Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tai ương và từ thiện
viethoaiphuong
#1 Posted : Monday, October 5, 2009 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tai ương và từ thiện

Mai Ly
October 5, 2009


Một lần nữa tai ương lại đến với nước Việt Nam. Trận bão Ketsana đã gây bao thiệt hại về nhân mạng, tài sản, tài nguyên thiên nhiên. Người dân lại màn trời chiếu đất. Trẻ con lại côi cút, vợ chồng lạc mất nhau trong cơn cuồng phong. Người già bơ vơ. Hình ảnh trên truyền hình và các trang mạng, lại cảnh màn trời chiếu nước, sống nhờ vào lòng hảo tâm của người, không người Việt hải ngoại nào không xao xuyến.

Nhìn vào những món tiền, những phẩm vật cứu trợ cấp tốc gởi từ Úc và các nơi về những vùng đang bị nạn mà lòng bồi hồi xúc động.

Những người Phi Luật Tân ở nước ngoài không mấy quy tụ thành hội đoàn, đoàn thể để lạc quyên cứu trợ người dân của họ trong nước. Họ tặng tiền, tặng thực phẩm trực tiếp cho Hội Hồng Thập Tự, World Vision, Salvation Army, St Vincent De Paul v.v..., tức là những cơ quan từ thiện quốc tế. Người Phi Luật Tân tại Sydney không hợp lại thành một tổ chức mang tên “Cộng Đồng Người Phi Luật Tân Tự Do” như người Việt, với tổ chức Cộng Đồng Người Việt Tự Do. Họ không – và không cần – cơ cấu hàng dọc ( với Ban Chấp Hành được bầu qua lá phiếu mỗi hai năm , Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát để giúp đỡ Ban Chấp Hành) và cơ cấu hàng ngang (là các Hội Đoàn, Đoàn thể và cá nhân). Đơn giản là vì họ không cần phải nỗ lực chống đối cái nhà nước đang cai trị và làm dân khổ sở nơi xứ họ. Người Phi Luật Tân đến định cư tại Úc do sự lưạ chọn của chính họ. Họ bỏ nước Phi Luật Tân để đến Úc định cư vì sinh nhai, kẻ đi trước bảo lãnh người đi sau. Họ đến Úc với bằng cấp hoặc một ít tiền để lập nghiệp. Họ không bỏ chạy chế độ đang cai trị ở xứ họ. Họ không phải là người tỵ nạn trốn thoát khỏi nhà cầm quyền trên quê hương họ.

Nhận được tin bão Ketsana hoành hành, một số người Phi Luật Tân đã tức tốc bay về Manilla để tìm thân nhân và cứu trợ. Một số khác không về thì hợp tác với các nhà thờ tại Úc để quyên tiền và tặng phẩm. Một số khác nữa thì vận động đóng góp thẳng với các cơ quan từ thiện quốc tế như Hội Hồng Thập Tự, World Vision, Saint Vincent De Paul v.v....Họ biết rằng những số tiền này, những tặng phẩm này sẽ đến tay người thân của họ. Có sự kiểm soát. Người dân có niềm tin với những người đang nắm vận mệnh đất nước họ. Mặc dù Phi Luật Tân không có sự ổn định chính trị, nay đảo chánh, mai xuống đường, nhưng dù sao, chính quyền nào tại Phi Luật Tân, dù có tham nhũng cách mấy thì cũng thương dân hơn là CSVN. Bằng chứng là không có chính quyền nào tại Phi Luật Tân lại đem bán dân bán nước, cắt đất dâng biển cho ngoại bang và tảng lờ khi các tàu Trung Quốc, mà họ gọi là tàu “lạ”, tung hoành gây chết chóc tang thương cho người dân.

Người Indonesia tại Úc cũng vậy mà thôi.

Riêng người Việt tại Úc thì khác.

Cứ mỗi lần tai ương ập đến một miền nào đó tại Việt Nam, lòng người Việt Nam tha hương se lại. Bao nhiêu câu hỏi dằn vặt trong lòng. Giúp thì có đến tay dân lành không? Hay là sẽ bị nhà nước tinh vi chặn lại như đã xẩy ra bao lần trong quá khứ ? Gương Hòa Thượng Thích Quảng Độ đi cứu trợ bị chặn lại vẫn còn sờ sờ ra đó.

Những kẻ ăn trên ngồi chốc tại VN, những đảng viên với tài sản chìm nổi lên đến hàng triệu Mỹ kim, họ có giúp không? Hay là họ thản nhiên chờ viện trợ quốc tế? Họ ngồi trên đống tiền rút tỉa từ xương máu đồng bào để chờ những con bò sữa người Việt hải ngoại gởi về cứu trợ cho người dân đang lâm nạn?.

Người Việt tại Úc đang lạc quyên khắp nơi, từ nhà thờ đến chùa chiền đến cá nhân, qua từng đồng bỏ giỏ lạc quyên đến các buổi văn nghệ, các bữa cơm gây quỹ. Ôi thì đủ mọi cách để những người tổ chức xin được càng nhiều tiền càng tốt để gởi về Việt Nam, không cần biết là số tiền đó sẽ đi đâu. Cán bộ CSVN thì vỗ tay, dân đói dân khổ, nay dân còn bị tai ương nữa, nhằm nhò gì ? Đã có “khúc ruột xa ngàn dặm” lo rồi.

Chợt nghĩ, trong số người Việt đang sống tại Úc có rất nhiều du sinh con ông cháu cha, giàu sụ, vung tiền qua cửa sổ. Một ngày họ có thể sắm sửa thời trang hay tiêu pha cho rượu chè lên đến cả ngàn Úc kim. Lại có những tên Việt cộng sống quanh quất trong cộng đồng người Việt. Họ có bớt vung tiền qua cửa sổ không? Hay họ vẫn tiếp tục mua nhà sắm xe, để cho người Việt tỵ nạn ky ca ky cóp làm bổn phận cứu trợ?

Cái đau của người Việt ly hương mỗi lần tai ương ập đến quê nhà là: không thể tự nhiên đóng góp như những người thuộc các sắc tộc khác, không thể nhắm mắt tổ chức lạc quyên, lần này như người bạn Phi Luật Tân, Indonesia, Samoa v.v, không thể làm thay “job” cho CSVN trong nước và ngoài nước đang lạnh nhạt nhìn những con thiêu thân tốt bụng lăn xả vào những việc từ thiện để CSVN được rảnh tay. Đau đớn lắm, nhức nhối lắm!

Chính vì vậy mà cơ chế Cộng Đồng Người Việt Tự Do cần phải bảo vệ hơn bao giờ hết để sớm đem lại niềm tin, niềm hãnh diện cho người Việt, một khi nước Việt Nam không còn người CS cai trị. Lúc đó người dân Việt sống tại nước ngoài sẽ đổ dồn về cứu trợ người dân trong nước, trong mọi lúc chứ chẳng phải đợi tai ương đến. Tiền sẽ được gởi về nước Việt Nam tự do một cách thoải mái bởi vì tin chắc rằng đồng tiền đó sẽ đem lại cơm no áo ấm cho dân, sẽ giúp giữ gìn non sông được toàn vẹn. Ngày nào còn CSVN, ngày đó dân Việt còn điêu linh, cả trong nước lẫn ngoài nước.

Đóng góp thẳng cho các cơ quan từ thiện quốc tế như World Vision, Red Cross, với tư cách là một công dân Úc, có lẽ bảo đảm hơn và đỡ phải nhức nhối thấy những quan lớn CSVN reo mừng nhận những khoản từ thiện mang danh nghĩa từ người Việt Nam Hải Ngoại, bởi vì CSVN được rảnh tay và lại còn được chấm mút đâu đó.

Cạnh việc “gãi ngứa lương tâm” này, thiết tưởng còn cần việc tiếp tay giữ vững cộng đồng hải ngoại, hợp lực chống cộng để sớm đem lại tư do no ấm cho người Việt trong nước, đem lại niềm tin và hãnh diện cho mọi người Việt Nam.

Cô bạn người Phi Luật Tân, bà hàng xóm người Indonesia thoải mái giúp dân họ trong cơn hoạn nạn, rất tự nhiên. Họ có biết đâu họ đang là một sự thèm thuồng cho người Việt hải ngoại .

Mai Ly
6/10/2009



Nguon trich:

http://tamthucviet.com/a...view.a...=%c5%b8G%1f%5e
viethoaiphuong
#2 Posted : Tuesday, December 15, 2009 6:19:57 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nhân đạo giả, từ thiện vờ !(*)


Ngày 11-12-2009, giờ 02:38

(Nguyễn Mỹ Linh) - Khi viết bài “Mùa Từ Thiện” tôi đã nhìn thấy trước “chắc chắn là bài viết này sẽ làm cho nhiều người khó chịu hay nổi giận, nhất là các hội đoàn từ thiện hay cơ quan truyền thông đang chăm chú kêu gọi cứu trợ bão lụt miền Trung Việt Nam”. Vì vậy thật không có gì ngạc nhiên khi tôi đọc bài trả lời gần đây của một nhà từ thiện lỗi lạc và nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ (và ngay cả ở Việt Nam nữa chứ !).

Để viết được “Mùa từ thiện”, đúng như lời một vị độc giả đã nói là nhờ trải qua “kinh nghiệm xương máu”, tôi đã không còn lạ gì với các chiêu thức mà các cai thầu từ thiện cho VN đã dùng để quyên tiền bá tánh tứ phương. Cho nên tôi cũng không ngạc nhiên với chiêu bài lấp liếm nhằm khích động cái “thiện” trong mỗi con người, đại loại như “Ai làm được điều gì chúng ta nên trân trọng. Ai chưa làm được một chút gì chúng ta nên khuyến khích. Thiết tưởng những điều ấy tốt hơn là không làm gì cả. Hay tệ hơn là chỉ biết chê bai” (Trịnh Hội, “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện”, báo Người Việt Online, 28 tháng 11, 2009).

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhất là đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản VN thì tôi tin chắc là mỗi người trong chúng ta không nhiều thì ít, bằng cách này hoặc cách khác, đều đã đóng góp cho người VN ở quê nhà trong suốt bao năm qua. Vì vậy nếu bài trả lời đó hàm ý rằng tôi (hay bất cứ ai trong chúng ta) “không biết làm gì chỉ biết chê bai” thì tôi e rằng những lời lẽ đó quá hồ đồ, thiếu suy nghĩ, mang tính tự mãn, tự cao, và đầy ác ý, nhất là đối với một người mà ông chưa từng quen biết.

Xin thưa:

“Rằng tôi thân phận đàn bà,
Đi làm, bếp núc, cửa nhà, chồng con.”

Là một người rất bình thường, “vô danh, tiểu tốt” như biết bao người Việt tỵ nạn bình thường khác đang sống trong một cộng đồng người Việt to lớn ở quận Cam, chắc chắn là tôi không dám so tài với nhà làm việc từ thiện nổi tiếng kể trên. Và dĩ nhiên, so với những công việc từ thiện vĩ đại mà ông đã làm thì những đóng góp từ thiện nhỏ nhoi của tôi thật chẳng “nhằm nhò” gì để mà kể lể. Nhưng không phải vì thế mà những đóng góp từ thiện nhỏ bé đó của tôi lại có thể biến tôi trở thành người “chưa làm được một chút gì” hay “không làm gì cả” như ông đã chụp mũ.

Tương tự như vậy, với công việc làm hèn mọn của mình, chắc chắn là tôi không đóng thuế nhiều bằng các chuyên gia lỗi lạc, nhưng đó là sự đóng góp công bằng của tôi đối với xã hội, và chắc chắn là nó công bằng hơn nhiều so với số tiền đóng thuế rất khả nghi của nhiều vị cai thầu từ thiện đi mây về gió giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là chưa kể nhiều vị nhân danh “tổ chức từ thiện & phi chính trị” để thỏa mãn tham vọng thầm kín cá nhân thấy mình trở thành nổi tiếng không thua gì Bồ Tát cứu nhân độ thế, hoặc thánh Martin de Pores của thế kỷ 21. Và còn tệ hơn nữa khi tôi khám phá ra rằng có những vị quảng cáo ầm ĩ trên radio & tivi cho công tác cứu trợ ở Việt Nam nhưng họ vẫn tiếp tục ăn “welfare” ở Mỹ.

Như vậy thì ai đáng “chê bai” ở đây ?

Còn bảo rằng bài viết “Mùa Từ Thiện” đã “chính trị hóa một vấn đề hoàn toàn nhân đạo” thì xin thưa là chính Cộng Sản Việt Nam đã “chính trị hóa” các công tác về nước làm từ thiện của một ông thiền sư nổi tiếng khi ông về nước bỏ ra hàng triệu dollars tiền đóng góp của người Việt hải ngoại để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho công cuộc từ thiện ở VN, và cũng chính Cộng Sản VN đã và đang “chính trị hóa” các tu sĩ Bát Nhã chỉ biết lặng thinh cầu nguyện, không một tấc sắt cầm tay khi công an VN tấn công, qui tội họ là “vi phạm luật pháp VN” và quyết truy đuổi họ đến tận cùng.

Bạn nghĩ sao nếu chính bạn đã giao tiền bạc cho ông thiền sư để xây dựng những cơ sở từ thiện ở Bát Nhã ? Bài học của ông thiền sư và các môn đệ của ông vẫn còn mới toanh, và còn đang tiếp diễn ở VN. Tôi tin chắc là đã có nhiều bài học “bỏ của chạy lấy người” khác nữa mà các nhà làm việc từ thiện “chui” của chúng ta đã và đang “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu khó “ngậm đắng nuốt cay vì chính nghĩa từ thiện”, hoặc “im lặng là vàng” để “chìm xuồng” luôn hàng trăm ngàn dollars “lót tay” cho công an nhà nước VN như một vài chuyện tôi đã được nghe qua. Như vậy thì ai là kẻ đã “chính trị hóa” vấn đề làm từ thiện ở Việt Nam ?

Có thể tôi và nhiều người VN bình thường khác trong cộng đồng không có công đóng góp nhiều bằng nhà làm việc từ thiện lỗi lạc và tiếng tăm kia. Chúng tôi cũng không có “thành tích” làm việc chung với “nữ xướng ngôn viên khả ái” này, hay cô MC duyên dáng nọ, hoặc ông nhạc sĩ nổi tiếng kia như ông đã hợm hĩnh khoe khoang trong bài “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện”. Chúng tôi cũng không làm được chuyện như gọi điện thoại mời cô ca sĩ này hay “anh em nghệ sĩ “ nọ tham gia trình diễn văn nghệ cứu trợ VN như ông đã kể lể trong một bài viết khác để tự “nâng bi” chính mình. Thế nhưng những đồng tiền đóng góp âm thầm và nhỏ nhoi của chúng tôi cho Việt Nam là do chính mồ hôi, công sức làm ra mà chúng tôi đã chắt chiu, dè sẻn sau khi trả tiền thuế, tiền nhà, tiền bills, tiền xe, tiền học, tiền lo cho con cái, … Đó là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt mà đáng lẻ chúng tôi phải dành dụm để trả tiền college cho tương lai sau này của các con nhưng vì thấy chúng còn nhỏ, chưa cần gấp nên chúng tôi đã không ngần ngại khi bỏ số tiền đó vào các thùng tiền cứu trợ VN của quý vị. Chính vì vậy mà tự nhiên chúng tôi cảm thấy xót xa khi nghe những chuyện thất thoát hàng trăm ngàn dollars để “lót tay” hối lộ cho nhân viên nhà nước VN. Và đương nhiên chúng tôi có quyền tự hỏi thực sự có bao nhiêu tiền đã đến chính tay nạn nhân cần được cứu trợ, có bao nhiêu tiền quảng cáo đã chi cho báo, đài, tivi, có bao nhiêu tiền “lo lót” cho “lệ phí hành chánh”, bao nhiêu đã tiêu vào vé máy bay, khách sạn, di chuyển xe cộ, và có bao nhiêu tiền các nhà làm việc từ thiện “chui” đã tiêu dùng để “chén chú, chén anh”, và các cuộc mây mưa khác với cán bộ Cộng Sản trong chuyến “công tác du lịch” về VN ? Hay chúng tôi không có quyền đếm xỉa vì đó là tiền “chùa”, hoặc “của chung không ai khóc”?

Bao năm qua chúng tôi đã nghe ra rả những lời kêu gọi cứu trợ cho VN ở trên các phương tiện truyền thông, hết cơn bão này tới nạn lụt nọ. Nhưng tuyệt nhiên không có quý vị nào cho chúng tôi một bản báo cáo chi tiết là số tiền quyên góp đã được dùng vào những việc gì, đã trả cho những ai, có biên nhận hay không, …. Sau hàng tiếng kêu gào cứu trợ đủ loại trên tivi, radio, sau những buổi trống kèn văn nghệ đình đám là một sự im lặng khó hiểu, để rồi chúng tôi lại tiếp tục nghe thêm những đợt kêu gọi cứu trợ triền miên và bất tận khác cho VN.

Ắt hẵn các nhà làm từ thiện thừa biết rằng khi thu tiền dưới danh nghĩa từ thiện mà lại tiêu dùng mờ ám, không biên nhận, sổ sách, báo cáo rõ ràng để nhân viên sở thuế có thể “audit” là vi phạm luật thuế Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến tội biển thủ (embezzlement), gian lận (fraud), và cũng chưa kể đến tội giấu giếm không khai báo cho quan thuế (US Customs) khi mang trong người hơn $10,000 tiền mặt ra khỏi nước Mỹ. Chỉ mới điểm sơ sơ qua luật pháp Hoa Kỳ thôi nhé, chưa kể đến luật rừng của VN, và chắc có lẻ các “dịch vụ” từ thiện nên nghĩ đến việc chịu trách nhiệm (accountable) cho mỗi đồng bạc thất thoát không biên nhận.

Viết đến đây tôi cần phải mở ngoặc để cảm ơn sự minh bạch, rõ ràng của vài hội đoàn cứu trợ các thương phế binh VNCH mà tôi đã được xem qua các bảng báo cáo trên báo chí, và đặt đây là trường hợp ngoại lệ mà tất cả chúng ta cần phải tiếp tục ủng hộ vì ai cũng biết rằng nhà nước VN sẽ mãi mãi coi họ là kẻ thù, không thuộc diện “nhân dân” để nhà nước có bổn phận chăm sóc. Điều này còn được thể hiện qua một sự kiện đã được báo chí đề cập đến là các nghệ sĩ ở trong nước đã không dám lên sân khấu trình diễn trong một buổi văn nghệ lạc quyên cứu trợ thương phế binh VNCH tại quận Cam, mặc dù họ vẫn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình lạc quyên khác của giới cai thầu từ thiện cho VN.

Hãy nhìn lại suốt hơn 30 năm qua chúng ta đã có bao nhiêu công cuộc cứu trợ cho VN ? đã có bao nhiêu hàng tỷ dollars đổ về VN như đổ nước vào một chiếc bình rỗng không đáy trong khi dân nghèo VN ngày càng nhiều hơn, nghèo hơn, và giai cấp thống trị & tư bản đỏ càng giàu hơn và tham nhũng hối lộ nhiều hơn, tinh vi hơn ? Xin nhìn cho rõ vấn đề mà bài viết “Mùa Từ Thiện” đã nêu ra là tại sao các công cuộc kêu gọi cứu trợ và làm việc từ thiện cho dân nghèo VN lại không tập trung, không chú ý vào giai cấp thống trị và đám nhà giàu nhàn rỗi, dư tiền, lắm của ở ngay chính VN ? Chúng tôi hoàn toàn đồng ý là những con người nghèo khổ và đáng thương ở VN kia rất cần được giúp đỡ, chỉ xin các nhà cai thầu từ thiện vui lòng chuyển “mũi dùi tấn công” của quý vị đến đám nhà giàu, đầy quyền thế ở VN và đến cả đám “celebrities” mang nhãn “Ziệt kiều” (hay Việt gian ?) đang sống đề huề với Cộng Sản VN.

Vì sao ư ? – Vì con bò Mỹ quốc này đã cạn kiệt bơ sữa, và đang gầy đói giơ xương sau hơn 30 năm bị vắt kiệt, vì chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng, vì cộng đồng chúng ta vẫn còn nghèo, còn nhiều vấn nạn phải lo toan, còn nhiều nợ nần chưa trả đối với những quốc gia đã cứu vớt chúng ta trên bước đường tỵ nạn, vì chúng ta còn bổn phận công dân đối với chính đất nước đã và đang cưu mang chúng ta bao năm qua và sẽ còn tiếp tục cưu mang gia đình & con cháu chúng ta trong tương lai. Chỉ có đơn giản và dễ hiểu vậy thôi ! Xin đừng mất công diễn dịch thêm bài viết “Mùa Từ Thiện”, đừng hiểu lầm, đừng xuyên tạc, đừng lấp liếm, xập xí xập ngầu mà qui tội, chụp mũ cho bài viết “Mùa Từ Thiện”, hoặc lợi dụng nó để tô bóng, đề cao cái mác “Việt gian yêu nước” hay “celebrity” cho chính mình. Tội lắm, ai ơi !

Cứ thử nghĩ mà xem, mái nhà bạn bị dột tứ tung trong cơn dông tầm tã thì bạn sẽ lo cứu nhà mình trước hết, hay bạn sẽ bỏ mặc con cái bạn ở đấy để chạy qua bên kia đường “ra tay nghĩa hiệp” cứu giúp cho nhà cửa đang bị lụt của cái anh nhà giàu nứt đổ vách người VN ? Và sau khi bạn đã tạm ổn định căn nhà của bạn, tôi hy vọng là bạn sẽ nghĩ đến hai căn nhà vọp vẹo đang bị dông bão tứ bề của ông hàng xóm X và bà hàng xóm Y ở ngay sát hai bên nhà bạn vì ngày xưa lúc bạn còn nghèo rách mồng tơi, hai nhà hàng xóm này đã không “kỳ thị” khi cho bạn tạm tá túc mặc dù họ cũng chẳng khá giả gì và mặc dù bạn không cùng màu da, tiếng nói với họ. Hay nay bạn sẽ kỳ thị, không mủi lòng giúp họ chỉ vì họ không phải là người Việt Nam ?

Cũng có vị độc giả đắn đo “nếu không giúp thì nhà nước Việt Nam cũng chẳng bị hại chút nào. Thử nhìn sang Bắc Hàn mà xem. Dân càng nghèo đói thì nhà nước độc tài chỉ càng mạnh thêm mà thôi“. Xin thưa là nhà nước VN có bị hại hay không thì lịch sử sẽ có câu trả lời trong tương lai và chúng ta hãy kiên nhẫn để cho bánh xe tiến hóa của lịch sử có cơ hội làm việc. Sự “bảo bọc” của chúng ta đối với VN hơn 30 năm qua rõ ràng là một sức cản lớn đạp bàn thắng kềm hãm vòng quay bánh xe tiến hóa của đất nước vì chúng ta chỉ “chữa cháy” ở ngọn, chứ không ở gốc. Trong những ngày tháng đen tối bị giam hãm ở trong tù, nếu ông Lech Walesa (lãnh tụ công đoàn Đoàn Kết) chua chát nghĩ là chế độ CS ở Ba Lan sẽ “cũng chẳng bị hại chút nào” vì xe tăng của Liên Xô sẽ tràn vào bảo vệ đàn em CS Ba Lan như họ đã từng làm trong thập niên 1960s thì chắc chắn là ông đã dẹp bỏ công đoàn Đoàn Kết từ lâu và ông đã không bao giờ trở thành tổng thống đầu tiên của một nước Ba Lan không cộng sản, và dĩ nhiên là chuyện đó đã không xảy ra trong một sớm một chiều. Vì vậy xin hãy kiên nhẫn và hãy để cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước có cơ hội. Cũng xin đừng so sánh Bắc Hàn với Việt Nam hiện nay vì đó là sự so sánh “orange” với “apple”. Bắc Hàn hiện nay chỉ có thể so sánh với miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của VN trước 1975 khi dân chúng còn mù quáng tin vào chế độ, vào lãnh tụ, vào hy sinh gian khổ “hạt muối cắn làm đôi” để giải phóng miền Nam “bị Mỹ Ngụy kềm kẹp”. Họ chỉ mở mắt khám phá ra rằng mình bị nhà nước CS lừa bịp khi vào tới nhìn miền Nam sau 30 tháng 4, và đó cũng là lý do cho làn sóng vượt biên của dân miền Bắc VN đến Hồng Kông sau 1975. Bắc Hàn vẫn chưa đạt đến giai đoạn này.

Dù biết rằng có rất nhiều độc giả đồng ý với bài viết “Mùa Từ Thiện”, tôi vẫn không tin là bài viết đã “đập vỡ nồi cơm” của các cai thầu từ thiện cho VN như một độc giả đã lo xa. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Bằng chứng hùng hồn là sau khi bài viết “Mùa Từ Thiện” được tung lên các mạng điện tử (đa phần là nhờ các độc giả làm giùm chuyện này) thì tôi vẫn tiếp tục được xem trên tivi những cảnh quyên tiền marathon cho VN mà khán giả gọi vào đóng góp thật vô tư, hào hứng. Thậm chí tôi còn nghe hai ông xướng ngôn viên trên một đài truyền hình ở quận Cam bàn với nhau trước mặt khán giả là hai ông sẽ lập một quỹ từ thiện để giúp VN xây lại “cây cầu tử thần”. Và mùa từ thiện vẫn tiếp tục … nở rộ trong các buổi trình diễn văn nghệ cứu trợ VN thành công ngoài sức tưởng tượng của các nhà cai thầu. Như vậy thì xin các ngài cai thầu từ thiện cho VN cứ yên tâm vì mùa từ thiện của quý vị vẫn … kéo dài. Làm sao mà một bài viết tầm thường như “Mùa Từ Thiện” lại có thể “đập vỡ nồi cơm” của quý vị được ? Ngược lại, tôi xin được mạn phép “trộm” bài thơ Chúc Tết của cụ Trần Tế Xương mà rằng:

“Phen này tôi quyết đi buôn … giỏ” (để quý vị đựng tiền quyên góp từ thiện)
“Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”.

Tuy nhiên, trong tinh thần “nghệ thuật vì nghệ thuật” mà nhiều nghệ sĩ VN đã cổ võ cho việc “giao lưu văn hóa 2 chiều”, tôi mạo muội đề nghị thêm là xin các nhà làm việc từ thiện lỗi lạc cho VN hãy đứng ra tổ chức những buổi đại nhạc hội quy mô, những buổi văn nghệ thật xôm tụ ở ngay tại Việt Nam để kêu gọi quyên tiền từ các nhà tư bản đỏ, các doanh nhân, “celebrities” & “Việt gian yêu nước”, nhất là các quan chức Cộng Sản VN vẫn thường bày tỏ mối “quan tâm ái ngại” đến 3 triệu con dân thuộc “khúc ruột dư ngoài ngàn dặm” để … nhờ họ giúp cho cộng đồng chúng ta “tí” tiền nhằm thay thế và sửa chữa các đường ống nước “fountain drink” dơ bẩn trong các trường học của con em chúng ta, để họ giúp người già trong cộng đồng chúng ta có nơi nương tựa, có trung tâm sinh hoạt, giúp các em học sinh vô gia cư có nơi trú ngụ (vì nhà cửa đã bị ngân hàng xiết nợ), …… So với những số tiền hối lộ khổng lồ và lối xài tiền vung vít của các quan chức Cộng Sản VN thì những sự thiếu thốn và khó khăn hiện tại của cộng đồng chúng ta nào có bỏ bèn gì ? Nhưng xin đừng quên nhắn gửi cho CSVN biết là chớ có mà “chính trị hóa” vấn đề hoàn toàn nhân đạo này với nghị quyết số 36, 39 gì đó nhá !

Tôi nghe đâu tháng 11 vừa rồi Cộng Sản VN đã tổ chức “Đại Hội Ziệt Kiều” lớn lắm. Chẳng hay các nhà làm việc từ thiện đi mây về gió như tác giả của bài “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện” chẳng hạn có tham dự cái Đại Hội đó không ? Quý vị đi đâu hết cả rồi ? Và còn những nghệ sĩ thích “giao lưu 2 chiều” nữa ? Tại sao quý vị không biết lợi dụng cơ hội ngàn vàng này mà “báo cáo” cho Đảng và nhà nước VN biết được những nỗi khốn khó của “khúc ruột dư ngoài ngàn dặm”, để ca bài “bầu ơi thương lấy bí cùng”, để kêu gọi CSVN tinh thần “máu chảy ruột mềm” mà quyên tiền cho cộng đồng mình ? “Chiếc lá” ở ngoài này đã “rách” tả tơi lắm rồi sau hơn 30 năm “đùm” bọc cho quê hương dân tộc VN. May ra kỳ này “chiếc lá” của nhà nước VN và các tay tư sản lớn nhỏ trong nước có “đùm” giùm cho cộng đồng chúng ta một tí được hay không ? Nếu được như vậy thì quý hóa quá, và tôi tin chắc rằng “mùa từ thiện” của quý vị sẽ … kéo dài lê thê, và rất là … được mùa nữa là đằng khác.

Xin gửi lời chúc may mắn đến quý vị “vác ngà voi” ở VN này !

Viết tại Quận Cam, ngày 5 tháng 12, 2009.
Nguyễn Mỹ Linh

Tái bút: Tác giả xin chân thành cảm tạ các độc giả đã có lòng yêu thích bài viết “Mùa Từ Thiện” và đã giúp loan tải bài viết này thật nhanh chóng trên các mạng điện tử. Xin được mạn phép trích lời của một độc giả ở VN : “Hậu quả của thiên tai tại Việt Nam thương tâm thật đó nhưng quý vị cũng nên sáng suốt khi ủng hộ giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng bài viết này nên được gửi đến từng người trong cộng đồng người Việt tại ngoại quốc để họ đọc và suy nghĩ đến tính hiệu quả cũng như hậu quả của việc mình làm”. Tác giả xin trân trọng đa tạ nhận định sáng suốt này, và ước mong bài viết “Mùa Từ Thiện” sẽ được các độc giả tiếp tục giới thiệu đến với mỗi gia đình VN ở hải ngoại.

Nguyễn Mỹ Linh
viethoaiphuong
#3 Posted : Friday, December 25, 2009 11:55:55 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH MIỀN NAM VIỆT NAM

* Yoshigata Yushi *

Trong khi nhiều tờ báo lớn trên thế giới đến Việt Nam trong hai tháng 3 và 4 vừa qua để tìm hiểu và viết về những thay đổi tại Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh, thì ký giả Yoshigata Yushi của Nhật Bản, cũng đến Việt Nam nhưng với tâm tư khác. Ông đến Việt Nam để tìm hiểu điều mà Hà Nội hay nói là 'xoa dịu vết thương quá khư' trong lòng ngưới dân miền Nam. Bài viết sau đây của ông đề cập về số phận chung của những Thương Phế Binh Miền Nam.
"Hãy quên quá khứ, đoàn kết lại để xây dựng đất nước" là câu nói thường được các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lui nhắc tới kể từ khi quốc gia này áp dụng chính sách "đổi mới" vào năm 1986 dưới thời ông Nguyễn Văn Linh. Ngày 30 tháng 4 vừa qua tại Việt Nam, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng lập lại câu này trong những buổi lễ tổ chức mừng "Chiến thắng 30/4". Lời kêu gọi này có gì sai , mà sao người dân Việt Nam không đáp ứng, phải để cho lãnh đạo hô hào hoài suốt gần 19 năm trời.
Bất cứ chuyện gì được coi là đúng khi lý thuyết phải phù hợp với thực tế. Lời kêu gọi phải đi đôi với việc làm còn không thì tất cả đều vô nghĩa. Kêu gọi người ta hãy quên quá khứ thì chính mình cũng phải hòa đồng, cởi mở, đối xử công bằng với tất cả mọi người chứ không được kỳ thị. Ở đây tôi muốn nói đến số phận chung của người thương binh miền Nam hiện nay vẫn còn bị chính quyền kỳ thị cho dù chiến tranh đã kết thúc đúng 30 năm. Họ đang là nạn nhân của một xã hội bị phá sản mọi thứ tại Việt Nam và đang cần, rất cần sự giúp đỡ của mọi người trong chúng ta.
Từ khi áp dụng chính sách "đổi mới", chính quyền Hà Nội đã hé cửa cho một số hội đoàn thiện nguyện (NGO) nước ngoài vào Việt Nam làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã được một người trong tổ chức NGO hướng dẫn đến trung tâm trị liệu phục hồi cho người tàn tật ở Cần Thơ. Tại đây tôi được gặp ông N. V. Công (73 tuổi, một thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa) khập khểnh bước đi bằng đôi nạng gỗ đã quá cũ mèm mà ông ta sử dụng từ năm 1973 đến bây giờ. Một người thương phế binh khác là ông N. C. Hùng (53 tuổi) cụt cả hai chân mà chẳng có một phương tiện nào khác để di chuyển ngoại trừ hai bàn tay. Muốn đi phải dùng hai bàn tay chống để lết. Cả ông Công và ông Hùng chẳng được một cơ quan nào của nhà nước giúp đỡ phải tự kiếm sống bằng những công việc như đan thúng, đan giỏ...
Người nhân viên NGO này cho biết lý do tại sao tổ chức NGO của ông ta lại quyết định chọn con đường giúp đỡ những người thương binh miền Nam. Lý do Sài Gòn là nơi đầu tiên họ được đặt chân đến để hiệp tác cho chương trình xóa đói giảm nghèo mà chính quyèn Hà Nội kêu gọi. Sau khi đi tham quan nhiều nơi tại miền Nam, phái đoàn của tổ chức NGO này ra Hà Nội để tiếp tục cuộc tham quan. Tại Hà Nội và nhiều nơi khác ở miền Bắc, họ cũng được gặp nhiều thương binh bộ đội miền Bắc có người thì ngồi xe lăn. Có người thì đi bằng chân giả hay chống nạng. Người thương binh đã mất đi một phần thân thể của mình cho đất nước thì chính phủ ít ra phải lo cho họ có những thứ đó để giảm bớt trở ngại trong cuộc sống hàng ngày là chuyện đương nhiên. Nhìn những thương binh miền Bắc, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho hoàn cảnh của những thương binh miền Nam mà chúng tôi đã gặp tại Sài Gòn, hay những vùng Lục Tỉnh... là họ đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Đó là lý do chính để tổ chức NGO chúng tôi quyết định công việc giúp đỡ thương phế binh miền Nam. Người nhân viên NGO này còn cho biết thêm là họ được chính quyền Hà Nội chấp thuận cho làm công việc giúp đỡ này nhưng với điều kiện là phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Chúng tôi đã đến nhiều quốc gia làm việc thiện nguyện, nhưng chẳng có một quốc gia nào đặt ra điều kiện kỳ quái như thế, nhưng họ đành phải chấp nhận để mong sao giúp đỡ được những người cần được giúp đỡ.
Nhóm NGO này còn kể tôi nghe rằng họ đã trao tặng các trung tâm trị liệu phục hồi cho người tàn tật nhiều xe lăn, chân giả, nạng gỗ và nhiều thứ khác. Vì thấy mức độ tàn tật quá nặng của ông Hùng cần đặc biệt phải giúp đỡ nên tổ chức chúng tôi tặng riêng cho ông Hùng một chiếc xe lăn. Tặng xong, họ yên chí là từ đây ông Hùng không còn quá nhọc nhằn như trước mỗi khi muốn di chuyển vì đã có phương tiện. Tháng sau họ trở lại gặp ông Hùng thì vẫn thấy ông ta lết đi bằng hai tay. Hỏi xe lăn đâu thì ông Hùng trả lời rằng đã bị nhà cầm quyền địa phương tịch thâu vì cơ quan cho xe không qua trung gian chính phủ, bắt phải đóng tiền phạt mới được nhận xe. Mà ông Hùng lấy đâu ra tiền để đóng phạt. Cuối cùng họ lại phải bỏ tiền túi đóng phạt để nhận xe lăn cho ông Hùng.
Nghe xong câu chuyện về ông Hùng nói trên, tôi không thể hiểu nổi một chính quyền cứ ra rả nói về 'quên đi quá khứ' mà lại có những hành động vô nhân đạo đối với những người đã thua cuộc cách nay 30 năm. Rõ ràng là về mặt ý thức, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt. Bởi vì nếu bảo rằng đây là hành động sai phạm có tính cách cá biệt của những quan chức chính quyền địa phương thì cũng đáng buồn cho Việt Nam vì tại đất nước này ngay đến người tàn tật, bần khốn tận cùng cũng không tránh khỏi nạn bóc lột. Tôi rất chia sẻ vì sao sau 30 năm, người Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh cho sự tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.