Thưa quí ACE,
Hôm nay là ngày Mồng 3 Tết , chúng ta vẫn còn thời giờ nhàn nhã đi ngắm những chậu bonsai của môt người bạn cao niên gửi đến và đọc một vài cảm nghĩ của anh KB về nghệ thuật bonsai. Bài viết này rất dài , SL chỉ trích đăng những gì có liên quan đến MCTNTL mà thôi. Xin mời quí ACE thưởng thức.
Thú Đam Mê BonsaiTheo các tài liệu khảo cứu thì chữ “Bonsai ” chỉ có nghĩa là cây trồng trong cái khay, và chữ này mới xuất hiện trong ngôn ngữ xứ Phù Tang từ vài thế kỷ nay
Bonsai có nghĩa là cây cổ thụ làm nhỏ lại, bắt chước theo thiên nhiên , chứ không có nghĩa là làm cho cây lùn đi hay do sự lùn di truyền. Nghệ thuật trồng tỉa này đã có ở Trung Hoa từ thế kỷ thứ 7. Một vị Thiền sư Nhật đã du nhập vào Nhật Bản vào thời đại Kamakura (1192-1333). Dựa theo các di cảo trong văn khố, bonsai được ghi nhận đầu tiên trong bức tranh cổ của Thiền sư Honen. Một vở kịch Noh (Kakubi) nổi tiếng mang tên Hachi No Ki đã đề cập đến cây đào, cây mận và cây thông được trồng trong chậu. Vở kịch đó chứng tỏ nghệ thuật Bonsai được ca ngợi trước thời đại Heian (794-1191). Mãi đến thời đại Edo ((1615-1867), tên cũ của Tokyo, nghệ thuật bonsai mới được phổ thông, được nhiều người ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ. Bonsai ngày xưa được coi như thú tiêu khiển của người giàu có. Ngày nay, Bonsai dược nhìn nhận là một nghệ thuật , một thú vui nhàn nhã cho đại chúng , nhất là ở các đô thị lớn , ít gần gũi với thiên nhiên .
Người chơi bonsai còn tạo cho mình một tâm hồn yêu thiên nhiên, biết trọng cái đẹp của thiên nhiên và biết hòa mình vào thiên nhiên. Cái hòa nhịp (harmony) đó làm cho đời sống được quân bình giữa những bon chen , ô trọc …
Ngay cách tưới bonsai cũng là một triết học . Ta không thể tưới ào ào như tưới cây cảnh thường trong chậu sâu, mà mỗi lần một ít đợi cho nước thấm rút đi rồi mới tưới tiếp, thời gian đó rất bổ ích cho sự quán tưởng các định luật sinh tồn, đến vòng sinh hóa của trời đất, tương quan giữa con người và thiên nhiên , tạo nên một sự giao cảm giữa người và cây qua sự săn sóc trìu mến , nâng niu.
Chính vì những nhận định mang đầy tư tưởng triết học nêu trên, phải chăng người chơi bon sai đã tạo nên được một đức tính thâm trầm, nhẫn nhục , biết yêu thương và tha thứ. Cũng vì sự thâm trầm , biết yêu thương sự sống này , các nghệ nhân bonsai cũng chính là những người mang một tâm hồn rất là nghệ sĩ nữa .
( Trích trong ORTB Giai Phẩm Xuân Bính Tuất 2006 – KB )