Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ánh Tuyết
Phượng Các
#1 Posted : Monday, October 17, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Ánh Tuyết


Nhiều người nói rằng, họ yêu nhạc Văn Cao, Từ Linh, Ðoàn Chuẩn từ giọng ca Ánh Tuyết, nhưng cũng có người nói rằng Ánh Tuyết nổi tiếng nhờ giai điệu, ca từ của những nhạc sĩ trên. Có thể nói Ánh Tuyết đã tìm thấy trong tác phẩm của Văn Cao, Lê Thương, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh sự say mê với dòng nhạc lãng mạn, trữ tình và trình bày với tất cả tâm hồn và chất giọng riêng hiếm, quý. Mỗi khi tiếng hát Ánh Tuyết cất lên, cả hội trường im phăng phắc như muốn thu vào mình tất cả, từ dáng điệu, từ sự luyến láy trong ca từ mà chị thể hiện qua bài hát. Vừa học vừa biểu diễn, Ánh Tuyết đã tìm cho mình một lối đi riêng, tạo chỗ đứng trong lòng đông đảo khán giả...

Năm 95-96, là hai năm nổi bật của ca sĩ Ánh Tuyết với nhạc Văn Cao. Ðã nhiều tờ báo cho rằng: nói đến nhạc Văn Cao thì phải nói đến giọng ca của Ánh Tuyết. Ánh Tuyết đã tìm được cho giọng hát của mình chất du dương lãng mạn của Văn Cao. Trong cái hồn đa cảm của thi sĩ xưa, có cái chất cháy bỏng đầy khát khao của cô ca sĩ thời nay. Ánh Tuyết đã làm đẹp cả kỹ thuật vốn rất phức điệu trong nhạc Văn Cao, và làm đẹp của chất tình tứ, ý nhị trong mỗi ca từ của ông.

Ánh Tuyết vốn là một ca sĩ trẻ nổi trội của đoàn Ca múa nhạc Phú Khánh, với giọng hát như bốc lửa và những bước nhảy khá đẹp. Tại Hội diễn ca nhạc năm 1985, Ánh Tuyết đã đoạt giọng ca vàng về thể loại nhạc trẻ. Khi đạt đến đỉnh cao trong thể loại nhạc cao, Ánh Tuyết chuyển từ Phú Khánh vào TP.Hồ Chí Minh. Những tưởng cô ca sĩ này sẽ tung hoành và tha hồ hái ra tiền trong thời "chạy sô" của ca sĩ. Thế nhưng, Ánh Tuyết lại có một cái nhìn khác. Sài Gòn đang thiếu những ca sĩ hát nhạc ca khúc trữ tình, lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam những năm 40 - 50. Cô đã chọn nhạc Văn Cao và trở nên rất thành công với tác giả này.

Gần đây, Ánh Tuyết tung ra một loạt ba album: Bến cũ, Cung đàn xưa và Hát cho yêu thương. Vẫn nhạc mục nghiêng về ca khúc tiền chiến cố hữu (trừ Hát cho yêu thương của Phan Bá Chức); vẫn cái chất gợi nhớ Thái Thanh, Mai Hương và Hà Thanh ấy; vẫn cái "không khí" của các thính phòng sang trọng ấy mà nghe cứ thấy nao lòng. Vì Ánh Tuyết là con người của lòng chung thủy, không xa rời những gì mình đã yêu, đã nhọc công gìn giữ. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bảo: "Tuyết hát Buồn tàn thu vượt lên trên cả âm nhạc".

Sau loạt tour diễn "Hội trùng dương" thành công rực rỡ, nữ ca sĩ này đã khai trương Sân khấu - Phòng trà ca nhạc ATB tại 234 Lý Tự Trọng, Q.1. Chương trình ca nhạc hằng đêm do Ánh Tuyết cùng ban nhạc ATB phụ trách, biểu diễn với các tình khúc vượt thời gian, ca khúc truyền thống cách mạng...

(Tổng hợp)
PC
#2 Posted : Friday, November 2, 2007 4:16:10 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Thứ sáu, 2/11/2007, 10:25 GMT+7

Cuộc đời không êm đềm của Ánh Tuyết

Ca sĩ gắn liền với những tình khúc Văn Cao tự nhận mình không được may mắn. Để có thành công như ngày nay, chị đã trải qua những tháng ngày cơ cực thời niên thiếu và thấm thía nỗi nhọc nhằn của nghiệp cầm ca.


Ca sĩ Ánh Tuyết..

Ánh Tuyết là con gái duy nhất trong gia đình có 5 anh em. Chị bảo, chắc do là con cầu con khẩn nên ngày bé “đẹt” lắm. Vừa “đẹt” lại vừa đen, 14 tuổi mà chị cứ như trẻ mới lên 10. Mẹ chị hay thở dài bảo: “Người ta có năm có mười thì tốt. Mình có một thì xấu”.

Có lần, bị bạn bè bắt nạt, chị về nhà mách mẹ. Chị cứ lí nhí trong miệng nên mẹ không nghe được, lại nọc ra đánh cho một trận vì tội... nói nhỏ. Từ đó, Ánh Tuyết càng ít nói hơn. Bù lại, chị có tài bắt chước mọi thứ rất nhanh và một giọng hát thiên phú. Nhưng chừng đó không làm dịu những thua thiệt của chị so với bạn bè.

Năm 1973, chị đoạt giải nhất ở cuộc thi Tiếng hát Hướng đạo sinh được tổ chức tại Sơn Trà, với bài Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Giác.

Cứ tưởng giải nhất sẽ mở ra cho chị một cơ hội âm nhạc. Nhưng ở thành phố nhỏ Hội An, sau những tràng pháo tay trong đêm diễn thì mọi thứ lại trở về với nếp sống bình thường. Không hoa, không người hâm mộ, chỉ là những lời khen kiểu “Con Tiếc 'mèo' hát hay rứa!”.

Tên thật của chị là Trần Thị Tiếc. Sau này khi làm giấy tờ, người ta mới ghi nhầm tên chị ra Trần Thị Tiết. Mẹ chị - người phụ nữ một tay chắt chiu cho chồng cho con, nhiều lần mua nhà rồi dắt con ra đường ở vì tính ngẫu hứng của bố chị - đã đặt tên cho con gái mình như thế. Tiếc gì thì chỉ có mình mẹ chị hiểu. Trước đây, đã nhiều người khuyên mẹ không nên lấy bố chị. Thời đó có nhiều nhạc sĩ tên tuổi mê mẹ chị lắm vì bà là hoa khôi Điện Bàn. Nhưng bà chọn ông, chọn là bởi mê cái tính nghệ sĩ và thương cả hoàn cảnh côi cút của ông.

Do hoàn cảnh riêng bắt buộc chị nghỉ học khá sớm. Tiếc “mèo” phải phụ mẹ gánh cơm ra chợ bán. Chỉ có các anh em trai của chị là được theo học tiếp. Bán cơm ở chợ, Tiếc “mèo” có thêm biệt danh nữa là Tiếc “cơm”.

Chị kể, những ngày ấy thường xuyên phải dậy từ 4 giờ sáng để hâm thức ăn, gánh cơm ra chợ bán. Vì khách hàng chỉ là anh xe ôm, chị bán rau nên cần phải ăn sớm. Có hôm giật mình tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã 6h sáng, chị cuống cuồng gánh cơm đi. Vô tình, chị thấy những bạn học cũ của mình đang tung tăng đến trường. Lại mặc cảm, lại nép mình vào sau lưng Chùa Ông, để ứa nước mắt dõi theo bước chân của bạn.



Một lần, chị đã luýnh quýnh làm đổ cả gánh cơm - gia tài của cả nhà chị vào thời điểm đó. Sau sự cố ấy, chị đã gạt mặc cảm sang một bên, và ngày ngày lại trĩu nặng đôi quang gánh theo mẹ ra chợ.

32 năm sau, chị vẫn không thể quên hình ảnh cái thau nhôm trước mặt mình với ngổn ngang chén bát nơi chợ quê. Lần đang rửa bát ấy, bạn chị đi ngang, gọi khẽ: “Tiếc ơi! Đi học mi!”. Vậy là như người mơ ngủ, chị đứng dậy và đi theo bạn. Cho đến lúc mẹ chị gọi giật lại và nói: “Con đi học no hay đi bán cơm no?”. Nước mắt chị lại chảy dài. Về sau, chị cũng được mẹ cho đi học lại. Nhưng nếu học chính quy thì chị phải chịu học kém bạn mình một lớp. Vậy là chị chọn học bổ túc cho đỡ mặc cảm.

Mẹ chị từng là văn công múa hát phục vụ trong chiến khu nhưng không thích con gái mình theo nghiệp cầm ca. Những lần chứng kiến cảnh các đoàn cải lương về Hội An diễn, mẹ chị đã hiểu rõ cảnh “cơm hàng, cháo chợ, ngủ vỉa hè” của người nghệ sĩ. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc mẹ chị phải đồng ý cho con mình theo nghiệp diễn.

Năm 1978, chị gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng với rất nhiều hoài bão. Cùng năm đó, Trường Âm nhạc Huế vào Đà Nẵng tuyển sinh và chị thuyết phục được Hội đồng giám khảo ngay từ những câu hát đầu tiên. Trường đồng ý nhận chị theo học. Tuy nhiên, Đoàn lại nhất định không chịu để chị đi.

Một thời gian sau, Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng giải tán nhóm tốp ca, nơi Ánh Tuyết đang phục vụ. Mọi thứ dường như đã khép lại trước mặt chị. May mắn là người anh cả của chị thương em gái, vội vã mang toàn bộ giấy tờ ra Huế trình bày với Ban giám hiệu nhà trường. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, cộng với sự thuyết phục của chất giọng, Ban giám hiệu đồng ý cho chị nhập học, khi mà khóa học đã khai giảng được một tháng.

Ra Huế học, nhà nghèo nên hành trang của chị chẳng có gì. Đang băn khoăn với nhiều thứ phải lo, thì một cơ hội đến với chị rất tình cờ. Một đêm, chị theo một chị bạn cùng nghề đi xem biểu diễn. Đột nhiên, một ca sĩ do bận nên không đến diễn được. Ông trưởng đoàn hớt hải chỉ chị hỏi: “Cô ni hát được không?”. “Được lắm chứ răng không?”, người bạn đi cùng chị đáp. Vậy là hát.

Ban nhạc đầu tiên không tin lắm vào khả năng của chị, hỏi rất lạnh lùng: “Cô hát được cái gì?”. “Dạ, em hát được Lịch sử một chuyện tình và Nhạc rừng, chị ái ngại đáp. Vào thế bí, ban nhạc đành miễn cưỡng dạo đàn.

Nhưng khi “Cúc cu, cúc cu... Chim rừng ca trong nắng...” vang lên, thì khuôn mặt của các thành viên trong ban nhạc đã giãn ra. Nhẹ nhõm, Ánh Tuyết càng hát hay hơn. Khán giả quá đỗi ngạc nhiên trước một giọng ca lạ. Ngay sau đêm diễn ấy, rạp Hưng Đạo, trung tâm ca nhạc lớn nhất cố đô Huế, đã mời chị về diễn. Ánh Tuyết nhanh chóng trở thành một "sao" tại Huế.

Lần về tết năm 1979, chị vụt lớn và ra dáng thiếu nữ rất nhanh. Tiếc “mèo” ngày xưa trở thành cô gái ưa nhìn. Cũng trong chương trình ca nhạc năm ấy, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã đặt nghệ danh cho chị là Ánh Tuyết. Nhưng lúc này, mọi người đã quen gọi chị là “Ôi, mê ly”. Chị nói: “Khi về quê, mình vẫn ra chợ phụ mẹ bán cơm. Chứng kiến cảnh những người ở chợ gọi mình là “Ôi, mê ly” mới biết hạnh phúc thế nào. Bản thân người nghệ sĩ chỉ cần có vậy. Tôi không cần gì hơn đâu”.

Năm 1983, Ánh Tuyết đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Nhưng cũng ngay trong năm này, gia đình chị gặp sự cố lớn về kinh tế. Cha mẹ và anh em chị phải dắt díu nhau vào Đà Lạt để tìm kế sinh nhai. Chị lặn lội xuống Sài Gòn tìm một cơ hội, với vẻn vẹn với chiếc xe đạp mini cũ và 1.000 đồng mà mẹ chị phải vét hết tiền nhà mới đủ đưa cho chị. Những ngày kiếm cơ hội ở thành phố, chị bắt đầu thấm thía với những mánh khóe sau sàn diễn.

Và khi vét hết tiền túi chỉ đủ mua nổi ổ bánh mì gặm trước lúc diễn, chị đã quyết định trở về lại Hội An. Trên hành trình về lại quê, chị có ghé Nha Trang thăm một người bạn. Bạn chị đề nghị chị gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa. Ngay khi chị đồng ý, ông trưởng đoàn Hải Đăng đã lập tức lên kế hoạch đón gia đình chị về Nha Trang và làm hộ khẩu, cấp nhà cho chị.

Ngoài hát ra, Ánh Tuyết đâu có nghĩ gì đến chuyện nhà cửa. Vậy là chị cứ hát hết mình, thờ ơ chuyện ưu đãi. Kết quả là khi rời đoàn Hải Đăng chị chẳng có gì cho riêng mình. Nhưng chị đã mang về cho đoàn một huy chương vàng Hội thi Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985.

Năm 1990, chị lại quyết định vào Sài Gòn một lần nữa. Một giọng ca lạ, người từng đoạt rất nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi toàn quốc giờ phải chịu cảnh đi bộ qua rất nhiều sân khấu để gõ cửa xin hát. Đơn giản là bởi “Để hát được hoặc có tiền hoặc phải có thân thế và cuối cùng là thế thân. Nhưng ba cái ấy mình đều không có và không làm được. Biết làm sao bây giờ”, chị đúc kết.

Một lần ở Sài Gòn, chị được mời tham dự đêm nhạc của Văn Cao. Chị nói năm đó, đêm nhạc Văn Cao mọi người đến chủ yếu để nghe ông nói và nhìn thấy ông, rồi mới đến để nghe ca sĩ hát. Vậy mà khi Ánh Tuyết hát Thiên thai và Buồn tàn thu, sáng hôm sau báo giới cả nước đều khen ngợi giọng ca của chị. Sau đêm diễn ấy, nhiều hợp đồng mời thu âm được gửi đến chị. Nhưng, những ngày hạnh phúc ấy sớm qua mau, bởi Ánh Tuyết rất kén sân khấu. Chị nói là chị thích hát theo ngẫu hứng, chứ không phải vì tiền.

Hai năm sau, chị lập gia đình. Chồng chị là anh kỹ sư người Pháp. Chị lấy anh là bởi nhìn anh hiền và có trách nhiệm. Thôi thì chuyện ca hát chưa đến đâu, phải lo chuyện gia đình trước đã, chị nhủ vậy. Mẹ chị, người đàn bà gian truân một đời đã rất sốt ruột khi thấy đứa con gái duy nhất đã bước sang tuổi 35 mà vẫn phòng không. Tổ chức đám cưới xong, tổng cộng vốn liếng của hai vợ chồng không nhiều và phải đi ở nhà thuê.

Cưới xong, chị mang thai. Anh lại phải trở về Pháp lo việc gia đình. Chị ở VN chuẩn bị sinh con, vắng chồng. Vốn liếng vợ chồng chị dành dụm được chị chăm chút chờ ngày sinh. Ngờ đâu, một người bạn lại rỉ tai xin chị cho mượn toàn bộ số tiền đó. Thương bạn, chị cũng đưa. Số tiền ấy không được hoàn trả trọn vẹn lại như lời cô bạn đã hứa. Oái oăm hơn, chiếc xe là phương tiện đi lại duy nhất của chị cũng bị mất. Chị trắng tay hoàn toàn. Cái thai ngày mỗi lớn, chị vẫn phải lọ mọ đi về kiếm nơi diễn để dành tiền cho ngày sinh.

Đi hát thêm vài năm, chị dành dụm được một số vốn và bắt đầu mở Công ty ATC. “Mở rất liều, được ăn cả ngã về không. Chứ mình có biết gì về kinh doanh đâu”, Ánh Tuyết nói. Rồi phòng trà ATB được chị đưa vào kế hoạch kinh doanh của mình, tiếp đến là quán cà phê ATB. Chị chẳng giống ai, kinh doanh phòng trà chủ yếu là vì thích chứ chẳng tính nhiều đến lợi nhuận.

Qua cơn giông bão sẽ đến ngày nắng xanh. Nhưng để nghị lực có thể biến thành hồn nhiên mà bước đi trước giông bão như chị không nhiều. Hồn nhiên mà đi, đơn giản chỉ là bởi cô bé Tiếc “mèo” năm xưa, khi bán cơm nơi chợ quê ấy, luôn hy vọng vào tương lai.

(Theo Công An Nhân Dân)

vnExpress
HaiBanhIt
#3 Posted : Friday, November 30, 2007 1:37:59 AM(UTC)
HaiBanhIt

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 36

Thanks: 1 times
Huệ
#4 Posted : Friday, November 30, 2007 3:21:47 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0




Rose Rose Thân tặng,
Huệ
linhvang
#5 Posted : Friday, November 30, 2007 4:47:39 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Thấy một chị quen quen. Ai vậy ta? Rose
Users browsing this topic
Guest (8)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.