Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
"TÔI" HỐNG HÁCH: KHI CÁI TÔI TRỞ NÊN QUAN TÒA CỦA LUÂN LÝ
"Chính cái tôi của ngươi có thật." --William Shakespeare, Hamlet
Trong văn hóa chúng ta, trong khi có một số người từ chối không có linh hồn, một số khác thú nhận rằng tối thiểu con người có một "cái tôi cao hơn." Họ cả quyết rằng, cái tôi này thì không giống với linh hồn, nó cũng không tuân theo mệnh lệnh của luân lý truyền thống hoặc bộ luật luân lý ở bên ngoài. Đúng hơn, đây là một cái tôi mà nó khuôn đúc luân lý cho chính nó. Tuy nhiên, cũng như luân lý truyền thống đối với các tín đồ, luân lý này cũng ép buộc phải trung thành. Điều chúng ta có ở đây không phải là từ chối luân lý, như nhiều tín đồ hoài nghi. Chúng ta cũng không có một mẩu của luân lý. Đúng hơn, chúng ta có một luân lý mới có thể được gọi là luân lý tự do hoặc luân lý trần tục.
Luân lý trần tục này đã đầy dẫy ở Âu Châu, Gia Nã Đại, và Úc, và nó đang tiến bộ mạnh ở Hoa Kỳ. Giờ đây nó đang được xuất cảng sang các nền văn hóa khác, là nơi nó đang thu hút nhiều—nhất là trong giới trẻ. Trong khi luân lý truyền thống có ảnh hưởng trong quá khứ, luân lý trần tục được cho rằng là quy tắc xử thế của tương lai. "Các cuộc chiến văn hóa" ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều vấn đề như phá thai, li dị, và hôn nhân đồng tính, phần lớn có thể hiểu là sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và văn hóa trần tục.
Luân lý truyền thống thì dựa trên ý tưởng rằng trong vũ trụ có một trật tự luân lý mà nó ở bên ngoài và bao trùm chúng ta. Trong thời xưa, trật tự luân lý này được tin rằng vốn có trong thiên nhiên. Shakespeare truyền đạt điều này trong Macbeth: vào tối thứ Ba trước khi Duncan bị giết, con ngựa của ông trở nên hung dữ, "bất kham" và hầu như tìm cách "gây chiến với con người." Đêm sát nhân bị khuấy động bởi "tiếng than khóc trong không gian, tiếng gào thét kỳ lạ của tử thần," và bầu trời vẫn tối dù ngày đã bắt đầu. Tương tự như thế trong Julius Caesar, đêm trước khi Caesar chết cũng bị náo động bởi những cảnh tượng ghê sợ của thiên nhiên. Trong vũ trụ của Shakespeare, chính thứ tự vật chất bị đổ vỡ trước khi có tội ác ghê tởm về luân lý.
Ngày nay chúng ta không còn cho rằng có sự liên hệ trực tiếp giữa thế giới tự nhiên và lãnh vực luân lý. Chúng ta không nhìn thấy trật tự trong vũ trụ có liên hệ đến trật tự trong linh hồn. Sự liên hệ ấy chỉ còn trong các truyện thần tiên, là nơi thiện và ác được biểu hiện trong các phù thủy, con quạ, trái táo thuốc độc, bà tiên, và hoàng tử tên là "Bùa mê." Thói quen khoa học của tâm trí đã làm chúng ta không thể coi các ý tưởng ấy như những diễn tả của thế giới thực sự. Nhưng ý tưởng về luân lý vĩnh cửu thì vẫn tồn tại. Nó vẫn là một ý tưởng mạnh mẽ trong văn hóa Tây Phương, và nó là bộ luật luân lý có thế lực cho toàn thể thế giới.
Luân lý truyền thống là luân lý khách quan. Nó được dựa trên ý tưởng rằng phải có điều gì đó đúng hay sai bất kể người ta nói khác đi. Trong nhiều tôn giáo, luân lý truyền thống chứa đựng trong một vài hình thức luật lệ được viết xuống. Thí dụ hay nhất là Mười Điều Răn, một danh sách nổi tiếng về những điều nên làm và không nên làm (hầu hết không nên làm) trong lịch sử. Thiên Chúa thường được coi là tác giả của luân lý truyền thống. Khi sống theo các mệnh lệnh của Người, chúng ta được sự quý mến của Người. Đây là điều quan trọng vì mọi người biết rằng đôi khi người tốt gặp sự buồn sầu trong khi người xấu lại thịnh vượng. Vai trò của Thiên Chúa trong luân lý truyền thống là để đảm bảo rằng, ở đời sau, những sự bất công sẽ được chấn chỉnh và mọi người sẽ nhận được "công lao xứng đáng" của mình.
Luân lý trần tục phát sinh từ sự chống lại luân lý truyền thống. Trong quan điểm truyền thống, luân lý thì "ở ngoài", trong khi với nhiều người ngày nay, luân lý thì "ở ngay đây". Nguồn gốc mới của luân lý thì không còn là bộ luật bên ngoài nhưng trong tâm hồn. Khi đối diện với một tình trạng luân lý khó xử, chúng ta giải quyết không bởi để ý đến điều răn, cũng không theo sự giảng dậy của thầy cô hay cha mẹ. Thay vào đó, chúng ta được hướng dẫn bởi lời khuyên của Polonius cho Laertes: "chính cái tôi của ngươi có thật." Là chủ thể với chiều sâu bên trong, chúng ta thăm dò chính mình và tìm ra nguyên tắc chỉ đạo bên trong chúng ta. Chúng ta ban cho công dân bí ẩn là cái tôi bên trong một thẩm quyền để dẫn dắt chúng ta một cách không sai lầm. Vì vậy, chúng ta tìm cách hài hòa giữa cái tôi bên trong và cuộc sống bên ngoài. Luân lý trần tục là một công việc cho chính cái tôi của chúng ta, được tin rằng nó ở bên trong.
Trong một số khía cạnh, luân lý mới này rất gần với Kitô Giáo. Theo truyền thống, Kitô Hữu cho rằng có hai cách để tuân theo thánh ý Chúa: tuân giữ các giới răn của Người và nghe tiếng của Người ở bên trong chúng ta. Trong Luca 17:21 Chúa Giêsu đề nghị điều thứ hai: "vương quốc Thiên Chúa thì bên trong các ngươi." Vì thế giáo phụ Augustine nói: "Tôi đi vào chiều sâu của linh hồn, và với con mắt của linh hồn tôi thấy Sự Sáng mà không bao giờ thay đổi tia sáng chiếu trên tôi." Trong quan điểm của Augustine, Thiên Chúa là ánh sáng nội tâm thêm sức cho linh hồn chúng ta. Phong trào Cải Cách cũng đưa ra ý tưởng về chức tư tế của từng tín hữu, trong đó mỗi người nhìn về chính mình để khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Lối đối xử bên ngoài thì chưa đủ, vì còn có cái tôi bên trong mà chỉ có Thiên Chúa mới biết.
Luân lý trần tục khác với Kitô Giáo về sự tham khảo bên trong như một nguồn luân lý tự trị. Augustine và Luther giả sử rằng hành trình nội tâm chỉ là kiểu cách đến với Tạo Hóa, và qua sự tương giao này, người ta tìm thấy niềm vui và sự trọn vẹn. Sự đổi mới của trần tục là cắt đứt mọi ảnh hưởng của thẩm quyền bên ngoài, kể cả Thiên Chúa, đối với việc tìm kiếm của nội tâm. Triết gia Charles Taylor giải thích quan điểm này: "Tôi được tự do khi tự quyết định điều gì liên can đến tôi, hơn là chịu uốn nắn bởi các ảnh hưởng ngoại giới. Sự cứu độ luân lý của chúng ta là từ việc khám phá ra điểm tiếp xúc luân lý đích thật với chính chúng ta. Sự tự do nhờ bởi tự quyết định đòi hỏi tôi phải phá vỡ sự ràng buộc của những đòi hỏi bên ngoài, và quyết định cho một mình tôi." Bởi thế ánh sáng bên trong giờ đây là thẩm phán sau cùng về cách tôi phải sống cho cuộc đời tôi. Cái tôi quyết định những gì là tốt lành và trở nên nguồn độc đáo cho sự hợp nhất và toàn vẹn.
Luân lý trần tục ngày nay bắt nguồn từ triết lý lãng mạn của Jean-Jacques Rousseau. Trong tư tưởng của Rousseau, chúng ta khám phá sự phân ly sâu đậm giữa luân lý tự do và Kitô Giáo. Theo quan điểm của Kitô Giáo, bản tính con người bị hư hỏng vì tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ không chỉ quan hệ tới ADong và Evà; nó còn ám chỉ rằng bản tính của chúng ta thì tội lỗi, ngay tự đầu. Augustine yêu cầu chúng ta nhìn đến một em bé, nó chỉ quan tâm đến chính nó, và nó hay nóng nẩy vung tay chân. Augustine châm biếm nhận xét, nếu nó không gây thiệt hại, không chỉ vì thiếu ý muốn nhưng vì thiếu sức mạnh. Trong sự hiểu biết Kitô Giáo, cái tôi thì thối nát, do đó chúng ta cần ơn Chúa để đi vào tự bên ngoài và biến đổi bản tính yếu đuối của chúng ta. Kitô Giáo là tôn giáo của sự khắc phục chính mình.
Trong sự hiểu biết của Rousseau, ngược lại, con người thì "tính bản thiện" nhưng xã hội làm nó thối nát. Chúng ta không đáng khiển trách về lỗi lầm của chúng ta vì "xã hội đã khiến chúng ta làm như vậy." Hậu quả là, để khám phá ra điều tốt lành và chân lý, chúng ta phải đào sâu vào nội tâm và khôi phục lại tiếng nói tự nhiên trong con người chúng ta. Rousseau chưa bao giờ khuyên trở về với tình trạng nguyên thủy. Ông viết trong cuốn Emile, nó không phải là vấn đề đi ngược trở về giống đười ươi và gấu. Nhưng tình trạng nguyên thủy của con người có thể tìm lại được tới mức nào đó như một tình trạng của tâm trí. Trong chúng ta có một chủ thể nguyên thủy mà đích thực là con người chúng ta, không bị thối nát bởi áp lực của xã hội. Vấn đề là tiếng nói nội tâm này không còn nghe được vì tiếng om xòm của các khát vọng gây nên bởi các thói quen và nhân tạo. Khi tiếp xúc với tiếng nói nội tâm và ban cho nó một vai trò có thẩm quyền trong đời sống, chúng ta có thể tránh được "sự bán rẻ" cho xã hội vụ lợi và khôi phục sự tốt lành căn bản của chúng ta. Trong đạo đức trần tục, James Byrne nhắc nhở chúng ta rằng, không phải là Thiên Chúa nhưng chính chúng ta là "người phân phát ơn cứu độ của chính chúng ta."
Không nên hiểu rằng đạo đức trần tục thì hoàn toàn khước từ luân lý. Nó duy trì sự phân biệt giữa "là" và "phải". Tự nhiên là con đường của chúng ta, và nó cũng cung cấp kiểu mẫu cho phương cách chúng ta phải trở nên. Chúng ta phải đi theo tiếng gọi của nội tâm; nếu không, chúng ta không thật với chính mình và quên đi mục tiêu tự thành đạt. Đây là thuyết chủ quan—bởi vì mỗi một người có một phương cách độc đáo để trở nên chính mình—nhưng không phải là thuyết tương đối, bởi vì không có sự ám chỉ rằng "cái gì cũng được." Trong đạo đức trần tục, nội tâm nói dứt khoát và chúng ta buộc phải theo tiếng nói ấy. Luân lý trần tục khác với Kitô Giáo không bởi từ chối khái niệm của sự thiện nhưng ở sự thừa nhận nguồn nội tâm là điều tốt lành.
Có lẽ điều ngạc nhiên là luân lý trần tục vẫn còn giữ một số nét độc đáo của truyền thống Kitô Giáo. Thí dụ, nhiều Kitô Hữu có thói quen tự thú nhận và xưng tội. Kiểu xưng tội không chỉ giới hạn trong người Công Giáo, là người kể tội của mình cho cha giải tội. Nhiều Kitô Hữu tái sinh chỉ cần gợi nhẹ là họ thố lộ các chi tiết về những gì mà người nghiện rượu, cần sa, và phóng đãng luân lý thường vi phạm cho đến khi họ rơi vào vòng tay Chúa Kitô. Văn hóa trần tục vẫn tiếp tục truyền thống này. Hãy mở truyền hình xem chương trình Oprah hay các chương trình đối thoại khác, và bạn sẽ nghe người ta thảo luận mà không cần giấu diếm các chi tiết thầm kín về đời sống tình dục của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Oprah mục đích của sự khích động này không để từ bỏ những lo âu và quay về với Đức Kitô. Nó để thúc đẩy cách thức tự khám phá chính mình, được hỗ trợ bởi sự tham dự của khán giả.
Sự nổi tiếng của Oprah cho thấy một số yếu tố hấp dẫn của đạo đức trần tục. Nó đề cao tính cách cá nhân, bởi vì giờ đây mỗi người chúng ta có bản luân lý cho chính mình và cách thức riêng để sống. Nó tránh sự giả dối. Theo kiểu đạo đức này, không gì tệ hơn là làm ra vẻ loại người nào đó mà thực sự không phải vậy. Tại sao lại làm bộ và sống giả dối? Tốt hơn nên sống tự nhiên, ngay cả nếu nó khiến người ta nhíu mày, và để khuyến khích người khác chấp nhận con người thật của bạn. Nó đề cao sự độc lập. Khi bạn trở nên chính bạn, bạn không còn lệ thuộc vào ý muốn của người khác, hoặc sự mời mọc giả tạo của "xã hội."
Dưới quy luật trần tục, nghệ thuật đảm nhận vai trò chính như một phương tiện để tự phát triển và tự biểu hiện. Nghệ nhân không còn bắt chước thiên nhiên, theo kiểu cách thích hợp với quy luật bên ngoài, nhưng đúng hơn sử dụng điêu khắc, hội họa và thi văn để tiết lộ chính nội tâm của mình (đôi khi không thể hiểu được). Không lạ gì, nghệ thuật đã thay thế tôn giáo như một thể chế mà người đời thán phục: phục vụ trong ban hành chánh của bảo tàng viện thì hợp thời hơn trong hội đồng giáo xứ.
Sự hấp dẫn sâu xa nhất của luân lý trần tục là vai trò của nó trong việc đào tạo và duy trì "các tương giao tình yêu." Làm thế nào biết rằng chúng ta đang yêu? Không cách nào khác hơn là đi vào sâu trong con người của mình và hỏi ý kiến tiếng nói nội tâm, không phải là tiếng nói của lý trí nhưng tiếng nói của tình cảm. Chúng ta nhượng bộ tiếng nội tâm ấy thật trọn vẹn đến độ chúng ta cảm thấy mất sự kiểm soát. Chúng ta không yêu, nhưng chúng ta "trong cuộc tình," và giờ đây chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những gì thi hành.
Tình yêu là tội lỗi mà chúng ta thấy hầu như không thể nào sám hối. Đó là lý do Paolo và Francesca, hai người ngoại tình sống ở vòng ngoài địa ngục của Dante, vẫn bám víu vào nhau như đôi chim, họ cầu viện đến quy luật của tình yêu, "mà nó không giải gỡ cho ai thoát khỏi tình yêu." Tình yêu đã đưa họ vào một trạng thái siêu thăng bên ngoài thế giới thực tế, và tuy vậy lại thực hơn thế giới này. Tình yêu của loại này, theo nghĩa đen, "bên ngoài sự thiện và sự dữ," và đó là lý do tại sao luân lý mới trở nên một bào chữa mạnh mẽ cho tội ngoại tình. Khi nội tâm ra lệnh yêu thương, nó ra lệnh một cách hách dịch, ngang ngược, và không đếm xỉa đến sự nguy hiểm hay tốn kém hay các thề hứa khác. Như C. S. Lewis có lần quan sát, tình yêu nhục dục của loại này có khuynh hướng "tự cho mình thẩm quyền của thần thánh."
Tỉ lệ ly dị cao ở Tây Phương có thể được giải thích bởi động lực luân lý được gây nên bởi đạo đức trần tục. Ngày nay, người phụ nữ lìa bỏ chồng mình nói rằng, "Tôi cảm thấy được kêu gọi để từ bỏ. Cuộc đời tôi sẽ là một phí phạm nếu tôi ở lại. Hôn nhân của tôi sẽ trở thành một loại nhà tù. Tôi chỉ nghe theo con tim và đi với Ted." Vì vậy, ly dị trở nên một hình thức giải thoát con người, trước đây chưa từng có, mà Barbara Dafoe Whitehead gọi là "ly dị có ý nghĩa."
Ở đây chúng ta chớm thấy dấu vết của một khó khăn trầm trọng với luân lý trần tục. Trong lãnh vực trung tâm của nó, là tình yêu, nó rõ ràng hay thay đổi. Nó khởi sự rất chắc chắn về chính mình, hứa hẹn rằng không chỉ "tôi yêu bạn" nhưng "tôi sẽ luôn luôn yêu bạn." Điều này được nói lên không phải một cách giả dối hay xảo quyệt nhưng thành thật. Mỗi lần nữ tài tử Elizabeth Taylor kết hôn, bà nói trên truyền hình những điều như, "Lần này tôi thấy đúng. Lần này là điều có thật." Tính cố định của tình yêu đem cho nó sức mạnh luân lý, sức mạnh ấy nâng chúng ta lên trên sự hạn hẹp giam hãm chính chúng ta và kết hợp chúng ta với người khác để trở nên một sự hòa hợp cao hơn. Nhưng, như tôi nói, cái tôi bên trong thường chứng tỏ nó là kẻ nói dối. Ngay cả Rousseau, người hăng hái bảo vệ cái tôi bên trong, thú nhận trong cuốn Emile rằng trong tình yêu "mọi sự chỉ là ảo giác." Hoặc như Lewis đã viết, "Thần ái tình bị lôi kéo đến một hứa hẹn mà chính thần ái tình không thể thi hành." Vì vậy Tây Phương đã phải trả một giá lớn lao trong xã hội—sự buồn thảm vô tả của con cái trong sự ly dị--vì nó chấp nhận luân lý trần tục.
Hơn thế nữa, có một khó khăn sâu đậm và chủ yếu hơn với luân lý trần tục. Luân lý này được dựa trên điều giả sử rằng cái tôi bên trong thì tốt. Điều giả sử này có đúng không? Nếu chúng ta tham khảo các tác phẩm văn chương lớn của Tây Phương, câu trả lời dường như sẽ là không. Hãy đọc các kịch bản của Shakespeare hay kịch bản Ring của Wagner. Là các nghệ sĩ đại tài, Shakespear và Wagner đưa chúng ta vào chiều sâu bên trong của bản tính con người, và chúng ta tìm thấy gì ở đó? Chúng ta tìm thấy sự dịu dàng và hòa nhã và ngọt ngào và thương xót, chắc chắn như vậy, nhưng chúng ta cũng tìm thấy sự hung dữ, tàn bạo, dâm ô, căm thù và đố kị. Chúng ta cũng tìm thấy schadenfreude, một danh từ Đức để diễn tả sự khoái lạc chúng ta có được từ sự khốn khổ của người khác. Trong sự sâu thẳm bên trong, loài người là những vạc sự thiện và sự dữ trộn chung với nhau.
Rất có thể sự dữ chiếm ưu thế trong hỗn hợp này, nhưng nó không hiển nhiên đối với chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu về khoa học và tâm lý cho thấy bên dưới những động lực mà chúng ta tự thú nhận, thường có những động lực ít được ngưỡng mộ nhưng vẫn hoạt động. Ngay cả các động lực tốt lành, tỉ như trắc ẩn và thương xót, có thể xuất phát từ cảm tưởng kẻ cả và nhún nhường mà chúng ta do dự nhìn nhận. Tâm lý tiến hóa cho thấy những hành động cao thượng hiển nhiên có thể được thúc đẩy bởi các động lực ích kỷ của sự tự tâng bốc và duy trì chính mình. Tôi không nói rằng bản tính loài người bị mất nhân đức. Xu hướng điều thiện thì chắc chắn có ở đó, nhưng cũng có xu hướng sự dữ và đồi bại. Câu hỏi cho luân lý trần tục là, trong khi tìm kiếm cái tôi bên trong, cái tôi nào mà bạn đang tìm kiếm? Bạn có quy tắc nào để phân biệt giữa các tôi tốt với cái tôi xấu không?
Với những câu hỏi này, luân lý trần tục không có câu trả lời. Nó từ chối nhìn nhận một chân lý cổ xưa của Kitô Giáo: có sự thối nát tại tâm điểm bản tính con người. Bản tính con người, theo danh từ Kitô Giáo, thì "sa ngã." Tôi không đưa ra tranh luận tôn giáo ở đây, tôi cũng không cầu viện đến câu chuyện của ADong và Evà trong Sáng Thế Ký. Tôi chỉ đưa ra nhận xét về động lực con người, lấy từ kinh nghiệm cũng như nghệ thuật. Dù luân lý được định nghĩa thế nào đi nữa, dường như loài người có khuynh hướng chung là không đạt được điều đó. Vì vậy trong con người có một xu hướng tự nhiên về điều xấu, và đó là sự quan trọng của các biến cố xảy ra trong vườn Địa Đàng. Trong ý nghĩa này "tội nguyên tổ" không còn là một gợi ý thần học nhưng là điều mà mọi người hữu lý có thể đồng ý. Một thẩm định thực tế về ác tâm của con người phải thuyết phục được ngay cả người trần tục rằng luân lý trần tục được dựa trên nhân loại học chưa đầy đủ.
Tôi không kêu gọi chối bỏ toàn thể nền luân lý mới, đó là một đề nghị thiếu thực tế trong bất cứ trường hợp nào. Đạo đức trần tục giờ đây bám rễ sâu trong xã hội Tây Phương, và không cách chi dễ để nhổ tận gốc. Nhà xã hội học Alan Wolfe vạch rõ rằng ngay cả một số Kitô Hữu ngày nay cũng dùng ngôn ngữ của sự chân chính và tự nhận thức để diễn tả những gì mà Thiên Chúa đã thi hành trong cuộc đời của họ. Ngay cả vậy, luân lý trần tục trong hình thức phổ biến nhất là sự vô trách nhiệm. Nó không kiểm điểm những ai nêu lên việc "tự khám phá" như một bào chữa cho lối sống mà trước đây được coi là không thích hợp và vô luân. "Tình yêu khiến tôi làm điều đó" là một biểu ngữ lý tưởng cho bất cứ ai tìm cách sống bê tha bất kể hậu quả đối với người khác. Nhưng vấn đề thì không nhất thiết ở sự chân chính hay tự hoàn thành. Đó là những lý tưởng luân lý có giá trị, nhưng tự nó chưa đầy đủ. Tôi phải theo đuổi sự thành đạt của bản thân, nhưng chỉ trong các phương cách tốt lành. Tôi sẽ hạnh phúc hơn khi là một con người chân chính, nhưng chỉ khi nào sự chân chính và vô tư này có cùng tính chất với sự tốt lành. Chúng ta hãy nhớ rằng, Hitler không thiếu sự quyết tâm hoặc chân chính.
Giải pháp của Kitô Giáo với vấn đề này thì, thật kỳ cục, không có tính cách tôn giáo. Nó không phải là đón nhận Đức Kitô và trở nên một tín hữu tái sinh. Thật ra, nó đi theo con đường khảo sát của "quan sát viên không thiên vị", mà nó dùng lương tâm để hướng dẫn. Với người có tôn giáo, lương tâm là người đốc công thánh thiêng bên trong chúng ta—điều mà John Henry Newman có lần viết là "nguyên lý cơ bản nối liền tạo vật và Tạo Hóa"—nhưng người trần tục không buộc phải tin điều này để nhận biết rằng chính họ cũng có một quan sát viên không thiên vị để có thể quay về. Quan sát viên không thiên vị này thường hướng dẫn chúng ta hành động trái ngược với xu hướng và tư lợi của chúng ta. Phải, tôi biết là bạn thích người phụ nữ ấy, nhưng hãy nhớ rằng bạn đã có vợ con. Lương tâm có thể là kẻ thù của tình yêu, và là kẻ phá đám phải tống ra ngoài, nhưng lương tâm là điều giúp con người vươn lên cao khỏi bị giam hãm bởi các xu hướng của chính mình. Lương tâm giúp chúng ta vượt ra ngoài những cảm giác sung sướng và thi hành điều đúng.
Dinesh D'Souza
(trích trong cuốn What's So Great About Christianity – Pt Giuse TV Nhật chuyển dịch)
|