Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn Thị Ngọc Nhung
PC
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Nguyễn Thị Ngọc Nhung

tiểu sử (chưa có)

PC
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 5:12:28 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nhân Vật

Nguyễn Thị Ngọc Nhung



Đèn đỏ xe trước mặt tôi sáng lên từng chập. Xa lộ đông xe một chiều như mọi chiều trong tuần. Ngừng, chạy. Chạy, ngừng. Mẫn lái xe chừng mực, giữ một khoảng cách hơi xa với xe trước mặt. Tôi dựa đầu nơi ghế lơ mơ nghĩ ngợi. Giữa những việc những điều sực nhớ cần phải làm cho ngày mai, cuối tuần, cuối tháng, tôi bỗng muốn viết:

Khung cảnh. Một quán rượu. Thành phố. Santa Monica. Ly rượu pha của tôi có trái xơ ri ngâm màu đỏ máu. Trời nắng ngạt ngào một ngày hè. Bên kia đường. Crocodile Café. Đối diện tôi. Quan.

"Em ít gọi anh?"

"Không có chuyện cần."

"Phải đợi có chuyện cần sao? Anh vẫn gọi em."

"Vì anh muốn gọi."

"Em khoẻ không?"

"Thấy ngồi đây,"

"Chưa chắc là khỏe"

Tôi uể oải, "cũng gọi được là khỏe."

Sau lưng Quan, biển xanh màu đậm. Trời nắng. Đàn bà chân ngắn chân dài. Áo tắm một, hai mảnh đủ che đủ khoe.Mắt Quan nhìn quanh. Kính mát tôi hình tròn nhỏ màu trà đậm. Quan nắm nhẹ tay tôi. Tay Quan âm ẩm mồ hôi, tôi cảm thấy khó chịu nhưng không rụt tay lại.

"Anh thích thấy mắt em khi nói chuyện."

Tôi miễn cưỡng gỡ kính để nơi bàn. Nắng lấp lánh trên những đợt sóng nhỏ. Cát nóng. Tôi nheo mắt. Nắng chói. Quan xoay xoay cặp kính của tôi nhìn ngắm như tìm tòi điều gì.

"Em thích kính hiệu này?"

Tôi nhún vai "Thích kiểu thì mua, đâu để ý đến mác."

Quan đưa cặp kính lên ngang tầm mắt ngắm nghía.

"Không hợp với mặt em."

Tôi nhíu nhẹ mày, đưa tay lấy kính lại mang lên. Thừa hiểu tôi không hài lòng Quan vẫn lặp lại lần nữa, thể như e rằng tôi sẽ không hiểu điều Quan vừa nói. Một cách nói của Quan. Một thói quen rất Quan.Lặp đi lặp lại quẩn quanh như không tìm được lối ra, như thích thú được tra tấn người đối diện.

"Thật. Anh thấy kính không hợp với mặt em."

Tôi lại nhún vai không trả lời.

"Mặt em thỏn dài mang kính nhỏ trông không được. Hơn nữa, kính có vẻ..." Quan loay hoay tìm chữ "hip... trẻ quá..."

Tôi nhìn Quan, hơi lâu.

?"Tới ngồi đây không phải để nghe anh phê bình kính mát với kính cận, hợp với không hợp, trẻ với không trẻ..."

Tôi biết mình bắt đầu sẵn giọng nên ngưng ngang rồi nhấc ly uống một ngụm nhỏ. Vị nước bưởi để lại chút đắng nơi lưỡi. Tôi nhắp thêm ngụm nữa nghe trong người cơn giận dịu dần dịu dần. Quan làm lành, giọng nhỏ nhẹ chịu đựng.

"Em uống được không?"

Tôi cũng dịu giọng, tự bảo, không có gì đáng, miệng trả lời Quan.

"Được. Không có vị rượu, toàn là trái cây, nhẹ lắm. Anh thử không?"

Quan lắc đầu. Quan có thói quen uống bia và không thích rượu mạnh.Ly rượu pha của tôi có tên California Dawn. Thức uống đặc biệt mùa hè của tiệm với vài ba thứ nước trái cây pha với Brandy. Lúc nãy tôi đùa đòi gọi Kamikazé nhưng Quan bực bội điều tôi ngụ ý. Thật ra, Quan nhớ dai. Có lần tôi đã so sánh một cách giỡn hớt, tiếp tục sống với Quan là tiếp tục làm một hành động Kamikazé kéo dài mãi không thành. Mãi không thành nên mọi đau đớn đều dài hơn mức bình thường kể cả sức chịu đựng cũng phải dài chẳng kém. Giữa nét mặt nặng nề của Quan và lời đề nghị tươi vui của anh bồi rượu, tôi gọi một ly California Dawn. Thức uống nhẹ chắc Quan vừa lòng hơn. Nhưng việc gì tôi phải chiều ý Quan?

Đèn đỏ vụt sáng. Thắng gấp. Một chuỗi dài dây chuyền. Mẫn thắng hơi gắt khiến tôi giật mình vụt tỉnh. Mẫn liếc nhanh kính chiếu hậu theo dõi xe phía sau mồm lẩm bẩm.

"Ai bảo."

Tôi day nhìn vừa kịp thấy chiếc xe đàng sau lủi nghiêng sang trái để tránh. Tiếng bánh xe lết trên đường nhựa chói tai. Đầu chiếc xe sau lủi sát dãy tường xi măng ngắn chắn đôi chiều xa lộ, tránh được đuôi xe tôi. Tiếng bánh xe lết trên đường nhựa đâu đó như theo dây chuyền nối kết. Cũng may, không nghe âm thanh chấn động nào cả. Dòng xe trước mặt bắt đầu chuyển động tiếp. Mẫn thong thả rời đi. Tôi biết Mẫn lúc nào cũng từ tốn đến độ khiến tôi ghen tuông đôi khi, vì không có được thái độ từ tốn hòa hoãn ấy của anh. Mẫn hỏi.

"Đang nghĩ gì vậy?"

"Viết truyện."

Nghĩ rằng tôi đùa, Mẫn cười khẽ.

"Viết tiếp đi."

Tôi cũng cười, trở lại câu chuyện trong đầu.

... Chiều ý Quan?

Quán đông vừa phải. Tiếng nói chuyện thỉnh thoảng xen lẫn tiếng cười thích thú. Nhạc chìm nổi trong tiếng ồn. US3 với Cantaloupe Island. Tôi lắng nghe, tay gõ theo nhịp trống. Quan nói.

"Em chóng quên."

"Em vẫn vậy, không nhớ nhiều và cũng không được quên bớt di. Cơ khổ."

Tôi trả lời thành thật nhưng thừa biết Quan vốn thiếu tự tin, tất nhiên không tin những gì chính Quan không muốn tin hoặc từ chối tin. Quan vô tình ngày trước và không có gì để Quan bây giờ đổi khác.Quan nghĩ tôi mau quên và điều đó chạm tự ái Quan. Tôi không mau quên cũng không muốn nhớ.

"Chắc anh phải tìm việc nơi khác."

Hình như tôi bĩu môi thật nhẹ, liếc nhanh Quan qua đuôi mắt trái, rồi nâng ly uống một ngụm nhỏ, mắt nhìn quanh. Đàn ông mặc quần ngắn. Chân lông lá. Mang dép nylon, dép da, màu néon đương thời xanh hồng chói mắt. Vai u thịt bắp. Ngực nở. Ngực đầy lông. Ngực nhẵn nhụi bóng dầu, bóng mồ hôi. Quần rộng trễ nơi hông. Quần ngắn dài đến gối. Dài quá gối. Mông rắn chắc. Mông xẹp. Quan mặc quần khaki Bugle Boy. Áo polo trắng, hình nhỏ nơi ngực trái. Ống quần kéo cao khi ngồi lộ vớ đen có chấm thật bé hình thoi màu vàng nhạt. Giày da mềm nâu sậm. Không rõ từ bao giờ lối ăn mặc cuối tuần của Quan khiến tôi khó chịu...

Mẫn rẽ theo bảng chỉ dẫn. Tôi sực tỉnh, lo lắng.

"Hình như không phải lối này."

Mẫn không trả lời. Tôi nhìn nhớn nhác những tấm bảng màu xanh lá cây chữ trắng.

"Sao em nhớ không phải đường này."

"Em lúc nào cũng tưởng là nhớ đúng, mà toàn là nhớ sai."

Tôi đập nhẹ tay Mẫn phản đối. Mẫn cười khẽ.

"Thế nào cũng đến, em đừng lo. Chỉ có đúng hay trễ giờ mà thôi."

Tôi đùa.

"Sau khi vòng quanh L.A. dăm ba bận?"

"Thì đã sao? Ai cũng có lúc lạc đường. Người đi lạc nhiều nhất là em!"

Liếc thấy tôi cười, Mẫn tiếp.

"Em cũng là người duy nhất lấy làm thích thú chuyện hay đi lạc của mình. Cứ như một thành tích vĩ đại đấy thôi."

Mẫn cười lớn sau câu nói của mình rồi đổi giọng, đầu hất nhẹ về bên phải.

"Đến đúng nơi rồi đấy chỉ tiếc bãi đậu xe đã đầy."

Con đường lớn dẫn ngang Hollywood Bowl đã được chắn bởi rào ngắn. Mọi người đến đấy đê? phải rẽ trái. Tôi nói.

"Anh lại chỗ mình hay đậu hồi năm ngoái."

"Ở cái nhà thờ nhỏ phải không? Hơi xa."

"Coi vậy chứ không xa lắm đâu. Đi tàng tàng dọc phố ngắm thiên hạ cũng vui."

"Sợ trễ."

Tôi cười tiếng ngắn.

"Có phải đi xem chiếu bóng đâu mà sợ mất đoạn đầu. Vả lại, giờ thì thế nào cũng trễ, có vội cũng chẳng được gì."

Đường lộ càng lúc càng nhỏ hẹp nhưng dòng xe cộ vẫn đông nhanh. Tôi không thích những con đường nhỏ hẹp đông xe trên Los Angeles vì biết mình sẽ luống cuống ở một nơi ít đi lại. Mẫn hay nhạo tôi điều này. Ừ thì tôi cũng có một vài điều vớ vẩn để Mẫn chọc ghẹo nhưng có lẽ nhờ thế mà tôi có được quân bình khi được Mẫn chăm sóc như chăm sóc một người yếu đuối. Nhưng đấy chỉ là đôi khi. Thứ đôi khi cần thiết cho tôi và cho Mẫn.

Mẫn nhét chiếc áo ấm mỏng của tôi vào túi xách tay nhỏ rồi vừa khóa cửa xe vừa hỏi.

"Còn thiếu gì không?"

Tôi lắc đầu nhìn đồng hồ rồi theo Mẫn. Con đường hơi dốc lên. Lề đường đông người đi lại chẳng khác đám xe trẩy trên lộ là bao. Mọi người cùng đi về phía Hollywood Bowl. Từng đám ba người. Sáu bảy người. Có nhóm đi thành hai hàng, người đàng trước có khi quay lại nói gì với người theo sau. Ngang một tiệm cà phê, người đi ngoài nhìn vào, người ngồi trong nhìn ra. Tiệm giống như một cửa hàng bán quần áo được sửa lại với dãy kính trong không màn không sáo dọc theo chiều dài. Tiệm chỉ có chiều dài nhưng lại cạn chiều sâu. Bên trong chỉ có hai dãy bàn ghế và nền tiệm cao quá gối bộ hành.

Người đàn ông ngồi một mình. Chắc chắn. Tôi chỉ thấy một tách cà phê trước mặt. Đó là một người đàn ông rất đẹp. Mắt sâu, mày rậm. Bắt gặp ánh mắt tôi nhìn vào, hắn cười. Nụ cười cũng đẹp. Mẫn lơ đãng day đầu ngó theo hướng tôi nhìn, rồi quay lại tiếp tục đi không mấy chú ý. Người đàn ông ngồi, như một tượng người mẫu rất đẹp, gần như vô lý, những nét đẹp mềm mại, chân duỗi dài,mặt thoải mái tự tại. Cái đẹp của một thằng đĩ đực biết mình đẹp và quyến rũ. Cái đẹp của một thằng đàn ông đáng lẽ không nên là đàn ông. Bởi vì đàn ông không nên đẹp trong cái nghĩa thông thường nhất của thiên hạ, chỉ giỏi bị đùa cợt và xem thường ở cái thế giới có định nghĩa đẹp trai của đàn ông theo chủ quan phụ hệ bất bình đẳng hàng chục thế kỷ. Tôi cười trả nụ cười đẹp của hắn, lễ phép một cách không cần thiết. Mẫn không hỏi tại sao tôi lại cười, siết nhẹ mấy ngón tay Mẫn vẫn giữ trong tay. Bất chợt tôi cảm thấy yên lành bảo bọc qua cái siết nhẹ ấy. Bất chợt tôi muốn viết lại truyện dở dang trong đầu:

"Khung cảnh. Quán rượu có vườn sau lộ thiên. Đại lộ Ocean, thành phố Santa Monica. Nhiều bộ hành. Bên kia đường, Crocodile Café. Đối diện tôi, Quan. Qua kính mát, tôi nhìn, Quan trổ màu sậm tối.

- Anh nhớ em.

Tôi hơi khựng vì bất ngờ của lời nói không chờ đợi. Quan nắm nhẹ tay tôi.

- Anh nhớ em dễ sợ...

Tay Quan ẩm ướt chút mồ hôi khiến tôi cảm thấy khó chịu nhưng không rụt tay lại. Quan vuốt ve mấy ngón tay của tôi.

- Anh vẫn thích bàn tay ngón dài của em.

Trong tôi, cảm giác ngột ngạt khó chịu càng lúc càng tăng. Quan đưa tay tôi lên môi hôn nhẹ. Tôi bực bội rút tay lại, rồi không biết nên làm gì bèn cầm lấy chéo khăn giấy bên ly rượu rồi buông, để tay nơi đùi, cùi chỏ dựa tay ghế, mắt nhìn quanh quẩn.

- Bên phòng tiếp thị có một cô mới vào làm sáng nay. Ông Bill dẫn sang giới thiệu với anh. Cô ấy đi rồi anh bỗng giật mình, gần như hốt hoảng. Em biết tại sao không? Anh bất chợt ngửi được mùi nước hoa. Thoảng nhẹ?Mãi mới biết là tay anh còn mùi nước hoa lúc bắt tay cô ta. Điều khiến anh giật mình không phải vì cô ấy dùng nước hoa. Mà là cô ấy dùng cùng thứ nước hoa của em.

Rồi Quan tiếp tục nói. Mùi nước hoa của tôi. Mùi eau de cologne của tôi. Mùi phấn xoa người. Mùi xà bông gội đầu. Mùi phấn. Mùi son. Những mùi, phảng phất trên vô lăng xe. Phảng phất trên mền gối. Phảng phất trong phòng ngủ, phòng tắm. Phảng phất ở những nơi tôi đã đến, đã có mặt, rồi đi. Những sáng tôi ra khỏi cửa, Quan chưa đi vội, quanh quẩn phòng nào cũng thoảng mùi nước hoa của tôi, để rợn cả người vì nỗi kích thích đột ngột. Những đêm tôi bỗng nghiêng người gối đầu nơi ngực Quan, kể lể chuyện bé chuyện con rồi cười một mình, mùi hương khiến Quan ngập ngụa với những sợi tóc xõa dài đen mướt nơi bụng Quan.

Có lúc tôi bắt gặp tôi không còn nghe Quan nói, những câu đã từng nghe, giờ hết rung động xúc cảm, rồi đến khó chịu bực bội vì nỗi trơ trẽn tầm thường của chúng lắm lần lặp lại qua

lối say mê kể lể rất vô tư của Quan.

- Cái này, của em.

Quan lấy nơi túi quần, một hộp trắng hình chữ nhật. Không cần mở, không cần nhìn đến nhãn, tôi cũng biết là gì. Nước hoa. Nhất định là loại tôi vẫn dùng, vẫn thích. Quan đẩy hộp lại gần. Mấy ngón tay của tôi im lìm không động đậy.

- Anh trả lại đi.

Giọng nói của tôi thấp nhỏ. Quan hơi chồm người tới.

- Anh mua cho em.

Quan làm như tôi đã không nghe rõ câu nói trước đó của chàng..

- Em không muốn nhận bất cứ món nào hay vật gì từ anh nữa.

- Khách sáo.

Tôi không giận Quan, nâng ly hớp một ngụm nhỏ cho có việc bận rộn tay chân đỡ phải nhìn một Quan tôi vẫn biết trước mặt.

Quan hỏi.

- Về Việt Nam với anh không?

- Không!

- Không?

Tôi lắc đầu. Quan bỗng sôi nổi.

- Đi đi. Nghỉ vài tuần đi với anh. Mình làm lại tất cả. Bắt đầu bằng chuyến đi này.

Quan nhìn tôi chăm chú hơn.

- Anh nghĩ em phải cho anh một cơ hội. Chỉ một mà thôi. Và anh cũng chỉ cần có thế. Lần này sẽ không phải như những lần trước đó. Anh cũng muốn lần này là lần duy nhất. Hay đúng hơn, lần này sẽ là lần sau cùng. Không có lần nào nữa hết. Cho anh làm lại, đi lại, với em. Anh không muốn làm điều đó với bất cứ ai ngoài em ra.

Tôi dựa người lưng ghế, tay rụt lại khoanh trước ngực như sợ Quan bất chợt nắm lấy, lưỡi liếm môi theo thói quen. Vành môi trên có chỗ da khô. Tôi liếm nhẹ như thấm ướt chỗ da môi khô muốn bốc. Giọng nói của Quan dịu dàng.

- Anh có lỗi đã không đem lại hạnh phúc cho em, nhưng không phải là lúc nào mình cũng đều không có hạnh phúc. Anh không bao giờ quên những gì mình đã qua, đã có với nhau...

Giọng Quan êm ái đầy tình cảm.

- Em biết. Anh chỉ yêu có em.

Tôi nhìn nơi khác biết rằng Quan nói thật. Chỉ buồn, Quan nói thật chỉ trong lúc đang nói mà thôi.

- Em không tin anh?

- Không.

Tôi theo con dốc lên cao. Có nơi có thang cuốn. Nhìn xuống dưới đồi lẫn lộn qua mấy cành thông thấp thoáng người ngồi nằm trên những tấm chăn trải trên cỏ. Giỏ thức ăn. Gói giấy. Mẫn nói.

- Hôm nào mình đi sớm như họ.

Tôi lắc đầu.

- Em thích ra biển hơn.

- Lắm chuyện.

Mẫn vui vẻ gắt đùa, vẫn giữ tay tôi, theo nấc thang dần lên cao tìm số băng ghế theo vé. Từ nơi này, còn độ hai, ba mươi hàng ghế là đến tận cùng của Bowl, nhìn xuống, sân khấu rất xa, bé tí. Người đàn ông lớn tuổi day nhìn tôi và Mẫn gật đầu chào nhẹ rồi hơi nghiêng người chừa chỗ cho tôi len vào ngồi cạnh. Mẫn mở túi xách.

- Em cần áo không?

Tôi lắc đầu nhưng vẫn cầm lấy áo vắt nơi lưng dựa. Mẫn vẫn còn đứng.

- Em uống gì anh đi mua.

- Gì cũng được. Thôi để lúc nghỉ giải lao rồi tính. Ngồi xuống đây với em.

Tôi níu nhẹ tay Mẫn. Ánh đèn sáng vụt đổi, từ từ mờ tối.

Sân khấu sáng tỏ. Tiếng vỗ tay lan từ sân khấu chạy dài. Nhạc trưởng vừa bước ra cúi đầu chào rồi bước lên bục dây lưng, tay cầm baton bắt đầu.

- Em uống thêm ly nữa nghe?

Tôi lắc đầu.

- Đường về hơi xa. Anh hẹn em ra đây cũng chỉ để lặp lại những gì anh đã nói, từng nói.

- Sao em khó tính thế? Bỗng dưng lại khó tính một cách lạ thường.

- Đấy là anh nghĩ. Em không thấy mình thay đổi rõ rệt ở bất cứ chỗ nào cả. Em chỉ có nhìn thấy rõ hơn một cách bình tĩnh những gì nên hay không nên làm, những gì nên bỏ nên xếp xó không hối tiếc hay nên quên đi. Sự hối tiếc, đã có, không ai buộc phải hối tiếc mãi mãi. Cái quên, nếu xảy ra được, cũng đã là may mắn hơn người.

- Thật à?

Quan mỉa mai, rồi đưa tay ra hiệu với anh bồi đang đứng gần, mắt thoáng liếc nhanh tôi như hỏi nhưng không hề đợi phản ứng nơi tôi. Tiệm đã vắng bớt người, nên chỉ một lát ngắn anh bồi đã trở lại với thức uống. Quan dốc chai bia vào ly rồi để nó lên mâm nơi tay anh bồi. Tôi nhìn theo tay Quan bực dọc và sực nhận ra mình lúc này bực dọc cáu bẳn với nhiều cử chỉ thói quen nhỏ nhặt Quan vẫn làm. Một cử chỉ không có gì đáng để nhớ, để chú ý, để khó chịu nhưng tôi giờ tôi lại không thấy gì khác ngoài cử chỉ ấy ra.

Anh bồi đang cầm ly rượu sắp sửa để trước mặt tôi, bỗng dừng lại nhìn tay Quan chen chai bia cạn trên mâm đang bưng. Đợi Quan xong anh mới tiếp tục để ly rượu xuống bàn. Tôi lắc nhẹ đầu, mắt Quan nhìn tôi. Anh bồi vừa quay đi, Quan hơi gay gắt.

- Em bực cái gì vậy?

Thì ra Quan vẫn đọc được những phản ứng ẩn tàng nơi

ánh mắt, nét mặt của tôi.

- Không. Không có gì.

Tôi vẫn biết người đang bưng mâm với nhiều thứ chai ly vơi cạn, giữ thăng bằng theo với bàn tay nâng bên dưới và cách sắp xếp ly đầy ly trống trên mâm nặng nhẹ khác chỗ nhau. Khi

Quan chen để ly, để chai lên mâm, rất vô tình Quan đã thay đổi thăng bằng nặng nhẹ ấy trên tay người đang giữ mâm và buộc họ phải dừng lại bất cứ việc gì đang làm để theo dõi và điều chỉnh tay nâng. Và tôi cũng biết, người bưng mâm lúc ấy khó chịu vô cùng.

- Anh chỉ muốn giúp nó một tay.

Tôi ngẩng nhìn. Quan biết tôi rõ đến thế sao?

- Em vẫn khó chịu với anh từng chút một, anh biết.

Tôi lại nâng ly uống một ngụm nhỏ, nhẩn nha nghĩ, một ngụm nhỏ, rồi một ngụm nhỏ, sẽ đi đến hai ba ly lúc nào đó không biết chừng.

- Cũng như em không bao giờ tin anh nói thật, bất cứ điều gì. Bất công với anh, em có biết không?

Vị nước bưởi để lại chút đắng nơi lưỡi, tôi để ly xuống, đúng ngay chỗ ướt tròn in hằn trên miếng khăn giấy. Quan thoáng liếc tôi một cái rồi nhìn lướt qua vai phải của tôi. Thiếu nữ tóc nâu vàng mặc nửa trên bikini nửa dưới là quần ngắn, chân mang dép da ngồi sau lưng tôi có giọng cười rất dòn. Lúc nãy cô đứng dậy đi ngang bàn, không thấy mắt Quan chớp. Tôi muốn gỡ kính mát của mình cho Quan mang để giấu bớt cái nhìn sỗ sàng bất lịch sự nhưng chắc Quan không cần. Việc gì tôi phải mắc cỡ giùm Quan.

Nắng chiều hâm hấp nóng. Tôi nhích ghế tránh vạt nắng bát đầu nóng một bên vai. Quan nhìn tôi.

- Có nắng em quá không? Sang bên này ngồi đi.

Tôi lắc nhẹ đầu, không thích những săn sóc tôi vẫn cho là giả tạo của Quan.

- Anh hẹn em ra đây. Nói chuyện gì?

- Em nóng quá. Cái gì cũng đòi nói ngay, nghe ngay, giải quyết ngay rồi vài hôm sau lại đổi ý.

Giọng Quan đùa cợt. Gió thổi nhẹ. Tôi nghe mát nơi gáy, nơi phần lưng trần. Quan lảng chuyện.

- Em cắt tóc ngắn quá.

Bất giác tôi đưa tay so nơi gáy. Phần tóc nơi đó được cắt sát da bằng dao cạo. Những sợi tóc thật ngắn dựng theo tay vuốt, tôi cưoi.

- Em thích vậy.

Quan phê bình.

- Tóc em cắt càng lúc càng ngắn. Nhìn phía sau cứ tưởng đàn ông. Anh không thích.

Tôi lại cười, vuốt ngược tóc, mơn trớn, đầu sợi cứng đâm nhẹ ngón tay.

- Đàn ông bây giờ có khi để tóc như đàn bà. Hề gì ba cái tóc.

- Nhưng em đi làm cắt tóc ngắn quá có khi coi không được.

Quan vẫn thế. Vẫn muốn có một lời nói trong bất cứ chuyện gì tôi làm,

kể cả chuyện nhỏ nhặt như mua cái áo, cắt tóc, vẽ mắt, tô son. Lúc trước tôi vẫn nghĩ lỗi ở tôi, đã cho Quan cái quyền chi phối ấy. Nhưng về sau tôi hiểu rằng, vô tình hay cố ý, tôi chỉ cho Quan cái quyền chi phối những việc nhỏ nhoi không quan trọng. Như vậy, tôi vẫn xem thường Quan, ở một chỗ nào đó, không công bằng.

- Em vẫn thích tóc ngắn.

- Anh biết, nhưng đừng cắt ngắn quá.

Tôi mím môi nhìn ra biển. Gió thổi nhẹ. Sóng biển thật êm thật nhỏ.Vài ba chim biển đảo quanh, kêu tiếng buồn thiu giữa âm thanh hỗn độn tiếng người tiếng nhạc, ly dĩa chạm nhau, tiếng thắng xe trên đường lộ. Quan nói tiếp.

- Em tàn nhẫn lạnh lùng hơn em ngày xưa.

Tôi bật cười một tiếng khan nhỏ. Cơn giận bùng theo tiếng cười khan.Tôi tìm chỗ nhìn để không phải nhìn Quan trước mặt. Bàn sau lưng Quan có ba thanh niên trẻ trần lưng, quần ngắn rộng dài đến gối, da đỏ hồng vì nắng,kính mát màu sậm đen, tóc cắt ngắn, uống bia Heineken từ chai, chuyện trò lớn

tiếng vui nhộn. Quan dịu giọng.

- Đừng nghĩ anh đang năn nỉ em. Không phải vậy. Anh chỉ muốn cho em biết, lúc nào anh cũng nhớ em, làm gì cũng nhớ em. Cái quyết định của em là của em. Ngày xưa anh yêu em, bây giờ anh vẫn yêu em. Em không muốn ở với anh nữa, anh tôn trọng điều đó nhưng không phải vì anh hết yêu em nên đồng ý chấp thuận.

Tôi hứ một tiếng nhẹ nghe như đang thở ra. Tôi đã nghe Quan nói như thế từ bao lâu? Quan nhìn tôi chờ đợi. Tôi liếm nhẹ môi.

- Nếu em biết anh muốn ra đây chỉ để lặp lại những gì anh nói đi nói lại nhiều lần, em đã không đến. Anh hiểu hay không hiểu tại sao có lúc người ta phải quyết định một việc cần phải quyết định, không còn là vấn đề đối với em. Khi người ta bỏ nhau, người ta cấu xé nhau để không còn gì nữa. Em không thích như vậy. Em bây giờ, không cần lý do, không cần nguyên nhân, không cần nghe anh biện hộ hay em lý giải. Khoảng thời gian ay cũng đã đi qua rồi. Anh lỡ mất dịp, phần anh. Phần em, em cho rằng em đã tận dụng khoảng thời gian ấy đến cùng. Anh bảo nhớ, em cũng có nhớ. Nhưng cái nhớ của em khác với cái nhớ của anh. Em nhớ vì những quen thuộc vẫn có, vẫn thấy, mười mấy năm, không thể quên trong một ngày một tháng. Nhưng tình cảm thì nó đã mất từ lâu, lâu lắm rồi. Mất từ lúc nào chính em cũng không nhớ. Em hiểu anh thừa biết đây không phải là một trò đuà, làm duyên làm dáng, giận nhau dăm ba ngày rồi đâu lại vào đấy. Anh không cần phải tỏ cho mọi người thấy là anh vẫn yêu em? Việc gì? Yêu hay không, giữa hai đứa mình. Ở hay không ở, cũng chỉ giữa hai đứa mình. Lúc nào em cũng nghĩ vậy, và muốn như vậy. Nghĩa là cái quyết định này rất riêng tư, và buộc phải riêng tư. Em vẫn không thích, không bao giờ thích nhìn thấy anh tỏ thái độ tội nghiệp, đã hy sinh nhiều thứ, làm nhiều điều cho vợ nhưng vợ vẫn không vừa lòng. Đóng vai trò tội nghiệp, anh không thấy xấu hổ? Đời sống không phải là một vở kịch dài để người ta tiếp tục giả dối với nhau. Trong đời mình, chỉ có anh và em, sống với nhau, không phải sống để cho tất cả mọi người nhìn thấy.

Quan có vẻ mất kiên nhẫn.

- Em lúc nào cũng thích nói lăng nhăng những thứ xa vời. Số tụi mình khắc khẩu. Gì cũng cãi. Gì cũng có thể bất đồng ý kiến.

Tôi không giận. Ai cũng có quyền suy xét mọi việc theo quan niệm cá nhân lẫn với thành kiến sẵn có. Nếu tôi cho rằng tôi đúng với những suy nghĩ về đời sống của mình, về những quyết định đã có sẽ làm, tôi cho rằng Quan đúng khi nghĩ về tôi, cho rằng tôi là như thế trong mắt Quan. Tôi cũng cho tất cả mọi người đều đúng qua cái nhìn cá nhân của họ nơi góc đứng riêng tư, và không ai có quyền bắt người khác phải nghĩ y hệt như mình khi thế đứng đã khác, cách sống cũng khác, hoàn cảnh, căn bản giáo dục cũng khác.

- Hai đứa mình là hai thái cực. Em vẫn biết thế. Mười mấy năm, thế đã đủ, anh có nghĩ vậy không? Tình đã có, nghĩa cũng đã có. Mười mấy năm, trả đủ cho nhau, còn muốn gì nữa, phải không?

- Em không bao giờ ghen, nên anh nghĩ em không bao giờ thật sự yêu anh. Có tình có nghĩa?

?Em chỉ giỏi đùa.

Tôi cười. Hình như tôi cười hơi nhiều dạo này.

- Ghen hay không, không thể dùng để chứng tỏ tình yêu? Chỉ là tính người. Tính em không thích đôi co gây gỗ với người khác trong bất cứ chuyện gì. Đến giờ anh vẫn chưa biết em thì đến bao giờ anh mới hiểu em?

Tôi nghĩ ít ra Quan cũng nhận thức được sự khác biệt ngăn cách ngày càng lớn, ngày càng khó chữa. Quan không có lập trường lẫn tự tin. Lúc nào Quan cũng hành động theo lập trường của người khác, kể cả của tôi, tùy lúc Quan đang muốn nghe ai hay đang chịu ảnh hưởng của ai.Quan sẽ không bao giờ biết Quan thật là Quan nào. Tôi cũng không biết, dù đã sống khá lâu với chàng. Tôi chỉ biết tánh chứ tôi vẫn chưa biết được một Quan thật sự là như thế nào, tôi nghĩ vậy. Quan đâu cần phải sống qua hình ảnh đàn ông lý tưởng của người khác mà không làm sao sống thật với mình.Có lẽ cũng khó, khi đòi hỏi mình phải nhận thức con người của mình để hành động cho đúng.

Quan cầm tay tôi ngắm nghía lảng chuyện.

- Lúc nào anh cũng yêu tay em.

Tôi rụt tay lại hơi bẳn gắt.

- Anh nhớ ký giấy rồi gởi trả luật sư. Em gặp anh lần này chỉ để nhắc chuyện đó. Em nghĩ mình không nên gặp nhau nữa.

- Khi cần tàn ác, em cũng ác như những con đàn bà khác.

- Đừng nói những câu anh thừa biết là không đúng. Em chỉ muốn yên thân. Tiếp tục hành hạ nhau để làm gì? Anh gọi em mãi để làm gì? Không thật. Em biết. Không có gì là thật nơi anh cả. Có thể anh mặc cảm tội lỗi. Có thể anh thật sự lo cho em. Có thể anh gọi vì không biết gọi ai khác. Có thể anh gọi hy vọng em đổi ý. Có thể anh gọi chỉ vì đơn thuần đã có thói quen. Cũng có thể em không muốn nghe anh gọi vì biết rằng anh không hề khổ sở đau đớn như em muốn. Và nói như thế thì nói hết cả đời cũng vẫn chưa xong, bởi vì cái gì cũng đều là có thể.

Troi chiều hơn, nắng vàng hơn, tiếng động như ồn hơn. Những bàn chung quanh đã lắm người ngồi người đi thay đổi. Những cây dù che bàn nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Ly California Dawn thứ hai của tôi cũng đã cạn. Trái xơ ri đỏ nằm lẫn với viên nước đá tròn đang tan. Tôi nhón tay cầm cái cuống tư lự. Nghĩ sao, tôi bỏ trái xơ ri vào gạt tàn thuốc trống.

Quan nắm nhẹ ngón tay trỏ của tôi.

- Em có bao giờ yêu anh? Anh hỏi thật.

Tôi bỗng muốn ứa nước mắt.

- Đừng hỏi một câu thừa.

Quan chua chát.

- Em đã nói khi em chết anh sẽ không được báo tin. Anh nghĩ người ta phải ghét nhau lắm mới nói thế.

- Em có lý do riêng khi nói câu đó. Và em không hề ghét anh. Em chỉ không còn muốn bị làm rộn và em cũng không muốn làm rộn người khác. Thế thôi.

Quan lắc đầu không tin, ngược lại tôi cũng không tin đã có lúc Quan khổ khi tôi muốn xa Quan.

Quan theo tôi ra bãi đậu xe. Đợi tôi ngồi cẩn thận tay với dây an toàn, Quan đóng cửa rồi gõ nhẹ ra hiệu quay kính xe xuống. Quan khom người tì tay nơi cửa nhìn tôi.

- Em lái xe cẩn thận. Anh sẽ gọi em sau.

Tôi vỗ nhẹ tay Quan.

- Đừng gọi em nữa trừ khi có việc quan trọng. Để em yên.

Quan nhìn tôi một chập. Tôi nói.

- Em về. Nhớ. Để em yên.

Tôi biết đấy là lần cuối tôi ngồi dưới tàn dù in nhãn bia Corona, với Quan. Biển Santa Monica nắng vàng. Crocodile Café bên kia đường. Ly California Dawn. Trái xơ ri đỏ."

Tiếng vỗ tay lan rộng cả thung lũng hí trường. Đến giờ giải lao. Mọi người xôn xao rời chỗ hoặc đứng lên nhìn quanh quất như một khối im lặng không cả tiếng ồn bỗng nở bung lao nhao. Đầu rời khỏi vai Mẫn, tôi ngồi thẳng lên. Tay vẫn còn quàng ngang vai tôi, Mẫn vỗ nhẹ mấy cái rồi hỏi.

- Em muốn uống gì?

- Gì cũng được.

Mẫn đứng lên. Không hiểu sao tôi bỗng níu nhẹ tay Mẫn.

- Đừng đi lâu quá.

Ánh mắt Mẫn nhìn tôi đượm chút thắc mắc nhưng Mẫn không hỏi, chỉ xiết mạnh tay tôi một cái rồi bước đi. Tôi bất chợt muốn kêu lên. Em không muốn mất anh. Điều tôi đã và chỉ muốn xảy ra trong truyện ngắn của mình.

Nguyễn thị Ngọc Nhung
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, November 27, 2004 8:43:05 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cha Tôi

Nguyễn Thị Ngọc Nhu
ng


Cha tôi là một người đàn ông bình thường. Một người dễ dàng bị nuốt trửng bởi khối đông đàn ông ngoài kia, không để lại ấn tượng nào hết.

Cha tôi là một người cha tốt, một người chồng rộng rãi giỏi lo. Hiếm khi tôi nghe cha mẹ tôi cãi nhau. Mẹ tôi nhường chồng, có lẽ vì ảnh hưởng giáo dục gia đình, và phong tục tập quán. Cha tôi chiều vợ, có lẽ vì là người rộng rãi tình cảm, và không câu nệ vai trò phái tính trong gia đình. Riêng về phương diện phân biệt nam nữ thì cha tôi có phần cấp tiến hơn phần lớn những người đàn ông đồng thời cùng gốc gác. Nhưng, ông chỉ có phần cấp tiến hơn, một phần nào đó mà thôi. Có lẽ đối với ông, phần ấy cũng đã là quá lớn.

Khi chúng tôi đến tuổi vị thành niên, cả cha lẫn mẹ tôi đều không ngăn cấm việc ăn mặc thời thượng nhưng tôi không theo dõi thời trang như phần lớn đám con gái cùng lớp. Điều này do ở nơi mẹ tôi là người không chú trọng đến bề ngoài nên không biết gì hết về thời trang ăn mặc. Bà chỉ có một áo vét sọc ca rô đen đỏ trắng, trộm kiểu Chanel, là chiếc áo đỏm dáng nhất bà thường mặc khi buộc phải đi ăn cưới đâu đó với cha tôi. Tất nhiên mẹ tôi không hề biết nó là trộm kiểu Chanel. Bà chỉ biết nó bán rẻ ở phố Tàu và tiện lúc đang cần một cái áo mặc ngoài, thế thôi. Và tất nhiên mẹ tôi cũng chẳng để ý đến chuyện màu sắc sặc sỡ của áo tương phản quá sức với cặp kính cận dầy trễ nơi sống mũi, và với tất cả những gì hiền lành yên lặng nơi bà. Tuy vậy, điều này không có nghĩa bà để con cái ăn mặc tồi tệ hay cổ hủ khác người. Nơi lứa tuổi thiếu niên nhốn nháo thời trung học, tôi không hề có ý muốn nổi bật như một con mọt sách kỳ quái thông minh, và cũng không thích phổ thông bừa bãi với nhiều tai tiếng. Như cha tôi, cả hai anh em đồng lọt trũng trong khối đông trung bình. Khi tôi muốn có cái váy đầu tiên trong đời, năm mười hai tuổi, cha tôi chứ không phải mẹ tôi, đưa đi mua. Tất nhiên ông không biết gì hết về những tiệm quần áo thời trang. Tuy rằng tôi là người muốn mua nhưng khi bước vào khu buôn bán đầy dẫy đủ mọi thứ tiệm, tôi cũng không khá hơn cha tôi chút nào trên phương diện mua sắm. Thế nên, cái váy đầu tiên của tôi là một thất bại chán chường.

Tôi cho rằng gia đình tôi may mắn nên tuổi thơ của chúng tôi vui vẻ bình thường như mọi gia đình trung bình khác. Mỗi năm đến hè, chúng tôi đều được đi xa hoặc tham dự những trại hè hướng đạo. Đấy là chưa kể thường xuyên trong năm, tuỳ mùa tuỳ dịp lễ, khi thì lên núi trượt tuyết, lúc thì chèo chuyền cắm trại. Là một người làm việc gì cũng rất cần mẫn, cha tôi ngoài thì giờ làm việc, vẫn cố dành một ít thì giờ để chia sẻ nhiều hoạt động sau giờ học với chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ có lần ông đã bỏ ra gần sáu tháng cùng học dương cầm với chúng tôi để khuyến khích.

Sau khi mẹ tôi mất được vài năm, cha tôi về hưu. Ôâng sống một mình cho đến lúc sức khoẻ suy giảm khá nhiều mới về ở với vợ chồng anh tôi. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông, những sáng chủ nhật hay những chiều thứ sáu, hoặc khi anh chị tôi đi chơi tối cần người giữ trẻ. Và trong một lần đến nhà anh giữ cháu trông cha, tình cờ tôi thấy được một khía cạnh khác nơi ông.

Cha tôi từ tốn để úp tấm ảnh nơi tay xuống bàn khi tôi mời ông ra ăn tối. Có lẽ ông quên cửa phòng mình đang mở và tôi ló đầu vào hơi đột ngột dù đã gõ nhẹ vài tiếng trước đó. Rất vô ý, tôi đùa.

"Ba nhớ mẹ quá lại đem hình ra xem đấy à?"

Không trả lời, cha tôi nhẹ nhàng mở ngăn tủ để hình vào rồi khoá lại. Sự im lặng bất chợt của ông bỗng dấy trong tôi một áy náy sượng sùng, sực nhận ra câu đùa không phải lúc. Và nỗi áy náy ấy biến tôi ra khó chịu, không phải với cha tôi, mà là với chính mình.

Cha tôi là người không có bí mật, không giữ điều gì bí mật. Ít ra, đó là ấn tượng tôi vẫn có về ông cho đến lúc đó, lúc ông im lặng từ tốn khoá trái ngăn tủ bàn viết. Từ lúc tôi có hiểu biết, nhận ra và nhớ được mọi chuyện quanh mình, chưa bao giờ tôi thấy ông khoá tủ bàn viết của mình. Bàn viết của cha tôi là một chỗ không cần lời dặn hay bảng cấm vẫn không ai bén mảng nói gì đến lục lọi tìm kiếm. Lâu ngày, dường như nó biến thành một nơi bất khả xâm phạm rất tự nhiên đối với chúng tôi. Chưa bao giờ tôi có ý muốn thúc đẩy tò mò nhìn qua giấy tờ hay mọi thứ nơi bàn làm việc riêng của ông. Nhưng, sau biến cố tình cờ thấy ông khoá tủ, nó hết còn tự nhiên và biến thành một thứ lập luận mà tôi chưa bao giờ đối diện để tranh cãi. Chưa nhìn thấy cha tôi khoá ngăn tủ bao giờ, không đủ để khẳng định rằng cha tôi chưa bao giờ khoá ngăn tủ ấy. Tất cả chỉ là lập luận một cách tự nhiên vì không ai thắc mắc một việc đã thành nếp theo thời gian trong gia đình.

Từ lúc đó trở đi, thể như tôi mới thật sự nhìn thấy cha tôi lần đầu trong đời. Hay đúng hơn, lần đầu sau bao nhiêu năm tôi đã xem sự có mặt của ông trong đời sống của mình là một điều bình thường đến độ không mấy quan tâm. Kể cả hình dáng bên ngoài, tôi cũng đã không mấy chú ý. Tựa như, mọi thứ đã có thứ tự chỗ đứng của nó và chúng tự lo lấy thân, tôi không phải bận tâm, không cả thắc mắc, không cả liếc nhìn.

Tóc cha tôi thưa sớm nơi chóp đầu ở tuổi bốn mươi, khi ấy tôi mới mười hai, nhưng điều lạ là chỗ tóc thưa ấy không hề lan rộng về phía trán. Tôi vẫn nhớ mỗi lần bà tôi đến thăm đều mang cho ông những gói thuốc cây cỏ khô quắn. Mẹ tôi sắc thuốc đặc quánh để nguội cho vào hũ đậy kín cho cha tôi xức lên da đầu mỗi ngày, nhưng cha tôi khi nhớ khi quên, và mẹ tôi rất đơn giản, chỉ làm theo lời mẹ chồng. Tôi không rõ có phải vì bà tôi không biết bày tỏ nỗi niềm thương mến đứa con trai duy nhất của mình bằng cách nào khác hơn, nhất là khi cha tôi đã có đủ thứ, kể cả hạnh phúc gia đình. Cha tôi không phải là một người đàn ông đỏm dáng nên chẳng mấy chú trọng đến hình dáng bên ngoài với chải chuốt quần áo. Rõ là thói quen cách sống giản dị của ông vô cùng thích hợp với mẹ tôi.

Vóc người gầy ốm xương xẩu, có một lúc cha tôi đẫy người đôi chút rồi trở lại gầy gò khô cằn. Thừa hưởng chiều cao của cha, lại giống mẹ ở chỗ tròn trĩnh nên hai anh em tôi to người lớn lứa. Cha tôi có chiều cao hơn trung bình, năm bộ mười. Ông không cho mình là cao so với những người đàn ông á châu khác. Có lẽ nhờ vậy mà khi đi đứng ông không khòm lưng như những người cao quá khổ thường mắc phải.

Cha tôi có dáng xấu khi ngồi ăn. Ôâng cúi khom người, hai cùi chỏ dựa trên mặt bàn, mỗi lần đưa thức ăn vào miệng, đầu ông gần như cúi gằm xuống dĩa chén thức ăn. Hình như đó là điều duy nhất mẹ tôi phê bình trước mặt con cái nhưng ông thản nhiên không bận tâm sửa đổi. Và càng chú ý đến thái độ cử chỉ khi ăn của cha tôi bây giờ, tôi càng nhớ rõ nhiều hơn lúc bà cố gắng sửa chồng. Đấy là một chuyện thật ra cũng không mấy quan trọng đối với bà. Nhưng, tôi có cảm tưởng đấy là cố gắng tột cùng của mẹ tôi, lấy một chuyện chẳng ra gì để phản đối thể như tự nhìn nhận vai trò chỗ đứng của mình hơn một bóng mờ rất nhiều. Tất nhiên là điều này thỉnh thoảng mới xảy ra vì mẹ tôi là một hình ảnh có nhiều khía cạnh trái ngược với quan niệm nữ quyền. Nhưng, tôi vẫn nghĩ, nếu mẹ tôi an lành hạnh phúc, đấy chẳng phải là trách nhiệm của tôi lôi kéo bà ra khỏi vai trò đã nhận lãnh. Nếu tôi không chấp nhận vai trò ấy, thì đấy chỉ là tôi trong đời sống của chính tôi.

Cha tôi ăn nhanh, có vẻ thích thú trong lúc ăn, chú ý đến món đang ăn, thận trọng vén khéo từng hạt cơm, từng đũa vùa. Trong lúc ăn, ông ít nói chuyện. Tôi ăn chậm theo dõi ông nhưng cha tôi ít khi nào nhìn lên, đầy gằm xuống gần như gục hẳn vào chén đang cầm nơi tay. Ăn xong, ông cẩn thận sắp xếp chén đũa dễ dàng cho việc dọn dẹp rồi rời bàn ăn, cầm theo cây tăm ra vườn sau mang theo tách trà nóng. Sau đó có một lúc lâu tôi vừa dọn dẹp nhà bếp vừa theo dõi cha tôi ngồi trong im lặng nơi vườn sau. Ông ngồi rất im, không rõ mắt nhìn nơi nào nhưng đầu hơi cúi, thỉnh thoảng chúm miệng thổi nhẹ rồi hớp một ngụm trà. Có lúc ông thở khì sau khi nuốt ngụm trà, hai vai hơi nhô lên rồi hạ thấp xuống như vừa trút được một điều gì nặng nề. Tôi tưởng như mình có thể nghe được tiếng thở dài ấy từ nơi đứng, sau cửa sổ nhà bếp.

Tôi mở truyền hình cho cháu xem rồi ra ngồi cạnh cha tôi. Mọi khi tôi là người nói nhiều, không hiểu sao lúc ấy miệng lại khô cứng và đầu lại trống rỗng đến độ lo ngại. Dường như cái cử chỉ từ tốn cất hình và nét mặt im lìm không trả lời câu đùa, là những hình ảnh ồn ào đến độ ngỡ ngàng từ một người cha tôi vẫn biết. Hay tưởng rằng vẫn biết. Cha tôi vẫn giữ im lặng một cách bất thường khi tôi ngồi xuống bên cạnh. Có lúc đầu ông hơi ngước lên xoay nhẹ về phía tôi rồi lại cúi xuống lặng lẽ. Tiếng ông húp soạt chút nước trà sót nơi tách là tiếng động duy nhất tôi nghe ra và nhớ mãi khi đã về đến nhà, khuya hôm đó.

Nhưng rồi, tôi lại là người quên bẵng đi việc bắt gặp ông cất hình vào ngăn tủ vài tuần sau đó. Không dễ gì đánh tan ấn tượng bằng phẳng không lồi lõm của một người cha quen thuộc đến độ trong suốt nơi trí tưởng. Trong suốt đến nỗi những khi hồi tưởng, tôi thật sự không làm sao hình dung được cá tính nào nổi bật nhất của ông. Những lần tôi đến nhà sau đó, cha tôi vui vẻ bình thường. Tôi ít thấy ông ngồi một mình nơi bàn trong phòng riêng mà hay ra sau vườn. Có lẽ vì đã vào hè, khi oi bức ông nằm võng sân sau đọc sách nhưng sẵn sàng nhường cho cháu khi lũ con nít bắt đầu chán những trò chơi khác muốn chồng chất hai ba đứa lên võng lộn mèo lăn nhào trên cỏ. Tôi không muốn cha tôi nằm chiếc võng căng cứng dễ lập úp vì sợ ông té. Để trấn an tôi, ông thường nằm với một chân thòng chấm đất.

Có lẽ, sự lặp đi lặp lại của đời sống qui cũ khiến tôi dễ dàng nhanh chóng quên chuyện cất ảnh một cách không ngờ.

Tôi hoàn toàn quên hẳn chuyện tấm hình cho đến một dịp khác. Cuộc ăn uống vui vẻ nơi sân sau, ngày lễ cuối cùng đánh dấu mùa hè chấm dứt trước khi lũ con nít nhập học niên khoá mới. Lấy ra hai chai bia vùi sâu trong thùng nước đá, anh tôi đưa một cho Ben rồi hỏi.

“Chọn nghề cứu hoả hả? Hừm, sao lại là cứu hoả?”

“Sao không?”

“Nguy hiểm!”

“Đó cũng là một lý do.”

“Lý do đó có vẻ dữ dằn.”

Anh tôi cười sau câu nói.

“Tôi thích thử thách khó khăn.”

Tôi cụng chai bia nơi tay Ben, đùa.

“Thử thách khó khăn? Cứ lái xe trên xa lộ giờ cao điểm là có ngay thử thách. Bảo đảm tăng áp huyết.”

Ben cười. Tôi đùa tiếp.

“Có lẽ Ben thích làm người hùng.”

Ben vội lắc đầu.

“Không. Không. Đây là một nghề nguy hiểm. Và nó đòi hỏi sự chú ý thận trọng cũng như lương tâm nghề nghiệp rất cao.”

Tôi cười vỗ nhẹ vai Ben.

“Em chỉ đùa.”

“Anh biết.”

Miệng Ben nói thế nhưng nhìn mắt Ben, tôi hiểu mình đã lỡ lời nên lặp lại lần nữa.

“Xin lỗi. Lỡ lời.”

Ben lắc đầu.

“Chẳng làm sao cả. Quên đi.”

Anh tôi không rõ chuyện gì bỗng dưng cả hai cùng nhỏ giọng thì thầm. Anh nhìn tôi cười mỉm rồi nói tiếp với Ben.

“Điều kiện sức khoẻ thì sao?”

“Tương đối khá cao...”

Tôi đưa chai bia lên mồm hớp một ngụm. Bia lạnh đến độ đầu tôi choáng rộn nhưng vẫn tiếp tục hớp thêm ngụm nữa. Giữa hai ngụm bia, bất chợt mắt tôi nhìn qua cửa sổ phòng cha tôi.

Ông ngồi lưng thẳng, như một que củi khô cứng ngắc, một tay đưa xa, hình như cùi chỏ tựa cạnh bàn. Cuối cánh tay ấy, giữa những ngón khô đét, tuy không thấy rõ, tôi bỗng đoan chắc là một tấm hình. Cha tôi ngồi bất động, rất lâu. Không rõ ông có chớp mắt. Không rõ ông có thở. Tôi lạc mất câu chuyện giữa anh tôi với Ben, và ngụm bia được nuốt xuống một cách bực dọc miễn cưỡng.

Lúc chúng tôi còn bé, cha tôi bày tỏ tình cảm bằng những cái hôn, bẹo má, xoa trán, vuốt tóc. Tôi biết cha tôi không phải là một người khô khan không biết tỏ bày tình cảm với con cái hay không biết hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ rằng ông có hạnh phúc, vẫn hạnh phúc với gia đình, và có nhận thức chắc chắn. Tôi nghĩ cha tôi là một người cha chu đáo thương con yêu vợ như một số bình thường ngoài kia. Tôi đã không lầm về hình ảnh một người cha một người chồng hoàn hảo nơi cha tôi, nhưng hình như tôi đã lầm về hình ảnh một người đàn ông bình thường nơi ông. Đã lầm. Về một con người khác ẩn tàng. Nhưng nếu đã hoàn toàn hạnh phúc thì cha tôi không hề thiếu thốn để phải đi tìm, để phải giấu diếm một điều gì. Nghĩ rằng cha tôi còn có một người đàn bà nào khác để yêu thương là một điều không tưởng tượng nổi. Mẹ tôi không phải là một người đàn bà hoàn toàn tuyệt diệu nhưng ít ra bà tuyệt diệu trong mắt tôi, trong gia đình tôi. Tuy nhiên, nếu cho rằng vì mẹ tôi kém cỏi ở một phương diện nào đó khiến cha tôi tìm kiếm sự bù đắp nơi người khác, là không công bằng. Cho cả hai. Cũng có thể, cho cả ba, kể cả người mà cha tôi tìm kiếm sự bù đắp. Bởi vì không ai cho cha tôi cái quyền đó cả. Đó chỉ là ngụy biện. Nhưng tôi cũng hiểu rằng con người có nhiều khả năng, kể cả khả năng yêu thương, đôi khi, dăm ba người, cùng lúc. Đó là bi kịch của con người. Tình cảm không mực độ lẫn dụng cụ đo lường. Tình cảm đối nghịch với lý trí. Nhưng, với cha tôi, tôi không khỏi bất công thiên kiến, khi cho rằng ông sáng suốt trong tình cảm. Hay nói một cách khác, tôi đã tưởng rằng, lý trí chi phối tình cảm nơi ông một cách sòng phẳng bình dị. Nên, không thể có chuyện cha tôi hành động vì tình cảm. Tất nhiên.

Ý tưởng của một đứa con gái về cha mình, rất thiên vị. Tôi đã tự động cho rằng cha tôi không có tình cảm riêng tư cuả một người đàn ông, mà chỉ có tình cảm tất nhiên của một người chồng, một người cha, một đứa con trong gia đình. Tôi đã, rất bất công, cho rằng cha tôi không thể có, không có khả năng có, bất cứ tình cảm nào khác ngoại trừ thứ tình cảm tất nhiên vừa kể trên. Vô tình, tôi đã bất công khi nghĩ về cha mình. Tôi đã không cho phép ông được là một người bình thường, nói gì đến, là một người đàn ông bình thường. Tôi cũng thừa biết, cố ý nhiều hơn vô tình, tôi đã không nghĩ đến khía cạnh tình dục. Nhất là khía cạnh tình dục của cha mẹ mình, là một điều tương đối khó và không thể nói đến trong một gia đình á châu.

Ben đứng sát vai tôi, nhìn theo hướng tôi nhìn, hỏi.

“Nhìn gì vậy?”

Tôi hơi giật mình.

“Không. Không có gì.”

“Thấy nhìn chăm chú...”

Tôi day sang Ben.

“Không có gì.”

Sực nhận ra giọng mình hơi xẵng, tôi dịu xuống rồi nói thật. Gần như thật.

“Không biết ông già làm gì trong phòng một mình?”

Anh tôi thoáng nhìn về phía cửa sổ, trả lời.

“Hồi nãy ba than nắng nhức đầu.”

Tôi à một tiếng rồi nhìn đi nơi khác. Anh tôi thản nhiên tiếp.

“Mấy hôm nay ông già than mệt, chắc phải đi khám tổng quát xem sao.”

Khi tôi nhìn lên cửa sổ phòng cha tôi lần nữa, ông vẫn ngồi yên nơi vị trí cũ, và lần này thì tôi chắc chắn, một cách giận dữ buộc tội, ông đang nhìn một tấm ảnh mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Lúc tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng khi có việc cần phải vào sở cuối tuần, cha tôi có lúc cho đi theo. Thường thì ông bật máy vi tính tìm trò chơi trên mạng cho tôi rồi đi làm việc của mình. Và nếu tôi nhớ không lầm, tấm ảnh hai anh em tôi đứng ở một bãi biển nào đó là tấm ảnh duy nhất đặt nơi bàn làm việc của ông. Về sau cha tôi để nó trên bàn ngủ cạnh giường. Tuy ông chụp chúng tôi nhiều hình nhưng có lẽ đấy là tấm ảnh cha tôi thích nhất. Tôi bỗng nhớ lại lúc giúp ông dọn đồ từ một thùng nhỏ chứa những món lặt vặt cá nhân ở văn phòng làm việc khi về hưu ông mang về nhà. Đến lúc tôi lôi mớ giấy gần đáy thùng ra định lật giở từng tờ thì cha tôi nhẹ nhàng bảo để đó cho ông. Chỉ có thế. Ông rất nhẹ nhàng từ tốn nhưng bây giờ nhớ lại, tôi đâm ra ngờ vực, biết đâu, trong đó còn lẫn nhiều thứ mà cha tôi khoá kín nơi ngăn kéo, bây giờ.

Những ngày sau mỗi khi có chuyện đến nhà anh, tôi im lìm quan sát cha tôi, gần như tò mò soi mói. Ông càng lúc càng ít ra khỏi phòng. Nhưng, cửa phòng ông chỉ khép hờ, và nếu như ông có ngồi nơi bàn viết, tôi không hề thấy ông xem hình. Tựa như lần vô tình tôi bắt gặp và lần nhìn thấy qua cửa sổ, đã là quá mức. Tất nhiên là tôi bức rức khó chịu. Việc gì ông phải khoá kín ngăn tủ? Và việc gì ông phải xem hình một cách vụng trộm lén lút?

Đến một hôm khác, sau bữa ăn trưa, cha tôi đột ngột bất tỉnh. Sau nhiều giờ chầu chực chờ đợi ở bệnh viện lo lắng, tôi về nhà, nhưng chưa được lâu thì anh tôi gọi.

“Ông già không sao, nằm lại tối nay để làm thêm mấy thử nghiệm khác về tim. Mày chịu khó ghé ngang nhà lấy mấy món đồ Jenny sắp sẵn mang vào đây.”

Chị dâu tôi không thể bỏ mấy cháu bé ở nhà để xách vài thứ cần thiết vào bệnh viện cho cha tôi. Vừa mở cửa cho tôi Jenny vừa nói.

“Cô xem lại có khi chị lấy nhầm.”

Tôi soát tới soát lui bao đồ nhỏ. Jenny sực nhớ.

“Cô lên lấy vài tấm ảnh mang vào bày quanh cho ông già đỡ buồn.”

Tôi chần chừ.

“Chỉ có một đêm, mai đã về rồi...”

Nghĩ đến điều tôi không hề, không muốn, nghĩ đến, Jenny lắc đầu.

“Đâu biết được. Có khi vài ngày lại kéo thành vài tuần đấy.”

Nhưng tôi không cãi Jenny vì cha chị vừa mới qua đời không lâu, kinh nghiệm nuôi bệnh người già vẫn còn mới nguyên trong chị với những thay đổi bất ngờ không kịp trở tay. Không muốn Jenny nói thêm, tôi bỏ lên lầu vào phòng ông già.

Không hiểu sao tôi lại nhón lấy tấm hình hai anh em đứng ngoài biển, rồi tần ngần do dự trước những tấm còn lại. Tôi sực nhận ra phòng ngủ cha tôi có lắm hình. Hình chụp chung nhiều người, đủ kiểu, nhiều dịp. Những tấm ảnh này phần lớn chắc phải do Jenny vào khung để trên bàn chứ tôi biết cha tôi chỉ giữ mỗi tấm hình hai anh em đứng ngoài biển và một tấm khác, mẹ tôi ngồi bên ông, cả hai ông bà cứng ngắc bên nhau, một tiệc cưới nào đó.

Đang nhìn loanh quanh lựa chọn, mắt tôi bỗng dừng nơi chiếc khoá chơ vơ ở kệ trên. Mọi ý nghĩ trong tôi khựng lại và hành động chợt bùng lên như thể đó là hành động duy nhất đáng làm và phải làm, ngay lập tức. Tôi cầm chìa lập cập mở ngăn tủ bên dưới, kéo ra. Nằm úp trên mấy cây bút chì, viết máy, kẹp giấy là một tấm hình khổ bốn sáu. Tôi lật ngửa hình mà không cầm lên như sợ để lại dấu vết không ra gì, phần tôi.

Khi tôi trở lại bệnh viện, cha tôi đã được dời ra phòng riêng. Ông có vẻ mệt mỏi im lìm không nói khi tôi bày mấy tấm ảnh lên bàn, chìa cho thấy đôi giép da ông vẫn mang trong nhà, rồi để xuống sàn cạnh giường. Hình như tôi tránh không nhìn thẳng mắt ông, vì mỗi lần nhìn là mỗi lần tôi nhớ đến tấm ảnh trong ngăn kéo. Cha tôi muốn nhìn, vẫn nhìn, người nào trong tấm ảnh ấy?

Về sau những lúc đưa đón cha tôi ra vào bệnh viện, phòng mạch bác sĩ chuyên môn, thường xuyên hơn trước, thay phiên với anh tôi, nụ cười của những người trong ảnh ám ảnh tôi, cũng thường xuyên chẳng kém. Tự tấm hình ấy không có gì khác thường để cha tôi phải giấu diếm.

Aûnh chụp một dịp Giáng sinh vì sau lưng người trong ảnh là cây thông với đèn đóm dây hoa. Cha tôi đứng tận bên trái. Ông có vẻ lớ ngớ ngượng nghịu. Người đàn ông duy nhất chụp chung với bốn người đàn bà kề sát nhau cười rất tươi. Bốn người đàn bà mặc quần áo dạ tiệc. Hai người á châu, một da trắng và một người có nét Nam Mỹ. Cả bốn có chiều cao tương đối không chênh lệch gì nhiều, và tất nhiên là thấp hơn cha tôi. Người đàn bà nét Nam Mỹ mặc áo cổ hở hơi sâu phơi cặp vú lớn và cũng là người có nụ cười tươi nhất với hàm răng to khoẻ. Người đàn bà á châu đứng kế mặc áo đen dài có quai vai nhỏ, tóc cúp ngang tai, cũng có nụ cười đẹp nhưng vì cười nên mắt híp lại. Người kế nữa cũng á châu, tóc thật ngắn, mặc vét đen, cổ áo trong bẻ lật ra ngoài, không biết váy ngắn dài vì ảnh chụp ngang đùi trở lên, nụ cười thoải mái. Người đứng sau cùng tóc màu hung đỏ cũng cắt thật ngắn, mang kính. Cả bốn người đều đẹp. Ở nụ cười tươi và nét mặt rạng rỡ. Nhưng cha tôi thì không đẹp chút nào. Nụ cười của ông sượng cứng như đã lỡ đứng không nhằm chỗ. Thế đứng cứng ngắc và cách xa người bên cạnh một khoảng nhỏ làm như, lẽ ra chỉ có bốn người đàn bà chụp chung với nhau, và cha tôi đứng vào đấy như bị lôi kéo bất thần vào phút cuối trước khi người chụp bấm máy. Hơn nữa, bốn nụ cười thật đẹp của bốn phụ nữ, tôi nghĩ, trẻ hơn cha tôi, quá sức tương phản với nụ cười sượng cứng của ông. Chỗ đứng của cha tôi không tuỳ thuộc trong tấm ảnh đó. Nhìn mặt ông, tôi có thể đoán được ảnh chụp vào khoảng thời gian nào, nhưng điều này không cần thiết, hàng số màu vàng cuối chân ảnh cho biết ngày tháng cuối năm, tất nhiên là đã lâu.

Đôi khi tôi giả sử, với Ben.

“Ông già yêu một trong bốn người đó.”

Ben chưa bao giờ được nhìn ảnh, chỉ nghe tôi tả nhưng đủ để đùa cợt.

“Nói vậy thì ai cũng nói được.”

Tôi quả quyết.

“Một trong hai người đàn bà á châu.”

Ben nheo mắt cười cười.

“Vấn đề chủng tộc?”

Tôi ngượng.

“Linh cảm!”

“Bắt nguồn từ kỳ thị chủng tộc?”

“Không. Nhưng có lẽ ông già chuộng á châu hơn.”

“Lại đoán già đoán non!”

“Người đàn bà da trắng này chắc chắn không hợp gu ông già.”

“Gu ông già?”

Tôi ấm ức vì nhận ra đối với Ben, chuyện tấm ảnh chỉ là một chuyện đùa.

“Ông già không sinh trưởng xứ này và mang nặng đầu óc á châu, ưa thích những cái gì á châu nói chung. Ông thích đàn bà dịu dàng chịu đựng. Dáng đứng, nụ cười và mái tóc thật ngắn của người đàn bà da trắng này hoàn toàn ngược lại những gì ông già ưa chuộng nơi một người đàn bà!”

“Thế thì người đàn bà á châu kia, tóc cũng ngắn chẳng kém, thì sao?”

Tôi ngắc ngứ chưa trả lời thì Ben đã tiếp.

“Như vậy đưa đến kết luận ông già yêu người đàn bà á châu còn lại. Rồi xong. Đấy. Dễ ợt.”

“Không thể kết luận dễ dàng thế được.”

“Ủa, chính em vừa giới hạn chỉ một trong hai người đàn bà á châu rồi giờ lại nói không thể kết luận? Mình giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ từ từ. Ông già không thích đàn bà tóc ngắn, loại ngay hai người. Cô Nam Mỹ tóc ngắn dài? À, em tả mặc áo hở ngực. Ông già không thích đàn bà ăn mặc hở hang. Loại cô ấy ra. Thì cũng còn một người duy nhất.”

Tôi khổ sở.

“Cô ấy quá trẻ.”

“À. Lại thêm vấn đề tuổi tác. Ông già không thích đàn bà quá trẻ?”

“Ben. Thôi đừng đùa nữa!”

Ben cố nén cười.

“Được rồi, được rồi, chịu thua. Không ai nói xấu ông già cả. Rồi, loại bỏ người đàn bà da trắng với cô Nam Mỹ, còn hai người á châu. Một xấp một ngửa, thảy đồng tiền xem thử cô nào là người tình của ông già.”

Cứ thế. Mỗi lần tôi đem chuyện tấm ảnh ra nói với Ben, cứ thế, đều biến thành một chuyện hài hước cười đùa và tôi giận dỗi bỏ đi nơi khác. Tôi thừa hiểu ý Ben. Ben không hề cười đùa cha tôi. Ben chỉ đùa để tôi bỏ ý tưởng thắc mắc đời tư người khác, cho dù đó là cha tôi, là người tôi rất mực gần gủi yêu mến nên vô tình, tự cho mình có quyền soi mói đến một mực độ nào đó. Tôi đã không nghĩ ra là tôi đang soi mói đời tư của một người, bỏ qua mọi hình thức quan hệ. Theo Ben, tôi không có quyền thắc mắc những người đàn bà ấy là ai, nhất là khi cha tôi đã cố tình cất kỹ tấm ảnh. Giả sử mẹ tôi còn sống, chỉ có bà mới có quyền hỏi cha tôi câu đó. Mà cũng chưa chắc, Ben lập luận, nếu tôi đừng lẽo mép với bà. Tất nhiên tôi không đồng ý với Ben nên tiếp tục thêu dệt.

Giả như có một chuyện tình nào đó xảy ra giữa cha tôi và một trong bốn người đàn bà cười tươi trong hình, đó tất phải là mối tình một chiều. Có khi tôi cảm thấy khổ sở tựa như đã vô lễ đánh giá cha tôi hơi thấp, nhưng tôi không thấy ông xứng đôi với bất cứ người nào trong hình. Và thái độ âm thầm giữ kín tấm ảnh, rõ là thái độ của người ôm giữ một mối tình tuyệt vọng. Nhưng Ben bác ngay ý nghĩ của tôi.

“Rõ là đầu óc văn sĩ nửa mùa nên vẽ vời trăm chuyện. Biết đâu ông già có kỷ niệm đẹp gì đó về một bữa tiệc cuối năm trong ba mươi năm làm việc gương mẫu của mình nên thích nhìn đến ảnh, phải không? Những người này em chưa bao giờ thấy mặt, mà bạn bè của ông bà già tất nhiên em đã biết đã gặp, thì đây chỉ có thể là người làm chung sở với ông già mà thôi. Tính tình của ông già đứng đắn đạo mạo thì không có chuyện lăng nhăng trong sở. Huống gì ông già cũng không thuộc loại đẹp trai hào hoa...”

Tôi đồng ý rằng có khi tôi vẽ vời quá đáng nhưng làm sao tôi có thể quên được nét ân cần lúc cầm tấm ảnh trong tay của cha tôi. Một kỷ niệm bình thường không hề khiến một người đàn ông ngây người một lúc lâu. Đây phải là một thứ gì không bình thường nơi một người bình thường giản dị như cha tôi. Một người không có bóng tối. Đời tư của ông là đời chung gia đình với chúng tôi.

“Đừng cho ông già điểm quá cao rồi giật mình.”

Ben nghĩ vậy. Ben cho rằng vì tôi đặt cha mình lên một bục cao nên tôi muốn trấn an mình rằng cái pho tượng trên bục cao ấy vẫn là người cha hy sinh tất cả mọi thứ cho gia đình, rằng người cha ấy không hề yêu thương ai hết ngoại trừ mẹ tôi ra. Nhưng, nếu gọi là để trấn an thì tôi phải suy ra sự thật. Suy, chứ tôi không mặt mũi nào hỏi thẳng cha tôi. Sự kiện tôi mở ngăn tủ riêng của ông đủ để tôi xấu hổ nói gì đến chuyện hỏi một vấn đề riêng tư tế nhị.

Đến lúc cha tôi về nhà đợi chết, ý định táo bạo mới chớm trong tôi. Hôm ấy vắng người, không hiểu anh chị tôi đi đâu, các cháu đi học, cô y tá chưa đến phiên, tôi ngồi với ông. Có khi ông mở mắt he hé nhưng lại ngủ, có khi ông nhắm mắt nhưng mở thật nhanh khi có tiếng động khẽ. Thỉnh thoảng mắt ông theo dõi tôi đi lại trong phòng rồi khép lại như ngủ. Tôi nhìn bàn tay xương xẩu da mỏng tanh vàng úa úp nơi chăn nhớ bốn nụ cười thật tươi trong hình. Tôi nhìn mấy sợi tóc bạc lơ thơ nhớ bốn người đàn bà đẹp đứng sát nhau như đẩy cha tôi ra ngoài lạc loài. Tôi nhìn cặp môi khô héo của cha tôi mỗi khi gắng gượng nhắp nước lại nhớ đến bốn cặp môi tô son thật tươi vẽ ra bốn nụ cười tuyệt đẹp của người trong hình. Tôi nhìn ánh mắt có lúc như dại không thấy gì hết của cha tôi nhớ lại lúc ông ngây người một tay giữ ảnh. Bốn nụ cười rất ồn ào nơi trí nhớ của tôi mỗi khi nhìn đến cha tôi im lìm lặng lẽ. Có lúc tôi bỗng bực dọc. Tựa như sự vô tình phơi bày rất rõ ở cách đứng, ở kiểu cười của những người trong ảnh. Có người nào biết được, nghĩ đến cha tôi, giờ phút này? Có người nào, vẫn giữ liên lạc với cha tôi, giờ phút này? Có người nào, sẵn sàng đến, nếu biết cha tôi đang bệnh nặng, giờ phút này? Hay là không, không có ai hết. Tấm ảnh không kể hết câu chuyện. Cha tôi tất không kể đoạn đầu. Tôi không biết đoạn cuối, trong khi tấm ảnh là khoảng giữa lửng lơ.

Biết đâu, đã có lúc cha tôi muốn được nhìn lại tấm ảnh cất trong ngăn kéo. Biết đâu, một ý muốn ông không thể nói ra. Biết đâu. Biết đâu. Biết đâu đấy.

Tôi loay hoay suy nghĩ chập lâu rồi lại bàn tìm chiếc khoá ở kệ trên. Tôi hồi hộp thỉnh thoảng liếc về phía cha tôi. Tiếng khoá mở nhẹ, tôi kéo ngăn kéo từ tốn. Tấm ảnh vẫn nằm ngửa y nguyên vị trí cũ lần đầu tôi mở trộm ngăn kéo. Điều này chứng tỏ từ lúc bệnh trở nặng, cha tôi không có dịp mở tủ. Tôi cầm ảnh lên nhìn thật gần một lần nữa. Nụ cười tươi của bốn người đàn bà vẫn đẹp. Tôi đắng cay khi nhận ra tôi vẫn nghĩ cha tôi không xứng với bất cứ người nào trong hình. Tôi thừa thãi thì giờ để ngắm nghía lâu hơn. Cả bốn người đều trẻ hơn cha tôi quá nhiều và có vẻ biết ăn mặc thời trang. Đàng nào, họ cũng hơn hẳn mẹ tôi, ở khoảng thời gian ấy, nơi bề ngoài.

Tôi lay nhẹ vai cha tôi rồi mang kính cho ông, tay kia tôi giữ tấm ảnh trước mặt. Mắt ông thoáng lướt ngang. Tôi để ý chờ đợi phản ứng. Nét mặt cha tôi im lìm. Không phản ứng. Không cả chớp mắt. Không cả thở mạnh. Cha tôi không nhìn ảnh. Ông nhìn tôi. Cha tôi nhìn tôi. Không nhìn ảnh. Rồi ông từ từ gỡ kính đưa tôi, khép mắt lại.
Phượng Các
#4 Posted : Sunday, December 12, 2004 2:29:14 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Lý luận hóa – Thuyết Nữ quyền và Tính Hậu hiện đại:
Nói chuyện với Linda Hutcheon
(1997)


kathleen o’grady

nguyễn thị ngọc nhung dịch

Dẫn nhập

Có quá nhiều lý thuyết phê bình đương đại xa lạ với những người đầu óc còn trắng trong và làm nổi giận ngay cả những độc giả xác quyết nhất. Và những bình luận hậu hiện đại, từng hứa hẹn mở khóa bí ẩn của phong trào, thường làm đồ chận cửa hay miếng lót ly tách tốt hơn là những con đường dễ đi dẫn vào các con hẻm khúc khuỷu và bi thảm của tư tưởng hậu hiện đại. Lý thuyết nữ quyền đương đại cũng không hẳn luôn thoát được cái khuynh hướng này.

Linda Hutcheon, một trong những lý thuyết gia được kính nể và nổi tiếng nhất của Gia nã đại, từ lâu vẫn bác bỏ cái xu hướng này bằng một cái nhún vai. Những bài viết vô số của bà, về cả hai, tính hậu hiện đại và lý thuyết nữ quyền, cung cấp những phân tích sáng suốt và gọn gàng trên những chỗ khó xử nhất của các vấn đề – nhại phỏng, châm biếm, mỹ học – và chúng không ngừng lại ở đấy. Trong từng bài viết, bà thêm vào đấy những thông tuệ có giá trị lấy từ căn bản của riêng bà về văn chương, sự chú tâm đến nghệ thuật và kiến trúc, và sự hiểu biết về triết đương đại của bà. Với một căn bản đủ thể loại như thế, rất khó để đặc tính hóa tác phẩm của bà bằng một tựa đề đơn lẻ. Đối với nhiều người, bà nổi tiếng là một “lý thuyết gia văn hóa” hay “phê bình văn chương,” với nhiều người khác nữa thì bà là “nữ quyền”; có người nghĩ bà là “phê bình nghệ thuật,” trong khi bà thường được xem là một “chuyên gia về văn chương Gia nã đại”; vẫn còn có nhiều người khác nữa, nghĩ rằng bà đáng được xem là một “triết gia”. Dĩ nhiên, đúng ra bà là tất cả mọi thứ kể trên, và hơn thế nữa. Điều không tranh cãi được là những bài viết của bà luôn luôn đính ứơc, năng động, và trên tất cả mọi thứ khác, phong phú.

Linda Hutcheon là Professor of English and Comparative Literature, ở đại học University of Toronto. Những tác phẩm lý thuyết của bà gồm có A Poetics of Postmodernism: History, Theory, Fiction; The Politics of Postmodernism; Narcissistic Narrative: the MetaFictional Paradox; A Theory of Parody: The Teachings of Twentieth-Century Art Forms; The Canadian Postmodern: A Study of Contemporary English-Canadian Fiction; Splitting Images: Contemporary Canadian Ironies; và gần đây nhất Opéra: Desire, Disease, Death viết với Michael Hutcheon.


KO: (Kathleen O’Grady) Mới đây, bà đồng viết một cuốn khảo sát những biểu trưng mỹ học và luyến ái của bệnh tật nơi những nữ anh hùng trong các vở nhạc kịch opéra. Nghiên cứu của bà đã tìm thấy gì về sự cấu tạo – hay theo dụng chữ của bà “thần thoại hóa” – phái tính, ước vọng và bệnh tật? Bà cũng lưu ý đến cái quan hệ giữa sự hiểu biết khoa học ở thế kỷ 19 về bệnh tật và kết quả biểu trưng phân biệt phái tính của nó trong nghệ thuật. Bà có để ý đến những tương tự đương đại song hành không?

LH: (Linda Hutcheon) Tôi phải thú thật là cuộc nghiên cứu tôi cùng làm với chồng tôi (là một bác sĩ) về những cấu tạo văn hóa về đàn bà và bệnh tật trong nhạc kịch opéra là một kinh nghiệm mở mắt. Giống như những người khác, mỗi khi có người nhắc đến bệnh tật trong bối cảnh opéra, tôi nghĩ đến Mimi trong La Bohème của Puccini hay Violetta trong La Traviata của Verdi; vì cái sức mạnh của tiêu biểu, tôi đã tưởng tượng rằng có đủ thứ nữ anh hùng opéra bị hủy hoại như thế. Vậy mà không. Chỉ có vài ba người nữa thôi. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi đến việc tìm hiểu lý do cho cái thế lực của tiêu biểu, và như vậy, khảo sát những ý nghĩa văn hóa đã gán cho bệnh tật và những người mang bệnh ấy.
Như bà có thể tưởng tượng được, công việc của chúng tôi còn được khơi dậy bởi sự kiện là tất cả chúng ta đang theo dõi một cấu tạo ý nghĩa văn hóa của một điều kiện y tế mới – AIDS. Chúng tôi khám phá ra những biểu trưng trong truyền thông và trong nghệ thuật của bệnh chứng này diễn lại lịch sử của nhiều thứ bệnh khác – từ cách gọi bệnh dịch (“dịch đồng tính” ở đầu thập niên 1980) cho đến giang mai (như một thứ bệnh truyền nhiễm dục tính). Tất cả chúng ta đều cùng nhìn thấy báo chí và truyền hình tạo nên sự phân biệt giữa “người vô tội” và những nạn nhân khác – như thế đưa ra một phán đoán luân lý, trong khi hiển nhiên là đang đối đầu với một vấn đề y tế. Dĩ nhiên cái sơ ý này không có gì mới: lịch sử bệnh tật và những biểu trưng của nó trong nghệ thuật (hãy nghĩ đến bệnh cùi trong những thời điểm trước đó) là một lịch sử của giá trị xã hội luân lý cũng như thông tin y học.


Trong Opéra: Desire, Disease, Death (1996), chúng tôi đã nhìn đến những khoảng thời gian trong lịch sử y khoa khi những thay đổi quan trọng xảy ra trong việc thấu hiểu một căn bệnh – thí dụ như năm 1882, khi Robert Koch khám phá ra vi khuẩn bệnh lao, và dạy chúng ta rằng bệnh lao không phải là một thứ bệnh chúng ta thừa hưởng, mà là một thứ bệnh ta có thể nhiễm từ người khác. Theo đó, chúng tôi xem xét làm thế nào mà cái thông tin y học này tìm đường vào hình thức nghệ thuật thời ấy: La Bohème (1896), với sự nhấn mạnh của nó nơi sự nghèo khó ở thành thị và nỗi sợ bị truyền nhiễm của nhân vật anh hùng (anh bỏ Mimi sau khi cô ta trải qua một đêm ho hen kinh khủng), là một vở opéra hậu-Koch, mặc dù nó lãng mạn hóa người nữ anh hùng bị hủy hoại này – qua nét đẹp xanh xao bừng sốt và khát vọng của nàng – là một tiếp nối từ những cấu tạo thời trước về đàn bà với bệnh tật.


KO: Tôi để ý với sự thích thú lớn nơi cái định nghĩa của bà về thuyết hậu hiện đại (trong cuốn The Politics of Postmodernism) tuyên bố rằng phong trào này, nhất là sự lưu ý riêng rẽ của nó đến sự khác biệt và tính bên lề, đã được uốn dạng một cách đầy ý nghĩa bởi thuyết nữ quyền. Hầu hết những nhà bình luận – những người sắp xếp những tuyển tập và bách khoa toàn thư – đều nói ngược lại: thuyết nữ quyền là kết quả trực tiếp của một đâm chồi hậu hiện đại. Điều này có vẻ như là một nhận xét lụn vụn – kiểu bắt đầu của tranh luận “con gà và cái trứng” – nhưng nó cũng là một biểu lộ về tính xu hướng của những bàn viết hàn lâm đặt những nhà văn nữ quyền ra bên lề, coi họ như là bọn vũ công cổ võ vui vẻ cho phong trào hậu hiện đại.

LH: Cảm giác của tôi lúc nào cũng vậy, rằng có vài phong trào xã hội quan trọng nào đó trong thập niên 1960 (và trước đó) đã biến hậu hiện đại khả thi: phong trào của nữ phái (dĩ nhiên, mặc dù phong trào đã có trước đó sớm hơn, nhưng làn sóng của nó trong thập niên 1960 là chủ yếu) và, tại Bắc Mỹ, phong trào dân quyền. Bỗng dưng những khác biệt phái tính và màu da được nằm trên bàn nghị luận. Một khi đã xảy ra, “sự khác biệt” biến thành chủ đích của nhiều suy tưởng – từ những vấn đề mới hơn của lựa chọn tính dục và lịch sử hậu thuộc địa cho đến những vấn đề quen thuộc hơn như tôn giáo và giai cấp. Tôi nghĩ rằng các thuyết nữ quyền (số nhiều) rất quan trọng đối với cách diễn đạt trước đó giúp nó khả thi trên nhiều vị trí chính trị đủ loại nằm dưới tàn dù phái tính – từ nhân văn tự do cho đến văn hoá duy vật. Những bàn luận nữ quyền “phức-tạp-hoá” những câu hỏi về lý lịch và dị biệt hầu như ngay từ đầu, và đưa ra đủ thứ vấn đề phiền toái (nhưng dĩ nhiên là tích cực) của tính bên lề xã hội và văn hoá.


KO: Tại sao có quá nhiều nghệ sĩ và lý thuyết gia nữ quyền chống lại sự cám dỗ của thuyết hậu hiện đại?

LH: Một phần, nó là thế vì những cấu tạo trước đó của hậu hiện đại tuyệt nhiên là nam tính (và đó là một trong những lý do tôi đã lựa chọn để viết về chủ đề): nhà văn, nghệ sĩ, và lý thuyết gia phái nam đều đứng đàng trước trong một thời gian khá dài. Thỉnh thoảng đấy thật sự là một điểm mù; thỉnh thoảng đấy là điều mà chúng ta có thể gọi là một hình thức phái-tính-cẩn-trọng: người ta sợ, vì sự chống đối của nữ quyền, để dán nhãn nhà văn phái nữ hay lý thuyết gia là hậu hiện đại. Một phần, đấy là vì thật sự ra phái nữ có chống lại thứ nhãn hiệu như thế, thỉnh thoảng là từ cái lo ngại rằng chương trình nghị sự thuyết nữ quyền của họ có thể bị gộp chung dưới cái nhãn mỹ học “không chính trị” của thuyết hậu hiện đại. Nhưng nó còn tuỳ ở định nghĩa về hậu hiện đại của ai mà chúng ta đang nói đến. Tôi tình cờ nghĩ rằng thuyết hậu hiện đại có chính trị, nhưng không phải chính trị trong cái nghĩa đã được dùng quá nhiều, qua một thời gian dài, đối với thuyết nữ quyền: nó thật có thách đố những phương hướng chiếm ưu thế (thường là qua sự tự-ý-thức và nhại phỏng), nhưng nó cũng hồi phục chính những phương hướng này ngay trong cái hành động thách đố ấy. Nói một cách khác, thuyết hậu hiện đại làm việc huỷ cấu, mà không hẳn tái cấu. Không có nữ quyền nào hài lòng với loại thuyết mang tiềm năng im lặng ấy, ngay cả khi bà (hay ông) ấy tán thành cái xung lực huỷ cấu: rất giản dị là vì bạn không thể ngừng lại ở đấy. Cái vấn đề quan trọng của môi giới đã biến thành trung điểm không phải chỉ riêng cho thuyết nữ quyền, dĩ nhiên, mà còn cho “queer theory” và thuyết hậu thuộc địa nữa.

KO: Bà lưu ý trong nghiên cứu lý thuyết của bà (và nghiên cứu đã nói ở trên) rằng thuyết nữ quyền đã có nhiều hình thái đa dạng trong những văn hoá khác nhau, và bà chuộng nói đến “nhiều thuyết nữ quyền”, số nhiều, trong bản văn của mình hơn là một phong trào nữ quyền, số ít. Hiện nay đã có nhiều bài viết về những hình thức khác nhau của thuyết nữ quyền xuất hiện từ những quốc gia như Ý, Pháp, Ấn độ, Anh và Mỹ. Có một phân biệt trong thuyết nữ quyền Gia nã đại (Anglo và Pháp) hay không?

LH: Là một nữ quyền đã từng chịu ảnh hưởng bởi suy tưởng hậu hiện đại – với sự phản kháng toàn thể và ràng buộc với địa phương và những sự kiện riêng biệt – tôi tin là nữ quyền Gia nã đại có khác: trường hợp xã hội của chúng tôi, phái nữ ở Gia nã đại khác ngay cả với phái nữ ở Anh hay ở Hoa kỳ – vì những khác biệt pháp lý cũng như văn hoá – và bối cảnh trí thức của chúng tôi, vì những lý do lịch sử, có lẽ là một thứ tạp chủng hơn hầu hết mọi nơi (mặc dù hẳn nhiên là có liên hệ với những quốc gia hậu-thuộc-địa). Được đóng khung địa lý và lịch sử giữa hai đế quốc anglo (quá khứ và hiện tại), Gia nã đại có kinh nghiệm là một hỗn hợp kỳ cục của những ảnh hưởng Anh và Mỹ, và cả hai đều đóng vai trò uốn dạng di sản trí thức của chúng tôi. Khi bạn thêm vào bối cảnh Québec, với những liên kết mạnh mẽ với thuyết nữ quyền Pháp của nó – tính tạp chủng gia tăng. Tôi nghĩ rằng, sự trộn lẫn của hoạt động Anglo-Mỹ sàng lọc với chủ ý lý thuyết Âu châu đã đươm quả cho nữ quyền Gia nã đại.

KO: Nhiều tác phẩm của bà đã nhắm đến hoặc gồm có những biểu trưng của “nữ tính” trong văn chương và những hình thức nghệ thuật khác. Trong một tác phẩm thuở đầu (The Canadian Postmodern) bà gợi đến việc châm biếm và nhại phỏng cùng chia sẻ một khuôn mẫu trong bản văn của các nhà văn phái nữ nói chung và trong tiểu thuyết Gia nã đại nói riêng. Cái gì đã khơi dậy điều tương tự ấy?

LH: Sự bên-lề-hoá. Một cách nói. Kiểu như đàn bà theo truyền thống, luôn bị đặt bên lề của văn hoá phái nam, cho nên người đàn bà Gia nã đại thường cảm thấy như đang theo dõi biến động (dù là ở Mỹ hay ởø Âu châu) từ bên lề. Đối diện với một di sản thuộc địa mạnh mẽ điều kiện hoá đáp ứng của nó đối với Anh (và Pháp, nhưng qua một cách khác) và đối đầu với một thế lực văn hoá mạnh hơn nữa từ hướng Nam của chúng tôi tại USA, dân Gia nã đại thường xoay qua châm biếm để tự định vị trí của mình (tự phản kháng) hoặc để không thừa nhận sức mạnh của những lực văn hoá chiếm ưu thế của lịch sử hay của hiện tại. Tôi có viết một cuốn mang tựa đề Splitting Images: Contemporary Canadian Ironies cố gắng giải thích cảm tưởng của tôi về sự thâm nhiễm của nhại phỏng và châm biếm như một đáp ứng Gia nã đại đối lại sự bên lề hoá (tôi cũng nên thêm, thường là tự-bên-lề-hoá).

KO: Bà đặt sự châm biếm vào trung điểm miêu tả về nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc và văn chương hậu hiện đại. Theo quan điểm của bà, có phải đấy cũng là thứ đặc tính định nghĩa được của tác phẩm nữ quyền đương đại?


LH: Vâng, nếu bà nhấn mạnh nơi “một” (chứ không phải “thứ”) đặc tính định nghĩa được. Dường như đối với tôi, như những người Gia nã đại khác, đàn bà thường ở trong vị trí tự định nghĩa mình chống lại một nền văn hoá hay phương hướng đàm luận chiếm ưu thế. Một cách để làm điều đó, một cách có tiềm năng lật đổ rất lớn, là nói cùng một ngôn ngữ với kẻ chiếm ưu thế (và như thế tiếng nói của bạn mới được nghe), thế nên lật đổ nó bằng những chiến thuật chế nhạo của phóng đại, giảm thiểu, hay văn chương hoá. Nhại phỏng là một phương sách cho phép bạn bắt chước ngôn ngữ đó, nhưng để làm thế thì phải qua sự tái-bối-cảnh-hoá, và khi làm như vậy cũng không phải tán đồng những lý tưởng hay giá trị ám chỉ của nó. Nhà văn phái nữ (Jane Austen là nhân chứng) đã biết đến sức mạnh xâm lấn của châm biếm từ lâu. Dĩ nhiên, các ông cũng sáng tác châm biếm nữa, nhưng lý thú thay, những châm biếm minh xác và thúc đẩy nhất thấy được gần đây thường được làm ra từ quan điểm của những người đàn ông bị bên lề hoá, là những người đặt mình vào vị trí chọn lựa đồng tính (thí dụ như nhiếp ảnh gia Evergon) hoặc bởi quốc gia tính là hậu thuộc địa (như Salman Rushdie là một thí dụ gây nhiều tranh cãi). Nhưng, những nhà văn phái nữ ngày nay – từ Janette Winterson và Angela Carter cho đến Margaret Atwood và Ann-Marie MacDonald – đã đặt nhại phỏng, một cách chắc chắn, trong cách dùng chính trị tuyệt hay.

KO: Những bài viết của bà về châm biếm và nhại phỏng, và nghiên cứu của bà về thuyết hậu hiện đại và nữ quyền, tất cả đều chan chứa những thí dụ từ một pha trộn đủ loại hình thức nghệ thuật: nghệ thuật trình diễn, kiến trúc, truyền hình, văn chương, điện ảnh, opéra và nhạc pop. Không có gì lạ hết khi gặp phải trong bài viết của bà những thí dụ từ Shakespeare, Laurie Anderson và Wayne’s World xen kẻ nhau để cùng làm sáng tỏ một điểm lý thuyết. Thêm vào việc trộn lẫn những hình thức nghệ thuật “cao” và “thấp”, xác ngôn lý thuyết của bà đến từ những thí dụ vững chắc. Có phải đó là một phương pháp có ý thức về phần bà? Và có phải nó đến từ vị trí của bà là một nhà hàn lâm phái nữ, một người theo nữ quyền, và một người Gia nã đại? Đây là một luận giải hiếm hoi khi mà nhiều nghiên cứu lý thuyết đưa ra bằng chứng cho kết luận của họ là những lời thành thạo của những nhà phê bình hay triết gia khác, tạo nên một loại tranh luận hẹp hòi và quanh quẩn (gieo giống chỉ trong cùng họ).

LH: Chắc là vì tôi thường tin rằng lý thuyết phải được lý thuyết hoá – trong cái nghĩa là bạn phải lý thuyết hoá từ một điều gì và điều gì đó phải rộng lớn hết mức khả thể trong định nghĩa của nó. Bất cứ lý thuyết nào của châm biếm và nhại phỏng chỉ dùng được, thí dụ như trong văn chương mà thôi, đối với tôi, nó là một lý thuyết không đầy đủ và không đáng mang tên lý thuyết. Cho nên, tôi lựa chọn làm việc với những thí dụ từ nghệ thuật thị ảnh hay âm nhạc hay phim và cố gắng để hiểu cách nào mà châm biếm đã làm việc – cách nào nó “xảy ra” trong khán/độc giả khi họ nhìn hoặc nghe những bản nghệ thuật này. Đi dạy học đã dạy tôi rằng những thí dụ văn hoá đại chúng có thể giúp ích rất nhiều trong việc giải thích các tư tưởng lý thuyết phức tạp. Nhưng, với hậu hiện đại, thì nó trở thành tất yếu để đối phó với sự đa dạng trong việc lý thuyết hoá cái hiện tượng văn hoá này – bởi vì sự bôi mờ biên giới của hậu hiện đại giữa những hình thức nghệ thuật, giữa nghệ thuật đại chúng cao và thấp. Tôi đã cố gắng tạo mẫu nó theo cách dùng đầu tiên tương đối ít chống đối của tên gọi – trong kiến trúc – và từ đó nhìn đến những hình thúc nghệ thuật khác, từ tiểu thuyết cho đến nhiếp ảnh và phim với những tuyên ngôn tương tự. Chiến thuật này cũng cho phép tôi đưa ra những tác phẩm của nhà văn và nghệ sĩ phái nữ, những người đã không được coi là hậu hiện đại (vì vài ba lý do tôi đã dẫn ở trên), nhưng rõ ràng là họ đã dùng những phương pháp tương tự với phương pháp đã dùng bởi nhà văn hậu hiện đại phái nam – nhưng họ thêm vào đó một góc cạnh chính trị, chống đối. Tôi đang nghĩ đến những người như Angela Carter hay Barbara Kruger. Thế thì, tôi cho rằng, sự quan tâm nữ quyền của mình cũng điều kiện hoá tại sao tôi lý thuyết hoá theo cách của riêng tôi.

nguyễn thị ngọc nhung dịch
Phượng Các
#5 Posted : Sunday, December 12, 2004 2:37:57 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Tiếng gào trong đêm

Nguyễn Thị Ngọc Nhung



Ghe chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liêng nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
“Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần. Chia ra để khỏi lộ. Mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng.”
Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ngồi đợi ẩn nhẫn. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như bất cứ người nào ngồi gần cũng đều có thể nghe được nhịp ấy. Phong nắm tay tôi. Tay Phong đẫm mồ hôi và lạnh. Tôi phải ngồi bệt và khom lưng, hai đầu gối co đụng càm, gọn lỏn trong lòng Phong. Khoang ghe quá chật cho mười người ngồi lèn nhau, phía ngoài còn tấn mấy buồng chuối mùi nhựa nồng chát. Bên trái tôi, cha mẹ Phong dúi sát nhau. Một bé trai độ bốn, năm tuổi, bị uống thuốc ngủ, nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái đạp chân tôi nhưng hình như bà không biết và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác. Đành chịu. Người con gái ngồi kế có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt từa tựa nét.
Khí trời đêm hơi lạnh nhưng bên trong khoang, nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội vì trộn lẫn với nỗi căng thẳng bập bùng ngập ngụa không gian. Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 2g15 sáng. Tôi thì thầm nơi tai Phong “Hơn hai giờ sáng rồi anh.” Phong gật nhẹ đầu. Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng. Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoằm khiến mặt hắn lộ đầy vẻ gian ác nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn quá cùi chỏ.
Người đàn ông đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp trở lại. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay mặt tôi khi thò đầu vào khoang kêu người đàn ông ẵm đứa con ngủ mê mệt. Người chồng bò ra đằng lái, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cố giữ thằng bé, người lảo đảo bước quàng xiên lòm khòm rồi mới đứng thẳng lên được.
Tên đàn ông dẫn đường mặc áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhàu nát ống nhỏ túm hơi ngắn trên mắt cá, có chỗ sờn, đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối trông được hơn người ngồi lái. Với nước da tái, môi thâm vì thuốc lá nhưng lại vẽ nên một nụ cười thật đẹp với lúm đồng tiền bên trái, kẻ răng đóng nhựa thuốc. Đôi mắt mí to với hàng mi rậm, duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người xa lạ với giọng nói trầm và chậm.
Tôi và Phong chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa, chuyến đi có cả gia đình người thân gì đó của người trung gian cùng đi, như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. Thường là chắc ăn, người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần có vàng có tiền làm của hoặc manh mối bắt đầu bị lộ. Ba mẹ Phong và tôi phải xuống Cần Thơ, giả đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhíu không ủi. Mẹ Phong thì mặc bà ba quần thâm. Ba Phong thì vận đồ rách, vá chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép rách quai cột nối bằng cọng kẽm. Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người miệt quê đó nhưng hình như họ cảm thông (hay tội nghiệp) trước sự trá hình không mấy chỉnh nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần suốt đường đi.
Đến nơi, cả bốn được dẫn đến một căn nhà nằm dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển nơi có ghe lớn đợi sẵn. Trong nhà có độ hơn mười người khác đợi sẵn khi chúng tôi đến rồi chia nhóm theo ghe. Tôi dặn Phong tìm cách đi chung với người trung gian, bảo đảm hơn. Phong gật nhưng gia đình người đó cả thảy là tám, thêm hai người thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi lẫn Phong đều không muốn đi tẻ riêng thành ra đành phải chờ chuyến chót, mười người, hơn mười giờ tối.
Thoạt đầu, ngồi chen chúc trong khoang, tôi muốn ngộp thở với hơi người và mùi bùn non lẫn mùi nước đọng hôi hám nơi đáy ghe. Hai người chèo bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài dằn bên trên, mấy buồng chuối xanh ngắt sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người. Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.
Người đàn ông dẫn đường trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khều vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng không hiểu tại sao. Cái mùi thật lạ lùng. Bóng tối trong khoang không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ. Hơi thở của hắn cũng nặng nề hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.
“Anh có nghe mùi gì không?”
“Không. Mùi gì?”
“Có mùi tanh tanh kỳ lắm... ”
Phong bâng quơ qua chuyện.
“Mùi bùn đó mà.”
Cũng khá lâu người đàn ông dẫn đường mới trở lại. Có thể hắn đi không lâu lắm nhưng khi chờ đợi thì năm ba phút dễ biến thành năm ba giờ. Chỉ còn bốn người trong khoang. Hai tên đàn ông bàn tính nho nhỏ trên bờ. Tôi bỗng nghe gai ốc nổi đầy người. Tôi nắm chặt tay Phong. Mồ hôi tươm ướt lưng. Người đàn ông đẹp trai kêu chúng tôi ra khỏi khoang. Hắn nói, giọng khoan thai.
“Bây giờ tui dẫn ông bà đi, hai người một. Để khỏi mất thì giờ, hai người đi với anh Ban, hai người đi với tui. Tụi tui đi hai đường nhưng đường nào cũng dẫn tới chỗ ghe lớn. Đi đông nhiều tiếng động dễ bị lộ.”
Rồi không đợi phản ứng của người nào hết, hắn hất hàm người mũi khoằm tên Ban, đẩy cha mẹ Phong về phía đó. Quay nhìn hai đứa tôi, hắn cười, hàm răng lởn nhởn dưới ánh trăng, bóng đen lúm đồng tiền nổi rõ trên má, bắt đầu đi về phía rừng cây thấp. Phong nắm tay tôi đi theo hắn. Rừng cây tối mờ dù là rừng thưa, bóng lá đen ngòm trên đường lồi lõm. Tôi vấp té loạng choạng nhiều lần, đi chậm hẳn lại.
Chợt một nhánh cây đập vào mặt đau điếng, tôi khựng lại, giằng tay khỏi tay Phong rồi đỡ nhánh cây cúi người lom khom. Bỗng dưng, tôi không chắc mình nghe đúng, nhưng tứ chi chai cứng. Thứ âm thanh nhọn như tiếng mèo gào giữa khuya. Tim tôi đập nhịp cuồng. Tôi quờ quạng tìm tay Phong. Chàng đứng sát tôi, chợt tôi cảm thấy cả người mệt mỏi và thỏng dài. Người đàn ông dẫn đường quay nhìn hai đứa tôi. Bóng tối mờ nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt kỳ lạ của hắn. Bỗng nhiên nỗi sợ hãi ùa tới tràn ngập người tôi với sự im lặng kỳ lạ của người dẫn đường không thúc hối khi thấy chúng tôi khựng lại. Hắn không hề kêu gọi nhanh bước. Thời gian đứng khựng và cả ba đứng im như chờ đợi phản ứng của nhau. Chợt Phong kéo ngược tay tôi chạy trở lại hướng vừa rời đi lúc nãy. Tôi chạy cuồng theo tay kéo mù loà. Rừng cây như mê hồn trận, chúng tôi chạy bất kể mọi thứ.
Rồi cả hai cũng trở lại được bờ sông nơi ghe cặp bến. Người đàn ông tên Ban đang cúi khom lục lọi chi nơi bóng đen nằm im bên chân hắn. Tôi đứng sựng kêu không ra tiếng. Miệng lưỡi dính thành một khối nghèn nghẹn. Bóng đen dưới chân hắn là mẹ Phong, nửa trên loã thể, tư thế co quắp, mặt úp xuống bùn. Ban hình như cũng không ngờ sự có mặt của tôi và Phong. Hắn đờ người, tay còn cầm sợi dây chuyền vàng lòng thòng. Trong khoảnh khắc chúng tôi nhìn hắn, nhìn cái búa bửa củi vất bên chân. Tôi không thấy máu vì bóng đêm làm nhoè bẩn mọi thứ. Nỗi sợ hãi dâng lấp trí óc. Ý nghĩ lướt thật nhanh trong đầu. Tôi đã hiểu tại sao chúng muốn dẫn từng hai người một. Tôi sực nhớ đến người dẫn đường. Đầu óc hoảng sợ những vẫn còn sáng suốt để nghe rõ tiếng chân chạy đuổi và tiếng la của hắn đâu đó “Ê Ban, coi chừng tụi nó chạy. Ban! Ban! Tụi nó chạy rồi!” Phong vụt chạy về chỗ neo ghe. Tôi chạy theo tay níu của Phong đến sát mé nước, chân vấp vật gì. Tôi ré lên như đạp phải giòi. Ba Phong nằm nửa người vùi dưới nước. Phong khựng lại vì tiếng la của tôi rồi đẩy tôi ra sông. Tôi sặc sục, nước mới ngang ngực. Phong hét vào tai tôi.
“Lội mau lên, lội ra giữa sông.”
Tôi bơi hối hả, tay chân nặng chình chịch vì hai bộ đồ ướt nước. Tôi quay cuồng tứ phía, không rõ mình bơi về hướng nào mới đúng. Tiếng người la hét sau lưng nghe chói tai đến độ hãi hùng. Một tràng đạn bắn vãi quanh tôi và Phong. Chàng đè đầu tôi ngụp xuống nước. Không mấy lâu, tôi ngộp thở hất tay Phong trồi lên hớp không khí. Súng nổ liên hồi như sát mang tai. Tôi luýnh quýnh đập tay chân loạn xạ, chưa đầy mấy phút đã mệt lả. Tôi càng ráng trồi lên chừng nào thì lại càng chìm xuống nhanh chừng nấy. Tôi lặn hụp lên xuống như người sắp chết đuối. Có lẽ nhờ vậy mà tôi tránh được đạn bắn xối xả chung quanh. Phong khi lặn kéo tôi hụp xuống, khi nổi đẩy tôi trùi tới. Tôi bơi tới tấp với cảm tưởng mình nổi ì một chỗ. Đầu óc tôi rối loạn nhưng hình như vẫn tỉnh táo, rất tỉnh táo để thấy ánh trăng mờ trên cao, cây cối đứng im nơi bờ, bóng nước lấp lánh quanh mình, hơi thở hào hễn, cơn mệt muốn đứt hơi và mấy bóng đen trên bờ với loạt đạn dữ dội. Tôi bơi như máy, hơi thở dần ngắn với nước tuôn vào mũi mồm sặc sục. Biết mình không đủ sức, tôi thả ngửa để Phong vịn vai đẩy đi. Hình như chúng tôi đã ra được giữa sông. Tôi nhìn vào bờ, chỉ thấy dạng cái ghe, hai bóng đen tàn ác nhoè lẫn trong bóng đêm nhưng ánh lửa nháng với tiếng nổ vẫn hiện hữu. Tôi đạp chân phụ sức với Phong, mắt nhìn thẳng lên lòng đêm có trăng sao đầy đủ. Trời đất có đó nhưng hình như bịt tai im lặng trước hành động dã man. Tôi nhẩm cầu những đấng tối cao mà tôi có thể nghĩ đến trong nhịp tim hỗn loạn.
Tiếng súng bỗng im. Sự im lặng hãi hùng đè chụp lấy tôi. Tiếng đập nước vung vẫy của chúng tôi bỗng trở thành tiếng động duy nhất rõ mồn một trong đêm. Tôi lật sấp người lại tiếp tục bơi, bờ bên kia vẫn còn xa thăm thẳm. Có bơi mới thấy con sông không nhỏ như tôi tưởng khi còn ngồi trên ghe. Phong nhìn lại rồi nói qua hơi thở đứt quãng.
“Tụi nó chèo theo... bơi lẹ... lên em... May ra mình... thoát.”
Câu nói của Phong lại được đệm bằng tiếng súng nhưng rời rạc hơn lúc nãy. Tôi muốn bịt tai để đừng nghe thứ âm thanh dữ dằn chở đầy gai nhọn đâm thẳng tim óc. Tôi nhìn lui, không hiểu sao trong lúc bấn loạn, trí óc vẫn tiếp tục có lúc minh mẫn để thấu suốt những thứ không dính dáng gì hết, quanh mình. Chiếc ghe trôi lừ lừ ra giữa sông thật nhanh. Lửa đỏ loé quanh. Tôi nghe được tiếng giầm quậy nước lẫn với tiếng súng mỗi lúc thưa hơn. Tiếng lủm chủm của đạn rơi không còn nghe gần đâu đây nữa mà vạt xa xa về phía bờ bên phải. Phong kề tai thì thào.
“Tụi nó không thấy mình. Em bơi nhẹ dưới nước trôi lần vào bờ, đừng gây tiếng động mạnh. Khi tụi nó bắn thì mình bơi nhanh hơn một chút.”
Đám lục bình nhẩn nha trôi đâu đó làm hai tên đàn ông lầm lẫn. Chúng la hét lẫn nhau.
“Mày bắn lục bình không hà, Ban! Ê. Đụ mẹ, tụi nó trôi hướng này sao mày cứ bắn hướng đó hoài vậy? Đụ mẹ, giết có hai đứa mà cũng không xong, biết làm gì ăn đây mậy?”
“Câm cái miệng của mày lại. Đứa nào để xẩy? Hả? Mẹ cha nó, tao bắn đúng chỗ, chắc tụi nó chìm rồi. Không tin thì thôi. Đụ má, bỏ cho rồi. Sống chết kệ mẹ tụi nó. Về cho xong, trời gần sáng rồi, làm cả đêm, mệt chết mẹ!”
Mọi thứ vụt im. Không có tiếng chèo lẫn tiếng chửi thề. Tay Phong nắm cứng vai tôi trong khoảnh khắc rồi buông. Tôi chúi đầu sát mặt nước, tay chân cố khuẩy thật nhẹ nhưng vẫn mang cảm tưởng nặng chịt lào xào khuyấy nước. Im lặng nặng như tấm màn sủng nước phủ đè lên tâm trí. Tim tôi đập rối rít, mạch máu nhảy theo nhịp tim hào hễn, tai tôi nghe được tiếng bình bịch của tim mình tưởng như ai cũng đều nghe ra. Chợt có người dúi chân tôi xuống. Tôi hơi giật mình khi chân đạp phải lớp sình mềm. Phong đứng, mặt ngửa chừa mũi thở, cả đầu dìm gần hết dưới nước. Tôi bắt chước Phong, đỡ mệt vì chân chạm đáy sông nhưng phải đổi chân chống vì lớp sình mềm khiến chân chuồi nghiêng không vững. Được một lát, tôi ngẩng nhìn vừa lúc bóng đen nơi ghe lên tiếng.
“Đằng kia kìa. Đó. Đụ... tụi nó vừa hụp xuống. Chỗ này nè. Mày bắn chỗ đó coi.”
Phong nắm tay tôi kéo hụp xuống nước. Nghe được câu nói của người trên ghe nên tôi kịp chuẩn bị để hít một hơi không đến nỗi chịu ngộp lâu. Đạn bắn tung toé sát nơi tôi đứng. Phong dò dẫm bước đi dưới nước. Tôi bước theo mò mẫm, chân đạp sình loạng choạng nhằm nơi trũng sâu làm tôi hốt hoảng bíu chặt tay Phong. Miệng há ra bất ngờ khiến nước ùa vào mồm, tôi ngột ngạt trồi đầu lên thở. Trước mặt, đám lục bình kẹt nhánh cây chết dồn đống bên bờ. Tôi truồi sâu vào đám lá, chỗ nước cạn ngang bụng nên ngồi chồm hỗm dưới nước. Bóng ghe đi ngang thật rõ. Tiếng nói chuyện vang vang.
“Kệ mẹ tụi nó, về cho rồi. Mày cất đồ chưa?”
Giọng trầm khoan thai trả lời như không bị ảnh hưởng chi hết với hỗn loạn máu me vừa rồi.
“Rồi, hỏi hoài! Xét hết mấy cái thây rồi. Trừ khi nào họ nuốt vô bụng thì tao chịu chớ... Ờ, hay là mình quay lại mổ mấy cái thây đàn bà. Tụi nó có khi nuốt hột xoàn...”
Giọng kia bẳn gắt hơn. “Sao hồi nãy hổng nói? Mẹ nó. Xì. Đụ má, gì cũng mày. Đợi xong rồi mới nói. Xẩy hết hai đứa... Gần sáng rồi, mổ miết gì nữa. Đụ má.”
Tiếng nói nhỏ dần theo dạng ghe loãng dần trong đêm tối. Phong đứng dậy, lần mò trượt lên trượt xuống với lớp sình nơi bờ rồi mò lên bờ đất. Tôi đạp sình nhão nhoẹt len chảy qua mấy kẽ chân, theo Phong lên chỗ có đất cứng. Bờ đất đầy rễ chằng chịt của thân cây chết, không rõ cây gì. Tôi lại vấp chân đau điếng nhưng cơn đau không đủ nồng độ để tôi nhận biết lâu hơn. Ngồi bệt xuống, tôi lần mò ngực áo tìm đồng hồ. Ánh lân tinh mờ ảo. 4g20 sáng. Tôi nói với Phong, hơi khựng lại khi nhận ra mình lạc giọng.
“Gần bốn rưỡi rồi anh. Giờ tính sao đây?”
Phong cởi áo vắt nước không trả lời. Tôi cởi bớt một bộ đồ bên ngoài cố vắt cho ráo rồi phơi đại trên mấy nhánh cây gần đó. Hơi lạnh thấm qua lần áo ướt còn lại trên người khiến tôi nổi ốc. Cả người tôi run từng cơn theo phản xạ cơ thể. Tôi ngồi bó gối, hai tay ôm chân co ro. Phong choàng tay qua vai tôi cho ấm. Hai đứa chúi vào nhau. Trí óc tôi dần dần tỉnh và tôi cố tránh không nghĩ đến những gì vừa xảy ra.
Rừng cây thưa thớt không một bóng nhà hay bóng đèn. Sao thật sáng và thật nhiều. Tiếng ếch nhái ễnh ương đâu đó nổi lên thật bình yên như không có chuyện gì xảy ra. Nước mắt tôi rơi chầm chậm nhiểu trên tay mới hay. Cơn sợ hãi lắng xuống, giờ chỉ còn lạc lõng khốn cùng sau cơn bão tàn khốc. Tôi mang cảm tưởng vừa rỗng không vừa đầy ắp đến độ muốn nôn. Không biết tôi nên nói gì, làm gì. Sau con giông tàn bạo, sực thấy mình không là gì cả, tay chân dư thừa, đầu óc đầy rẫy những hình ảnh chết chóc và cảm tưởng mình rất mỏng manh dễ bị xúc phạm thì lấp đầy cả người.
Giọt nước mắt đầu rơi xuống, khơi dậy trùng dương trong tôi. Tôi khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Trí óc lần mò trở lại xác người vấp phải nơi mé nước, sợi dây chuyền vàng đong đưa nơi tay gã đàn ông cúi mình trên cái xác trần. Hoá ra, tim tôi hụt nhịp, những người chung ghe đã chết. Tôi nhớ đứa bé trai ngủ mê vì thuốc. Cô gái trẻ thì thầm với tôi “Bồ em ở Texas. Ảnh hứa sẽ đón khi em tới đảo. Mấy năm rồi em chỉ đợi có dịp này. Tưởng sẽ không bao giờ gặp rồi chứ.” Giọng cười khẽ vui sướng đầy hy vọng của cô. Giờ thì thật là không bao giờ gặp. Tôi gục đầu ủ rủ với nước mắt. Phong ngồi im lặng lẽ. Chúng tôi đã gặp phải lũ cướp cạn tàn ác. Lũ cướp cùng màu da cùng tiếng nói với mình. Tôi thường nghe nói đến hải tặc Thái lan nhưng chưa nghe nói đến lũ cướp cùng màu da tiếng nói với mình. Giờ thì tôi hiểu, nạn nhân chết cả, lấy ai kể lại câu chuyện thương tâm nơi bờ sông vắng. Biết bao bờ sông vắng đã chứng kiến những cảnh tượng tương tự? Tôi lau nước mắt trên tay áo còn ẩm ướt, nằm lăn ra đất. Phong nằm theo, gối đầu tôi lên tay chàng. Tôi sờ soạng mặt Phong trong đêm tối mờ, ngón tay tôi ướt khi lướt ngang mắt. Tôi vùi mình trong lòng Phong, cảm kích và đau đớn vô vàn.

*

Bà ngoại Phong mất khoảng sau hai giờ sáng cùng ngày hôm ấy. Dì Sáu cho chúng tôi hay mấy ngày sau, khi hai đứa mò về đến nhà. Bà mất cùng ngày chúng tôi bị nạn. Lúc hai giờ, bà còn đòi dì Sáu rót cho tách trà. Sau đó, dì Sáu về giường của mình. Đến sáng thì bà đã chết cứng, hai chân thò ra ngoài như sửa soạn xuống giường, tay phải níu chặt thành giường, mắt mở hé.
Phong ngồi ôm đầu nghĩ ngợi. Chập sau Phong hỏi.
“Dì có chắc là sau hai giờ không?”
“Chắc. Dì cho ngoại uống nửa tách trà. Lúc để tách xuống bàn sực thấy đồng hồ gần hai giờ chớ dì có tính coi giờ đâu mà nhớ.”
Dì Sáu là em út của mẹ Phong. Dì lớn tuổi nhưng không con. Chồng dì còn ở trại học tập nên dì không đi với chúng tôi, vả lại không ai trông nom bà ngoại, đã hơn bảy mươi lăm già yếu nhiều bệnh tật. Dì giống mẹ Phong nhiều nét nhưng khô khan cằn cỗi hơn. Mặt dì sưng húp vì khóc nhiều.
Lúc mở cửa thấy hai đứa tôi, dì oà khóc như trẻ nhỏ. Thấy trở về, hiểu ngay là không thoát, phần mới chôn mẹ một mình nên dì tủi thân. Đến khi biết cha mẹ Phong tử nạn, dì khóc thảm thiết hơn. Phong chỉ ngồi yên nhìn tôi và dì Sáu, mặt chàng chai cứng với giận dữ và oán hờn.
Tối hôm đó, Phong ngồi nơi giường ngoại, vụt nói một câu lạ.
“Mình thoát được là nhờ ngoại!”
Tôi nhìn Phong không hiểu. Dì Sáu hỏi.
“Sao? Con nói sao?”
Phong chậm rãi kể, mắt nhìn mông lung.
“Lúc Ngà giật tay con đứng lại, tự nhiên con thấy bà ngoại. Thấy như thế nào thì con không biết, chỉ biết là thấy mà trong người không hề thắc mắc tại sao. Bà ngoại xua xua tay nói. Chạy đi con, lội qua bên kia sông. Lẹ lên. Chạy đi con! Con nghe rõ ràng giọng thúc hối nóng lòng của Ngoại. Con đang hoang mang chưa biết làm gì thì lại nghe bà nói. Mẹ mày chết rồi. Chạy mau lên con ơi. Rồi như có gì ám, con lôi tay Ngà chạy về phía bờ sông theo lời Ngoại.”
Tôi nghe lạnh nơi sống lưng. Tôi đã không kéo tay Phong đứng lại vô cớ, rõ ràng có nhánh cây đập nơi mặt đau như trời giáng nên tôi đứng lại không suy nghĩ. Khi mặt trời lên, Phong nhìn và không thấy vết bầm hay trầy trụa nào trên mặt tôi cả. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì cái đau xé da thịt kia không thể không để lại dấu vết nào hết trên mặt. Còn tiếng gào, thứ tiếng đau đớn của một con thú bị nạn. Thứ âm thanh chỉ có thể tạo được bởi cơn đau tận cùng xương tuỷ. Phong đã không nghe tiếng gào nào hết khi giật tay tôi quay lui chạy ngược về hướng cũ. Không dám suy tưởng nhiều hơn, tôi chỉ giản dị cho rằng mẹ Phong đã tìm cách cứu chúng tôi bằng tiếng gào mà bà đã không kịp thoát thành tiếng. Tôi đã nghe được thứ âm thanh xé rách màn đêm chọt thẳng óc mình, đã ngửi được mùi máu trên áo kẻ giết người. Nếu không có nhánh cây quật mặt, tôi đã không dừng lại và đã tiếp tục ngoan ngoãn đi theo tên dẫn đường gian ác. Nếu không có tiếng gào, có lẽ tôi vẫn tiếp tục đi không chút ngờ vực. Tiếng gào và cái đau của nhánh cây quật mặt, cả hai đều thật, thật như nỗi hãi hùng của cuộc thảm sát ghê rợn nơi bờ sông vắng. Tôi đã cảm thấy được tất cả mọi thứ bằng mọi giác quan trên người. Có thể, nhánh cây làm tôi đau nhưng không để lại dấu vết, nhưng còn tiếng gào, tôi phải giải thích làm sao khi Phong không hề nghe có tiếng gào nào hết. Hai đứa tôi đã được báo động cùng một lúc bằng hai hình thức khác nhau. Và nhờ hành động vụt chạy bất thần khiến tên dẫn đường không kịp trở tay. Nếu không, nếu không... tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không, nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì nếu gã đàn ông không gườm tay với mình giả như tôi và Phong cùng rơi vào tình trạng sống chết dưới tay hắn? Đây là nỗi ám ảnh không biết đến khi nào tôi mới được quên dù đã yên ổn xứ người nhiều năm sau đó.

Nguyễn Thị Ngọc Nhung
1986




Users browsing this topic
Guest (4)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.