Nghề nail và những rủi ro
25/08/2008
Nhà chức trách Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra cho những người làm nghề chăm sóc móng tay móng chân cho khách hàng, trong đó có nhiều người gốc Việt. Dược sĩ Trần Việt Hưng trình bày những rủi ro và biện pháp phòng ngừa.
Người làm trong các tiệm nail phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, trong đó có những hóa chất độc hại
Tại Hoa Kỳ, người Việt thường gọi các tiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc móng tay móng chân cho khách hàng là các tiệm nail.
Người làm trong các tiệm nail phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, trong đó có những hóa chất độc hại.
Mới đây, vấn đề này lại được Nhà chức trách trong bang Oregon chú ý. Họ lo ngại cho 14,500 những người làm nail trong bang có thể gặp rủi ro cao, với những bệnh như ung thư vú hoặc đẻ con dị dạng; vì phải ngửi các hóa chất độc hại trong một thời gian dài.
Thống kê cho thấy 95% những người làm nail là phụ nữ, trong số này có 35% là người gốc Việt, nhiều người làm hơn 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, do đó nguy cơ mắc những bệnh do các hóa chất độc hại mang lại càng tăng thêm. Riêng quận Jackson trong bang Oregon, có 281 tiệm nail được cấp giấy phép.
Bà Melanie Mesaros, Người phát ngôn của cơ quan Bảo Vệ An Toàn Sức Khỏe Trong Lao Động của bang Oregon, nói rằng rủi ro không gây ra cho khách hàng, mà gây ra cho những phụ nữ phải làm cả ngày trong các tiệm nail.
Dược sĩ Trần Việt Hưng, đang hành nghề tại thành phố Portland, bang Oregon nói rằng các loại thuốc rửa móng tay, tẩy móng tay, sơn móng tay, làm cứng móng tay hoặc giữ màu sơn móng tay, là những thứ có chất độc. Một số từ chuyên môn của các chất này là acetone, nhựa acrylic, benzene, toluene, formaldehyde; mà người Việt quen gọi là phọt-môn.
Dược sĩ Trần Việt Hưng tóm tắt một số hậu quả do các chất này mang lại.
Các hóa chất sử dụng trong các tiệm nail không chịu sự quản lý của cơ quan FDA, là cơ quan theo dõi và kiểm soát các loại thực phẩm và dược phẩm được bán ra tại Hoa Kỳ. Nhiều loại hóa chất sử dụng trong các tiệm nail chưa được nghiên cứu đầy đủ để xác định xem về lâu về dài sẽ tác động đến sức khỏe như thế nào.
Năm ngoái, Nhà chức trách bang Oregon đã hợp tác với các tiệm nail để phổ biến các thông tin để những người làm nghề nail nắm vững những rủi ro và có biện pháp phòng chống, các bang khác cũng có những chương trình hợp tác giống vậy.
Trong năm nay, Nhà chức trách bang Oregon đã in một cuốn cẩm nang bằng tiếng Anh và tiếng Việt để phân phát cho các tiệm nail. Một trong những đề nghị được nêu ra trong cẩm nang là trạm làm việc của người làm nail phải có sẵn một cái quạt máy và quạt này phải thổi hơi, hướng ra bên ngoài, thay vì để hơi độc luân chuyển bên trong tiệm. Bang Oregon cũng buộc những người nạp đơn xin mở tiệm nail phải cam kết có trang bị loại quạt này trong tiệm của mình.
Bà Nancy Gregory, một phụ nữ làm nail gốc Việt 45 tuổi nói rằng trước đây bà đã làm cho một tiệm nail không có hệ thống thoát hơi đúng cách, nhưng tiệm bà đang làm bây giờ có một cái quạt lớn để thổi hơi rất thoáng và sạch.
Bà Gregory cũng nói bà có mang bao tay khi thấy cần, và vẫn thường xuyên rửa tay.
Bà cho biết gia đình bà có nhiều người làm nghề nail, giống như nhiều người Việt ở Mỹ bị thu hút vào nghề này vì nó không đòi hỏi thời gian huấn luyện dài ngày giống như các nghề khác.
Bà Patricia Huback, chuyên viên về chất độc của sở Bảo vệ Môi trường, bang Oregon, nói rằng bà không biết chắc lý do tại sao có nhiều người gốc Việt làm nghề nail; nhưng bà biết chắc nghề này không cần biết nhiều tiếng Anh, và có bài thi bằng tiếng Việt để lấy bằng hành nghề.
Bà Huback nói rằng nói chung, muốn làm nghề nail cũng không tốn kém gì nhiều, và sở Bảo vệ Môi trường của bà có khó khăn khi muốn nói chuyện với các thợ nail người Việt về những rủi ro của nghề.
Dược sĩ Trần Việt Hưng nói rằng một hệ thống thoát hơi tốt trong tiệm nail là điều quan trọng, giúp giảm bớt rủi ro của các hóa chất độc hại.
Ngoài ra, chính quyền bang Oregon cũng yêu cầu các chủ tiệm nail phải khuyên những người làm nghề nail tránh ăn uống gần những nơi có để hóa chất, lưu giữ cẩn thận các hóa chất này và khi dùng acetone thì sớt ra các chai nhỏ, để giảm bớt các hơi độc.
Một số người làm nail ngại đeo kính bảo hộ hoặc mặt nạ bảo hộ, mặc dù 2 món này có thể giúp họ bảo vệ cặp mắt, hoặc bớt phải ngửi bụi acrylic. Một số người làm nghề nail hiểu là mang kính và mặt nạ bảo hộ rất tốt, nhưng nó làm cho khách hàng kém thoải mái.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn do Huy Phương thực hiện:
VOA
http://www.voanews.com/v...se/2008-08-22-voa15.cfm