Băn khoăn 2 chữ "kính thưa"…
00:44:36, 13/07/2007Mạnh Quân
Phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI diễn ra chiều ngày hôm qua (12.7) tại Hà Nội đã có một nội dung được thảo luận khá rôm rả: câu chuyện xoay quanh 2 chữ "kính thưa".
Bắt đầu từ phát biểu của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận. Theo Phó chủ nhiệm Thuận, ông rất lấy làm băn khoăn là nếu không chỉ đạo "anh em” (cán bộ, chuyên viên QH) chuẩn bị trong các bài phát biểu trước QH về chuyện kính thưa. "Nếu không ghi kính thưa, kính gửi đầy đủ thì sợ lại bị cho là lấc cấc nhưng nếu kính thưa hết thì cũng dài", ông nói. Bắt ngay lấy chủ đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Mão đứng lên: “Thực ra ta không kính thưa hết thì cũng không có nghĩa là không tôn trọng. Theo tôi, tại hội trường QH, các bài phát biểu chỉ nên bắt đầu thế này: thưa đoàn chủ tịch, thưa các vị đại biểu và thưa các vị khách quý...". Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu lên tiếng: “QH họp tại hội trường là làm việc chứ có phải mít tinh, kỷ niệm gì mà phải kính thưa. QH các nước họ họp làm gì có kính thưa gì?". Ông nói tiếp: "Tôi đề nghị, chỉ tại phiên khai mạc và phiên bế mạc, trong bài phát biểu của Chủ tịch QH thì kính thưa đầy đủ chứ cắt hết ngay cũng hơi khó. Còn mọi phiên họp khác chỉ cần nói thưa các vị đại biểu và thưa các vị khách là đủ chứ không nên cứ phải thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thưa các đoàn đại biểu, các vị khách quý...".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, bà Trần Thị Tâm Đan tham gia cuộc tranh luận: “Ở các cuộc hội nghị chuyên về lĩnh vực nào thì người ta hay giới thiệu chức danh chủ chốt. Nhưng cũng có những hội nghị phải giới thiệu chức danh mà có người thì trong cuộc đời có rất nhiều chức danh, bỏ đi chức danh nào là cũng tâm tư lắm". Theo bà Tâm Đan, do đấy là vấn đề có tính “truyền thống", có ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, tôn trọng người bậc cao… cho nên chuyện “kính thưa” cũng có cơ sở thực tế mà không thể ra một nghị quyết về vấn đề này. “Đây là thực tế bắt chước nên nếu Chủ tịch QH làm việc đó (phát biểu bớt kính thưa) tôi tin mọi người khác cũng sẽ theo", bà Tâm Đan có ý kiến.
Lắng nghe các ý kiến tranh luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Vấn đề cứ tưởng vụn vặn nhưng cũng quan trọng vì đây là vấn đề văn hóa". Ông nói: “Trong lĩnh vực hành chính Nhà nước theo tôi biết là cũng đã có hướng dẫn là chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất tại các cuộc họp, lễ kỷ niệm, mít tinh... Hiện nay, vẫn còn có những bài phát biểu mà thấy kính thưa mãi vẫn chưa kết thúc. Ngay tại QH thôi, cũng có những phát biểu sau khi kính thưa xong, đến cuối bài lại có câu: cám ơn đã cho tôi phát biểu". “Do đó cũng nên phải có cải tiến để tránh sự rườm rà", ông đề nghị. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cân nhắc: “Cũng có những phiên họp có các đồng chí như các vị lão thành cách mạng thì cũng phải thực tế một chút".
Năm 2005, Chính phủ đã ban hành một nghị định về vấn đề lễ nghi trong các lễ kỷ niệm, mít tinh, hội nghị, các cuộc họp của Nhà nước trong đó quy định rất rõ về chuyện “kính thưa", “kính gửi", việc tặng hoa, quà, chụp ảnh... Trong đó, Chính phủ yêu cầu là chỉ “kính thưa” một đồng chí lãnh đạo cao nhất tại phiên họp đó, lễ kỷ niệm, mít tinh đó... Cho đến nay, nhiều hội nghị, nhiều lễ kỷ niệm, mít tinh ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa thực hiện được. Cho nên, nếu QH lại gương mẫu trong câu chuyện “kính thưa", chắc chắn là ở nhiều cuộc hội họp, lễ tân… từ nay về sau, người ta sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe những “kính thưa” tràng giang đại hải chỉ vì nhà tổ chức sợ mang tiếng "thất lễ".
Mạnh Quân
thanhnien online