Gọt Giũa Trau Chuốt Lời Văn Lời Thơ
Nguyên Đỗ
Gọt Giũa Trau Chuốt Lời Văn Lời Thơ
Xin chân thành cám ơn anh Đông Hoà, anh Tự Thiếu Thời, và chị Thanh Nhung đã cung cấp tài liệu tham khảo - Nguyên Đỗ
Người Việt Nam mình rất chú trọng lời văn tiếng nói hằng ngày đến nỗi có cả những câu thành ngữ rất ư là dạy dỗ như:
"Học ăn học nói học gói học mở"
hay:
"Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe"
Trong nghệ thuật viết văn làm thơ, lại cần phải chú ý nhiều hơn vì "bút sa gà chết".
Biết là thế đó, nhưng nhiều khi điều gì đó trong lòng cứ thúc giục Nguyên Đỗ phải viết bài này, dù chẳng qua cũng chỉ mua vui một vài trống canh, nhưng may ra có thể trao đổi ý kiến giúp ích chính bản thân mình và các bạn đọc.
Nói về gọt giũa câu văn lời thơ, ta phải nhắc đến thi sĩ Giả Đảo (779-843) đời Đường, có lẽ là có một không hai trong thiên hạ với tính cân nhắc lời văn lời thơ của ông. Ông có tự Lãng Tiên, lúc đi tu làm tăng sĩ lấy pháp danh là Vô Bản, sau hoàn tục. Trong bài Tuyệt Cú, ông viết:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ thùy (Có bản là: Nhất ngâm song lệ lưu)
Tri âm như bất thưởng
Qui ngọa cố sơn thu
Nhà văn học Trần Trọng San đã dịch bài Tuyệt Cú như sau:
Hai câu làm mất ba năm
Một ngâm lã chã hai hàng lệ rơi
Tri âm nếu chẳng đoái hoài
Trở về núi cũ nằm dài với thu
Thi hào Giả Đảo làm thơ rất khổ công, nhiều khi chỉ một chữ dùng , ông cũng cân đi nhắc lại, nhất định tìm cho được chữ thật đặc sắc, tâm đắc lắm mới nghe.
Có lần giữa đêm trăng, khi cưỡi ngựa về Tràng An thăm người bạn , ông tức cảnh ngâm:
Điểu túc trì biên thụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn
Độc hành đàm để ảnh
Sác tức thụ biên thân
(Chim đỗ cây bến nước
Sư đẩy cửa dưới trăng
Mình đi bóng chiếu xuống
Tựa cây mà thở than)
Thơ hay ý đẹp nhưng ông vẫn còn phân vân mãi không biết nên dùng chữ thôi (đẩy cửa) hay chữ xao (gõ cửa) trong câu:
Tăng thôi nguyệt hạ môn
Ông buông cương, tay diễn động tác thôi, tay diễn động tác xao. Ngựa đi đâm sầm vào đám quân hộ tống quan Kinh Triều Doãn kiêm Ngự Sử Đại Phu Hàn Dũ (768-824), thi hào nổi tiếng thời bấy giờ. Hỏi chuyện, Hàn Dũ khen ngợi công phu và tài thơ ông đồng thời góp ý nên sử dụng chữ xao (gõ cửa) vì diễn tả được cả động tác lẫn âm thanh, đắc hơn chữ thôi (đẩy cửa) chỉ diễn tả được động tác.
Ông theo ý Hàn Dũ, thay chữ thôi bằng chữ xao.
Tăng xao nguyệt hạ môn
Từ đó "thôi xao" trở thành một thuật ngữ chung cho làng thơ. Thôi: đẩy cửa. Xao: gõ cửa. Ý nói: khi làm việc gì phải châm chước, cân nhắc cho kỹ thì gọi là thôi xao. Trong văn học, thuật ngữ này được sử dụng với ý nghĩa là tìm tòi chữ thật đắc để làm cho ý văn tứ thơ được tuyệt hảo. Khi ta làm bài thơ hay bài từ mà còn phải tìm ý tìm lời , chưa xong được bài, người ta nói: còn phải "thôi xao", suy nghĩ cân nhắc tìm từ cho đúng, tâm đắc thêm chút nữa.
Chuyện cân nhắc, sử dụng ngôn từ, có lẽ là chung cho tất cả các nhà thơ, nhà văn. Giới văn học Trung Quốc xưa cũng thường nhắc đến khổ công của Vương An Thạch. Trong bài Bạc Thuyền Qua Châu của ông, câu thứ ba:
Xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn
(Giang Nam gió thổi xanh bờ biếc)
Nhà "Tống từ" họ Vương đã phải chữa đi chữa lại năm sáu lần. Trước đó ông dùng các chữ : đáo, quá, nhập, mãn, mà đọc đi đọc lại vẫn không vừa ý, mãi đến sau cùng mới dùng chữ lục.
Theo Vũ Ngọc Khanh, tác giả cuốn sách Thi Nhân Trung Quốc, ở Việt Nam, cũng có chuyện tương tự trường hợp Giả Đảo.
Chuyện kể rằng ở tỉnh Thái Bình, có ông Khóa Thi (?) tính ưa ngâm vịnh. Ông có làm bài thơ Thuật Hoài:
Tối qúy nhân gian thị tự do,
Điền viên tư mậu mạch hòa vu.
Gia đình hòa thuận ngu như lý,
Tĩnh tọa nhàn quan sở bộ thư!
(Quý nhất ở đời thú tự do,
Ruộng vườn xanh tốt lúa, khoai, ngô.
Gia đình hoà thuận vui làng xóm,
Thư thả bạn cùng sách mấy pho!)
Ngâm đi ngâm lại bài thơ của mình, ông lại muốn đổi một chữ trong câu thứ ba. Nên dùng chữ ngu có nghĩa là vui trong làng xóm , hay nên dùng chữ văn, có nghĩa là để tiếng tốt trong làng xóm hơn? Chỉ có thế mà ông suy nghĩ miên man, hết đi bách bộ trong sân nhà, rồi ra đường, cứ thế vừa đi vừa lẩm bẩm:
Gia đình hoà thuận ngu lư lý!
Gia đình hoà thuận văn lư lý!
Ngu này! Văn này! Ngu hay Văn?
Cứ thế ông vừa đi vừa nghĩ, lắc đầu rồi lại gật đầu. Đúng lúc ấy vị tri huyện đi qua. Khóa Thi chẳng để ý đến ai, cứ lúc lắc cái đầu, vấp ngay vào càng xe của quan huyện. Khóa Thi mới sực tỉnh , vội vàng xin lỗi và kể nỗi băn khoăn trăn trở của mình. May mắn thay, ông quan này cũng yêu thơ, Quan bảo:
- Theo tôi thì chữ "Văn" hay hơn chữ "Ngu".
Khóa Thi cảm ơn và xin cáo từ. Quan huyện giữ ông lại:
- Ân cần với văn chương như ông thật là đáng qúy. Tôi xin hoạ vần để tặng ông một bài.
Quan huyện đọc:
Lộ đồ tương xúc thị hà do
Hàm vịnh thi văn dĩ chí vu
Cáp tự Hàn công phùng mặc khách
Thôi xao nhai thoại cổ nhân thư.
Nghĩa thoát ý:
(Giữa đường va chạm bởi vì sao?
Vì qúa say thơ , xuýt toạc đầu
Giả Đảo ngày xưa gặp Hàn Dũ
Thôi xao chuyện cũ khác gì đâu.)
Công phu người xưa với văn thơ đến thế đấy, cân nhắc so đo từng chữ từng lời, có khi đến quên ăn quên ngủ, đi đường đụng cả xe ngựa lính tráng của quan.
Ngày nay giữa thời đại vi tính, chúng ta thường làm việc gì cũng mau, viết cũng mau, sao chép bài cũng mau, chữ nghĩa cũng chẳng suy nghĩ lâu, cứ ào ào tuôn ra như suối, có khi sai cả dấu, sai cả nghĩa, không những một lần mà nhiều lần, không phải chỉ ở trên mạng lưới mà còn cả trong sách in, pha trộn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức cả những khi không cần thiết, và thiếu đồng nhất chứ chẳng phải như Bùi Giáng, hay Phạm Công Thiện mà khư khư nghĩ mình đang sáng tạo cái mới, cái hay lạ cũng nên suy nghĩ cân đo lại để giữ gìn sự trong sáng tinh tế của tiếng Việt.
Có lẽ chúng ta không đến nỗi phải cân đo lâu lắc như Giả Đảo, nhưng cũng không nên quá vội vã để viết sai chính tả, hay làm mất phẩm chất của một viên ngọc sáng với những tì vết có thể tránh được!
Nguyên Đỗ