Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nhóm phụ nữ gốc Huế vẽ tranh về Huế
PC
#1 Posted : Sunday, January 4, 2009 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt



WESTMINSTER, California (NV) - Một cuộc triển lãm, như nhiều người đến tham dự cho là kỳ thú, đang diễn ra tại phòng sinh hoạt của nhật báo Việt Báo trên đường Moran suốt từ ngày mùng 2 Tháng Giêng cho đến ngày 7 Tháng Giêng năm 2009.

Bốn họa sĩ trẻ, trẻ cả tuổi đời lẫn sự nghiệp hội họa là Ðoàn Vi Hương, Ðoàn Hoài My, Lê Thúy Vinh và Nguyễn Ðoàn Dan Nhã đã mang gần một trăm tác phẩm của mình đến triển lãm. Có lẽ chỉ có một Lê Thúy Vinh, người lớn tuổi nhất, là đã cầm cọ đến bốn năm rồi, tốt nghiệp Ðại Học CalState Fullerton và từng có những sinh hoạt văn nghệ với nhóm “Hải Ngoại Thi Ca” của Miên Du Ðà Lạt. Ba họa sĩ còn lại chỉ mới chỉ cầm cọ vẽ tranh ba bốn tháng trở lại đây và chưa từng theo học tại một trường mỹ thuật nào cũng như chưa từng xuất hiện trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong cộng đồng người Việt.

Khi tất cả quyết định tổ chức một cuộc triển lãm tranh thương về xứ Huế, xứ mà một nhà thơ tiền chiến đã viết “Trời mưa ở Huế sao buồn thế, cứ kéo dài ra đến mấy ngày,” thì mọi người mới hối hả ngày đêm miệt mài bóp tim vắt óc thể hiện những cảm xúc rạt rào lắng đọng trong cuộc sống từ bao lâu nay để hòa trộn vào trong sắc mầu, đường nét mà “thương Huế trong mưa.”

Ngắm vội tất cả những bức tranh của bốn họa sĩ này mà có tới ba cho biết là chưa theo một trường Mỹ Thuật nào, người xem tranh bỗng thấy ngỡ ngàng, tự hỏi “không từ một trường nào mà sao đường nét và mầu sắc trong tranh lại lưu luyến người xem đến thế.”

Hỏi nữ họa sĩ Ðoàn Vi Hương, một cô gái gốc Huế trong chiếc áo dài “tím Huế” rằng không theo học một trường nào thì sao biết mà áp dụng những “nguyên tắc căn bản” trong hội họa, chẳng hạn như phối cảnh, cận cảnh, những biến đổi trong việc pha mầu v.v... thì Vi Hương vui vẻ và mỉm cười nói, “Sống, lúc nào cũng có hình ảnh quanh mình. Trí nhớ ghi lấy chất chồng lên trong tâm tưởng và được gạn lọc, tô điểm qua những suy tư. Có đêm đang ngủ mơ màng bỗng phải bật dậy cầm lấy cọ mà ghi vội lại những khám phá vừa tìm ra, vừa bắt gặp có khi về mầu sắc, có khi về hình tượng... Tuy không từ một trường lớp nào nhưng tranh vẽ ra thường phải qua một thời gian nghiền ngẫm đề tài để khi có hứng thú là đem mầu sắc ra thể hiện những tâm tình đã nghiền ngẫm. Thấy gì trên sự vật, thấy gì trong tâm tưởng thì vẽ nấy.”

Trả lời một câu hỏi về giá trị nghệ thuật ở một bức tranh, Vi Hương không ngần ngại khẳng định, “Nó không ở cái giá mà bức tranh bán được.”

Nguyễn Ðoàn Dan Nhã là cô họa sĩ trẻ nhất, phòng triển lãm có bảy bức của cô. Vẽ với Dan Nhã, thì “thấy gì đẹp trong suy nghĩ thì vẽ ra.” Qua câu chuyện với người họa sĩ trẻ này thì có thể nghĩ rằng vốn liếng hội họa của cô là một chút hiểu biết được học vẽ ở các lớp trung học nhưng bên cạnh đó là cả một kho tàng thiên nhiên quanh cô vì cô đã cảm được cái đẹp của thiên nhiên của cuộc đời đang diễn ra quanh mình.

Những bức tranh đã gây chú ý cho người xem tranh là gần hai chục bức lớn nhỏ của Ðoàn Vi Hương. Mầu sắc và đường nét trong những họa phẩm này thật lạ. Phảng phất “ấn tượng” lại có đường nét của “trừu tượng” nhưng bố cục toàn thể lại rất sáng khiến cho người xem tranh không bị u uất, ẩn khuất nỗi niềm mà tác giả muốn ký gởi.

Ðoàn Vi Hương không chỉ vẽ tranh mà còn làm thơ và sáng tác nhạc, nghĩa là một con người rất dễ rung cảm nên đã phải tìm đến ba loại hình văn học nghệ thuật để giải tỏa những chất chứa của cuộc sống trong lòng.

Những cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộn Hòa đến xem tranh trong cuộc triển lãm này khi xem đến tranh của Lê Thúy Vinh bỗng sững sờ nhận ra những nét thân quen đâu đó. Kìa là “hàng hàng lớp lớp,” kìa là “anh trở về trong chiếc trực thăng sơn mầu tang trắng,” kìa là “cho một người nằm xuống” và kìa là “Mậu Thân tang tóc”... hơn một chục bức tranh là những day dứt chiến chinh.

Lê Thúy Vinh tâm sự, “Em sinh ra và lớn lên trong chiến tranh mà chiến tranh lại rất gần với những cái mất mát trong người thân, những đổ nát nơi thành phố em ở. Tuổi thơ của em là vây bọc bởi những hình ảnh chiến tranh nên khi cầm đến cọ là nó lại hiện ra dưới những ngóc ngách thâm sâu của tâm tình. Em vẽ lại như em từng nhận chịu...”

Nhưng bên những ám ảnh của chiến tranh, Lê Thúy Vinh cũng bừng lên nhiều tình cảm khác. Bức “Thương Huế Trong Mưa” là một bức tranh đẹp, hài hòa mầu sắc, đường nét. Và bức này cũng được tác giả đem bán đấu giá để lấy tiền gửi về Huế khó khăn, nghèo túng. Bức tranh được đấu giá với một khách tham dự là cô Phan Thị Thúy Hồng từ Seattle về mua với giá $500 Mỹ kim. Số tiền thu được đã chuyển ngay đến cho Sơ Hồ Thị Tạo từ Huế Việt Nam sang và đã cùng nhạc sĩ Nam Lộc cắt băng khai mạc cuộc triển lãm kỳ thú này.

Ðiều đáng ghi nhận là cuộc triển lãm tranh còn có những chương trình văn nghệ phụ họa vào hai buổi khai mạc và chiều hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Giêng do các nghệ sĩ trong Nhóm Hải Ngoại Thi Ca và các nghệ sĩ thân hữu đến giúp vui.

Hãy đến xem cuộc triển lãm tranh này, để thấy nghệ thuật bứt phá, không bị gò ép trong một khuôn khổ nào, một trường phái nào. Cảnh, người và vật trong tranh là những thân thiết trong đời sống, nó đã diễn ra, nó tồn tại, nó rồi sẽ qua, tất cả làm nên cuộc sống này. Ghi lại nó với những cảm xúc đơn sơ nhất, với những đường nét thân quen nhất và với những mầu sắc tự nhiên nhất là tinh túy nghệ thuật nơi những người họa sĩ trẻ không từ trường lớp nào ra.

Ðến xem tranh của Vi Hương, Hoài My, Thúy Vinh, Dan Nhã là đến với tự do, phóng khoáng trong cuộc hiện sinh chấp nhận này. (N.H.)



Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.