Người Việt trên đất Mỹ: Tường Chinh - cô gái Việt Nam trong cuộc sống tự lập và tâm nguyện về tiếng Việt
Tuesday, November 30, 2004 Nguyên Huy
Tường Chinh trong một sinh hoạt cộng đồng tại Nam California
Tám năm trước, bước xuống phi trường L.A., Tường Chinh, một cô gái trẻ mới từ Việt Nam qua trong sự bảo lãnh của bên nội, đã hết sức lo lắng trước cuộc sống mới đang trải rộng trước mặt cô. Ông bà nội không dư giả vì cuộc sống tị nạn trên xứ người nên với số vốn thật ít ỏi mà mẹ cô trao cho khi cô rời Việt Nam, Tường Chinh đã phải vắt óc tìm mọi phương kế để có thể thực hiện được tâm nguyện của mình là học về ngành truyền thông.
Mặc những lời khuyên can của họ hàng, Tường Chinh quyết tâm theo học ngành báo chí. Cô tâm tình: “Thật ra cháu cũng có phân vân vì nghĩ đến mẹ còn ở Việt Nam hẳn là đặt biết bao hy vọng khi quyết định cho cháu sang Hoa Kỳ. Thế mà cháu lại học một ngành mà ai nấy đều cho rằng rất khó khăn trong việc kiếm ra tiền nhất là cháu chỉ mới đến Hoa Kỳ, làm sao mà trong một thời gian ngắn có thể thông thạo Anh ngữ để mà viết báo được. Ở Việt Nam, cháu có viết cho một số tờ báo của sinh viên, cũng đến ba năm. Thời gian ấy đủ cho cháu thấy cháu bị quá tù túng, không thể nào viết ra được những điều mình nghĩ, mình mong muốn. Từ đó cháu ao ước được xuất ngoại học về ngành báo chí. Mẹ cháu thông cảm được niềm mơ ước của cháu nên đã vận dụng bên nội cháu bảo lãnh cho cháu sang Hoa Kỳ dù mẹ cháu chỉ có hai chị em cháu thôi và là một quả phụ vì ba cháu bị mất tích trong Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, ấy là theo lời mẹ cháu kể chứ cháu lúc ấy mới vừa được hình thành trong bụng mẹ.”
Ðại Học Cộng Ðồng Santa Ana College là nơi cô bước chân vào đời sống... Hoa Kỳ. Cô nói tiếp với chúng tôi: “Chính là nơi này mà cháu có được căn bản nghề nghiệp. Ông thầy của cháu đã chỉ cho cháu thấy rằng “viết” không phải là rải chữ ra mà phải thể hiện được một cái gì đó. Vâng, cháu thấy đúng là như vậy nên cháu coi lời thầy như kim chỉ nam cho cháu học hành. Khi tốt nghiệp rồi sang Cal State Fullerton, cháu đã nhanh chóng ra trường vào năm 2003. Hiện nay cháu vẫn còn theo học nữa và năm 2006 cháu sẽ có bằng M.A. về báo chí. Vào dịp ra trường ấy cháu sẽ mời mẹ qua để như một lời cảm ơn mẹ chân thành nhất.”
Trong suốt cuộc gặp gỡ với chúng tôi, Tường Chinh luôn luôn bày tỏ lòng mơ ước của mình là thấy tiếng Việt được duy trì và phát huy trong các thế hệ người Việt kế tiếp. Niềm mơ ước ấy Tường Chinh cho biết khi có được điều kiện, cô sẽ mở một trung tâm Việt ngữ không chỉ cho người Việt Nam mà cho mọi người thuộc các dân tộc khác.
Ðiều gì khiến Tường Chinh tha thiết đến tiếng Việt như vậy? Chúng tôi đã không hỏi thẳng cô mà chỉ dò luận ra trong suốt câu chuyện với Tường Chinh để có thể nắm bắt được cái thực trong tâm tư của một người con gái Việt trên đất Hoa Kỳ. Có thể nói mà không sai rằng, điều khiến Tường Chinh tha thiết tiếng Việt cho các lớp trẻ hải ngoại, đó là một tâm tư sâu kín về sự mất tích của người cha, một người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và đã mất tích trong cuộc chiến Việt Nam mà cô không hề biết mặt ngoài một tấm hình mẹ trao cho. Trong khi đó cô lớn lên khi chế độ cộng sản phủ chụp xuống trên toàn lãnh thổ và người ta lại nói về những người như cha cô bằng những danh từ và tên gọi khiến cô đau lòng. Cô không tin điều họ nói và rồi thực tế trong khi cô viết báo ở Việt Nam, cô đã bị gò ép, uốn nắn càng làm cho cô không tin rằng cha cô là người như vậy. Ðiều đó đã đúng khi cô ra hải ngoại, tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nhiều nơi. Nhưng cô nghĩ, rồi thế hệ cha cô sẽ dần khuất, các thế hệ trẻ sẽ kế tiếp, ai là người nói lại lịch sử của người Việt mình cho chính xác. Chỉ có sách vở, tài liệu đặc biệt là bằng tiếng Việt nó mới đầy đủ và phong phú. Cho nên nếu những thế hệ sau này mà không biết tiếng Việt thì quả là một điều thiệt hại cho dân tộc.
Và vì thế mà Tường Chinh rất tha thiết đến truyền thông báo chí tiếng Việt cũng như hay đến các Trung Tâm Việt ngữ để theo dõi tâm tình, nguyện vọng của trẻ Việt trên đất Hoa Kỳ. Hiện nay, Tường Chinh đang cộng tác với nhật báo Việt Báo, trang báo Thiếu Nhi và kỳ Trung Thu vừa qua, Tường Chinh đã cùng với các anh chị em của Việt Báo tổ chức được giải “Em viết văn Việt” mở đường cho những hoạt động tích cực của Tường Chinh thể hiện được nguyện vọng của mình.
Nói về những điều mà Tường Chinh đã làm được khi truyền bá tiếng Việt trong lớp trẻ Việt Nam hải ngoại, Tường Chinh thích thú kể rằng Janet Nguyễn, tân Nghị Viên của Hội Ðồng Thị Xã Garden Grove, nay thì tiếng Việt đã khá thông. Ðó là kết quả của sự cố gắng của Janet Nguyễn cũng như của bạn bè tha thiết tiếng Việt đã giúp đỡ, hướng dẫn trong đó có Tường Chinh.
Hiện nay Tường Chinh vừa hoàn tất một tổ chức có tên là VNTC, Inc. gồm 15 thành viên khởi thủy để hướng dẫn tuổi trẻ Việt Nam học tiếng Việt, phổ biến và mời gọi các bạn trẻ các dân tộc khác biết đến đất nước và dân tộc Việt Nam bằng cách học thêm tiếng Việt... Tường Chinh hy vọng tổ chức này sẽ là cái gạch nối không chỉ trong cộng đồng người Việt khắp nơi mà còn là cái gạch nối giữa người Việt với các cộng đồng khác trên đất Hoa Kỳ.
Chúng tôi được biết hiện nay, trong tư thế độc lập của mình, Tường Chinh đã được nhiều sự hỗ trợ của thân hữu bạn bè vì mọi người đều thấy ở nơi cô một tâm nguyện đáng khuyến khích cho cô đi đến thành công. Một chứng cớ là nơi cô cư ngụ hiện tại là một căn nhà khang trang của ông Phó Thị Trưởng Thành Phố Santa Ana cho thuê với một giá quá thân hữu mặc dầu ông Phó Thị Trưởng cũng chỉ biết cô qua sự giới thiệu của tân Dân Biểu Trần Thái Văn. Những cư dân Hoa Kỳ ở quanh nơi cô cư trú nói với chúng tôi rằng cô là cô gái nuôi của họ, của những người trong khu phố này.
Quí độc giả đặc biệt là các bạn trẻ muốn liên lạc với Tường Chinh có thể qua e-mail:
TuongChinh@hotmail.comNguyên Huy