Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages123>
Kiệt Tấn
Kiệt Tấn
#1 Posted : Tuesday, May 19, 2009 4:00:00 PM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0

Những cuộc tình không tới

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa...
Hồ Dzếnh


Tôi vừa thắng xe đạp rà rà vừa lẩm nhẩm một mình: “Em cứ hẹn nhưng em đùng đến nhé! Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân. Ngó trên tay thuốc lá cháy rụi dần… Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

Lẩm nhẩm cho le lói vậy thôi chớ đâu có em nào hẹn tôi ở đây để mà đến với lại không đến. Buồn tôi không buồn nhưng trong dạ bồn chồn. Tôi không lê gót dạo khắp trong sân, tôi xách xe đạp chạy vòng vòng như người ta đua mô tô bay. Trên tay tôi không có điếu thuốc lá cháy rụi dần. Trong ngực tôi chỉ có con tim học trò đệ ngũ trường Cao Tiểu Vĩnh Long đang nhảy thình thịch, thỉnh thoảng xanh-cốp một nhịp làm tôi lao chao muốn lủi vô bờ lề. Nhớ em quả tôi có nhớ nhưng tôi không có nói khe khẽ tiếng Bắc Kỳ “gớm” với lại “ghiết” gì cả. Tôi chỉ còn biết dậm cẳng kêu trời: “Trời hỡi! Sao mà nhớ em quá vầy nè trời!!”

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Thôi đừng có lẩm cẩm nữa ông tiểu tướng. Em không hẹn thì tôi tự cho hẹn lấy một mình vậy - chớ làm "cơ" biết chừng nào mới tới phiên mình. Vả lại đây cũng nào phải là lần đầu. Già cả rồi còn mắc cở gì nữa. Tôi dừng xe đạp bên ven sông Cổ Chiên, trước tòa tỉnh trưởng Vĩnh Long ngó qua cù lao An Thành xanh mát mắt. Tôi dựng xe dựa vào gốc còng, giả bộ đứng hứng gió mà mắt cứ liếc xéo về phía đầu Cầu Tàu, nơi em có thể bất thần xuất hiện với chiếc xe đạp bằng nhôm bóng loáng. Chiều nào em cũng có thói quen thay áo lụa, khi đỏ tươi, khi xanh da trời, đánh xe đạp một vòng Cổ Chiên hứng mát. Má nàng ở nhà phố ngói, có sạp vải hiệu Vĩnh Phúc! Má nàng cũng ác, sanh làm chi ba cô con gái tuổi xấp xỉ nhau và giống hệt nhau. Hai cô đầu sanh đôi không biết tên gi, còn cô Út thì tên Hạnh, sanh năm kế tiếp. Cô Út chỉ khác hai cô chị mình ở cái nút ruồi trên khóe môi - chắc là ăn hàng vặt và nói láo một cây! Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Trời sanh nghĩ cũng bất công. Ba cái lẻ tẻ của các cô gái đẹp đều được phe đực rựa chấp nhận hết ráo. Mà ba cục cưng của bà Vĩnh Phúc thì ôi thôi cục nào cũng mũm mĩm như hồng vừa chớm nụ và thơm phức như bông công chúa. Bởi lẽ ấy, tôi đi lại mãi chốn này, sầu yêu nối nhịp với ngày tôi sang...

Nếu chiều chiều chim vịt kêu chiều, thì chiều chiều cô Út đánh xe dạo một vòng Cầu Tàu Vĩnh Long cho khoảng khoát. Khởi từ nhà phố, băng qua ngõ chợ, qua bung-ga-lô, rồi quẹo sang Cầu Tàu. Còn tôi thì tựa gốc còng ở cuối Cầu Tàu mong mong, ngóng ngóng, bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau. Thuở đó mắt tôi đã bắt đầu nhìn xa không rõ nên không làm sao mà nhận diện được cái nút ruồi cách xa ngót ba bốn trăm thước. Bởi vậy mà khi thấy bóng hồng xuất hiện, tôi hồi hộp như đánh cá ngựa. Khi tới mức ăn thua, nhiều phen tôi vỡ mộng. Lúc nào trời u ám tôi trông gà hóa quốc nên cũng có lúc thót lên xe đạp lẽo đẽo theo sau, tới phút chót mới biết mình đã trao duyên lầm nữ tặc. Nhưng tôi dám chắc không có nàng nào để ý sự nhầm lẫn lẩm cẩm đó của tôi. Vì vậy tôi đi đi mãi con đường ấy, qua lại hôm mai sáng lại chiều

Cho tới một chiều, chiều đó cô Út từ từ dừng xe lại trước nhà rồi liếc xéo qua vai nàng đang lúc tôi trờ tới, ánh mắt xoe tròn. Tim tôi nhịp xanh-cốp liền hai cái, tôi lảo đảo thiếu chút nữa té nhào xuống mặt lộ. Tôi vội vàng nhấn bàn đạp cho xe vọt thẳng một hơi lên Cầu Lầu – Lê Thành Các đạp nước rút chưa chắc gì đã theo kịp tôi. Đêm đó, tôi nằm thao thức phân tích cái nhìn liếc xéo của cô Út, cái ánh mắt xanh loé lên, cái đuôi mày tròn trĩnh mà bén ngót của người em không bao giờ hẹn. Ý gì? Vô tình hay cảm mến? Chịu thua! Đàn bà là cả một thế giới bí mật. Con gái cũng vậy. Càng nhỏ tuổi càng bí mật. Nhưng khi lớn lên các nàng lại càng tăng thêm bí mật - một cách khác. Tôi những tưởng khi lớn lên tôi sẽ được soi sáng về các nàng. Ảo tưởng! Tôi rờ xung quanh mình chỉ thấy toàn là bóng đêm. Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ, chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không. Tôi thở dài mong cho trời mau sáng…

Chiều hôm sau tôi lại tái diễn cái màn chiều chiều chim vịt kêu chiều bên gốc còng lả ngọn trên dòng Cổ Chiên gờn gợn phù sa đục ngầu – ôi lãng mạn và trữ tình biết mấy! Em lại đạp xe lững thững qua chỗ tôi đồn quân, thơ ngây liếc xéo tôi một chưởng khiến tôi xây xẩm mặt mày muốn té lọt xuống sông mặc cho dòng đời phăng cuốn. Nhưng may thay tôi định thần lại được và leo lên xe đạp lẽo đẽo theo em, quẹo mặt thầm lặng đưa em về đến tận nhà rồi chạy thẳng.

Trò chơi quăng bắt những cái nhìn và liếc xéo kéo dài cho tới một đêm đẹp trời nọ…

Đêm đó tôi đang đứng xớ rớ trước rạp hát gần nhà thì từ đầu đường bà Vĩnh Phúc dắt cô con gái Út của bà tà tà đi tới. Tự nhiên tôi rút vào lề đứng lẫn lộn trong đám đông như thằng ăn trộm. Em ngoan ngoãn theo má ghé quầy mua vé, hai mẹ con vào rạp. Rạp đang cho trình diễn tuồng cải lương gì đó có Út Trà Ôn đóng, tôi không nhớ tựa. Tôi vội vã chạy về nhà mượn anh Hai Te hai chục đồng rồi vội vã chạy trở lại rạp hát mua cái vé hạng cá kèo. Vào rạp, việc đầu tiên của tôi là đảo mắt tìm em. Sau một hồi vận dụng thần nhãn, tôi khám phá ra em đang ngồi ở dãy ghế thượng hạng phía trước với bà má – dĩ nhiên. Tôi đứng hạng cá kèo bên cánh mặt. Giữa tôi và em là hàng rào cây lưng chừng bụng, có đóng đinh dầy đặc bên trên để ngăn cản bớt nạn leo trèo. Tôi chen lấn lại gần hàng rào cây. Không phải để coi hát mà là để theo dõi cô Út. Tôi rình rập từng phản ứng của em, lúc em cảm động tôi cũng cảm động lây, lúc em cười tôi cũng cười ké, lúc em vỗ tay tôi cũng vỗ hùa theo.

Gần vãn hát, tôi len lén trèo qua rào và kín đáo tiến quân về phía em ngồi. Khi vãn hát tôi nương theo dòng người xô lấn, rấn sát lên đứng khít rịt sau lưng áo lụa đỏ. Tim tôi bỗng trở thành nhà máy điện chạy bằng than đá, chập từng chập đập rộ lên, chập từng chập bánh trớn đứng sững lại, tưởng chừng tắt nghỉ luôn. Tóc xoắn của em nhồn nhột ngay dưới mũi tôi. Tôi hít một hơi dài rồi nín thở. Tóc em có mùi bông công chúa trộn lẫn mùi nắng hanh ngưng đọng lại trong phổi tôi. Tôi choáng váng. Tôi không còn đánh hơi được mùi thuốc lá và mồ hôi người trong rạp. Khứu giác tôi chỉ còn nhạy cảm duy nhất với hương tóc em. Tôi nhắm mắt lờ đờ, tưởng tượng trong rạp hát chỉ còn lại có Hạnh và tôi, tôi gọi nhỏ “Em!” và cúi hôn trên mái tóc của người tôi mơ ước. Tuyệt diệu! Thiên đường! Ước gì con đường từ sân khấu ra tới cửa rạp dài hàng trăm cây số… Nếu bước chân ngà có mỏi, xin em tựa sát lòng anh. Ta đi vào tận rừng xanh, vớt cánh rong vàng bên…rạp hát.

Tối hôm đó, tôi áp gối ôm lên mũi mình. Tôi nặn phổi thở ra hương tóc của Hạnh để được hít trở lại mùi thơm của bông công chúa. Tôi chết mất! Giấc ngủ của tôi chập chờn trên từng đợt sóng tóc của em dợn uốn chập chùng… Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Em tôi ơi! Tình nghĩa có gì đâu? Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu? Thuở ân ái mong manh như nắng lụa




Nhưng rồi tôi không có dịp nào tỏ tình với Hạnh. Nếu tôi tỏ tình và em chấp nhận tình tôi thì cuộc đời của tôi đã rẽ qua lối nào? Tôi không rõ. Khi đó Lệ Dung chợt xuất hiện và làm tôi bận tâm vô kể. Kết cuộc Lệ Dung đã giục bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà sang Tề Quốc. Bỏ lại hai anh em nhà họ Lê nhìn nhau ngơ ngẩn. Lệ Dung em ơi sao em nỡ đang tâm lòng quyết sang (ơ ơ) Tề

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Nhưng lần này thì khác. Nàng không hẹn nhưng mà nàng vẫn cứ đến. Không phải đến với tôi mà là đến với lớp dạy cắt may gần nhà tôi. Nét đẹp Liêu Trai của nàng làm tôi choáng váng giựt mình ngay từ phút đầu. Dáng nàng ẻo lả, tóc xõa đen huyền bao lấy gương mặt trắng tinh – tôi chưa thấy cô gái nào trắng hơn vậy – môi nàng son hồng tự nhiên như đào chín. Ngày ngày nàng đi đi về về ngang nhà tôi. Ngày ngày nàng trẩy cho tôi biết bao là tương tư khoắc khoải.

Kịp đến một hôm tôi bắt gặp quả tang bạn tôi trước nhà dạy may. Tôi đùng đùng nổi ghen, sôi sục âm ỉ. Thằng này cả gan thiệt! Chờ cho nàng về xa khuất, tôi níu lưng thằng Rạng hỏi cho ra lẽ. Tôi hỏi nó bộ quen với nàng hả? Nó cười cười nói nàng là em bà con của nó, tên Huyền, muốn làm quen không nó giới thiệu cho. Được lời như cởi tấm lòng, tôi hẹn với nó tới nhà nàng chơi ngay liền tối đêm đó.

Tối đó, hai thằng đèo nhau trên chiếc xe đạp đòn dông chạy quanh co vào xóm nghĩa địa, trước mặt trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, đèn đóm le lói. Bên mồ chồn cáo đùn hang, chim kêu như lảnh tiếng nàng ngân nga. Quang cảnh ảm đạm xung quanh lại càng thích hợp với vẻ đẹp Liêu Trai của nàng. Phen này chắc là tôi chạm mặt với hồ ly. Gò chiều ùn bụi sương lên, hỏi ra mới biết nơi yên cành vàng… Trong đầu tôi lóe lên những cuộc tình ma quái trái ngang đầy nước mắt như Thanh Xà Bạch Xà. Kệ! Chết bỏ. Nàng có hút hết máu tôi tôi cũng không buông lời than tiếc.

Nhưng khi hai đứa bước vào căn nhà lá của nàng, Huyền không hề biểu lộ cử chỉ gì muốn hút máu tôi hết. Nàng ngồi ở bàn máy may ngước lên nhìn Rạng và tôi ngạc nhiên, đôi mi mắt nhung êm hiền hậu. Nàng vội vàng đứng lên chào khách. Rạng giới thiệu và bốc thơm là tôi học rất giỏi. Nàng khép nép nhìn tôi, đôi mắt ánh lên chút cảm tình. Bà dì nghe tiếng động bên buồng trong bước ra chào hai cháu rồi lui vào hậu liêu. Tôi cù lần quá không biết mở lời với Huyền ra làm sao nên để cho Rạng chuyện vãn với nàng. Mặc dù chúng tôi nói cùng một thứ tiếng nhưng khi có thông điệp gì cần chuyển đạt thì tôi và nàng đều nhờ Rạng làm thông dịch viên. Rạng thì cười nói tự nhiên, còn tôi thì hồi hộp cầm canh. Trong nhà thắp đèn dầu lờ mờ, ánh sáng lung linh rọi lên cây đàn măng-đô-lin treo trên vách. Tôi nhìn ra mả mộ chập chờn đèn ma trơi, trí tưởng tượng của thư sinh nối dài thêm những cuộc tình Liêu Trai… Em về rũ tóc mây xa, năm canh chuốc ngón tỳ bà khói sương. Rời tay nhịp phách đoạn trường, hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?

Kiệt à! Mầy biết đờn măng-đô-lin không Kiệt? Thằng Rạng thúc cùi chỏ và lập lại câu hỏi lần thứ hai tôi mới hoàn hồn. Măng-đô-lin là nghề của chàng. Trúng tủ rồi, còn chờ gì nữa? Tôi dạo nhạc, đoạn xáp vô đánh liền hai bản Đôi Mắt Huyền và Chờ Một Kiếp Mai. Hình như tiếng trê-ma-lô ròn rã của tôi cũng khiến cho Huyền khâm phục tài nghệ của gã thư sinh mặt trắng học giỏi phần nào. Đêm đã chớm muộn chúng tôi kiếu từ ra về. Huyền nhắn, hôm nào rảnh hai anh ghé chơi. Môi son nàng thấp thoáng ửng lộ trên gương mặt trong sáng kiều mị. Nàng đưa ngón tay mỹ miều vén làn tóc xõa trên gò má trắng tinh…

Ba hôm sau tôi lại đèo Rạng đi thăm Huyền, cũng buổi tối. Cũng sầu che nửa mặt chiêm bao, dòng mưa thu lệ chìm vào phấn son…Câu chuyện trao đổi lơ ngơ, không ẩn ý gì rõ rệt. Tới phiên tôi đàn và hát cùng Rạng. Rồi hai đứa ép nàng hát. Vùng vằng lắm Huyền mới cất lên được câu ca: “Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ sầu…” Rồi tịt ngòi luôn vì nàng mắc cở quá. Nhưng tôi chia tay nàng ra về với niềm hi vọng tràn trề trong con tim mọc cánh.

Lần sau tôi lại rủ thằng Rạng tới nhà Huyền, nó không chịu đi. Nó nói tôi phải có gan tới đó một mình thì công việc mới tiến tới được. Tôi chần chờ bất quyết. Tôi lo sợ. Tôi lo sợ giữa tôi và Huyền có gì còn mong manh quá, nếu dồn dập e sẽ tan vỡ… Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa, hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi. Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi! Và tôi lần lữa, và tôi chờ đợi, và tôi chờ đợi ngày mai…

Cho đến lúc tôi được tin Huyền theo bà dì lên Sa Đéc mở tiệm may trên đó. Cái mộng “trên chàng đo cắt dưới nàng đơm khuy” đành vùi chôn bên nghĩa địa hoang tàn. Thôi thì em chẳng yêu tôi, leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng




Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Đời con trai tôi lớn dần lên theo câu thơ lẩm cẩm đó lặp đi lặp lại trong nhiều dịp khác nữa, kể sao cho xiết. Hết đệ ngũ lên đệ tứ, hết đệ tứ lên đệ tam, tôi vẫn tiếp tục theo dõi bóng hồng, tiếp tục phòng không mông quạnh và tiếp tục thương xót ai trăng sầu bên mái lầu mà quên lửng rằng cơ thể mình đã tăng trưởng lần lữa dần theo năm tháng. Ngoài cái thú theo dõi các cô con gái thơ ngây, tôi giờ thêm một cái thú đau thương khác nữa là để ý tới những người đàn bà dày dạn.

Mà không để ý cũng không được; nhà tôi ở ngay giữa xóm chị em ta, trước mặt là động của chú Bảy Trào và sào huyệt của ba cô mỹ nữ bụi đời con gái ông Bảy Hoàng, sau lưng là xóm Lò Tương Vĩnh Long lác đác một vài kiều nương khác nữa, trong số đó có Hiền. Hiền còn trẻ, độ mười tám tuổi, nét mặt xinh xinh, nụ cười hiền hậu, thân thể nẩy nở vừa phải và mê vọng cổ. Vậy là trúng tủ anh Hai Te, người thợ mộc tài hoa của ba tôi. Hai người bèn bắt bồ, điều hết sức hợp lý. Tối tối Hiền qua ngồi ở đống cây trước nhà tôi cắn hột dưa lắc cắc và nghe anh Hai Te ca Sầu Vương Biên Ải: Nhìn trời hiu quạnh màn đêm sương gió lạnh, chốn quê nhà thêm chạnh nỗi niềm riêng… Tôi cũng xáp vô ngồi cạnh anh Hai Te để được nghe ca (phần phụ), được ngó lén Hiền và được ngửi lén hương nước hoa thoang thoảng của nàng!... Em ơi! chốn xa xăm xin em hãy giữ vẹn hương nguyền, để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận… Hiền ngưng cắn hột dưa để chờ anh Hai Te xuống câu vọng cổ cho ngọt… Thâu canh hồn ngơ ngẩn. Nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa (ữa) đêm (ơ ơ) trường… Mùi tận mạng. Hiền gật gù tán thưởng và tiếp tục cắn hột dưa lắc cắc. Môi nàng tô son, móng tay nàng sơn đỏ rất hấp dẫn. Chợt Hiền nắm tay tôi và bỏ vào đó một ít hột dưa: “Anh ăn cho vui”. Cử chỉ tầm thường đối với nàng, nhưng Hiền có biết đâu đó là lần đầu tiên tôi được một cô gái nắm lấy tay và kêu tôi bằng anh. Tôi bủn rủn, tay run khẽ, miệng lí nhí cám ơn.

Hiền và anh Hai Te thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau âu yếm. Tôi đâm ra ghen với anh Hai Te. Tôi đã biết quá rõ, hai người đâu phải dừng lại ở cái nhìn nhau đó. Đôi khi Hiền ở lại ngủ với anh luôn. Tôi trên gác nhìn ngay xuống mùng anh Hai Te giăng ngay ở cửa trại. Trong đêm có tiếng ván cựa mình và tiếng đàn bà cười rúc rích. Tôi tưởng tượng. Đầu tôi muốn đổ lửa.
Từ đó thân thể nuột nà của đàn bà trở thành một ám ảnh thường trực của tôi.
Cho tới một hôm…

Một hôm cũng như mọi hôm khác, buổi chiều tôi tạt vào thăm Hai Võ, bạn thân, con ghẻ của ông chủ sở Bách Phần Vĩnh Long. Sở Bách Phần là một căn nhà gạch cao cẳng khá lớn gồm hai từng, từng dưới dùng làm trụ sở, từng trên dành cho sĩ quan Pháp cư ngụ. Hai đứa còn đứng ở sân ngoài nói chuyện nghí ngố thì bỗng Hai Võ đưa mắt làm hiệu cho tôi nhìn ra cổng. Từ ngoài cổng đi vào một trang mỹ nữ: đúng là Cô Ba, cô con gái bụi đời đẹp nhứt của ông Bảy Hoàng. Cô có vẻ đẹp đậm đà của tranh Lê Trung và thân hình nảy lửa của con gái vừa tròn đôi mươi. Cô mặc áo hường, quần sa teng trắng và guốc mộc đỏ, tay cầm điếu thuốc thơm. Cô không chú ý gì tới hai đứa tôi. Cô bước lên các nấc thang của trụ sở, đi thẳng lên lầu. Hai Võ kề tai tôi nói nhỏ: “Sắp có màn cụp lạc!”. Hắn nói tuần trước hắn leo lên cây dừa phía mặt tiền ngó qua cửa sổ lầu trên tình cờ hắn bắt gặp màn cụp lạc giữa cô Ba và tên sĩ quan Pháp. Hắn chỉ còn nước ôm cứng đọt dừa mà chịu trận, không dám nhúc nhích sợ để lộ tung tích. Hắn hỏi tôi có muốn ghé mắt dòm thử không? Tôi nói tôi leo dừa rất dở, rủi ro giữa chừng bủn rủn tay chưn té trẹo bản họng chắc là chỉ có nước hui nhị tì.

Bàn đi tán lại, Hai Võ nói bên ngoài cửa sổ có cây đu đủ đực cao lớn, có thể leo tuốt lên ngọn rồi nhóng cổ vào ắt cũng có thể quan sát được mặt trận. Thấy tôi dụ dự, hắn chê tôi chết nhát. Nỗi ám ảnh về thân thể nõn nà của đàn bà - của Hiền - về đốt lửa trong trí tôi. Thì thôi, một liều năm bảy cũng liều, cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây. Nhưng tôi nói để tới tối hẵng hành hiệp cho nó kín đáo. Hai Võ nói nếu chờ tới tối sợ nàng đi về mất đất thì hỏng cẳng. Cực chẳng đã, trời vừa sâm sẩm chạng vạng, tôi làm gan bám cây đu đủ đực bò lên, ngực đánh trống chầu huyên thuyên, mắt hoa đom đóm. Lên tới trên ngọn cây tôi nhóng cổ lên nhìn qua cửa sổ chỉ thấy cây quạt máy đang quay tít trên trần - nực là cái chắc - kỳ dư không thấy bóng dáng ai hết. Thình lình một tên Tây ở trần trùng trục lông lá đầy ngực xuất hiện ra đứng bên cửa sổ. Hắn ngửng lên trời ngó dáo dác rồi ngó xuống thấp (bỏ mẹ!), chợt phát hiện tôi đang đeo tòn teng trên ngọn đu đủ như con cắc kè, hắn chỉ tay về phía tôi hét lớn một tiếng. Từ trên ngọn đu đủ tôi tuột cái rột xuống tới đất không đầy nửa giây, đu đủ mẹ đu đủ con, đu đủ đực đu đủ cái gì cũng rớt rụng tưới sượi trên mặt đất, còn hai quả mù u của tôi thì ê ẩm thấy ba mươi sáu ngọn đèn. Tôi chạy khập khiểng qua cổng rồi dông tuốt qua bên sân vận động nằm dưỡng thương.

Càng nghĩ tôi càng thấm thía câu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Bây giờ em có cho kẹo và hẹn tôi trở lại tôi cũng không dám vãng lai.




Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ. Nếu trót đi em hãy gắng quay về. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở… Ông thi sĩ này lý thuyết nghe thì mùi mẫn lắm, nhưng nếu đem ra áp dụng trong tình trường e mất vui thiệt tình và lỗ vốn thấy rõ. Em hẹn mà đến nhiều khi còn ba trật bốn vuột làm hư sự, còn nói gì tới em hẹn mà không đến thì anh ăn thịt thỏ và mút xương dài dài – trong khi đó em yêu anh bằng linh hồn còn xác thịt thì em để dành cho người khác! Sau nhiều kinh nghiệm xương máu và tức tối mù u của chiến trường, tôi bèn thay đổi chiến thuật: “Em có hẹn xin em giùm đến nhé!”

Chiến thuật này tôi phải chờ tới lúc lưu lạc sang Mỹ Tho, chờ tới lúc Bến Đò Trao Thơ năm học đệ nhị tôi mới đem ra áp dụng và thành công mỹ mãn. Hoa đã đúng hẹn và tôi đã hái trên môi nàng nụ hôn đầu đời. Để rồi về nằm trên gác trọ nhắm mắt lại cứ thấy mình bay bổng. Nếu tôi cưới Hoa làm vợ có thể bây giờ tôi là cai thầu bến đò Định Tường hay một giáo sư tỉnh lẻ, hay là gì gì nữa tôi làm sao biết được. Tôi thầm nhủ chắc tôi với Hoa có duyên mà không có nợ. Tuy nhiên trong lòng tôi cũng không khỏi cắn rứt.

Rời Định Tường tôi di cư lên Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất. Lẻ tẻ một vài cuộc tình không tới với Nguyệt, với Hồng. Kỳ dư tôi vùi đầu vào kinh sử và lần đầu tiên nếm mùi đàn bà thiệt sự ở Gò Vấp. Năm đó sau khi trở thành cậu Tú toàn phần, tôi bèn lui về quê cũ bên dòng Cổ Chiên nghỉ hè xả hơi. Tiếng là nghỉ hè, tôi lại mệt cầm canh. Hết vùi đầu vào kinh sử bây giờ tôi vùi đầu vào thân thể của Tuyết mà cắn xé nhục thể nàng đêm đêm. Tuyết phục vụ ở quán la de nước ngọt, nước dừa của chị Tư Tùng ở chợ cá Vĩnh Long. Đàn bà đối với tôi đã bớt bí mật – hay tôi tưởng vậy. Tuyết trân mình chịu trận tuổi dậy thì của tôi. Tôi trững giỡn với ngực và mông nàng vô tội vạ. Nếu lúc đó Tuyết đẻ cho tôi một đứa con thì đời sẽ ra sao? Có thể bây giờ tôi đã có một tiệm nước khang trang, Tuyết trở thành chị Tư Tùng còn tôi thì trở thành tài lủ ngồi thâu tiền ở két. Hoặc giả, tôi một tay vừa bồng em một tay vừa bào nước đá, còn cái miệng thì hối Tuyết chặt dừa như giặc. Nhưng rồi Tuyết ngả lăn ra chết tức tưởi ngoài dự tưởng của tôi. Tôi có khóc đứt ruột cũng vô ích. Như một cuộc tình không tới, Tuyết đã gục chết nửa đường.
Tựu trường, tôi lên Sàigòn học năm thứ nhứt đại học khoa học, ở trọ tại khu Minh Mạng. Có lẽ sợ tôi “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, các yêu nữ xúm lại vây lấy tôi mà an ủi. Ở nhà trọ có Tuyết Mai chăm sóc tôi tận tình. Tuyết Mai lại lôi theo Cúc tới đấu láo. Cúc có làn da trắng trẻo, khi cười má lúm đồng tiền và mắt híp. Đến với gác trọ lại có thêm Vân và Lan mà Tuyết Mai và Cúc một mực đố kỵ. Khi Vân và Lan lên gác trọ chuyện vãn với tôi thì Tuyết Mai và Cúc giấu biệt guốc mộc của hai nàng. Trong bốn cô có lẽ Tuyết Mai là yêu tôi nhiều nhứt, còn ba cô kia thì cũng có cảm tình và đá bóng, nếu tiến tới chắc cũng sẽ được. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, tôi cứ lập lững con cá vàng – có lẽ tại vì tôi đang yêu Ánh chăng? Thế nhưng mèo mà chê mỡ, con hải cẩu mà chê gái thì cũng là điều lạ.

Ngày tôi lên đường du học có cả bốn nàng ra tiễn đưa tôi tận phi trường. Ngày tôi về có Cúc và Tuyết Mai ra đón. Tuyết Mai giờ đã lấy chồng và trở thành một người đàn bà cân đối. Gặp lại nhau mừng rỡ. Rồi đâu độ hai tháng sau tôi được tin Tuyết Mai tự tử chêt – hình như gia đình nàng lục đục sao đó. Lòng tôi hối hận vu vơ, như thể tôi cũng có trách nhiệm phần nào cái chết của nàng. Nếu mà tôi yêu và cưới Tuyết Mai thì có lẽ đời nàng đâu đến nỗi ấy. Cuối xuân ta lại tìm qua, tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn. Chớm thu ta đánh đò sang, bên đường cổ mộ lại vàng cúc hoa




Trúc thưa cổng gió ơ hờ
Em ra tựa cửa nghĩ chưa lấy chồng


Em bây giờ là các em ở một lục địa khác, thời tôi du học ở Québec. Mùa hè nọ tôi lấy tàu thủy từ Canada sang Pháp để thực tập và để thăm Lộc, anh tôi ở Paris. Trên tầu chỉ có tôi duy nhứt là người da vàng. Có lẽ thấy của lạ, một cô người Thụy Sĩ tên Heidi tới làm quen với tôi. Lảm quen thì làm quen, sợ ai!

Ngày qua ngày sự làm quen đưa tới chỗ thân mật. Chúng tôi hôn nhau. Nhưng phàm đã là một con hải cẩu thì tôi đâu chịu dừng lại ở đó. Một đêm tôi lôi nàng ngồi ở một bực thang khuất vắng, tay kéo lưng váy nàng và đòi nằng nặc “please, let me have a look”. Sau nhiều lần cự tuyệt, cuối cùng nàng cũng đành nhượng bộ cho thằng bé xem tí – nhưng cuộc yêu đương vẫn hãy còn nằm trong vòng lễ giáo.

Sau sáu ngày sáu đêm lênh đênh trên Đại Tây Dương chúng tôi cập bến Le Havre rồi lấy xe lửa về Paris. Nơi đây chúng tôi chia tay. Tôi và nàng hẹn viết thư cho nhau. Tôi cảm hứng, trong đầu nẩy ra mấy câu thơ:

Heidi ơi Heidi!
Chia tay chiều Paris
Anh về qua ngõ lạ
Buồn rưng rưng kinh kỳ
Xa nhau rồi Heidi!

Nguồn thơ lai láng tới mức đó thì tịt ngòi. Tôi cũng không có viết thư cho Heidi. Tôi gặp Diane, Người Em Xóm Học, và xáp vô yêu nàng mê man. Nếu cuối mùa hè đó Diane đồng ý cho tôi bỏ học ở lại với nàng thì có lẽ bây giờ tôi đã mở đưọc một tiệm ăn nhỏ chuyên bán mì dơ ở Xóm Học, hoặc giả chúng tôi khai thác một tiệm cà phê con con, Diane ngồi giữ két, còn tôi thì chạy bàn. Nhưng cũng biết đâu chúng tôi đã ly dị nhau từ mấy kiếp. Hỡi em người Xóm Học! Sưong thấm hè phố đêm. Trên con đường anh đi, lệ em buồn vương vấn

Hè năm sau tôi lại tái bản màn vượt Đại Tây Dương sang Pháp. Trên tàu có một cô Canadienne lai mọi da đỏ tên Gaby tới làm quen với tôi: “Anh có phải là Kiệt không?” Tôi giựt mình, tưởng đâu người ta đã họa đồ hình tôi, và dán khắp miền Viễn Tây với dòng chữ “Wanted”. Tôi lấy bình tĩnh hỏi lại: “Sao cô biết tên tôi là Kiệt?” “Tại tôi có con nhỏ bạn mô tả hình dạng anh y hịch, nhứt là mái tóc bờm xờm”. “Cô bạn nào vậy? Tôi có biết không?” “Nó là con Michèle tóc vàng đó. Nó mê anh lắm, chỉ chờ anh tỏ tình là nó chịu liền”. Câu nói của Gaby khiến tôi ngơ ngẩn một hồi và thấy mình ngu. Tôi cũng mê Michèle lắm. Hai đứa có dịp ăn cơm chung với nhau ở nhà bàn sinh viên và tán dóc, xem ra tâm đầu ý hiệp. Michèle đẹp hơ hớ. Dáng người vừa vặn, tóc vàng óng ánh, mắt nâu trữ tình, thân thể thanh thanh. Một bận Michèle ngồi phơi nắng trước cửa trường khoe đôi chân thanh tú, tôi đến gần định mở miệng rủ em đi xi-nê. Nhưng khi em ngửng lên nhìn tôi, tôi đâm bối rối và nói lảng sang một chuyện khác thiệt vô duyên. Bây giờ nghe Gaby nói Michèle cũng mê tôi, “chỉ chờ anh ừ một tiếng là em thuộc về anh liền!”, tôi tiếc hùi hụi và tự trách mình sao quá ngốc tử.

Nhưng hãy khoan, chuyện đâu còn có đó. Giờ này là giờ của Gaby thì tính theo Gaby. Không hiểu tôi tán tỉnh và vuốt ve ve vuốt Gaby thế nào mà cô nàng thuận làm tình với tôi – tôi cũng xâm mình, không sợ bị lột da đầu. Tôi thu xếp với một thằng bạn đang hưởng tuần trăng mật trên tàu với vợ mới cưới để mượn cái phòng đôi của hắn. Hắn tốt bụng. Tôi và Gaby đã được hưởng tuần trăng mật ké. Tới Paris tôi có dịp ngủ lại với Gaby thêm một bận ở khách sạn. Nàng đã rời Paris sang Madrid để học tiếng Tây Ban Nha. Nàng hứa sẽ về Paris thăm tôi. Tôi hứa sẽ viết thư cho nàng. Nhưng mà rồi cả hai đứa bặt tin nhau.

Trở về Québec tôi sa chân vào mối tình hàng hai rắc rối nhứt của cuộc đời tôi: một bên là Louise, Em Yêu Xứ Tuyết, một bên là Danyèle, Ma Nữ Tóc Vàng. Louise đã ân hạn cho tôi hai tuần để suy nghĩ và chọn lựa. Nếu sau thời hạn đó tôi chọn Danyèle thì cuộc đời tôi đã đổi khác. Thêm nữa nếu sau này Louise không bỏ đi lấy chồng và chọn sống với tôi thì cuộc đời tôi đã lại đổi khác. Tháng Sáu vừa qua, tôi hay tin Louise đã giã biệt cõi đời đúng vào ngày sinh nhật của nàng. Tôi không ăn năn tiếc hối. Nhưng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi và hiu hiu buồn.

Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tưởng
Hay một vết chim bay?





Sau khi tổng kết những cuộc tình không tới của mình tôi nhận thấy chỉ cần thay đổi một chi tiết, thay đổi một quyết định là cuộc đời tôi đã hoàn toàn đi vào một ngõ khác, hoàn toàn đi về một hướng khác. Sự thay đổi đó do tình cờ, do định mạng, do tôi, do nàng? Hay là do tất cả các cơ duyên đó hiệp lại? Tôi làm sao biết được. Nhưng tôi cũng không thể tác hợp với tất cả các nàng mà tôi đã gặp, đã si tình và đã yêu. Qua những cuộc tình đó tôi đã kinh nghiệm rất nhiều, hoan lạc rất nhiều mà khổ đau cũng dữ dội. Nhưng hiểu tình yêu thì chưa chắc gì tôi đã hiểu được chút gì. Quanh đi quẩn lại tôi nhận thấy ông thi sĩ lẩm cẩm vậy mà không phải không có lý:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa


Nhưng liệu tôi đã viết hết ra được những cuộc tình không tới của mình chưa? Hay là tôi còn phải nối giấy, thêm mực và thức trắng thêm nhiều đêm nữa để viết tiếp. Thì thôi...

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa


Kiệt Tấn
linhvang
#2 Posted : Tuesday, May 19, 2009 11:03:56 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Kính chào nhà văn Kiệt Tấn của Đêm Cỏ Tuyết, Yêu Em Xứ Tuyết, Em Điên Xõa Tóc, Lớp Lớp Phù Sa, Nụ Cười Tre Trúc, Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi,...đã để mắt vào diễn đàn Phụ Nữ Việt.
Thật hân hạnh, hân hạnh! Rose
Mme Ngô
#3 Posted : Wednesday, May 20, 2009 2:49:12 AM(UTC)
Mme Ngô

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 161
Points: 0

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
*


Chào bác Kiệt-Tấn.
Dà... con là fan của bác nè bác. Bác dziết nhiêu con đọc nhiêu, đọc ráo trọi hết ha bác, trong đó theo con, Em Điên Xõa Tóc là một masterpiece (tiếng dziệc là gì con hổng rành) Phải chi có quyền, con phát liền cho bác cái Nobel littérature.
Bên đây thỉnh thoảng đi ra đi dzô đụng ông LTL, hỏi thăm mà ổng nói ổng hổng biết LTK là ai, huhu.. !!! Hồi ông VKĐ chưa khăn gói theo nàng dzìa dinh, gặp ổng con cũng hỏi thăm luôn, mà ổng cũng nói hổng biết KT. Kỳ cục. Ngó bộ mấy người ni muốn xù bác ha, dám họ sợ đứng kế bác thì ánh sao sẽ bị lu hổng chừng... khà khà.. Dà, thì con nói với họ dzậy đó bác, sợ chi mà hổng nói chớ !

Dà, kỳ trước đọc trong talawas nghe tin bác bị con gái bu lợi cắn, nhưng dzồi y hình bác hổng sức mẻ miếng nào đã đành, mà còn sung lên dziết một hơi mấy bài tràng thiên đại hải. Đọc xong độc giả (thì con chớ ai nữa) mém tắc thở, cười thiếu điều muốn đứt ruột luôn.
Dà, xin phép chào bác con lui ra đặng thay tã nấu cơm giặt đồ tiếp, hổng thôi ông chủ dzìa thấy công chuyện nhà hổng xong, ổng đục phù mỏ lọi ba sườn mất công phải lấy hẹn với quí bà Bích Đào, Hạnh Phước...
Trân trọng.
Huệ
#4 Posted : Wednesday, May 20, 2009 2:53:29 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Người ơi, người ở, đừng về.

Người ơi, người ở, đừng về.



Kiệt Tấn
#5 Posted : Wednesday, May 20, 2009 4:55:24 AM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0

quote:
Gởi bởi linhvang

Kính chào nhà văn Kiệt Tấn của Đêm Cỏ Tuyết, Yêu Em Xứ Tuyết, Em Điên Xõa Tóc, Lớp Lớp Phù Sa, Nụ Cười Tre Trúc, Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi,...đã để mắt vào diễn đàn Phụ Nữ Việt.
Thật hân hạnh, hân hạnh! Rose

Cám ơn Linh Vang RoseRoseRose
Kiệt Tấn
#6 Posted : Wednesday, May 20, 2009 4:59:24 AM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0

quote:
Gởi bởi Mme Ngô

*


Chào bác Kiệt-Tấn.
Dà... con là fan của bác nè bác. Bác dziết nhiêu con đọc nhiêu, đọc ráo trọi hết ha bác, trong đó theo con, Em Điên Xõa Tóc là một masterpiece (tiếng dziệc là gì con hổng rành) Phải chi có quyền, con phát liền cho bác cái Nobel littérature.
Bên đây thỉnh thoảng đi ra đi dzô đụng ông LTL, hỏi thăm mà ổng nói ổng hổng biết LTK là ai, huhu.. !!! Hồi ông VKĐ chưa khăn gói theo nàng dzìa dinh, gặp ổng con cũng hỏi thăm luôn, mà ổng cũng nói hổng biết KT. Kỳ cục. Ngó bộ mấy người ni muốn xù bác ha, dám họ sợ đứng kế bác thì ánh sao sẽ bị lu hổng chừng... khà khà.. Dà, thì con nói với họ dzậy đó bác, sợ chi mà hổng nói chớ !

Dà, kỳ trước đọc trong talawas nghe tin bác bị con gái bu lợi cắn, nhưng dzồi y hình bác hổng sức mẻ miếng nào đã đành, mà còn sung lên dziết một hơi mấy bài tràng thiên đại hải. Đọc xong độc giả (thì con chớ ai nữa) mém tắc thở, cười thiếu điều muốn đứt ruột luôn.
Dà, xin phép chào bác con lui ra đặng thay tã nấu cơm giặt đồ tiếp, hổng thôi ông chủ dzìa thấy công chuyện nhà hổng xong, ổng đục phù mỏ lọi ba sườn mất công phải lấy hẹn với quí bà Bích Đào, Hạnh Phước...
Trân trọng.

Mme Ngô à,
còn cười được là một hạnh phúc. beerchug

KT vô danh tiểu tốt nên 2 ông LTL và VKĐ không biết là phải Big Smile
Kiệt Tấn
#7 Posted : Wednesday, May 20, 2009 5:02:43 AM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0

quote:
Gởi bởi Huệ


Người ơi, người ở, đừng về.

Người ơi, người ở, đừng về.

Dao phay cứa cổ máu đổ không màng
Chết thời chịu chết, buông nàng không buông!

ký tên: Người lậm bùa
PC
#8 Posted : Monday, May 25, 2009 12:11:18 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Kính chào anh Kiệt Tấn, Rose
Mới nhắc tới tên anh, vài ngày sau là thấy anh ghi danh trong diễn đàn. Phải chi nhắc tiền nhắc bạc mà được vậy thì khỏe quá! Tongue

PC có cô bạn mê văn anh như điếu đổ, từ cái cuốn Nụ Cười Tre Trúc. Anh nhớ cái đoạn bà lão bán cà rem rung cái chuông để mời chú học sinh nhỏ mua kem không. Đoạn đó cảm động vô ngần. PC thì mỗi khi đi về miền Nam Âu châu thấy các vườn chanh vườn cam thì lại nhớ truyện Vườn Chanh Miệt Biển của anh.

Hai câu thơ của Hồ Dzếnh anh trích trong truyện, nếu PC không lầm thì là:

Em tôi ơi tình có nghĩa gì đâu

chớ không phải là "em tôi ơi tình nghĩa có gì đâu".

Kính,



Kiệt Tấn
#9 Posted : Monday, May 25, 2009 5:17:46 PM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0


Được lời khen của PC, bần tăng ấy làm hiu hiu cảm động, gan nở bằng cái tô, đầu rụng thêm vài sợi tóc còn lại sau khi thí phát. Cám ơn đèn trời đã soi sáng cho bần tăng câu thơ ái tình của HD: "Em tôi ơi tình có nghĩa gì đâu". Thiệt tình thì bần tăng đã có bỉnh bút một lần nhưng đưa cho người gõ thì lại đảo ngược là " Em tôi ơi tình nghĩa có gì đâu"
Nếu được độc giả chiếu cố thì bần tăng sẽ giáng lâm lần nữa những ngày sắp tới. E rằng khi đó sẽ là mùa pháp nạn!

Thiện tai! Thiện tai! A di đà Phật! Bần tăng xin bái bút.
PC
#10 Posted : Wednesday, May 27, 2009 7:05:48 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ai nức nở quỳ bên chánh điện?
Khi chuông chùa vừa điểm tiếng công phu
Thiện nam ơi, nguyên do nào người lại muốn đi tu
Vui kinh kệ, quen mùi khổ hạnh?

Dạ, đùa chút với anh cho vơi cơn sầu nhân thế nha!

Big Smile
Kiệt Tấn
#11 Posted : Tuesday, June 2, 2009 7:05:45 PM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0


ĐÊM CỎ TUYẾT


Anh nói với em nhiều tiếng thâm trầm
Nằm đêm nghĩ lại nát bầm lá gan.
Ca Dao




Tôi dắt Tuyết xuống bờ đê. Mùa gặt đã qua từ lâu, ruộng khô chỉ còn lác đác một vài gốc rạ. Trăng lưỡi liềm kín đáo ngọt ngào. Tình nhân yêu nhau, trăng yêu tình nhân, từ muôn thuở. Nhưng có chắc tôi yêu Tuyết? Có lẽ. Nhưng điều đó nào có quan trọng gì với tôi lúc này. Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Tôi tìm một lùm cây có bãi cỏ kéo Tuyết ngồi xuống. Trước mặt là con rạch nhỏ. Nước nhiều hay ít, tôi không để ý. Có lấp lánh ánh trăng hay không, tôi cũng không biết. Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất: Tuyết.
Khi nãy trên đường từ cầu Bắc chạy về, Tuyết biểu tôi dừng vespa, vì nàng mắc lắm rồi. Trước đó hai đứa tôi ăn cháo trắng hột vịt muối, uống trà đá ly cối, hèn gì. Tôi còn đang loay hoay dựng xe thì Tuyết đã chạy ù xuống ruộng. Xong, nàng ngồi chồm hổm mà giải thủy tỉnh bơ. Tôi bị kích thích, tim đập mạnh như bước hụt, chới với. Phần nhạy cảm nhất của con trai mười tám tuổi trỗi dậy. Chẳng phải riêng tôi. Mấy chiếc xe hơi chạy ngang, thắng gấp, tiếng bánh xe cày trên mặt đường rít nghe ê răng. Không có tai nạn. Cũng may. Khi sắp trở vào thành phố Vĩnh Long, tôi quẹo xe ở ngã ba và trực chỉ hướng Cần Thơ. Tôi đậu xe lại ở gần ruộng dưa gang và dắt Tuyết xuống bờ đê. Tuyết ngoan ngoãn đi theo, thỉnh thoảng cười rúc rích. Còn tôi thì chẳng biết gì đến cười nói, thần kinh bị kích thích căng thẳng, có lẽ mặt tôi lúc đó hắc ám lắm. Câu quảng cáo trên toa thuốc bổ thận chắc cũng đúng đến chín phần: “Phàm một con hải cẩu, đến mùa rượn đực, ngày đêm chỉ nghĩ đến chuyện giao cấu, không thiết gì đến ăn uống, nghỉ ngơi…”
Tôi tìm lùm cây khuất, từ mặt đường ngó vào không thấy phía sau. Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đóa hoa thầm kín của nàng. Mềm mại, ấm áp, trơn mướt, nhung êm. Mê mẫn, sung sướng, hạnh phúc. Cứ gọi là hạnh phúc, dù tôi chẳng có định nghĩa nào về hạnh phúc. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đóa hoa thầm kín của đàn bà thân mật, chi tiết và trọn vẹn đến như vậy. Cả người tôi cháy thành một khối đê mê. Tôi đã biến mất.
Sau cơn cảm xúc mãnh liệt, tôi vội vã, hấp tấp. Loay hoay, luống cuống, bộp chộp. Tôi trật ngã, thiếu chút nữa lăn xuống rạch nước. Tuyết kịp nắm vai áo tôi giữ lại. Tôi nằm bẹp trên người nàng, hùng hục, hổn hển. Ngay lúc đó trời có sập đè tôi chết tốt tôi cũng không màng. Tôi ôm nàng cứng ngắc. Tuyết lầm thầm: “Anh làm gì… dữ… vậy… gì dữ vậy?” Tiếng nói nàng đứt quãng theo nhịp của tôi. Còn phải hỏi! Giá mà lúc đó miệng anh rộng đến có thể nuốt chửng được em thì anh cũng nuốt tuốt tuột cho đã cơn dục tình.
Và cơn dục tình của tôi đã được thỏa mãn. Khi đó tôi mới nghĩ tới hôn nàng. Tôi áp môi trên má nóng hổi của Tuyết và hít chùn chụt. Nàng vuốt ve lưng tôi, trách mát: “Anh này đồ quỉ! Đã chưa?” và nàng cười rúc rích. Tôi ngồi dậy. Ánh trăng mát mẻ trên thân thể nàng thật tuyệt vời và hấp dẫn. Mùi ân ái còn thoang thoảng. Tuyết hối tôi:
- Thôi mình đi về, không có chị Tư chỉ la em. Hồi nãy xin phép đi có một giờ mà đi quá mạng, hết lên cầu Bắc rồi lại ghé đây.
Tôi cố tình chọc Tuyết:
- Em nóng ruột thì ra đón xe đò về trước đi.
Nàng la:
- Đồ quỉ! Thôi đừng cù nhây, đưa em về sớm, mơi mốt chị Tư còn cho phép đi chơi. Tối nay thứ bảy đông khách mà quán chỉ có mình chỉ với con Liên, lo hổng xuể.
Tôi vừa cặp xe vào hông quán, quả nhiên chị Tư Tùng đã cất tiếng:
- Dữ thần hông! Đi đâu mà mất biệt làm chị lo muốn chết. Cậu chở nó đi đâu vậy?
Tôi phịa đại:
- Thì cũng chạy gần gần đây thôi. Nhưng hồi nãy lên tới cầu Tân Bình thì xe bị bể bánh…
- Thôi cậu đừng có nói dóc. Cái tuồng đó tui rành quá mà!
Rồi chỉ vào bánh xe sơ-cua gắn trên chiếc vespa, chị hỏi:
- Vậy chớ cái gì đây? Còn mới tinh mà nói bể.
Tôi giả lả:
- Thôi mà chị. Em biết trễ sợ chị la nên nói gỡ gạc vậy thôi, chị thông cảm.
- Ai mà dám la cậu. Mà thôi mấy người cũng lớn hết rồi, muốn mần gì đó thì mần. Hồi nãy tui sợ không biết có tai nạn dọc đường gì không mà đi lâu quá, cả hơn hai tiếng đồng hồ nên mới nói vậy … Cậu cũng biết tui thương con Tuyết lắm, coi nó như em ruột, gia đình không có nên …
Lúc đó khách quen tới, chị đon đả chạy ra chào khách. Tôi thừa dịp thoát thân, chạy qua phía bên kia quán, kéo ghế ngồi ở bàn đặt cạnh bờ sông. Gió từ bên cù lao An Thành thổi qua mát mẻ. Những dề lục bình chỉ còn là những khối đen lững lờ trên dòng nước. Nhìn Tuyết chạy lăng xăng khui nước, chặt dừa, xay rau má, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc mến thương. Thỉnh thoảng nàng liếc tôi và cười ỏn ẻn, đồng lõa. Chập sau nàng đem tới cho tôi một ly cối nước cam-sô-đa với hai tròng đỏ hột gà nổi lờ đờ:
- Anh uống đi, bổ lắm!
- Bổ là có chuyện nữa!
- Đồ quỉ!
Chị Tư cưng Tuyết cũng phải. Nhan sắc nàng cũng đại khái thôi, nhưng thịt da mơn mởn dễ nhìn, cười lúm đồng tiền có duyên tuy hai răng trước có kẽ hở. Nàng hay cười nói vui vẻ nên kéo khách cho chị Tư cũng bộn – trong đó có tôi. Khi đó tôi vừa đậu xong tú tài đôi, về Vĩnh Long nghỉ hè. Ban ngày tôi họp bạn đánh đàn, đi thăm người yêu nữ sinh, hoặc ngủ li bì. Ban đêm tôi la cà. Chị Tư thì tôi biết từ hồi còn học đệ tứ, thuở tôi bắt đầu mặc quần đa-cờ-rông láng coóng, thắt dây nịt nhỏ, chải đầu trét bi-dăng-tin, đi giầy mỏ vịt. Hồi đó xuống quán là để uống nước dừa, ăn cơm gà rô-ti, tán dóc với bạn bè. Và theo dõi đàn anh tán gái để chờ ngày xuống núi hành đạo (hay hành lạc?) Nói quán nghe rườm rà chớ thiệt ra đó chỉ là một cái chòi bằng thiếc khi giương thì mở ra bốn phía, khi sập xuống thì kín mít. Tuyết nằm ngủ bên trong với Liên, trên một diện tích khoảng hai thước nhơn hai thước. Quán nằm phía cuối chợ cùng với ba quán khác, hai quán bán cơm, một quán bán nước cạnh tranh với chị Tư. Bàn ghế bắc xung quanh quán, không có vị trí nhất định. Tôi thường xuống quán rà rà để được ngửi mùi nem nướng hay thịt bò xào. Mùi thơm ngọt ngào sực nức, khói tỏa mịt mù mà thú vị biết bao! Tôi không ăn vì sợ ăn sẽ đâm ngán cái thú ngửi mùi đó. Tôi như một cô hồn thưởng thức đồ cúng. Tôi hạnh phúc mà không hay. Có lẽ nhờ vậy mà hạnh phúc. Khi hay, hạnh phúc tan biến.
Sống như con nít ngây thơ, ngơ ngác, lúc nào cũng khám phá, khám phá nào cũng tuyệt vời. Tôi khám phá đàn bà như con nít trước một rương đồ chơi bí mật. Lắm lúc tôi cười, nhiều khi tôi khóc. Tôi mê đàn bà, tôi tội nghiệp tôi, thằng ngốc tử. Tôi tội nghiệp các nàng đã trót yêu thằng ngốc tử.
Dĩ nhiên, nếu chỉ ngửi thôi thì làm sao sống nổi. Tôi cũng có ăn. Tôi khoái nhất món hủ tiếu “đầu trọc”. Không phải ăn vô rồi là rụng tóc trọc đầu, mà bởi món này do một ông chệt đầu trọc gánh đi bán dạo, gõ nhịp lắc-cắc-cụp trên hai miếng tre ngắn đã lên nước. Hủ tiếu khô của ông có nước sốt gì nâu nâu sền sệt chan lên ăn là hết sẩy. Xế trưa tôi một tô, Tuyết một tô, ních vô là thấy hạnh phúc nằm trong tầm tay, đâu cần gì phải đi hành hương xa xôi trắc trở. Lại thêm giọng cười rúc rích của Tuyết giữa trưa nắng rạng rỡ miền Nam, với ngần ấy thứ mà không ngửi thấy hạnh phúc thì dù có tu chín kiếp cũng coi như huề cả làng. Chị Tư không thích hủ tiếu nên thường làm một tô mì hai vắt, cũng mì khô có nước sốt mầu nhiệm đó chan lên. Chị buôn bán nhưng tánh chị thật thà. Da chị ngăm đen, môi dầy, mũi lân và… đa tình. Tụi tôi biết vậy nên dụ dỗ kép Thế xuống quán. Kép này là một tay tứ chiếng giang hồ, lấy đĩ làm vợ, cao lớn đẹp trai, có nụ cười lém lỉnh như Gene Kelly. Chị Tư chíp lắm. Mà khi chị đã chịu đèn rồi thì tụi tôi dễ bề làm ăn với Tuyết và Liên. Có quá quắt thì chị cũng làm ngơ. Có chở đi quá giờ thì chị cũng xí xóa. Dẫu giận mấy, có “anh Thế” xuống là xong ngay. Thành thử tôi cũng được rảnh chưn rảnh tay “một mình thong thả mần ăn, khỏe quơ chài kéo mệt quăng câu giầm…”
Lúc đầu tôi xuống quán bên kia. Một tối Tuyết ngó tôi nheo mắt cười tình mấy cái là tôi di cư luôn qua quán chị Tư. Tuyết làm bộ hỏi:
- Anh ghé chơi một chút rồi dọt qua bên kia hả?
- Không, anh lấy cơm tháng ở đây luôn.
Nàng cười rúc rích:
- Anh giỏi tài ba xạo!
Tôi cũng chỉ biết nhăn răng ra cười trừ. Rồi tôi tán tỉnh Tuyết ra sao tôi cũng không nhớ rõ. Tôi vốn đã ít nói. Mà cuộc trao đổi văn nghệ giữa một cậu tú mới toanh và một em bé bán nước dừa chắc cũng không có câu nào đáng đi vào văn học sử. Nhưng hai đứa cũng khắng khít nhau ra rít, đâu cần gì phải vô vọng cổ hay thao thức viết thư tình. Có lần tôi tò mò hỏi Tuyết:
- Em có yêu anh không?
- Em hổng biết, nhưng em khoái anh?
- Khoái ở chỗ nào?
- Tại anh có hàm răng bẹt-lông, cười có duyên thấy ghét.
Perlon là hiệu kem đánh răng đang được quảng cáo thời đó, với một nụ cười duyên dáng và hàm răng đẹp. Tôi có ngó vô kiếng cười thử, thấy răng cửa của mình lớn và hơi gie ra đằng trước, không có gì đáng ca ngợi. Anh tôi bảo mày hô ống điếu (?) nên cười có duyên ngầm (!). Chắc tại tôi có cái duyên “ống điếu” nên Tuyết đâm mê.
Còn tôi, tôi thèm muốn Tuyết. Yêu? Gọi thế nào cũng được. Có đặt tên cho tình cảm hay không thì nó cũng vậy thôi. Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Nếu ép tôi bỏ bớt một thứ, có lẽ tôi sẽ giữ lại tình dục. Tôi thường ngạo mấy cô tình nhân khi các nàng từ chối tình dục: “Em yêu anh bằng linh hồn, còn xác thịt em để cho người khác? Nếu vậy hãy cho phần thứ hai, anh xin trả lại em tình yêu”. Kết quả tôi lại bị rầy: “Anh khôn thấy mồ!” Té ra yêu bằng linh hồn là ngu lắm sao? Tôi bị rầy là nàng đã hiểu. Xong. Thành thử tôi chỉ có một tình yêu duy nhứt không có tình dục: đó là lúc tôi học tú tài một ở Mỹ Tho và yêu Hoa. Không phải tôi thánh thiện mà vì lúc đó tôi chưa thành quỉ. Chưa gặp dịp, có lẽ.
Cùng lúc dâm lụy với Tuyết, tôi lại thánh thiện với Ánh, người yêu nữ sinh. Tôi tới nhà Ánh ngồi chơi, rất mực là thư sinh ngoan ngoãn. Nói chuyện gì tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng nghĩ cũng phục tôi luôn. Nói gì mà nói nhây hàng giờ, ngày này qua ngày nọ, mà không sờ mó mân mê gì cả. Phục lăn. Nhưng xét ra cũng chẳng có gì đáng phục. Tôi đã no nê dục tình với Tuyết, hơi sức đâu mà mơ ước chuyện gì khác. “Phàm một con hải cẩu…” nhưng tiếc thay tôi chưa bằng được con hải cẩu. Tôi chẳng bao giờ hẹn Ánh nơi tối tăm nào khác, bên lùm bên bụi hay (người hẹn cùng ta tới) bên lùm chuối…
Mỗi tuần tôi phải dắt Ánh đi xem phim Ấn Độ một lần, với bà má vốn mê phim Ấn Độ. Tôi thường bẻ một chùm bông thiên lý đem theo. Khi trên màn ảnh hoàng tử và công chúa bắt đầu nắm tay nhau ca múa và lắc lắc cái bụng cà ri là tôi ngủ gật với mùi thơm ngầy ngật của hoa lý ở đầu mũi. Nhưng tôi được an ủi lúc ra về. Ánh theo má đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Trăng lên cao, ngọn dừa dật dờ lấp lánh, dáng Ánh gầy gầy, bóng Ánh ngã trên đường nhẹ hổng như vết chim bay. Tôi nghĩ nàng chỉ cần đập cánh là có thể bay lên trời, bỏ tôi lại cõi trần gian dâm dật này cho Tuyết với đôi mông trắng mát. Có lẽ tôi sẽ khóc, nhưng rất bằng lòng. Tình thực tôi cũng chẳng giấu giếm gì Ánh. Tôi nói tôi ngủ với mấy cô bán quán. Ánh không tin và cho rằng tôi nói vậy để lấy le. Đến một hôm, Ánh bắt gặp tôi chở Tuyết chạy ngang nhà, nàng mới bắt đầu ngờ vực là tôi nói … thiệt.
Mà trong cái tỉnh nhỏ xíu nầy, đi một vòng là gặp nhau hết, nói gì đi quanh quẩn năm này tháng nọ. Một đêm gần Tết, tự dưng Tuyết nổi hứng thay áo dài mới xanh lè quê một cục, nhứt quyết đòi tôi chở đi chơi. Tôi thấy Tuyết vui nên cũng chiều ý. Tôi chạy lòng vòng lạng quạng. Bỗng Tuyết đòi đi nhà thờ gần cầu Cái Cá. Nhà của Ánh ngay dưới dốc cầu. Tôi bấn quá, mà từ chối thì sợ em buồn. Tết nhứt rồi, ai nỡ làm vậy. Nhưng lỡ Ánh bắt gặp, chạy ra níu áo rồi mới tính sao đây? “Di nhân nan! Di nhân nan!” Gần tới cầu tôi nảy ra sáng kiến (nhờ ơn trên?) Tôi khóa ga xăng, giả bộ xe lên dốc không nổi. Tôi biểu Tuyết xuống và đi bộ qua cầu vô nhà thờ trước chờ tôi. Chùi bu-di xong xe sẽ vọt ngon lành như trước, tôi qua sau. Tôi rất ghét nói dóc. Nhưng nói dóc với Tuyết tôi không thấy lương tâm bị cắn rứt một chút nào hết. Làm như thể…
Tuyết bỏ gia đình đi hoang năm mười sáu tuổi. Tuyết cùng một tuổi với tôi. Gia đình Tuyết ở Gò Công. Tôi không rõ lý do ra đi của nàng, hay nàng đã kể rồi mà tôi không nhớ. Tôi cũng chẳng để ý. Ôm được Tuyết, vật lộn với Tuyết trên bờ cỏ đối với tôi là quá đủ. Nếu có ai dọa sao chổi xẹt xuống làm tan băng hà ở Bắc cực, nước sẽ dâng lên cao ba thước khắp địa cầu, tôi cũng coi như pha. Chỉ cần bụi cỏ đen và đôi vú trần của nàng, kỳ dư tôi chẳng ăn nhập gì với quả đất quay nhanh hay chậm. Tôi là một vệ tinh vô danh tiểu tốt quay chung quanh ngực và mông nàng, quay điên cuồng và hạnh phúc. Cho đến ngày nổ tung trên trục quay, hay đến lúc tôi lạc quỹ đạo đâm sầm vào hành tinh mẹ và cả hai đều bốc cháy tan tành, trả lại bụi sao cho ngân hà, cho nguyên thủy, cho khai thiên lập địa, không có âm, không có dương, không có tôi, không có nàng, không có đam mê, không có dâm luyến, tôi với nàng chỉ là một. (Bởi duyên cớ nào khiến ta thành hai?).
Khi trước tôi ở nhà má tôi, gần rạp hát. Mùa hè năm đó tôi dời đô về nhà ba tôi ở dốc Cầu Lộ cho dễ bề hành hiệp. Nhà ba tôi là tiệm mộc nên giường chõng tha hồ. Đi chơi khuya về thấy mùng giăng sẵn, giở lên không thấy ai là cứ chun vô ngủ. Tối tối tôi đi đón Tuyết về. Có lúc trời nóng gặp ba tôi còn ngồi ngoài hàng ba phơi bụng hút ống vố, nàng khẽ cúi đầu:
- Dạ, chào bác.
Ba tôi cười khì khì đồng lõa, hỏi vớ vẩn:
- Tiết đó hả? Lóng rày bán khá không cháu?
- Dạ khá.
- Cháu khá mà bác coi bộ thằng Kiệt nó hơi xanh.
- Dạ… Tuyết ấp úng.
Tôi đỡ lời:
- Tuyết có cho tui uống cam-sô-đa hột gà hoài đó chớ.
Tuyết quay lại la tôi:
- Đồ quỉ!
Một bận tờ mờ sáng chúng tôi còn mê mệt ôm nhau ngủ thì ba tôi lay dậy:
- Mau mau! Vọt! Má mầy tới!
Tôi còn đang lính quýnh, ba tôi kéo Tuyết chạy ra nhà sau, giấu nàng trong cầu tiêu. Tôi giả bộ ngủ tiếp. Má tôi (có lẽ ai mét) ập vào kinh lý. Bà giở mùng thấy thằng quý tử say ngủ chèo queo một mình nên yên bụng ra về. Tôi ra cầu tiêu kiếm Tuyết. Sau hồi chới với chúng tôi ôm nhau cười ngất. Nàng hỏi:
- Sao má anh khó quá vậy?
Tôi vớt vát:
- Chắc bả canh ông già chớ đâu phải rình anh.
- Vậy mà làm em cũng hết hồn.
Ba tôi trấn an:
- Ôi! Hơi sức nào mà lo! Bề gì đã có tao đứng mũi chịu sào. Cùng lắm là bả bắt thằng Kiệt về nhà dưới ngủ, không cho ngủ ở nhà tao nữa.
- Ý! Đâu có được.
Tôi phản đối tức khắc. Nhưng cũng may, mọi việc vẫn cứ tiếp diễn như trước, đêm đêm tôi đi đón Tuyết về. Đêm nào tôi ngủ quên thì Tuyết tự động ngồi xe xích lô về. Tuổi mười tám sao hăng quá sức, đêm nào cũng như đêm nấy. Tôi thấy đời tôi quá đầy đủ, không dư không thiếu một chỗ nào hết. Đôi khi quá hăng say, tôi đã được một anh thợ của ba tôi lưu ý:
- Thầy Sáu ác quá! Cái đi-quăng bữa nay giao cho người ta mà thầy làm sao ố hết trọi, báo hại tui phải cạo sơn lại.
Rồi anh chỉ mấy vết vân vân trên mặt gỗ sơn làm tôi cũng hơi quê, nhưng cũng hãnh diện ngầm, sự hãnh diện ích kỷ của con thú đực.
Một đêm, sau khi rời thân thể Tuyết, tôi lò dò bước xuống giường xỏ đôi guốc định ra nhà sau tè một phát trước khi đi ngủ. Bỗng nhiên trong bóng tối có một bàn tay nắm tôi kéo lại rồi giọng anh tôi rỉ vào tai tôi:
- Mầy để đó cho tao.
Tôi chưa kịp phản ứng thì hắn đã xô tôi ra rồi trèo lên giường giở mùng chun vô. Tôi lớ ngớ đi ra nhà sau ngồi chờ, trong lòng bứt rứt. Có tiếng la ó dẫy dụa. Chập sau anh tôi tuột xuống giường vòng ra sau nhà đi về. Tôi rón rén trở lại bên Tuyết. Nàng nằm quay mặt vô vách. Nàng không nói gì tôi cũng không dám lên tiếng. Tôi thiếp ngủ trong niềm ăn năn và ghen tức lẫn lộn. Khi tỉnh dậy không thấy Tuyết đâu nữa. Tôi nghĩ bụng nếu phen này mà Tuyết bỏ tôi thì tôi sẽ kiếm thằng cha anh của tôi xin tí huyết.
Buổi trưa tôi xuống quán gặp Tuyết đang ngồi ăn cơm với chị Tư và Liên. Chị Tư mời lơi:
- Cậu Kiệt ăn cơm.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi kéo ghế xáp vô bàn ăn liền. Để kiểm điểm, tôi gọi thêm một dĩa phá lấu. Tôi gắp một miếng ngon bỏ vô chén của Tuyết. Tuyết cũng gắp lại cho tôi một miếng và cười rúc rích. nàng cười là coi như tôi đã được tha thứ. Như vậy là huề. Tôi được thể kể thêm chuyện tiếu lâm cho mọi người cười cho vui bữa.
Ăn xong Tuyết kéo tôi ra bàn gần bờ sông ngồi hóng mát. Tuyết đi thẳng vào chuyện đêm qua:
- Sao hồi hôm anh làm kỳ vậy? Em mắc cở muốn chết.
Mặt Tuyết đỏ gấc, cả vành tai cũng đỏ.
- Em thương anh mà sao anh làm kỳ vậy?
Tôi sượng trân, không biết trả lời sao. Tôi ấp úng:
- Anh cũng thấy kỳ thiệt… Nhưng chuyện xảy ra quá bất ngờ, anh đâu có muốn như vậy. Em giận anh lắm hả?
Nàng ngẫm nghĩ một hồi rồi lắc đầu. Tôi cảm động nắm lấy tay nàng. Nàng liếc tôi mỉm cười:
- Thôi bỏ qua chuyện đó. Mà anh đừng có làm vậy nữa nghen. Em thương anh chớ đâu có thương anh Lộc , bộ anh không biết sao?
- Anh biết chớ…. Thôi anh xin lỗi em.
Tôi nói tôi biết chớ thiệt ra tôi chẳng biết khỉ mẹ gì hết. Tôi là thằng ngốc tử. Cho đến bây giờ, khi tổng kết tình hình quốc tế, tình hình quốc nội và tâm lý ái tình đời mình, tôi cũng chẳng biết là tôi có yêu ai không nữa. Tôi đam mê, nhiều lúc muốn tự vận thì có. Yêu? Còn phải hỏi lại. Biểu tôi định nghĩa tình yêu tôi cũng bí luôn.
Sau lúc con thuyền tròng trành, tôi và Tuyết trở lại khắng khít nhau như trước. Như không có chuyện gì xảy ra. Tôi lấy thêm một quyết định sáng suốt: Nếu thằng cha anh tôi còn dở trò lạng quạng là tôi sẽ quyết liệt mời hắn đi chỗ khác chơi. Bằng võ lực nếu cần. “Ối thôi tôi mời cậu đi ra cho lẹ, nếu còn ở đây ắt sanh tử với tôi!” Hắn cũng nằm lòng câu hát đó.
Mùa hè trời oi bức nên Tuyết thường đòi đi tắm, hoặc trước hoặc sau khi làm tình. Có khi cả trước lẫn sau khi làm tình. Sau nhà tôi là một sàn nước, trên có để mấy cái lu. Thợ thuyền thường mặc quần xà lỏn tắm lộ thiên trên sàn nếu làm biếng tắm sông. Lần nào Tuyết về với tôi cũng quá nửa đêm, lối xóm ngủ hết. Tuyết trần truông như nhộng tắm lộ thiên. Tôi có cái thú đứng ngắm Tuyết tắm. Thân thể Tuyết trắng muốt, ngực Tuyết no tròn, đứng sững đẹp tuyệt. Đã bao lần tôi ngã chết trên đó. Mà rủi có chết luôn tôi cũng không hối tiếc. Canh khuya dế kêu rỉ rả. Khi nàng xối nước ào một cái thì lũ dế êm tiếng. Khi nàng kì cọ thì tiếng dế lại trỗi lên. Có nhạc, có mỹ nhân, nghê thường là đó. Nếu Tuyết biết ăn nói văn chương và biết khảy đờn, tôi sẽ ngờ nàng là hồ ly tinh. Ôi con hồ ly yêu dấu. Tiếng em kỳ cọ trên thân ngà nghe sao mà dâm tuyệt!
Tôi khổ sở nhứt là lúc mỗi tháng Tuyết treo cờ đỏ hưu chiến mấy ngày. Vào thời kỳ này đàn bà hay quạu cọ mà tôi còn quạu hơn Tuyết. Tôi đứng ngồi không yên như bị táo bón, nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn ớt. Khi nàng hạ cờ xuống là tôi mừng quýnh như con nít má đi chợ về. Nàng lại có dịp la tôi: “Đồ quỉ, làm gì dữ vậy?” Nàng treo cờ, tôi khổ sở. Nhưng nàng không treo cờ, lại là một nỗi bận tâm khác. Một lần nàng nói nhỏ với tôi:
- Sao tháng này em trễ quá, có hơn hai tuần rồi. Lỡ em cấn rồi làm sao hả anh?
Đã không lo, trái lại tôi còn thấy vui:
- Cấn rồi thì mang bầu.
- Mang bầu kỳ chết.
- Mang bầu thỉ đẻ chớ kỳ gì.
- Đẻ rồi làm sao?
- Đẻ rồi thì nuôi chớ làm sao.
- Anh nầy nói nghe dễ ợt. Lấy cái gì mà nuôi đây chớ?
Tôi đặt tay lên vú nàng:
- Thì lấy cái nầy...
Nàng hất tay tôi ra:
- Đồ quỉ!
Thấy tôi cười khì khì nàng cũng tủm tỉm cười theo, hai má đỏ rực.
Cách tuần sau, một đêm tôi thiếp ngủ, khi giựt mình không thấy Tuyết bên cạnh, tôi hơi lo sao đêm nay nàng không về. Trưa hôm sau xuống quán thấy có một mình chị Tư. Tôi hỏi Tuyết đâu.
- Tuyết nó đang nằm trong quán
Tôi chui vào quán thấy Tuyết nằm co quắp. Tôi đỡ Tuyết dậy hỏi:
- Em bịnh hả?
Tuyết xanh ẻo thều thào:
- Em mệt.
Chị Tư nói thêm:
- Tuyết nó bị thuốc hành nên mệt.
Cách đây mấy bữa tôi nghe chị Tư bàn lén với Tuyết về vụ đó. Tôi nắm vai Tuyết lắc lắc:
- Em phá thai phải không?
Tuyết cúi đầu không nói. Cơn giận đột nhiên bốc dậy trong tôi bừng bừng. Tôi xáng Tuyết một bạt tai ngã chúi vô góc quán rồi đứng dậy. Tuyết gục đầu, nước dãi nàng chảy ra ở miệng. Biểu diễn xong màn tạc-dăng nổi giận, tôi nhảy lên vespa rồ ga phóng thẳng. Chạy lòng vòng một hồi rồi trực chỉ ngã ba Cần Thơ. Chui vô một cái nhà sàn gọi bia ra uống. Bà chủ quán còn trẻ. Mặc quần áo xốc xếch, một tay bồng nách thằng con lem luốc, một tay bào nước đá. Tôi vụt hối hận chua xót. Tôi bỏ chai bia rồi phóng xe trở lại quán chị Tư. Nghe tiếng xe đậu lại, Tuyết lồm cồm bò dậy ra đứng vịn ở cửa quán. Mắt nàng đỏ hoe. Tóc tai bù xù. Tôi ăn năn quá đỗi. Tôi chỉ muốn chạy thẳng ra bờ sông và nhảy ùm xuống dòng nước đục (không phải để tự vận). Tôi muốn lội băng qua con sông lớn, tới cù lao An Thành bên kia. Tôi leo lên đó trốn hết mọi người, ẩn dật ở cù lao, biến thành con xà niên hay con dã nhơn gì đó. Cho không còn ai nhận ra tôi, cho Tuyết không còn bao giờ nhận ra tôi, gã bạch diện thư sinh sau cái bộ mặt lông lá. Môi Tuyết khô queo, tay nàng run rẩy. Trời nắng chang chang. Hai đứa ngó nhau rưng rưng nước mắt.
Rồi mùa hè qua. Nắng hết vàng rực. Phượng vỹ hết đỏ. Dế hết còn gáy ở sàn nước. Tuyết hết còn khỏa thân tắm lộ thiên. Và tôi cũng bị đuổi ra khỏi nghê thường. Hai đứa vẫn còn khắng khít, nhưng nàng ở lại quán, còn tôi lên Sài Gòn bước vào đại học. Sau khi đậu tú tài, tôi thi rớt liên miên. Thi công chánh: rớt. Thi trường điện: rớt! Thi sư phạm: rớt! Thi quân y: đậu. Và đậu hạng nhứt, ngành nha khoa. Ba tôi vốn ghét nghề “nhổ răng và thiến heo” của đám hành nghề dạo trong xóm nên ông chửi tôi tàn canh gió lạnh vì tôi thi đậu ngành nhổ răng. Ông nói:
- Tao với má mầy gia tài còn có mấy cái răng ăn cháo bộ mầy tính học về nhổ luôn cho hết hả? Rồi bà con đau bụng đẻ, rước mầy tới mầy nhổ răng cho chết luôn hay sao? Mầy học cái nghề gì mà ác ôn quá vậy?
Tôi nản quá nên bỏ ngành quân nha. Tôi lêu bêu vào năm đầu đại học khoa học. Tôi lạc lõng mất hướng. Tôi chỉ mong cuối tuần để vọt về Vĩnh Long. Có lúc kẹt xe, tôi về tới thành phố thì trời đã tối mò. Tôi ghé nhà Ánh trước vì gần bến xe. Nhà nàng ngủ sớm (ông già làm thầy giáo). Một tay gõ cửa mà tay kia tôi còn lận theo khúc bánh mì thịt chưa kịp ăn. Chị nàng ra mở cửa la lên:
- Ánh ơi! thằng Kiệt nó về.
Ánh chạy ra mừng rỡ. Tôi ghé vào nói chuyện láp dáp một chút rồi vọt, hẹn bữa sau trở lại. Tôi kêu xe lôi đi thẳng xuống quán. Trên đường tôi tạt ngang báo cho ba tôi biết tối nay tôi ghé ngủ nhà để ổng cho đem mùng ra tối về có mà giăng. Thấy tôi về Tuyết cũng mừng lắm. Lại một tô hủ tiếu “đầu trọc”, một ly cam-xô-đa hột gà. Và tôi lại chết thiếp trên ngực hồ ly, bằng lòng, hạnh phúc.
Có dạo bận học quá, cả tháng không về được, tôi nhận được thư Tuyết. Nàng viết: “… Anh biết hông, mỗi bữa chiều em bắc ghế ra ngồi trước quán ngó ra đường thấy người ta đi qua đi lại, em nhớ anh thấy mồ. Chừng nào anh học thuộc bài hết rồi thì anh mau mau về đây cho em thả mãn…”.
Trong thơ nàng kèm theo một tấm hình sau lưng có viết mấy chữ: “Em xin tặng anh một đá hoa hồng để làm kỳ nhiểm. Tuyết.”
Kỳ nhiễm? Hay kỷ niệm? Tôi đoán lờ mờ. Chữ nghĩa không làm tôi bận tâm, nhưng khi nhìn tôi đâm lo. Thường thì mấy cô nữ sinh cầm nhánh bông hay đóa hoa để làm duyên khi chụp hình. Đàng nầy Tuyết cầm hẳn chậu bông đưa thẳng ra một bên, phía trên có cụm hoa hồng bằng nhựa màu. Tôi chỉ sợ nàng mỏi tay buông ra bất tử thì đổ nợ. Thà nàng giả bộ leo lên máy bay ló đầu ra chụp hình như anh tôi mà coi bộ còn khá hơn. Chớ cầm chậu bông kiểu này là kiểu chết con người ta. Bữa nọ thằng bạn lục bóp tôi, lôi ra tấm hình Tuyết, ngắm xong, đọc xong, nó bèn ngửa mặt lên trời cười hô hố, chảy cả nước mắt nước mũi. Tôi quê quá nên từ đó giấu biệt hình nàng.
Trở lại việc học vấn của tôi. Trong cái rủi mà còn có cái may. Một bữa nọ, nhờ phất phơ trong Chợ lớn tôi gặp một thằng bạn cũ khá thân. Nó kéo tôi về nhà ở đường Da Bà Bầu tán dóc. Khi mở hộc tủ kiếm cây viết, nó chợt à một tiếng rồi lôi ra một xấp giấy đưa cho tôi. Đó là đơn xin du học Canada. Nó nói tao quá tuổi rồi xin không được, mầy nhỏ hơn tao hai tuổi, đậu hai tú tài hạng bình nên xin có hi vọng lắm. Tôi nhắm mắt điền đơn, nạp đại rồi quên bẵng. Ba tháng sau, đùng một cái tôi được mời khám sức khỏe, làm thủ tục xuất dương: tôi đã được chọn. Tôi cầm tấm giấy mời chới với. Có bao giờ tôi nghĩ tới hay mơ ước chuyện xuất dương. Nhà tôi đủ ăn, ba má tôi dốt nát. Tôi là một thứ cao bồi hương thôn. Dù tôi có bận quần jean’s cỡi bò đi chăng nữa, là cũng để chà lết ở miệt vườn. Thế giới của tôi có cù lao An Thành, có cây đa Cửa Hữu, có cái miễu Bà, có cầu Cái Cá, có bến xe đò. Và có cái quán nước của chị Tư Tùng. Và trong quán nước có Tuyết, dĩ nhiên. Tôi không muốn đi đâu hết.
Tấn thối lưỡng nan. Ông anh thứ ba (không phải Lộc) của tôi biết vậy nên đặc cách cho một lâu la của anh dắt tôi đi làm hết mọi giấy tờ. Thành thử tôi kẹt cứng. Tôi chẳng biết gì về Canada hết ráo, từ nguồn gốc cho tới ngôn ngữ. Má tôi hỏi: “Nghe anh Ba mầy nói mầy sắp đi Cá Bá Đại há? Nghe nói ở đó ngập nước quanh năm, mầy qua bên đó mần chi vậy?” Tôi bí. Phải chi bà hỏi ở chợ Vĩnh Long có mấy cái quán cóc, quán nào bán cơm quán nào bán nước, quán nào có mấy cô, tên gì, mấy tuổi… Tôi bảo đảm sẽ trả lời rót rót, đúng đến chín chục phần trăm.
Nhưng rồi mọi việc cứ tuần tự diễn tiến, theo một trật tự bất kham. Bánh xe du học cứ lăn tới và kéo tôi ra cái cứ địa “cao bồi hương thôn”, mặc tình cho tôi trì kéo lại. Còn ba tháng nữa sẽ xuất dương, rồi hai tháng, rồi một tháng, rồi nửa tháng. Rồi chỉ còn một tuần lễ. Tuyết có theo dõi tình hình quốc nội do Lộc báo cáo nên nàng cũng khăn gói lên Sài Gòn để gặp tôi, vì tuần chót tôi kẹt luôn ở thủ đô để lo giấy tờ, thủ tục, thông hành, hối đoái v.v… Một tối, nàng hẹn gặp tôi trước rạp Khải Hoàn, không phải để coi hát, mà là để giã biệt. Đúng hẹn, tôi dắt Tuyết qua chợ Thái Bình ngang rạp hát. Nàng đi guốc mộc xanh, bận quần sa-teng trắng, áo xá xị màu hường lợt. Lần đầu tiên tôi để ý nàng vẽ mắt đen, tô son lợt và đeo bông tòn teng. Coi cũng hấp dẫn lắm. Nhưng tôi thích Tuyết tắm truồng xối nước ở sàn nhà hơn. Tuy nhiên tôi cũng khen nàng một câu lấy lòng.
Tôi đề nghị nàng kiếm gì ăn cái đã, vì lúc đó đã hơn mười giờ đêm mà tôi chưa ăn gì từ chiều. Nàng đồng ý. Tôi hỏi nàng muốn ăn gì, nàng đáp tùy ý anh, em không đói. Không có hủ tiếu đầu trọc, tôi đề nghị nàng ăn mì ở một cái xe đẩy trong chợ. Xe cẩn kiếng đủ màu kể lại sự tích Tam Quốc có Quan Công mặt đỏ, sau nồi xúp nghi ngút là một xì thẫu bụng phệ, không trọc đầu nhưng tôi tin tưởng. Tôi kêu một tô mì đặc biệt có mì và hoành thánh trộn lẫn. Còn nàng, một chai xá xị Con Nai. Bụng đói nên tôi cúi gằm đầu ăn một mách gần hết mới ngửng lên gợi chuyện:
- Em lên đây hồi nảo?
- Hồi chiều hôm qua.
- Lên đây em ở đâu?
- Ở đậu nhà bà dì con Liên trong chợ Bàn Cờ. Còn anh, bữa nào thì đi Da… Da… Cá Đại, hay cái gì Da Da đó?
- Bữa nay thứ ba. Còn đúng một tuần nữa thì anh đi. Đi Gia Nã Đại.
- Cái gì Gia?
- Gia Nã Đại.
- Ờ, vậy hả? Gia Nã Đại! Cái tên gì kỳ thấy mồ, nói muốn trẹo bản họng. Nghe nói bên đó đất thấp nước ngập dữ lắm phải hông?
Không biết ai đồn cắc cớ như vậy. Tuyết cũng hỏi một câu y chang như má tôi. Tôi giải thích: Em đừng có lộn Gia Nã Đại với xứ Hòa Lan. Nàng càng mù tịt nên tôi lảng sang chuyện khác.
- Em có tính ở lại Sài Gòn để đưa anh lên máy bay luôn không?
- Ý, đâu có được! Chị Tư bị cúm hổm rày nằm liệt địa. Quán chỉ có mình con Liên coi, bê búi lắm. Sáng mai em phải về. Hơn nữa…
Nàng ngập ngừng:
- … Hơn nữa gia đình anh, em chỉ biết có ba anh và anh Lộc. Má anh lại khó nữa, khi không em nhào vô đưa anh đi coi kỳ chết.
Thiệt ra nếu nàng đòi đưa tôi ra tới tận phi trường mới là đổ nợ. Vì hôm đó sẽ có Ánh tiễn tôi, chương trình đã in như vậy rồi, cáo phó đâu có kịp nữa. Tôi dò dẫm:
- Em về dưới rồi tính làm cái gì ăn?
- Thì bán quán chớ làm cái gì?
- Bộ em tính bán quán hoài sao?
- Không bán quán chớ anh biểu em làm cái gì bây giờ?
Tôi ỡm ờ:
- Thì chờ anh học thành tài về nước cưới em.
Nàng ngó tôi hoài nghi:
- Anh đừng có nói giả ngộ. Bản mặt anh mà cưới em.
Tôi kênh kênh:
- Thiệt chớ! Em mà dám chờ thì anh cũng dám cưới cho mà coi.
Nàng nghiêm mặt (ít khi tôi thấy nàng nghiêm như vậy) làm thằng nhỏ hơi teo:
- Hồi thở giờ em có biểu anh cưới em lúc nào đâu mà bữa nay anh phát thinh nói kỳ cục vậy?
Mắt nàng hoe đỏ. Tôi sợ nàng khóc bất tử nên gạt ngang:
- Em không tin thì thôi anh không nói nữa.
Nàng ngó tôi ngần ngừ:
- Mà em hỏi thiệt, anh có thương em hông?
- Có nói em cũng không tin nên anh không nói.
Nàng nài nỉ:
- Hồi nào tới giờ em đâu có hỏi, bữa nay em mới hỏi thiệt anh chớ có thương em hông đó?
- Thương chớ, thương đứt ruột.
Thấy nàng chưa chịu tin, tôi đưa một ngón tay lên thề:
- Đứa nào nói láo cho ông Táo đội nồi cơm.
- Anh thiệt là ba xạo!
Nàng cười, tôi cũng cười theo. Nàng cười là tôi đỡ lo. Nàng cười là tôi đã được tha thứ, chấp nhận. Tôi nắm tay nàng ngó trân trân:
- Bữa nay em đẹp lắm… Anh muốn ngủ với em một đêm chót.
Nàng ngần ngừ:
- Bộ anh tính đem em về ngủ nhà anh hả?
- Anh tá túc nhà anh Ba. Má anh cũng ngủ ở đó… Anh về nhà em được không?
Ý, nhà dì con Liên em đâu có quen. Hơn nữa nhà có chút xíu, dì ngủ trên gác còn em ngủ bộ vạt ở dưới với mấy nhỏ. Anh tới đó làm quỉ đâu có được.
Chợt ngó lên trời tôi đề nghị:
- Hôm nay có trăng lưỡi liềm, hay anh chở em dạo một vòng ra Bình Điền, ở đó có cây cối…
Nàng gạt ngang:
- Ở dưới mình khác, ở đây khác. Anh làm bậy bạ lính bắt là hết có đi Gia Cái Đại luôn đó. Anh ẩu tả, bữa đó ở Cầu Bắc về anh thiệt thành quỉ… Em mà níu anh không kịp là anh lọt tuốt xuống mương rồi!
Nàng cười rúc rích. Lời Tuyết nói vô tình càng kích thích tôi mãnh liệt. Tôi nhớ rõ lắm, tôi nhớ rõ hết, tôi nhớ đóa hoa thầm kín của nàng lần đầu tiên dưới bàn tay tôi mân mê, sục sạo, tôi nhớ bụi cỏ đen, tôi nhớ ánh trăng mát mẻ trên thân dưới lồ lộ của nàng. Tôi thèm muốn điên cuồng, tôi thèm thuồng muốn chết. Tôi cúi đầu tiu nghỉu, như những lần Tuyết treo cờ đỏ hưu chiến. Nàng ngó tôi một hồi coi bộ không êm. Nàng kêu tính tiền, trả tiền rồi nói:
- Thôi mình về anh, khuya rồi.
Thấy tôi cứ ngồi đực mặt ra đó, nàng nắm tay tôi kéo đi, nói nhỏ:
- Thì anh về với em, về Bàn Cờ.
Tôi riu ríu theo nàng. Về tới đầu xóm, nàng biểu tôi dừng xe lại, tắt máy, rồi dắt xe theo nàng. Đi quanh co một hồi tới một căn nhà lợp tôn nàng ra dấu là đã tới. Tôi dựng xe, theo nàng đi vòng cửa sau mở khóa vào nhà. Bên trong chỉ có một bóng đèn nhỏ thắp tù mù. Bốn phía vắng lặng. Nàng chỉ lên gác, đưa một ngón tay lên môi ra dấu cho tôi giữ im lặng. Tôi tuột giày ra. Nàng nắm tay tôi dắt vào nhà tắm nhỏ hẹp, bên trong kê một cái lu nước và một cái khạp thấp. Nàng khép cửa lại tối om, tôi không thấy gì hết. Tôi nghe tiếng sột soạt. Tôi cũng trút bỏ quần áo theo nàng. Tôi mở hờ cửa cho ánh sáng đỏ lọt vào. Ánh sáng đỏ trên da lụa càng tăng thêm kích thích, tôi muốn cắn lên đó. Nàng còn mặc áo. Tôi đâu chịu như vậy. Ngón tay tôi lần mò mở nút áo rồi cởi bỏ nịt vú của nàng. Tôi mở rộng cửa phòng tắm cho ánh sáng tù mù vào đầy. Tôi hạnh phúc muốn phát điên. Tôi sắp nổ tung như một bóng đèn quá cường độ. Tôi đè nàng ưỡn người trên lu nước và tôi làm tình với nàng ở tư thế đó. Tư thế bất tiện mà tuyệt vời. Ngực nàng rung rinh, đôi bông tai nàng lắc lư, đôi mắt nàng khép hờ mở nửa cánh thiên đường cho tôi lọt vào (và lạy trời cho tôi đừng lọt ra nữa). Trong trận mưa dục tình tôi hôn nàng khắp mình mẩy (tôi chưa hề hôn nàng như vậy). Hai đứa ôm riết, không muốn rời, muốn dính cứng ngắc như hai con chó trong cơn tình tự. Tuyết! Tuyết! Tuyết!
Buổi chiều hôm sau đứng một mình ở bao lơn, tôi chợt nhận thức Tuyết đã lọt khỏi tầm tay tôi biệt mù. Nàng đang ở đâu đó bên bờ Tiền Giang có gió mát, trăng thanh, hay đang nằm dật dựa trong quán. Nàng đang chặt dừa, xay rau má xôn xao giữa đám khói tỏa mịt mù của sườn nướng. Tôi chợt lo sợ vu vơ. Tôi lo sẽ không bao giờ còn gặp lại nàng nữa.
Nhà anh tôi ở đường Hùng Vương, cạnh đường rầy xe lửa. Bên kia đường là dãy bàng cao, rất cao, lá lớn xào xạc. Buổi chiều sắp hết, trời chạng vạng. Cơn mưa chiều vội vã đến, rồi vội vã đi. Gió không có hướng nhất định, lay lắc lá bàng, nước rơi lộp độp. Tôi chợt sợ hãi, ruột quặn thắt. Bên tôi không có Tuyết, không có Ánh. Mai mốt đây không có người tình quán nước, không có người yêu nữ sinh, chắc tôi không sống nổi (tôi nghĩ vậy). Trong cơn bàng hoàng, đầu tôi chợt lởn vởn bài thơ tôi muốn viết tặng người yêu và người tình:

Tôi đã khóc như thành đô đã khóc
Mưa chiều nay đánh đắm ngõ đi về
Dãy bàng cao u đọng chút sầu tê
Và rỏ lệ như lòng tôi đã khóc

Tôi sẽ chết như hoàng hôn đã tắt
Mây bay đi không cuốn được u hoài
Chớm đêm về mưa gió sẽ chia tay
Cho lá nhớ mưa buồn dâng ướt mắt






Rồi tôi đi du học. Những năm lang thang ở xứ người, tôi đã yêu những cô gái khác, ôm ấp những bộ ngực khác, mân mê những bụi cỏ sắc màu khác, chết giấc bên cạnh những hồ ly khác. Tôi quên bẵng Tuyết. Có lúc tôi yêu đời, có lúc tôi muốn tự vận. Nhưng may mắn tôi còn sống sót về nước sống giai đoạn bi thương của xứ sở - cùng những hồ ly khác nữa...
linhvang
#12 Posted : Wednesday, June 3, 2009 7:10:31 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi PC


PC có cô bạn mê văn anh như điếu đổ, từ cái cuốn Nụ Cười Tre Trúc. Anh nhớ cái đoạn bà lão bán cà rem rung cái chuông để mời chú học sinh nhỏ mua kem không. Đoạn đó cảm động vô ngần. PC thì mỗi khi đi về miền Nam Âu châu thấy các vườn chanh vườn cam thì lại nhớ truyện Vườn Chanh Miệt Biển của anh.
Kính,


Vậy thì anh Kiệt Tấn nhớ đưa hai truyện này vào đây nhé - để xem có thêm bao nhiêu cô mê văn anh nữa? Rose
ngodong
#13 Posted : Wednesday, June 3, 2009 11:43:04 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Kính cẩn chào anh Kiệt Tấn - người đã tả xung hữu đột giữa rừng hoa "ăn thịt người".
Nay đang tiếp tục múa gươm giữa vườn hoa lụa.

Kiệt Tấn
#14 Posted : Thursday, June 4, 2009 3:53:41 PM(UTC)
Kiệt Tấn

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 36
Points: 0

Chào hai người đẹp RoseRose
Người ta nói "thương nhau trái ấu cũng tròn". Để chiều lòng mỹ nhơn, đất trời sẽ nở hoa anh đào màu tím. Tuy nhiên, vì đức hiếu sinh vô lượng của nhà chùa, khuyên nàng nhớ thủ sẵn theo người vài bịch kleenex.
Rằng hay thì thiệt là hay
Nghe xong ngậm đắng nuốt cay thấy mồ!
ngodong
#15 Posted : Thursday, June 4, 2009 11:34:56 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Dạ thưa

Kiếp nào chẳng phải "thấy mồ"
Đã sinh phận gái, mấy bồ đắng cay

Thành ra, không sao đâu anh Kiệt Tấn, cứ biết hay là được rồi, lọ là anh phải tìm lời "báo nguy".
PC
#16 Posted : Thursday, June 4, 2009 11:42:41 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Dạ, bây giờ chống cùi chõ ngồi nghe anh Kiệt Tấn và chị Ngô đồng tung hứng mí nhau. Anh Kiệt Tấn cứ đối đáp tự nhiên, nhiều khi tại tánh anh hay thương xót nhường nhịn phụ nữ quá, không dám đi cho tới bến cho nên mới ra nông nỗi ... những cuộc tình không tới!


  • ngodong
    #17 Posted : Friday, June 5, 2009 12:56:08 AM(UTC)
    ngodong

    Rank: Advanced Member

    Groups: Moderator, Editors
    Joined: 6/24/2012(UTC)
    Posts: 3,437
    Points: 1,167
    Woman

    Thanks: 85 times
    Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
    Chị PC ơi, em không dám tung hứng với anh KT đâu, chỉ trả lời thôi mà.
    PC
    #18 Posted : Friday, June 5, 2009 1:49:59 AM(UTC)
    PC

    Rank: Advanced Member

    Groups: Moderator, Registered
    Joined: 6/24/2012(UTC)
    Posts: 5,668
    Points: 25
    Woman

    Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
    Thì trả lời qua trả lời lại là tung hứng chứ còn gì nữa. Chứ bộ chị tưởng tung hứng là cãi lộn nhau đó hả?

    ngodong
    #19 Posted : Friday, June 5, 2009 2:08:22 AM(UTC)
    ngodong

    Rank: Advanced Member

    Groups: Moderator, Editors
    Joined: 6/24/2012(UTC)
    Posts: 3,437
    Points: 1,167
    Woman

    Thanks: 85 times
    Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
    Dạ theo em, tung hứng là có ý đồ tiềm ẩn sau câu trả lời, hỏi đáp á.

    Hai chị em mình dạ thưa nhau y chang bắc kỳ há.

    Coi chừng nhà văn Kiệt Tấn chạy u vào nói:

    - Thôi nghen mấy bà, để thing cho người ta dziết.
    Kiệt Tấn
    #20 Posted : Saturday, June 6, 2009 1:51:54 AM(UTC)
    Kiệt Tấn

    Rank: Newbie

    Groups: Registered
    Joined: 6/24/2012(UTC)
    Posts: 36
    Points: 0

    Nhìn hai nàng bên tung bên hứng rất là ngoạn mục, bần tăng sực nhớ hai câu thơ của một thi sĩ trứ danh thời tiền chiến:
    Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông

    Và cũng chạnh nghĩ đến hai câu khác:
    Nàng từ đi vào nơi "phượng các"
    Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao

    Users browsing this topic
    Guest (3)
    3 Pages123>
    Forum Jump  
    You cannot post new topics in this forum.
    You cannot reply to topics in this forum.
    You cannot delete your posts in this forum.
    You cannot edit your posts in this forum.
    You cannot create polls in this forum.
    You cannot vote in polls in this forum.