hình: gio-oMiền Vĩnh Phúc
Vũ Quỳnh Hương Thập niên 80 văn học di dân Việt Nam bùng lên hiện tượng nữ và còn kéo dài cho đến bây giờ. Vũ Quỳnh Hương là một trong những gương mặt chính làm nên hiện tượng ấy. Rời quê hương ngày 30-4-75, sau hai truyện ngắn Vận Tốc Trung Bình, Nẻo Quyên Ca, Vũ Quỳnh Hương đột ngột khám phá định mệnh của di dân Việt trên vùng đất mới. Miền Vĩnh Phúc gói trọn những kiếp người trong phòng đợi địa ngục. Những con người tha hoá và đáng thương cho đến phút cuối cùng.
Xuất hiện lần đầu năm 1986 và chưa hề được in trong một tổng tập hay một tập truyện nào, sau 19 năm, trung thiên truyện này vẫn giữ nguyên sức mạnh của một tác phẩm văn chương đích thực.
Trần Vũ Từ cuối phía dãy hành lang bên trái, khoảng từ các phòng 130 đến 135 đột nhiên vang lên một loạt tiếng động nặng nề, không phải thứ tiếng động chát chúa của kim loại rơi hay sắc nhọn của đồ vật đổ vỡ mà là một thứ tiếng nặng trầm tựa như tiếng một thân cây đổ gục ngoài vườn một đêm mưa nào đó, thứ tiếng động chỉ có thể nhận ra được giữa cái thinh lặng chập chờn đe dọa của đêm khuya như đêm ở nơi này; tiếp theo sau là một loạt tiếng động rổn rảng của đồ vật nho nhỏ rơi xuống đất. Chi nhận ra được tiếng cái khay thức ăn bỏ quên từ buổi chiều chưa dọn, mấy cái ly nhựa ở trên mặt bàn rơi xuống, tiếng cái bô nhựa và cái thau rửa mặt từ trong ngăn tủ rơi ra và cuối cùng là tiếng chiếc xe lăn đổ ầm xuống nghe rợn người giữa những tiếng rên rỉ yếu ớt đứt quãng. Chi buông vội các phiếu kết quả thử nghiệm máu và nước tiểu mà phòng Lab vừa gửi tới hồi chiều, ngước lên gọi:
- Marta, Marta... Chạy xuống coi có chuyện gì vậy?
Không có tiếng trả lời. Marta, Felisa, và mấy con bé Nurse's Aides vừa được dọn vào làm có lẽ đã trốn vào Recreation Room hay một xó xỉnh nào đó để ngủ gục rồi. Chi lắc đầu xô ghế đứng dậy, Henrietta cũng đứng bật dậy bước theo nàng, ngáp dài không cần che miệng, cũng không cần ngăn tiếng ngái ngủ nhừa nhựa đang kéo ra từ cổ họng như tiếng một sợi dây đàn cũ:
- Tao cá với mày là mụ Sylvia lại mò xuống giường một mình rồi ngã đây. Oh, mụ ấy mà què luôn cả cái chân kia nữa thì tụi mình khổ, cái thân không dưới 200 pounds đó...
Chi không trả lời, lắc đầu chạy xô vào phòng 132 để thấy quả nhiên là Sylvia đang nằm co quắp dưới đất, cánh tay còn cử động được bíu lấy thành giường, nửa thân mình tê liệt bên trái như bị đè hẳn dưới sức nặng kinh khủng của chính thân mụ. Tất cả đồ đạc trên đầu chiếc tủ đều rơi hết xuống đất cùng với chăn mền khăn gối trên giường cũng bị lôi xuống theo đà kéo của tấm thân vĩ đại. Chiếc gối rơi úp trên mặt mụ chỉ chừa một con mắt trông như đứa trẻ nghịch ngợm chơi trò giấu mặt. Chi giở chiếc gối ra, Sylvia cố ngước đầu lên nhìn nàng, đôi mắt như mắt một con vật khổ sở, tròng mắt màu xám tro, đục ngầu điểm những tia máu đỏ. Sylvia quờ quạng cánh tay phải, chạm vào vũng nước tiểu xâm xấp ướt chung quanh mà có lẽ mụ đã tiểu ra trong lúc sợ hãi, mụ rụt tay về, nhìn xuống chiếc bụng cao hơn tầm mắt rồi ngước lên nhìn Chi như muốn phân bua, muốn bày giải, muốn khóc than. Sylvia bị cấm khẩu và bị liệt hết nửa thân mình bên trái, chân bên phải mụ có thể gượng chống xuống đất được mỗi khi người ta đỡ mụ từ giường ra xe lăn hay từ xe lăn trở về giường, còn cánh tay phải thì không làm gì được hơn là để vùng vẫy mỗi khi phải thay băng, phải chích, phải uống thuốc, để cầm chặt lấy muỗng nĩa trong giờ ăn như sợ ai giành mất phần và rồi lóng cóng làm đổ hết thức ăn xuống áo; và cuối cùng để bíu lấy cánh tay Chi mà hôn lấy hôn để mỗi khi Chi cúi xuống ôm khuôn mặt khổ sở của mụ cười hỏi hôm nay mụ có khỏe không. Tuy không nói được, không làm gì lấy một mình được nhưng Sylvia còn rất tỉnh táo, mụ không điên cũng không lãng trí chút nào và mụ bầy tỏ tình cảm với một mức độ thiết tha đến nỗi những ngày đầu thấy mụ, Chi đã phải rớt nước mắt vì xót thương. Nhưng không được bao lâu, những giọt nước mắt xót thương rất non trẻ ấy khô cạn đi rất nhanh rồi biến mất hẳn vì những cơn đau, những câu chuyện, những cảnh đời làm buồn lòng như vậy hay buồn hơn thế nữa đã tiếp tục xảy ra, tiếp tục kéo dài, không phải một ngày một giờ mà là hàng tháng hàng năm, hàng chục năm ở đây. Cuối cùng chỉ còn lại những động tác rất nghề nghiệp, những lời lẽ rất máy móc rất bổn phận và một điều gì tựa như một tình yêu dày vò, một cơn đau trầm thống cứ đè nặng lên tâm hồn Chi từng đêm từng đêm. Những đêm dài đong đưa giữa giờ khắc thinh lặng đe dọa, những tiếng rên la ngắt quãng những cơn mê sảng chập chờn những biểu đồ bệnh trạng kẻ lên xuống như bay với giữa núi cao vực sâu. Ðêm như một sợi dây cao su co dãn từng hồi giữa hai đầu cái sống và cái chết.
Henrietta và Chi xốc nách Sylvia dậy, đặt mụ lên giường, nó nắm lấy chiếc mũi nhọn xinh xắn của mụ - điểm duy nhất không bị thời gian tàn phá trên gương mặt nhăn nhúm ấy - xoáy từng chữ một:
- Thôi nghe mẹ, ngủ yên giùm con nghe, đêm nay ngã như vậy là đủ rồi nghe.
Không nói và cũng không nghe được, nhưng được đền bù lại là rất nhạy cảm trong việc đọc cảm xúc trên khuôn mặt người đối diện, Sylvia mím chặt môi nhìn Henrietta rồi đưa mắt sang Chi, con mắt ánh lên tia giận hờn. Chi vờ hét lên:
- Henrie, đi ra ngay! Ðừng phá Sylvia yêu quí của tao mày.
Henrietta ngúng nguẩy đôi mông bước ra, đứng tựa cửa thò đầu vào:
- OK, thì đi, vui vẻ gì mà đứng đây với mẹ con mụ, chán chết. Nhưng nhớ là có té nữa thì đừng có gọi tới tao nghe.
Sylvia quơ tay muốn víu lấy vai Chi, miệng ú ớ một tràng âm thanh nghe như tiếng cười dòn. Không nói được nữa, mụ có một thứ ngôn ngữ đặc biệt để bày tỏ mọi trạng thái tình cảm hỉ nộ ái ố, một thứ ngôn ngữ của trẻ con tập nói hay của loài người vào thời kỳ hoang sơ của lịch sử nhân loại khi mà người, muông thú và đất trời còn rất gần gũi nhau. Chi gỡ tay Sylvia ra, cúi xuống xem lại nửa thân hình bên trái mụ, thấy cái té ngã tuy ồn ào nhưng không để lại dấu vết trầm trọng nào ngoài một vệt xước dài bên cạnh sườn khi mụ ngã trượt qua góc nhọn của chiếc tủ nhỏ kê đầu giường, may hơn nữa là chiếc xe lăn cũng đã không đổ xuống người mụ. Mạch mụ cũng đã dần dần đập bình thường trở lại. Chi thở ra nhẹ nhõm, cởi chiếc áo ngủ đẫm nước tiểu của mụ ra, mở tủ áo để lại thất vọng nhớ ra rằng đã lâu lắm rồi, thân nhân Sylvia không vào thăm, cũng chẳng gửi thêm quần áo vật dụng cần thiết, ngăn tủ chỉ còn trơ mấy chiếc áo đầm bạc màu và hai chiếc áo len mỏng không đủ ấm cho mùa đông. Chi mặc cho mụ áo ngủ của bệnh viện, lựa một chiếc posey mới. Với Sylvia nàng cũng không thể buộc chặt posey vì các đầu mối dây không đủ dài so với thân hình kềnh càng của mụ, và riêng đêm nay thì Chi biết chắc rằng mụ sẽ không dám tự trở dậy một lần nào nữa. Xong xuôi, thấy tay Sylvia lạnh ngắt, Chi đắp thêm cho mụ một tấm chăn nữa phủ kín đến cổ, kéo hai bên mép chăn chận xuống dưới nệm để mụ không rút tay ra được. Sau đó, theo thói quen, Chi cúi xuống ghé tai mụ, nói khẽ: "Goodnight, Sylvia." Hai tay bị chận dưới tấm chăn không quơ múa được nhưng mắt Sylvia ráo hoảnh, cơn ngủ biến mất theo cái ngã nặng nề, miệng mụ bập bẹ liên hồi, hai thớ thịt chảy xệ hai bên má cử động theo cặp môi khô nẻ cùng với hai cánh mũi xinh xắn phập phồng. Mụ thèm nói như trẻ con ngứa răng thèm cắn, như con người từ thời man dã đã thèm thấy đồng loại. Chi liếc nhìn đồng hồ để yên tâm rằng chưa đến giờ thăm bệnh kế tiếp rồi lại cúi ôm lấy mặt Sylvia, vuốt những sợi tóc trắng rũ bết xuống trán mụ, tự hỏi mình một lần nữa về cái tình yêu buồn rầu, về nỗi thương xót chua chát cứ trào dâng lên trong lòng mỗi khi nàng cúi xuống ấp trong hai bàn tay mình cái khuôn mặt biểu tượng của nỗi đau khổ lặng thầm ấy. Cái khuôn mặt dúm dó vì sự tàn phá của thời gian, bàng hoàng giữa những cơn trở giấc nửa khuya, cái khuôn mặt như một bức tượng chân dung bị nắn quá tay, tương phản một cách tàn nhẫn với khuôn mặt trẻ đẹp tươi cười của Sylvia trong những bức ảnh cũ treo kín trên tường, chung quanh đầu giường. Ðối với Chi thì những bức ảnh xinh đẹp vang dội tiếng cười ròn rã thanh tân của quá khứ ấy chỉ làm tăng thêm nỗi tuyệt vọng cho những thinh âm khờ dại buồn rầu của thứ ngôn ngữ bập bẹ phát ra từ cổ họng Sylvia bây giờ. Thường xuyên, tự cảm thấy khá lố bịch, Chi vẫn không ngăn được mình ghé sát xuống khuôn mặt dúm dó ấy và đáp lại với mụ, một cách hết sức ân cần và dịu ngọt, cũng bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt ấy của mụ. Những lúc ấy, đôi mắt xám nhỏ của Sylvia sáng ánh lên những tia sáng kỳ lạ, tựa như ngọn nến tàn bừng lên tia lửa cuối. Những tia sáng ấy, ở mức độ cuối cùng của lòng tuyệt vọng, như loé lên cái vẻ mãn nguyện vì đã chiến đấu cùng cái chết cho đến giờ khắc sau cùng. Chỉ nghĩ đến đây, nghĩ đến hơn mười năm dài mà Sylvia đã sống ở đây, để chờ đợi cái chết, Chi lại nghe ruột gan mình thắt lại. Không hiểu từ lúc nào, Chi cứ tin chắc rằng nếu nàng cứ sống mãi và già nua đi mãi ở xứ sở này, và luân lý đạo đức Việt Nam không thoát ra khỏi được vòng quay nghiệt ngã của xã hội, nàng cũng phải đi qua cánh cửa của cái chết bằng hàng chục năm dài chờ đợi ở Nursing Home như thế này, chắc chắn nàng sẽ không bập bẹ những thanh âm khờ dại buồn rầu như Sylvia, mắt nàng cũng sẽ không ánh lên những tia sáng tuyệt vọng như Sylvia. Không hẳn chỉ vì ánh mắt Ðông Phương tự nó kiêu hãnh và buồn rầu hơn ánh mắt Tây Phương mà vì trước hết, nàng sẽ không cho phép mình sống một thời kỳ Second- Childhood dài lâu như thế.
Chi cứ nghĩ, cứ nghĩ... những đêm thâu, những giờ khắc giam mình làm việc ở đây cứ xui khiến Chi nghĩ mải miết về cái chết cho đến một lúc nàng cảm thấy chính mình cũng đã già nua đi một cách tuyệt vọng và thảm thiết. Chính nàng đang nghiêng mình xuống cõi chết, chính nàng đang ôm lấy những khuôn mặt xác chết gọi tên chúng như gọi tên những cơn mộng dữ chập chờn giữa vô số những cơn mộng chưa thành khác giữa đời. Ðôi khi Chi thấy Sylvia giống hệt như con búp bê mà nàng đã chơi từ thuở nhỏ cho đến những năm đầu trung học cũng còn chơi, khi mà con búp bê đã rách mướp, mái tóc óng đã biến thành vàng xỉn tả tơi mà nàng vẫn còn thương tiếc vì nàng đã ôm ấp thủ thỉ với nó qua suốt thời thơ dại, săn sóc yêu thương nó, tin tưởng nó hiểu mình và trò chuyện với nó những câu chuyện mà chỉ có nàng và nó chia xẻ cùng nhau. Có điều Sylvia là một con búp bê kềnh càng quá, một con búp bê mà nàng không thể đỡ đứng dậy một mình, lại càng không thể bồng bế trên tay. Ðôi khi Chi thấy bất nhẫn với cái ý tưởng so sánh một con người với một thứ đồ chơi trẻ nhỏ như thế, nhưng mà, ôi thật ra, Chi đã yêu con búp bê cũ ấy như yêu một con người và tình yêu mà nàng dành cho Sylvia ngày nay cũng tràn nhân tính biết bao nhiêu. Dường như, trong một cõi tinh tuyền nhất của lòng Chi, hai thứ tình yêu ấy chỉ khác nhau ở chỗ tình yêu ngày xưa đưa nàng đến biết bao nhiêu thiên đường huyên náo, biết bao nhiêu cánh cửa huyền diệu mở ra cuộc đời hoa mộng trước mặt còn tình yêu bây giờ đẩy nàng hết từ địa ngục này xuống địa ngục kia, đẩy tới cánh cửa tận cùng, cánh cửa mở ra những cánh đồng xương cốt, những cây cầu đi qua sông mê, nơi những người yêu thương và những người thù oán nhau chờ đợi nhau đền trả những món nợ dương trần. Cái trò chơi thiên đàng địa ngục hai bên ngày xưa, kỳ diệu thay, bày suốt từ trí nhớ xa lắc lơ trên những vòm tay tuổi nhỏ bắc cầu cho nhau qua cửa thiên đường vẫn còn ngân nga những hồi chuông vọng tới miền chập chùng mộ chí của lòng nàng hôm nay.
Henrietta bỏ đi qua phòng bên cạnh từ bao giờ, tiếng nó càu nhàu mụ Anna cứ đạp hết mền gối xuống chân giường, dỗ dành mụ Sarah khóc rên rỉ như trẻ con, đe dọa mụ Cindy cứ cầm cứng hàm răng giả không cho đem ngâm thuốc: "Hey, Cindy, mụ mà cứ cầm chặt hàm răng suốt đêm như thế thì sáng mai nó sẽ dính luôn vào tay mụ cho coi, và rồi người ta sẽ phải đút thức ăn vào... tay mụ chứ không phải vào miệng nữa đâu. Ôi trời ơi... " Không nghe mụ Cindy nói gì nữa, rồi tiếng mở cửa, tiếng nước vặn trong toilet, có lẽ Henrietta đã dành được hàm răng giả đem rửa. Sau đó là tiếng cửa đóng khẽ, rồi tiếng chân Henrietta trở lại, vẫn thấy Chi lúi cúi bên giường Sylvia, nó kêu lên:
- Thôi đủ rồi Chi, mày đừng có tập thêm cho mụ cái thói quen đòi hỏi vòi vĩnh quá nhiều như vậy. Shift ban ngày tụi nó không có thì giờ mà nói chuyện lăng nhăng với mụ như mày đâu. Ðứa nào nằm yên rồi thì thôi, đi!
Henrietta có cái giọng khỏe, trầm, ngân dài như giọng những tên ca sĩ da đen, tiếng nó vang vang suốt những dãy hành lang thinh lặng. Và cũng giống như bất cứ ca sĩ da đen nào, nó có giọng hát khao khao nghe rất buồn, rất nức nở trong đêm khuya. Chi bước ra khỏi phòng theo nó, vẫy tay chào Sylvia vẫn cố dõi mắt theo nàng, nhăn mặt.
- Mày có điều chỉnh âm thanh mày lại một chút được không, Henrie, đừng có đánh thức hết bệnh nhân dậy chứ.
Henrietta nhún vai:
- Giọng tao chứ đâu phải giọng lão Monpavio đâu mà mày khéo lo. Và, cũng đừng có quên là đêm nay trăng đầy đó nghe, chỉ chừng nửa giờ nữa thôi, khi trăng lên là cả cái nhà mồ này sẽ ầm ĩ lên hết cho coi.
Một đêm khuya, từ chiếc ti vi bỏ quên không tắt ở một giường bệnh nào đó đang chiếu lại cuốn phim Romeo & Juliet với cảnh Romeo và Juliet vừa gục chết bên nhau trong nhà mồ của giòng họ Juliet, Grace bước vào trông thấy vụt thở dài: "Thì ở đây cũng có khác gì một thứ nhà mồ đâu. Có khác chăng là có rất nhiều Romeo và Juliet nằm đợi chết, và họ đợi lâu quá, lâu đến nỗi họ không còn yêu nhau nữa và không còn nhận ra nhau nữa." Henrietta vớ được câu ấy của Grace, huýt sáo khen hay, mày nói thật đúng ý tao, và từ đó cứ luôn miệng nhắc đến cái nhà mồ làm Grace cuối cùng phải gắt lên vì thật là không hay nếu cái kiểu ví von ấy bị thân nhân người bệnh nghe được. Chi thì không biểu đồng tình vì sợ Henrietta làm già phát ngôn bừa bãi hơn nữa, nhưng thâm tâm nàng cũng không thấy có danh từ nào chính xác và gợi cảm hơn để gọi cái nơi chốn buồn thảm mênh mông này. Cái nơi mà người ta vào không phải để chữa những căn bệnh trầm kha, để hi vọng ngày hôm sau trở lại với cuộc đời mà là nơi để đợi chết, đợi một cái chết không định ngày giờ nhưng rõ ràng, giản dị, và hiển nhiên hết sức. Cái nơi mà người ta có thể bước đi vào, chống nạng chống gậy đi vào hay ngồi trên xe lăn vào nhưng lúc ra thì chắc chắn sẽ chỉ được đẩy ra, cái đầu đẩy ra trước, trùm khăn sạch sẽ không ngó ai; vẫn lời lẽ của Henrietta. Nó nhắc đến trăng làm Chi mới sực nhớ tới vẻ đẹp của vầng trăng tỏ lồng lộng trên suốt những con đường lái xe đến đây lúc nãy, rồi lại sực nhớ thêm rằng nhà chẳng có quyển lịch nào in kèm Âm lịch cả, cứ nhìn trăng khuyết trăng tròn mà đoán ngày tháng đầy vơi như người sống trên hoang đảo mãi rồi đến khi đến tuần trăng, mỗi khi nhìn lại cái ánh sáng trải lụa vàng tràn dãi khắp đêm thâu nàng lại cảm thấy lòng mình như hao hụt đi thêm một chút, như một bãi sông mà phù sa đắp không đủ với những cơn sóng lở, cứ mòn vẹt đi dần, xơ xác đi dần, chết rũ dần hết mọi chồi non. Thêm vào đó, cứ mỗi lần tuần trăng tới ở đây, nhìn những biến chứng kỳ lạ của bệnh nhân dưới ảnh hưởng trăng đầy Chi cũng thấy dường như châu thân mình lên cơn đau nhức, cũng y như những tế bào già nua được đánh thức dậy định kỳ để trăn trở giữa đêm trăng. Nàng nhớ đến căn bệnh, những câu thơ rờn rợn của họ Hàn: "Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng." Không ai muốn bị chia giờ trực vào những đêm trăng đầy cả. Thoạt đầu Chi tình nguyện nhận những đêm ấy, nàng tự giải thích và chế riễu mình, cứ tìm những lối đoạn trường mà đi. Nhưng sau đó thì Chi biết rằng những đêm trăng rợn những người bệnh già nua mất trí ở đây không giúp nàng chia xẻ được với họ nỗi đau khổ của những cơn đau đớn cuối đời, cũng không làm cho tâm hồn nàng phong phú hơn, mà chỉ làm mất mát đi của nàng những mộng ước êm đềm lãng mạn của một vầng trăng đương thì. Chi đã tự hỏi mình có nên tiếp tục ở lại đây nữa hay không. Nàng quay nhìn Henrietta, nhìn đôi môi tô màu son kỳ quặc vừa nhắc đến trăng của nàng:
- Ừ, Henrie, mày nói tao mới nhớ, lúc nãy đi trên xa lộ 280 thấy trăng cứ chạy theo sau xe, chạy vòng vòng trước mặt, chạy lửng lơ trên đầu... tao muốn lái xe đi luôn quá...
Henrietta quay lại nhìn chăm vào mặt Chi một cách thú vị. Chi chậm rãi nói tiếp:
- Nhưng tao nhớ lại là cũng chẳng biết đi đâu nữa nên lại bèn... đi đến đây như thường lệ vậy.
Làm như không quan tâm tới câu Chi vừa nói tiếp, Henrietta nheo mắt:
- Mày làm ơn lập lại cái câu kia cho tao nghe chút coi, Chi, câu trước kia.
Chi chận đầu nó:
- Câu nào? Ôi trời, Henrie, bộ mày cũng sắp sửa... điếc mất rồi sao?
- Còn lâu. Mày đừng quên là tao mới có 22 tuổi à, mày muốn thấy tao điếc mày phải đợi chừng... 50 năm nữa kia. Nhưng lúc đó thì tao chỉ điếc như Linda thôi, còn mày thì vừa câm như Sylvia, vừa mù như Monpavio, lại vừa…cởi áo đi khơi khơi như Katrina nữa... Ha ha..
Nó nhào tới ôm lấy Chi, đầu cổ người ngợm nó nồng nặc mùi thuốc lá lẫn với mùi Chewing gum, Chi vùng ra:
- Henrie, Henrie, đêm nay chưa có ai lên cơn, mày đừng có lên cơn trước tụi nó nghe, và mày cũng đừng có quên là mày nặng hơn tao tới 50 pounds đó nghe.
Henrietta buông Chi ra, ném mình xuống ghế, khoa tay đẩy hết đám hồ sơ bệnh lý mà nó và Chi đang viết dở vào một góc:
- Ờ xin lỗi, tao quên, tại mày vừa nói một câu hợp ý tao quá, người Việt Nam chịu khó làm lụng như tụi mày mà lâu lâu cũng nói muốn bỏ sở lái xe đi chơi luôn thì thật lạ biết mấy.
Chợt thấy vẻ mặt Chi thay đổi, Henrietta ngưng bặt sợ nàng phật lòng điều gì đó. Nó vốn đã có đôi chút kinh nghiệm trước những phản ứng bất thường của cái mà nó gọi là lòng tự ái dân tộc cực đoan của Chi. Nó huyên thuyên nói luôn:
- Hồi nãy lúc 9 giờ thằng Dick gọi tao, nó rủ tao đi Santa Cruz chơi sáng mai về. Tao muốn lấy sick leave để đi với nó quá, nhưng kẹt cái tháng này tao sick đủ rồi, sick nữa thì phiền lắm. Từ chối nó thì cũng tiếc...
Chi bật cười:
- Mày tiếc là tiếc một đêm trăng ở biển hay mày tiếc thằng Dick?
Henrietta nhún vai:
- Tao tiếc mấy con tôm hùm. Tao không đi thì nó cũng rủ con khác đi chứ nó đâu nằm nhà vì tao đâu. Mà mỗi lần ăn được của cái thằng keo kiệt ấy một bữa seafood thật đã biết mấy...
Henrietta chép miệng ngon lành như thể những con tôm tươi đỏ đang nằm co trước mặt nó. Không ngạc nhiên lắm trước câu trả lời của Henrietta nhưng Chi vẫn cứ rũ ra cười, đôi khi nàng thấy thèm được sống với một tấm lòng hiểu đời như nó. Một cuộc đời ồn ào và dễ dãi pha chút ngu muội, dễ say mê và dễ chán chường vì có khá nhiều thứ để say mê rồi chán chường. Một mẫu con gái Mỹ điển hình. Thời của Brooke Shields... Thời của chúng ta. Áo trắng sân trường mộng ngoài cửa lớp... Chi chợt nhắm nghiền mắt, lắc lắc đầu liên tiếp như để sắp xếp lại mớ trí nhớ đang bắt đầu lộn ngược. Như người ta lắc lắc một cái chai để trộn thuốc cho đều. Henrietta khựng lại nhìn nàng:
- Mày làm sao vậy Chi?
Chi mở mắt nhìn đôi môi loáng mọng của nó:
- Có gì đâu, tao đang tưởng tượng tới mấy con tôm hùm của mày đây mà... Nhưng mày thử ngó lại miệng mày đi, Henrie, coi khôi hài không chịu được.
Henrietta nhún vai cười, mở tủ lấy sắc tay ra tô lại son. Nó ngậm ngậm hai cánh môi, không hiểu để son chạy cho đều hay để chép miệng lần nữa:
- Bây giờ chui lại đây ngồi tao lại thấy là mình điên quá.
- Bộ mày mới thấy là mày điên đêm nay thôi sao?
- Hừ, tao biết lâu rồi chứ, nhưng thường đêm thì cũng quên đi, như người ta ngủ mê vậy mà, chỉ những đêm trăng đầy như đêm nay tao mới sực nhớ lại thôi. Oh, nhưng mày thì cũng đâu có điên kém gì tao đâu mà bắt bẻ...
Henrietta ngưng bặt khi thấy bóng bà Beth thoăn thoắt bước ra từ cánh cửa thang máy cuối hành lang vừa mở. Nhà Beth ở gần đây, và thói quen nghề nghiệp làm bà ta thức dậy vào khoảng 2, 3 giờ sáng nên gần như mỗi đêm, dù không có chuyện gì cần thiết, Beth vẫn cứ lái xe đến đây, đi rảo quanh một vòng rồi mới có thể về nhà ngủ lại. Henrietta bảo bà ta thật điên, đang ngủ chăn êm nệm ấm lại trở dậy thay quần áo, mò đến gửi cái mùi lạnh lẽo khó tả ở Nursing Home rồi về nhà ngủ tiếp. Hoặc là bà ta điên, hoặc chồng bà ta điên, hoặc tình duyên hai người đến hồi lỏng lẻo nên Beth mới đến đây hàng đêm như vậy. Với Henrietta thì bất cứ ai có mặt ở đây đều cũng có thể là điên, kể cả chính nó, và luận điệu nó có lý đủ để không ai có thể cãi lại được.
Beth là một người đàn bà có đôi mông vĩ đại nhưng cũng nghề nghiệp đã làm cho dáng đi bà ta nhanh nhẹn và dịu dàng gần như đám con gái, tuy vậy Henrietta vẫn đe dọa, trong những lúc bà ta vui vẻ, rằng tuy bây giờ thì đã hơi trễ nhưng cũng không phải là trễ quá để lo diet, nếu không thì đến khi về già, phải vào Nursing Home, bà ta sẽ phải nằm hai giường, có hai y tá túc trực, khi chết phải có một cái quan tài lớn gấp đôi và dĩ nhiên là mọi chi phí sẽ phải trả gấp đôi, thật là kinh khủng... Beth cười rung rinh cả bàn ghế: "Tao không cần, tiền tao làm ra bây giờ đủ để trả gấp đôi gấp ba cho chi phí cảnh già mai sau của tao mà. Tao chỉ cần một điều, trong mấy con nhỏ y tá săn sóc tao, đừng có đứa nào là mày thôi!" Ngoài ra, Beth còn có một cái tật khá rườm rà nữa là luôn luôn đeo ống nghe trên cổ, ngay cả trong những lúc không cần thiết nhất, không phải vì bệnh nhân mà vì chính bà ta. Không quan tâm tới vấn đề thẩm mỹ nhưng vì ám ảnh bởi cái chết của cha mẹ bà ta đều bị bệnh áp huyết cao, Beth đo áp lực máu của mình thường xuyên. Henrietta nói rằng Beth nghiền nghe cái tiếng đập rì rầm của những trái tim người qua ống nghe, và mỗi ngày nếu không nghe được ít nhất chừng mười trái tim đập, bà ta sẽ ăn không ngon ngủ không yên. Ðó là luận điệu của Henrietta, còn Beth thì rõ ràng là rất dễ bần thần mỗi khi nhận ra được một chút thay đổi rất nhỏ trong nhịp đập của trái tim tội nghiệp của bà ta. Rồi như không tin ở chính mình, Beth nhờ hết người này đến người kia đo lại hộ. Bị chế riễu là méo mó nghề nghiệp, Beth phân trần, mỗi người phải chịu một thứ Stress riêng chứ, tao cũng đâu phải là thánh đâu. Chi vẫn tự hỏi, không biết Beth có đeo ống nghe trong lúc ngủ để kiểm soát áp lực máu mỗi khi choàng dậy vì những cơn ác mộng không, nhưng có điều ai cũng biết là bà ta không rời nó cả trong khi lái xe, trước khi rời khỏi nhà và sau khi ra khỏi bệnh viện. Ðiều này thì Beth tâm sự là có từ thuở bà ta chưa ra trường, vì giận hờn tên boyfriend, bà ta đã nhấn ga 90 dậm/giờ. Bị chận lại, Beth giải thích là phải đến bệnh viện vì một trường hợp khẩn cấp. Người cảnh sát nhìn chiếc áo khoác trắng và cái ống nghe còn trên cổ Beth để bà ta đi mà không hỏi đến giấy tờ sau khi ân cần dặn thêm: "Cẩn thận nghe, tôi muốn cô đến bệnh viện là để chữa bệnh chứ không phải để được chữa bệnh đâu." Hoàn hồn vì nhận ra mình có thể đã gây ra tai nạn khủng khiếp, lại còn thoát khỏi rắc rối với cảnh sát, từ đó, phải có cái ống nghe, chứ không phải dây nịch an toàn, mới đem lại cho Beth cảm giác an toàn trên xa lộ, và sau đó là cảm giác an toàn trước những căn bệnh đang ngập ngừng chờ đợi ở ngoài ngưỡng cửa, khi tuổi già cứ tiếp tục, ngày một tiến tới gần hơn.
Beth bước vào Nurse's Station, nhìn quanh một lượt bằng đôi mắt sắc sảo:
- Có gì lạ không các cô?
Henrietta trả lời ngay:
- Chưa có gì hết Beth. Chúng tôi đang ngạc nhiên đây.
Beth lườm Henrietta:
- Ờ, cứ ngồi yên đó mà đợi đi.
Beth nhìn đồng hồ, kéo màn nhìn ra cửa sổ, phía những ngọn đèn sáng lạnh của tiệm 7- Eleven bên kia ngã tư rồi quay vào:
- Phía này không thấy trăng đâu cả. Tôi có cảm tưởng như đêm nay đồng hồ đi chậm hơn mọi đêm vậy...
Henrietta cười ha hả:
- Không chậm đâu Beth, hôm nay bà đo áp lực máu chưa?
Beth lườm Henrietta lần nữa, những nếp nhăn ở đuôi mắt kéo dài ra như đuôi một con cá nhỏ:
- Lo lấy cái thân cô đó. Hôm nay Julie và Sandy trực bên Station 3 phải không?
Henrietta khoát tay:
- Không Beth, hôm nay Grace trực thay cho Julie, nó cũng giống như con Chi vậy, hay làm thay cho thiên hạ lắm. Còn con Sandy thì tôi mới thấy nó ở dưới Laundry Room.
Beth ngạc nhiên:
- Nó làm gì dưới đó vậy?
Henrietta cười:
- Nó bỏ giặt cái áo khoác của nó. Có bệnh nhân mới chuyển về nào đó ói trào từ ngực xuống chân nó...
Beth nhíu mày:
- Ai vậy? 327 phải không?
- Có lẽ. Tôi không rõ, Beth...
Beth thoăn thoắt bước ra, đến ngưỡng cửa như sực nhớ ra điều gì quay vào hỏi tiếp:
- Các cô có nhớ nhắc chừng tụi Aides kiểm soát lại các giường bệnh lần nữa đi, trăng lên cao rồi đấy. Hôm nay sao tôi thấy mọi sự yên tĩnh một cách đáng ngờ...
Henrietta nói với ra:
- Yên tâm đi Beth, tôi ở đây hết mấy chục mùa trăng rồi mà.
Bây giờ thì Beth trừng mắt lên:
- Cô có lường được hết các biến chứng có thể xảy ra không? Chỉ cần một bệnh nhân thoát ra đường được là chúng ta cũng đủ mệt rồi. Cẩn thận trước thì hơn. Và, phải tự mình đi kiểm soát các cửa ra vào nữa, nhất là các cửa mở ra đường lớn...
Beth chưa dứt lời, từ hành lang phía trái, lối dẫn ra Station 3 vọng lại những tiếng la hét theo một nhịp nhắt quãng quen thuộc của Katrina... "Tao không cột mày... Sao mày cột tao... Tao... ao... Ta... ao... không cột... mày... Sao... ao mày cột ta... ao..." Lẫn giữa các quãng ngắt là những tiếng khò khè đưa lên từ cuống họng giống như tiếng gù gù của một con mèo được khuếch đại qua một cái loa rè. Những tiếng hét không nhỏ dần đi rồi chìm vào giấc ngủ như lệ thường đêm mà càng lúc càng lớn hơn, các quãng ngắt thu ngắn hơn, rồi tiếng Grace kêu lên:
- Henrie. Chi. Ðến đây mau lên...
Henrietta và Chi chạy ùa sang Station 3. Một cảnh tưởng không thể nín cười đang bày ra trước cửa phòng Katrina, ngay giữa lối đi, Katrina không hiểu bằng cách nào đã đẩy nguyên cả giường mụ ra trước cửa phòng, bao nhiêu chăn mền khăn gối cuộn tròn thành một đống lớn ở cuối chân giường, cả chiếc áo ngủ của mụ cũng quấn lẫn trong đống chăn ấy. Và dĩ nhiên như thế có nghĩa là mụ không còn một mảnh vải nào trên người ngoài đôi slipper dưới chân, là thứ mà mụ không bao giờ chịu rời ra, kể cả lúc đi tắm lẫn lúc lên giường ngủ. Mụ đứng lom khom trên giường, cố vùng vẫy khỏi Grace. Cũng không hiểu bằng cách nào, mụ đã lấy được tấm biển nhỏ "Alzheimer's Care Unit" vẫn để trên Nurse's Station, và mụ đang dùng nó như một thứ vũ khí để chống lại Grace. Grace thì giống như một chàng võ sĩ da trắng đang đấu một cách tuyệt vọng với một chàng da đen khỏe mạnh và dai sức hơn mình, một chân nó đứng giữ thế, một chân quỳ trên giường, vừa dỗ dành vừa cố ghì Katrina xuống bằng sức mạnh của cả đôi cánh tay lẫn sức nặng của thân hình nó. Nhưng thân hình mảnh mai của Grace thì không đủ để hạ nổi sức mạnh lạ thường của Katrina trong những đêm trở cơn như đêm nay và những lời dỗ dành đối với mụ lúc này cũng hoàn toàn vô ích. Henrietta nhanh nhẹn tụt giầy nhảy lên giường, hai tay choàng vai Katrina kéo xuống trong khi Grace và Chi đứng hai bên khóa chân tay mụ. Hạ được tay võ sĩ hạng nặng rồi chưa phải hết việc, sau đó là phần mặc áo và đặt mụ nằm yên trên giường. Grace giữ chân còn Chi giữ tay mụ để Henrietta, nhanh nhẹn và khỏe nhất, chụp chiếc áo ngủ, rồi chiếc posey qua đầu mụ. Ðến đây thì điệp khúc ngắt quãng của Katrina thay đổi... "Tao... ao... không... không bắt mày... mặc áo... áo... Sao mày bắt tao mặc... áo... áo..." Chỉ để vừa cho mụ thở, Grace kéo chặt các mối posey quấn vào hai bên thành giường đoạn nằm hẳn xuống gầm giường để buộc các đầu mối vào nhau, vòng qua tấm nệm. Khi Katrina lên cơn, phải dùng tới kiểu cột hơi có vẻ dã man và đi rất xa nguyên tắc như thế mới có thể giữ mụ nằm yên trên giường vì mụ có tài gỡ được tất cả các mối dây buộc hai bên thành giường rồi ngồi dậy vung tay ném chiếc posey vào góc phòng, và lúc đó thì mụ có thể ném tất cả những thứ ở chung quanh tầm tay mụ. Xong xuôi, Henrietta vừa thở hào hển vừa bò ra cười hỏi Grace:
- Mày làm sao mà để mụ biểu diễn vũ khỏa thân ngay giữa cửa vậy Grace? May mà mụ ta chưa đẩy cả giường ra ngoài đường chứ không thì cả cái thành phố này đã thức dậy hết mà coi rồi.
Ðêm lạnh ngắt mà những giọt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương Grace, rịn xuống những chân tóc vàng mịn, nó phân bua:
- Tao đâu biết, đã dặn con Elsa từ sớm là phải coi chừng mụ cẩn thận. Tao vừa đem thuốc tới định cho mụ uống thì mụ đã ra tới cửa đứng múa rồi.
- Vậy là phải quá mà, với những nhân vật quan trọng như Katrina này thì mày phải tự check lại chứ đâu phải chỉ dặn tụi Aides không thôi là đủ. Có chuyện gì xảy ra, chẳng hạn như mụ chạy ra đường bị xe đụng thì trách nhiệm lại đổ lên đầu mày chứ đâu phải con Elsa.
Grace liếc Henrietta bằng cái kiểu liếc mà Beth vẫn dành cho Henrietta:
- Em biết, thưa chị Henrietta, em biết, bài học về trách nhiệm em vẫn thuộc. Tại vì đêm nay con Sandy bận với bệnh nhân mới của nó, một mình tao ở Nurse's Station, quay qua quay lại đủ thứ việc rồi quên bẵng đi.
Henrietta đập đập xoa bóp hay cánh tay, ra bộ ngao ngán thở dài:
- Hừ, quên, quên... Nếu không có tao... Ai bảo y tá không cần phải học võ đâu. Không có đẳng cấp như tao thì đêm nay sao hạ nổi mụ.
Grace co chân lên vuốt vuốt đôi panty hose đã bị Katrina cào rách xoạc một đường dài trong lúc giằng co, thở ra não ruột:
- Tao thề tao sẽ không thèm sống lâu đâu. Tao thích chết đẹp hơn là sống già. Sống thêm nữa để mà điên như Katrina thì thẹn chết được.
Henrietta chẩu môi:
- Ðể coi, bây giờ thì mày nói vậy nhưng đến lúc già đi thì mày sẽ lại thấy tiếc đời, thấy thèm sống như lúc trẻ thèm yêu vậy... Và nếu mày đã điên như Katrina này thì còn biết gì đâu, cũng còn đẹp đẽ gì nữa đâu mà thẹn. Nhưng em ơi, cứ tin tao đi, mày mà cứ chui ra chui vào mấy cái Nursing Home này thì mày sẽ không phải sống lâu đâu. Mày sẽ chết vào khoảng... à à... coi nào, khoảng 50 tuổi như bà hoàng Grace vậy nhé. OK? Lúc đó thì mày cũng vẫn còn khá đẹp, với điều kiện là phải chịu khó nhịn ăn chứ đừng để quá khổ như bà Beth vậy. Ngoài thằng chồng mày ra sẽ còn biết bao nhiêu là người đến nhỏ lệ tiếc thương, biết bao nhiêu là hoa hồng trên mộ... Ô đẹp biết mấy, ngậm cười nơi chín suối nhé!
Biết Grace lãng mạn nên Henrietta vẫn cứ thêu dệt đủ mọi thứ chuyện trời trăng mây nước ra để chọc cho khuây khỏa những đêm dài, cũng như nó vẫn kể chuyện ma để dọa Sandy yếu bóng vía, còn Chi thì dấu kín cả cái lãng mạn lẫn cái yếu đuối để Henrietta không thể bước được vào thế giới rất Việt Nam của nàng nên nó để Chi được yên thân mà cười góp trước những câu chuyện của nó. Dù vậy, thỉnh thoảng Henrietta cũng nói được những câu khá hay ho, chẳng hạn như nó tuyên bố, tất cả chúng ta đều là những kẻ cao cả thầm lặng, vì nếu không cao cả, không yêu nghề thì không ai có thể ở lại nơi này quá một đêm. Chỉ khác là mỗi người có người có một cách, một lý do yêu khác nhau mà thôi, thí dụ như con Grace yêu nghề chỉ vì hồi High School nó lỡ đọc phải cái truyện Doctor Jivago. "Còn mày thì mày yêu ai, Henrie?" Grace hất mặt. "Tao hả? Tao yêu... Katrina". Ðêm nay Henrietta lại lập lại câu ấy. Nó vừa nói yêu Katrina theo cái điệp khúc có quãng ngắt của mụ, tựa như Chi nói chuyện với Sylvia bằng thứ ngôn ngữ bập bẹ , vừa chận thêm gối kín mít quanh giường Katrina. Không vùng vẫy được nữa, Katrina vẫn cố trườn mình lên một chút, đưa đầu lên cao khỏi chiếc gối, giương đôi mắt điên dại lên nhìn cả ba, miệng rì rầm những điệp khúc đang đến hồi nhỏ dần nhỏ dần của mụ. Henrietta rót cho mụ một ly nước lạnh để trên bàn, sát tầm tay mụ:
- Ðể mụ giải khát chút, Katrina, đêm nay mụ hát hơi nhiều rồi.
Grace kêu lên:
- Mày cho mụ uống rồi cất ly đi Henrie, để đó mụ hất đổ hết đấy.
- Mày cho mụ uống đi, mụ không ưa tao đâu. Rồi cho mụ uống thuốc luôn đi. Lúc nãy mày cho mụ uống Navane chưa?...
Katrina ngoan ngoãn uống ừng ực từng ngụm nước như một đứa trẻ khát sữa sau cơn khóc dỗi. Uống xong mụ đẩy cái ly ra, cầm lấy tay Grace:
- Thank... you... thank... y... oú... oú...
Chi phì cười nhìn cái miệng rụng trơ hết răng nói líu ríu của mụ. Giọng mụ có lúc nghe eo éo như tiếng một con mèo, có lúc lại cà kíu cà kíu như tiếng một con ngỗng. Henrietta nhăn nhó:
- Coi điên điên vậy mà cũng còn lịch sự gớm. Vật lộn cho chán chê rồi đi cám ơn.
Katrina không cựa quậy, cũng không rầm rì nữa, mụ chắp hai bàn tay lại, gối sau gáy, mắt nhìn thẳng lên trần nhà như bắt đầu suy nghĩ xa xôi gì đó. Với kiểu gối tay như thế, mụ có cái vẻ trầm tư của một triết gia đang suy nghĩ về lẽ khổ đau của kiếp con người. Rõ ràng hơn nữa. Chi thấy mụ giống hệt như Simone de Beauvoir trong một bức ảnh mà Chi đã phóng lớn treo trước bàn học vào những năm trước 75, cái thuở mà cô bé Chi mới chập chững nhìn vào thế giới văn chương cũng như nhìn vào cả cuộc đời bằng đôi mắt của một cô bé Alice nhìn vào thế giới lạ kỳ. Thật khá khôi hài khi dẫn trí nhớ đi từ một mụ già điên đến một nhà tư tưởng, dù cả hai cùng là đàn bà và cùng sống già như nhau, nhưng đây là một sự giống nhau rất rõ ràng, rất sắc nét chứ không phải chỉ là một sự liên tưởng tới giọng con mèo...