quote:
Nè AB, có người mới nhắc tui là thấy mấy cái hình anh chụp ở trên, mấy em đi chân đất không hà. Mình có mua dép cho mấy em không? Hay là mấy anh chị quá tải rồi thì hạ hồi phân giải
Chị Tonka.
Ngày mai mấy bạn kia đến, tôi sẽ bàn thêm chi tiết này coi sao. Có thể mua cho mỗi em thêm một đôi dép nhựa được đó chị.
Khi phân chia để mua quà gì, chúng tôi thường căn cứ vào phần tiền của mỗi em trong một chương trình rồi phân chia số tiền đó ra để mua những chi tiết chung. Lấy vì dụ như các em dòng Mân Côi. Phần dành cho các em là 100 ngàn, trích ra 20 ngàn bỏ phong bì lì xì, trích tiếp ra 25 ngàn mua 5 ký gạo ( mỗi ký quy định là lọai gạo 5 ngàn một ký ), như vậy chỉ còn 55 ngàn dùng để mua các lọai khác như đường, bột gia vị, dầu ăn, 10 gói mì gói, bánh kẹo...Nếu thêm cái này thì đồng nghĩa phải bớt cái kia, làm sao thì làm chỉ trong cái giới hạn 55 ngàn đó thôi. Bởi vậy mới nói với cô Hoa là liệu cơm mà gắp mắm = liệu tiền mà mua đồ đó chị. Những thứ nào tính được và có tính cách bắt buộc phải có ( gạo, tiền lì xì, dầu ăn, mì gói...) thì lên danh sách mua ngay cho đủ số, còn những thứ nào có tích cách không quan trọng thì gom lại mua chung. Như bánh kẹo chẳng hạn, mỗi em chỉ gói ghém có 5 ngàn, như vậy 80 em phải tốn 400 ngàn, các chị cứ mua đủ 400 ngàn bánh kẹo mang về mình tự chia ra 80 phần đủ thứ. Như đồ chơi, mỗi em chỉ có 10 ngàn đồ chơi, bao nhiêu em là bấy nhiêu tiền, khi ra chợ mình mua về đủ các thứ, khi phân phát thì tùy theo giới tính của các em mà trao, bé gái thì búp bê, thú nhồi bông nhỏ, bé trai thì xe hơi, tàu bay...
Tôi rất trân trọng những góp ý như thế này. Nhiều khi mình trong cuộc, rối đầu vì công việc không nhìn thấy những chi tiết nhỏ như chuyện các em đa số đều đi chân không.
Rất nhiều bạn đã âm thầm nhắc nhở chúng tôi những chi tiết như thế. Và còn nhiều câu hỏi khác luôn làm cho mình thấy nhức nhối, vừa khó trả lời vừa cảm thấy mình bất lực. Như cái chuyện con bé Nhung ở trên, có bạn hỏi tôi tại sao thằng em của bé Nhung, thằng Nhật, không được vào ăn cơm với chị nó. Giải thích cách nào cũng thấy bất nhẫn hết. Chi phí của dòng Mân Côi có hạn nên không thể dang tay ra để lo cho tất cả ?. Hay một gia đình chỉ có thể chọn ra một đứa được ăn, đứa kia phải nhịn?. Hay con bé Nhung là người được ưu tiên vì nó là lao động chính kiếm tiền phụ với gia đình nó?. Còn em nó còn nhỏ, ở nhà, không đi làm nên không được ăn?. Vậy khi em Nhật lớn lên chút nữa, đủ sức đi làm bọc như chị nó, nó sẽ được ăn chăng?...Không thể nói cho hết lời được chị à.
Có bạn vừa xem bài và hình ảnh xong, gởi thư cho tôi, nữa trách nữa hờn, anh đăng chi mấy cái hình em nhỏ đang cầm dĩa cơm ăn làm tôi ứa nước mắt, nhìn sắp nhỏ ăn cơm ngon lành thấy thương gì đâu...Biết giải thích ra sao đây?.
Tôi có cái tật là hay tìm và chụp bắt những chi tiết tạm gọi là bi thảm trong đời sống thường ngày rồi kể lại bằng bài viết hay bằng hình ảnh. Cũng chẳng hiểu tại sao. Tùy theo cái vị trí hay tầm nhìn của mình so với cách nhìn của mọi người. Người nhìn dọc, kẻ nhìn xuôi, anh nhìn lên, tôi nhìn xuống. Nhớ năm nào đi chợ Tết, nhìn thấy cảnh thằng bé bán vé số sau những phút đắn đo suy nghĩ đã liều lĩnh móc tiền bán vé số ra mua món đồ chơi mà nó thích, say mê đến mức nó quên đi rằng với hành động đó, nó đã làm vơi đi số tiền lời ít ỏi của một ngày bán vé số mệt nhọc. Nhớ một lần đi ngang qua khu Phú Mỹ Hưng, nhìn những người dân nghèo đang mò mẫm bắt từng con cá dưới một cái mương cạn nước, sình lầy, hình ảnh ấy nó tương phản một cách vô lý khi nhìn thấy những tòa biệt thự cao to cùng những chiếc xe hơi bóng lộn trên lề...
Bởi vậy, đôi khi mình cảm thấy bất lực.