Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Chuyện phiếm: Ta yêu tiếng “nổ” hết mình Tuesday, November 23, 2004 Huỳnh Văn Phú Ngày tôi ra khỏi nhà tù Cộng Sản, về sống với gia đình ở Sài Gòn, phương tiện di chuyển chủ yếu của tôi là chiếc xe đạp. Tuy nhà tôi vẫn còn chiếc xe Honda hai bánh đời 67 trùm mền từ ngày tôi đi tù nhưng chẳng mấy khi tôi sử dụng đến. Mà có muốn sử dụng cũng không đơn giản chút nào. Tôi muốn nói đến chuyện xăng nhớt. Phải trần ai khoai củ mới kiếm được vài lít xăng, thường là đi mua xăng bán lén lút. Thằng con trai tôi mê được cỡi trên chiếc Honda lắm. Nó năn nỉ mẹ nó hoài nhưng chẳng bao giờ được phép dắt cái xe ra khỏi nhà. Nó chưa biết cái cảm giác được cỡi lên chiếc xe Honda sung sướng ra sao. Nó đã lớn, đã biết yêu và dĩ nhiên biết “làm le” với gái. Nó muốn di chuyển trên một cái gì đó khác hơn là cái xe đạp cà tàng ngày hai bữa đạp đi học.
Một hôm nó nói với tôi, giọng nghe có vẻ thảm thiết:
- Ba, ba cho con đi thử xe Honda một lần đi ba.
Tôi hỏi:
- Con đã biết cách đi chưa mà đòi đi thử?
Nó quả quyết:
- Dễ mà ba. Con thấy tụi bạn con chạy Honda hoài, con đã vài lần đi rồi mà.
- Con định đi đâu?
Nó gãi đầu:
- Dạ, con tính đến nhà cô bạn học của con.
Nghe con tôi nói đến nhà bạn gái của nó, tôi hiểu nó muốn điều gì rồi. Tôi thấy thương và tội nghiệp con tôi. Suốt tuổi thơ của nó, tôi ở trong tù mà đời sống của phần đông người dân dưới chế độ Cộng Sản trong thời gian đó về phương tiện di chuyển chỉ là xe đạp và lương thực là khoai, sắn, bo bo... Các loại xe như Vespa, Lambretta, Honda v.v... được coi như là cái ô tô chứ không phải đùa. Tôi thấy việc cho con tôi cỡi chiếc Honda đến nhà bạn gái của nó cũng là điều nên làm. Coi như cho nó “thử” xe luôn chứ cứ trùm mền mãi, e có ngày chuột chui vào “ống bô” sinh con đẻ cái. Tôi móc túi đưa nó hai ngàn và bảo lấy chai đi mua xăng về chạy. Cậu ta sung sướng ra mặt. Nó cầm hai ngàn bạc cười nói với tôi:
- Ba có bao giờ nghe câu nói mà bọn trẻ chúng con thường hay nói với nhau: “Một trăm lời nói không bằng khói xe Honda”?
Tôi hỏi:
- Câu này nghe có vần có điệu quá, ý muốn nói gì mà có khói xe Honda ở trỏng?
Nó không giải thích cho tôi mà lại nói tiếp:
- Ba nghe thêm câu này nữa nha: “Một ngàn lời dụ dỗ không bằng tiếng nổ xe Honda”.
Nghe đến đó thì tôi hiểu ngay cái tác dụng của khói và tiếng nổ của xe Honda rồi. Tôi bật cười, nói với nó:
- Bây giờ thì ba hiểu vì sao con muốn cởi Honda đến nhà cô bạn gái của con.
Rồi nó đi mua xăng về đổ vào bình, dắt chiếc xe Honda cà tàng của mẹ nó ra đi. Sau đó, tôi cũng không hỏi nó cái sự xịt khói ra đàng sau và tiếng nổ của chiếc xe Honda nó đi hôm ấy có mang lại cho nó một niềm vui nào, một thành quả nào đáng khích lệ trong mục đích “tỏ tình” với bạn gái của nó hay không.
Vào thời điểm những năm 84, 85 ở quê nhà thì khói và tiếng nổ của xe Honda hai bánh có một tác dụng lớn lao như trên, nghĩa là dù anh có đẹp trai, có nói hay tán giỏi cách mấy đi nữa mà anh đi chiếc xe đạp lọc cọc thì khó mà bắt tí “ái tình bửu giám” với các nàng. Ðó là chuyện tiếng nổ của xe Honda ở quê nhà cách đây hơn chục năm. Tiếng nổ ấy ta không thể nào mang sang sử dụng ở cái xứ Mỹ văn minh, thừa mứa, lạ lùng, kỳ cục và xô bồ này được. Không có tiếng nổ của xe Honda như xưa thì bây giờ chính bản thân ta nổ vậy. Dẫu sao, có tiếng nổ dù với bất cứ của loại đạn nào cũng đem lại cho đời những niềm vui. Tôi đã lẩn thẩn nghĩ rằng có lẽ vì đời sống lạnh tanh quá, im vắng quá, buồn bã quá, căng thẳng quá, nhớ đến những ngày tháng cũ nhiều quá, sống với “hoang tưởng” nhiều quá nên trong những gặp gỡ hàng ngày tôi đều nghe có tiếng nổ quanh mình. Ðôi lúc những tiếng nổ có vẻ bơ vơ, lạc lõng vì người nghe đã muốn ứ lên tận cổ.
Tôi thuộc lớp người sang xứ này theo diện tỵ nạn H.O. Phải thành thực nói rằng, trước lúc ra đi, tôi cũng rất mong được chính phủ Mỹ ưu ái ngó lại mà cấp cho mỗi người một “căn nhà tình nghĩa” như lời đồn đại loan truyền rộng rãi trong thành phần được ra đi theo diện H.O. Có người còn nói rằng ở những căn nhà đó có gắn bảng ghi tên họ từng người đàng hoàng. Chính mắt họ đã thấy những tấm ảnh chụp các căn nhà ấy từ bên Mỹ gửi về. Ðó là chưa kể chuyện sang Mỹ còn được truy lãnh tiền lương kể từ ngày vào tù nữa đấy. Cái tâm lý chung của chúng tôi, những người được sang Mỹ trong một chương trình rầm rộ vang dội khắp thế giới như thế thì cũng có phần nào hãnh diện chứ. Chỉ đến khi chạm vào thực tế rồi thì mới “vỡ mộng”. Nhưng nếu “mộng thực” đã vỡ thì ta xây “mộng ảo” vậy. Có chết thằng Tây đen nào đâu. Vui thôi mà.
Bây giờ, tôi kể chuyện cách xây “mộng ảo” của một người mà tôi đã gặp như thế nào nhé. Lúc mới sang, theo chính sách quy định, tôi phải đi học Anh ngữ trong một thời gian rồi sở xã hội sẽ bắt đi tìm việc làm. Một hôm, trong giờ nghỉ giải lao, tôi ra đứng bên ngoài lớp học hút thuốc. Tôi thấy một người mặc Worsted 4 túi (loại quân phục của sĩ quan mặc đi du học ngày trước) đang say sưa nói chuyện gì đó với một người đàn bà Việt Nam làm việc ở phòng điều hành của một hội thiện nguyện phụ trách dạy Anh ngữ cho người tỵ nạn. Tò mò, tôi bước đến chỗ hai người. Thấy tôi đến, người mặc Worsted quay sang hỏi tôi:
- Anh học Anh ngữ ở đây?
Tôi trả lời ngắn gọn:
- Ðúng vậy.
- Anh đi H.O mấy?
- H.O 2.
- Tôi cũng vậy. Mới vừa sang. Tôi đem mấy mẹ con đến đây học Anh ngữ theo quy định của Sở Xã Hội.
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì anh ta mở máy “nổ” tiếp:
- Phần tôi thì tôi không cần phải học Anh ngữ nữa. Trước kia tôi có đi du học ở bên này nên tiếng Anh của tôi đã khá đủ. Tôi đang nhờ mấy người bạn cố vấn Mỹ cũ liên lạc với quốc hội Hoa Kỳ để tôi đến đấy diễn thuyết về chiến tranh Việt nam.
Nghe người mặc Worsted này nói như thế, tôi nghĩ bụng: “Lại gặp một anh chàng đẻ gần kho đạn Long Bình rồi”. Nghĩ như thế chứ thật tình tôi cũng mong sao trời xui đất khiến cho anh có dịp dùng cái giọng nói tiếng Anh rất “cọp nhai đậu phọng“ (sau này nghe anh nói tiếng Mỹ tôi mới có cái nhận xét đó) của anh làm cho các Nghị Sĩ, Dân Biểu Mỹ lé một lúc hai con mắt chơi. Tôi dùng nhóm chữ “cọp nhai đậu phọng” ở trên là để đề nghị quý vị có dịp nào đi sở thú, nhớ mang theo một nhúm đậu phọng, đến chuồng cọp quăng cho nó ăn, khi nó nhai cái âm thanh nghe rạo rạo thì cách phát âm Anh ngữ của người mặc Worsted cũng “y chang đờ la y boong” như vậy. Lúc anh ta đi khỏi rồi, người đàn bà phụ trách điều hành nói với tôi:
- Cái thằng cha này tiếng Anh tới đâu mà “phách” thế nhỉ! Cho dù có giỏi mấy đi nữa thì mới sang cũng không nên tỏ ra ta đây như thế.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận xét của bà phụ trách phòng điều hành vì phát ngôn như vậy là bà ta không biết người biết của chút nào. Bà ấy không biết rằng ở trong tù, thời gian đầu tiên, bọn Việt Cộng chỉ cho phép chúng tôi học tiếng Anh thôi còn tiếng Mỹ thì cấm hoàn toàn. Ấy vậy mà sau một thời gian dài 15 năm không có cơ hội sử dụng tiếng Mỹ, người bạn của chúng ta sang đây không cần phải học tiếng Mỹ nữa thì đó là trường hợp nên trân trọng và xứng đáng được ca tụng chứ, cớ sao lại bảo người ta phách lối nhỉ? Có ai phách lối trong trường hợp này đâu, chỉ nổ một chút thôi mà. Phách lối khác xa với nổ chứ. Phải không chư vị?
Tuy nói là không thèm học tiếng Mỹ nữa nhưng rồi một thời gian sau anh cũng vẫn phải cắp sách đến trường trong một thời gian khá dài mới đi kiếm việc làm. Còn chuyện anh có đến Quốc Hội Mỹ “nói phét” hay không thì “chỉ có trời biết” vì không thấy có tin “chạy nhật trình” một chữ nào cả. Thật ra, anh có đến tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington D.C nói chuyện nhiều lần, nói văng cả nước bọt vào mặt mấy ông đại diện dân cờ hoa mà chả có ai dám phàn nàn hay phản đối. Mà làm sao có người nào phản đối được đâu vì anh thuyết trình về chiến tranh Việt Nam tại quốc hội Mỹ trong những giấc ngủ hàng đêm của anh, hay nói theo văn chương của thiếu nhi thì trong những cơn mơ thôi. Như thế, anh là một người sống trong mộng. Do đó, anh cũng là một trong những người hạnh phúc nhất trần gian này.
Nói đến chuyện mộng và thực, tôi lại nhớ đến một chuyện tôi đọc từ hồi còn nhỏ. Chuyện kể một ông vua và một tên lính hầu của ông. Ông vua chỉ làm vua ban ngày, nghĩa là ông sống một đời sống với tất cả quyền hành và tiện nghi dành cho một ông vua nhưng lúc đêm về, khi đã chìm vào giấc ngủ thì ông thấy mình làm tên lính hầu, phải hầu hạ một ông vua khác. Còn tên lính hầu thì ngược lại, ban ngày hắn làm lính hầu cho vua, còn ban đêm lúc vừa chợp mắt ngủ thì hắn lại thấy hắn lên làm vua. Và tôi tin như đinh đóng vào vách rằng anh bạn mặc Worsted đi thuyết trình về chiến tranh Việt Nam ở quốc hội Mỹ vừa nói đã nhiều lần đọc truyện “ông vua và tên lính hầu” nói trên.
Tôi sống ở một vùng mà vào mùa Ðông, khí hậu lạnh lẽo, tuyết phủ đầy trời cho nên tôi rất thèm cái không khí ở Cali, nhất là ở quận Cam. Cứ tưởng tượng buổi sáng Chủ Nhật, ra ngồi đấu láo hoặc đánh cờ tướng với những bạn bè cũ hay mới ở khu Phước Lộc Thọ, nhắc lại chuyện xưa, sống hoàn toàn với cái không khí ở quê nhà trước 75 thì còn có hạnh phúc nào bằng. Ta đã chiến đấu, đã gian khổ, đã hy sinh, đã chịu đựng và đã trả một giá khá đắt chỉ vì hai chữ tự do. Bây giờ ta đã có tự do hoàn toàn, nhất là tự do ăn nói. Sang Mỹ sướng nhất là chuyện ta được tự do nói. Muốn nói gì thì nói, chả ai phạt vạ hay đóng thuế ta cả, miễn là đừng có chửi bậy chửi bạ là được rồi. Ở đây tôi không có cơ hội và điều kiện có nhiều “phe ta” để phát huy khả năng “nói phét” của mình nên lắm lúc cũng rất ngứa mồm y hệt như người thích “múa đôi” lâu ngày không có dịp dợt lại đôi chân. Ở vùng tôi cư ngụ, ra ngoài đường, đi đâu cũng gặp toàn là Mỹ đen, làm sao mà nổ với họ được. Mà nếu Mỹ đen có nổ hay chính tôi nổ thì hai bên cũng không thể hiểu được người nào muốn nói cái gì. Thành ra tôi buồn lắm, cô đơn lắm. Tôi mong đến một ngày đẹp trời nào đó được về sống ở Cali cho đỡ nhớ nhung. Lâu lâu được ai mời đi dự tiệc tùng văn nghệ gì đó là tôi coi như một dịp làm cho đời mình có thêm những niềm vui và hơn nữa là có chuyện để mà viết lai rai cho đời đỡ phần buồn chán.
Mới tuần lễ trước, tôi được ông bạn mời đến dự buổi khai trương một văn phòng đa dịch vụ của ông như bán vé máy bay, thi nhập tịch, bán các loại thuốc Bắc gia truyền v.v... Khách đến dự cũng khá đông, tôi nhìn một vòng, cũng phải gần 20 người. Trong số này tôi chỉ quen có vài người, thành phần còn lại là những người tôi gặp lần đầu tiên. Có người tuy tôi chưa gặp họ lần nào nhưng họ lại biết tôi. Một người đến bắt tay tôi, nói:
- Anh là anh P?
- Dạ.
- Tôi là Nguyễn Văn X... Rất vui được gặp anh. Nghe nói về anh nhiều cũng như có đọc một số các chuyện phiếm vui vui của anh, nay mới dịp hội ngộ. Nhưng không sao, dù có muộn màng nhưng gặp nhau là tốt rồi.
Tôi chưa kịp nói câu chào xã giao với anh thì anh tự nói về mình ngay:
- Tôi sang ở đây cũng đã 18 năm rồi. Trước kia ở Việt Nam tôi cũng là dân viết báo. Tôi viết cho rất nhiều tờ báo ở Sài Gòn trước 75. Sang đây rồi, đời sống căng thẳng quá, đi cày tối ngày sáng đêm nên tôi đành quên cái chuyện viết lách ấy đi. Bây giờ là lúc mình phải lo cho các con ăn học nên người anh ạ.
Rồi anh thao thao bất tuyệt nói về cái nghiệp làm văn chương của anh trong quá khứ, đề cập đến những “mảng” văn học trên thế giới và các tác phẩm có tính cách luận đề của các cây bút ngoại quốc đoạt giải Nobel... Tôi thật sự kinh hãi nên đành im lặng lắng nghe, chỉ thỉnh thoảng gật gù cái đầu hoặc thừa cơ hội anh ngưng nói để thở, tôi mới có thể xen vào một câu khen lấy khen để: “Té ra anh cũng là một cây bút có tầm cỡ mà trước đây tôi không biết.”
Trong khi nghe anh nói, tôi nghĩ thầm trong bụng: “Hôm nay ta có một niềm vui vì được nghe một kho đạn nổ.” Ðúng như định nghĩa của một nhà văn nào đó đã định nghĩa về các ngòi nổ ấy như sau: “Trong một phút có 60 giây thì kho đạn nổ hết 59 giây, bạn chỉ có một giây duy nhất để gật gù cái đầu của bạn thôi chứ không thể có ý kiến ý ong gì hết”.
Không biết chư vị có cảm giác gì khi nghe đạn nổ chứ riêng tôi thì quả thật là rất vui. Tôi vừa vui và vừa lấy làm tiếc cho anh ta. Theo tôi nghĩ, đối với một người đã từng có cái quá khứ theo đuổi nghiệp văn chương lẫy lừng như anh mà đành phải bỏ ngang xương thì thật là phí. Nếu đã nói là cái “nghiệp” thì chém chết thế nào cũng phải tham gia dù ít hay nhiều, dù có đầu tắt mặt tối lo miếng cơm manh áo nhưng rồi cái “ma lực” của mùi mực in, của những dòng chữ khiến cho họ không thể thờ ơ được. Và tôi cũng chẳng thể hiểu tại sao cái “thị dục huyễn ngã” trên lãnh vực này lại có một hấp lực ghê gớm đến thế. Kinh nghiệm đã cho tôi thấy ở một số người tôi quen biết đã hành xử như vậy. Do đó, khi nghe anh nói anh từ giã vũ khí, rửa tay gác kiếm, tôi thấy vui trong lòng vì mình được biết thêm một kho đạn rất khiêm nhường. Chẳng thà nghe kho đạn nổ trên trời dưới đất còn vui tai hơn là phải nghe chuyện chính chị chính em, chuyện bắn giết nhau, lường gạt rồi thù hận nhau.
Cũng trong buổi gặp gỡ đó, tôi lại có dịp tiếp xúc một kho đạn khác. Kho đạn này trẻ hơn kho đạn kia một chút, khoảng chừng hơn 4 bó là nhiều. Anh tự giới thiệu anh vừa sang Mỹ được vài năm. Anh cũng đi theo diện tỵ nạn. Anh nói rằng, kể từ ngày qua đây anh ít đọc báo Việt ngữ lắm. Anh cần biết những tin tức trên khắp thế giới mà báo Việt ngữ thì không thể đáp ứng được đầy đủ yêu cầu đó nên anh chỉ đọc toàn là báo Anh và báo Pháp thôi. Tôi lại im lặng và gật gù khâm phục cái sự uyên bác của anh. Tôi đã sơ sót quên hỏi anh sang xứ Mỹ này anh làm nghề gì để sinh sống. Khi bắt tay nhau từ giã, anh nói một câu khiến tôi chưng hửng và không tin vào lỗ tai của mình, cứ tưởng mình nghe lầm.
Anh nói với tôi: “Tôi mong được học hỏi ở các anh rất nhiều.” Và tôi lờ mờ hiểu một cách “sai quấy” rằng anh muốn học hỏi tôi về nghệ thuật nói phét và cách diễn đạt lại sự nói phét của người khác. Một con người tài ba lỗi lạc, tinh thông ngôn ngữ Anh Pháp như anh mà đòi theo “học hỏi” tôi về việc nói phét thì hân hạnh cho tôi biết chừng nào. Hôm ấy tôi bận phải lo về sớm và trời mưa lớn chứ nếu không thì tôi đã mời anh đi uống cà phê rồi.
Chuyện ta gặp các kho đạn nổ hàng ngày chung quanh ta có thể coi đó là chuyện thường ngày của... đời sống. Và đời sống sẽ mất vui đi nhiều lắm nếu ta không còn nghe đạn nổ nữa. Riêng tôi, tôi luôn luôn nhớ tiếng nổ của bất cứ loại đạn nào, và trong khả năng rất hạn chế của mình, tôi sẽ lần lượt kể lại cho chư vị nghe cho vui rồi bỏ những câu chuyện kể về các kho đạn. Và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhà thơ Trạng Phét khi ông ta nói ông yêu tiếng nổ hết mình qua những vần thơ sau đây:
“Kho đạn nổ cực kỳ kinh hãi
Âm thanh làm tê tái hồn ta
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
Dẫu tê tái đấy, nhưng mà đời vui.
... Nhớ tiếng nổ bùi ngùi khôn tả
Nỗi nhớ nhung hơn cả người tình
Ta yêu tiếng nổ hết mình
Hoan hô kho đạn Long Bình muôn năm”.
Huỳnh Văn Phú
|