Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trùng Dương
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



Trùng Dương




Tên thật Nguyễn Thị Thái.
Sinh ngày 15 tháng 4 năm 1944 tại Sơn Tây.
Vào Nam năm 1954.
Khởi viết năm 1965.
Cựu chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần Sài Gòn.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản:

Vừa Ði Vừa Ngước Nhìn (1964)
Mưa Không Ướt Ðất (1967)
Cơn Hồng Thuỷ Và Bông Hoa Qùy (1969)
Chung Cư (1971)
Một Cuộc Tình (1972)
Lập Ðông (1973)


Phượng Các
#2 Posted : Saturday, November 27, 2004 9:10:22 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Vài điểm lợi và bất lợi trong việc cầm bút ở hải ngoại

Trùng Dương



Điều không ai có thể phủ nhận là con người sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sinh sống. Điều này đã được thân mẫu của ông Mạnh Tử khám phá ra khi bà quyết định dọn nhà khỏi khu xóm kế bên một cái nghĩa địa đến bên một trường học. Người cầm bút lại càng không tránh được định luật này.

So với anh chị em cầm bút ở trong nước, người cầm bút ở hải ngoại gặp một số điểm bất lợi. Trước nhất và quan trọng hơn cả: Chúng ta bị bật rễ (uprooted) ra khỏi vùng đất quê hương nơi đã nuôi dưỡng tâm tình chúng ta. Điểm bất lợi thứ hai: Chúng ta ở rải rác khắp mặt địa cầu, mà người cầm bút thì lại có nhu cầu gần gũi trao đổi, phản ứng (feedback) đối với những bài đã viết hoặc đã đọc để chúng ta được yên tâm là tiếng đàn Bá Nha của chúng ta vẫn có người Tử Kỳ lắng nghe. Điểm bất lợi thứ ba là sự thiếu vắng một khối độc giả để chúng ta có thể, dù chỉ một phần nào, dựa được vào ngòi bút để sống.

Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, những người cầm bút ở hải ngoại đã và đang tiếp tục vượt qua nhưng trở ngại vừa kể trên. Sinh hoạt phong phú của văn học nghệ thuật và truyền thông báo chí của người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới từ 20 năm qua là một bằng chứng cụ thể. Tôi chỉ xin đan cử một thí dụ điển hình mà tôi được thấy. Vào năm 1988, tôi có dịp đi dự hội nghị thường niên của tổ chức Ký Giả Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian American Journalists Association) ở Los Angeles. Đây là lần đầu tiên hội này tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt dành cho báo chí truyền thông thiểu số. Trong phòng tiếp tân ban tổ chức cho dựng ba tấm bảng ghi tên những cơ quan truyền thông báo chí thiểu số. Tôi tẩn mẩn đếm và thấy báo chí truyền thông của người Việt chiếm tới quá nửa, vượt xa cả người Trung Hoa và Nhật đã lập nghiệp lâu đời ở đây hơn chúng ta. Đấy là chuyện 10 năm về trước, riêng tại Hoa Kỳ và đặc biệt ở California, trước khi có sự ra đời rất trăm hoa đua nở của sinh hoạt truyền thanh. Song điều đáng khích lệ hơn cả là sự xuất hiện của những người cầm bút sau 1975, và đăc biệt là một số người trẻ khởi nghiệp cầm bút viết văn làm báo bằng tiếng ngoại quốc, như Anh ngữ chẳng hạn. Những người viết trẻ này đã và đang đóng góp vào gia tài văn học báo chí của chúng ta (1) tại hải ngoại những phản ảnh về một thế hệ không chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến Pháp-Việt và Quốc-Cộng bên cạnh hai lần "đổi đời" 1954 và 1975, song cũng không kém phần hoang mang trong khi tìm kiếm cho mình một cái căn cước (identity).

Tóm lại, miền đất hải ngoại thoạt tưởng là hoang sơ đối với chúng ta, song thực tế lại rất phì nhiêu mầu mỡ. Mà nó phì nhiêu là nhờ những lợi điểm mà anh chị em cầm bút ở trong nước không có sẵn. Lợi điểm thứ nhất và quan trọng hơn hết cả, đó là không khí tự do, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà tự do ngôn luận và báo chí được Hiến Pháp Hoa Kỳ che chở có thể nói là gần như tuyệt đối. Có nơi nào trên thế giới mà người dân có quyền xé hay đốt lá quốc kỳ mà vẫn được luật pháp bao che, coi đó là một biểu tỏ của quyền tự do ngôn luận? Song bởi tự do như vậy mà trách nhiệm của người cầm bút càng nặng, đòi hỏi một thận trọng tối đa, không phải là tha hồ muốn viết gì thì viết. Viết ẩu tả, nếu không bị kiện tụng tốn kém dù cho mình có thắng kiện đi chăng nữa, như đã và đang xảy ra trong cộng đồng chúng ta tại Hoa Kỳ, thì cũng khó mà sống yên ổn và hãnh diện với lương tâm của một người cầm bút chân chính.

Điểm lợi thứ hai của người cầm bút ở hải ngoại là vấn đề tài liệu. Cần nghiên cứu bất cứ về đề tài gì hệ thống thư viện công cộng hoặc tại các trường đại học đều có sẵn. Từ vài năm trở lại đây, với kỹ thuật Liên mạng (Internet) ngày một phổ biến, mà Mạng nhện Toàn cầu (World Wide Web) là một bộ phận, chẳng những người cầm bút có thể tìm tài liệu tại các thư viện ở Hoa Kỳ mà cả tại các thư viện quốc gia tại nhiều nước khác. Tất nhiên không phải cái gì cũng là miễn phí cả trên Liên mạng, song trên Liên mạng vẫn là cả ‘rừng’ tài liệu sẵn sàng cho ta khai thác, vấn đề là biết cách kiếm cái mình cần và biết xét đoán cân nhắc tính chất chính xác, đáng tin cậy của tài liệu đó.

Cũng chính nhờ hệ thống Liên mạng mà dù chúng ta ở rải rác khắp nơi trên thế giới vẫn có thể liên lạc, trao đổi bài vở tài liệu với nhau mau chóng và dễ dàng qua phương tiện e-mail, thảo luận nhiều vấn đề và kể cả kết thêm bạn qua các mailing lists, newsgroups, hoặc chuyện trò trực tiếp qua IRC (Internet relay chat) và cả điện đàm trên Liên mạng mà không phải sử dụng hệ thống điện thoại viễn liên tốn kém.

Ngoài ra, với kỹ thuật Web publishing ngày một trở nên thông dụng, phí tổn xuất bản và phát hành báo chí sách vở có thể được cắt giảm đi tới 60, 70 phần trăm. Đây là cuộc cách mạng truyền thông quan trọng không kém so với việc Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào giữa thế kỷ 15.



Nãy giờ nói tổng quát mà chưa đề cập đến kinh nghiệm riêng sống và viết ở hải ngoại của tôi. Từ trên ba năm nay tôi (tạm?) ngưng viết, kể từ sau bài "Sao đặc trời" (Thế Kỷ 21, tháng 9-1994), và "Never had a chance to say goodbye" xuất bản ngày 30-4-1995 trên tờ nhật báo The (Stockton, Calif) Record mà tôi hiện cộng tác, nhân kỷ niệm 20 năm mất Sàigòn. Mỗi bài, với tôi, là một giải đáp hoặc kết thúc của một giai đoạn sống đã qua. Lý do chính của sự ngưng viết này là tại tôi bận với việc sở - Tôi hiện giữ phần vụ điều hành cái thư viện của phòng tin tức (news library) của tờ báo địa phương, vô cùng bận rộn song khá thích thú và có dịp học hỏi được nhiều điều mới, nhất là việc nghiên cứu (research) trên Liên mạng và những online databases thương mại. Ngoài ra, đến một tuổi nào đó tôi, như nhiều người khác, có nhu cầu tách ra và nhìn lại cuộc hành trình đã trải qua để tái định hướng, nếu cần, cho cuộc hành trình sắp tới.

Đã hẳn là đời sống bên đây với những cơ hội và phương tiện kỹ thuật đã ảnh hưởng lớn lao đối với việc viết văn của tôi. Phải cần một bài riêng để trình bày diễn biến tư tưởng, cảm nghĩ và kinh nghiệm của tôi về đề tài này trong hai chục năm, 1975-1995. Ở đây chỉ xin tóm tắt như sau: Do tuổi đời (đã ngoài 50), ảnh hưởng nghề nghiệp và kinh nghiệm của đời sống ở hải ngoại, tôi trở nên thận trọng và cũng khó khăn với chính mình hơn, và do đấy cũng mất đi phần nào sự hồn nhiên, bộc phát và khả năng tưởng tượng không thể thiếu trong việc sáng tác.
viethoaiphuong
#3 Posted : Sunday, December 13, 2009 6:21:23 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
nhà văn nữ Trùng Dương
Đi thăm ngôi nhà của Hemingway ở Key West, Florida




Trùng Dương

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Từ 1991-93, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., từ cuối năm 1993 tới khi về hưu vào giữa năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Vào mùa xuân năm 1928, Key West -- lúc ấy còn là một hòn đảo nhỏ nằm ở cực nam Hoa Kỳ, cách Cuba khoảng 90 miles, được nối liền với Florida bằng một đường rầy xe lửa xây trên đất bồi chứ chưa có đường nhựa cho xe chạy như bây giờ -- có dịp đón một người khách trẻ mới 29 tuổi, Ernest Hemingway, và cô vợ Pauline Pfeiffer đang mang bầu đứa con đầu lòng. Hai người ghé qua Key West chơi trên đường về lục địa Hoa Kỳ sau một mùa đông lạnh giá ở Paris, chờ chiếc xe hơi hiệu Ford do ông chú vợ giàu có mua tặng như một món quà cưới. Xe đặt mua chưa về, hai vợ chồng nhân tiện ở chơi Key West vài ngày để đợi xe.

Key West, với khí hậu mát mẻ và những tàng cây me, phượng vĩ, ổi, dừa, hoa nhiệt đới đủ loại, và những ngôi nhà kiến trúc colonial, đã giữ chân họ lại cả chục năm sau đó. Họ thuê nhà ở. Pauline sinh con trai đầu lòng, Gregory, rồi có bầu người con trai thứ hai, Patrick. Năm 1931, lại vẫn ông chú vợ giàu có mua cho họ căn nhà nay trở thành Hemingway Home and Museum, ở số 907 Whitehead Street, Key West.

Cũng tại thành phố hải đảo này Hemingway đã hoàn tất cuốn A Farewell to Arms đang viết dở dang, xuất bản năm 1929, được đón nhận nồng nhiệt. Mười năm sinh sống tại Key West là thời gian Hemingway sáng tác sung sức nhất, và đã hình thành một số lớn các tác phẩm quan trọng. Ngoài A Farewell to Arms còn có Death in The Afternoon, Winner Take Nothing, The Snows of Kilimanjaro, The Short Life of Francis Macomber, và cuốn truyện duy nhất có bối cảnh nước Mỹ, To Have And Have Not, với bối cảnh Key West.

Đã hẳn là Key West rất hãnh diện có một cư dân quan trọng như Hemingway, đặc biệt là nhà văn đã được giải Nobel văn chương (1954). Ngôi nhà ông cư ngụ đã được liệt vào danh sách U.S. National Historic Landmark vào năm 1968, và được Key West Visitors Inc. đưa lên hàng đầu của danh sách tám danh lam thắng cảnh nên xem của hòn đảo gần Cuba hơn là Miami ở phía bắc, với dân số trên 25,000.


Trước nhà của văn hào Ernest Hemingway ở số 907 Whitehead Street, Key West.
Hemingway trú ngụ tại đây từ 1931 tới 1939. Trong thời gian cư ngụ tại đây,
ông đã hoàn tất nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có A Farewell to Arms
(Ảnh Trùng Dương, 11/14/2009)

Ngôi nhà hai tầng nơi cư ngụ của Hemmingway do Asa Tift, một kiến trúc sư hàng hải, xây cất vào năm 1851. Năm 1931 ông chú giầu có của vợ nhà văn mua tặng cho hai vợ chồng trẻ với giá $12,500 (có tài liệu nói là $8,000). Web site của Hemingway House and Museum tại HemingwayHome.com nói là đồ đạc của nhà văn vẫn còn tại ngôi nhà đó, kể cả chiếc máy chữ Royal mà Hemingway dùng để viết, cũng như đám mèo có ngón chân dư vốn là hậu duệ của con mèo mà "Papa" Hemingway yêu thích hồi còn sinh tiền. Tuy nhiên, thân nhân của Hemingway cho biết Hemmingway không nuôi mèo tại đó, mà là nuôi công, ông có nuôi một con mèo có ngón chân dư, nhưng là thời kỳ ông ở Cuba, từ 1939; và khi ngôi nhà được bán đi sau khi Hemingway chết (1961) thì trống không, không có đồ đạc và sách vở gì cả.

Tuy định cư ở Key West nhưng Hemingway đi du lịch đó đây luôn. Năm 1933 ông cùng với một người bạn Key West đi Phi Châu để săn bắn tới ba tháng trời, tốn kém của chuyến đi lại cũng do ông chú vợ cho mượn tiền. Cũng trong chuyến đi này mà ông thu thập chất liệu cho hai truyện ngắn coi như sáng giá nhất của ông, "The Snows of Kilimanjaro" và "The Short Happy Life of Francis Macomber."

http://www.voanews.com/v...s/Hemingwayhouse_210.jpg[/img]
Ngôi nhà của văn hào Ernest Hemingway được xây vào năm 1851, đã được liệt vào danh sách U.S.
National Historic Landmarks, nay là Hemingway Home and Museum (Ảnh Wikipedia Commons)

Năm 1937 ông đi Tây Ban Nha để tường trình về cuộc nội chiến Tây Ban Nha cho hãng thông tấn North American Newspaper Alliance. Cũng trong thời kỳ này cuộc hôn nhân của Hemingway với Pauline cũng trải qua một cuộc chiến, vì nhà văn gặp và phải lòng Martha Gellhorn, một nữ văn sĩ trẻ tuổi ông gặp ở Key West và đã thầm kín đi lại với bà này bốn năm trước khi quyết định ly dị vợ và lấy bà này. Dù vậy, Martha cũng chưa phải là vợ cuối cùng của Hemingway, mà là thứ ba trong bốn bà. Trước sau nhà văn lấy vợ bốn lần, đó là các bà Hadley, Pauline (có hai con trai với nhà văn, Gregory và Patrick, sinh ra và lớn lên ở Key West), Martha và Mary (người có mặt trong đời ông khi ông tự tử ở Idaho).

Tôi ghé thăm Key West vào giữa tháng 11, chặng chót của chuyến đi chơi vùng biển Caribbean và Panama Canal trước khi về xếp vali vào một góc nhà xe kết thúc một năm du lịch hơi nhiều. Ghé ngôi nhà của Hemingway làm tôi nhớ đã lâu lắm chưa đọc lại Hemingway kể từ sau 1975, nhưng nhớ có đọc, và nhớ hoài, trong một trong những cuốn sách dậy viết văn có đề cập tới câu trả lời của ông, khi được hỏi tại sao ông viết đi viết lại tới 39 lần trang cuối cùng của A Farewell to Arms. "Getting the words right," ông đáp. Và ông đã làm cái việc đó -- 39 lần -- trong chính căn nhà tôi đang viếng.

Tôi như cảm được niềm hạnh phúc tuyệt vời ông có được khi cảm thấy những chữ mình dùng vừa đúng. [Một lần, trong khi dịch cuốn "Người Đàn Bà Trong Cồn Cát" của Kobo Abe, đến đoạn người đàn ông bị bắt lại sau khi chạy trốn khỏi cái hố cát dân làng bắt cóc bỏ anh ta vô đó với người đàn bà để làm cái việc hằng đêm xúc cát để giữ cho cát đừng chôn vùi ngôi nhà. Trước, khi còn chống đối và tìm đường thoát thân, anh ta vẫn xưng hô lạnh lùng "tôi, cô" với người đàn bà. Sau khi bị bắt lại, trong lúc người đàn bà tắm cọ cho anh, anh bắt đầu xưng hô "tôi, em", như một khuất phục trước hoàn cảnh không lối thoát. Tôi đã vui mãi với trò "getting the words right" này, mặc dù đấy mới chỉ là với truyện dịch.]

Hemingway thực ra không phải là nhà văn duy nhất đã chọn Key West làm nơi cư ngụ. Nhà viết kịch Tenessee Williams cũng đã từng sinh sống tại Key West, từ năm 1941. Có nguồn tin nói rằng ông viết bản thảo đầu vở kịch A Street Car Named Desire vào năm 1947 tại Khách sạn La Concha ở Key West. Năm 1947 ông mua căn nhà xây theo kiểu hiện đại (khác với nhà Hemingway xây từ giữa thế kỷ 19 và theo kiến trúc đặc thù của miền nhiệt đới). Ngôi nhà của Williams toạ lạc ở số 1431 Duncan Street, Key West. cách ngôi biệt thự của Hemingway khoảng 1.2 miles. Williams khai địa chỉ chính thức của ông ở đây cho tới khi ông chết vào năm 1983. Tuy vậy, hai nhà văn và kịch tác gia tên tuổi này không một lần gặp nhau ở Key West, mà là gặp nhau ở Cuba. Nhà của Williams nay là một tư gia, không mở cửa cho công chúng vào xem.

[img]http://www.voanews.com/vietnamese/images/td_waiting4sunset-210.jpg" alt=""/>
Cảnh đón mặt trời lặn ở Key West (Ảnh Trùng Dương, 11/14/2009)

Key West có khu phố cổ (Old Town) sát bên bờ biển, nườm nượm những tiệm ăn, tiệm bán đồ lưu niệm và khách du lịch, nhiều người thuê xe gắn máy hoặc loại xe nhỏ chạy bằng điện để di chuyển đó đây. Họ vẫy chào nhau và khách bộ hành như thể đã từng quen biết.

Ngắm mặt trời lặn ở Key West là một việc không thể thiếu sót khi đã đặt chân tới đây. Phái đoàn của chúng tôi -- cô em, tôi và bốn đứa cháu -- phải vất vả lăm mới kiếm được chỗ đậu xe. Sau đó phải đi bộ đến bốn, năm bloc đường mới tới hải cảng, và ngồi để giữ chỗ và chờ cả tiếng để nhìn mặt trời lặn. Nhiều thuyền buồm chở du khách đi xem mặt trời lặn, cho người đứng trên bờ cơ hội chụp những cánh buồm lộng gió trong bầu trời buổi hoàng hôn tuyệt đẹp.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.