Chẳng Ra Hồn
Ở đời mấy khi như ý, dù năm nào ngày Tết thế nhân vẫn chúc nhau "vạn sự như ý". Há, sao tham quá vậy! Nếu vạn sự đều hoàn toàn như ý, thì làm gì biết khổ đau mà quý hạnh phúc, làm gì biết nước mắt mà quý nụ cười, làm gì biết lận đận mà quý thanh thản, làm gì biết nguy hại mà quý bình yên. Nó cóc tin trên đời có được vạn sự đều như ý, ai chúc nó câu đó, thì nó chỉ đưa đôi mắt nhíu lại, nhìn như thể thắc mắc hỏi "sao mà chúc tui như vậy, chúc sáo rỗng, kiểu dư hơi ấy, chẳng tí ti chân thành nào cả, không ngượng lời à?" Ồ, tôi quên nói một điều là nó dỡ hơi, gàn dị lắm! Bởi vậy chẳng ngạc nhiên gì trong mấy ngày Tết nó cứ lầm lầm lì lì, lủi thủi đi, tránh mấy màn kịch ngượng ngùng, gượng ép chúc tụng "vạn sự như ý". Nếu như tránh vẫn không được, thì nó chúc một câu bình an, rất ngắn nhưng chân thành.
Tuy nhiên tôi biết nó cũng thầm muốn một đôi điều như ý. Nó muốn câu chữ của nó viết là những dòng viết chân tình, không cheo leo làm xiếc ngôn từ, những dòng viết mịn êm theo mắt lướt đọc, du dương quyện vọng âm, lãng mạn xuôi triền tâm. Há, nó cũng chỉ vớ vẩn muốn vậy thôi, thì đã nói rồi, bộ hễ cứ muốn là được sao chứ? Nên cũng chẳng ngạc nhiên gì, khi nó muốn câu chữ của nó dịu êm ngọt ngào, nhưng nó lại không tài chi, cách nào vắt ra những dòng mượt mà, vì trong nó chỉ có mớ tơ tằm rối bời, nó càng biết thì càng chán ngán hơn chợ thơ, chợ đời. Mà cả hai chợ, chợ nào cũng nhiều ma với người lẫn lộn, có những kẻ khoác đến bao nhiêu chiếc áo ảo để đóng bao nhiêu tuồng, diễn bao nhiêu vai, gần như từ A đến Z, choáng ngợp!
Tôi nghe bạn nó bảo nó "tồ" lắm, lờ khờ lắm, à cũng có thể vậy! Nè, nhưng không hẳn là vậy, vì sau khoảng hai ba năm lang thang "bụi đời" trên cõi ảo, nó cũng có nhận xét thấy những cái “ta” bày ra mấy màn, mấy trò cười ra nước mắt chứ chẳng chơi. Nào là cái ta này khen chính cái ta ấy, bằng cách rất tinh vi, cứ làm như mình khiêm nhượng, hoặc cái ta này tán tụng cái ta kia, khi tế nhị ngấm ngầm, khi đánh trống đánh kẻng rùm beng, để rồi mỗi cái ta cho rằng chỉ chính ta thôi mới tuyệt hay, ngang nhiên cho chính cái ta của mình là xuất chúng, đặc sắc, hoàn mỹ. Nhiền lần tôi thấy nó ngán ngẫm lắc đầu và than: Ôi, những cái ta mặc áo thụng vái lạy nhau, đưa nhau lên ngất ngưởng tít cao mấy từng mây xanh. Để rồi khi những cái ta ấy chẳng ưng nhau nữa, chẳng thuận hòa nữa, vì cái ta này choảng cái ta kia, đụng độ ầm vang bằng mớ chữ nghiã thể như bên ngoài bọc bằng nhung mịn, mà khi va vào thì tê bầm, ê ẩm cả thân tâm. Nó hỏi tôi có thấy gì không? Tôi thắc mắc hỏi lại thấy chi chi? Nó cười mỉm, vô thưởng vô phạt, nhận xét là cũng trong thế giới ảo ấy cái ta dễ dàng hóa huyễn hư, huyền hoặc bày xảo thuật ngụy chính tâm hồn mình để tin ta đây là thiên tài, là vĩ nhân, và than thân trách phận vì thiên tài hóa thiên tai, chẳng may sinh không đúng thời vận, sinh lầm thế kỷ! Tại sao lại than thân trách phận như vậy ư? Vì những gì cái ta viết đều xem đó là văn chương bác học, triết lý cao siêu thâm sâu, chỉ tại không có ma nào đủ trình độ để hiểu thấu, đó thôi. Bởi vậy, thiên tài rất cô đơn!
Nhân đây, nó tâm sự với tôi là nó chợt nhớ đã từng lui cui đọc đi, đọc lại những bài thơ của vài “nhà thơ lớn” để tìm cho ra chất nhạc trong vần ngữ giai điệu. Nó đọc, nó nghiền ngẫm chỉ vì nó muốn học ở những bậc "thầy" này, tại nó thấy cứ bài thơ nào trình “làng”, trình “huyện” là y như rằng bài thơ ấy được phổ nhạc, cứ bài văn nào trình “xã”, trình “thôn” thì cứ y như là chỉ ít hôm sau bài văn ấy được viết lời bạt, lời phê bình văn học nghệ thuật với những mỹ từ tuyệt vời một cách vung vãi chẳng tiếc lời.
Nó nhíu mày, suy tư rồi dưng la to “Quái!” Hả hả cái gì quái? Thì quái là nó đọc, suy ngẫm mãi, cũng chẳng tìm ra được chất du dương, văn chương tuyệt đỉnh cao siêu nào! Rồi, nó nghĩ hay là tại nó “dốt” không thấy được giai điệu trong thơ, không thấy được sự sáng tạo trong văn chăng? Nhớ lại khi nó đọc hết một bộ tiểu thuyết hay khi nó xem một vở kịch, nó bỗng quên đi lời văn, lời đối thọai để mà nghĩ hòai, nhớ hòai về cuộc đời về số phận các nhân vật. Ngược lại, khi nó đọc thơ của những cái ta trong chợ thơ, nó đọc một lần, hai lần, thậm chí nó cố thuộc để “tiếng thơ” với âm điệu không cùng tận ấy sẽ vang vọng đâu đó, vì bản thân thơ với nó như khúc nhạc, như bức tranh, như pho tượng tạo hình, như gió như mây bay lượn trong thế giới rung động của tâm, nhưng cứ tìm hòai không thấy, mà còn bị cho là không đủ trình độ thâm sâu để cảm nhận ngôn từ của các cái ta nhà thơ nhà văn "danh tiếng" ấy.
Nó nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi: nếu họ, giống như nó, bị bứt rễ ra khỏi cội nguồn từ tuổi nhỏ, liệu họ có còn dùng tiếng mẹ không? Hay tiếng “người” họ còn nhuần nhuyễn hơn tiếng “mẹ”? Một ngày 24 giờ, có mấy giờ để nói tiếng Mẹ? Chứ nói gì là yêu tiếng mẹ đến độ mài miệt đọc, cứ đọc đi rồi đọc lại, đọc để tự học và tập tành viết lách. À, ở phần trên, vô đề bài này, tôi có nói là nó gàn dở, tôi đã nói thiếu một điều, nó không chỉ vậy mà còn mâu thuẩn nữa kia chứ. Tự biết bị bứt rễ ra khỏi cội nguồn quê hương từ tuổi nhỏ, nhưng vì yêu thiết tha tiếng mẹ nên nó tự học và tập tành văn thơ với đời. Chỗ mâu thuẫn là, nói đi rồi nói lại, nó cũng không thích những cái ta nào đó khen nó kiểu "an ủi" rằng: nó xa quê hương từ thuở bé tí ti, mà viết được như vậy xem như là khá lắm rồi! Nó không thích cái "lô an ủi" ấy, ước gì ai đó đọc chỉ để đơn thuần cảm nhận điều nó viết, và đến thẳng với nó bằng trái tim đồng cảm qua những dòng chữ, thay vì kéo thêm những dây dưa lằng nhằng kiểu khuyến khích tàm tạm được, nói để cho có nói, gượng ép, ừ mà chẳng lẽ lại không nói gì ư? Ừ, cũng có thể là nó không có trình độ thơ phú học từ kho tàng văn chương Việt Nam, nên nó không hiểu hết những sáo ngữ, chữ nghiã bác học, thoạt đọc nghe to bự, nghe ấn tượng lắm, nhưng khi ngẫm lại thì chẳng tìm ra đâu là đại ý, tiểu ý gì gì cả. Nó chỉ đơn thuần biết khi nó đọc một bài thơ, một đoản văn, truyện ngắn, là nó đang nghe tiếng nói lắng đọng của một cõi tâm mở ngõ mà ai đó viết như một cách giải bày. Cũng vậy, nó đã viết những gì nó thích và cần, hoặc chỉ vì muốn trải suy tư vui, buồn, ngông, ngơ nào đó. Mớ chữ nó xếp có thành văn gì kia chứ, khi có câu tròn đủ nhưng ngắn ngủn, có câu thiếu trước hụt sau, động từ ngóng mãi chủ từ chẳng thấy bóng câu tăm cá nơi nào, càng đọc hồi lâu càng đau đầu. Còn phần thơ thì nó xếp vần thứ tự cỡ “cửu chương” bằng tiếng lòng của nó, hóa thân nó vào "tôi", vào "em", vào "anh" để chia xẻ, và mong sự cảm nhận nào đó, không phức tạp, ngụy trang câu chữ. Rồi, nó lại nhìn tôi cườì nhoẻn miệng "tự thú" rằng nó không biết dùng chữ để đang áo gấm, áo thụng, để tô điểm màu mè rườm rà. Ngược lại, ví như bóng người trong gương soi chính là hình hài người đang đứng trước kính, thật và đơn giản có vậy thôi! Nó lại cười vui mừng. Tại sao mừng ư? Vì ít ra nó không đang mị nó! Nhủ lòng cố tỉnh để nhìn rõ những gì đã viết (hoặc sẽ viết) về con người và cả con ma trong nó để khỏi bị lầm bởi chính bản tâm mình. Có khi dõi mắt từ phía đàng xa, mà nó vẫn trông thấy mấy cái ta khéo léo xếp mớ chữ để cố đưa mỗi một cái ta ấy lên cao, cỡ nhà văn lớn, nhà thơ lớn! (Eo ui, nó định dùng chữ "vĩ đại" thay vì chữ "lớn" nghe hãy còn quá khiêm tốn, chưa vượt bậc tột đỉnh, nhưng nó lại sợ chỉ vì mỗi chữ "vĩ đại" mà nó bị tạt một lớp sơn đỏ, dán cho một cái sao vàng giữa ngực, chụp cho cái mũ cối ... thì toi đời nó, khiếp! Áy chà, chuyện trời không nắng mà chụp mũ nhau thì nó vẫn thấy trong thế nhân xảy ra thường nhật như ăn cơm bữa. Bảo nó không khiếp hãi, không hoảng vía sao được, nó đâu phải là dân điếc không sợ súng, kia chứ!)
Trở lại những cái ta của các nhà văn nhà thơ “lớn” (và ngay những cái ta tự ti cho mình bé mọn đến độ nương bám như dây leo trên những cổ thụ mà danh tiếng được đánh bóng chói loà mắt, chỏang cả tai) khi nhìn chung chung những câu chữ, ý từ cũng chỉ loanh quanh trong vòng xào đi xáo lại, vay mượn mượn vay đời trước thời nay, và cũng lết bết rủ nhau lê theo một lối mòn, đến độ lắm khi cái ta này chán và lười biếng chẳng buồn đọc mớ chữ của cái ta kia, của cái ta nọ, mặc cho cái ta nào lụi cụi gom chữ thành dòng, thành bài nuôi lớn bầy "con tinh thần" sinh ra từ "tâm huyết" nhưng lại hao hao na ná giông giống nhau, nên hễ nó nhìn đến tên là nó khiếp sợ. Như chợt nhớ ra điều gì, nó đưa mắt đượm buồn nhìn tôi, rồi thở dài nói: khi nhắc đến ý từ loanh quanh trong vòng lẩn quẩn, lết bết lê theo một lối mòn, nó cũng không ngoại lệ, dù nó cố vẫy vùng muốn thóat khỏi cái khuôn chứa đông đúc chật nghẽn ấy.
Nó vỗ vai tôi một cái mạnh, nhắc chừng: nè, chớ vội phán rằng nó bốc đồng, hoặc nhìn cái chợ thơ chợ văn bằng ánh mắt bi quan, xám mờ. Ừ thì cũng đúng phần nho nhỏ nào chứ chẳng sai. Những nghĩa đen-bóng, nghĩa nổi-chìm, nghĩa gần–xa, nghĩa thực–hư thì nó vẫn nghiền viết, và viết rất thật dòng tư tưởng. Bằng chứng là nó đang phang gậy trúng ngay chính nó, và trúng những cái ta khác nữa, chắc ít nhiều cũng đau, cũng khó chịu. Và, có một điều nó biết rõ là nó vẫn say mê đọc những ai đó viết bằng chính tâm tư, ở đó loáng thoáng bắt gặp chính nó với cả những hồi hộp âu lo, và điều mong muốn người viết đó hãy viết mặc cho những cái ta kia nghĩ rằng người đó và bài viết ấy luộm thuộm, không đầu không đuôi, hoặc lời lẽ thể như kẻ bán cá chợ đời (có thể là vậy, nhưng với nó thà lời lẽ không đánh bóng mỹ miều, thà lộ rõ chất người thô thiển, dù là người bán cá chợ đời, nhưng tâm chân chất, không ngoa ngôn, để nhìn nhau rất rõ chân tướng, may ra biết đâu có sự đồng cảm giao hòa, vẫn hơn làm ma bán tâm linh ở chợ thơ, chợ văn bằng giọng rao êm, du dương sương khói, rồi cũng là khói sương mông lung huyễn ảo chẳng ra hồn!) Nó vẫn rất nghiền đọc, đọc để tìm chất người, dù chỉ là ít thôi trong những chập chờn ma tâm, nó vẫn tin có những người mượn câu chữ để chia xẻ chân thành nỗi khắc khỏai, niềm buồn vui, hạnh khổ, tình yêu, và ngay cả sự oán hận của một kiếp nhân sinh.
Bạn đọc à, cảm ơn đã theo những dòng viết đến đoạn cuối. Tôi không rõ bạn là ai, nhưng tôi đoán biết và tin rằng chất người trong bạn có dư kiên nhẫn và nhiều dung hòa lắm để có thể đọc đến câu kết này.
À, bạn nè, trong một thoáng nào đó, bạn có mơ hồ thấy chính bạn đã từng là "nó", và một đôi khi là "ta", không hở?
bình an nhé (lời chân thành chúc)