Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Đặng Thùy Trâm
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, September 3, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Đặng Thùy Trâm



Cơn sốt cuốn nhật ký 'có lửa'


Trong những ngày kỷ niệm 60 năm quốc khánh 02.09, tại Việt Nam đang diễn ra cơn sốt về một cuốn nhật ký mà nhiều nhà bình luận văn học nói rằng họ chưa từng thấy trong hàng chục năm qua.

Đó là sự chào đón nồng nhiệt cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm', cuốn nhật ký của một bác sỹ thuộc quân đội cộng sản miền Bắc đã hy sinh năm 1970 khi ngoài 20 tuổi trong chiến trường phía Nam.

Tình cờ cuốn nhật ký này đã được một người lính Hoa Kỳ giữ lại, mang về Mỹ và cuối cùng trả lại cho bà mẹ của tác giả.


Nghe tường thuật của Nguyễn Hùng

Đọc một đoạn của cuốn Nhật ký

Bác sỹ Đặng Thùy Trâm bị giết trong cuộc chiến vào một ngày tháng Sáu năm 1970. Cuốn nhật ký này đã được hai anh em người lính Mỹ Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst giữ trong suốt 35 năm.

Nay, được in ở Việt Nam, nó đã ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách ăn khách nhất ở Việt Nam tính từ vài chục năm trở lại đây.

Hiện tượng

Ông Vương Trí Nhàn, người đứng ra biên tập cuốn sách này cũng chính là người trước đây đã học cùng bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong ba năm cấp ba.

Ông nói với đài BBC ông tin rằng cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' sẽ vẫn đọng lại với thời gian chứ không hẳn chỉ là một thứ mốt.

Ông cũng nói đây thực sự là một hiện tượng trong lĩnh vực xuất bản.

''Trong đời làm xuất bản, văn nghệ của tôi khoảng 40 năm nay chưa có một hiện tượng nào như thế này.''

Ông Nhàn nói cuốn sách làm ông nhớ lại sự 'bùng nổ' của các tác phẩm như 'Sống Như Anh', 'Đứng Trước Biển' hoặc 'Cù Lao Chàm'.

Một điều nữa chứng tỏ giá trị của tác phẩm, ông Nhàn nói, đó là sự chú ý của nước ngoài với các bản dịch nhật ký sang các tiếng khác đang được thực hiện.

Cũng theo ông Vương Trí Nhàn, sự chân thật của Đặng Thùy Trâm vì chỉ viết cho riêng mình đã khiến cho cuốn nhật ký thêm hấp dẫn.

Bên cạnh đó, ông Nhàn nói chuyện tác giả liên tục viết nhật ký trong một thời gian dài cũng là điều đáng nói.

Và sự chân thật của bác sỹ Trâm được thể hiện trong suốt cuốn nhật ký và ở nhiều khía cạnh.

Bác sỹ đã có những lúc tỏ ra bực tức vì chính những đồng nghiệp của bác sỹ đã có những thái độ không chia sẻ và hiểu biết trong chiến tranh.

Bác sỹ Trâm cũng ghi lại những suy nghĩ khi xin gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam, với thái độ của những người xung quanh khiến cô bực tức nhiều hơn là vui.

Cuốn nhật ký 'có lửa'

Và sự chân thật và cách viết văn độc đáo của bác sỹ Trâm đã khiến cho cuốn nhật ký không chịu chung số phận của rất nhiều những cuốn nhật ký hoặc thư từ cá nhân khác.

Những người giữ lại cuốn nhật ký, đặc biệt là hai anh em nhà Whitehurst đã được chào đón nồng nhiệt trong một trường quay ở Việt Nam.

Lên truyền hình Việt Nam họ đã kể lại câu chuyện cách đây 35 năm và cũng nói về ấn tượng về cuốn sách.

Ông Frederic Whitehurst kể lại chuyện ông đang đốt các tư liệu được coi là 'không có giá trị' cho ngành tình báo thì một người phiên dịch đến bên ông và khuyên ông giữ lại một cuốn nhật ký.

Ông Whitehurst kể lại người phiên dịch nói rằng bên trong cuốn nhật ký ''đã có lửa rồi''.

Cũng theo ông Whitehurst, một số hôm sau, người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu lại mang về cho ông một cuốn nhật ký thứ hai cũng của bác sỹ Trâm.

Khi rời Việt Nam hồi những năm 70, ông Whitehurst đã mang theo hai cuốn nhật ký và giới thiệu hai cuốn này với gia đình và bạn bè cho tới khi ông tìm cách liên hệ và qua bạn bè đã tìm ra được gia đình bác sỹ Trâm ở Hà Nội.


Đoạn về tình yêu và cái chết

Còn ông Vương Trí Nhàn, người biên tập cuốn sách nói rằng ông đã không gặp khó khăn gì trong việc cho ra mắt 'Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm' nhưng cũng nói việc viết sách ở Việt Nam không phải dễ dàng, nhất là khi người ta nghĩ tới chuyện phải viết tới đâu và liệu tác phẩm có được ra mắt công chúng hay không.

Cũng nhân dịp xuất bản cuốn nhật ký này, cây bút Bùi Minh Quốc đã kêu gọi giới trẻ có ý thức và chí khí đấu tranh hơn cho tự do mà thế hệ cha anh đã đổ xương máu để mong có được.

Vợ của ông Quốc, nhà thơ Dương Xuân Quý cũng đã qua đời khi còn trẻ trong một hoàn cảnh có lẽ không khác lắm so với bác sỹ Đặng Thùy Trâm.


BBC
http://www.bbc.co.uk/vie...dangthuytramdiary.shtml
Phượng Các
#2 Posted : Sunday, September 4, 2005 4:07:34 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Một vài đoạn trích từ 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm'

Sau đây là một đoạn trong cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm', ghi lại một ngày của tác giả, vào năm 1968 khi đang ở trong chiến trường miền Nam.
Ngày 13.4.68

Một ngày mệt nhọc vô cùng. Ba ca thương nặng vào một lúc. Suốt một ngày đứng bên bàn mổ đầu óc căng thẳng vì những vết thương, vì tiếng khóc xé ruột xé lòng của chú Công (cha Đường) và vì những tin buồn dồn dập.

Đường đã bị bắt sống trên đường công tác. Cậu bé sôi nổi nhiệt tình ấy không hiểu có chịu nổi những đòn tra tấn của quân thù hay không. Thương Đường vô tận. Lá thư viết gửi Đường vậy là chưa đến nơi. Người cầm thư đã chết còn người nhận thư thì bị bắt!

Biết bao nhiêu bà mẹ như mẹ Đường sẽ còn đau khổ khóc than đến cạn dòng nước mắt. Ôi nếu mình ngã xuống, mẹ mình cũng sẽ như bà mẹ ấy thôi, cũng sẽ là một bà mẹ suốt đời hi sinh vì con để rồi mãi mãi đau xót vì con mình đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa.

Mẹ ơi! Con biết nói sao khi lòng con thương mẹ trăm nghìn triệu mà cũng đành xa mẹ ra đi. Quân thù đang còn đó, bao nhiêu bà mẹ còn mất con, bao nhiêu người chồng mất vợ. Đau xót vô cùng.

Và tiếp tục là một đoạn trích khác, viết năm 1969, một năm trước khi tác giả bị giết:

21.2.69
Đọc bài thơ của P.H viết tặng mình từ miền Bắc gửi vào:

Nơi ấy là khoảng trời anh ở
Ngày xưa và cả mai sau
Nơi ấp iu mối tình nhỏ, tổ chim sâu
Con chim nhỏ bay rồi…

Không lẽ nào mối tình không được đáp lại vẫn còn mãi trong anh hở người nghệ sĩ? Với mình, hình ảnh anh bị những hình ảnh khác che khuất lâu rồi nhưng hôm nay đọc bài thơ sao mình thấy nhớ anh. Một mùa hè khi hoa phượng nở đỏ trên đường phố, nắng chói chang qua vòm cây xanh.

Mình đi học về qua căn nhà ba tầng ở 14 phố Lê Trực ngước lên nhìn đã thấy anh đứng đó đợi mình, mái tóc xòa phủ trên đôi mắt buồn. Một chiều khi cơn dông ầm ĩ nổi lên khắp bốn chân trời gió bụi mù mịt, anh vẫn đứng đợi mình ở đầu sân Hàng Đẫy, mình đạp xe qua ngạc nhiên nhận ra anh dưới ánh đèn đêm của thành phố...

Trong một lá thư cuối cùng viết cho mình, anh nói: “Thôi em đi đi, rồi em sẽ có một người yêu xứng đáng nhưng anh có thể nói chắc chắn rằng không có một người nào trên đời này yêu em hơn anh được đâu”. Hình như câu nói đó là sự thực, nhưng mình không ân hận bởi vì mình không yêu anh thì làm sao có được một tình yêu đẹp đẽ công bằng.



Phượng Các
#3 Posted : Sunday, September 4, 2005 4:08:16 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sau đây là một đoạn khác trong cuốn nhật ký ghi lại một số ngày của tác giả, vào năm 1968, khi đang ở trong chiến trường miền Nam.
20.8.68
Viết đơn vào Đảng, niềm vui thì ít mà bực dọc thì nhiều. Tại sao con đường đi của một đứa tiểu tư sản bao giờ cũng nhiều chông gai đến vậy? Đành rằng vì tính chất giai cấp, nhưng mình vẫn thấy rất rõ một điều ngoài cái lẽ dĩ nhiên ấy. Có một cái gì đó bắt bẻ, gọi là bắt bí của một vài cá nhân có trách nhiệm.

Chẳng biết nói sao, đời nó là như vậy đó. Dù thành tích anh có cố gắng bao nhiêu cũng không bằng một anh khác ở thành phần cơ bản chỉ vừa mới giác ngộ bước đầu. Hường hồi còn sống thường động viên mình rằng đó là chỗ hơn của một người tiểu tư sản! Hơn gì? Hơn khó khăn, hơn cực nhọc hở Hường?

Mình như một đứa con không gia đình lâu ngày tìm về mẹ nhưng người mẹ ghẻ còn bận nâng niu những đứa con riêng nên thờ ơ lạnh nhạt với đứa con chồng. Muôn người đã tạo nên một người mẹ hiền vĩ đại là Đảng, nhưng trong muôn người mẹ ấy có một người mẹ (và chắc không phải một người đâu) y hệt một bà mẹ ghẻ trong câu chuyện cổ tích!

21.12.68
Rất lâu rồi mình không nghĩ đến M.. Hôm nay đọc lại những lá thư từ ngoài Bắc, thư của Thái, của Phương, của cậu Hiền... bỗng dưng mình buồn vô kể. Ngoài ấy ai cũng mong mình hạnh phúc, ai cũng tưởng mình hạnh phúc khi gặp lại M.. Nhưng cuộc đời sao lắm nỗi éo le.

Hạnh phúc trong tình yêu đã không đến với mình. Mình không thể hiểu được sau này sẽ ra sao, mình sẽ yêu ai, người đó như thế nào, liệu trong mình có còn được cái sôi nổi tha thiết yêu thương nữa hay không?

Thùy ơi! Bi quan đấy ư? Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Th. lại nghĩ đến riêng tư. Đừng nhìn ra Bắc, hãy nhìn ở đây, ở mảnh đất còn nóng bỏng đạn bom đau thương và lửa khói này.

Và tiếp tục là một đoạn trích khác, viết năm 1970, không lâu trước khi tác giả bị giết:

16.6.70
Chúng mình đang sống trong những ngày căng thẳng tột bậc. Bệnh xá đã bị đánh phá, địch tiếp tục uy hiếp dữ dội bằng đủ loại máy bay. Nghe tiếng máy bay quần trên đầu mình thấy thần kinh căng thẳng như một sợi dây đàn lên hết cỡ.

Không có cách nào giải quyết khác hơn là mình vẫn phải ở lại cùng anh em thương binh. Buồn cười thay đồng chí chính trị viên của bệnh xá từ chối không dám ở lại cùng mình trong tình huống này. Vậy đó, lửa thử vàng gian nan thử sức. Mình cũng đành chịu đựng trong hoàn cảnh này chớ biết nói sao hơn?

Những ngày này nhớ miền Bắc tha thiết, nhìn trời râm mát mình nhớ những buổi chiều mình cùng các bạn ung dung trên chiếc xe dạo qua vườn ươm cây, những luống hoa pensées rực rỡ như những đàn bướm đậu trên mặt đất, những đóa hồng ngào ngạt hương thơm... Mình nhớ cả khóm liễu tường trong vườn thực vật - bông hoa Phương thường hái về cắm trong nhà. Ôi miền Bắc xa xôi, bao giờ ta trở lại?

29.3.70
Lần đầu tiên đào huyệt chôn một người đồng đội, những nhát cuốc của mình bổ xuống đá làm tóe lửa như nỗi căm thù đang bốc cháy trong lòng mình. Hôm qua trong lúc đi cảnh giới về gặp địch, Thành đã bị chúng bắn chết ngã ngay tại suối trước ngõ vào nhà mình, và anh Xuất bị chúng bắn bị thương rồi hạ tàu bay chở đi. Chiếc quần của anh chúng rọc nát còn vứt lại một bên... Chưa đầy ba tháng cơ quan mất ba người!

Huyệt đào chưa xong mọi người đã khiêng Thành về. Qua một ngày rồi mà máu vẫn còn chảy ướt đỏ tấm drap quấn quanh Thành. Mình nhìn không rõ mặt Thành lắm, chỉ thấy đôi mắt đã nhắm và nước da nhợt nhạt. Lúc sống Thành có nhiều nhược điểm làm mình không ưa, nhưng bây giờ khi khỏa đất lấp lên thân hình người đồng đội ấy mình không cầm được nước mắt. Vậy đó, hãy ráng mà đùm bọc thương yêu nhau khi còn sống, chứ khi đã chết rồi có khóc thương cũng chỉ là những giọt nước mắt nhỏ trên nấm đất vô tri vô giác mà thôi.


Phượng Các
#4 Posted : Tuesday, August 29, 2006 11:35:36 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


10-04-1968
Vậy là hết chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những bài thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “ Tất cả ba lô lên đường! ” những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao mỳ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền bắc trào lên trong mình như mặt song những ngày mưa lũ và … mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người nữa. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền bắc thân yêu.
Suốt một đêm, một ngày lo lắng vì ca mổ của Sang, chiều nay long mình vui sướng xiết bao khi thấy Sang ngồi dậy, nét mặt anh còn in nỗi đau đến mệt nhọc nhưng nụ cười gượng nở trên môi. Bàn tay anh khi nắm tay mình mến thương tin tưởng. Ơi người thương binh trẻ tuổi rất đỗi dũng cảm kia ơi, tôi thương anh bằng một tình thương rộng rãi nhưng rất sâu xa: tình thương của một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị với đứa em đau ốm (thực ra Sang bằng tuổi mình) và tình thương ấy đặc biệt hơn với mọi người vì cộng them cả lòng mến phục.
Anh có thấy được điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhe trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không? Chúc Sang mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu, vời bà mẹ già đang vò võ ngóng trông con từng giờ từng phút.

dtt
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.