Theo chân SAP-VN về vùng nước nổiSunday, October 30, 2005
Có nụ cười nào tươi hơn?
Nguyễn Trung Tín/Người Việt(Tường trình từ An Giang, Việt Nam)
AN GIANG-VIỆT NAM - Sáng 24 Tháng Mười đang mơ màng ngủ thì nhận được điện thoại của Bác Sĩ Châu cho biết còn 1 giờ nữa thì đoàn bác sĩ của SAP-VN sẽ lên đường đi An Giang, tôi phải tự mình kiếm xe đò đi Long Xuyên để gặp Tiến Sĩ Huỳnh Phước Ðương phụ trách nhóm bác sĩ có trách nhiệm đi thẩm định lại những bệnh nhân đã được SAP-VN trợ cấp giải phẫu chỉnh hình.
Con đường từ Sài Gòn đi Long Xuyên khá tốt nhưng đến đoạn ngang qua thị xã Sa Ðéc thì con đường đang sửa chữa khiến cho đoạn đường chưa tới 200 cây số từ Sài Gòn đi Long Xuyên phải mất hơn 5 giờ.
Tám giờ sáng ngày 25 Tháng Mười tôi đến văn phòng Ủy Ban Dân Số Và Trẻ Em thành phố Long Xuyên thì Tiến Sĩ Huỳnh Phước Ðương cùng nữ Bác Sĩ Jean Liêu và vài người trong đoàn SAP-VN đã có mặt chờ nhân viên của ủy ban dân số gia đình và trẻ em di chuyển những em đã được SAP-VN tài trợ phẫu thuật chỉnh hình trong năm đến tái khám, mỗi em cũng được SAP-VN chi trả chi phí đi lại từ nhà đến (mỗi em có từ 20 đến 50 ngàn VNÐ) tùy xa hay gần.
Bác Sĩ Jean Lieu đang tái khám cho bé Luân, bên phải là Tiến Sĩ Ðương.
Bác Sĩ Jean Liêu còn rất trẻ, vui tính, thân thiện, những em đã được phẫu thuật chỉnh hình đều được Bác Sĩ Jean Liêu khám rất cẩn thận và cho biết kết quả đạt được đến mức độ nào. Trong số 38 em được khám sáng 25 Tháng Mười có một số em được tiếp tục phẫu thuật chân còn lại. Sau khi Bác Sĩ Jean Liêu chấp nhận kết quả phẫu thuật, ngoài ra SAP-VN còn nhận thêm 5 em khác mới đến khám, xin vào chương trình chỉnh hình của SAP-VN.
Cần nói rõ thêm là những em được chấp nhận vào danh sách chỉnh hình kể từ khi nhập viện đến khi về nhà đều được SAP-VN tài trợ 100% chi phí kể cả tiền di chuyển, ăn uống trong suốt thời gian chỉnh hình cộng với tiền mua sắm những dụng cụ trợ giúp sau phẫu thuật như là chân giả, nẹp chân...
Phần lớn (có đến 90%) những em bị khuyết tật đều thất học hay chỉ học hết lớp ba, cá biệt chỉ hai em vẫn còn đi học lớp 6, những em này cho biết là gia đình rất cố gắng nhưng cũng phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, vì đến trường học cấp hai thì có thể phải lên lầu nên khó theo đuổi lâu dài (Việt Nam không có những tiện nghi dành riêng cho người tàn tật, kể cả những nơi công cộng).
Mơ ước của những em đã được chỉnh hình là có tiền học nghề kiếm sống, do đó Tiến Sĩ Ðương (cũng là người khuyết tật) rất trăn trở với vấn nạn này, ông tâm sự với chúng tôi là hiện nay SAP-VN đang nỗ lực tiếp tục chăm sóc những em đã được phẫu thuật bằng cách giúp những em học một nghề gì đó. Rất nhiều em hiện nay sau khi vui mừng được chỉnh hình thì chuyện âu lo làm sao có nghề nghiệp, sống tự lập được lại ập đến ám ảnh những em nhất là những em đang ở tuổi 15-16 trở lên ví dụ như em Vàng 17 tuổi, nhà có 5 anh em chuyên đi cắt lúa mướn tính ra mỗi ngày em chỉ kiếm được 5-7 ngàn VNÐ nhưng chỉ làm được hai mùa lúa tính ra một năm em thu nhập chỉ 180-200 ngàn VNÐ (18 USD) một năm, em mơ ước có tiền khoảng 1 triệu rưỡi (100 USD) để học nghề may (từ 3 đến 6 tháng).
Còn em Lâm Kim Lân 9 tuổi thì có một mơ ước rất bình thường là sau khi giải phẫu xong em được tiếp tục đến trường, nhưng mơ ước này đã quá trễ vì năm nay em đã 9 tuổi không có cơ hội đến cấp một theo quy định nhận học sinh của ngành giáo dục.
Số còn lại phần lớn đều gặp trường hợp như em Lân, nghĩa là đi được nhờ SAP-VN nhưng không thể đến trường trở lại, tương lai của những em chỉ có một con đường duy nhất là làm công kiếm cơm qua ngày mà chưa chắc đã được vì cho dù đã tận dụng hết phương tiện khoa học cũng không thể trả lại cho em đôi chân mạnh mẽ bình thường như bạn bè mình.
Sáng ngày 26 chúng tôi có mặt tại thị xã Châu Ðốc để tiếp tục tái khám số em đã được phẫu thuật. Thành phố Châu Ðốc nằm bên bờ sông Hậu thật đẹp nhưng thành phố còn quá nghèo nàn. Chị Oanh, nhân viên của ủy ban gia đình và trẻ em phải cho xe đi những xã để chở những em về. Trong khi chờ đợi chúng tôi đã theo Tiến Sĩ Ðương lặn lội về tận xã Tân An cách thị xã Châu Ðốc chừng 15 cây số, đoạn đường tuy ngắn nhưng rất khó đi, từ ngoài lộ huyện rẽ phải vào con đường đến xã Tân An được đúc bê tông nhưng bề ngang nhỏ xíu, hai xe van muốn tránh nhau phải có một xe tấp vào hàng hiên nhà dân, nhưng như vậy cũng còn khá vì muốn vào nhà những em Luân 5 tuổi, Thủy 21 tuổi, một em khác tôi không được gặp, đoàn phải lội bộ vào con đường nhỏ lầy lội, Tiến Sĩ Ðương đành phải ngồi ngoài chờ Bác Sĩ Jean Liêu lội sình vào khám vì không thể nào đẩy chiếc xe lăng của Tiến Sĩ Ðương vào xóm.
Trường hợp của em Luân khá may mắn vì có bà ngọai rất cưng cháu nên anh Thiều (người phụ trách thay mặt SAP-VN tại Việt Nam) bảo gì bà cụ đều tận tình lo, hàng ngày bà tắm rửa cho bé Luân, không để bé đi xuống đất nên chân được giải phẫu lành rất đẹp. Còn cô Thủy thì khó khăn hơn, cô được SAP-VN tài trợ giải phẫu trước 1 chân cách đây 4 tháng, lẽ ra tháng này phải cắt bột để SAP-VN thẩm định đồng thời cho giải phẫu tiếp chân thứ hai nhưng khi phái đoàn đến thì cô Thủy vẫn chưa cắt bột, hỏi lý do thì cô lau nước mắt cho biết là không có tiền xe đi lên bệnh viện huyện, câu trả lời khiến Bác Sĩ Jean Liêu không cầm được sự xúc động. Tiến Sĩ Ðương đã chỉ thị anh Thiều xuất quỹ 100 ngàn để cô Thủy có thể lên bệnh viện huyện cắt bột ngay.
Tiến Sĩ Ðương cho biết là những trường hợp như vậy không thiếu và anh đã từng gặp rất nhiều, ngay cả trường hợp một em được SAP-VN tài trợ giải phẫu, sau khi làm hết thủ tục nhập viện (hết 145 ngàn VNÐ) đến khi y tá gọi vào thì em biến mất. Ngày hôm nay khi chúng tôi đến cán bộ ủy ban dân số gia đình và trẻ em mời đến để chứng minh mới hay là cha mẹ em bồng con trốn về vì nhà không có người ở lại chăm sóc, cả hai vợ chồng đi cõng gạch mướn nếu nghỉ làm để ở lại bệnh viện với con thì có thể mất việc cho dù công việc rất nặng nhọc này mỗi ngày gia đình kiếm chỉ được chừng 30 ngàn VNÐ. Sau khi an ủi, bà mẹ mới hứa là lần này nhất định sẽ mang em nhập viện.
Con đường vào nhà những bệnh nhân xã Tân An.
Càng đi vào những vùng sâu, xa của miền Tây, một vùng đất tự hào là “tôm cá đầy đồng, lúa cò bay thẳng cánh” mới thấy “Tưởng dzậy mà không phải dzậy”.
Người nông dân của những huyện xã mà chúng tôi theo chân SAP-VN đi qua mới thấy mức sống kinh tế của người dân còn quá thấp, trình độ giáo dục và y tế quá tệ, có thể cũng có một vài gia đình nổi lên bất ngờ nhờ cây lúa, con cá, con tôm đây chỉ là những đơn vị gia đình rất cá biệt. Chỉ cần nhìn nơi cư trú và hạ tầng cơ sở của những thôn làng sâu, xa vùng nước nổi là có thể đánh giá ngay tiềm năng và sức sống của người dân. Tuy nhiên có một điểm nổi bật khiến chúng ta vui một chút, nhưng ngẫm lại thì đây chính là một trở lực lớn làm cản trở bước đi lên của người nông dân Nam Bộ đó là tinh thần lạc quan rất cực đoan: “Không cần ngày mai, cá dưới sông, điển điển trên bờ không giàu nhưng đâu có chết...”
Trong khi toán bác sĩ của SAP-VN khám bệnh cho dân chúng tại xã Ðào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, chúng tôi làm quen với khoảng mươi người dân quanh vùng, khi hỏi ý niệm của họ về sự quan trọng của giáo dục thì mấy người nông dân chất phác trả lời tỉnh bơ: “Thì tụi tui có cho đi học chớ, nhưng biết chữ là được rồi, học lên nữa tiền đâu mà đóng tiền trường? Hết cấp ba (trung học) cũng ăn thua gì? Tụi thành phố học hết đại học cũng đâu có việc làm nói gì dân quê chúng tôi! Mà nội cái chạy tiền ăn còn muốn chết, làm sao đóng mỗi năm cả mấy trăm ngàn tiền học, mà đâu phải một đứa...” Anh Sáu Thời chỉ một người ngồi đối diện cười: “Như thằng này có 5 con cho đến trường xiu xỉu mỗi đứa đóng những loại tiền cũng hết chừng 3-4 trăm (3-4 trăm ngàn VNÐ) thì đi đứt gần hai triệu “ông cố nội” nó cũng hổng có nói gì nó...” Giọng chất phác, bộc trực của người Nam Bộ nói như để cười chơi mà nghe rồi ngẫm nghĩ thấy đau làm sao!
Chợt nghĩ, hai triệu chưa tới 130 USD chỉ bằng một bữa ăn của vài người tại Mỹ có thể đẩy 6 đứa bé đến trường. Một buổi họp mặt tất niên của một hội đoàn nhỏ cuối năm cũng đi đứt 5-3 ngàn Mỹ kim, số tiền đủ bảo trợ cho hơn 100 học sinh nghèo có phương tiện đến trường.
Khi bài viết gần xong, qua nguồn tin của báo chí Việt Nam dân chúng đang xôn xao vì giá học phí gia sẽ tăng đến chóng mặt trong tương lai. Ví dụ như trung học phổ thông từ 35 ngàn/tháng lên 105 ngàn/tháng, trung học chuyên nghiệp đang 100 ngàn/tháng nhảy lên 500 ngàn/tháng và đại học từ 180 ngàn/tháng lên tới 900 ngàn/tháng. Ðây là giá học phí theo chính sách chung chưa kể đến những khoản tiền “phát sinh” thường là cao hơn gấp nhiều lần.
Source: Người Việt online