Tìm lại Sài Gòn của Marguerite Duras Matt Gross
Tiểu thuyết gia, nhà viết kịch nổi tiếng Marguerite Duras sinh ngày 4/4/1914 tại Gia Định và trải qua thời thơ ấu của mình trên thành phố Đông Dương này. Cuộc tình nồng nàn và lãng mạn giữa bà với một chàng trai người Hoa giàu có bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ trên một bến phà nối liền Vĩnh Long và Sa Đéc hơn 75 năm trước. Dưới đây, eVăn lược dịch bài viết của Matt Gross ghi lại chuyến viếng thăm của ông tới những địa danh từng gắn bó với nữ văn sĩ và cuộc tình huyền thoại này.
Poster phim "Người tình". (yahoo)
Nếu muốn tìm nơi để hưởng thụ một cuộc tình, không đâu lý tưởng hơn TP HCM. Hầu như khu phố nào trong thành phố này cũng có những khách sạn và nhà nghỉ, mà ở đó, nhân viên lễ tân đã quá quen thuộc với cảnh từng đôi nhân tình vụng trộm đến cùng nhau. Những gì xảy ra ở Sài Gòn chỉ mình Sài Gòn biết.
Nhà văn Pháp Marguerite Duras là người hiểu điều này hơn ai hết. Bà sinh năm 1914 tại Gia Định và trải qua quãng đời tuổi thơ ở xứ sở này. Năm Duras 15 tuổi, gia đình bà chuyển đến sống ở Sa Đéc - một thành phố nằm bên bờ sông Me Kong. Tại đây, nữ tiểu thuyết gia tương lai đã gặp gỡ và có một chuyện tình lãng mạn với một chàng trai 27 tuổi - con của một chủ đất người Trung Hoa giàu có. Họ gặp nhau trên chuyến phà nối liền Vĩnh Long và Sa Đéc. Không lâu sau, cô bé Marguerite thường xuyên bỏ trốn khỏi trường nội trú để hưởng thụ những đêm nồng nhiệt với người tình trong căn hộ độc thân của anh tại khu Chợ Lớn.
Mối tình này về sau trở thành “nguyên liệu” để Duras viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984 và cuốn hồi ký The North China Lover năm 1992.
Nhưng những dấu ấn còn lại của tác giả Người tình ở Việt Nam hiện không còn nhiều. Trong chuyến đến thăm TP HCM mùa thu năm ngoái, tôi đã cố tìm lại những dấu vết còn lại của bà sau 75 năm thay đổi.
Cuộc tìm kiếm của tôi bắt đầu từ đường Đồng Khởi - một khu buôn bán sầm uất ở trung tâm TP HCM. Nơi đây tôi gặp ông Thạch - một người Sài Gòn 69 tuổi, chủ hiệu sách Lan Anh.
Ngôi nhà của người tình Trung Hoa. (The New York Times)
Bằng một thứ ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt, tôi trình bày ý định của mình cho ông biết. Với 200.000 đồng, ông bán cho tôi tập sách mỏng Annuaire des États-Associés: Cambodge, Laos, Vietnam xuất bản năm1953 cùng với một số bản đồ, danh mục địa chỉ của đường phố Sài Gòn xưa, gần với thời Duras sống.
Trong khi ngồi xe máy dọc theo đường Đồng Khởi, một người bán báo dạo mời chào tôi một tờ báo từ ngày hôm trước. Tôi lướt qua những trang viết trên thứ giấy vàng vàng đặc trưng cho đến khi dòng chữ sau đập vào mắt “Cinéma (Salles de)”. Phía dưới là Eden Cinéma - nơi mẹ Duras từng dạy dương cầm để nuôi sống 3 anh em bà. Địa chỉ của rạp chiếu bóng ấy là 183 đường rue Catinat (tên cũ của đường Đồng Khởi) và tôi đang đứng ở số 201.
Với Duras, Eden là nơi cứu gia đình cô khỏi cảnh nghèo đói. Ngày nay, rạp chiếu bóng này nằm lẻ loi trên một dãy phố bán đầy tranh chép từ những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam và châu Âu. Những chiếc ghế ngồi trong rạp hát giờ đã bị dỡ bỏ và vứt vất vưởng dọc các hành lang. Rạp hát chỉ còn là một phế tích đầy rẫy gạch vụn. Dấu tích còn lại của quá khứ chỉ lưu lại trên những posters phim (Cleopatra) vẽ bằng tay từ ngày đó…
Tuy phấn chấn nhưng tôi vẫn thất vọng với những gì mình vừa khám phá. Không thể tìm thấy khu nhà ở của Duras tại trường nội trú trên bất cứ một tấm bản đồ nào, tôi quyết định lần theo dấu chân của Duras trên đất Sài Gòn.
Khi hoàng hôn buông xuống, chợ đêm ở góc đường Nguyễn Trãi và Phùng Hưng bắt đầu nhộn nhịp. Bắt mắt nhất là những hàng vịt quay đầy hấp dẫn. Thế nhưng tôi vẫn muốn thưởng thức một bữa ăn mang phong cách Duras. Cảnh bữa ăn tối nổi tiếng nhất trong phim Người tình diễn ra tại một nhà hàng Trung Hoa sang trọng - nơi những người anh em của Duras say mèm với Martell và Perrier, rồi sau đó lại tảng lờ và sỉ nhục chàng trai Trung Hoa dù rốt cuộc Người tình chính là kẻ thanh toán hóa đơn.
Ngôi nhà ở Sa Đéc - nơi gia đình Duras từng sống. (The New York Times)
… Bắc qua sông Me Kong giờ đây là cầu Mỹ Thuận to lớn, biến bến phà xưa, nơi Marguerite và người tình gặp nhau, trở thành một dấu tích của quá vãng. Từ đây, một con đường gập ghềnh, xung quanh lác đác những nhà máy gạch sẽ dẫn chúng ta đến Sa Đéc.
Sa Đéc ngày nay có số dân khoảng 96.000. Thành phố nằm giữa hai bờ sông Me Kong với hệ thống kênh đào và những chiếc cầu hình cánh cung đủ các kích cỡ. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn Bông Hồng. Tôi và Sita [1] thuê hai phòng riêng biệt. Trong khi Chiến [2] tranh thủ lau chùi chiếc Citroën đầy bụi sau một chuyến đi dài, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc về mục tiêu tiếp theo của mình: Làm thế nào để tìm thấy ngôi nhà của người đàn ông Trung Hoa giàu có kia. Người dân nơi đây không ai chỉ cho chúng tôi câu trả lời rõ ràng nhưng họ đều biết người chúng tôi đang nói tới là Huynh Thuy Le (Huỳnh Thủy Lê) - nguyên mẫu nhân vật Người tình.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn tìm thấy ngôi biệt thự kiểu cũ, nơi được dùng làm ngôi nhà của gia đình Donnadieu [3] trong phim Người tình (ngôi nhà nay là trụ sở của Phòng giáo dục). Khi gặp một ngôi nhà thấp, mái lợp theo kiểu Trung Quốc giờ là trụ sở của Đội phòng chống ma túy, chúng tôi đã băn khoăn, liệu đây có phải là ngôi biệt thự “to lớn, có những bao lơn xanh nhìn ra phía sông Me Kong” của người tình Trung Hoa giàu có hay không. Nhưng những chủ nhân mới tỏ ra không mấy hứng thú trong việc tiếp chuyện chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi tìm đến trường Tiểu học Trưng Vương - ngôi trường được coi là do người Pháp xây dựng. Nhưng thực tế thì nó không mang phong cách kiến trúc thời thực dân. Khi tôi và Sita lơ ngơ trong sân trường vắng lặng, một người đàn ông đang đứng trước cửa văn phòng lên tiếng gọi chúng tôi: "Bonjour!".
Ông Sang là một giáo viên tiếng Pháp tầm 60 tuổi, lịch sự và có phần rụt rè. Ông giải thích, ngôi trường này rất có thể từng do mẹ của Duras điều hành, nhưng không có gì chắc chắn về điều đó.
“Không có tài liệu nào cả”, ông nói, “Nhiều người cho rằng bà Donnadieu từng sống ở đây vì hiệu trưởng thường có một căn hộ cạnh trường để tiện theo dõi các hoạt động của nhà trường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, không ai biết chính xác nơi bà từng ở”.
Khi được hỏi về trụ sở của đội Phòng chống ma túy, ông Sang khẳng định, đó chắc chắn là ngôi biệt thự của người tình. Rồi ông đề nghị được làm hướng dẫn viên cho chúng tôi: “Ông và bạn ông là những người nước ngoài đến đất nước tôi, nên tôi có trách nhiệm dẫn hai người đi thăm thú đây đó”. Làm sao chúng tôi có thể từ chối sự nhiệt tình này.
Ngôi mộ người tình của Duras. (The New York Times)
Điểm dừng chân đầu tiên của 3 chúng tôi là khu mộ của Người tình và người vợ Trung Hoa của ông - một nơi rất gần khách sạn chúng tôi ở. Cạnh đó là hai ngôi mộ nữa, của bố mẹ Người tình - những người đã phản đối con trai mình cưới Duras.
Tiếp đó, ông Sang dẫn chúng tôi đến chùa Phước Hưng - một ngôi chùa xây dựng năm 1838, nơi về sau nhận được sự tài trợ khá lớn từ người tình. Bên trong gian thờ được trang trí khá công phu, có hai tấm hình. Ông Sang cho chúng tôi biết, đó là Huynh Thuy Le và vợ ông.
Người tình trong ảnh có vẻ như đã ở độ tuổi 70, gầy và hầu như hói nhưng vẫn giữ được nước da trắng đặc trưng của người dân phía Bắc Trung Hoa vốn đã hút hồn Duras. Liệu có chút nào đó sự nuối tiếc trong mắt ông? Nhiều năm sau cuộc tình lãng mạn của hai người, ông đã gọi điện sang Paris cho Duras và nói rằng ông sẽ không bao giờ hết yêu bà trong suốt quãng đời còn lại. Có thể điều này đã giải thích vì sao trong tấm ảnh, vợ ông trông rất đỗi buồn phiền.
Bên ngoài, những hạt mưa nhẹ bắt đầu rơi xuống, chúng tôi vội vã chạy ra xe. Chiến chở chúng tôi dọc theo con đường ẩm ướt. Chúng tôi chiêu đãi ông Sang một bữa ăn tối có thịt lợn ninh nhừ và canh cá nấu chua với bông điền điển. Sau đó, tôi và Sita trở về phòng mình trong khách sạn. Tôi có mang theo mình DVD bộ phim Người tình nhưng tôi không xem. Thay vào đó tôi xem Sin City và đi ngủ.
Hà Linh dịch
(Nguồn: The New York Times)