Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bạch La
PC
#1 Posted : Wednesday, December 3, 2008 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Đường Vào Dĩ Vãng
Bạch La (Ái nữ cố nhạc sỹ Hoàng Trọng)

Bây giờ trời đã chuyển Thu sang Đông, sáng sáng đưa con đến trường học, trên đường về nhà, co ro trong chiếc áo lạnh dày cui, tôi vừa đi vừa rủa thầm cái thời tiết mắc dịch ở cái xứ lạnh lẽo này, vùng chúng tôi là vùng kỹ nghệ nên thời tiết thật quái gỡ, mùa Hè thì chẳng mấy nóng lâu, mùa Thu thì mưa... mút chỉ, mùa Đông thì vừa mưa vừa lạnh, sống ở đây mà có tâm sự buồn thì bối cảnh chung quanh càng làm cho con người thối chí, chẳng trách nào thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng tin là người ta nhảy lầu hay đâm đầu xe vào gốc cây mà tự tử và lại thường xảy ra vào mùa này, cái mùa mà sáng bừng mắt dậy thì trời vẫn tối đen cứ tưởng là còn đêm, nhìn đồng hồ mới biết là giờ mà ở quê nhà thì mặt trời đã lên khỏi đỉnh đầu, ra khỏi nhà mới thấy cái thấm thía cái lạnh của thời tiết xứ người.
Sau bài hồi ký nói về chuyến đi Mỹ của chúng tôi vừa rồi được đăng ở các báo Việt tại Hải ngoại thì nhiều người mới biết thêm về nhạc sĩ Hoàng Trọng; người cha đầy lòng yêu âm nhạc vừa mất đi của tôi. Tôi được nhiều độc giả xa gần khuyến khích viết thêm nữa về cha tôi, về con người có cái vẻ thật khô khan bên ngoài nhưng lại có những dòng nhạc lãng mạn quá sức, mà càng nghe mới càng thấy những uẩn tình của ông che dấu trong ấy... viết thêm về cha tôi ư? mặc dù cũng đã học vài năm tại đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975, tôi chưa hề viết bao giờ và tôi vốn chả có tài viết lách, cái năng khiếu về nghệ thuật của tôi chỉ gói ghém trong sự ca hát làm hobby và sau này khi theo học đại học bên Đức này tôi đã lựa ngành vẽ mẫu cho vải nên vẽ vời thì còn kha khá chứ muốn viết lách thì phải có trí nhớ dai mà tôi thì chúa quên lại thêm hai lấn sanh mổ bị chụp thuốc mê làm trí nhớ cũng hơi.. lủng!!!
Lần qua Mỹ vừa rồi tôi như trải qua một cơn ác mộng, sự mất đi một cách quá đột ngột làm tôi xúc động bàng hoàng đến độ cần phải viết một bài về ông để kể lại những diễn biến trong khoảng thời gian cuối bên cạnh ông, tôi chỉ nhắm mắt lại là những hình ảnh ấy lại hiện ra tuần tự rõ ràng khiến tôi chỉ cần ghi lại mà không gặp khó khăn gì cả. Cái cảm xúc mất đi người cha thân yêu vẫn còn đầy ấp trong tâm tư, nhưng muốn viết về ông thì quả thật không dễ vì ông thật giản dị, thật ít nói, thật khép kín, những người sống chung quanh ông đều tôn trọng cái thế giới riêng mà ông chỉ mở ra cho người ta thấy qua những dòng nhạc ông viết, còn con người của ông đối với bối cảnh bên ngoài chỉ là một sự nhịp nhàng điều hòa như cái máy: viết nhạc, thâu thanh, sáng đi, trưa về, chiều tối viết bài hoặc lên sân thượng nằm ướp sương và ngắm trăng sao...
Tôi được xem lại video buổi tưởng niệm 49 ngày của cha tôi được chú Nghiêm Phú Phi và các anh các chú tại tòa báo Người Việt ở Santa Ana tổ chức, hôm ấy ngoài các Ca Nhạc sĩ mến mộ cha tôi lên đàn hát nhạc của ông còn có các bạn hữu đã từng làm vìệc chung tại đài phát thanh cũng như thân quen lên nói chuyện về con người của ông cũng như những kỷ niệm với ông, và tôi rất lấy làm ngạc nhiên mà khám phá ra rằng cha tôi rất thật, rất trong suốt nên ai đã tiếp xúc với ông đều có những nhận xét về ông rất đúng, những gì họ diễn tả là cha tôi đó, trong lề lối làm việc hay trong nếp sống gia đình ông vẫn là một người trong ngoài như một. Bây giờ tôi cũng cố gắng để tâm tư trở về với dĩ vãng, nhớ lại những kỷ niệm với cha tôi mà xin viết bổ túc thêm để quí vị biết về ông vậy.

Hoàng Trọng và Âm Nhạc
Cha tôi bắt đầu viết nhạc lúc ông 16 tuổi nghĩa là lúc ấy tôi đang còn ở một kiếp khác nên tôi không được biết gì về những hoạt động của cha tôi với âm nhạc lúc bấy giờ, nhưng qua các tiểu sử của ông được đăng trên các báo chí thì ông cho biết ông đã phải ra đời rất sớm, tự học hỏi về âm nhạc vì hoàn cảnh gia đình không cho phép ông được theo trường lớp để có bằng cấp về âm nhạc như nhiều nhạc sĩ khác, cha tôi sanh vào năm Nhâm Tuất mà theo Tử Vi Á Châu thì trai Nhâm gái Quí là số tốt lắm đấy, chỉ có chờ người đem dâng đến miệng mà ăn thôi, nhưng sao tôi thấy có lẽ cha thôi thuộc thành phần ngoại lệ hay sao vì ông rất vất vả, cũng vì hoàn cảnh eo hẹp của gia đình, ông phải dẫn dắt dạy dỗ các em của ông là các chú và cô tôi theo ông vào ngành âm nhạc để mưu sinh, chỉ có bác Cả tôi thì lập gia đình và làm việc cho chính phủ nên không hoạt động gì về nhạc mặc dù chính bác Cả đã dạy và hướng dẫn cha tôi tập tễnh vào âm nhạc và nhờ đó cha tôi mới khám phá năng khiếu và sư đam mê về âm nhạc của ông.
Nói đến cha tôi thì phải nói đến ban nhạc do ông lập ra: Tiếng Tơ Đồng Tôi chỉ được biết những hoạt động của cha tôi từ khi tôi hát cho ban Tiếng Tơ Đồng của cha tôi được trình diễn trên đài truyền hình độ hai hoặc ba tuần một lần, còn đài truyền thanh thì hàng tuần nhưng bận học nên tôi được tha. Làm việc cho cha tôi rất ư là... khó chịu vì ông là một người rất tôn trọng kỷ luật và tỉ mỉ, mỗi khi ông soạn chương trình, ông chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ bài vở cho các ca sĩ và nhạc sĩ, ông luôn luôn muốn ban nhạc của mình được hoàn hảo nên hay nghĩ ra những ý kiến mới lạ mà chúng tôi: những người cộng tác chung với ông, dưới sự hướng dẫn của ông như một vị tiền bối, như một người anh cả, đôi khi phải chịu đựng những ý kiến đôi khi hơi..khác bình thường! thí dụ như ban Tiếng Tơ Đồng là một ban trình diễn những bài ca tiền chiến của các tác giả cùng thời hoặc lớn tuổi hơn cha tôi nữa, và các Ca sĩ cộng tác với Tiếng Tơ Đồng phần đông cũng là các người chuyên môn hát về các loại nhạc này, các cô chú cũng đã hát có tiếng tăm từ ngoài Bắc, hoặc ngoài Huế nên đều đã khá lớn tuổI như các cô Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Châu Hà, Hà Thanh, Anh Ngọc, Nhật Bằng, Thanh Vũ..các chị trẻ hơn thì cũng phải có trình độ nhạc lý vững vàng như chị Mai Hương, Quỳng Giao, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Nhật Trường... vì sợ chơi nhạc tiền chiến khó chiếm cảm tình của các khán thính giả trẻ, cha tôi muốn tạo một sắc thái đặc biệt cho ban nhạc, ông tự đi chọn, mua vải để các Ca sĩ mặc đồng phục; may áo giống nhau cũng có lắm vấn đề lắm chứ, theo luật nghệ thuật thì người gầy, nhỏ nhắn thì nên mặc vải hoa to hay mẫu to trong khi ngườI có da có thịt một chút thì nên xài vải hoa nho nhỏ thôi... cha tôi thì chả phân biệt chi cả cứ đi mua các loại vải thật là lòe loẹt, bông hoa nào cũng to bằng cái bát ăn cơm.. để lên truyền hình cho nó nổi mà lị! vừa nổi nhưng giá lại phài chăng nên chỉ có loại vải may màn cửa mới có, mà vải may màn cửa thì nó vưà dày vừa cứng ai mà may áo dài?!
Hối ấy chúng tôi đả đảo dữ lắm, nhất là các chị ca sĩ , lên truyền hình ai chả muốn diện cho đẹp, cho cả nước thấy mà, nhưng cha tôi thì cứng rắn lắm , gần như là độc tài, cộng tác với ông thì phải làm theo ý của ông thôi, có bất bình thì cũng chỉ càu nhàu mà rồi cũng chả đi đến đâu, ông đưa vải chỉ có việc đem may, tiền công tự phải lo, chắc mấy bà thợ may nào cắt áo dài cho chúng tôi cũng đều phải cườI thầm, khách hàng này có cái ‘’gout’’ quái lạ thiệt! Chưa hết, có người muốn mặc cổ cao, cổ thấp, cổ bà Nhu... cứ loạn cả lên, cha tôi có biết đến chuyện đó đâu, cứ việc may sao cho đồng nhất đi, bởi vậy đến ngày thâu hình đem áo dài đến mới phát giác ra người thì cổ tròn, người thì cổ trái tim lung tung, cha tôi lại tối sầm mặt mày, thở ngắn thở dài cho là đám Ca sĩ cố tình ‘’chơi’’ ông Bầu. Ông nhất quyết không chịu thua, đưa vải bắt may tiếp, bởi vậy mà số áo dài lạ lùng này chả ai dám mặc đi khơi khơi ngoài đường- thứ nhất: vì sợ người ta tưởng lầm mình là... cắc kè bông! thứ hai: trời Sài Gòn nóng hôi hổi mà mặc áo dài dày cui như thế không khéo mồ hôi toát ra trôi cả phấn son mất! càng ngày số áo dài càng gia tăng nên đến ngày đi thâu hình ai cũng khệ nệ rê theo gần như cả một tủ áo dài nặng chình chịch- toàn vải may màn cửa mà lị!
Đến ngày thâu hình cũng nhọc công lắm, ở các ban khác thì ca sĩ đến hát khỏe ru, nhắm giờ đến hát xong bài mình thì ra về, hoặc đôi khi hát cho hai ba ban khác nhau, thâu xong ban này thì chạy sang phòng thâu khác thâu cho ban khác, thật là nhất cử... tam tứ tiện, nhưng hát cho Tiếng Tơ Đồng của cha tôi đâu có... thoải mái vậy ?! ban nhạc của ông là một ban đại hòa tấu và hợp xướng nên bao giờ người ta cũng dành cho ông thâu hình và tiếng vào buổi sáng vì họ biết sẽ kéo dài đến buổi chiều nếu không trục trặc gì còn nếu ba cái máy thâu hình mà đình công thì khỏi nói, đến tối cũng chưa xong - nghĩa là kể như đi’’ đoong’’ một ngày vì cha tôi bắt các ca nhạc sĩ đi sơm sớm mà còn tập dợt, ngoài những bài solo còn có song ca, tam tứ ca, phụ họa nữa, ai cũng cầm một sấp bài đã được phát từ cả tuần trước.
Tuy ai cũng được cho là có trình độ nhạc lý vững vàng nhưng cũng vẫn phải tập dợt chung với ban nhạc, ngườI Việt mình lại hay mắc bịnh kéo giờ, dặn 8 giờ thì đủng đỉnh 9, 10 giờ cũng còn kịp chán, nhưng làm việc với cha tôi thì không có chuyện đi trễ được, ông mà dặn giờ nào là trước đó cả tiếng ông đã có mặt, đến trễ thì sẽ được tiếp đón bằng bộ mặt lạnh lùng như cục nước đá của cha tôi khiến ai cũng hơi..ớn. Thường thì chỉ có những ‘’ca sĩ khách’’ nghĩa là những ca sĩ không thường trực cộng tác với Tiếng Tơ Đồng và cũng chưa biết tính cha tôi thì mới phạm phải lỗi lầm đó chứ ai làm việc với ông chỉ một vài lần là tự động phải đi đúng giờ ngay, ông thường ít nói nhưng có một cái nhìn mà ai cũng hiểu ý, không cần phải nói bằng lời, ông buồn, ông vui, ông giận, ông hài lòng....chỉ qua một ánh mắt nhin thí ai cũng biết ngay, tất cả đều thể hiện trên đôi mắt của ông, còn miệng thì không nói không cười, làm việc hay tiếp xúc với ông là tự động ai cũng phải hiểu cái ngôn ngữ ‘’câm’’ ấy - có phải là người có bản lãnh không hở quí vị ?
Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, mới độ đôi tám, ca sĩ trong ban TTĐ chia ra làm nhiều nhóm: các cô, thường nhỏ hơn cha tôi từ một chục cho đến vài tuổi, được gọi là nhóm mấy ‘’bà già giết giặc’’ - nhóm này đã từng quen biết hoặc làm việc vớI cha tôi từ dạo ngoài Bắc, các cô rất tự nhiên như người trong gia đìng và... có vẻ chả... ngán cha tôi tí nào cả nên hay chọc ghẹo cha tôi lắm, thấy cha tôi càng hồi hộp khẩn trương vì trục trặc kỹ thuật hay gì đó là họ càng thích đùa giỡn cho bớt căng thẳng, lắm khi chúng tôi cứ phải dấu mặt đi mà cườI bò, trong khi cha tôi thì mặt mũi như đeo chì ấy, không thấy cởi mở tí nào, nhưng khi nào thu hát xong thì cũng thấy ông hài lòng vớI nhóm này nhiều nhất, mấy cô mà tam tứ ca thì nhún nhẩy hết chỗ chê, thật đúng í ông Bầu! Nhóm tuổi ít hơn thì các chị ít dám giỡn hơn, thỉnh thoảng mới dám bỏ nhỏ ghẹo mà nói sau lưng cho ông nghe thôi chứ không dám nhìn mặt ‘’ngầu’’ của ông, tôi còn nhớ các chị hay bảo nhau: thôi coi chừng chú Trọng sắp sửa ‘’môi anh hé rung’’ kìa, đàng hoàng laị đi! nghĩa là cha tôi đang giận đấy, môi ông cứ xệ xuống mà lại rung rung như đang cảm động không nói nên lời vậy, nhìn ông là đủ hiểu muôn vàn câu trách mắng trong ánh mắt, ở ông đôi mắt đúng là cửa sổ của tâm hồn! Nhóm nhí là có tôi trong ấy, tuổi tác nhỏ nhất và cũng sợ ông nhất, ngoài tôi là con gái ‘’rượu’’ của ông Bầu thì tuy sợ thì có sợ nhưng cái mồm nhất quyết không chịu thua, hay lép nhép, lải nhải hầu có gỡ gạc được đôi chút còn các ‘’tên’’ kia thì tuyệt đói không dám hó hé gì cả, ông biểu gì là răm rắp nghe theo thôi, hát bài vui là phải đu đưa, lắc loạn cả lên mới đúng ý ông, lắm khi mắc cở thí mồ mà vẫn phải lắc, Ôi, Cha tôi nhà độc tài số một!
Hồi mới có truyền hình phải thâu hình ảnh và hát với ban nhạc cùng một lúc mới là đáng sợ, có lỗi, phải thâu đi thâu lại làm mặt ông đã tối lại càng tối hơn, chớ có nhìn mặt ông vì đã sai lại càng sai dữ nữa !! sau này, chơi kiểu play back nghĩa là thâu tiếng trước rồi khi thâu hình ca sĩ chỉ việc nhép lại nên cũng đỡ phiền nhiều mà lại khỏi cần học thuộc bài vì trong khi thâu hình thì có ngườI nhắc ở ngoài cũng được, tuy vậy nhưng cha tôi vẫn bắt các Ca sĩ học thuộc lòng vì ông muốn họ diễn tả tự nhiên chứ không để lâm vào cảnh bối rối chờ người khác nhắc rồi mặt mũi cứ đờ đẫn ra, bài ca vui mà mặt mày hơi đau khổ ..! đôi khi lại còn bị nhắc nhầm đâm ra miệng nhép một đằng, tiếng lại ra một nẻo thì... quê xệ! Bởi vậy trong ngày thâu hình cho TTĐ thì hay có cái cảnh.. các Ca sĩ đi thơ thẩn vòng vòng hoặc kiếm một góc nào trong phòng trang điểm để mà lẩm nhẩm học bài, xong rồi còn khảo bài cho nhau nữa để khỏi bị ông Bầu khiển trách. Riêng tôi nhớ lại những ngày đi thâu hình cho cha tôi thì thật là... đau khổ!
Ngoài việc bài vở phải chuẩn bị kỹ càng không thì chết với ông, con ông mà không làm gương thì còn gì là thể diện ông Bầu; thật ra tôi không đau khổ vì vấn đề phải thuộc lòng bài cho lắm vì trong ban của ông tôi chỉ hát những bài hợp ca, hay tam tứ ca với đám Ca sĩ nhí thôi chứ không hát đơn ca vì thứ nhất ban của ông toàn là Ca sĩ ‘’chiến’’ nên những bài đơn ca không đến lượt mình, thứ hai là tôi cũng bị bịnh run- ở sát bên ông thì càng ‘’rét’’ hơn nữa, hát cho ông mà cứ sợ làm hỏng kiểu thôi... thà đừng hát còn hơn.
Đau khổ là vì tôi phải dậy thật sớm để đi với cha tôi, hôm nào mà có hẹn 9 giờ sáng là tinh mơ mình đã phải dậy sửa soạn, chưa 8 giờ đã phải ra khỏi nhà, leo lên cái xe Vespa của ông, ôm một đống áo dài nặng như bao gạo, bài vở thì ông bỏ vào cặp táp thật to để đàng trước dưới chân ông và hai cha con ì ạch mà tiến thẳng đến đài; cha tôi có một lối lái xe thật là an nhàn, cứ gần đến cột đèn giao thông thì hễ đèn vàng là ông đã từ từ để dừng lại, rất là đúng luật lệ.. nhưng từ đằng xa mà thấy đèn xanh thì ông cũng chạm thắng để rồi đến nơi thì đèn vàng thì nghĩa là cũng dừng lại, ngồi đằng sau mà sốt cả ruột, cũng chả dám nói vì cũng .. .thế thôi!. Trong mọi vấn đề, ông có bao giờ chịu thay đổI, trời thi hay có luật bù trừ, sống trong một gia đình toàn những ngườI thật trầm tĩnh, làm gì cũng từ tốn chậm chạp, từ cách đi đứng cho đến ăn nói, tôi lại là những gì hoàn toàn ngược: cha tôi cạy miệng cũng chả ra chữ thì tôi lại hay lách chách cái miệng, ông rất nhàn nhã trong việc lái xe thì tôi lại thích tốc độ, được dịp lái xe một mình là tôi phóng nhanh ghê gớm, ai ngờ sau này lấy phải ông chồng cũng lái xe kiểu ăn chắc mặc bền như cha mình vậy, tôi chỉ còn biết kêu trời ‘’tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’’!

Hoàng Trọng và nếp sống gia đình
Khi mới di cư từ Bắc vào Nam, cha tôi cùng anh em tôi và người cô, em ruột cha tôi; người thay thế mẹ tôi để nuôi chúng tôi khôn lớn, đều ở chung tại một căn nhà nhỏ hẹp ở đường Cô Bắc, ngay khu chợ Cầu Muối, nơi nổi tiếng là không an ninh vì toàn các tay ‘’anh chị’’ sống tại khu đó, chúng tôi chỉ ở đó một thờI gian thì dọn về khu Nancy Chợ Lớn, nhưng cha tôi vì muốn ở một mình để soạn bài vở nên vẫn cứ ngủ ở đó, ban ngày ông về đằng chúng tôi ăn cơm trưa chiều. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng cô tôi và tôi phải lên chỗ cha tôi ở để dọn dẹp vì cha tôi bày bừa ghê lắm, ngoài âm nhạc, ông còn có thù chụp hình và tự rửa hình lấy, ông sắm máy móc đầy ra nên căn nhà nhỏ không có lối mà đi, trên giường trên bàn thì bài vở hình ảnh ngổn ngang, chất đống, cô tôi phải dọn dẹp cả ngày mới xong nhưng tôi chắc chỉ gọn được vài ngày rồi thì cha tôi cũng sẽ bày bừa tiếp, cái hay là ông vẫn tìm được bài vở trong đống hỗn loạn ấy, tôi nghe ông luôn dặn cô tôi là khi dọn đừng quăng vứt đi của ông bất cứ cái gì, bởi thế cô tôi chỉ được phép xếp tất cả lại cho gọn mà thôi!
Riêng tôi đi theo tháp tùng cô tôi chỉ để phá phách, nghich ngợm và vì tò mò, tôi thích nhào vào những đống giấy ấy mà moi móc lục lọi, có khi có cả tiền cắc thì thú quá, còn không thì cứ tìm xem có hình cô nào lạ lạ mà được cha tôi chọn làm người mẫu thì phải kiếm cách mà đối phó nữa chứ, biết đâu chả là bồ của ổng? vì cha tôi thích chụp hình và quay phim nên ông hay yêu cầu các chị ca sĩ trong ban nhạc làm người mẫu, cả tôi và người chị họ cũng là người mẫu thường xuyên của cha tôi, mỗi khi Tết đến có chợ hoa là thể nào cũng có một ngày mấy chị em diện thật đẹp rồi đi khắp chợ, cười thi đua với hoa Xuân trong lúc cha tôi thì loay loay với máy quay phim trong tay và máy chụp hình trên cổ, đôi khi ông sắm được máy mới thì chẳng cần chợ hoa, ông bảo chúng tôi thả bộ trong Thảo cầm viên đến rã cả chân để ông quay phim và chụp hình, lại có khi mình cười làm dáng thiếu điều vọp bẻ cả mấy cái bắp thịt ở miệng lẫn chân (vì đi bộ cả buổi cơ mà!) thì ông bảo hết phim, đủ rồi, và hình ông khám phá ra điều gì không ổn, ông phán một cách thất vọng:
- Thôi chết chửa, ta lắp phim sai rồi !
hoặc là
- Ơ, tuột phim mất rồi! Thôi, làm lại từ đầu nhá..
nghĩa là nãy giờ chỉ là công cốc thôi và ông mới cười hì hì coi như xin lỗi.. ..thật là quê xệ ! Chỉ những lúc ấy mới thấy ông cười, đáng giận quá nhưng nhìn vẻ mặt bẽn lẽn của ông lại không nỡ, nhưng thôi hết hứng mất rồi, khất ông lần khác vậy.
Sau năm 92, cha tôi sang định cư tại Mỹ, mỗi lần sang thăm và bước vào phòng ông là tôi mường tượng lại căn gác hẹp ngày xưa vì ông vẫn bày bừa như xưa, cha tôi vẫn làm những công việc ông đã từng làm như ngày xưa là chí thú với âm nhạc và nghệ thuật phim ảnh, dĩ nhiên cô Tâm, vợ ông và Thiên Ut, Kim Mi, các em tôi là các người mẫu cho ông thử nghiệm những khám phá mới lạ của ông, chúng tôi trao đổi những kinh nghiệm ..méo mó của ông phó nhòm (cha tôi) cho nhau nghe để rồi cùng cười bò vì giống nhau quá sức!
Lần vừa rồi sau khi cha tôi mất, anh em chúng tôi mới có dịp thu dọn căn phòng hỗn độn đó vì khi còn sống, ông muốn cứ để mọi thứ như thế cho ông, để ông có thể tìm ngay được những gì ông muốn tìm, có lẽ ông vẫn áp dụng trật tự trong sự vô trật tự như mình học trong môn nghệ thuật chăng? Tôi bùi ngùi lượm những tiền cắc vương vãi đây đó nhưng lòng không còn thấy thú vị như ngày xưa, tôi lại tiếc nuối khi sắp vứt bỏ những bài nhạc viết tay đã vàng của cha tôi, những dòng chữ quen thuộc của cha tôi và theo ông từ quê nhà đến xứ người, tôi nâng niu xếp vào một thùng giấy cả những phim ảnh cha tôi tự chụp rửa cũng được giữ cả lại, những lưu vật của cha tôi mà, ai nỡ vứt bỏ...
Có lần khu Cầu Muối cháy vào ban ngày, lúc cha tôi đang thâu thanh ở đài, khi về đến nhà chỉ còn là đống tro tàn, cha tôi tiếc ngẩn ngơ các bài vở của ông, cũng may là ông còn để một ít bài vở ở căn nhà trong Chợ lớn nên cũng vớt vát được chút đỉnh, nhưng ông cũng đã phải bỏ rất nhiều thời giờ để viết lại tất cả những bài bản đã mất. Ông đúng như lời chị Quỳnh Giao viết, một người soạn nhạc với tất cả tâm hồn, ông luôn nhớ những tác phẩm của ông như những đứa con tinh thần yêu quý, ông chỉ cần ngồi xuống và viết lại từ lời cho đến nhạc mặc dù nhiều bài hát của ông do các bạn hữu viết lời nhưng ông vẫn thuộc vanh vách, ngay cả thời gian sau khi mất nước (1975), các bài vở của ông lại thêm một lần nữa bị đốt bỏ, nhưng ông cũng đã viết lại các tác phẩm từ đầu tay cho đến mới nhất không sai sót tí nào.
Trở lại chuyện cháy nhà, sau đó các bạn hữu thân sơ trong giới nghệ sĩ đóng góp mỗi ngườI một tay giúp cha tôi xây lại căn nhà của ông, vẫn tại chỗ cũ, cha tôi quyến luyến với chỗ ấy, ông cho xây căn lầu ba tầng để ông tha hồ bày bừa các bài vở và nghiên cứu về phim ảnh, ông dành cái sân thượng để nuôi chim cút và trồng nho, thế giới riêng của ông là đấy.
Cha tôi là người ít nói, điều đó ai cũng biết, ông đi đi về về thầm lặng như cái bóng, chả nói với ai tiếng nào, hàng xóm thấy vẻ lặng lẽ của ông cũng sợ, con nít tụm năm tụm ba trước cửa nhà mà nghe tiếng Vespa lịch xịch của ông là lo giải tán ngay. Có một lần anh Fa tôi, lúc ấy khoảng bẩy hay tám tuổi gì đó, chạy chơi ngoài ngõ bị xe Taxi đụng phải, chỉ trầy sơ chút đỉnh nhưng vì là con nít nên sợ hãi, khóc bù lu bù loa, cha tôi được con nít trong xóm báo tin, chạy ra ngay hiện trường cầm cổ áo ông tài xế xốc lên khỏi mặt đất mà hét vào mặt ông ta ‘’sao chạy thế nào để đụng phải trẻ con như thế ?’’ tôi nhớ mãi hình ảnh cha tôi lúc ấy, ông nào có vạm vỡ gì, chỉ dong dỏng cao, thế mà chả hiểu sức ở đâu ra khiến cha tôi khỏe như voi vậy, mặt ông tài xế thật không còn hột máu thấy thật tội- chắc tưởng đụng phải con trai của tay anh chị bự nào đây! Dĩ nhiên sao đó thấy anh tôi không hề hấn gì thì thả ngay ông tài kia xuống và điều chỉnh giọng xuống bình thường, nghĩa là phải lắng tai mớI nghe rõ ông nói gì, sau này thỉnh thoảng chúng tôi cứ đem chuyện cha tôi làm anh hùng Hercules ra chọc cha tôi, ông chỉ hơi tủm tỉm cười, chắc chính ông cũng không ngờ ông có thể nóng nẩy như vậy..
Trong nhà có chuyện gì ông cũng không bao giờ to tiếng, giận lắm thì ông trợn mắt hoặc quát lên một câu rồi sau đó là bỏ mặc không thèm ngó ngàng đến nữa. Tôi nhớ lần thi rớt tú tài, vừa ‘’quê’’ vừa nản, và thầm nghĩ làm con gái học ít thôi cũng được nên thưa với cha để bỏ học luôn, cha tôi buồn lắm, ông không nói gì nhưng mỗI ngày ông về nghỉ trưa bên nhà chúng tôi, ông cứ nằm gác tay lên trán mà thở dài, tiếng thở dài âm thầm nhưng não nuột làm sao, làm tôi đau khổ hơn muôn vàn lời trách móc, thậm chí nhiều lúc tôi chỉ ao ước cha tôi mắng chửi tôi một mách nhưng ông chả trách câu nào mà chỉ có im lặng thở dài..đến nỗi sau Hè tôi chịu hết nổi, đành bấm bụng muối mặt mà xách cặp đi học lớp tối để năm tới lều chõng đi thi tiếp, lúc ấy mới thấy cha tôi trút được cái cục đá trên mặt mà tươi tỉnh trở lại, cha tôi là thế đấy, ông vẫn tự cho mình là người câm, cái tình cảm rạt rào như sóng biển ông chỉ cất dấu trong lòng, rất thương con cái nhưng không bao giờ nói ra những lời ngọt ngào, văn hoa bóng bẩy, tuy vậy chúng tôi cũng hiểu qua ánh mắt của ông, mỗi lần chúng tôi có sinh nhật khi đã lớn không tổ chức đình đám nữa nhưng ông cũng tự động mua cái gì đặc biệt đem về ăn dù chả ai nhắc nhưng ông vẫn nhớ.
Cha tôi ít nói lại cương quyết nên cả họ đều nể sợ, ngay đến bác Cả tôi cũng ngán cha tôi vì tính bác xuề xòa, nói nhiều nhưng hay mềm lòng chứ không như cha tôi, nói ít nhưng nói ra thì như đinh đóng cột vậy không ai lay chuyển nổi, cô tôi hay phải la mắng để dạy dỗ chúng tôi nhưng khi cha tôi về đến nhà thì bà cũng không dám ồn ào vì tôn trọng sự yên lặng của cha tôi. Không dễ gì chọc quê hoặc làm cho ông nổi nóng đâu nhé, chọc già chọc dai thì ông cũng cứ tỉnh bơ như không, chỉ có một cách đo lường cái chọc phá tinh nghịch của mình có kết quả không thì nhìn vào bàn chân của ông, hễ ngón cái nó ngoáy ngoáy, rung rung là biết cái độ nao núng của ông, càng ngoáy tợn là ông đang bị xao động dữ tợn đó, thí dụ tôi biết ông rất yêu các sáng tác của ông, tôi chêm lời tầm bậy vào, chỉ hát độ hai câu là thấy ngón chân ông nhúc nhích ngay, chọc già tí nữa là thấy ông cười cười, mắt long lanh chớp lia lịa, chân thì ngoáy tứ tung, và cả hai đùi rung luôn, ha ha, thế là tôi biết mình đã thắng rồi, trong nhà chỉ có tôi mới dám đùa giỡn với cha tôi như thế.
Ông có trí nhớ dai phi thường, ông học ngoại ngữ bằng tự điển nên ông như là một quyển tự điển sống, hỏi bất cứ chữ nào ông chỉ cần nặn óc tí thôi là biết ngay, mà ông cũng thích được tra hỏi lắm nên dù đang giận chúng tôi, nhưng hễ tôi hỏi gì về các từ ngữ Ăng-lê là ông quên giận, giải thích cặn kẽ, thế là tôi lại có cả tài phá tan cái không khí nặng nề khi cha tôi đang giận, có phải không có tôi thì trong gia đình rất im lặng buồn chán không?
Chính vì cứ nghĩ và tự tôn mình như thế mà tôi cho mình là cái rốn của vũ trụ gia đình, từ lúc có trí khôn để hiểu được mình không có mẹ bình thường như các trẻ con khác, cha tôi đói với tôi là tất cả, tôi yêu và tôn thờ cha tôi, ông là sở hữu của tôi, không ai có thể chiếm đoạt được, một cái gì thay đổi nơi cha tôi, tôi cũng không muốn, cả khoảng đời thơ ấu cho đến lớn tôi quen sống trong cái tình thương không nói nên lời đó, cho tới khi mất nước, tôi chạy thoát ra nước ngoài, bỏ ông ở lại một mình, tôi còn nhớ sau vài tháng mất liên lạc, lần đầu tiên nhận được thư ông viết từ VN tôi đã đau đớn vô cùng vì những tưởng ông không còn có thể đi thoát được, và đọc thư ông tôi lại càng buồn khổ hơn vì ông như một người khác mất rồi, những lời lẽ ngọt ngào âu yếm thế, có bao giờ tôi từng được nghe đâu?
Tôi đọc đi đọc lại mà vẫn không hiểu có phải thật sự là cha mình đã viết những lời dài dòng này không, ông xưa nay vẫn là người ít lời ít nói mà sao bỗng dưng bây giờ lại ra thế này, rồi những lần thư sau cũng toàn những lời thư thắm thiết lạ lùng ấy, tôi cho rằng cha mình đã thay đổi và tôi bắt đầu thất vọng cho đến khi cha tôi lập gia đình thì sự thất vọng ấy lên tới tột cùng làm tôi đâm ra hỗn láo mù quáng, tôi có biết đâu rằng chính tôi mới là đứa con gái ngu xuẩn đã ở bên cha mình mấy chục năm mà không hiểu được con ngườI ông, một người chỉ có thể diễn tả tình cảm trên trang giấy chứ muôn đời không thốt ra bằng lời và sau này khi ông sang đến Hoa Kỳ tôi mới được gặp lại và càng thấy cái ngu của mình vì cha tôi vẫn như thế đó, vẫn như thủa nào, gặp mặt thì chả biết nói gì cứ ấp úng mà nhìn thương nhìn cảm qua ánh mắt mà thôi.
Rồi tôi cũng có dịp làm quen với người vợ thứ hai của cha tôi và hai em cùng cha khác mẹ với tôi: Thiên Ut, Kim Mi cũng ảnh hưởng tính nết của cha tôi, nhìn vào tụi nó là thấy hiện thân của cha tôi; rất nhỏ nhẹ, rất đầm, mái gia đình thứ hai của cha tôi cũng y như chúng tôi ngày xưa vậy, lúc nào cũng êm ả như nhà tu, thì ra ai ở bên ông cũng tập quen cái lối sống bằng nội tâm không cần nói thành lời ấy.
Sau này khi cha tôi làm chương trình nhạc tiền chiến trên đài phát thanh Mẹ Việt Nam của chị Như Hảo, ông hay kể những tình tiết liên quan đến mỗi sáng tác của ông, tôi mới càng nhận thấy ông không bao giờ ngừng yêu, ông vẫn chỉ là một người đàn ông đầy tâm hồn nghệ sĩ, yêu đời yêu người nhưng vì ông hay gặp phải trắc trở trong vấn đề tình cảm; chính tôi cũng là đã từng là một chướng ngại vật luôn luôn ngăn cản ông trên con đường tình cảm đó, đã bao nhiêu lần tôi đã ích kỷ đặt từng cục đá chắn trên bước đường đi tìm hạnh phúc của ông, nên ông đã tự dấu diếm tất cả bằng cách mang cái mặt nạ sắt lạnh lùng, khắc khổ, ông đã chịu cô đơn trong mấy chục năm để cho những đứa con hài lòng cho đến khi trưởng thành, vì hoàn cảnh ly tán, tuổi già đơn độc nơi quê nhà nên ông mới lập gia đình và có được nguồn an ủi lúc tuổI đã xế bóng.
Bây giờ ngồi đây viết lại những kỷ niệm vớI cha tôi, tôi chỉ còn biết tự trách mình dù biết ông chẳng bao giờ bắt lỗi đứa con gái nhỏ ông hết lòng thương yêu vì tội cho nó không có mẹ như ông đã nói vớI tôi trước giờ ly biệt, tôi đã lăn xả vào lòng ông mà xin ông tha thứ, ông đã vuốt tóc tôi và bảo đó là lẽ thường tình mà thôi. Tôi vẫn tiếp tục tự trách những suy nghĩ và hành động nông nổi ngày xưa của mình, có phải khi ngườI ta mất đi vĩnh viễn cái gì không thể tìm lại được thì mới nhận thức ra nhiều điều hay lẽ phải và mớI càng thấy rõ lầm lỗI mình đã phạm phải? Thấm thoát cha tôi mất đã gần một năm, từ lúc tôi ngồi thả tâm tư đi ngược lại dĩ vãng và viết lại những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt với người cha thân yêu.. đã trải qua gần hai mùa, vì nhiều khi tôi đang viết mà những cảm xúc và nỗi nhớ nhung dâng lên khiến tôi lại mủi lòng khóc thương không thể viết tiếp phải bỏ ngang ở đó để làm chuyện khác nên mới mất nhiều thời gian như vậy, khi bắt đầu là trời vào Thu mà nay đã sang Xuân, dù thế nhìn ra ngoài trời ở cái xứ xa xôi hẻo lánh này chả có khác gì, vẫn cứ xám xịt, cây cối vẫn trơ những cành khô và ra đường vẫn co ro vì gió lạnh.
Hè này chúng tôi lại sang Mỹ để tổ chức đám giỗ đầu cho cha tôi, lúc ông còn nằm trong nhà thương và còn hy vọng được mổ để bình phục mà còn tổ chức thêm vài ba đêm nhạc Hoàng Trọng nữa thì bác sĩ cho chúng tôi biết họ đã bó tay rồi, nên phải báo cho cha tôi biết tình trạng vô vọng đó thì chúng tôi đau khổ vô cùng, không ai muốn làm chuyện đó cả nhưng sau cùng cũng đành phải nói và nhân tiện có một cậu bác sĩ VN trẻ đang thực tập trong khu cha tôi nằm, cậu này ăn nói thật lưu loát và cũng quý mến cha tôi lắm nên khi thấy chúng tôi cứ do dự mãi không biết phải trình bày thế nào thì cậu nhận lới nói dùm chúng tôi, hôm đó tôi rất là nhát, đã đứng núp ở bên ngoài để cô Thu Tâm và mọi người vào với cậu này nói chuyện với cha tôi, chờ hồi lâu lòng bồn chồn không yên, tôi mới rón rén bước vào phòng núp sau lưng chị người chị dâu, qua bờ vai chị, tôi chỉ có thể nhìn thấy mặt cha tôi thì vào đúng lúc cậu bác sĩ đang nói cho ông biết là ông không còn hy vọng sống nữa, tôi sẽ không bao giờ quên được vẻ mặt cha tôi lúc bấy giờ; vẻ ngỡ ngàng tuyệt vọng như một tội nhân bị tòa tuyên án tử hình vậy, tôi đã không nén được xúc động mà phải chạy bay ra ngoài để khóc và tôi cũng chắc rằng mọi người trong phòng cũng không tránh được cái xúc động ấy., nhưng độ một lúc sau, mọi người đi ra, mặt ai cũng bình tĩnh nhẹ nhàng và kể lại cho tôi nghe là cha tôi chỉ bàng hoàng vài giây (như tôi đã thấy) rồi ông bình thản mà chấp nhận cái lời phán quyết đó và còn pha trò để phá tan cái không khí thê lương đang ngự trị:
- Thế thì năm tới, đến ngày giỗ đầu thì nhớ tổ chức gì mà ca hát nhạc của Hoàng Trọng nhé...
Vì lời ước nguyện ấy nên cô Thu Tâm quyết định mùa hè năm nay sẽ làm một buổi ca nhạc Hoàng Trọng để tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, hết lòng vì nghệ thuật và tôi thấy mình phải có bổn phận giúp cô để hoàn thành tâm nguyện của người cha đã mất, con chim đầu đàn đã ra đi không bao giờ trở lại, chúng tôi biết không thể xây dựng lại một ban Tiếng Tơ Đồng như hồi còn cha tôi nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một buổI ca nhạc trình bày những tác phẩm, những đùa con tinh thần mà cha tôi cả đời đã soạn ra với tất cả linh hồn của ông. Mong rằng những nghệ sĩ và bạn hữu có lòng ưu ái với Hoàng Trọng sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi để buổi ca nhạc thành công mỹ mãn, nơi chín suối cha tôi được hài lòng vì những công sức đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục được những người còn lại lưu truyền...
Bạch La - Germany
10/98-3/99

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.