quote:
Hiện tôi đang tìm hiểu về một lớp học tình thương gồm 75 em, đa số là dân tạm cư, không có hộ khẩu, không có điều kiện để đi học ở các trường Công lập ở ấp Tân Lập, xã Đông Hoà, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lớp này do hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Phê 65 tuổi và bà Huỳnh thị Lành, 67 tuổi trực tiếp giảng dạy. Hai vợ chồng già này đã làm công việc này trong thời gian 12 năm nay rồi. Có gì tôi sẽ tường thuật chi tiết sau.
Một lớp học " lạ lùng " .Chiều hôm qua, trong một dịp đi tìm hiểu một trường hợp để thực hiện các chương trình TT trong tháng 12, tôi đã được biết một lớp học mà tôi cho là lạ lùng, xin kể cùng các AC nghe.
Nơi tôi cần đến theo hướng dẫn của một bài báo mà người bạn đã giới thiệu cho là Huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, khu hầm đá mang tên 621. Nghe nói đó là một khu khai thác đá lớn ở BD, nơi có những em bé không được đi học đàng hoàng, làm đủ thứ nghề để kiếm sống cùng cha mẹ chúng. Chúng là con em của những gia đình đến từ tứ xứ, nhiều nhất là khu miền Tây, miệt Sóc Trăng, lên đây để phơi lưng cho trời, bán mặt cho đất, làm công nhân khai thác đá ở khu 621 này.
Điểm dừng chân đầu tiên là trường ĐH Nông Lâm Thủ Đức, nơi tôi phải gặp cho được hai anh SV, vốn là hai thầy giáo bất đắc dĩ dạy các em học thêm. Tíêc là những chi tiết về hai em SV này quá ít, ngay cái tên cũng viết tắt nên sau khi đi từng khu trong Ký Túc Xá đó, với sự giúp đở nhiệt tình của các bạn SV khác, tôi vẫn không thể tìm ra hai em SV này.
Thôi thì đành xách xe chạy về hướng ký túc xá ĐH Quốc gia để tìm đến khu hầm đá 621 với hy vọng sẽ gặp các bạn ấy dạy học ở đây. Tuy nhiên theo cái lối rẽ ấy, hướng đến là Công ty khai thác đá 621, người ta lại không cho vào với cái lý do : không còn ai ở trong hầm đá vào lúc này !!!. Họ hướng dẫn tôi đến một cái lớp học tình thương cách đó không xa. Tuy có thất vọng nhưng vì tính tò mò muốn tìm hiểu cho biết, nên tôi cũng ráng chạy về hướng ấy dù trời đã nhá nhem tối.
Khi tôi đến nơi, ngước nhìn lên trên tấm bảng nhỏ bên trên tôi thấy hàng chữ :
Lớp học Tình Thương Ấp Tân Lập, xã Đông Hoà, Dĩ An, Bình Dương.
Phía trong là hai căn nhà gạch xập xệ, thoáng thấy các em đang ngồi học, tôi mạnh dạn bước vào.
Ba bạn Sinh Viên đang chia nhau dạy toán và tập viết cho chừng chục em, em nào em nấy đen nhẽm, áo quần lôi thôi lếch thếch, ngồi quay quần cùng học với nhau, không phân biệt tuổi tác :
Qua tìm hiểu ở các bạn SV ấy tôi được dẫn đến để gặp chủ nhân của ngôi trường tình thương này.
Đầu tiên là bác gái Huỳnh thị Lành , 67 tuổi, giáo viên chính dạy ở hai lớp này đang bán bánh xèo, hủ tíu cho những cô cậu SV chung quanh đó ra ăn tối.
Người chính thức đứng ra lập nên cái trường tình thương này là chồng của bà Lành, ông Huỳnh văn Phê, 65 tuổi. Ngôi trường này đã được vợ chồng ông lập ra cách nay đã 12 năm, từ ngày hai ông bà bỏ SG lên đây tìm đất sống, khi đó ông còn đang làm bảo vệ cho một công ty tư nhân nay đã giải thể. Miếng đất này là do ông mượn của Công ty ấy ngày xưa, thời ông làm bảo vệ. Những đứa học trò của ông và bà ngày xưa và cho đến tận bây giờ đều là con em của các gia đình nghèo trong xóm, họ là dân tạm cư , tứ xứ, từ bốn phương trời đổ về dây làm ăn sinh sống, tất cả các em đều không có hộ khẩu, một điều kiện thiết yếu để được theo học ở các trường công lập như quy định. Ông và bà chia nhau đứng dạy hai lớp, dạy từ mẫu giáo cho đến hết lớp 4, khi các em biết chữ , biết đọc biết viết mới thôi. Nếu em nào có chí, theo học trong suot thoi gian nay và có nguyện vọng muốn học nữa, lên lớp 5, ông bà sẽ gới thiệu ra trường xã để học tiếp và thi tốt nghiệp tiểu học luôn.
Do không có điều kiện để mở rộng thêm trướng nên từ trước đến nay chỉ có 2 lớp học lợp tole chơ vơ như vậy thôi. Các em từ lớp Mẫu Giáo cho đến lớp 4 chia thời gian ra học, từ lớp 2 đến lớp 4 thì ngồi chung một lớp để học. Buổi chiều có thêm được mấy em Sinh viên tình nguyện ra dạy thêm những em yếu môn Toán và Tập làm văn. Từ năm 2002 đến nay, do không có được một nguồn trợ cấp nào , sức khoẻ của ông Phê yếu hẳn đi, Ông vừa mới đi mổ về., bà con trong xóm ấy đồng lòng trả công cho ông bà bằng cách đóng mỗi em 15 ngàn một tháng ( khoảng $1 ). Tổng công hiện nay hai ông bà già ấy đang dạy 75 em học sinh nghèo như thế.
Ông chìa cho tôi coi những tấm bằng khen, nhiều bài báo nói về ngôi trường của ông với vẽ ngậm ngùi, chỉ có thế. Có lần ông được mời lên TV, trong cái mục Người Đương thời nhân ngày nhà giáo VN. Khi trở về nhà, ông vẫn là ông, không một đồng lương, không một sự chứng nhận nào khác, sống bám vào cái tiền ít ỏi do bà con phụ huynh thương tình đóng góp và cái hàng bán bánh xèo, hủ tíu của bà vợ, cũng tạm gọi là Nhà giáo bất đắc dĩ như ông....
Có thể ông bà là người nổi tiếng, tạm cho là vậy đi . Nhưng với tôi, cái chính không phải là chuyện ấy. Ở nơi đó có 75 em học sinh nghèo, trong đó có hơn 10 em người Miên vùng Sóc trăng theo cha mẹ lên đây làm đá, nghệch ngoạc những nét chữ đầu tiên trên mỗi một quyển vở nhăn nhúm duy nhất dùng cho suốt năm học, những bàn chân trần, những cái đầu khét nắng, sau giờ học chắc lại lê la đánh mất tuổi thơ của mình bằng đủ thứ nghề vốn không dành cho các em.
Các Anh Chị, mình có nên làm cái gì cho các em này không?...
AB.