Cảm ơn chị Thư
Chào chị HKKM
Không biết sao mấy thầy gọi cây này là cây sala chị ạ.
Tiện thể em cũng có đọc được một bài của tác giả Hoàng Hưng đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, viết về loại hoa Vô Ưu. Mời chị tham khảo
HOA VÔ ƯU
Sách Phật giáo hay nói đến cây vô ưu, loài cây thiêng chỉ nở hoa ngàn năm một lần. Gần 2.700 năm trước, hoàng hậu Maya đã đứng vin một cành vô ưu trong vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) mà sinh hạ thái tử Shiddarta (Tất Đạt Đa), người sẽ trở thành Phật Tổ Thích Ca. Cây vô ưu có thật hay chỉ là loại cây huyền thoại ?Mùa xuân năm 2004, tôi có dịp sống ở Lumbini (Nepal) một tháng. Hầu như sáng nào cũng từ Việt Nam Phật Quốc Tự ra chiêm bái vườn thiêng, tôi tò mò tìm hiểu từng loại cây người ta trồng ở đó, vì nhiều cây có liên quan đến cuộc đời đức Phật. Không có bảng chỉ dẫn tên cây, tôi hỏi thăm các nhân viên làm việc trong vườn nhưng không phải ai cũng rành về cây cối. Cuối cùng phải tìm đến sách vở trong thư viện của Quỹ uỷ thác phát triển Lumbini.
May mắn tìm được cuốn sách “Lumbini, chốn nương náu thiêng liêng” nói chi tiết về những loại cây trong vườn Lumbini với ảnh chụp rõ ràng: cây papal (bồ đề), cây plaksha, cây apa (xoài), cây sal (long thọ) và cây ashok. Ashok tiếng Phạn có nghĩa là vô ưu, không lo buồn.
Vây là cây vô ưu có thật.
Thực ra một số sách về Phật giáo có nói Đức Phật ra đời dưới cây sal (các kinh điển Phật giáo cũng nói rằng Phật nhập Niết bàn dưới hai cây Long thọ), song căn cứ vào những tác phẩm mỹ thuật và những văn bản cổ tả lại cảnh sinh hạ của ngài ở vườn Lumbini, đa số khẳng định rằng ngài đản sinh dưới cây ashok.
Sách Vinayavastu viết ; “Khi bà (Maya Devi) vào vườn Lumbini, bà thấy một cây ashok với những bông hoa nở rất lớn. Bà ước mình sẽ khai hoa ở đó và thế là bà đến dưới gốc cây, tay bám vào cây”
Sách Divyavadana thống kê những truyền thống Phật giáo dưới thời hoàng đế triều Maurya là Ashok (A Dục vương, người bảo trợ đạo Phật lớn nhất trong lịch sử vào thế kỷ II trước CN) có nói rằng khi hoàng đế tới chiêm bái Lumbini, ông còn trông thấy chính cây ashok mà hoàng hậu Maya đứng khi sinh hạ thái tử (Xin lưu ý rằng tên vị Hoàng đế này trùng với tên cây, tức là ta cũng có thể gọi tên ông là Hoàng đế Vô Ưu)
Sách Thuỷ Kinh chú viết vào thời Tam Quốc (220 – 265) có đoạn: “ Cái cây kỳ diệu mà hoàng hậu bíu vào khi Đức Phật ra đời có tên là hsuko”, sau đó còn viết thêm rằng: “Khi cái cây già đã hết lộc, người ta lấy thân cây chết đem trồng, thế là nó lại tự sống lại cho đến bây giờ”
Sư Pháp Hiển từ Trung Hoa hành hương sang Tây Thiên, đến Lumbini vào thế kỷ V cũng viết rằng ông thấy cây ashok vẫn sống. Nhưng Hoà thượng Huyền Trang tới Lumbini vào Thế kỷ VII thì viết: “ Cách 24 hay 25 bộ về mạn Bắc (của hồ tắm dòng Sakya) là một cây ashok, bây giờ cây đã bị mục ruỗng, đó là nơi Bồ tát sinh hạ”
Vậy là không may mắn như cây Bồ đề ở Bodhgaya Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo được tín đồ nhiều nơi bảo vệ, cuối cùng được chiết nhánh đem trồng ở Sri Lanka để đến hôm nay khách hành hương còn có duyên được chiêm bái cái “cây cháu” của nó, cây vô ưu thiêng liêng của Lumbini đã chết ít ra từ thế kỷ VII mà không để lại tăm hơi. Mấy cây vô ưu người ta mới trồng trong vườn thánh địa chỉ là những cây non bứng từ đâu đó trong vùng. Vì quá nhỏ nên cây chưa trổ hoa trong thời gian tôi ở đây.
Mùa xuân năm 2006 tôi lại có dịp hành hương Tây Trúc lần thứ hai, lần này thì ở Bồ Đề Đạo Tràng và thăm thú nhiều nơi trên đất Ấn Độ trong vòng hai tháng. Chính trong dịp này tôi đã vài lần được gặp cây vô ưu nở hoa.
Thì ra cây này khá phổ biến ở Ấn Độ, quê hương đích thực của nó. Thuộc loại cây tầm thước, nó thường chỉ cao 3 – 4m, ít khi cao tới 10m, cành lá xoè ra ra khắp phía và tạo thành một vòm tròn rậm rạp. Da của thân cây trơn nhẵn và có màu xám nâu. Lá cây màu xanh đậm và bóng, dài khoảng 30cm. Hoa vô ưu nở vào các tháng hai, ba, tư dương lịch, từng chùm màu đó cam rực rỡ và thơm ngát. Các cô gái Ấn còn giữ thói quen trang điểm bằng một chùm hoa vô ưu cài trên tóc. Hoa này cũng thường được dâng cúng ở đền Ấn giáo.
Các nhà nghiên cứu cho biết cây vô ưu vốn là loài cây hoang dại, người ta vẫn gặp nó mọc tự nhiên bên các dòng suối. Nó sớm được yêu mến và coi như loài cây thiêng từ thuở nào không rõ, chỉ biết nó được nhắc đến trong nhiều kinh sách cổ và các trường ca Ramayana, Mahabharata.
Theo một huyền thoại được kể trong sách Matsya Purana thì bà Parvati, vợ của thần Siva, có trồng một cây vô ưu non. Khi các thần khác hỏi việc trồng đây có ý nghĩa thế nào thì bà trả lời rằng: làm một cái giếng có bậc thang thì phúc bằng đào 10 cái giếng thường, đào một cái ao bằng đào 10 cái giếng, nuôi một đứa con trai bằng đào 10 cái ao, và trồng một cái cây bằng nuôi 10 đứa con trai.
Trong trường ca Ramayana, khi chúa quỷ Ravana bắt cóc nàng Sita đưa tới Lankapuri, nàng đã đòi được sống trong một khu vườn toàn cây vô ưu và nhờ thế mà giữ được tiết hạnh của mình. Từ đó người ta tin rằng loài cây thiêng kia có quyền năng giữ gìn trinh tiết cho các cô gái và cây được mang một tên nữa là Sita ashok.
Thơ văn Phạn ngữ nói nhiều đến cây vô ưu, cây được mô tả là cực kỳ nhạy cảm, đến mức nó chỉ nở hoa khi có một người đàn bà đẹp đụng vào. Trong thi phẩm Ritusambara, thi hào Kalidas viết rằng mùa hoa vô ưu nở là mùa các cô gái khao khát yêu đương. Vì thế mà hoa vô ưu được coi là biểu tượng của tình yêu trai gái và gắn liền với hình ảnh Thần tình ái Kamadeva (Kama có nghĩa là dục lạc; Kamasutra - cuốn sách dạy về thuật phòng trung của Ấn Độ có nghĩa là Dục lạc kinh). Vị thần này thường dùng hoa vô ưu làm tên bắn vào các cô gái cậu trai khiến họ say mê nhau.
Ngược lại, các tôn giáo cổ Ấn độ lại cho vô ưu một ý nghĩa cao quý thiêng liêng. Nếu kinh sách Phật giáo nói Đức Phật ra đời dưới cây này, thì Kỳ Na giáo (janaism), một tôn giáo đồng thời với Phật giáo lại nói ngài Mahavir, vị sáng lập đạo này, đã đạt đến sự toàn trí toàn giác dưới một cây vô ưu.
Có lẽ vì những lý do trên, cây vô ưu trở thành loài cây rất được quý chuộng ở Ấn độ cũng như Sri Lanka, Miến Điện (Myanmar) và Thái Lan. Cây được trồng ở công viên, vườn hoa, đặc biệt ở gần các đền thờ và tu viện. Lá và hoa của nó trở thành mô típ trang trí trong các điêu khắc, đặc biệt là ở các vùng trung tâm và phía đông Ấn Độ, phổ biến nhất vào thời kỳ Kushan (thế kỷ II trước CN - thế kỷ III). Những ngôi đền ở Mathura và vùng phụ cận, cũng như ở Sanchi và Bahrut còn lưu giữ nhiều đồ hình trang trí có mô típ hoa và lá vô ưu.
(Theo India Perspective)
Hình gdt chụp lại qua tạp chí