Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,044 Points: 3,390 Location: Lục điạ hình trái táo Thanks: 340 times Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
|
Karen Ryan và những đứa trẻ lạc loài của Saigon -Oanh Thơ-
(Viết dựa theo bài tự thuật của bà Karen Walker Ryan đăng trên báo Reader's Digest)
Người ta tìm cách rời bỏ Saigon vào những ngày cuối Tháng Tư năm 1975. Các thành phố và tỉnh lị ở miền Nam Việt Nam bao trùm không khí sợ hãi. Cuối cùng cuộc chiến tranh dài dặc với những kinh nghiệm đắng cay của Hoa Kỳ ở Ðông Dương đang đi đến giai đoạn kết thúc.
Bà Karen Ryan lúc ấy đang là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay Pan Am. Hãng này có hai chuyến bay hàng tuần đến Tân Sơn Nhất.
Karen cho biết bà chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam qua những cột khói ở dưới đất khi nhìn xuống từ độ cao 35 ngàn bộ. Bà cũng chỉ biết thêm nữa về cuộc chiến này lúc bắt gặp những khuôn mặt căng thẳng và yên lặng của nhóm trai trẻ người Mỹ bước khỏi máy bay, mỗi lần dừng lại Saigon.
Karen nói: “Tôi và những cô bạn đồng nghiệp biết rằng chúng tôi là hình ảnh ấm áp cuối cùng của những người đồng hương từ cái đất nước Hoa Kỳ xa xôi mà những người lính này vừa từ rời bỏ, có khi là mãi mãi rời bỏ...”
Bà Karen không bao giờ nghĩ rằng một ngày kia chiếc máy bay có mặt bà trên đó, lại mang đầy những nạn nhân nhỏ bé và vô tội của cuộc chiến tranh nói trên, để biến chuyến bay thường lệ thành một chuyến bay của tình thương.
Chuyến bay từ HongKong đi Tokyo đêm 4 Tháng Tư, 1975 của phi hành đoàn có bà Karen trong đó bị hủy bỏ. Thay vào đó, họ được lệnh bay một chuyến Pan Am đặc biệt đến Saigon để đón 400 đứa trẻ mồ côi Việt Nam đi Mỹ.
Bà Karen, lúc đó đã 32 tuổi, li dị và tuy rằng chưa từng có con nhưng sự kiện này vẫn tạo một sự xúc động mãnh liệt đối với bà. Karen kể lại rằng chiếc máy bay 747 khổng lồ của hãng Pan Am chất hàng trăm bình sữa, hàng ngàn tã lót và đầy rẫy những cái nôi tí hon cho từng em bé sơ sinh. Một khu vực của máy bay được biến thành một y viện chứa đầy kim chích, những ống dẫn thức ăn và tất cả những dụng cụ cần thiết để giữ cho những lá phổi nhỏ bé có thể tiếp tục thở và những trái tim tí hon tiếp tục đập.
Trên những chuyến xe buýt quân sự hướng về phía máy bay của bà Karen là những mảnh đời mỏng manh của những cô nhi chiến tranh. Những đứa trẻ này được gom lại rải rác từ mọi nơi có mặt cuộc chiến ở Việt Nam - một số trong đó có thể đang đói khát và không nơi nương tựa vì cha mẹ chúng bỏ mình trong các trận mưa bom hay pháo kích; các đứa khác là những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên đường phố Saigon.
Karen kể lại: “Vì vấn đề an ninh nên máy bay của chúng tôi chỉ có thể đậu lại ở phi trường Tân Sơn Nhất nhanh chừng nào tốt chừng đó. Bỗng nhiên, chiếc cửa máy bay bật mở đem hơi nóng của miền nhiệt đới tràn vào và ai đó đặt vào tay tôi ba đứa trẻ đang la khóc. Thân thể của chúng nóng hổi và tôi vội vàng đặt chúng vào nôi để còn trở lại cửa, đón thêm những đứa khác. Tôi không ngăn được nước mắt khi nhìn những khuôn mặt ngây thơ và dễ thương của các em bé mồ côi ấy. Bất chợt ngước lên, tôi thấy cô bạn đang chuyển mấy đứa bé cho tôi bế cũng nước mắt lưng tròng. Chuyến bay nói trên đã đón nhận hơn 400 mảnh đời lạc loài từ quê hương của chúng để mang đến một thế giới khác mà chúng không hề tưởng tượng được là sẽ như thế nào. Chúng tôi chỉ còn biết ôm lấy các em bé ấy, ru chúng bằng cái ngôn ngữ, dĩ nhiên rất xa lạ với chúng.”
Bà Ryan cho biết trong số hơn 400 cô nhi này, hơn 300 em là những trẻ sơ sinh. Số còn lại lớn tuổi hơn và tỏ ra rất sợ hãi, khóc lóc khi leo lên máy bay. Có em lành lặn, khỏe mạnh, em khác thì rất đau yếu hay bị tàn tật.
Bà Ryan đặc biệt chú ý tới một em trai 8 tuổi mặt mày sáng sủa và vui vẻ tên Hoàng Văn Long. Sau khi mẹ mất, Long được bà ngoại đã 78 tuổi nuôi nấng, nhưng sau đó vì nghèo quá bà ấy đem gởi Long vào cô nhi viện, hy vọng một ngày nào đó sẽ được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi. Long chọn chiếc ghế ngồi gần cửa sổ để có thể nhìn thấy quê hương của em từ từ chìm khuất sau làn mây. Trong túi của Long lúc ấy có chiếc hình của cái gia đình mới đang chờ đón em gồm cha, mẹ và ba anh trai ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Ohio.
Cũng giống như Long, hầu hết những trẻ em trên chuyến bay của bà Karen Ryan đều đã được nhiều gia đình Mỹ nhận làm con nuôi qua trung gian của một tổ chức tư nhân, vô vụ lợi chuyên lo về việc tìm con nuôi. Cơ quan này có tên là The Holt International Children's Services of Eugene, ở tiểu bang Oregon , đã đứng ra để bảo trợ chuyến bay Pan Am chở các em cô nhi này.
Chuyến bay của bà Karen là một trong những chuyến bay tham dự vào chiến dịch bốc trẻ con (Operation Babylift) trong Tháng Tư 1975 để đưa gần 2 ngàn trẻ mồ côi đến định cư tại Mỹ, cũng như đưa 600 đứa trẻ khác đi các quốc gia trên thế giới.
Bà Karen Ryan nói rằng với 409 đứa trẻ đầy chật trên chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ, bà và những đồng nghiệp bận rộn trong việc cho bú sữa, rồi thay tã và ru các trẻ em đó ngủ. Mặc dù những cái tên in trên dây đeo ở cổ tay các em bé này không dễ cho bà Karen gọi chúng, nhưng bà nói là bà đã cố gắng nói chuyện với từng đứa bé, cầu nguyện và mong ước sao cho chúng được bình an. Ở những giờ phút đó, bà Karen cũng có nghĩ đến việc biết đâu một ngày nào đó bà sẽ tìm kiếm để xem những mảnh đời ấy trôi dạt về đâu.
Sau khi máy bay của bà Karen đáp xuống Guam, tất cả trẻ con lại được chuyển giao cho một phi hành đoàn khác để chở chúng đến Seattle.
Sau đó, bà Karen lập gia đình lại và có một cậu con trai, sinh sống ở tiểu bang Montana. Bà nói rằng sự liên hệ duy nhất của bà đối với chuyến bay đặc biệt đó chỉ là một bài viết đăng trên tờ báo địa phương và được Reader's Digest xuất bản vào Tháng Năm, 1976. Và cứ mỗi lần đọc lại bài báo ấy, bà lại suy nghĩ không biết những đứa trẻ ấy bây giờ ra sao? Bà Karen Ryan cũng không bao giờ ngờ là mình sẽ biết được đoạn kết của câu chuyện cho đến một buổi chiều kia khi bà được chủ bút tờ Readers Digest gọi điện thoại hỏi là bà có muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho một số trong đám trẻ cô nhi trên chuyến bay mà bà có mặt hay không? Bà nói: “Cái cảm xúc mà tôi đã từng có trên chuyến bay đó bỗng nhiên trở lại làm tôi lạnh người”.
Nhờ tổ chức tìm con nuôi Holt, bà Karen đã lần lượt gặp gỡ ba trong số những trẻ mồ côi ấy mà bây giờ là những người có trình độ chuyện môn và địa vị trong xã hội Mỹ. Bà đã gặp Kara Delahunt, 25 tuổi, một thiếu nữ xinh đẹp từng có tên Việt Nam là Nguyễn Thị Mai Trang ở Washinton DC. Kara được ông bà Kati và William Delahunt ở tiểu bang Massachussetts nhận làm con nuôi mặc dù họ đã có một đứa con gái ruột lớn hơn Kara 3 tuổi.
Kara kể cho bà Karen nghe là cha mẹ nuôi của cô đã đem đến cho cô một đời sống yên ổn và hạnh phúc. Kara nói rằng cha mẹ nuôi luôn nhắc nhở cô là cha mẹ ruột của cô rất thương yêu cô. Cũng vì lý do đó Kara đã từng tình nguyện làm việc trong một trại tị nạn ở Chile. Cô tốt nghiệp đại học với văn bằng Master về Spanish. Ba năm trước, Kara đã trở về Việt Nam nhưng cô nói rằng Việt Nam đối với cô vẫn là một vùng đất ngoại quốc và cô cần thời gian để suy nghĩ về mối liên hệ của cô với đất nước này. Cô cũng không có ý muốn tìm kiếm cha mẹ ruột của cô ở Việt Nam.
Dĩ nhiên cũng có một vài trường hợp không vui xảy ra, thế nhưng hầu hết những trẻ mồ côi trên chuyến bay của bà Karen Ryan đều có được một đời sống hạnh phúc.
Bà Karen đã có dịp tìm gặp cậu bé Hoàng Văn Long, nay là Bác Sĩ Matt Steiner. Cậu bé Long được gia đình của ông bà James và Mary Steiner ở West Liberty, Ohio nhận làm con nuôi. Tốt nghiệp thủ khoa ở trung học và sau đó theo học y khoa, Bác Sĩ Matt Steiner hiện đang làm việc tại phòng cấp cứu thuộc bệnh viện Charlotte, North Carolina. Ông nói là ông được nuôi nấng trong một gia đình tuyệt vời và được cha mẹ nuôi dạy dỗ là luôn luôn phải biết giúp đỡ người khác. Matt Steiner và vợ, cũng là một bác sĩ, đã trở về thăm Việt Nam năm 1995 và ông cũng đã từng đi tình nguyện làm việc ở nhiều quốc gia vùng Châu Mỹ La Tinh.
Bà Karen còn cho biết câu chuyện cảm động về cha mẹ nuôi của cậu bé tên Chris Browlee. Bà nói rằng bà đã không cầm được nước mắt khi cha nuôi của Chris vừa kể vừa khóc với bà về nỗi vui mừng khi họ gặp được đứa con nuôi mồ côi của họ. Chris tốt nghiệp từ trường Ðại Học Wesleyan ở Ohio về môn Tâm Lý học. Anh hiện đang làm việc tại một cơ quan giúp những đứa trẻ bụi đời và hư hỏng.
Bà Karen Ryan đã kết luận bài viết của bà như sau: “Tôi nghĩ thật may mắn cho đất nước Hoa Kỳ đã đón nhận được những hạt giống tốt đến từ Việt Nam. Từ những đứa trẻ mồ côi này, người Mỹ đã nhận được một món quà còn lớn hơn món quà tự do mà chúng ta tặng họ. Ðó là tài năng và sức mạnh của những người này, góp phần làm tươi mát và phong phú nền văn hóa của đất nước Hoa Kỳ.” (O.T.) NguoiViet Online Thursday, April 24, 2008
|