Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn Thuỵ Long
Vũ Thị Thiên Thư
#1 Posted : Saturday, December 11, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
LTS.- Nguyễn Thụy Long là một nhà văn nhà báo nổi tiếng một thời ở Sài Gòn. Anh bị kẹt lại cơn biến động chính trị 30 Tháng Tư 1975 và trải qua cuộc sống bần cùng ở cái xã hội tha hóa, tan nát vào lúc đó. Sau đây là phần trích của cuốn hồi ký ghi lại những kinh nghiệm của ông.


Thời mở cửa, thời đổi mới, nối liền với thời kinh tế thị trường như một cái gạch nối cho một danh tự kép. Thời buổi của những người có tâm huyết muốn phục vụ đất nước, muốn vực đất nước đứng dậy cùng năm châu bốn biển có, nhưng cũng có những kẻ vô tài bất tướng kẻ lưu manh chụp giựt thời cơ để hại người khác làm giàu cho bản thân cũng nhiều. Tôi thấy nhan nhản, có viết ra, vẽ ra thì cũng chỉ là một vài nét chấm phá điểm xuyết cho bức tranh xã hội. Ðiều đó không phải một mình tôi nói mà nhiều người đã nói, báo chí, đài phát thanh truyền hình của nhà nước cũng đã nói ra. Cứ coi là những lời than phiền, lời kêu gọi kẻ lưu manh đừng lưu manh nữa để xây dựng đất nước giàu đẹp văn minh. Kẻ buôn bán héroin đừng buôn bán chất ma túy này nữa có hại cho thế hệ mai sau, kẻ tham nhũng đừng ăn cắp của dân nữa. Mồm năm miệng mười trong một xã hội bát nháo có sắc màu rực rỡ. Coi chừng cái mồm của kẻ thấp cổ bé miệng, không có ô dù che chở mà dám phát biểu linh tinh. Anh không được phép và anh phải ở “hội chán sống” mới xâm mình như thế. Tôi lại mang tính xấu ấy, tôi cứ nghĩ mình là kẻ nhân vô thập toàn. Tôi hỗn, tôi có thể bị trừng phạt, mó dái ngựa có thể bị đá. Tôi trung thành với triết lý “Trời kêu ai người nấy dạ”. Tôi tiêu cực. Tôi cắm cúi trên trang hồi ký viết trên gác bút và phải hoàn thành trong mùa xuân năm Mậu Dần này. Có thể đưa cho bạn bè xem chơi, cũng có thể vứt đó, chìm đắm trong bụi thời gian. Tôi tự biết mình chẳng mưu đồ gì hết.

Thời gian bao cấp đã qua, đổi mới rồi mở cửa, kinh tế thị trường. Người ta đua nhau sống, làm giàu hay tự lo cho đời sống khá hơn. Nhưng gia đình tôi vẫn vậy, vẫn đói rách triền miên. Kiếm được miếng cơm cho một đời sống bình thường đã là chuyện khó, đừng nói chi đến chuyện làm giàu, chụp thời cơ. Tôi xoay đủ nghề, mà sức lao động không còn nữa. Nghề nghiệp thì không được dùng đến. Ba đứa nhỏ sống nheo nhóc, lo được cho chúng ăn đã là chuyện khó, lo cho đi học lại là chuyện khó hơn. Hằng năm, đầu năm học chạy tiền cho con đóng tiền trường lớp đã là chuyện quá mệt mỏi, tôi nợ ngập đầu, quay đi ngoảnh lại thấy hết tháng. Lại cầm thế lại bán, lại vay mượn. Có những món đồ cầm thế đành bỏ mất ở tiệm cầm đồ, có những món nợ trả được và những món nợ chưa trả được. Cái giấy nhà cũng phải cầm thế. Lãi suất chồng chất, khốn khổ cái thân. Có những lần suýt chút nữa thì bị xiết nhà, van lạy chủ cầm thế vã nước bọt. Ðời sống như thế nói chi đến lo cho con cái ăn chơi. Tôi cũng chưa mua cho con cái được món đồ chơi nào, con gái chưa bao giờ được chơi búp bê, chúng chỉ chơi với bầy mèo, những chú mèo con dễ thương. Những khu vui chơi giải trí cho các trẻ em, các con tôi chưa bao giờ được đặt chân tới, ba chị em chúng, hai vợ chồng, vị chi là năm nhân mạng. Chuyện di chuyển cũng là điều khó khăn, đắt đỏ rồi. Tôi hứa mãi với các con tôi sẽ cho đi chơi biển ở Vũng Tàu, đi chơi núi ở Ðà Lạt. Nhưng vẫn chỉ là lời hứa suông. Chuyện trời đất, chuyện trời biển. Ðất nước thống nhất hơn hai mươi năm. Tôi ao ước một lần về thăm quê hương, được vái lạy trước nhà thờ tổ ở một vùng làng quê ngoài Bắc mà vẫn chưa một lần đủ tiền về thăm quê. Tôi nhớ Hà Nội, nhớ hương vị của Hà Nội, nhưng đến nay tôi vẫn bất lực.

Một lần tôi “trúng mánh”. Tôi đưa vợ con xuống Ông Tạ. Nơi bán nhiều thứ món quà Bắc Kỳ. Tôi mời cả nhà ăn một bữa bún thang. Tội nghiệp các con tôi không một đứa nào biết ăn bún thang, thịt gà luộc lá chanh, chúng cũng không biết ăn. Chúng chưa nhìn thấy những món này vả lại thương con gà đẻ trứng, cung cấp quả trứng cho người ăn. Ðơn giản thế thôi, đơn giản như anh nhà quê một lần được ăn bữa giỗ ở đình làng, mà tôi đã được đọc trong tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng hay Ngọc Giao. Cái cảm tưởng của anh nhà quê ấy khi được ăn tô miến đó như sau: “Tớ không biết món ăn đó là cái gì, mới kê vào miệng húp một cái là nó trơn tuồn tuột xuống tận củ tỉ, chả còn biết nó làm sao nữa, nghe nói đắt tiền lắm, người sang mới ăn...”. Tội nghiệp, tội nghiệp các con tôi. Chúng chỉ biết ăn cơm gạo tẻ, rau dưa gì cũng xong, buổi sáng thì nắm xôi, sang thì khúc bánh mì thịt, với những miếng thịt mỏng lét, gió thổi bay được.

Tôi đã nói một số bạn bè tôi nay đã khá, một số vẫn nghèo đói. Nhất là những bạn đồng nghiệp. Số nghèo đói mà tôi biết nay vẫn đeo nghề như nhà thơ Vương Tân tức ký giả Hồ Nam, anh em thường gọi là Hồ Lô.

Hồ Nam xưa kia viết báo có mang nhiều bút hiệu mà tôi biết rõ có bút hiệu là Lê Tây Sơn. Trong hai mươi năm qua anh có hai phùa đi tù. Ra khỏi tù làm nhiều nghề để kiếm sống, chẳng có nghề gì anh thành công, cuối cùng lại trở về nghề “viết” và “lách”. Cuộc sống đó èo uột lắm nhưng anh vẫn vui, vẫn cười và cái miệng vẫn bô lô ba la thuở nào. Một lần Hồ Nam nói với tôi:

- Mày biết chứ, cái bút hiệu Lê Tây Sơn tao xài từ hồi nào tới giờ. Ðể bảo chứng cho cái tên này của tao ngài phó tiến sĩ, phó giáo sư T.T.Ð.Ð. đã hài cái tên này ra nói là của tao, của Hồ Nam, chửi tao tối tăm mặt mũi trong quyển văn nghệ Ngụy thời thành phố bị tạm chiếm. Bây giờ cũng có một thằng viết báo lấy tên ấy chửi tao ăn cắp cái tên Lê Tây Sơn của nó.

Tôi an ủi Hồ Nam:

- Chuyện đó thiếu gì, đâu có phải mình mày, trùng tên là chuyện thường. Mày không thấy trong giới ca sĩ có tên Lệ Thu rồi Hồng Vân rồi gì nữa đó sao?

- Tao có nói gì đâu, nhưng đừng chửi ngược chứ. Mẹ kiếp...

Tôi không biết Hồ Nam chửi mẹ kiếp cái gì, mà cũng chẳng thắc mắc gì nữa. Tôi cứ rong ruổi trên đường đời. Tôi vẫn thấy và vẫn nghe được nhiều chuyện. Như nghe được chuyện thi sĩ Phùng Quán, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc thời 1956 bị bắt ở tù, nay ba mươi năm sau ông được tha. Thơ ông được phục hồi, nhưng bài thơ đưa ông vào vòng lao lý thì vẫn không được nhắc tới. Ông vào thăm thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi trà dư tửu hậu, ông già khoe với anh em rằng ông được phép viết lại. Ðược phép viết lại, được phép hành nghề văn thi sĩ hay nhạc sĩ thì nhiều người lắm, những người từng bị coi là có tội, bị sa thải, nay được dùng lại, thiếu gì, ăn thua ở món hàng, ở chất lượng của nó thôi.

Một số người làm nghề viết, có thời gian xếp bút nghiên lo việc... chợ trời. Nay được cầm bút lại, có thể xài lại bút hiệu cũ, mà không trở ngại gì, cũng có khi có quyền chức chút chút trong một tờ báo trúng thầu. Ðứng chủ trì cho tờ báo vẫn là tổng biên tập của nhà nước đưa vào nắm phần tư tưởng, đường lối vẫn có những biên tập viên uốn nắn ngòi bút của người viết hoặc cộng tác viên. Chuyện đó cũng đúng thôi. Chẳng có gì sai trái với đường lối chính sách. Cũng có những tờ báo ra được vài ba số rồi ngỏm, có tờ báo sống dai hơn.

Tôi cũng có một số người bạn quen biết làm nghề cầm bút từ xưa kia, nay được phục hồi chức năng. Thấy anh em đói rách, thương tình nên cho gọi đến cầm bút lại kiếm tiền chợ trong cơn vã. Câu đầu môi chót lưỡi vẫn là câu nhắc nhở:

- Anh cứ viết, bất cứ bút hiệu nào, đừng nhảy vào lãnh vực chính trị, cứ mấy chuyện tình lẩm cẩm thôi hoặc có chửi bới thì chửi bới Mỹ Ngụy thối tha ngày xưa, đừng bất mãn mà chửi vung xích chó lên là phiền đấy.

Tôi đã vác bút đi làm chuyện ấy, nhưng nào đâu có được... đắt hàng. Tôi vẫn bị cho ra... rìa một cách thảm hại. Tôi không ca tụng cũng chẳng bêu xấu ai. Tôi viết về kỷ niệm một thời thơ ấu, gia đình tôi, khởi đầu nghề cầm bút của tôi. Thuở mơ làm văn sĩ. Nhưng vẫn bị coi là chuyện tầm phào chẳng nói lên được cái gì, sửa soạn bị biên tập ném vào sọt rác. Thế là tôi đã hết thời, một kép hát già, bệnh hoạn không cất nổi tiếng ca, nếu còn cố gắng thì đứt tiếng trên sân khấu để chuốc lấy tiếng cười của khán giả. Tôi chợt nhớ đến một đoạn hồi ký của ông vua hề thế giới Charlie Chaplin viết về bà mẹ ông đang trình diễn trên sân khấu bị tắt giọng ca. Charlie Chaplin khi ấy còn nhỏ lắm, nhảy ra sân khấu thay thế mẹ, diễn một màn hài nhái tiếng tắt giọng của mẹ để gặt hái lấy những tiếng cười của khán giả. Những tiếng cười đó làm chảy nước mắt, nôn ruột gan. Màn biểu diễn đầu tiên của một danh hài quốc tế. Lấy chính thân phận thảm hại của mình làm màn diễn.

Cách nay mười năm, tôi gặp lại kỳ nữ Kim Cương. Chị nay là một kịch sĩ về già, chị có một ban kịch. Chị đề nghị tôi viết kịch bản để chị diễn và có thể nhiều kịch bản và tôi sẽ kiếm ra tiền. Chị đưa ra một số kịch bản cũ, nói rằng tôi sửa chữa lại cho hợp thời. Sau vài kịch bản đưa chị Kim Cương coi, tôi biết mình không thể làm được theo yêu cầu. Dù thế nào tôi cũng cảm ơn tấm lòng của chị, tấm lòng của một nghệ sĩ. Việc làm không được, không nên hồn là tại tôi, do tôi. Rồi sau đó tôi còn viết bao nhiêu kịch bản truyện phim, đưa cho hãng phim Giải Phóng rồi cũng bị từ chối, từ chối ngay từ khi còn là đề cương. Tôi không nói là tôi hay, mà có lẽ thiếu “tính” gì đó trong nhiều thứ tính người ta đưa ra.

Nhà xuất bản Long An nói thẳng cho tôi biết rằng tên tôi có trong sổ đen qua đại tác phẩm “Những tên biệt kích văn nghệ” nên bị “ếm xì bùa”. Nghiệp cầm bút của tôi xin đi làm bồi bút cũng không đắt. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi đấm ngực mà than rằng.

Cái nghiệp cầm bút của tôi vẫn không thể dứt bỏ được. Tôi vẫn còn nghe bên tai những lời ngon ngọt, lời tốt lành, giả hay thật không cần biết. Ðiều cần thiết là được ngồi ở bàn viết, có tiền để sống.

Tôi gặp lại em gái, nhà văn nhà thơ Lý Thụy Ý, bây giờ em bảnh lắm, có nhà cửa, tiền bạc, nhà có tô-lô-phôn. Em hiện công tác cho hai tờ tuần báo, sách in lia chia. Không phải như thuở em ngồi chợ trời bán quần áo cũ, bán bún bò nữa. Em gái tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi, “tài năng” của tôi bị bỏ phí, em dẫn dắt tôi trở lại con đường cầm bút, vì trong hai tờ báo ấy em là người có quyền chọn bài vở. Tôi nhận chịu dưới sự sai phái của em, viết bài để trống tên tác giả, mà phải viết có “hàng gối đầu”. Một chục bài làm “hàng gối đầu” tôi được chi một trăm ngàn. Về sau hỏi đến em “việc ấy”, em nói quanh. Chẳng có gì chính xác hết. Cuối cùng tôi lại cắp đít ra đi, tự xỉ vả mình ngu như con cầy. Trong đời cầm bút của tôi chẳng phải chỉ một hai lần mắc tội ngu mà hơi nhiều lần. Tôi ngu bởi tại kém thông minh và kém nhạy cảm, không bao giờ phản ứng kịp thời.

Có anh nhà báo chế độ cũ, thuộc hạng “cà là mèng”. Nay gặp thời, do phét lác nhận thầu được một tờ niên giám cho công ty du lịch, tiền bạc vô số kể, lại có nguồn lợi đi lấy quảng cáo. Anh ra tay tế độ gọi anh em về cho hành nghề để giúp đỡ. Trong đó có tôi, vài ba vị bệnh hoạn nữa. Làm việc cho anh hộc xì dầu ra, anh vồ tiền rồi cả bọn ngu bị cho ra rìa, hoặc nếu còn chút liêm sỉ phải tự ý bỏ đi.

Cái hạng như thế ở Sài Gòn không phải ít. Xã hội trở thành đồi trụy cũng từ bọn ấy, ma quỷ cũ kết hợp với ma quỷ mới làm ra quá nhiều điều xằng bậy. Làm thành một mảnh đất lắm người mà cũng nhiều ma.

Ở trên, tôi mới đan cử ra được một vài chuyện hỗn láo, còn nhiều tôi chưa nói hết và chưa biết. Tôi nói chưa biết tức là vẫn còn đang tiếp tục. Ở Sài Gòn vẫn còn những người làm văn nghệ chân chính lặn sâu, không tham dự vào những trò chơi của bọn quỷ dữ. Với tôi thì kém thông minh nên mới chui vào chăn nên mới biết chăn có rận. Tôi tự xỉ vả mình và đấm ngực xưng tội. Rồi tôi trở thành một gã quá khích trong những chuyện tương tự như thế.

Tôi leo lên căn gác bút ngồi thâu đêm. Nhìn đời khe khắt bằng đôi mắt cú vọ. Giới hạn mọi chuyện tiếp xúc lôm côm. Ăn cơm gạo lức muối mè vừa chữa bệnh vừa đỡ tốn kém.

Gác bút là mảnh trời tự do riêng của tôi. Những đêm trường tuyệt vời. Tôi đọc sách, suy nghĩ, nghe lại một bản nhạc xưa, nhớ dĩ vãng, viết.

Tôi cảm thấy mình hạnh phúc và cầu xin được sống lâu trăm tuổi. Tôi ước ao mình không sống vô ích, không vô tích sự.

Giao thừa Tết năm Mậu Dần tôi tự chúc tôi như thế.

Năm nay không có pháo nổ báo xuân sang mà thay vào đó tiếng chiêng trống phèng la, chũm chọe dậy trời Nam.

Tôi gục đầu khóc trên bàn viết vì cảm động. Dĩ vãng đầy ắp trong đầu khiến tôi thành mau nước mắt.

Hỡi bằng hữu của tôi ở khắp bốn phương trời. Tôi xin gửi đến các bạn cả tấm lòng của tôi cùng lời chúc lành ngày đầu xuân.

“Những ngày đó, không trữ tình bàng bạc. Những ngày đó nghệ sĩ không nhiều. Nhưng mỗi nghệ sĩ là một tâm hồn, một biểu hiện thật thà của tình cảm. Mỗi nghệ sĩ là một tâm hồn lãng mạn, lãng mạn đúng nghĩa của một ứ tràn tình cảm.

Những ngày đó không khí trong lành, mọi người đều thở. Nên tình cảm là tình cảm của một thuở thanh bình, nhẹ nhàng lâng lâng, dù vẫn có buồn, có vui, có giận hờn, có tủi nhục, nhưng tất cả đều như nỗi chơi vơi trên một êm xuôi thư thái.

Những ngày đó, lại còn cái đơn sơ của những cánh đồng, cái không khó khăn của những bàn tay không quen máy móc, cái bình dị của những tâm hồn quán nhỏ.

Nên tiếng hát những ngày đó, những ngày chưa chiến tranh là tiếng hát thoát đi từ tốn, không khó khăn, không kiêu kỳ, không phiền toái, không lập dị, là tiếng hát thật thà của những rung cảm thật thà, là tiếng vui tiếng buồn hồn nhiên của những tình tự hồn nhiên, là những tiếng hát rất tĩnh của những tâm hồn không xê dịch...”.

Những ngày đầu xuân năm Mậu Dần tôi ngồi mở truyền hình coi chương trình xuân. Trong những tiết mục xuân tất nhiên có nhạc, những chương trình ca nhạc dành cho tuyên truyền có, đồng thời cũng có những chương trình ca nhạc mang tính văn nghệ thuần túy của các nhạc sĩ bậc thầy phụ trách. Những tên tuổi tôi từng ngưỡng mộ từ thuở thiếu thời. Tôi là kẻ dốt nhạc, tôi chỉ cảm và thấy hay rồi ca tụng rồi trở thành kỷ niệm. Nhạc sĩ nào đó đã nói lên giùm nỗi lòng của mình, dẫn tâm hồn ta vào cõi mộng mơ. Những lời ca tiếng nhạc hớp hồn mình, điều đó nói ra không phải ngoa ngoét, mà là sự thật được tôn trọng.

Tôi đã nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dẫn chương trình trên đài, nghe Tô Vũ nói chuyện, thì thầm về những tác phẩm được ưa chuộng của mình, tồn tại mãi mãi với thời gian.

Tôi nghe Ánh Tuyết hát nhạc Văn Cao, nghe Thu Hà, Cẩm Vân hát nhạc Nguyễn Văn Thương, Lệ Dung và bao nhiêu ca sĩ có tay nghề cao khác. Những bản nhạc, có giá trị và tồn tại mãi mãi, không giới hạn cho một khung thời gian nào. Tôi nhân danh là một khán thính giả dốt nhạc, mãi bây giờ mới khám phá ra một điều rằng ca sĩ không phải thuần là hát dở mà chính là do không có nhạc cho họ hát nhiều năm nay. Không phải chỉ là những lời kêu gào khiến khán giả phải thò tay tắt máy. Hoặc có cảm tưởng mình phải ăn một chén cơm nếp nát.

Tôi đã nghe được lại những tiếng hát điêu luyện, nghệ thuật của các ca sĩ khiến nổi da gà. Tôi xúc cảm thật sự. Thì ra... nghệ thuật nằm ở đó, trong cái xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ sáng tác cũng như trình diễn. Không phải chỉ thuần nhạc tiền chiến mà cả những bản nhạc sáng tác trong thời chiến. Tôi đã nghe Dư Âm của Nguyễn Văn Tý, nghe Tạ Từ của Tô Vũ, yêu nó và yêu vô chừng:


Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh,

Gió dâng khúc nhạc thanh bình

Tôi đi tìm em...


Tôi muốn nói, tôi muốn ca tụng mà cảm thấy mình không đủ lời. Tôi giở lại tập “nhạc tiền chiến” của nhà xuất bản Kẻ Sĩ ấn hành tháng Sáu năm 1970, còn sót lại trong tủ sách. Tôi ghi lại một số lời của nhạc sĩ Hoàng Nguyên thuở đó, trong đoạn mở đầu của chương XV trong tập hồi ký này. Tôi cảm thấy thú vị khi ghi lại những lời vàng ngọc ấy. Tôi cũng được biết nhạc sĩ Hoàng Nguyên nay không còn nữa. Tháng Chạp năm Tí (1997) tôi có dịp gặp hai nhạc sĩ tài danh là ông Lê Thương và Nguyễn Văn Tý. Nhạc sĩ Lê Thương già 84 tuổi, bệnh hoạn ngồi nhà, sau đó mấy tháng ông qua đời. Tôi nhớ giọt nước mắt của ông khi ông nghe Hòn Vọng Phu có nàng Tô Thị, đề tài sáng tác cho trường ca vĩ đại của ông, bị sụp đổ vì người ta đào lấy đá vôi để kinh doanh trong thời buổi kinh tế thị trường. Ông ngồi trên ghế mây trong căn nhà xưa cũ của ông nay là tiệm tạp hóa ở đường Bùi Viện. Trong buổi tiếp xúc với ông, ông muốn tránh né, không muốn nói chuyện nhiều về nhạc. Nhưng tôi có ghi nhận được chút ít đã nói ở phần đầu tập hồi ký này.

Nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở đường Trần Khắc Chân, Tân Ðịnh. Ông cũng ở vào tuổi bảy mươi rồi, thuộc diện cán bộ về hưu. Sau một thời gian ông bị bệnh, tê liệt, ông phải đi chống gậy. Mái tóc bạc phơ nhưng ông vẫn còn sót lại nét đẹp của một thanh niên năng động thuở nào, tình cảm cởi mở phóng khoáng của người nghệ sĩ. Trong câu chuyện, khi thú vị ông có thể cất tiếng hát ngay. Tôi được ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong tinh thần ấy.

Tuy tuổi tôi cũng đã cao, được ngồi với anh Tý, uống với anh chung rượu thuốc, tôi vẫn thấy tôi nhỏ bé như ngày nào, e ấp chép tặng người yêu bản Dư Âm, để thay cho lời tỏ tình thuở xa xưa ở Hà Nội. Ngày đó xa xôi rồi, nhưng sao vẫn gần gũi thế. Tác giả của bài hát hào hoa ấy đang trước mặt tôi. Anh Tý sinh trước tôi hơn một con giáp. Khi tôi còn là một nhi đồng, anh Tý đã là một nghệ sĩ, chiến sĩ tham gia kháng chiến. Anh ca hát, đóng kịch thuộc Quân Huấn Cục, bộ Quốc Phòng do thiếu tướng Nguyễn Sơn (hồi ấy ở Liên Khu 4) trực tiếp chỉ đạo. Nguyễn Văn Tý học sáng tác nhạc qua hai nhạc sĩ đàn anh là Nguyễn Văn Thương (tác giả bài Ðêm Ðông) và nhạc sĩ Lê Yên. Năm 1949 mới có những sáng tác đầu tay. Năm 1950 bản nhạc Dư Âm của anh ra đời. Giọng anh cảm động tâm sự:

- Cuối năm 1949, tôi lại được khu ủy Liên Khu 4 giao cho một nhiệm vụ đặc biệt. Ði xây dựng cho sư đoàn 304 một đoàn văn công và làm trưởng đoàn ngót hai năm. Ở đó tôi lại được sống gần nhạc sĩ Phạm Duy cùng với Phạm Ðình Viêm và em ruột là nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Sau lại thêm Thái Hằng và em gái là Thái Thanh. Từ khi nhạc sĩ Phạm Duy kết duyên cùng Thái Hằng thì tự nhiên họ đã thành nhóm “Năm anh em Phạm Duy”. Bài hát Dư Âm lãng mạn của tôi ra đời năm 1950, có lẽ đã do nhóm này chắp thêm đôi cánh bay vào cuộc đời thuở ấy.

Lời tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thành thật, nói lên một chân giá trị nghệ thuật và tình người. Bước thăng trầm của một đời làm nghệ thuật của anh cũng lắm. Có nề hà chi gai góc cuộc đời chỉ để tìm lấy chân nghệ thuật của cả một đời mơ ước mang số trăm ngàn đổi lấy một, mãn nguyện khi trở về cõi hư vô. Phải chăng đó là nguyện vọng chung của những người nghệ sĩ chân chính.

Anh Tý kể cho tôi nghe biết bao nhiêu trôi nổi cuộc đời trong những ngày anh làm nghệ thuật, mang nghệ thuật đi phụng sự đất nước, phụng sự con người. Những cơn bệnh chảy máu bao tử, sốt rét vàng da, những ngày anh cùng nhạc sĩ Văn Cao rơi vào “cạm bẫy” của cái gọi là vấn đề Nhân Văn. Anh Tý tâm sự:

- Tôi cũng như Văn Cao thực tế không tham gia viết bài. Nhưng người ta vẫn bảo chúng tôi tiếp tay cho Nhân Văn. Qua kiểm thảo tôi và Văn Cao vẫn phải nhận một số kỷ luật (như tự nguyện xin rút ra khỏi lãnh đạo, rồi đi Ðiện Biên Phủ sáu tháng liền để bồi dưỡng qua thực tế). Mặc dù trong lý lịch của tôi hồi đó Ðỗ Nhuận, tổng thư ký kiêm bí thư đảng đoàn hội nhạc sĩ đã ghi rõ: “Không thuộc nhóm Nhân Văn. Có sai lầm nghiêm trọng về mặt tư tưởng”.

Trong những ngày ở Ðiện Biên Phủ, Văn Cao uống rượu rất dữ, ông không nói gì đến nhạc, đến thơ, đến nghệ thuật mà chỉ uống và uống trong khi ông đang bị bệnh bao tử nặng. Ông trở bệnh và người ta phải mang ông đi cấp cứu. Không biết lệnh từ đâu đưa xuống cho các bác sĩ phải cứu Văn Cao bằng được. Nhạc sĩ lừng danh, tác giả bài quốc ca. Hàng triệu người từng thốt ra cửa miệng mỗi ngày. Văn Cao mà nằm xuống trong lúc này thì mang tiếng quá cho chế độ. Các bác sĩ túc trực chạy chữa không rời người nghệ sĩ hom hem, câm lặng mà kiêu hãnh như mãnh sư. Họ thăm dò từng nhịp tim đập, hơi thở. Ca phẫu thuật Văn Cao trở nên căng thẳng. Bao nhiêu con mắt theo dõi, bao nhiêu sự lo lắng hướng về ông. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng ở trong tâm trạng lo lắng ấy. Nếu một thiên tài phải nằm xuống... không biết trong tức tưởi hay vinh quang đây? Không khí căng thẳng trong chờ đợi... Rồi người y sĩ bậc thầy chạy như điên báo tin:

- Văn Cao đánh rắm được rồi.

Những lời truyền miệng nhau Văn Cao đánh rắm được rồi. Ca mổ bệnh đau dạ dày của ông coi như thành công. Ông thoát chết, cái rắm của bậc thiên tài làm vang động và truyền xa tới tận đâu.

Những ngày trở về Hà Nội nhạc sĩ Văn Cao không thấy sáng tác nữa hoặc có thì cũng chẳng ai biết. Ông sống cùng gia đình èo uột bằng nghề vẽ bìa sách trong suốt mấy chục năm liền thuở chống Mỹ cứu nước. Sau ngày giải phóng 30 Tháng Tư 1975, ngày thống nhất đất nước, nhạc sĩ Văn Cao có vào chơi thành phố Sài Gòn vài lần. Người người đều quí trọng ông. Tôi, người viết tập hồi ký này còn được nghe trong anh em những câu thơ của ông truyền tụng qua tai. Những câu thơ xót xa của một thành phố hoang tàn sau cuộc chiến bại.

Tôi nói là những câu thơ, không phải là một bản nhạc. Tôi nghĩ đến bài thơ của ông đã làm năm Ất Dậu (1945) khi hai triệu dân Việt Nam bị chết đói do họa ngoại xâm. Bài thơ ấy làm xót xa lòng người. Hình như bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”. Ðịa danh ấy ở Hà Nội. Người thanh niên nghệ sĩ Văn Cao đã làm ra một “Tiến quân ca”, kêu gọi người người chiến đấu, người người cầm súng đứng lên. Cái vĩ đại của người nghệ sĩ là ở đó, và đã thành công. Giá trị đời đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã cống hiến một đời cho nghệ thuật, cho đất nước. Năm 1984 anh nghỉ hưu. Hãy nghe anh tâm sự:

- Thế là, có thể nói gần trọn một đời người, bằng sáng tác, tôi đã dành cho cách mạng. Nhưng qua một lần tắc nghẹn mạch máu não bại liệt nửa người rồi, tôi mới chợt thấy cuộc đời còn lại, có lẽ cũng chẳng còn bao nhiêu. Phải làm gì để cân bằng giữa nhiệm vụ mà đất nước tổ quốc khi còn chiến tranh đã giao phó, với nhiệm vụ mà văn nghệ với thiên chức lâu dài còn đòi hỏi. Nhìn vào một “Dư Âm”, tại sao nó sống mãi trong lòng người bấy nhiêu năm. Và tại sao những “bài ca 5 tấn”, “tiễn anh lên đường” v.v... cứ đi dần vào lãng quên. Ðất nước nay đã thống nhất, cả nước đã được sống trong hòa bình, phải chăng đã đến lúc hướng sáng tác của mình vào những chiều sâu hơn, sâu hơn, để nó không còn phụ thuộc vào thời cuộc, có thể thích nghi với tất cả giai đoạn sau này, thực sự là “những tác phẩm để đời”, như người ta thường nói. Từ năm 1988, tôi đã nảy ra ý nghĩ tiếp nối dòng sáng tác đã bỏ dở từ “Dư Âm” (1950), dòng nhân bản lãng mạn. Ðúng là con đường chân chính mà văn nghệ sĩ vẫn đi từ bao đời. Kết quả từ đó đến nay tôi đã hoàn thành khoảng hơn 10 bài tình khúc, mệnh danh là “hát với người yêu”, để đối thoại với nhau, cũng chỉ về những vấn đề quan trọng của đời sống con người cho hôm nay và cả mai sau. Không chỉ nói về tình yêu đôi lứa mà còn nói cả về những gì thuộc về tâm linh, về bản chất sự sống...

Có đơn giản quá chăng khi chỉ có thế này để nói về cả một cuộc đời với những bước thăng trầm của nó.

Tuy nhiên tôi vẫn hi vọng, với ngần ấy thôi, cũng đã phác nên khuôn mặt của mình. Một con người mà sự nghiệp còn khiêm tốn, nhưng thời thế đã tạo nên. Một con người không tránh khỏi những thử thách của số phận, nhưng lúc nào cũng phải tỉnh táo để tìm ra chỗ đứng.

Cái còn lại trong tôi vẫn là cuộc chiến đấu bền bỉ, thầm lặng để vươn tới giá trị của nghệ thuật thật sự. Cầu mong cho cuộc chiến đấu này đi đến thắng lợi, để người đời hiểu rõ và có sự đánh giá đúng về tôi.

Buổi nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua những lời lẽ mộc mạc, đơn sơ và rất chân thành, tôi cũng ghi lại bằng sự chân thành của người viết. Những điều đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nói ra từ năm 1995. Ông cũng kể cho tôi nghe những giai thoại vui buồn trong cuộc đời. Thuở ông còn đi học ở Vinh, thuở Mỹ Nhật đánh nhau, bom Mỹ giết chết cha ông, ông phải bỏ học. Làm công chức cho tòa sứ Vinh, làm chủ sự hợp tác xã cá Cửa Lò (chef bureau copérative de Pêche Cửa Lò). Trở về Vinh hát cho phong trào Moon Gate, rồi hoạt động Việt Minh bí mật. Cho đến năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở Vinh. Từ 1946 toàn quốc kháng chiến, thoát ly, liên tục công tác đến năm 1984, nghỉ hưu.

Suốt 38 năm trời hoạt động cho văn nghệ nghệ thuật với biết bao nhiêu vui buồn, thăng trầm trong cuộc đời.

Mùa xuân năm Mậu Dần năm nay anh lại xuất hiện trên truyền hình nói về nhạc và ý nguyện của mình. Ðáng quý quá, tôi chỉ biết nói thế.

Qua những chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm trên đài truyền hình, hầu hết những bản nhạc đưa ra là những bản nhạc giá trị, có thể gọi là loại “tác phẩm để đời”. Các nghệ sĩ trình diễn cũng là những ca sĩ hàng đầu vừa vững nhạc lý, vừa có giọng ca vàng, hòa nhập được cùng tác phẩm, có thể về mặt thể hình có thua kém các ca sĩ còn son trẻ bây giờ, nhưng điều đó không mấy quan trọng. Khán thính giả đánh giá là chương trình đó có giá trị nghệ thuật là cũng đáng nể rồi. Lời dẫn chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa duyên dáng vừa ngậm ngùi. Ðó là sự thật, mà sự thật nào cũng nên nói lên, không giấu giếm che đậy. Ðời một con người bất cứ là ai cũng có lúc thăng trầm. Không phải bây giờ vì sang quá, nổi tiếng quá rồi không được nói hoặc không nên nói đến thời gian cùng khổ của đời mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói về thuở đói rách của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thuở còn là sinh viên trọ học ở Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm cách nào có được bản nhạc Ðêm Ðông, ông đói rách, sầu não vì gia đình ông ở Huế không kịp gửi tiền cho ông để trả tiền trọ, tiền học cho ông, tiền về quê ăn tết. Ðêm đông buồn ông đi lang thang trong cái rét mướt nên mới có bản Ðêm Ðông. Ta trang trọng tác phẩm và tác giả thì ta cũng phải trang trọng cả tình huống khoảnh khắc của đời sống tác giả để sáng tác ra tác phẩm ấy mới là trọn vẹn. Khi nói lên một giai thoại ấy tôi nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người thực thà, thực thà từ trong tư tưởng ngôn ngữ. Ðiều đáng quý của một nghệ sĩ chân chính, không mấy ai có được. Ðiều tôn vinh bằng hữu một cách kiêu ngạo đó là cần thiết.

Trong chương trình ca nhạc xuân năm Mậu Dần, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng có nói đến mình, tác phẩm của mình, Dư Âm. Một tác phẩm từng bị lên án, bị coi là tác phẩm đồi trụy, sao bây giờ nó vẫn còn tồn tại, vẫn mới với tầng lớp con người?

Ðã cởi mở lắm rồi khi một tác giả đã nói lên được tiếng nói của mình. Tôi đã nghĩ như thế suốt mùa xuân.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với tôi chỉ là chỗ sơ giao, như tình của một tác giả với một người ngưỡng mộ. Có thể ông không nhớ tôi, tên tôi nhưng trong buổi tiếp xúc ông lại rất cởi mở, cái cởi mở vốn có trong người nghệ sĩ... Ông nói cho người ngưỡng mộ ông, khán thính giả của ông bằng những lời chân thành và nguyện ước của một người nghệ sĩ một đời làm nghệ thuật.

Tôi muốn nói đến cái dũng ở trong một con người nghệ sĩ chân chính.

Hơn hai mươi năm sống tại miền Nam, nói chính xác là tại thành phố Sài Gòn, tuy có vất vả về cuộc sống, nhưng tôi không phải không quan tâm về văn nghệ. Khi thì đứng ngoài nhìn vào, khi thử nhảy vào cuộc xem sao. Không ăn được cái giải gì thì lại nhảy ra. Văn nghệ có nhiều bộ môn, có thể nói chung là để làm đẹp cho đời, cho người. Trong sự cùng khổ của đời sống cũng có những nét đẹp, nghệ thuật và điều đó cũng cần được nói lên. Chuyện nhân bản mà người ta từng nói đến. Nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Sau 30 Tháng Tư 1975 khi chán phải nghe những lời hò hét, khẩu hiệu, những bài hát chiến thắng phóng ra từ những chiếc loa ở các góc đường phố. Tôi tìm vào những rạp hát bóng rất vắng người và phải giữ nếp sống văn minh rất là khe khắt, khuôn phép, không cho khán giả bỏ ra về ngang khi xem phải những cuộn phim tồi quá. Tôi bị phạt kỷ luật như thế vài ba lần nên mới có dịp xem xét được mấy cuốn phim Xã Hội Chủ Nghĩa ta và nước anh em. Chẳng có gì đáng nói, nói ra mang tội.

Thời mở cửa, phim chưởng, phim hình sự xã hội đen, bạo lực của Hồng Kông du nhập vào Việt Nam hơi nhiều. Nền điện ảnh Việt Nam do các tư nhân đầu tư vốn liếng cũng tung ra thị trường hàng loạt phim nhái theo đường lối Hồng Kông, thối không chê được mà người ta gọi là “phim mì ăn liền”. Gia đình một anh thầy “mãi võ Sơn Ðông” trở thành đại gia, các con cháu trong nhà đều trở thành đạo diễn, các diễn viên tầm cỡ ngôi sao ráo trọi. Ðó là những cuốn phim vidéo. Ðạo diễn cỡ như Lê Hoàng Hoa phải lặn sâu, nhiều năm nay không thấy anh tham gia làm phim, gặp anh hỏi:

- Sao không làm phim nữa?

Anh lắc đầu:

- Tớ biết gì mà làm, tớ muốn làm một cuốn phim nhựa cho đàng hoàng.

Nói quả đáng tội nền điện ảnh Việt Nam, dù còn là mới mẻ không phải không có gì mà nói. Có đấy, điện ảnh Việt Nam, miền Bắc nói riêng, khi còn phôi thai điện ảnh đã được lồng tiếng nhưng còn là phim đen trắng. Ðã có những cuốn phim khá tuyệt, đạo diễn, diễn viên hết lòng vì nghệ thuật. Kịch bản dù còn tính tuyên truyền, đả phá nhưng còn ở trong nghệ thuật, nó không lộ liễu đến độ trơ trẽn. Khán giả chấp nhận được và còn thú vị, đề tài bao la, khi thì rải rác trong những tác phẩm giá trị. Tôi, một khán giả, cảm thấy thú vị khi xem nhân vật Xuân Tóc Ðỏ trong tác phẩm Số Ðỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng hay chị Dậu trong Tắt Ðèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Chí Phèo, Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Cái dàn dựng thật đơn sơ mộc mạc mà sao đi vào lòng người đến thế. Ðó là tâm huyết của những người làm phim không biến chất. Thời gian gần đây tôi cũng được xem Cánh Ðồng Hoang, biến thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đề tài chiến tranh. Cái tính cách nhẹ nhàng trong gian khổ, lòng yêu nước và lý tưởng không có tính cách ồn ào của lửa đạn chiến tranh nhưng đã nói lên được dù chưa phải là tất cả nhưng cũng đã nhiều nhân bản. Một phim khác được giải thưởng là phim “Lưỡi Dao”. Gần đây nhất phim truyền hình nhiều tập Ðất Phương Nam, phóng tác từ tác phẩm của nhà văn Ðoàn Giỏi. Những tác phẩm nghệ thuật ấy đã nói lên được những gì ai cũng đã thấy. Cái khó ló cái khôn. Dân tộc Việt Nam từng nói như thế.

Cũng thời gian mở cửa của đất nước, dân “ghiền xi-nê” được xem một số phim hay ngoại quốc. Thường xuyên nhất là những bộ phim hoành tráng lịch sử của Trung Quốc, như phim Tam Quốc Chí, Ðông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Từ Hi Thái Hậu, những phim mang tính thời đại của nghệ sĩ Trương Nghệ Mưu do Củng Lợi đóng. Nghệ thuật dựng phim của người ta hết chê.

Việt Nam nóng lòng cũng muốn làm một cái gì đó. Một thời gian người ta ồn ào quảng cáo một cuốn phim lịch sử vĩ đại của Việt Nam dựa theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái. Giới ghiền xi-nê háo hức chờ đợi. Hằng bao nhiêu tỉ bạc đổ vào bộ phim đó ai cũng tin rằng sẽ được xem một cuốn phim cho ra hồn. Nhưng hỡi ôi, khi phim đem ra trình chiếu, người xem phim muốn trốn mẹ nó đi chỗ khác. Nếu là đang xem truyền hình thì phải tắt máy hay chuyển ra coi kênh khác xem chương trình thế giới động vật còn thú vị hơn. Tôi chỉ nói được như thế này. Cuốn phim đó bôi nhọ lịch sử, tuồng chẳng ra tuồng mà phim thì không thể là phim được. Mang tên là Hoàng Lê Nhất Thống.

Cũng rút ra từ Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trước đây có phim Ðêm Hội Long Trì, người ta dựng ra được triều đại họ Trịnh thuở mạt vận. Chuyên quyền, thối nát, đàng điếm. Những nhân vật lịch sử như Trịnh Sâm, Ðặng Thị Huệ, kẻ vô lại núp váy đàn bà như Ðặng Mậu Lân. Cái tài năng và tâm huyết của đạo diễn và các diễn viên đã làm nên bộ phim, không phải xấu hổ.

Bây giờ càng sửa đổi, càng tiến bộ thì lại càng thụt lùi. Rối tinh rối mù cả lên chẳng còn biết làm sao nữa. Có ai gỡ rối không? Một đất nước có bốn ngàn năm văn hiến. Lịch sử, chất liệu, tài liệu dẫy đầy ra đấy, không thể phí phạm được.

Ðộc giả, khán giả, thính giả vẫn chờ đợi những tác phẩm, dù rằng còn lác đác như lá mùa thu.


Nguyễn Thụy Long
Users browsing this topic
Guest (4)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.