền, cũng như hầu hết các nhân vật của Thanh Nga, đáng yêu ở đường nét yểu điệu kiêu sa và thu hút bởi như có một điều bí ẩn nào đó ẩn giấu trong nụ cười, ánh mắt. Còn Điêu Thuyền của Kim Cương thì quyến rũ bởi sự dịu dàng tha thướt. Thoạt trông, Điêu Thuyền của Tô Kim Hồng không được “bắt mắt” như thế. Nhưng theo chiều dài vở diễn, nhân vật của chị càng lúc càng thu hút bởi sự khai thác chiều sâu tâm lý.
Trong lớp Điêu Thuyền bái nguyệt, sau khi nghe mưu lược mỹ nhân kế của Vương Tư Đồ, Điêu Thuyền than thân : “Thân con phận gái hai chồng”. Hai tiếng “hai chồng” được Tô Kim Hồng nói ngắt quãng và nhỏ giọng xuống, như muốn gượng nhẹ, khỏa lấp đi nỗi đau khổ trong lòng. Khán giả xem "Phụng Nghi Đình", thường thích nhất là lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền. Nhưng với Điêu Thuyền - Tô Kim Hồng, lớp về với Đổng Trác lại đem lại nhiều cảm giác thú vị hơn. Nếu cảnh Điêu Thuyền vòi vĩnh Đổng Trác đủ điều với điệu bộ ngúng nguẩy và nhí nhảnh mang đậm chất hài thì ngay sau đó, khi Lữ Bố xuất hiện, tình thế trở thành bi hài. Tô Kim Hồng đã thể hiện tâm trạng của Điêu Thuyền trong cuộc giáp mặt này thật hoàn hảo. Cử chỉ nàng vẫn lả lơi cùng Đổng Trác nhưng ánh mắt lại trao tình cho Lữ Bố. Mỗi lời thoại câu ca đều xa gần hướng tới Lữ Bố với một vẻ chân thành đến tội nghiệp. Một mặt nàng đã sử dụng chiêu bài “mỹ nhân kế” quá thuần thuật, nhưng mặt khác, lại là bày tỏ tình cảm chân thật trong lòng. Bởi vì giữa nàng và Lữ Bố ít nhiều phải có sự cảm mến giữa trai anh hùng gái thuyền quyên.
Không nổi tiếng như Điêu Thuyền, nhưng cô ca sĩ Phương Thúy trong “Tìm đến một bài ca” (vở này còn có tên là Cho Trọn Cuộc Tình) trên sân khấu Sài Gòn 1 cũng là một vai hay của Nghệ sĩ ưu tú Tô Kim Hồng. Đây là một nhân vật không thật đặc sắc trong một kịch bản thành công ở mức độ vừa phải. Nhưng điều đáng nói là Phương Thuý đặc biệt phù hợp với cái “tạng” của Tô Kim Hồng. Cô là một ca sĩ sống hoàn toàn duy cảm, tuy chưa đến nổi buông thả. Cô tôn thờ một tình yêu tuyệt đối, bất chấp những thay đổi xã hội của đời sống xung quanh. Với mái tóc đài bồng bềnh, tà áo dài máu sáng, và – dĩ nhiên – ánh mắt sắc sảo như luôn hướng về một cỏi xa xăm nào, Phương Thuý của Tô Kim Hồng đúng là hình ảnh “em vẫn là người em sầu mộng của hôm nào”.
Một vai diễn nữa tuy là vai phụ những cũng rất khó quên là bà Huyện trong Ngao Sò Ốc Hến. Lớp bà Huyện đánh ghen với diễn xuất quăng bắt của hai Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền – Thanh Kim Huệ đã đem lại cho khán giả những tràng cười nghiêng ngả. Vừa thấy mặt chồng bà hỏi: “Ông đi đâu mà giữa đêm hôm tăm tối như thế này?”. Ánh mắt liếc sắc ngọt và câu nói về cuối hạ thấp giọng xuống trong một cái nghiếng răng không thành tiếng. Rồi bà bắt đầu kể lể: “Tôi lòn cúi khắp các cửa quan, tôi đút lót nhiều của quí. Tôi chịu cực phải còng lưng năn nỉ, để ông được ngồi cao với áo lụa khăn là”. Đứng trên cương vị của bà Huyện thì đó là tâm sự chân thành của người vợ thương chồng, nhưng từ góc độ của khán giả thì lại là một sự hé lộ chân tướng của một bậc “phụ mẫu chi dân”. Cái khó của diễn viên là phải vừa thể hiện được sự mủi lòng của nhân vật đồng thời vẫn duy trì được cảm hứng phê phán trào lộng trong tâm lý người xem. Bà Huyện không được phép tự cười cợt tấm chân tình của chính mình, mà khán giả lại cũng không thể cảm động theo bà. Tô Kim Hồng đã xử lý tốt lớp diễn này. Bà huyện của chị khóc sụt sùi rất thật, nhưng từ cách rút chiếc khăn cho tới cách chậm nước mắt đều có vẻ kiểu cách đỏm dáng. Do đó khán giả không thể lây sự xúc động của bà mà càng thấy nực cười cho cái cốt cách trưởng giả học làm sang.
Cuối cùng phải nhớ tới một vai đào nhì: Phương Thành trong "Áo cưới trước cổng chùa" của đoàn 2-84. Bên cạnh một Xuân Tự lấy hết nước mắt của người xem, sự trong trẻo của Phương Thành đã giúp khán giả lấy lại sự cân bằng. Tô Kim Hồng đã khắc hoạ hính ảnh một Phương Thành “tính vẫn ngây thơ như thời còn để chỏm” thật đáng yêu. Tình bạn của Xuân Tự và Phương Thành là một tình bạn quá cảm động hiếm có của cải lương. Khi Xuân Tự ký thác cho Phương Thành nắm tóc, cô nhận bằng cả hai tay. Hành động đó biểu lộ sự trân trọng, lại nhất quán với lời ca của bài Phụng hoàng tiếp theo: “Cằm nắm tóc em trao tay nghe trĩu nặng ân tình”. Đến khi Phương Thành nhận lời Xuân Tự gá nghĩa với Tô Châu, trong ngày đám cưới, cô không giấu được niềm vui của một cô đâu mới, lại vừa sợ làm thương tổn đến tình cảm của Xuân Dự. Diễn xuất của Tô Kim Hồng thật duyên dáng. Cô vừa cười thẹn thùng: “Ai cũng khen anh Tô Châu là một chàng trai chất phác hiền lành. Ai cũng nói ảnh thật đẹp đôi với con nhỏ Phương Thành” đã giật mình liếc nhanh Xuân Tự rồi nhìn xuống đất. Và cuối cùng cô lo lắng: “Sợ ảnh chê chị là cô gái quê mùa, cưới về ba bữa ảnh đuổi xua ra đường”. Dứt câu vọng cổ, Phương Thành hất tà áo dài, rút hai chân lên ngồi bệt xuống bộ ván gõ gọn gành đúng y phong cách mộc mạc của thôn nữ miền Tây.
Sự nghiệp của Tô Kim Hồng có thể là không thật rực rỡ với nhiều giải thưởng, huy chương, nhưng chị vẫn là một gương mặt để lại nhiều dấu ấn riêng và đẹp trong đời sống sân khấu.
Sưu Tầm
|