Hoa Đài Dâng Hương
Tuệ Nga
Nguồn Sống, California, Hoa Kỳ
Ấn hành 2000
---o0o---
CẢM NHẬN NGUỒN THƠ
(Thay Lời Giới Thiệu )
Hoa Đài Dâng Hương - Tập thơ thứ sáu của Nữ Sĩ Tuệ Nga, một nhà thơ không mấy xa lạ trong Giới Văn Nghệ Sĩ Việt Nam có gần ba thập niên qua. Một người thơ trẻ nhất trong Hội Thơ Quỳnh Dao, người đã được Giải Văn Học Nghệ Thuật qua tác phẩm “SUỐI” đầu tay năm 1974 tại Sài Gòn. Thiết nghĩ, các bậc anh chị lúc bấy giờ cũng đã lấy làm vui sướng với Hội Thơ Nhà, đã có một người em xứng đáng được lãnh giải Văn Chương. Có lẽ các bậc anh chị như Nữ Sĩ Tiền Bối Niên Trưởng Đào Vân Khanh, các Nữ Sĩ Mộng Tuyết, Chung Anh, Đinh Thục Oanh, Trùng Quang, Hương Khuê, Đinh Việt Liên, Quỳ Hương, Vân Nương, Thu Nga, Uyển Hương .v.v.. đã dành cho nhà thơ của chúng ta một niềm thương chân thật, ưu ái đậm đà và cộng vào thêm cái năng khiếu biệt lệ của Thi Nhân mà nguồn suối thơ Tuệ Nga ngày càng tuôn dòng bất tận. Dù nắng cháy hay mưa sa, dù bão bùng hay hạn hán, nguồn thơ Tuệ Nga cứ vẫn róc rách, êm diệu nhẹ nhàng xuôi chảy theo bên bờ suối xanh, có trăng thanh gió mát, thông reo, như những âm vang nhạc hòa tấu khúc.
Qua những tác phẩm chọn lọc với những đề tài tương xứng khi nhà thơ đã tuần tự cho ra mắt từ trước tới nay như (1) SUỐI từ nguồn cao chảy vào biển thế.
SUỐI tuôn dòng đời lắng đọng, (2) TRẦM TƯ (1982), SUỐI mang mang nguồn Thiền hướng về chân đạo, dâng trọn tấm lòng nguyện thoảng (3) MÂY HƯƠNG (1987), ngát mùi lý tưởng, phảng phất muôn (4) CHIỀU, nhẹ kiếp MÂY bay khắp cùng đường PHỐ (1991). Từ chốn vô thường, niệm tâm vô ngã, trường đời như cánh bướm, như (5) HOA SƯƠNG (1994) lấy gì làm chắc …
Ý thức qua tâm niệm chân thành mà tác giả dùng “Hoa Chân Lý” – “Hoa Đạo Mầu” – “Hoa Giải Thoát” – “Hoa Tình Thương” – “Hoa Tâm” – và nhất là “Hoa Thơ” rực sang, đã kết thành Đài Hoa Báu mà nhà thơ của chúng ta đang quỳ trước điện Phật bộc bạch:
Lòng con một đóa Tâm Hoa cúng dường (Một chiều như mơ, 148)
Nơi tác phẩm (6) HOA ĐÀI DÂNG HƯƠNG Nữ Sĩ Tuệ Nga một Phật tử thuần thành, luôn luôn cảnh giác, từng ngày tháng trôi qua, từng tuổi đời chồng chất, và niệm niệm chân thành, triển khai thành Lục độ, nên toàn tập Hoa Thơ là Đài Kim Cang báu, là trí tuệ sâu mầu, nên
Ý thơ khẩn nguyện chân thành
Khói trầm hương tỏa một vành Huệ quang … (Huệ Quang, 141)
Thiển nghĩ, tác giả không cố tình tính toán, không cố ý lập ngôn, không sắp đặt chu kỳ, đó là qua sự nhận xét của cá nhân tôi, bởi vì:
Thơ con dâng ý nguyện cầu
Mười phương Hoa nở nhiệm mầu phước ban (Mười Phương Hoa Nở, 129)
Đúng thật là long trinh trinh, tâm trung trinh, người thơ hướng trọn tâm thành nguyện tu. Đó là phước báu mà nhà thơ đã thể hiện:
Tôi nghe nắng rọi trong hồn,
Đạo mầu giải thoát con xin nguyện trì … (Nụ Cười Từ Ái, 151)
Và:
Tâm thành kính tạ Phật Trời,
Đã cho con được kiếp người để tu. (Tiếng Vọng Hồng Chung, 05)
Nữ Sĩ Tuệ Nga đã là một Phật tử, nên rất rõ tứ nan: “Nhơn thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật đạo nan thành” Nghĩa là: Mang được thân người rất khó, nghe được Phật Pháp rất khó, hiểu và thực hành được điều thiện rất khó. Nếu không nguyện trì, nếu không quyết chí, nếu không tâm thành, thì lấy chi làm kim chỉ nam để đưa ta về miền Tịnh Lạc, nên nhà thơ của chúng ta đã tự vạch cho mình một lối đi thuần nhất, là dùng Thơ đi vào cõi Đạo rất nhẹ nhàng, êm ả như du hồn vào cõi sống Thần Tiên.
Phải chăng linh dược là thơ
Lắng tan trần mộng đến bờ Giác Hoa. (Bến Bờ Nào Chia, 08)
Hay là:
Thơ như linh dược đất trời
Dắt hồn êm ả thảnh thơi về nguồn
Kinh như ánh sang tâm hồn
Sáng soi nhân thế tạo nguồn sống vui. (Bến Bờ Nào Chia, 08)
Chẳng những nhà thơ Phật tử đã tự đốt đèn để soi lại tâm mình để tự nguyện trì tu học, tích lũy tâm chơn, nuôi già quả chánh, niềm tin mãnh liệt lúc nào cũng khơi dậy nơi lòng với tâm hồn vị tha. Nữ Sĩ Tuệ Nga đã phát nguyện:
Đầu năm dâng lễ nguyện cầu
Ba ngàn thế giới khổ đau không còn
Vị tha Hoa nở đầy hồn
Lời Kinh phát nguyện bồn chồn cỏ hoa (Dâng Lễ Đầu Năm, 143)
Hay là:
Nguyện cầu chư Phật ba đời
Nhân sanh khổ ải đầy vơi bến trần
Nguyện cầu Bồ Tát Quán Âm
Hằng hà Chư Phật từ tâm cứu nàn. (Nhạc Trời, 145)
Có ai trong chúng ta là người Phật tử thể hiện tâm hồn sống chung tu học, khuyến nhắc cùng nhau, cảnh giác cho nhau, hay mở tâm hoan hỷ, tha thứ cho nhau bằng ngôn từ hòa ái, tâm sự chí tình, và mời gọi cùng nhau mỗi khi đi lễ chùa cúng Phật, Nữ Sĩ Tuệ Nga đã mang nguồn Văn Hóa Phật Giáo, tư tưởng Phật Giáo thật nhẹ nhàng rót vào ruộng long nhân thế, như một bản nhạc êm đềm cảm hóa nhân sanh, thấm tình đạo vị, qua lời rủ ren bộc phát, đã khẳng định được truyền thống Nghi Lễ Phật Giáo ăn sâu vào tiềm năng Dân Tộc Việt từ ngàn xưa và bất biến muôn sau, nhà thơ đã trực nhớ, nhắc rằng:
Hôm nay là Rằm Chị ơi!
Hái Hoa cúng Phật mắt ngời ý Sen. (Hái Hoa, 43)
Ngước mắt nhìn lên Đấng Cha Lành chiêm ngưỡng, mong bạn đồng hành cùng lý tưởng chân tu, mời gọi cùng nhau tìm nơi trau tâm sửa tánh, chốn Chùa chiền cảnh Phật Điện tôn nghiêm, ý sáng bừng lên như Sen từ bùn nhơ thoát vượt, đạo đức thơm lừng tỏa ngát dạ từ bi. Tác giả đã xúc động trước cảnh đời khổ đau mà dâng hương ngưỡng nguyện:
Con quỳ nguyện trước Phật Đài
Kính xin Từ Phụ thương đời khổ đau! (Ngát Một Phương Hoa, 24)
Đời là bể khổ ba đào sóng dậy ngập trần lao. Đạo là nguồi vui cõi Niết Bàn tại thế. Phật đã dạy người tu cần thức tỉnh, đối đèn long soi sáng lấy chân tâm. Nếu đã là Phật tử thọ giới quy y, nương thầy học đạo, quyết một lòng rèn luyện trau dồi. Chẳng những tự độ lấy mình mà lại tỏa ngát hương tâm, thấm nhuần đến người người trong cõi sống. Riêng, nhà thơ của chúng ta đã rõ được lý tình, trao niềm chia xẻ. Qua:
Hương Đạo Hạnh thấm nhuần ươm cội sống
Mầu Chân Như tỏa ánh vàng hiển lộng
Đạo trong Đời, Thơ đẹp nét đan thanh. (Nét Đan Thanh, 79)
Thật đúng là:
Kinh vô ngôn tuyệt vời
Sáng tươi trời Diệu Đế. (Hoa Kính Tín, 134)
Ai đã một lần đốt hương khấn nguyện. Ai đã một lần niệm chữ Nam Mô. Ai đã một lần đăm chiêu trước điện. Và ai đã một lần nếm giọt đắng cay, hay ngọt ngào trần thế, thì cũng sẽ có một lần chiêm nghiệm, tư duy, để ít ra cũng có một lần tỉnh thức, chỉ một lần tỉnh thức mà thôi, cũng sẽ ngộ được lý Kinh, thông tường lẽ Đạo, tăng trưởng được phúc báu cho mình, để làm gốc nguồn căn bản, làm cội rễ trí tâm rồi khép mình tinh tấn giữa chốn phồn hoa, sáng chiều Kinh Kệ trước Bảo Tháp nhiệm mầu, âm thầm niệm Kinh bái sám:
Bồ Đề tăng trưởng tâm trau
Trí như sáng tỏ một bầu tịnh thanh
Tâm như Ngọc Ý sáng lành
Búp Sen Tịnh Đế hương cành Đa La
Phồn hoa gió bụi lánh xa
Thời kinh ban sớm nhạt nhòa tuyết sương
Chiều về lãng đãng trầm hương
Sao đêm bàng bạc một phương trăng Rằm. (Trăng Bờ Giác Hoa, 108)
Nhà thơ của chúng ta chẳng những an lạc, thoải mái, hồn nhiên, cười vui thanh thản trong chốn tịnh phòng, ý ngời như Sen dâng hương bát ngát, rồi người thơ tìm về bản ngã, bừng con mắt dậy thấy Mình là Ta:
Tỉnh ra Ta lại gặp Ta.
Ôn lại những giờ phút thoáng qua, những trực nhận cuộc đời, những tình trao thế thái, bào thơ Mây Trắng lơ lửng giữa cõi tâm không muộn phiền cố chấp, đã trọn duyên trao tặng cho “Người” bên kia biển hồng khổ lụy. Ta hãy lắng nghe tác giả rất là khiêm tốn, nhưng lại rất tự tin lòng mình đã tỉnh, viết thơ đề tặng cho Người:
Tỉnh ra Ta lại gặp Ta
Bài thơ Mây Trắng chiều qua tặng người
Mấy vần thơ thẩn rụng rơi
Ném qua biển gió quên đời trầm luân. (Hư Ảnh, 14)
Riêng tôi thiết nghĩ: Chẳng những một bài thơ tặng “Người” mà cả một cuộc đời dâng hiến cho Văn Nghệ, Văn Chương, cả một tâm hồn Nghệ Sĩ mà Nữ Sĩ Tuệ Nga đã dâng hiến đời mình qua những tác phẩm ngọt ngào thi vị, thấm đượm tình chân trên từng trang thơ, trên từng nét bút. Thật là:
Lâng lâng lòng giấy Hương Trầm Hương Thơ. (Nụ Cười Hoa Vườn Sớm, 51)
Đối với thi phẩm HOA ĐÀI DÂNG HUƠNG, một tác phẩm mà Nữ Sĩ Tuệ Nga đã ấp ủ trong lòng, lắng đọng tâm tư trong những lúc Thiền Trà nơi phòng riêng thanh vắng, hay những lúc Trà Đạo nhiệm thiêng, nhà thơ của chúng ta đã tỏa ngời những vần Thơ Hoa như những lời Kinh giữa đêm khuya trầm mặc, để
Rót bâng khuâng đáy tách trà
Thấy trong lòng tách Kinh Hoa nở vần. (Nụ Hoa Vườn Sớm, 51)
Đêm về khuya ở ngoài trời trăng thanh gió lạnh, nơi am phòng cốc vắng chỉ một mình, tôi đang say sưa đọc từng trang, từng trang, từng bài thơ trong sáng, chiêm nghiệm từng ý thơ “Thi Trung Hữu Họa”. Những đề tài cô đọng đã làm cho tôi như cuốn vào trực diện cả cảnh lẫn tình, cả tâm lẫn ý. Có một điều làm cho tôi không thể tưởng, ở giữa cõi đời phiền ba ô trược này, giữa xã hội loài người đang trên đà khủng hoảng về thế giới văn minh vật chất, khoa học tiến xa, ngũ uẩn thạnh hành, nhân tâm điên đảo, con người lặn hụp trong bã lợi mồi danh, tranh đua, cấu xé, giựt dành, mà tác giả đã tự nghiêm trang một góc chùa chỉ bằng một con bướm vàng, đã có duyên cùng Phật Pháp. Ngần ấy cũng đủ để cho ta thấy sức mạnh tinh thần thật vô cùng quan trọng cho mọi người hãy tự mình nghiêm trang lẽ sống bằng lý tưởng thăng hoa cuộc đời, mà Nữ Sĩ Tuệ Nga đã diễn tả:
Đồi cao có chú Bướm Vàng
Vào nghe Kinh Phật nghiêm trang góc Chùa … (Ánh Đạo, 51)
Chúng ta, nếu đã là duyên với Đạo, duyên với hồn thơ trác tuyệt, duyên với lý tưởng trong lành, thì chúng ta hãy xếp tập thơ lại, nín thở thật lâu, nhắm mắt thật dài, định tâm thật sự, để chiêm nghiệm và nở nụ cười tươi, an lạc, sung sướng và thoải mái như Người Thơ đã trút nhẹ tâm hồn vào sự nghiệp tiến tu, sự nghiệp Văn Hóa trên cung đàn lý tưởng nguồn thơ tuôn tràn vũ trụ:
Ba ngàn thế giới vào thơ
Hoa Nghiêm thi hóa bây giờ tròn duyên
Vào thơ thấy cảnh Phật Tiên
Vào thơ tâm lắng não phiền lìa xa …
Và:
Lắng cùng vũ trụ mênh mông
Con Đường Lý Tưởng đẹp dòng Kinh Hoa … (Dòng Kinh Hoa, 53)
Đó là bài thơ sau cùng mà tôi muốn đề cập đến, vì tác giả đã mang tinh thần Đạo và Thơ, mang tình người trang trọng vào bài thơ Dòng Kinh Hoa mà Nữ Sĩ Tuệ Nga đã kính tặng một người chị trong Thi Đoàn Quỳnh Dao là Nữ Sĩ Vân Nương, tác giả Con Đường Lý Tưởng do Nhà Xuất Bản Nguồn Sống ấn hành.
Những lời viết trên đây là những tâm tư bộc phát, là những cảm nhận tự nhiên khi tôi đọc tập bản thảo HOA ĐÀI DÂNG HƯƠNG mà tác giả đã trao cho Nhà Xuất Bản Nguồn Sống ấn hành. Với tính năng khiêm tốn, có lẽ tác giả sẽ không nhận lấy cho mình tất cả qua cách nhận định, phê bình hay ca ngợi, nhưng đây là sự thẩm lượng của cá nhân tôi, bởi vì là cái giá trị đương nhiên, không thể nào chúng thôi không đề bạt.
Tôi hân hạnh Giới Thiệu Thi Phẩm HOA ĐÀI DÂNG HƯƠNG đến cùng Thập Phương Phật tử và quý Văn, Thi Hữu khắp nơi để cùng thưởng thức Thi Vị Nguồn Thơ mà Nữ Sĩ Tuệ Nga đã kết thành Đài Hoa Dâng Lên Mười Phương Chư Phật.
Viết tại Pháp Duyên Tịnh Xá
San Jose, California
Cuối mùa Phật Đản, Phật Lịch 2539 – 1995
GIÁC LƯỢNG - TUỆ ĐÀM TỬ
http://www.quangduc.com/tho/168thotuenga.html