Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Cảnh giác thiếu nữ về nạn buôn người
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, January 3, 2007 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Gióng tiếng chuông cảnh giới thiếu nữ về nạn buôn người
Friday, December 29, 2006



Một cảnh trong phim “Anamika - The Homeless,” báo động về nạn buôn người.




Sunitha Krishan, nhà hoạt động người Ấn Ðộ

Tác giả: Peter Micek (New America Media)

Người dịch: Nguyễn Ngọc Minh


LTS.- Ðây là bản dịch từ bài “Indian Activist Warns Teens About Sex Trafficking” đăng trên website của New America Media. Người Việt dịch và đăng bài này với sự đồng ý của New America Media.


SAN FRANCISCO - Là một phụ nữ Ấn Ðộ vóc dáng nhỏ nhắn với giọng nói dịu dàng, bà Sunitha Krishnan hầu như không bao giờ ngừng nói chuyện với những người trẻ tuổi ở quê nhà, hoặc ở ngoại quốc. Trong những chuyến đi diễn thuyết thường xuyên ở Hoa Kỳ, bà muốn thăm viếng càng nhiều trường học càng tốt. Bà thường mở đầu những buổi nói chuyện bằng cách chiếu một cuốn phim, một trong số 14 phim tài liệu do bà thực hiện, thí dụ như phim “Anamika - The Nameless” (Anamika - Người Vô Danh), trong đó kể lại câu chuyện bà đã giải cứu 20 thiếu nữ ra khỏi một động mãi dâm.


“Nạn buôn người là một vấn đề có tầm cỡ toàn cầu,” bà Krishnan nói. Theo những ước tính khác nhau, tổng số những nạn nhân của kỹ nghệ buôn người là từ 700,000 cho tới 4 triệu, theo lời các giới chức Tòa Bạch Ốc. Nạn buôn người được xếp hạng ba, sau kỹ nghệ buôn bán vũ khí và kỹ nghệ ma túy, như là nguồn lợi tức của những băng đảng phạm pháp. Mỗi năm Hoa Kỳ nhận khoảng 18,000 phụ nữ và trẻ em thuộc nạn nhân của kỹ nghệ buôn người.


Buôn người là một vấn nạn lớn ở Hoa Kỳ, theo lời bà Julia Guzman, một người từng là nạn nhân và hiện thời là cố vấn của dự án SAGE Project (Standing Against Global Exploitation Project), một tổ chức ở San Francisco chuyên trợ giúp những nạn nhân.


“Những gia đình lợi tức thấp thường dễ trở thành nạn nhân,” bà Guzman nói. “Nạn buôn người có thể xẩy ra cho tất cả mọi giai cấp, nhưng nó dễ xẩy ra hơn cho những người không có nhiều tiền, và những người đến từ ngoại quốc.” Bà nói thêm rằng những tên ma cô thường rình rập để dụ dỗ trẻ em ở gần những trường học.


Nhưng hiếm có những trường học mời bà Krishnan tới để diễn thuyết. Bà nói rằng ở Hoa Kỳ người ta có khuynh hướng giữ im lặng về vấn đề này. Ở Ấn Ðộ, những người dám lên tiếng thường bị hăm dọa, nhưng bà Krishnan đã tiếp tục công tác bài trừ nạn buôn người suốt 14 năm qua. Trong năm 2006 bà đã được tặng giải thưởng World of Children Award vì đã có công giải cứu những thiếu nữ ở Ấn Ðộ.


Trong năm 2000 Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật Trafficking Victims Protection Act (Ðạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người), trong đó đặt ra những định nghĩa và cung cấp một loại chiếu khán nhập cảnh đặc biệt dành cho những nạn nhân. Loại chiếu khán gọi là “T-visa” cung cấp quy chế thường trú cho những nạn nhân của kỹ nghệ buôn người có thể bị hãm hại nếu trở về nước sinh quán của họ. Nhiều nạn nhân lo sợ rằng gia đình ở quê nhà sẽ bị ám hại nếu họ làm nhân chứng để truy tố những kẻ buôn người; nhưng để được cấp loại chiếu khán T-visa, những người từ 18 tuổi trở lên phải ưng thuận sẽ hợp tác với các công tố viên để truy tố những kẻ đã cưỡng bức họ. Những người bênh vực cho các nạn nhân vạch ra rằng điều kiện này khiến cho nhiều nạn nhân không dám xin cấp loại chiếu khán T-visa để được chính phủ Mỹ bảo vệ.


Kể từ khi bắt đầu được sử dụng trong năm 2002, cho tới nay chỉ có hơn 600 người đã được cấp chiếu khán T-visa - đây là một phần quá nhỏ của hàng ngàn nạn nhân của nạn buôn người.


Một trong những khó khăn để truy tố những kẻ buôn người là loại tội ác này xẩy ra với những hình thức khác nhau trong mỗi quốc gia. Bà Krishnan nói rằng một số nạn nhân bị bán cho những gia đình nhận họ làm con nuôi, bị dùng làm đầy tớ giúp việc trong nhà, hoặc bị ép buộc trở thành những hành khất. Ðôi khi những kẻ buôn người chặt chân tay của trẻ em để tăng thêm tình cảnh đáng thương khi chúng trở thành kẻ ăn mày và khiến cho chúng có thể xin được nhiều tiền bố thí hơn. Một số bị bán để trở thành những người vợ, hoặc trở thành những nài cưỡi lạc đà chạy đua, hoặc làm việc trong những xưởng thợ chuyên bóc lột công nhân, hoặc làm nghề mãi dâm.


Theo tục lệ ở Ấn Ðộ, cha mẹ của một thiếu nữ phải nộp của hồi môn cho gia đình của nhà trai trước khi tiến hành cuộc hôn nhân. Một số lớn hài nhi con gái đã bị cha mẹ giết khi chào đời vì những đứa con này sẽ đem lại gánh nặng tài chánh về của hồi môn khi tới tuổi lấy chồng. Cũng vì hủ tục này cho nên tiểu bang Punjab thường xẩy ra tỉ lệ trai thừa gái thiếu, do đó dẫn tới nạn buôn bán phụ nữ.


Những thiếu nữ từ Nepal và Nga cung cấp cho 175 khu đèn đỏ của Ấn Ðộ. Và giới khách hàng của họ không phải chỉ gồm đàn ông Ấn Ðộ. Theo lời bà Krishnan, khoảng 25 phần trăm du khách tình dục tới viếng Ấn Ðộ là từ Hoa Kỳ.


Thông điệp của bà Krishnan gửi cho cộng đồng thế giới là: “Ðây là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận.”


Ngay từ khi còn là một thiếu nữ, bà Krishnan đã bắt đầu tổ chức những nhóm tương trợ trong khu phố của bà thuộc giai cấp hạ-trung lưu. Vài năm sau đó một nhóm gái mãi dâm đã yêu cầu bà giáo dục cho các con họ, để chúng thoát ra khỏi chu trình của nghề mãi dâm. Từ nhóm gồm năm đứa trẻ đó, bà Krishnan đã thành lập tổ chức “Prajwala” (“Ngọn Ðuốc Bất Diệt”) trong năm 1995. Cho tới nay, bà và toán nhân viên của tổ chức này đã giải cứu hơn 5,000 thiếu nữ. Bà Krishnan cho biết trong số những cô gái được giải cứu đó có khoảng 1,500 người đã hoàn lương. Bà nói: “Có lẽ chúng tôi đã không thể giúp được 4,000 người còn lại.”


Những công tác của tổ chức Prajwala đã dẫn tới sự truy tố 16 kẻ cầm đầu những tổ chức buôn người. Với sự tiếp tay của cơ quan cứu trợ Công Giáo Catholic Relief Services (CRS), họ đang cai quản một cư xá dành cho 250 thiếu nữ, hai nhà tạm trú và 17 trường học. Nhưng nhân viên của Prajwala đã phải trả giá cho công tác giải cứu những thiếu nữ khỏi tay những tên ma cô. Chính bà Krishnan đã bị hành hung 14 lần và một nhân viên của tổ chức này đã bị đâm chết.


Bà Krishnan cho biết nhiều thiếu nữ nạn nhân không tình nguyện tiếp xúc với tổ chức của bà. Bà nói: “Sự tin cậy là chuyện xa lạ đối với họ. Cần phải có thời gian để một thiếu nữ nói cho chúng tôi biết về tình cảnh của họ. Ðiều này gây nhiều khó khăn cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi tin rằng nạn nhân cần được giải cứu.”


Khi đi diễn thuyết ở Hoa Kỳ, bà Krishnan bước vào những thính phòng đầy những học sinh và sinh viên để báo động và cảnh giác họ đừng bao giờ vướng mắc vào kỹ nghệ buôn người và hãy tham gia những công tác cứu trợ. Bà nói: “Trẻ em là lương lai của nhân loại và chúng ta cần phải đề xướng loại thông tin thích đáng tạo những giá trị của họ. Trẻ em đích thực là nhóm có nhiều tiềm năng nhất để đem lại cải thiện xã hội cho thế giới này.”


Bà Krishnan - trong năm 2006 đã kết hôn với một đạo diễn điện ảnh ở Hyderabad, Ấn Ðộ - cũng thấy cần phải giảm mức cầu bằng cách khuyến cáo “càng nhiều đàn ông càng tốt.”

nguoiviet
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.