Học Phổ Chiếu Pháp Giới ở chùa Đại Tháp
Trong sự nghiệp lớn cứu nhân độ thế mà Đức Thích Ca Mâu Ni kiến thiết, Văn -thù và Phổ Hiền cùng phân chia trách nhiệm gánh vác tuyên truyền và phát triển rộng rãi. Phổ Hiền lãnh đạo phần lớn thanh niên thuộc hội Hành Chứng (tu hành chứng quả) nghiêng về việc tu học thực hành, cho nên thường an định một chỗ. Văn-thù dựa vào biện tài vô ngại, lãnh đạo phần lớn thanh niên thuộc đoàn Tín Giải (tin hiểu) xem trọng việc phát dương lý trí, cho nên thường lưu động tuyên truyền bốn phương. Hai Ngài phân công hợp tác, phát huy nội tu ngoại hoằng của Phật giáo, tợ như hai mà lại chẳng phải hai, chiếu diệu khắp cùng thế giới, trải dài vộ tận.
Có một lần, Văn-thù và Phổ Hiền cùng tham gia đại pháp hội Hoa nghiêm với Đức Phật Thích-ca tại tinh xá Kỳ Hoàn, vườn Cấp Cô Độc nước Xá -vệ. Sau đó, Văn-thù-sư-lợi lãnh đạo đoàn Tín Giải tạm thời từ biệt Đức Phật, chia tay với Bồ-tát Phổ Hiền, du hành về phương Nam, triển khai công tác hoằng truyền Phật pháp. Đoàn Tín Giải một khi đã ra đi thì không từ khổ nhọc, không sợ gian nan. Trải qua biết bao núi non, ruộng đồng, tiến về vịnh phía Nam của Ấn Độ, gặp một thị trấn tên gọi Phước Thành, họ dừng lại tại chùa Đại Tháp, nơi cánh đồng phía Đông của ngoại thành.
Chùa Đại Tháp là Thánh địa Phật giáo nổi tiếng, không những phạm vũ rộng lớn trang nghiêm, cảnh trí u tịch đẹp đẽ, phong cảnh thích hợp với người tu hành, mà nơi đây còn có các bậc Thánh thường đến giảng pháp. Vì thế, khách du lịch từ các nơi đến thăm chùa hằng ngày. Trên các nẻo đường dẫn đến chùa, người người đến tham quan, lễ bái không ngừng.
Khi Bồ-tát Văn-thù dẫn đầu đoàn Tín Giải đến Phước Thành, dừng chân nơi chùa Đại Tháp. Chẳng mấy chốc, người trong ngoài Phước Thành đều nghe tin. Đã từ lâu, người người vốn khát ngưỡng tinh thần truyền giáo và biện tài vô ngại của Bồ-tát Văn-thù cho nên Phật tử và những người hâm mộ Phật pháp tấp nập rủ nhau đến chùa. Người thì lễ bái, kẻ thì thỉnh giảng pháp, hoặc phỏng vấn, hoặc chiêm ngưỡng, khiến cho không khí sinh động hẳn lên. Tinh thần của đại chúng rất phấn khởi khiến Bồ-tát Văn-thù và đoàn viên cũng phải bận rộn nhiều. Bồ-tát Văn-thù dự định kế họach, tuyên bố sẽ cử hành đại hội Phổ Chiếu Pháp Giới tại chùa Đại Tháp và tuyên giảng kinh Phổ Chiếu Pháp Giới trong bảy ngày. Điều này, khiến người người vui mừng quá đỗi. Thế rồi một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, truyền vạn làm náo động cả Phước Thành.
Pháp hội bắt đầu khai mạc, quang cảnh chùa Đại Tháp nhìn chỗ nào cũng thấy mới mẻ. Phật tử, đặc biệt là thanh niên nam nữ đến nghe giảng pháp rất đông không thể kể xiết. Giảng đường Phổ Chiếu Pháp Giới phải nới rộng thêm ra. Những người đến sau chỉ có thể đứng ở phía ngàoi giảng đường.
Bồ-tát Văn-thù bắt đầu giảng pháp, Ngài thong thả bước lên pháp tòa, pháp tướng trang nghiêm, thái độ từ hòa, cặp mắt bình thản phóng ra ánh sáng trí tuệ vô lượng, khiến cho thính chúng đang nhốn nháo liền im lặng và an định. Lúc ấy, muôn người lặng yên nhất tâm mong đợi, một hơi thở mạnh cũng không nghe. Diệu nghĩa Phổ Chiếu Pháp Giới chưa tuyên mà không khí trong ngoài hội trường đã hiển thị ra cảnh tượng Phổ Chiếu Pháp Giới.
Bồ-tát Văn-thù bắt đầu khai giảng. Khi đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới vang lên đã điểm trúng ngay lòng người đang ngưỡng đợi. Ngài khởi đầu bằng một giọng Phạm âm thanh tịnh có tác dụng ảnh hưởng triệt để tới trong ngoài giảng đường, khiến cho nước tâm của thính chúng vô cùng lắng trong. Ngay lúc ấy, giáo pháp hiển hiện bên trong mỗi người mà vẫn dung thông vô ngại, hỗ tương nhiếp nhập trong ánh sáng thanh tịnh huyền diệu mà không bị phân cách. Cũng giống như hàng ngàn ngọn đèn trong một ngôi nhà, ánh sáng ngọn đèn của mỗi người chiếu rọi lẫn nhau không ngại, đây thực là cảnh giới bất khả tư nghị. Sự tuyên thuyết đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới của Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát đã phát xuất tác dụng bất khả tư nghị, khiến cho tinh thần của chúng hội cùng hòa nhập với nhau. Nhưng đây chỉ mới là sức gia bị của Đại Trí Văn-thù mà thôi, không phải là cảnh giới do thính chúng đạt được. Cho nên, vì muốn cho thính chúng đạt được trí Phổ Chiếu Pháp Giới, Bồ-tát Văn-thù phải dùng đến phương tiện ngôn ngữ giải thích sâu cạn danh nghĩa đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới và tuyên giảng nội dung của kinh. Văn kinh không dài lắm, tương tợ như Tâm Kinh, nhưng nghĩa lý thì vô cùng tận, khắp hư không, đầy pháp giới cũng khó dung nạp được hết. Bồ-tát Văn-thù phát huy trí tuệ cao siêu và xảo diệu khiến cho thính chúng tự mình lãnh ngộ được hỷ lạc của pháp vị. diệu nghĩa Phổ Chiếu Pháp Giới trùng trùng vô tận, đưa thính chúng vào cảnh giới siêu việt quên cả thân tâm lẫn thế giới bên ngòai. Chẳng biết thời gian là bao lâu, chợt nghe tuyên bố phần tiếp theo sẽ giảng vào ngày hôm sau, đại chúng như người trong mộng mới tỉnh, mọi người trở về với hiện thực. Sau khi Bồ-tát Văn-thù rời pháp tòa, họ mới sôi nổi bàn tán về pháp lạc chưa từng có và quyến luyến ra về.
Thời gian trôi qua như điện chớp, đại hội Phổ Chiếu Pháp Giới đã đến ngày cuối cùng. Người đến chùa Đại Tháp nghe kinh ngày càng đông đảo, họ ngồi đầy cả trong lẫn ngòai chùa thành cả một biển người. Có người đến vì để nghe kinh, cũng có người vì tôn sùng ngưỡng mộ đạo đức của Bồ-tát Văn-thù mà hấp dẫn đến
Sau khi Bồ-tát Văn-thù giảng kinh Phổ Chiếu Pháp Giới hoàn tất, thính chúng hết lòng cảm tạ và chí thành đảnh lễ. Những vị chưa học Phật thì phát tâm quy y Tam bảo, những người học Phật rồi thì phát tâm Bồ-đề, cầu học đạo Bồ-tát, số nhiều không thể kể xiết.Lại còn số thanh niên đồng nam đồng nữ thuần khiết muốn gia nhập đoàn Tín Giải của ngài Văn-thù, đem nhiệt tâm dũng cảm vì pháp, vì người mà phục vụ, sinh lòng kính ngưỡng không bờ mé, sôi nổi phát tâm học Phật, tu tập Đại thừa Phật pháp. Trong số các đồng nam ấy, có một thanh niên tên gọi là Thiện Tài Đồng Tử, không biết dũng khí thế nào, đột nhiên tách chúng tiến đến gần trước mặt Ngài Văn-thù trang nghiêm thỉnh cầu:
-Lạy Đấng Diệu trí thanh tịnh như mặt trăng, lòng từ rộng lớn không bờ mé trùm khắp hết thảy ! Xin Ngài rũ lòng thương chiếu cố đến con, lạy bậc vua trong hết thảy pháp giới, Pháp bảo là hàng đầu qua lại không trở ngại, xin rũ lòng dạy dỗ cho con !
Bồ-tát Văn-thù quan sát Thiện Tài, thấy cậu tuổi còn trẻ, thân thể khang kiện, phong độ phi phàm, cử chỉ trang nghiêm, lời nói thành khẩn, biết là người đã sâu trồng căn lành. Lại thấy trong những ngày vừa qua, Thiện Tài rất chăm chỉ và say sưa nghe giảng Pháp nên Ngài đáp ứng yêu cầu khai thị yếu nghĩa pháp Đại thừa, xong rồi lại còn khích lệ và an ủi nữa. Thiện Tài được Bồ-tát Văn-thù khai đạo và khích lệ, thật là một sự vui mừng chưa từng có. Sau đó, cậu mới cùng đại chúng rời khỏi chùa Đại Tháp.
Được tin Bồ-tát Văn-thù và chúng đoàn Tín Giải sắp rời đi hoằng đạo nơi khác, giới nhân sĩ Phật giáo ở Phước Thành chuẩn bị buổi tiễn đưa thật long trọng và nhiệt tình. Thiện tài cũng chuẩn bị tham gia buổi tiễn đưa tại chùa Đại Tháp