Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Về một chương trình từ thiện mang tên “SAP-VN”
Phượng Các
#1 Posted : Friday, September 16, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Về một chương trình từ thiện mang tên “SAP-VN”


Thiện Giao/Người Việt Trẻ

Westminster (CA) - Ðến thăm SAP-VN vào một buổi chiều cuối tháng Bảy, 2005, chúng tôi được dịp tham dự buổi họp thường lệ của một trong những cơ quan thiện nguyện có “tuổi đời” và uy tín đáng nể của cộng đồng Việt Nam tại California. Buổi họp hôm ấy, dưới sự chủ tọa của anh Nguyễn Ngọc Thành, chủ tịch kiêm thành viên hội đồng quản trị của Hội, các thành viên và thiện nguyện viên SAP-VN đang bàn thảo kế hoạch về Việt Nam để mổ mắt cườm cho các bệnh nhân.

SAP-VN, “Social Assistance Program For Vietnam,” là một cơ quan bất vụ lợi và phi chính phủ được thành lập vào năm 1992 bởi một nhóm thanh niên trẻ. Mục đích của Hội nhằm phục vụ và giúp đỡ các nhu cầu xã hội và y tế dành cho người nghèo tại Việt Nam.

“Tất cả chúng tôi đều là thiện nguyện viên.” Anh Nguyễn Ngọc Thành, đại diện SAP-VN cho biết. Mọi công tác của Hội đều được xây dựng trên tinh thần tự nguyện cũng như vật chất đóng góp trực tiếp từ các thành viên của SAP-VN. Hàng năm, Hội tổ chức các buổi văn nghệ và dạ tiệc gây quỹ cho các hoạt động từ thiện của mình. “Hoạt động gây quỹ mang lại 30% tài chánh của Hội.” Anh Thành trình bày. “Số còn lại, từ 60% đến 70% do đồng hương và người hảo tâm đóng góp.”

Theo thông tin được công bố chính thức, hàng năm, SAP-VN quyên góp được khoảng $150,000 dành cho các công tác từ thiện tại Việt Nam.

Mặc dầu SAP-VN có chương trình hoạt động rộng, bao gồm các lãnh vực y tế và xã hội, chương trình y tế của SAP-VN chiếm tỷ lệ và tầm quan trọng lớn. Anh Thành cho biết: “Chúng tôi giúp đỡ các bệnh nhân sốt bại liệt, khuyết tật tay và chân. Chúng tôi cũng tiến hành các phẫu thuật với sự hợp tác của các bác sĩ Việt Nam.” Theo lời anh Thành, công thức kết hợp làm việc với các bác sĩ Việt Nam giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể. “Càng tiết kiệm, chúng tôi càng giúp được nhiều bệnh nhân.”

Với sự cộng tác của các bác sĩ tại Việt Nam, một ca mổ hàm ếch chỉ tốn khoảng $70, một ca đại phẫu chân chỉ tốn 3 triệu đồng, tiền Việt Nam. “Chúng ta sống ở Hoa Kỳ là thiên đường. Tôi tính đơn giản thôi, giúp đồng bào Việt Nam, chỉ $100 là hết bệnh, và chỉ $200 là hết tật.” Với tính toán đơn giản ấy, anh Thành lao vào công việc từ thiện đã gắn liền với anh và các bạn hữu từ hơn 12 năm qua.

Tháng 10 năm nay, SAP-VN sẽ bắt đầu chương trình mổ mắt cườm đầu tiên tại Việt Nam. Ông Phạm Duy Quang, một chuyên viên kỹ thuật trong ngành giải phẫu mắt, chủ trì buổi họp hôm ấy, cho biết: “Chi phí mổ mắt cườm tốn khoảng $50 cho mỗi ca.” Ðóng góp của mạnh thường quân dành cho chương trình mổ mắt cườm rất khả quan. “Số tiền gây quỹ và đóng góp của các mạnh thường quân lên đến trên $30,000.”

“Hiện nay, SAP-VN có đủ ngân sách tiến hành khoảng 400 ca mổ mắt cườm.”

Các hoạt động từ thiện của Hội cũng được sự ủng hộ đáng kể từ các nhân vật trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Nữ dân biểu Lois Capps còn đích thân viết thư giới thiệu SAP-VN đến đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

“Chúng tôi rất cần những đóng góp của đồng hương.” Anh Thành tâm sự. “Và điều quí giá nhất chính là tấm lòng.” Tất cả các thiện nguyện viên tham gia SAP-VN đều phải tự túc tất cả chi phí cho các chuyến đi làm từ thiện của mình.

Cho mỗi chuyến đi về Việt Nam, các thành viên SAP-VN bỏ ra khoảng sáu tháng chuẩn bị. Mỗi năm, SAP-VN về Việt Nam một lần để làm từ thiện và tiến hành các hoạt động y tế. Các hoạt động này được phổ biến rộng rãi đến từng khu vực để các bệnh nhân có thêm thông tin và ghi danh. Tại từng địa phương, các đại diện của SAP-VN sẽ đảm nhiệm công việc liên lạc bệnh viện, chuẩn bị phương tiện và bác sĩ đến tận nơi giải phẫu.

“Phía Việt Nam có những hỗ trợ và hợp tác đáng kể.” Anh Thành trình bày. Tại Việt Nam, SAP-VN được xem là một “NGO,” tổ chức phi chính phủ. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Hội cương quyết không để tình trạng “con ông cháu cha” chi phối các hoạt động của mình.

Mỗi năm, đích thân anh Thành về Việt Nam trong một tháng, “để đánh giá tình hình.” Anh cho biết, trong một tháng, anh sẽ đến thăm gia đình và các bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật. “90% là người nghèo.” Trong những chuyến đi đánh giá tình hình này, ngoài việc thẩm định chất lượng, anh Thành cho biết “tất cả các bệnh nhân phải được bảo trợ hoàn toàn. Nếu có dấu hiệu ăn tiền từ phía Việt Nam, Hội sẽ cho ngưng ngay lập tức.”

Anh Nguyễn Ngọc Thành, sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1983. Trong thời gian theo học tại Ðại Học University of California, Irvine, anh đã tham gia “Project NGỌC.” Ðến năm 1989, khi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc đóng cửa những trại tị nạn cuối cùng dành cho người Việt Nam, Thành sang Hong Kong làm việc thiện nguyện.

“Người tị nạn hoàn toàn vô vọng.” Anh Thành nhớ lại những ngày cuối thập niên 80. Anh kể: “Vào thời ấy, việc về giúp Việt Nam còn là một đề tài gây tranh cãi.” Thế rồi anh quyết định phải làm một điều gì để giúp những người nghèo khổ.

Anh quyết định thành lập một tổ chức phi chính phủ. Anh xin giấy phép vào tháng Hai, 1992. Trong vòng 10 tháng, anh được chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy phép, SAP-VN bắt đầu hoạt động với ngân khoản chỉ có... vài trăm Mỹ kim.

“Ðiều quan trọng là chúng tôi được phép hoạt động hợp pháp và chính thức tại Việt Nam.” Anh Thành lý giải. Tính chính thống cho phép Hội mở rộng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Người nghèo tại Việt Nam thiếu thốn trăm bề. Tôi đã thấy những trường hợp thương tâm. Hãy hình dung, các nông dân tỉnh Thái Bình chẳng hạn. Thu nhập rất thấp, chỉ đủ sống tạm qua ngày. Nếu ốm đau thì sao?”

Anh Thành cho biết có những nông dân Thái Bình đã phải “cầm” cả lúa giống đang gieo để có tiền chữa bệnh.
Cô Năm Sài Gòn
#2 Posted : Wednesday, November 2, 2005 1:47:49 PM(UTC)
kimnguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 323
Points: 6
Woman
Location: Southern California



Theo chân SAP-VN về vùng nước nổi

Sunday, October 30, 2005


Có nụ cười nào tươi hơn?


Nguyễn Trung Tín/Người Việt
(Tường trình từ An Giang, Việt Nam)


AN GIANG-VIỆT NAM - Sáng 24 Tháng Mười đang mơ màng ngủ thì nhận được điện thoại của Bác Sĩ Châu cho biết còn 1 giờ nữa thì đoàn bác sĩ của SAP-VN sẽ lên đường đi An Giang, tôi phải tự mình kiếm xe đò đi Long Xuyên để gặp Tiến Sĩ Huỳnh Phước Ðương phụ trách nhóm bác sĩ có trách nhiệm đi thẩm định lại những bệnh nhân đã được SAP-VN trợ cấp giải phẫu chỉnh hình.

Con đường từ Sài Gòn đi Long Xuyên khá tốt nhưng đến đoạn ngang qua thị xã Sa Ðéc thì con đường đang sửa chữa khiến cho đoạn đường chưa tới 200 cây số từ Sài Gòn đi Long Xuyên phải mất hơn 5 giờ.

Tám giờ sáng ngày 25 Tháng Mười tôi đến văn phòng Ủy Ban Dân Số Và Trẻ Em thành phố Long Xuyên thì Tiến Sĩ Huỳnh Phước Ðương cùng nữ Bác Sĩ Jean Liêu và vài người trong đoàn SAP-VN đã có mặt chờ nhân viên của ủy ban dân số gia đình và trẻ em di chuyển những em đã được SAP-VN tài trợ phẫu thuật chỉnh hình trong năm đến tái khám, mỗi em cũng được SAP-VN chi trả chi phí đi lại từ nhà đến (mỗi em có từ 20 đến 50 ngàn VNÐ) tùy xa hay gần.



Bác Sĩ Jean Lieu đang tái khám cho bé Luân, bên phải là Tiến Sĩ Ðương.

Bác Sĩ Jean Liêu còn rất trẻ, vui tính, thân thiện, những em đã được phẫu thuật chỉnh hình đều được Bác Sĩ Jean Liêu khám rất cẩn thận và cho biết kết quả đạt được đến mức độ nào. Trong số 38 em được khám sáng 25 Tháng Mười có một số em được tiếp tục phẫu thuật chân còn lại. Sau khi Bác Sĩ Jean Liêu chấp nhận kết quả phẫu thuật, ngoài ra SAP-VN còn nhận thêm 5 em khác mới đến khám, xin vào chương trình chỉnh hình của SAP-VN.

Cần nói rõ thêm là những em được chấp nhận vào danh sách chỉnh hình kể từ khi nhập viện đến khi về nhà đều được SAP-VN tài trợ 100% chi phí kể cả tiền di chuyển, ăn uống trong suốt thời gian chỉnh hình cộng với tiền mua sắm những dụng cụ trợ giúp sau phẫu thuật như là chân giả, nẹp chân...

Phần lớn (có đến 90%) những em bị khuyết tật đều thất học hay chỉ học hết lớp ba, cá biệt chỉ hai em vẫn còn đi học lớp 6, những em này cho biết là gia đình rất cố gắng nhưng cũng phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, vì đến trường học cấp hai thì có thể phải lên lầu nên khó theo đuổi lâu dài (Việt Nam không có những tiện nghi dành riêng cho người tàn tật, kể cả những nơi công cộng).

Mơ ước của những em đã được chỉnh hình là có tiền học nghề kiếm sống, do đó Tiến Sĩ Ðương (cũng là người khuyết tật) rất trăn trở với vấn nạn này, ông tâm sự với chúng tôi là hiện nay SAP-VN đang nỗ lực tiếp tục chăm sóc những em đã được phẫu thuật bằng cách giúp những em học một nghề gì đó. Rất nhiều em hiện nay sau khi vui mừng được chỉnh hình thì chuyện âu lo làm sao có nghề nghiệp, sống tự lập được lại ập đến ám ảnh những em nhất là những em đang ở tuổi 15-16 trở lên ví dụ như em Vàng 17 tuổi, nhà có 5 anh em chuyên đi cắt lúa mướn tính ra mỗi ngày em chỉ kiếm được 5-7 ngàn VNÐ nhưng chỉ làm được hai mùa lúa tính ra một năm em thu nhập chỉ 180-200 ngàn VNÐ (18 USD) một năm, em mơ ước có tiền khoảng 1 triệu rưỡi (100 USD) để học nghề may (từ 3 đến 6 tháng).

Còn em Lâm Kim Lân 9 tuổi thì có một mơ ước rất bình thường là sau khi giải phẫu xong em được tiếp tục đến trường, nhưng mơ ước này đã quá trễ vì năm nay em đã 9 tuổi không có cơ hội đến cấp một theo quy định nhận học sinh của ngành giáo dục.

Số còn lại phần lớn đều gặp trường hợp như em Lân, nghĩa là đi được nhờ SAP-VN nhưng không thể đến trường trở lại, tương lai của những em chỉ có một con đường duy nhất là làm công kiếm cơm qua ngày mà chưa chắc đã được vì cho dù đã tận dụng hết phương tiện khoa học cũng không thể trả lại cho em đôi chân mạnh mẽ bình thường như bạn bè mình.

Sáng ngày 26 chúng tôi có mặt tại thị xã Châu Ðốc để tiếp tục tái khám số em đã được phẫu thuật. Thành phố Châu Ðốc nằm bên bờ sông Hậu thật đẹp nhưng thành phố còn quá nghèo nàn. Chị Oanh, nhân viên của ủy ban gia đình và trẻ em phải cho xe đi những xã để chở những em về. Trong khi chờ đợi chúng tôi đã theo Tiến Sĩ Ðương lặn lội về tận xã Tân An cách thị xã Châu Ðốc chừng 15 cây số, đoạn đường tuy ngắn nhưng rất khó đi, từ ngoài lộ huyện rẽ phải vào con đường đến xã Tân An được đúc bê tông nhưng bề ngang nhỏ xíu, hai xe van muốn tránh nhau phải có một xe tấp vào hàng hiên nhà dân, nhưng như vậy cũng còn khá vì muốn vào nhà những em Luân 5 tuổi, Thủy 21 tuổi, một em khác tôi không được gặp, đoàn phải lội bộ vào con đường nhỏ lầy lội, Tiến Sĩ Ðương đành phải ngồi ngoài chờ Bác Sĩ Jean Liêu lội sình vào khám vì không thể nào đẩy chiếc xe lăng của Tiến Sĩ Ðương vào xóm.

Trường hợp của em Luân khá may mắn vì có bà ngọai rất cưng cháu nên anh Thiều (người phụ trách thay mặt SAP-VN tại Việt Nam) bảo gì bà cụ đều tận tình lo, hàng ngày bà tắm rửa cho bé Luân, không để bé đi xuống đất nên chân được giải phẫu lành rất đẹp. Còn cô Thủy thì khó khăn hơn, cô được SAP-VN tài trợ giải phẫu trước 1 chân cách đây 4 tháng, lẽ ra tháng này phải cắt bột để SAP-VN thẩm định đồng thời cho giải phẫu tiếp chân thứ hai nhưng khi phái đoàn đến thì cô Thủy vẫn chưa cắt bột, hỏi lý do thì cô lau nước mắt cho biết là không có tiền xe đi lên bệnh viện huyện, câu trả lời khiến Bác Sĩ Jean Liêu không cầm được sự xúc động. Tiến Sĩ Ðương đã chỉ thị anh Thiều xuất quỹ 100 ngàn để cô Thủy có thể lên bệnh viện huyện cắt bột ngay.

Tiến Sĩ Ðương cho biết là những trường hợp như vậy không thiếu và anh đã từng gặp rất nhiều, ngay cả trường hợp một em được SAP-VN tài trợ giải phẫu, sau khi làm hết thủ tục nhập viện (hết 145 ngàn VNÐ) đến khi y tá gọi vào thì em biến mất. Ngày hôm nay khi chúng tôi đến cán bộ ủy ban dân số gia đình và trẻ em mời đến để chứng minh mới hay là cha mẹ em bồng con trốn về vì nhà không có người ở lại chăm sóc, cả hai vợ chồng đi cõng gạch mướn nếu nghỉ làm để ở lại bệnh viện với con thì có thể mất việc cho dù công việc rất nặng nhọc này mỗi ngày gia đình kiếm chỉ được chừng 30 ngàn VNÐ. Sau khi an ủi, bà mẹ mới hứa là lần này nhất định sẽ mang em nhập viện.


Con đường vào nhà những bệnh nhân xã Tân An.

Càng đi vào những vùng sâu, xa của miền Tây, một vùng đất tự hào là “tôm cá đầy đồng, lúa cò bay thẳng cánh” mới thấy “Tưởng dzậy mà không phải dzậy”.

Người nông dân của những huyện xã mà chúng tôi theo chân SAP-VN đi qua mới thấy mức sống kinh tế của người dân còn quá thấp, trình độ giáo dục và y tế quá tệ, có thể cũng có một vài gia đình nổi lên bất ngờ nhờ cây lúa, con cá, con tôm đây chỉ là những đơn vị gia đình rất cá biệt. Chỉ cần nhìn nơi cư trú và hạ tầng cơ sở của những thôn làng sâu, xa vùng nước nổi là có thể đánh giá ngay tiềm năng và sức sống của người dân. Tuy nhiên có một điểm nổi bật khiến chúng ta vui một chút, nhưng ngẫm lại thì đây chính là một trở lực lớn làm cản trở bước đi lên của người nông dân Nam Bộ đó là tinh thần lạc quan rất cực đoan: “Không cần ngày mai, cá dưới sông, điển điển trên bờ không giàu nhưng đâu có chết...”

Trong khi toán bác sĩ của SAP-VN khám bệnh cho dân chúng tại xã Ðào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, chúng tôi làm quen với khoảng mươi người dân quanh vùng, khi hỏi ý niệm của họ về sự quan trọng của giáo dục thì mấy người nông dân chất phác trả lời tỉnh bơ: “Thì tụi tui có cho đi học chớ, nhưng biết chữ là được rồi, học lên nữa tiền đâu mà đóng tiền trường? Hết cấp ba (trung học) cũng ăn thua gì? Tụi thành phố học hết đại học cũng đâu có việc làm nói gì dân quê chúng tôi! Mà nội cái chạy tiền ăn còn muốn chết, làm sao đóng mỗi năm cả mấy trăm ngàn tiền học, mà đâu phải một đứa...” Anh Sáu Thời chỉ một người ngồi đối diện cười: “Như thằng này có 5 con cho đến trường xiu xỉu mỗi đứa đóng những loại tiền cũng hết chừng 3-4 trăm (3-4 trăm ngàn VNÐ) thì đi đứt gần hai triệu “ông cố nội” nó cũng hổng có nói gì nó...” Giọng chất phác, bộc trực của người Nam Bộ nói như để cười chơi mà nghe rồi ngẫm nghĩ thấy đau làm sao!

Chợt nghĩ, hai triệu chưa tới 130 USD chỉ bằng một bữa ăn của vài người tại Mỹ có thể đẩy 6 đứa bé đến trường. Một buổi họp mặt tất niên của một hội đoàn nhỏ cuối năm cũng đi đứt 5-3 ngàn Mỹ kim, số tiền đủ bảo trợ cho hơn 100 học sinh nghèo có phương tiện đến trường.

Khi bài viết gần xong, qua nguồn tin của báo chí Việt Nam dân chúng đang xôn xao vì giá học phí gia sẽ tăng đến chóng mặt trong tương lai. Ví dụ như trung học phổ thông từ 35 ngàn/tháng lên 105 ngàn/tháng, trung học chuyên nghiệp đang 100 ngàn/tháng nhảy lên 500 ngàn/tháng và đại học từ 180 ngàn/tháng lên tới 900 ngàn/tháng. Ðây là giá học phí theo chính sách chung chưa kể đến những khoản tiền “phát sinh” thường là cao hơn gấp nhiều lần.

Source: Người Việt online
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.