Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc
Saturday, June 16, 2012 3:57:45 PM
Nguyên Huy/Người Việt
SANTA ANA (NV) - Lễ Vía Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc đã diễn ra trang trọng vào sáng Thứ Bảy tại điện thờ mới nằm trên đường Lilac thành phố Santa Ana.
Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc vừa sau lễ Mộc Dục tại điện thờ mới trên đường Lilac thành phố Santa Ana. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trước giờ hành lễ, các “Cô” trong Ban Chấp Hành Hội “Ðiện Thờ Thánh Mẫu” đã làm lễ Mộc Dục, tắm rửa và thay áo quần cho Mẫu khi Tượng của Mẫu được chuyển đến nơi điện thờ mới. Lễ Mộc Dục được cử hành kín trong nội điện.
Ðúng 10 giờ sáng, điện thờ được mở rộng cửa cho thiện nam tín nữ vào chiêm bái và dâng lễ cầu xin.
Trên một tầng cáp cao chính giữa điện thờ, tượng Thánh Mẫu trong thế ngồi đã được tô lại và phủ những xiêm y rực rỡ. Không màn che trướng rủ thâm u như những điện thờ ở trong nước nên hình tượng Thánh Mẫu hiện ra rực rỡ trước mọi con mắt của thiện nam tín nữ gây cho mọi người một tình cảm gần gũi thân thương. Nhiều thiện nam tín nữ đã sụp xuống dâng những lời cầu xin khẩn thiết. Trong khói hương ngạt ngào và tiếng chiêng trồng hòa nhịp, người cầu xin bỗng có cảm giác Thánh Mẫu đang nghe đến những lời cầu xin của mình.
Trong dịp này, quản thủ Ðiện Thờ (cô xin giấu tên và yêu cầu không chụp hình cô) nói với thiện nam tín nữ: “Ba mươi năm nay, điện thờ Mẫu ở hải ngoại cứ phải thay đổi qua nhiều nơi. Nay thì đã tạm yên nơi này, tuy nhỏ bé nhưng là giang sơn yên tĩnh cho chúng ta cầu tự. Với lòng tin của chúng ta, Thánh Mẫu sẽ độ cho chúng ta cầu Tài, cầu Lộc, cần An cũng như Mẫu đã độ cho chúng ta khi ở trong nước mỗi năm vào dịp lễ Vía này”.
Tiếp đó cô quản thủ điện thờ giới thiệu các vị trong ban chấp hành của Hội Ðiện Thờ Thánh Mẫu gồm có ông hội trưởng là David Trần. Theo lời giới thiệu thì ông hội trưởng cũng là thợ sửa chữa, tu bổ cho đền, quét dọn và làm linh tinh mọi thứ do từ tinh thần muốn được phục vụ Thánh Mẫu. Kế đến là cô Tâm Hỷ, phụ tá đặc biệt của quản thủ điện thờ. Hai phó hội trưởng là Diệu Tâm và Diệu Hoa và một vị cố vấn là ông Chân Lạc. Cũng theo lời giới thiệu thì ông cố vấn là người sẽ thường trực ở nơi điện thờ này để tiếp xúc với bà con thiện nam tín nữ khắp nơi đến viếng.
Cô quản thủ điện thờ nhấn mạnh: “Chúng tôi trong ban chấp hành hội xin minh xác thật rõ là chúng tôi không lợi dụng tín ngưỡng để làm thương mại trục lợi. Dù điện thờ đang cần phải sửa sang rất nhiều và xây cất một chánh điện ở phía sau để thờ Phật, nhưng chúng tôi đã quyết định không tổ chức gây quĩ hay quyên góp gì. Cứ để cho duyên lành rồi sẽ tới, chúng ta cũng sẽ xây dựng được đền thờ Thánh Mẫu thật khang trang xứng với ơn đức mà Mẫu đã ban cho chúng ta từ biết bao đời nay”.
Ðiện thờ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc nay tọa lạc tại số 4229 W. đường Lilac trong thành phố Santa Ana. Ðó là một căn nhà nhỏ trên một khu đất không lớn lắm. Căn nhà có tuổi ít ra là cũng trên 50 năm nên nhìn phía ngoài thấy như một căn nhà hoang phế. Nhưng bên trong, nơi điện thờ phía trước và nơi thờ Phật phía sau đều đã sửa lại gọn sạch và đã an vị được Tượng của Thánh Mẫu lớn hơn người thật và các Tượng Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm cùng là Tượng Quan Thánh Ðế. Theo ông Hội Trưởng David Trần thì “Còn nhiều việc lắm. Chúng tôi mới mua lại được căn nhà này và cũng đã giao thiệp với hàng xóm chung quanh thì thấy rất thuận lợi cho việc thờ tự Mẫu. Bây giờ thì khả năng chúng tôi có đến đâu thì sửa chữa đến đó, không có chủ trương quyên góp hay gây quĩ gì cả. Chúng tôi tin rằng Mẫu sẽ độ cho để chúng tôi hoàn thành được công việc xây cất điện thờ cho khang trang”.
Gặp gỡ với hầu hết các vị trong ban chấp hành, chúng tôi đều gặp một sự kín đáo, không có khoa trương gì ngay cả đến tên tuổi thật của mình, nhưng ai nấy đều thể hiện một lòng tin tuyệt đối vào sự mầu nhiệm của Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc.
Như chúng ta đã biết, lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc là vào các ngày 24 và 25 Tháng Ba Âm lịch. Vào mùa lễ hội này thì nam thanh nữ tú, tín hữu thập phương đổ đến Núi Sam để cầu Mẫu đông nghẹt tới cả triệu người vào những năm trước 1975 và ngay cả thời nay dưới chế độ cộng sản nữa. Trong số người đến cầu Thánh Mẫu có rất nhiều các nam nữ thương gia lớn nhỏ. Có những lễ xin “vay vốn làm ăn” và phong tục này đã trở thành một lễ chính thức vào dịp này bởi sự mầu nhiệm là những ai vay vốn làm ăn, cầu xin Thánh Mẫu thì đều trở nên khấm khá cả. Không ai bảo ai, khi khấm khá rồi thì lập tức trở lại Ðền Mẫu làm lễ Tạ Ơn và Hoàn Vốn. Niềm tin ấy đã lan truyền rộng rãi trong dân chúng từ nhiều đời nay. Chưa thấy ai kể đến chuyện vay vốn Bà mà làm ăn vẫn thất bại, hay có mà không dám nói tới vì còn hy vọng tiếp tục vay vốn nữa cho đến khi nào làm ăn khấm khá mới thôi.
Theo một tài liệu của Hội “Ðiện Thờ Thánh Mẫu Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc” thì Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc cả là một huyền thoại. Tục truyền rằng trên đỉnh núi Sam trong dãy Thất Sơn có một tảng đá lạ mà những tay thợ chuyên môn cho biết không phải là thứ đá thường có trong dãy núi Thất Sơn này nên các dân tộc xưa ở phần đất này đã tạc thành một pho tượng. Quân Chiêm biết có pho tượng đá quí đã cho quân tới lấy nhưng với sức trai hàng năm bảy chục người cũng không di dời tượng đi được. Chỉ khi đến đời ông Thoại Ngọc Hầu khi hoàn tất những dòng kinh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu mới cho cất một miếu thờ những oan hồn đã bị chết trong việc đào kinh và dân chúng xin rước Tượng trên núi Sam xuống để thờ cúng. Theo một cô gái đồng trinh năm mơ cho biết thì muốn dời tượng từ trên núi cao xuống phải cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng mới được. Quả như rằng khi 9 cô gái đồng trinh được trong làng cử lên rước Kiệu Bà xuống thì các cô đã làm được suôn sẻ. Nhưng chỉ đến chân núi thì Tượng bỗng trở nên nặng không thể nào di dời được nữa nên dân làng đã đặt tượng ở chân núi và xây điện thờ.
Theo các thiện nam tín nữ từ khắp nơi thì Chúa Xứ Thánh Mẫu núi Sam Châu Ðốc thường độ cho việc làm ăn lương thiện, xin sâm, thỉnh lộc, hộ mạng, cầu đoàn tụ, chữa bệnh. Phần lớn những điều cầu xin thường được toại nguyện cả.
Người dân Việt trên mọi miền đất nước đều có những nơi thờ tự các thần linh được tôn xưng là Thánh Mẫu đã độ trì cho dân chúng trong vùng được an cư lạc nghiệp. Ở Bắc, trên các vùng thượng du, người dân có Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Sóc Sơn... Trong Nam thì có Bà Thiên Hậu, Bà Ðen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc... Phần nhiều những hình thức cúng bái này được diễn ra trong những buổi “Lên Ðồng” mà nhiều hiện tượng xảy ra mà khoa học chưa giải thích được.