Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Đặng Thơ Thơ
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, November 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thơ Thơ



Thơ Thơ tên thật là Ðặng Thơ Thơ, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1962 tại Sài Gòn.
Là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Ðạo, thuộc thế hệ thứ ba của Tự Lực Văn Ðoàn.
Làm thơ và viết ca khúc từ năm 18 tuổi.
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ năm 1992.
Theo học ngành Tâm lý và Giáo dục Trẻ em tại CSU Long Beach.
Hiện sinh sống cùng gia đình tại Orange County, và làm việc cho Học khu Thống nhất Garden Grove.

Bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1995, cộng tác với Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Thế Kỷ 21, Chủ Ðề, Người Việt.

Hiện là ủy viên văn học của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA.


Tác phẩm đã xuất bản :
· Phòng Triển Lãm Mùa Ðông.
Phượng Các
#2 Posted : Sunday, December 12, 2004 5:54:57 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nỗi buồn tuyệt đối

Thơ Thơ



1.

Giấc mơ làm cô đau đầu kinh khủng vào sáng hôm sau.

Những ngày trời gió vẫn làm cô đau đầu như thế, và nằm mơ như thế.



Những giấc mơ luôn chạy theo một chủ đề, trong nhiều đêm chúng tạo thành một bản mơ dài nhiều tập – vì vậy việc đi ngủ cũng gần như đi xem phim, không có gì khác biệt. Từ khi nhận biết điều này, cô ngủ nhiều hơn trước. Ngủ nhiều dễ bị mụ người đi, nên sáng hôm đó Ly dậy trễ hơn thường lệ, với một cảm giác không rõ ràng (cô tưởng mình mất ngủ - nhưng chính thật là nằm mơ thấy mình không ngủ được). Nằm mở mắt rất lâu cô vẫn nghĩ đây chỉ là thức trong mơ, và muốn tỉnh dậy mình phải thức thêm nhiều lần nữa. Cô xoay trở trên giường, cố gắng làm hai việc tương phản cùng một lúc - vừa muốn quay về giấc ngủ, vừa muốn thoát ra - và thầm nghi hoặc: Mình đã thức thật chưa? Mình phải thức thêm bao nhiêu lần nữa để cuối cùng thức thật? Những cánh cửa nào mình đã đi vào, mình sẽ phải đi ra. Như đi theo một con đường đảo ngược, một trí nhớ đảo ngược,... thì sẽ thoát được ra ngoài.

Bây giờ thì cô biết mình đã hoàn toàn thoát ra, khi nhìn thấy mảng trần nhà nghiêng đang đổ xuống chỗ nằm, năm cây xà gỗ chạy song song từ ống khói đến cuối chân giường. Ðó là dấu mốc đầu tiên trước khi rơi vào giấc ngủ.

Cô đã trở lại ở tầng ba.

Mọi người đã ra khỏi nhà. Sơn chắc chắn đang ở phòng mạch, thằng bé đang ở trường. Bà Mễ Guadalupe đang vào siêu thị mua thức ăn, nếu không thì đang hẹn hò với anh bồ trẻ ở một nơi nào đó. Sự yên tĩnh đang dâng lên từ những tầng lầu bên dưới. Chỉ có tiếng phong linh yếu ớt vọng lên tự dưới đáy vườn. Cô lắng nghe âm thanh đó một hồi lâu, nhận thấy nó giống y như người: sau một đêm la hét như điên bây giờ đâm ra khản tiếng.

Một chiếc máy bay đi ngang qua hai ô cửa nhỏ trên trần - rất gần. Nó chỉ cần hơi chao mình đi thì đầu cánh sẽ quẹt vào ống khói. ý tưởng rằng nó sẽ rơi trúng đầu mình làm cô nhắm mắt, kinh hoàng. Khi mở mắt ra thì nó đã biến dạng. Cô chỉ còn thấy những tia khói trắng. Nhưng tia khói không tan đi - mà trở thành vết rạn của bầu trời bằng kiếng. Nắng bắt đầu gắt ở trên, xuyên qua vết rạn rọi thẳng xuống mặt cô.

Bây giờ không còn tiếng phong linh nữa. Những tiếng động khác đã thay thế phong linh; những âm thanh cơ giới, những âm thanh loài người. Những chiếc máy bay xuất hiện nhiều hơn, dầy hơn, cứ thay nhau lướt qua trên đầu. Cô nhìn chúng, chờ đợi: không cóù chiếc nào rơi xuống. Chúng như đã được lập chương trình sẵn, nên cứ thế mà bay thẳng.

Ly bật cười một mình. Buổi sáng đầu năm là như thế? Bắt đầu với một cơn đau, với nhiều máy bay trong đầu? Cơn đau đầu tăng dần lên. Máy bay càng lúc càng nhiều, bay thành đàn, như chim. Cô tự hỏi, có liên hệ gì giữa chúng với nhau?

Cô để nguyên áo ngủ, đi chầm chậm xuống nhà.



2.

Khi mở tủ tìm chai thuốc, cô nhận ra thuốc đã hết từ ngày hôm qua. Ðiều này khiến cô phải suy nghĩ: Hết thuốc vào một buổi sáng đầu năm, là điềm báo gì đây?

Trên tủ lạnh, Sơn đã gắn mẩu giấy viết chữ in rất to: “NHỚ UỐNG THUỐC”. Ly nhún vai, cô đã nhớ đến chuyện uống thuốc trước khi đọc lời nhắn. Hết thuốc không phải lỗi của cô. Thay vì nhắc nhở “nhớ uống thuốc”, sao Sơn không biết rằng thuốc đã hết? Cô lục lọi các ngăn, vớ được vỉ Tylenol, uống hai viên, rồi ngồi vào bàn ăn sáng.

Chỗ ngồi của cô nhìn vào quầy rượu: buổi sáng những chai rượu lấp lánh nhiều màu hơn và những cái ly chúc ngược đầu thành những quả chuông trong trắng (thật sự chúng trong vắt, và gây cảm giác trong trắng cho người nhìn).

Bên cạnh cô - chỗ thằng bé hay ngồi, còn ly sữa uống dở, vài mẩu bánh mì. Cô thấy nó vừa ăn vừa nhìn con chim sâu đang đập cánh ngoài vườn. Nó ăn quá nhanh, ăn không kịp nhai, chỉ có nuốt, không kịp thở. Cô buột miệng:

“Con đừng ăn nhanh thế, con sẽ chết vì ăn.”

Nó nhìn cô, sợ hãi.

Nỗi sợ hãi thấm vào người cô, nhanh hơn viên thuốc. Nỗi sợ hãi làm cô đau đớn.

Ánh mắt dại dột của nó làm cô đau đớn.





3.

Nỗi đau đớn không sao giải thích nổi mỗi lần nghĩ đến nó.

Nó vẫn sống bên cạnh, hiện giờ đang đi học lớp ba, phát triển bình thường, có thể lớn nhanh hơn những bạn cùng tuổi. Nó lớn nhanh như thổi. Chẳng lẽ đó là lý do khiến cho lo lắng?

Nó ngoan ngoãn và hay nhõng nhẽo, vẫn biết nghe lời. Nhạy cảm quá đáng. Có thể trở nên rất ích kỷ. Những khi giải thích rằng không nên ích kỷ, đã dùng lý lẽ, đã cố đánh mạnh vào tình cảm nó, xử dụng những hình ảnh thương tâm để nó xúc động. Nó sẽ khóc lên, đúng như ý muốn, nhưng tính ích kỷ vẫn sẽ quay trở lại sau khi khóc xong. Rất hiểu điều đó, vì cũng giống như mình. Có thể vì thế chăngï?

Ðang mất nó dần dần. Một lúc nào đó sẽ mất hẳn. Mỗi ngày qua càng mất nhiều hơn. Biết thế mà không giữa lại được đâu! Ðã có lần hỏi những bà mẹ khác có con cùng tuổi, họ chẳng sợ hãi gì, họ rất vô tư như thể cuộc sống bao giờ cũng vậy. Họ không nhìn thấy điều gì đang tới. Họ không nhìn xa hơn ngày hôm nay. Họ không tiếc nhớ ngày hôm qua. Họ không thấy thời gian đang chen vào. Họ sống với con của họ – chỉ vậy thôi, nên họ không biết lo.

Trong liên hệ này, sợ hãi là điều cụ thể nhất. Còn lại mọi thứ rất mơ hồ.



4.

Sợ hãi một bất trắc sẽ xảy ra cho nó. Mà bất trắc rất mơ hồ nên cái gì cũng trở thành bất trắc được. Mỗi lần thả nó xuống trường, đều nấn ná vài giây nhìn nó đi vào cổng. Ðể làm gì? –Chỉ níu kéo thêm vài giây, vài hình ảnh mà chắc chắn cuối cùng rồi cũng mất. Nhưng bởi vì sẽ mất nên càng níu kéo.

Nó nhảy xuống xe, xập cửa lại, rồi bắt đầu đeo backpack lên lưng. Có khi vẫy chào, có khi không. Thường là không. Nó bắt đầu nhập vào dòng những đứa trẻ khác cũng từ những chiếc xe hơi nhảy xuống.

Nhưng nó đi vào cổng theo cách riêng, không bao giờ đi thẳng. Nó nhẩn nha vòng vèo quanh những cột sắt dọc theo lối vào, thành những đường lượn của sóng, hoặc mẫu hình “syn” trên đồ thị. Dáng đi uể oải, để kéo dài thời gian vào trường, kéo dài con đường về phía bên kia cánh cổng.

Không bao giờ biết mình nhìn theo nó. Nó không hề quay lại. Nó bận rộn với trò chơi này của nó.



5.

Nó biết làm thơ khi tám tuổi.

Lần đầu tiên xảy ra khi nó xem tivi, sau một trao đổi giữa nó và cô - về một câu nói trong phim khiến nó thắc mắc. Nội dung thơ gợi lên những suy nghĩ mới. Với Ly, bài thơ hoàn chỉnh như một truyện cực ngắn.

A boy said: “Time is an illusion”

(Một thằng nhỏ nói: “Thời gian là ảo tưởng”)

His name is Billy

(Tên nó là Billy)

He said that on T.V.

(Nó nói điều đó ở trên tivi)

“Is T.V. an illusion?”
(“Phải tivi là ảo tưởng không?”)

I asked Billy.

(Con hỏi Billy.)

Chính nó ngồi dịch ra tiếng Việt, với vẻ kiêu hãnh của một nhà ngôn ngữ. Tựa đềBilly and I. Nó dịch là Billy và Con. Cô thắc mắc: tại sao không là Billy và Tôi?

Nó lắc đầu:

“I là con. Con muốn thế.”

Như thể khi nói với cô, cái tôi của nó biến mất, chỉ còn là con.











I

con

con ai

I = con

con = I ?

ai là con?

con là ai...?



6.

Ai là nó - và nó là ai?

Nỗi sợ hãi bắt đầu từ đó.

Từ một buổi sáng không xa đây lắm.



Chính là vào một buổi học đầu năm, khi mùa tựu trường đến và cô nhìn thấy thằng bé ở trong gương. Mọi sự thật ra vẫn bình thường (năm nay nó không khóc, không ôm đùi mẹ cuống cuồng, không chảy nước mắt lặng lẽ như những năm trước nữa). Ðôi má vẫn bầu bĩnh. Ánh mắt nhìn vừa chăm chú vừa bỡ ngỡ. Nó nhìn cô, vẻ kiêu hãnh: “Con đi học đây, con đã lớn rồi!”, nhưng vẫn tiềm ẩn nỗi sợ bên trong mà nó cố tình muốn giấu. Nó đã thay đồng phục xong, đang tự chải đầu. Môi mím lại, cố tém mớ tóc ngắn vắt ngang trán, vẻ nghiêm trang và ngộ nghĩnh. Sau khi những sợi tóc cứng đã chịu nằm yên xuống, nó hài lòng lắm, như đã thực hiện xong một công tác quan trọng. Nó trở nên người lớn hẳn. Chững chạc. Có thể nói là đẹp trai. Nhưng trong ánh mắt nghiêm nghị nhìn ra, có một điều gì không ổn.

Vì cách nhìn không phải của nó - mà của một người nào khác.



Một người nấp ở bên trong

nhìn ra bằng đôi mắt nó

làm cô kinh sợ.



Kinh sợ nhưng không hề kinh ngạc.



Rất bình tĩnh (sự bình tĩnh đến mức khó hiểu), cô chấp nhận việc có mặt này. Cô biểu lộ sự chấp nhận của mình cho hắn thấy (nhưng cùng lúc lại tránh không để cho thằng bé biết). Thậm chí khi nói chuyện với thằng bé, côâ còn tìm cách nói bóng gió cho hắn hiểu nữa. Cô chấp nhận rằng khi hắn có mặt, câu chuyện với thằng bé sẽ trở thành tay ba. Tuy nhiên, rất may mắn, cuộc nói chuyện không kéo dài lâu. Hắn như người khách đến không đúng lúc, hoặc đến sớm quá khi chủ nhà chưa sửa soạn xong; nên chỉ vội vã vài câu rồi rút.

(Sau này thì cô hiểu vì sao mình phải cố gắng che dấu, vờ vĩnh như vậy - thay vì theo phản ứng thông thường thì phải la lối, tìm cách đuổi hắn đi). Phản ứng ấy chỉ bất lợi cho nó. Biết đâu hắn lại chẳng tác động lên nó, nhanh hơn, thì sao? Cứ để mặc hắn! Hắn đang kiên nhẫn chờ đến thời gian của hắn, một ngày nào sẽ đến. Nhưng hắn sẽ làm gì khi đến thì chưa biết! Cô muốn nói chuyện riêng với hắn khi thằng bé vắng mặt. Nhưng chuyện này rất khó thực hiện, vì hắn chỉ đến khi thằng bé đến.

Tất cả, nói chung, còn nằm trong ẩn số thời gian.

Mà thời gian là ảo tưởng. Tivi nói vậy. Billy nói vậy. Và nó cũng nói vậy. Ai cũng biết vậy. Ảo tưởng thì không đáng sợ đâu! Thật sự không có gì đáng sợ bây giờ. Bây giờ mọi thứ vẫn còn đang hoàn hảo, rất hoàn hảo.







7.

Có một lần, nó tự nhổ một sợi tóc, đưa cho cô:

“Ðây này. Con cho mẹ.”

“Ðể làm gì?”

Nó nhìn cô - vẻ nghiêm trang, dặn dò, gần như chỉ bảo:

“Con cho mẹ một sợi tóc. Mẹ phải clone con đi. Mẹ sẽ không nhớ con nữa. Mẹ không sợ con bị mất nữa.”

Sợi tóc rất ngắn, cứng, đen nhánh. Như một cái rễ cây.

Ngơ ngẩn cả người, vì một sự thật vừa mở toang - về khả năng vô biên của con người trong việc nắm giữa và sở hữu thời gian.

Cô phải mỉm cười rất lâu với ý nghĩ này.

“Ừ. Hay đấy. Clone con nhé?”

Tại sao nó nghĩ được điều này? Tại sao nó lại nghĩ như vậy? Nó hiểu mình thế sao? Ly thở ra, nhẹ nhõm: -Mình sẽ có rất nhiều nó. Chung quanh mình toàn là nó. Giống hệt nhau vì cùng cấu trúc. Khác đôi chút về ẩn số thời gian: nó sơ sinh, nó một tuổi, nó biết đi, nó mẫu giáo, nó lớp một, nó lên tám, nó làm thơ, nó lớp ba...Như những anh em sinh cùng một trứng, ra đời sau nhau vài năm, theo một cấp số nhân bí mật. Nếu lần lượt xếp hàng chúng sẽ cao dần lên tăm tắp:

i i i i i i i i i i i i i i i

[Chuyện clone một đứa bé, dù nó đã chết hay còn đang sống, không phải là điều chưa ai nghĩ tới. Cũng chỉ như chuyện quay phim hay chụp hình, với kỹ thuật mới, với chất liệu tươi. Ðó sẽ là bằng chứng tốt nhất về sự tồn tại của nó, trong thử thách của một chuỗi thời gian rất dài.]



8.

Ly bắt đầu khóc.

Cô không muốn nghĩ ngợi nữa.

Những ý nghĩ vừa rồi làm cô tê liệt tinh thần và đau đớn tình cảm. Như có một bàn tay đang vò xé và vắt kiệt sức lực bên trong. Những ý nghĩ như vậy chẳng đi đến đâu, chỉ dẫn đến sợ hãi – cô nghĩ - và sợ hãi sẽ thành ra vô tận, không sao chịu đựng nổi. Mình hãy quên nó đi. Mình đừng nghĩ gì nữa. Mình hãy tự cứu lấy mình.

Tự cứu lấy mình. Tự cứu lấy mình.

Cô ôm đầu, lập đi lập lại ý tưởng này.



Tất cả chỉ vì hết thuốc mà ra. Cô định sau khi ăn sáng xong sẽ gọi cho Sơn, nói anh cho người mang thuốc về, hoặc cô sẽ chạy ra phòng mạch lấy. Bây giờ, điều cần nhất là phải tỉnh táo hơn một chút. Ngồi lặng im một lúc, cố giữ cho đầu óc rỗng không - một lúc sau cô thấy nhẹ đi, thanh thản hơn, và cơn khóc hoàn toàn có thể kiềm chế được. Bây giờ nó đã rút sâu trong lồng ngực; những tiếng nấc - lâu lâu vẫn làm cô bủn rủn - nhưng không tàn phá dữ dội nữa.



9.

Mười giờ rưỡi Guadalupe đi chợ về.

Hôm nay bà mặc váy đầm mới. Màu áo tươi, có những đốm hoa loáng thoáng, di động, đúng như ý tưởng cần có của một buổi sáng mùa xuân. Sự có mặt của bà ta, một người nhà, nhưng không phải trong gia đình, làm Ly bình tĩnh lại. Cô đang cần có người bên cạnh, và sự hiện diện của bà hẳn là tốt nhất trong tình huống này (cô không bao giờ muốn Sơn hay thằng bé chứng kiến mình trong trạng thái như vậy).

Trời lạnh nhưng bà vẫn ăn mặc phong phanh; để hở hai cánh tay tròn, nâu, chắc nịch. Bà vừa cất dọn đồ ăn vừa nghe một loại nhạc vui nhộn, rồi hát theo. Bà không để ý rằng Ly đang khóc. Ðồng hồ điểm mười một tiếng. Guadalupe đến hỏi (bằng tiếng Tây Ban Nha) rằng Ly muốn ăn trưa hay uống trà, bà sẽ dọn trà ngoài phòng khách hay ngoài sân, và cô có muốn căng dù lên hay ngồi ngoài nắng.

Ly nói rằng cô nên uống trà, cho đầu óc tỉnh táo lại. Và theo chương trình của một ngày, sau khi ngủ dậy mình phải ra ngoài vườn ngồi với cây.



10.

Ly đi ra vườn.

Cô vẫn chưa nhớ những gì đã xảy ra tối qua.

Cô ngồi ngoài nắng - trên một tảng đá đẹp, phẳng và có nhiều vết rạn. Chung quanh, những cây olive già đứng tụm vào nhau, dáng nghiêng ngả quằn quại vì bị gió uốn lâu ngày. Một con chim sâu đang đập cánh không ngừng ngay trước mắt, giống như treo lơ lửng từ một sợi dây vô hình thòng xuống từ trời. Mùa này chúng sẽ xây tổ trên cây si già nằm sát bên hồ. Những con chim non sẽ kêu chíu chít suốt ngày từ nay cho đến hết tháng mười. Chúng chỉ trả lại sự yên tĩnh cho khu vườn khi mùa thu tới.

Mười một giờ là lúc nắng ấm nhất. Nắng ngấm được vào da, làm cơ thể tràn trề đầy nhựa. Nắng khô ráo làm cảm giác mốc meo lúc vừa ngủ dậy biến mất. Ly thích ngồi phơi nắng, phơi cái ẩm mốc nhất là cơ thể. Cô nhớ mình đã đọc truyện về một cô gái đi tắm nắng, đắm trong nắng, say nắng, cảm nắng và cuối cùng sốt mê man vì nắng... Những tế bào trong người cô ta sinh sôi nảy nở rất nhanh vì chất đường của nắng. Trong truyện, cô ta tả cảm giác người căng lên vì nhựa rất hay, đến nỗi nhựa ứa cả ra ngoài. Ðó là cách nói của cô ta, còn những người thích khoa học sẽ nói rằng vì trời nóng nên cơ thể đổ mồ hôi cho hạ nhiệt.

Trời bắt đầu nóng. Guadalupe xuất hiện dưới giàn bông giấy đỏ, đầu buộc khăn vải, trông giống một tài tử trên bộ phim truyền hình bà vẫn theo dõi mỗi ngày. Ở Guadalupe toát ra vẻ mời gọi cuộc sống thật hấp dẫn khiến Ly nhiều lúc muốn biến thành bà ta để sống thử cảm giác ở bên trong bà... Khi Guadalupe đến gần đặt khay trà trên tảng đá, chợt bà kêu lớn “Cô coi chừng, coi chừng” - giọng thất thanh, khẩn cấp.

Ly nhìn xuống đất.

Người cô nổi gai. Phản ứng của thần kinh khi đứng trước nguy hiểm.

Ngay dưới chân cô, những mảnh thủy tinh đang tung toé khắp nơi. Chúng nhọn hoắt và phản quang những tia sáng mặt trời... Cô đã dẫm lên chúng mà không biết. Ngoài những mảnh to mà Guadalupe gom quét chung quanh, còn rất nhiều những mẩu sáng li ti nằm giữa hai kẽ đá.

Cô nhích một mẩu vụn lên tay. Mân mê, cảm được độ nhám sắc như dao cứa.

Mảnh thủy tinh lấp lánh. Cách lấp lánh như nhắc nhở một điều gì. Ðiều gì? -Một chuyển động lặng lẽ tuột trong không khí? Cô nhìn nó chăm chăm: như thể nó vừa vuột qua trí nhớ, văng xuống đất, và bây giờ cô lại lượm lên. Cô ngẫm nghĩ, cảm động. Nó đã rơi xuống đây, vào đêm hôm qua. Vỡ nát, nhưng vẫn tìm lại được. Chuyện vỡ tan chính ra là tốt cho nó (và cho cả thế giới - vì nó phản chiếu và sao chép vẻ đẹp của cuộc sống). Nếu nó cứ mãi nguyên vẹn là một cái ly, dù thủy tinh hay pha lê, nó không thể tỏa sáng rực rỡ long lanh đến thế. Bây giờ thì rất tuyệt. Nó đã gần thành như bụi, mỗi chấm là một hình ảnh thu nhỏ của mặt trời.

Khi hoá thành nhiều mảnh, xác xuất tồn tại của nó mạnh hơn nhiều.





11.

“Ðó là cách một cái ly tự clone mình thành nhiều mảnh.”

Thơ Thơ
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, February 12, 2005 11:10:01 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


KHI PHONG LINH VỠ


ÐẶNG THƠ THƠ


1.

Ðó là cuộc hẹn với cô độc bằng cách đón giao thừa một mình.

Cuộc hẹn với bất trắc bằng một hành động kỳ quặc.

Một cách phóng mình vào tương lai với một khao khát điên rồ.



Cô mở cửa nhà lúc mười một giờ rưỡi tối, nhìn thấy gió khuya đi ngang qua cành lê dại trắng. Không ngừng lại giữa những đóa cúc hương, gió tiếp tục chạy vòng quanh căn phòng lạnh mùa đông. Tới quầy rượu, cô khui một chai lâu đời nhất, chọn một cái ly kiểu mới nhất, và đi thẳng lên lầu. Ngang qua tầng hai, cô dừng lại trước phòng ngủ: những đứa bé và bà Mễã đã ngủ say? Cô leo tiếp tục lên lầu ba. Căn phòng này nằm sát mái nhà, trần là mặt phẳng nghiêng tuột hẳn xuống sàn. Ở đây có hai cửa sổ nhỏ trổ ra ngoài trời, một ống khói, và một cánh cửa hẹp bước ra bao lơn.

Bao lơn chỉ là một chỗ đứng nhỏ đủ cho một người, hơi giống cái vành móng ngựa với thành sắt lạnh. Mỗi lần đứng vào đây, cô lại nghĩ:

Bao lơn là điểm nối giữa nhà và không nhà. Nó là cửa mở ra không gian, hay mặt phẳng để phóng mình xuống cái hồ bên dưới. Mình cũng đang đứng giữa nhà và không nhà. Thật ra, chỉ có hai bàn chân là còn thuộc về nhà. Chúng đang run rẩy vì sợ độ cao nhưng vẫn ráng không quỵ xuống. Vì ráng chống đỡ nên càng run rẩy sợ. Và vì run rẩy sợ mà mình được an toàn.

Rồi cô tự hỏi: Mà tại sao lại sợ? Khi đêm đen thế này, sợ độ cao là điều vô lý, vì có thấy gì đâu? Bóng tối hầu như đã xóa nhòa độ cao theo chiều thẳng đứng. Nói chung chỉ có ba tầng lầu. Không cao lắm, nhưng đủ để lao xuống...

Mà thật sự, đây chính là nơi ẩn náu an toàn nhất. Những người mà cô chạy trốn khỏi dạ tiệc cuối năm, kể cả Sơn – chồng cô, bây giờ không can dự gì nữa. Thật ra, những người đó chẳng có vấn đề gì. Cô cũng mến họ, nhưng ngồi với họ làm cô thấy cô đơn không sao chịu nổi. Cô đơn và tức giận đến độ muốn la lên hay đập vỡ cái gì.

Cô uống cạn chỗ rượu còn lại, và nghĩ: Ðiều nào kiêng kỵ không được làm trong năm mới? Không say sưa, không đập phá, không điên cuồng, không mặc áo trắng, không khóc, không phiền muộn...

Còn một phút nữa, cô đếm thầm. Tự dưng lúc đó toàn thân nổi da gà và bàn tay lạnh toát, người run lên kích động vô cùng. Cố kềm hãm cơn buồn tiểu vì uống nhiều nước quá, cô nhìn đồng hồ. Kiểm điểm thật nhanh trong đầu: cái chai đã trút hết rượu, không còn là nó nữa – cái ly đã cạn, nhẹ bâng. Cô vung tay ném mạnh vào quãng không trước mặt.



Cô lắng nghe, khẩn thiết. Nghe. Chưa bao giờ nghe khẩn thiết như thế.

Tiếng vỡ vụn từ dưới sâu vẳng lại. Sắc và thanh, như có ngón tay lùa vội qua những phím dương cầm. Cô nổi gai ốc khắp người. Ðó còn là một tiếng gọi. Tiếng gọi của tan vỡ.

Và tên cô là Ly.



2.

Cái ly đã vỡ tan khi chạm vào nền đá lát quanh bờ hồ. Chắc chắn.

Thế là cả ba dạng hiện diện tại bao lơn đã thay đổi hẳn.

Hay một cách khác, không còn nữa. Tuy rằng cô vẫn đứng ở đây với cái chai không. Thật may mắn, bởi vì cô không nhìn thấy gì và chỉ sợ ném cái ly lên cỏ hay một bụi hoa trong vườn. Thật lâu, sau khi tiếng vỡ trong suốt đã tan hẳn, cô vẫn còn đứng ngây ngất một mình. Cảm giác ngây ngất khi làm việc gì lần đầu tiên trong đời, như yêu lần đầu, phản bội lần đầu, hôn lần đầu, làm tình lần đầu...

Giao thừa là lúc tan vỡ, chắc chắn, khi hai thứ va chạm nhau mãnh liệt như thế. Cô nhìn thấy trước mắt mình: quá khứ là một khối đen nặng trược, tương lai là một chấm sáng chập chờn nhẹ nhõm. Giao thừa là lúc thời gian bị nén lại, và thế là vỡ toang. Thời gian vỡ ghim vào nhận thức những mảnh cực kỳ long lanh. Trong người cô cũng có sự tan vỡ - nó vô hình và nó đã vỡ - tuy không rõ nó là gì. Cô biết rõ khi nó thoát ra thành tiếng khóc, không nguyên do gì cả, chỉ vì đó là giao thừa.



3.

Chùm phong linh treo dưới sâu bắt đầu thả lên trời những tiếng vang thanh thoát, khi gió ngoài trời nổi lên cuồng loạn. Gió phải cuốn cái ly bay vào những lùm cây um tùm mới phải. Tại sao gió không thảy cái ly trên mặt nước hồ? Sau này cô mới biết: cơ hội để cái ly vỡ tan là một phần mười hai. Bởi vì cô ném hết tá ly còn lại trong suốt một năm sau đó (đều vào ngày cuối tháng), và không bao giờ nghe được chuỗi âm thanh lạnh người vậy nữa.

Vào lúc đó cô gọi Linh Ðằng (cái ly vỡ là mệnh đề điều kiện, và gọi cho Linh Ðằng là mệnh đề hệ quả).

“Hello! Linh Ðằng?”

“Ðằng đây.”

Giọng nói mạnh, khẳng định. Nghe tự cao nhưng không kiêu ngạo. Như nói rằng“Tôi đây, tôi thế đấy”.

“Ngày em mai đến. Chiều nhé.”

“Ðến đi. Mấy giờ?”

“Em sẽ gọi lại.”

“Ừ nhé. Happy New Year.”

“Happy New Year.”

“Năm mới.”

“Vâng, năm mới.”

“Bye.”

“Bye.”



Nhắm mắt lại, Ly bám vào thành sắt, bật người ra sau. Nhắm mắt lại và tan vào bóng tối. Ðứng ngoài không gian nhìn xuống, thân hình cô vắt lên lan can như một mảnh áo mềm. Mảnh áo có hình dáng của người đàn bà, nhưng bất động, không linh hồn bên trong.



4.

Cuộc hẹn chưa đến nhưng có thể biết điều gì sẽ xảy ra.

Nó là nối tiếp của lần đầu tiên khi cô đến nhà anh.

Lần đó là một cuộc tỏ tình chóng vánh.

Một cuộc đuổi bắt vòng quanh trong nhà, giữa những bức tranh.

Lần đầu tiên bước chân vào căn phòng đó, cảm giác rất khác với bước chân vào những nơi chốn khác, không bỡ ngỡ như người khách lạ. Trong đó là thế giới của cô. Một tiếng nói quen thuộc nói với cô điều đó. Tất nhiên cô chưa biết bên trong có gì, nhưng có sự hứa hẹn rằng cô sẽ tìm được điều đang tìm kiếm. Sự hứa hẹn rằng những khám phá trong đó không làm cô thất vọng. Sự hứa hẹn rằng sẽ có vô số điều mở ra từ từ, như mỗi căn phòng lại mở ra một căn phòng khác, cứ thế, mãi mãi.

Cô nhìn anh từ phía sau. Bàn tay mở khóa, xoay nắm cửa từ tốn. Mọi hành động hết sức thận trọng, như thể chính anh đang mở cửa một ngôi nhà lạ. Và hai người bắt đầu đột nhập vào.

Tiếng gót giầy gõ lên sàn gỗ, tiếng cửa rít lên nhè nhẹ và tiếng chốt khóa đập vào khung sắt. Lối vào phòng khách phải đi ngang qua bếp (kiểu apartment những năm 1970), studio vẽ nằm ở góc trái chỗ trông ra vườn. Họ đang đứng giữa những bức tranh. Cô nhìn quanh, quan sát - không cần dấu rằng mình đang quan sát (đó là thói quen từ khi mắc phải bệnh tâm thần ám ảnh). Sau đó thì mọi thứ hiện lên dần dần, những đồ đạc, những vật dụng nhỏ nhặt, những mặt người trong trạng thái khủng hoảng dưới ánh nắng chiều. Ðấy sẽ là nhân chứng cho các ý nghĩ của cô lúc đó, sau này khi muốn tìm hiểu lại.



Linh Ðằng gỡ những lớp vải che, đặt tranh lên giá, từng bức một...

Ly ngắm tranh với vẻ dè dặt, kỹ kưỡng. Kinh nghiệm cho cô biết đây là loại tranh phải xem nhiều lần, và mỗi lần xem phải áp dụng nhiều phương cách nhìn khác. Khi cảm thấy đủ, cô quay sang anh khẽ hất đầu, ra dấu hãy tiếp tục. Và anh lại chồng lên đó một bức tranh khác. Cứ như là vô tận. Ly định nói lên vài nhận định, nhưng vẻ im lìm của họa sĩ khiến ý tưởng cô trở nên chìm lặng. Từ một dáng vẻ hoạt bát lúc đầu, giờ cô chuyển sang thụ động. Linh Ðằng có vẻ đang bận tâm suy tư và hoàn toàn không để ý đến xã giao. Ly hơi hối tiếc vì đã đến đây, nhưng làm sao rút lui? Hành động xem tranh với Linh Ðằng như đi trên đường một chiều, càng đi càng khó thoát.

“Vào trong này, còn nữa.”

Họ đi vào studio. Những bức tranh đi hẳn vào nội tâm. Một cuộc triển lãm những chân dung quái lạ. Nhiều tiếng nói câm lặng đang nhăn nhó trên những bệt màu. Vẻ đau khổ toát ra từ đó. Cô cảm tưởng mình biết những người này, và họ cũng đang chào đón cô.

“Cách nhìn của họ làm Ly khó chịu.”

Cô nói to, ngạc nhiên vì lối nói của mình.

Mắt anh lóe lên ánh sáng thích thú. Bất chợt anh chăm chú nhìn cô:

“Họ điên đấy.”

Kỳ lạ, cô chấp nhận ngay điều này, là họ tất cả đều điên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không phải Linh Ðằng mới vừa nói câu đó. Sau này thì cô biết người nào đã nói.

“Họ là anh phải không?” Ly bâng khuâng tự hỏi.

Câu hỏi là một chuyển mạch trong câu chuyện.

Một bàn tay ôm ngang lưng cô. Cách đặt tay rất nhẹ, nhẹ đến nỗi có thể lờ đi như không có.

“Anh không vẽ khỏa thân à?”

“Có. Ở trong này.”

Cô đi theo anh. Họ vào trong phòng ngủ.



5.

Lúc đi vào phòng ngủ của họa sĩ, cô biết mình có thể đi ra an toàn, không suy xuyển gì cả. Cô điềm nhiên quan sát những bức tranh treo ở vị trí khuất, khó nhìn. Những câu nói của cô có thể hiểu theo nghĩa táo bạo. Thật ra chúng chỉ tự nhiên thôi. Khi tự nhiên ngưòi ta sẽ nói thẳng những gì họ nghĩ. Tuy nhiên, vì ở trong phòng ngủ, cô nghĩ sự tự nhiên của mình cần được thử thách nhiều hơn. Vì vậy trước mỗi bức tranh cô cố đứng lâu hơn một chút.

Ðó là những hoang tưởng dục tính, hay giải phẫu thân xác, hơn là khỏa thân. Những mảnh cơ thể tung tóe trên tường. Cách vẽ như cầm một thân người quẳng vào khung vải, và sự ngẫu nhiên sẽ ghim lên đó từng bộ phận. Những con người được miêu tả trong trạng thái cực lạc khi hình hài bị xé tan nát. Con mắt và đôi môi di chuyển trên đường thẳng là những ý nghĩ phóng từ bộ phận này sang bộ phận khác. Nằm dưới bề sâu của bức tranh là những đường gấp khúc rối loạn mà Linh Ðằng muốn dùng để mô tả sự tiến hành cấp tốc của thời gian.



6.

Suốt thời gian trong phòng ngủ Linh Ðằng giữ một khoảng cách chính xác là ba bước. Anh lặng lẽ theo sau, trong khi cô di chuyển qua lại trước những bức tranh. Khi ở phòng ngủ ra anh thấy Ly đứng nhìn những bức chân dung với vẻ thắc mắc khó hiểu.

“Uống rượu nhé?” Linh Ðằng hỏi đột ngột.

Cô nhìn anh, và hiểu đấy là lời mời: “ Hãy ở lại lâu hơn với tôi.”

“Rượu? Rượu đỏ?

Anh không trả lời. Hơn thế nữa, anh trả lời bằng cách không trả lời.

Tại sao cô ghi nhận điều này? -Không hiểu nổi.

Khi Linh Ðằng đi lấy rượu, có vẻ như anh đang thầm lặng lách qua những dấu hỏi. Tại sao nhận thức của cô lại chú ý đến việc anh không nói gì, mà không phải là những gì anh nói? - Ðiều đó cũng không quan trọng. Chính thắc mắc của cô mới là quan trọng. Một nỗi thắc mắc triền miên. Và sau này hệ thống ngôn ngữ của hai người bao gồm cả những điều họ không nói với nhau.

Một mình trong phòng vẽ, cô nghe tiếng đá rơi lục cục, tiếng cửa tủ lạnh ập lại, và tiếng cổ chai va chạm thành ly. Trong một tấm gương lớn phản chiếu những mặt người ở vách tường đối diện, cô khoanh tay đứng nhìn họ, và nhìn chính mình giữa họ. Thấy Linh Ðằng xuất hiện từ phía sau, mỗi tay cầm một ly rượu, cô giạât thót mình. Tại sao lúc đó cô hoảng hốt vậy, giống như anh cầm hai khẩu súng chĩa vào lưng cô.

Anh thích thú trước thái độ của cô. Thoạt tiên cô nhìn cái ly với vẻ quái lạ - như thể có thuốc mê, rượu độc - nhưng vẫn đưa tay đón lấy. Họ đứng xéo nhau, ngăn cách bởi cánh tay cô cầm ly rượu. Cô nhìn cái ly, rồi nhìn anh - nghi hoặc. Thật sự cô muốn nhìn xuyên qua mắt anh.

Ấn tượng lúc mới gặp đã bị xóa đi.

Ly không phải như bề ngoài của cô, không phải như người ta tưởng.

Khi hai người mới gặp ở phòng triển lãm mùa đông, cô gần như đâm xầm vào Linh Ðằng, vì mắt cô không nhìn thực tại mà dán vào những bức tranh trên tường. Trông cô ngơ ngác. Cô gợi nhớ một đứa bé đi lạc, như nó sẽ bấu víu vào bất cứ người nào nó gặp, và ai cũng có thể lừa gạt nó. Ðó là do đôi mắt lạc loài của cô.

Nhưng bây giờ, anh nhìn thấy một ống kính tò mò, kiểu tò mò muốn biết những điều không thể biết. Ðó là một đôi mắt nguy hiểm, bởi nó đánh lừa người khác. Cô tạo cho người khác một ấn tượng rất mạnh mẽ và sai lạc về mình. Theo anh, cô không hẳn ý thức điều đó, mà dùng nó làm lợi khí một cách tùy nghi mơ hồ.



7.

Khi gọi Linh Ðằng, cô hiểu mình sẽ phải làm tình với anh ngay buổi hẹn đầu tiên. Vì đó là vấn đề đặt ra, rất bức thiết. Anh đã nói: “Anh muốn ngủ với em”, sau khi hai người hôn nhau.

Từ thời điểm cô nhấp nháp ly rượu mạnh với sự hoài nghi đó, một loạt diễn biến xảy ra nhanh cấp kỳ - nhanh hơn tốc độ thu của máy điện tử, nên chắc chắn cô đã bỏ sót nhiều chi tiết đáng ghi nhớ. Chẳng hạn lúc nào bắt đầu bị gợi tình? -Khi anh vuốt ve cuối sống lưng làm cô rợn người, hay trước đó nữa? – Rồi cảm giác tê rợn đi theo vào phòng vẽ? -Lúc Linh Ðằng vào bếp pha rượu, cái vuốt ve vẫn ở lại và làm cho ẩm ướt? Từ đó dẫn đến lúc hai người hôn nhau, họ đã nói gì, làm gì, tính toán gì..., cô chỉ có thể tạm cho vào một tóm lược như sau:

Linh Ðằng thấy cô uống gần nửa ly rượu, và anh nghĩ rất nhanh: Chỉ một phút nữa cô ấy sẽ nốc cạn ly và đòi về. Anh lấy một tập phác họa bằng bút chì đưa cho Ly, nói vài câu mà cả hai người đều không nhớ là gì, thậm chí nói xong anh cũng không hiểu mình đã nói gì.

Ly cầm trong tay những phác họa đa tầng, nhiều hình thể ẩn nấp trong nhau. Những đường cong run rẩy và những đường thẳng không thể tách rời hay kết thúc. Ðường này bắt nguồn từ đường kia và chuyển hướng vô tận. Ly dừng lại trang cuối cùng, đề ngày hôm qua. Và hiểu vì sao anh muốn cô xem.

Hình vẽ hai người đang ômï quấn lấy nhau. Trông toàn thể hỗn độn và nhập một. Khi để cái nhìn ngưng đọng lại, một loạt chuyển động sẽ hiện hình trên mặt giấy. Có đè nén vội vã, có nâng đỡ êm ả, luân phiên tạo thành một xoắn suýt mê loạn...Càng nhìn, sức lực trong mỗi động tác càng bạo liệt: bấu cứng, ghì xiết, co quặp...

“Mới vẽ đấy.” Linh Ðằng nói từ phía sau.

“Ðẹp.”

Ly vẫn chăm chú nhìn những chuyển động, và chúng bắt đầu quấn lấy cô.

“Thế à?”

“Anh vẽ thành tranh đi.”

Cô nghĩ: Mình sẽ mua bức này. Một lúc nào đó mình sẽ rơi hẳn vào trong.

Một căn phòng riêng, không cần người đàn ông nào hết.

“Thế à? Vẽ thành tranh cho em nhé !”

Linh Ðằng đã đứng rất gần.

Giọïng nói như mê man. Câu nói và cách nói của anh tạo ra hai bản nghĩa khác nhau. Câu nói nằm trong đối thoại. Cách nói đi ra ngoài ý thức, nó có vẻ kỳ lạ và báo động, khiến cô bất giác nhìn lên.

Linh Ðằng cũng đang nhìn cô. Thấy cô ngước lên, anh nghiêng mình xuống gần hơn. Trước đó một giây thôi, cô không hề có ý định hôn anh. Nhưng bây giờ một thôi thúc khó hiểu đang xúi bẩy. Cô muốn vươn tới một thứ đang treo lơ lửng giữa hai người. Chính điểm treo đó kéo họ lại gần nhau hơn nữa.



Cái hôn đó không phải do ý muốn.

Nó chỉ tình cờ rơi đúng vào khoảng khắc (...) mà mọi thứ đều có thể xảy ra.





9.

Sau khi ở nhà Linh Ðằng ra, cô nhận được lời nhắn của Sơn từ điện thoại cầm tay: “Không về nhà tối nay. Cấp cứu ở Fountain Valley”. Và thấy nhẹ nhõm hẳn.



Cô lái xe với những câu hỏi rối loạn trong đầu:

Ðiều gì vừa mới xảy ra?

Tại sao mình làm vậy?

Mình có làm vậy không?

Tại sao mình điên vây?

Có phải vậy điên không?

Cô vừa lái xe, vừa lắc đầu quầy quậy. Cô tìm cách chối bỏ điều đó bằng sự hoài nghi. Và lái xe với tâm trạng nửa tỉnh táo nửa lãng đãng. Vì vậy cô đã vượt qua những con đường quen thuộc dẫn về nhà. Mỗi lần lắc đầu cô lại bỏ quên một khúc rẽ, một ngã tư đường, và càng lúc càng đi xa hơn.

Cô vào xa lộ. Vượt ra những lane ngoài. Qua mặt những chiếc xe đang trở thành chướng ngại. Freeway là nơi lý tưởng để lái xe và nghĩ ngợi. Hai công việc vừa tiến hành song song bên nhau, không cản trở nhau, không đụng chạm nhau; mà còn hỗ trợ nhau.

Cô vừa lái vừa nghĩ vậy.

Cô nhấn thêm ga. Tốc độ ảnh hưởng vô cùng lên suy nghĩ của người lái. Khi xe chạy, nó đẩy luồng tư tưởng đi nhanh hơn. Như một cái búng tay, nó bật ra những suy nghĩ mới, và cứ thế chạy miên man trong quán tính.

Cô vượt qua những thành phố xô bồ, với nỗi khao khát không cùng muốn vươn tới dãy núi nằm chắn cuối đường. ý nghĩ bây giờ đi nhanh hơn những đám mây đen trên đầu, nhanh hơn tốc độ xe đời mới. Nếu tiếp tục cuộc đua, chiếc xe sẽ đâm xầm vào khối mây khổng lồ đang từ từ cất lên ở chỗ mặt trời đang rơi.

Mặt trời biến mất ở tận cùng xa lộ. Dãy núi ở cuối đường lúc trước, bây giờ đang từ từ vây lấy cô. ý tưởng và tốc độ đi chậm lại trên con đường vòng vèo dẫn tới một bãi xe thênh thang. Toàn cảnh biến đổi rất kỳ lạ, như tất cả xe đang chạy trên xa lộ cuối cùng đều đổ hết về đây.



Và cô bước ra ngoài

nhìn ngắm những trái núi

có lẽ cao hơn trong tưởng tượng.



Sau đó cô vào ngồi

trong rạp hát AMC

ở khu giải trí mang

tên Những Hình Khối

thuộc thành phố Màu Cam.



Ðấy là một cuốn phim hay.



Cô chọn nó không lưỡng lự giữa những phim khác vừa được Oscar, vì đã đọc bài giới thiệu phim mới tuần rồi, có một đoạn làm cô chú ý:



“Lấy từ một tiểu thuyết, kể về những người đàn bà cô đơn, và liên hệ giữa họ chỉ toàn do ý tưởng.

Người đầu tiên là một nhà văn. Người thứ hai là nhân vật của nhà văn, mà cũng viết văn, nên gọi là nhà văn thứ hai, để phân biệt. Người này viết về một người đàn bà thứ ba nữa. Trong phim, vai diễn này đã không phân biệt được người tạo ra mình là nhà văn thứ hai, hay nhà văn thứ nhất. Vì cả hai người đàn bà này cuối cùng đều tự tử nên rất khó xác định.

Một vai diễn khác, tương đối đỡ rắc rối là người đọc. Nhưng rồi chính người đọc cũng không phải là tận cùng, mà lại trở thành nhân vật của cuốn sách người ấy đọc.”



Cô yêu thích cuốn phim này. Chuyện không khó hiểu, nhưng cũng không dễ hiểu, thế mà hay. Nó không hẳn như những gì mình thấy. Nó khác thế, nó hơn thế, và nó đi ra ngoài những cái tưởng là thế.



Cảnh cuối cùng hứa hẹn rằng sau cuốn phim sẽ còn nhiều điều khác xảy ra:

Một người đàn bà về nhà, cởi hết quần áo, đem treo ngoài cửa sổ. Rồi đứng bên trong nhìn ra, với thân thể trần truồng. Người ấy cúi nhìn một phần ngực trắng thấp thoáng bên khung cửa tối và ẩm. Trên nền những nóc nhà xám trơ, chiếc áo màu sặc sỡ đu đưa trong gió. Toàn cảnh toát ra vẻ buồn bã - bởi chiếc áo đã từng là người ấy, đã khoác lên thân thể ấy.

Và nó trở thành biểu tượng của chia lìa trong cùng một con người.



10.

Tối giao thừa sau khi hẹn xong với Linh Ðằng, cô ngủ lại trong phòng viết tầng ba. Sơn chưa về là lý do rất tốt để cô làm vậy. Ðến ba giờ sáng tiếng cửa garage cuốn lên vọng vào trong giấc mơ - lúc đó cô đang đứng trên thành bao lơn, sắp sửa ném cái ly và lao mình xuống, xem thứ nào vỡ trước.

Người cô rơi vào khoảng không, lặng hút đi.

Khi rơi xuống cô nghe một tiếng gọi dài Ly..., Ly..., Ly...xuyên lên từ vòm cây bên dưới. Ly, Ly, Ly... mà cũng có thể là Ði, đi, đi...

Tiếng kêu đúng tên mình vào giây phút đó khiến độ rơi không thể chạm vào cực điểm. Nó hất dội cô trở lại. Hãy hình dung một tấm lưới có độ nhún thật mạnh giăng ra giữa trời, Ly cứ bị tung lên hất xuống giữa độ sâu của bao lơn và tiếng vọng tha thiết đó. Lời kêu gọi hãy tiếp tục trò chơi với nó: đi đi Ly..., Ly đi đi..., đi đi Ly... Ly đi đi..., Thoạt đầu cô rơi xuống và nó thảy cô lên. Sau đó nó hút cô xuống và cô tìm cách vọt lên để thoát ra. Nhưng cô không thể thoát ra khỏi trò chơi lưỡng cực này, nó là vô tận.











Trong suốt thời gian bay bổng như một thể nghiệm vật lý theo

chiều

thẳng

đứng

Cô nhìn thấy

MỘT NGƯỜI ÐÀN BÀ NẰM NGỬA SÓNG XOÀI TRÊN CĂN GÁC XÉP.



Dáng nằm nửa thức nửa ngủ, giống như nằm chơi

Mặt hướng ra ngoài trời chờ xem một trò ngoạn mục?



Cô tưởng người đó đang nhìn mình, nhưng không phải vậy.



Qua ô cửa nhỏ trên trần, người đó thấy những mảng không gian lồng lộng gió bay vùn vụt trên đầu. Rồi chúng vụt xà xuống thấp, di chuyển theo chiều ngang. Khi đập vào chiếc phong linh, chúng vỡ thành những mảnh vụn không gian nhỏ. Khi phong linh cất tiếng kêu, đó là lúc không gian vỡ nát rơi lả tả. Người ta vẫn tưởng gió làm phong linh kêu. Không phải! – Khi cái gì bị đập vỡ nó kêu vang như thế. Như khi cô ném cái ly vào bóng tối tạo thành tiếng dương cầm sắc lạnh. Như khi một người khác đi vào thân thể mình và tiếng kêu thoát ra báo hiệu một nứt rạn bên trong.

Tiếng kêu của phong linh hôm đó vật vã và đau đớn. Nó bị hành hạ suốt đêm. Càng kiệt sức nó càng kêu lớn tiếng. Chưa bao giờ nó chơi hết mình như vậy.



...ra đời từ một giấc mơ của Ly

(lẫn với tiếng phong linh)

ÐING ÐOONG...

...vẫn thích những đêm trời gió

CRING CROONG...

...thoát ra ngoài thinh không

CRING CRONG...

...đánh thức người đàn bà đang ngủ

ÐING ÐOONG...

... khoác mảnh áo mềm vắt ở lan can

đi vào buổi tối

Cring cring CROONG...

ÐING Ðoong...

Cring cring CROONG...





ÐẶNG THƠ THƠ

Phượng Các
#4 Posted : Monday, February 1, 2016 4:42:13 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Nhà văn Đặng Thơ Thơ. (Hình: Uyên Nguyên)

Đinh Quang Anh Thái - Đặng Thơ Thơ nói về 20 năm văn học miền Nam (1954-1975)
Thứ Năm, ngày 27 tháng 11 năm 2014


LTS: Vào hai ngày, 6 và 7 Tháng Mười Hai, sắp tới, hội thảo Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954-1975) sẽ được tổ chức tại nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo ở Westminster. Gần 20 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và nghiên cứu văn học tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc sẽ trình bày và phân tích những đặc điểm, thành tựu và ảnh hưởng của văn học miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975. Ban tổ chức gồm nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ và báo mạng Da Mầu. Nhân dịp này, nhà văn Đặng Thơ Thơ dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do nhà báo Đinh Quang Anh Thái thực hiện.

Đinh Quang Anh Thái (NV): Đề tài thuyết trình của chị trong cuộc Hội Thảo 20 năm Văn Học Miền Nam là Khái Niệm Mẹ và Những Di Sản Cho Con, chị có thể cho biết tại sao chị chọn đề tài này?

Nhà văn Đặng Thơ Thơ: Sau khi nhận lời thuyết trình trong hội thảo, tôi mất một thời gian khá lâu để đọc, đọc lại, và tìm kiếm thêm những tác phẩm trước nay chưa có dịp đọc. Thoạt đầu tôi muốn tập trung vào các tác phẩm của những nhà văn nữ và tìm hiểu ý thức nữ quyền thể hiện vào giai đoạn trước 1975 như thế nào. Nhưng có một vài thay đổi, trước hết tôi không thể đọc hết tất cả những tác phẩm của những người viết nữ trong giai đoạn 20 năm 1954-1975 và tôi cảm thấy sẽ thiếu sót trong một đề tài nghiên cứu rộng như thế với thời gian và phương tiện hạn hẹp như hiện nay. Sau đó tôi biết nhà văn Trịnh Thanh Thủy sẽ thuyết trình về đề tài nữ quyền và tôi cảm thấy rất mừng là sẽ có người nói thay mình về vấn đề này. Cuối cùng trong một lần gặp mặt nhà văn Viên Linh, tôi được anh tặng cuốn tân truyện Thị Trấn Miền Đông viết năm 1963, ấn bản cuối cùng anh còn giữ. Tôi đọc liền một mạch. Một tiểu thuyết tuyệt vời! Về mặt kỹ thuật và phong cách viết, đây là một truyện hoàn toàn không bị cũ khi đọc lại sau hơn nửa thế kỷ. Không khí và ngôn ngữ truyện lôi kéo ngay từ trang đầu tiên. Thứ hai, về mặt chủ đề, truyện Thị Trấn Miền Đông đưa ra rất nhiều vấn đề bao quát cho những câu hỏi về gia đình, đất nước, thế hệ lớn lên trong thời chiến, các di sản từ chiến tranh, giải pháp nào khả thể, v.v... thông qua ẩn dụ về việc chia chác gia tài. Có thể nói, tôi quyết định viết về khái niệm “Mẹ và di sản cho con” sau khi đọc Thị Trấn Miền Đông của Viên Linh. Nội dung và kết thúc của Thị Trấn Miền Đông rất thú vị vì nó là một dự cảm rất đúng của tác giả về tương lai của miền Nam vào năm 1975. Cái chết của người mẹ trong Thị Trấn Miền Đông là một ẩn dụ về miền Nam bị bức tử và toàn truyện là sự ám ảnh về bóng ma của quá khứ vẫn đang theo đuổi chúng ta cho đến ngày hôm nay.

NV: Nói về khái niệm di sản của mẹ, nhà văn Dương Nghiễm Mậu viết cuốn Gia Tài Người Mẹ cũng vào năm 1963 khi cuộc chiến ở Việt Nam bước sang giai đoạn mới cùng với những xáo trộn về các mặt chính trị xã hội ở miền Nam. Chị có đề cập đến cuốn này trong phần thuyết trình không? Ngoài ra còn có những tác phẩm nào khác nằm trong chủ đề mà chị sẽ trình bày?

Nhà văn Đặng Thơ Thơ: Không thể không nói đến cuốn Gia Tài Người Mẹ. Hai di sản “lớn” nhất mà thế hệ người viết trước 75 thụ hưởng là di sản của cuộc nội chiến ý thức hệ và di sản hậu thuộc địa sau 100 năm dưới sự thống trị của Pháp. Tôi sẽ dành một phần lớn để phân tích về di sản hậu thuộc địa trong tác phẩm Gia Tài Người Mẹ. Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã dùng người mẹ như ẩn dụ về dân tộc qua những lần “kết hôn” với những thể chế khác nhau: chế độ thuộc địa, ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, lý tưởng tự do của miền Nam... Thái độ của những người con đối với mẹ và quan hệ giữa họ với nhau thể hiện cái nhìn của tác giả về sự bế tắc của cuộc nội chiến ý thức hệ lúc đó. Trong Gia Tài Người Mẹ với sự có mặt của nhẫn - người con gái út lai Tây đen, hậu quả một vụ hãm hiếp - trong truyện, quan hệ mẹ con và những nỗ lực thoát ly khỏi gia đình của những người con trở thành biểu tượng của một tinh thần dân tộc muốn phủ nhận quá khứ bị trị và những di sản của chế độ thực dân mới cách đó không lâu. Có thể đọc Gia Tài Người Mẹ như một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hậu thuộc địa vào giai đoạn trước 75. Trong bối cảnh lịch sử của đất nước, quan hệ mẹ-con trong Gia Tài Người Mẹ vừa là một liên hệ chồng chéo của giai cấp, chủng tộc, và giới tính vừa là một phúng dụ/ngụ ngôn của một mẫu quốc thống trị và một đất nước “con” bị trị. Nhưng ngay tại thời điểm 2014 này, Gia Tài Người Mẹ lại đưa ra một chiều kích lịch sử khác. Cuối truyện Gia Tài Người Mẹ là cảnh bóng tối bao trùm và những người con ngồi nghe tiếng chân của những kẻ lạ mặt tiến lại gần. Không thể nào không liên tưởng đến tình trạng đất nước ngày hôm nay với sự có mặt của những kẻ lạ trên quê hương.

NV: Chị nói đến khái niệm mẹ và di sản của mẹ, thì điều này có liên hệ gì với ý thức nữ quyền là ý định ban đầu của chị không?

Nhà văn Đặng Thơ Thơ: Tôi sẽ dành một phần trong bài để nói về những quan hệ chồng chéo của giới tính và chủng tộc trong cách nhìn về mẹ qua tác phẩm Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của nhà văn Nhã Ca, và hai truyện ngắn “Người Con Gái Tuổi Mèo” của nhà văn Trùng Dương và “Ăn Chịu Thử Một Lần” của nhà văn Minh Quân. Tôi chú ý đến sự khác biệt giới tính của người viết khi nhìn về mẹ, cụ thể là mẹ trong Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của Nhã Ca rất khác với mẹ trong truyện của hai nhà văn nam là Viên Linh và Dương Nghiễm Mậu.

Trong “Người Con Gái Tuổi Mèo,” nhân vật Bích của Trùng Dương có những suy nghĩ và cách soi rọi bản thân mang tính độc lập và thể hiện ý thức nữ quyền, trong đó có việc tự chăm sóc đời sống tinh thần, kiến thức, và trí tuệ của chính mình, và chọn cách sống đối nghịch với các quy ước xã hội. Quyết định không thuộc về một người đàn ông nào là một cách khẳng định quyền sở hữu bản thân. Việc cô từ chối không lấy một người chồng ngoại quốc có thể nhìn như cách để thách thức những quyền lực áp chế của chủ nghĩa đế quốc đang bành trướng, và để giải trừ những di sản hậu thuộc địa như trong trường hợp Nhẫn, người con gái lai Tây đen, trong Gia Tài Người Mẹ. Để liên kết với khái niệm mẹ, mà Bích không có mẹ, tôi chú ý đến chi tiết Bích giả bộ nói chuyện với hồn ma của mẹ. Đó là một quá trình đẩy tới tận cùng ý niệm về mẹ, từ hấp hối Gia Tài Người Mẹ, đến tự vẫn Thị Trấn Miền Đông, và trở thành một hồn ma không siêu thoát được, mà lại là một hồn ma giả nữa.

NV: Từ những truyện mà chị vừa nhắc, đến văn học miền Nam nói chung, chúng ta rút ra được nhận định gì?

Nhà văn Đặng Thơ Thơ: Trở lại truyện Thị Trấn Miền Đông của Viên Linh, chính tác giả đã viết trong phần mở đầu với tựa đề Tác Phẩm Đầu Tay, “Câu hỏi vẫn còn nguyên cho thời thế và quê hương của Liên, nhân vật chính trong truyện này, dù đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, và mẹ Liên nếu chưa treo cổ, có thể sẽ vẫn treo cổ lại.” Miền Nam đã chết nhưng linh hồn của miền Nam, bóng ma của người mẹ, vẫn tồn tại. Đã 40 năm sau khi đất nước bị bức tử, bóng ma vẫn đang nằm trong mỗi người chúng ta: Đó là nền văn học miền Nam đã bị trải qua cuộc phần thư, chết đi sống lại, và cương quyết từ chối bị vùi dập. Mẹ và di sản của mẹ là một dự cảm rất sớm của những người viết miền Nam giai đoạn 54-75 về sự tồn tại của một nền văn học hai mươi năm, chết rất trẻ, và giữ trong nó tất cả chất tươi mới, đột phá, sáng tạo, của một thế hệ viết trong tự do và viết trong ý thức rạch ròi về trách nhiệm và đạo lý của người viết. Nếu chúng ta đã viết cho dòng văn học miền Nam, nếu chúng ta đã đọc những tác phẩm của văn học miền Nam, nếu chúng ta đã từng là nhân chứng/nhân vật sống cho những tác phẩm của văn học miền Nam, thì chúng ta là người đã tạo ra những hồn ma đó, và chúng ta chịu trách nhiệm phải cư xử thế nào cho phải đối với những bóng ma của mẹ. Đó là công việc của người làm văn học để lưu truyền những di sản tinh thần cho những thế hệ tiếp theo.

NV: Cám ơn nhà văn Đặng Thơ Thơ đã trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.