quote:
Gởi bởi La tham
Hello anh nguyen,
Hôm nay Lt lên cơn... nói nhiều , dù bình thường rất làm biếng nói. Thôi anh chịu khó nghe /đọc nhiều hơn mọi hôm vậy. 
Anh chụp được nhiều hình chi tiết về chùa Hương đẹp ghê. Làm Lt muốn đi ngay, không đợi được tới năm 2010. Một bà chị họ đã dự tính sẽ về VN vào năm 2005 và Lt sẽ đi theo, nhưng bà ấy lại không muốn đi nữa.
Tại sao lại gọi là Bến Đục hả anh? Có phải vì nước sông đục không? Lt thích cái bến này lắm, nhất là lại có hai búp sen ở trên hai trụ cột.
Lt có đọc bút ký của một số người đi Trung Hoa lục địa, và đã có dịp thấy Vạn Lý Trường Thành, dường như trong báo Newsweek , trông vĩ đại lắm anh ạ. Trung Hoa chắc là có nhiều di tích lịch sử để xem, cho những ai hay đọc truyện Tàu. Nếu đi được với những người này thì thú vị biết mấy, vì vừa nghe kể điển tích, vừa được nhìn thấy cảnh vật liên quan tới. Bước trên thành Vạn Lý, xa xa là núi non sương mù, chắc người ta có thể tưởng tượng được thời quá khứ, có biết bao nhiêu xương máu và nước mắt đã đổ xuống để hoàn thành công trình này.
Lt nghĩ đi du lịch ở các nước Á châu thích hơn là Âu châu vì văn hóa, tập quán, và phong tục gần gũi, quen thuộc với mình hơn, anh nguyen ạ.
Lt
Chào La tham:
Nhiều người xem hình rồi muốn đi lắm ! Nhưng cô giáo tôi xem rồi bảo thôi cô xem hình cũng khá đủ, cô không đi chùa Hương cũng được vì chắc cô không đủ sức leo núi !
Tôi cũng không rõ cho lắm về mấy tên.
Nghe người ta bảo bến Đục là nơi người hành hương bỏ lòng trần vẩn đục lại trước khi lên đò vào chùa? Tôi cũng nghĩ người có tâm hồn thơ thẩn sẽ thích hình cái bến, nhưng nếu có đi đến nơi mong Lt không bị thất vọng? Hình chụp trông khá vì tôi chụp xa chỗ người lên xuống, chỗ gần nhà cửa, hàng quán trông bừa bãi lắm!
Đền Trình là nơi khách ghé lại thắp hương như trình diện, xin phép vào chùa?
Chùa Thiên Trù hay Bếp Trời là do chùa ở giữa 3, 4 hòn núi mường tượng như chân bếp? Kiểu bếp nhà quê miền Bắc thường dùng.
Nếu có về VN Lt nên có 1 khoảng thời gian 1 hay 2 tháng để có 1, 2 tuần mua vé tours đi TH, vé mua ở VN rẻ hơn mua ở Bắc Mỹ. Họ có người hướng dẫn giải thích. Nếu Lt có biết sơ qua lịch sử, địa lý, văn học các nước thì sẽ không thấy xa lạ đâu

! Hồi trung học Lt học ban nào?
Bây giờ trở lại Texas nha!
Hồi đi San Antonio Lt thấy cây hoa này ở bờ sông không? Tên là Móng bò vì lá tẽ giữa như móng bò, Lan hoàng hậu vì hoa giống hoa lan mà người Âu Mỹ gọi là Orchid tree. Người sơn cước miền Bắc gọi là hoa Ban (màu trắng) và họ có ngày hội hoa Ban ca tụng tình yêu:

Chúc Lt và mọi người 1 cuối tuần vui vẻ!
n
PS:
Hội hoa ban trên vùng cao Tây Bắc
Người Thái sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Sơn La, Lai Châu và một phần của các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Dân số khoảng gần một triệu, gồm Thái trắng và Thái đen. Họ có nhiều lễ hội mang bản sắc dân tộc, trong đó Hội Hoa Ban vào đầu mùa xuân được xem như ngày hội của tình yêu và hạnh phúc của gái trai xứ Thái.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân ấm áp, hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, điềm báo trước một mùa màng bội thu trên nương rẫy và trên các khu rừng săn bắt. Hội Hoa Ban mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước.
Cây ban, giống như cây sim rừng, nơi nào đất núi, đất sỏi là nơi đó ban mọc và nở nhiều hoa trắng đẹp. Con trai, con gái vùng Sơn La hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa ấy là hoa ban, tiêu biểu cho quê hương vùng Tây Bắc. Hoa ban là hoa của tình yêu, hoa của ước mơ trường thọ và là hoa của những con người trẻ mãi không già... họ ao ước như cánh chim bạn xinh đẹp kia !
Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi
Mỗi mùa bạn lại thêm trẻ ra, không già...
(Tình ca Thái)
Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng. Xưa kia Hội Hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái, ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ.
Hoa ban nở đều khắp cả suối, cả đồi, cả rừng là năm ấy trời không mưa dai quá mà không nắng gắt quá ! Và năm đó người ta ít lo lắng về nắng hạn cũng như lũ lụt.
Từ sáng sớm, khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Ăn uống no say, mọi người cùng đổ ra rừng tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
Do yêu hoa, con trai con gái Tây Bắc lặn lội trong những cánh rừng mờ sương ngắm nhìn những bông hoa sáng rực như hạt ngọc, họ hái hoa cài lên tóc, họ còn đem hoa về biếu cho người thân quen nhất để mở tiệc ăn mừng mùa hoa ban nở.
Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong trắng và thương tâm, thủy chung của chàng Khun và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca:
Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ
Ta yêu nhau khi ban nở trên cành
Ban sẽ héo, mong ban trở lại cành
Ban sẽ rụng, mong ban rụng về gốc
(Tình ca Thái).
Ở đây không có cái say của những cuộc hát đối đáp mà chỉ có nỗi niềm tâm sự, những mơ ước chân thành về hạnh phúc thật bình dị.
Hoa ban nở, hoa ban tàn
Tình ta đẹp như hoa ban
Còn dài lâu thì như hoa nào
Hỡi người ta yêu...
Trai gái rủ nhau lên rừng và rủ nhau ra bờ suối hát giao duyên bên những con thuyền đuôi én. Trong ngày hội trên dòng Nậm Na thường diễn ra các cuộc hát giao duyên giữa nam và nữ trên những con thuyền đuôi én thả trên dòng nước. Các cô gái thì cầm ô (dù) ngồi ở mũi thuyền bên cạnh những đóa hoa ban tươi thắm. Còn các chàng trai thì ngồi ở đuôi thuyền vừa đánh đàn tán gẫu vừa thổi sáo. Tiếng đàn tiếng hát cứ quyện vào nhau, trôi theo dòng nước lững lờ vào cõi mộng. Nếu thuyền tấp vào bến nào, thì chàng trai cô gái sẽ nhảy lên bờ cùng nhập vào dòng người mà đi vào rừng ban, cùng ca hát, nhảy múa đón năm mới tốt lành. Những cánh hoa ban đẹp nhất được chọn riêng, xếp cạnh nhau trên bãi. Thế rồi, tiếng khèn và tiếng trống cất lên như mời gọi. Tất cả cùng nắm tay nhau bước vào điệu xòe cứ mỗi lúc mỗi rộng thêm khi có nhiều người nhập cuộc.
Tiếp theo điệu xòe vòng, các cô gái với dải lụa đỏ thắm trên vai duyên dáng trong điệu xòe khăn, rồi tiếp đến xòe quạt, xòe nón... cuốn hút mọi người.
Tan cuộc xòe, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản dự cuộc vui uống rượu cần truyền thống.
Hội Hoa Ban cũng là hội cầu mùa cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống thanh bình, no ấm, đồng thời cũng là dịp lễ để trai gái gần gũi, tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ngày xuân.
KỲ ANH