Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bảy Nam
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, July 26, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Nữ Nghệ Sĩ Tiền Phong Bảy Nam

Bảy Nam sinh năm 1913 tại Điều Hòa - Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Hoạt động nghệ thuật của bà rất đa dạng:

- Quản lý: Năm 19 tuổi bắt đầu thành lập đoàn cải lương Nam Hưng, sau đó là các đoàn như Phước Cương, Tam Phụng, Nam Lân, Năm Phỉ - Kim Cương.

- Sáng tác: NSND Bảy Nam là tác giả của gần 20 vở cải lương: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Lê Lợi khởi nghĩa, Mặt trận Cầu Bông, Mắng Việt gian, Án mạng của tôi, Phấn hậu cung, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân phục hận, Tiêu Anh Phụng loạn trào...

- Diễn viên sân khấu cải lương: Các vai Đào Tam Xuân, Lý Nhu (vở Phụng Nghi Đình), Triệu Tử (Triệu Tử đoạt ấu chúa), Triệu Tuất (Dự Nhượng đả long bào, đóng với NS Ba Vân), Tiêu Anh Phụng (Tiêu Anh Phụng loạn trào), Ngọc Dung (Phấn hậu cung)...

- Diễn viên kịch nói: Vai người mẹ trong các vở Lá sầu riêng, Sắc hoa màu nhớ, Về nguồn, Người tình trễ xe, Nhân danh công lý, Bông hồng cài áo, Hồi sinh.

- Diễn viên điện ảnh: Tham gia các phim Mort en Fraude (đạo diễn Marcel Camus), Biển động, Hoa lục bình, Lá sầu riêng, Nước mắt học trò, Giông tố cuộc đời, Ngọn cỏ gió đùa, Đêm trắng, Con sói trở về, Bóng đêm cuộc tình...

Năm 1993, tác phẩm Trôi theo dòng đời của bà được Hội Nghệ sĩ sân khấu tặng Giải thưởng tác phẩm sân khấu, cùng năm này bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Năm 1997, bà được Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Bà qua đời lúc 12h55 ngày 18/8/2004 tại tư gia (số 9 đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Linh cữu quàn tại tư gia. Lễ viếng bắt đầu từ 9h ngày 19/8, lễ truy điệu bắt đầu lúc 6h ngày 21/8, động quan lúc 8h cùng ngày và an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.



Phượng Các
#2 Posted : Monday, August 22, 2005 11:39:15 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sân khấu cuối cùng của Má Bảy
00:57:13, 29/08/2004


NSND Bảy Nam, năm 85 tuổi (1997)
Vở diễn bên giường bệnh
Trong lần gặp Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bảy Nam đến thăm cô Bảy Phùng Há tại Bệnh viện Nguyễn Trãi vào năm 1997 vì chứng bệnh cũ tái phát được xem là nguy kịch nhất, tôi ghi nhận được những tấm ảnh hết sức cảm động.


Trên giường bệnh, cô Bảy Phùng Há ngồi "trăng trối" với cô Bảy Nam: "Chắc lần nhập viện này là lần cuối cùng, nếu tôi không qua khỏi thì bao nhiêu công việc của tôi đang còn dở dang (lo hoàn tất ngôi nhà dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, chức vụ Hội trưởng chùa nghĩa trang Nghệ Sĩ) nhờ cô làm giúp cho". Rồi cô Bảy Phùng Há xoay qua tôi nói tiếp: "Công Minh viết về giới nghệ sĩ lâu năm, Công Minh phải làm chứng cho lời "gửi gắm" của tôi vừa nói với cô Bảy Nam nha! Trong giới nghệ sĩ cao niên còn sống đến ngày nay, còn có hai đứa tôi đều mang thứ Bảy mà các nghệ sĩ thế hệ em cháu thường gọi là Má Bảy (Bảy Phùng Há và Bảy Nam). Tụi tôi là "cặp bài trùng" giả trai nổi danh nhất trong vở Phụng Nghi Đình từ hơn nửa thế kỷ qua. Tôi nổi danh bao nhiêu với vai võ tướng Lữ Bố thì Bảy Nam cũng nổi danh bấy nhiêu với vai văn tài Lý Nhu. Có lẽ lần gặp mặt này là lần chót của Lý Nhu với Lữ Bố, nhưng không phải gặp ngoài sân khấu mà là trên giường bệnh".

Nói đến đây, bỗng cô Bảy Phùng Há tụt nhanh xuống khỏi giường và nói: "Công Minh có mang theo máy ảnh, Công Minh chụp cho hai đứa tôi diễn lần chót một lớp diễn Lý Nhu gặp Lữ Bố tại đây không cần áo mão để lại cho Công Minh ghi nhớ và làm kỷ niệm".

Cả tôi và cô Bảy Nam đang trong trạng thái bàng hoàng sau lời đề nghị của cô Bảy Phùng Há, vì diễn như thế nào được khi tình trạng sức khỏe của cô ngồi nói chuyện luôn lấy hơi lên thở hổn hển, bác sĩ phải giới hạn cho khách vào viếng thăm. Sợ nhiều nguy hiểm sẽ xảy ra, cô Bảy Nam bước nhanh lại đưa tay ngăn cản và lắc đầu lia lịa.

Chẳng những không bị té ngã khi bất thần tụt nhanh xuống khỏi giường (thường thì có người nhà dìu) mà cô Bảy Phùng Há vừa vung tay múa theo điệu bộ "hát" của vai "Lữ Bố", vừa đưa tay ra hiệu bắt "Lý Nhu" phải đáp ứng. Thấy không yên tâm, qua vài giây miễn cưỡng phụ họa, cô Bảy Nam tiến đến đưa hai tay nắm chặt tay cô Bảy Phùng Há để giữ cho cô khỏi té....

Tôi có mặt vừa làm một nhân chứng bằng lời, và một "nhân chứng" bằng hình ảnh ghi lại "hoạt cảnh" có một không hai. Những hình ảnh này tôi xem là một nén hương thơm quý hiếm, xin dâng tặng cho hương hồn cô NSND Bảy Nam và bạn đọc.

Nơi an nghỉ cho người đã khuất


Lý Nhu (Bảy Nam, trái) gặp Lữ Bố (Phùng Há) tại Bệnh viện Nguyễn Trãi - 1997

Tin NSND Bảy Nam từ trần được gia đình đăng cáo phó, được hầu hết báo đài đưa tin, khán giả khắp nơi ái mộ tài năng của bà thương tiếc. Cáo phó đăng tin di hài cô Bảy Nam sẽ được an táng tại nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức chớ không ở nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ tại Hạnh Thông Tây - Gò Vấp như các bậc nghệ sĩ cao niên tiền bối: Năm Châu, Ba Vân, Năm Nở, Út Trà Ôn, Hoàng Giang... có khiến cho bạn đọc khán giả - nhất là giới nghệ sĩ có đôi chút thắc mắc. Có dư luận cho rằng "Nghĩa trang Nghệ Sĩ không còn chỗ tốt để chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng tương xứng với tên tuổi tiền bối của NSND Bảy Nam".

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi được ông Bầu Xuân, Phó hội trưởng thường trực Hội đồng Quản trị nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ (Hội trưởng là NSND Phùng Há), người trực tiếp điều hành và giải quyết mọi chuyện liên quan đến nghĩa trang và chùa Nghệ Sĩ cho biết: Cô Kim Cương chọn nghĩa trang thành phố để làm nơi an nghỉ cuối cùng cho mẹ, không phải là chuyện "gặp khó khăn" với các thành viên quản lý nghĩa trang hay Hội Sân khấu thành phố (là cơ quan quản lý nghĩa trang Nghệ Sĩ), mà là do gia đình cô Bảy Nam đã chọn 7, 8 tháng trước đây khi cô Bảy Nam còn khỏe mạnh. Ông Bầu Xuân còn giải thích thêm: "Theo tôi, có lẽ do cô Bảy Nam và Kim Cương thấy quỹ đất làm nghĩa trang Nghệ Sĩ còn quá ít ỏi nên muốn nhường lại cho những gia đình nghệ sĩ không có điều kiện tìm đất riêng để chôn cất thân nhân bền lâu mà không đưa cô Bảy Nam vào chôn cất ở nghĩa trang Nghệ Sĩ chứ không do buồn, vui hay có mâu thuẫn nào dẫn đến "sự kiện" kể trên". Những lời giải đáp của ông Bầu Xuân như trên đã được sự xác nhận của anh Sơn - cán bộ phụ trách quản lý nghĩa trang khi chúng tôi điện thoại xác minh vào sáng ngày 22/8/2004 qua số ĐT 8.960393: "Việc gia đình nghệ sĩ Bảy Nam xin đất tại nghĩa trang thành phố để lo hậu sự đã được các vị lãnh đạo cao nhất của nghĩa trang ở thành phố duyệt đưa xuống, tôi nhớ vào khoảng cuối năm 2003 hay đầu năm 2004, chứ không phải mới xin sau ngày nghệ sĩ Bảy Nam từ trần". Thiết nghĩ Má Bảy Nam an nghỉ ở nghĩa trang TP Hồ Chí Minh hay nghĩa trang Nghệ Sĩ đều xứng đáng với những gì má đã cống hiến.

Huỳnh Công Minh




Vẹn câu hiếu đạo trong đêm tưởng niệm NSND Bảy Nam

Chương trình "Tưởng niệm NSND Bảy Nam - một năm ngày mất" diễn ra tại nhà hát TP HCM đêm qua, do con gái bà, NSƯT Kim Cương, tổ chức, được đánh giá không chỉ vẹn hiếu đạo của người con gái dành cho mẹ, mà còn là tấm lòng của người hâm mộ dành cho một tài hoa nghệ thuật.

Ca sĩ Quang Dũng mở đầu chương trình với bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Hương Lan tiếp nối với bài Lòng mẹ của Y Vân, và Ánh Tuyết khép lại chương trình bằng Đường xa vạn dặm của Trịnh Công Sơn. Mỗi người một nỗi lòng, dâng nén hương tưởng niệm NSND Bảy Nam.

Quang Dũng thổ lộ: "Phải kìm nén lắm tôi mới không bật khóc trên sân khấu". Nhiều khán giả đã không cầm được nước mắt khi bài hát Ngày xưa còn mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh được trình bày bởi một giọng ca mà lúc sinh thời nghệ sĩ Bảy Nam rất quý mến, ca sĩ Vinh Hiển. Lời ca đẹp, giọng ca trầm ấm đi sâu vào lòng người: "Mẹ là bắt đầu cho tình yêu, cho sự sống, cho hạnh phúc. Mẹ là duy nhất, là bầu trời, là mặt đất, là vầng trăng. Mẹ là ánh đèn thắp bằng ngọn lửa trái tim. Mẹ là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ... Chỉ có một lần mẹ ngăn không cho con khóc là khi mẹ không thể lau nước mắt cho con, là khi mẹ không còn, là khi mẹ không còn....".


Khi trích đoạn vở kịch Lá sầu riêng, một trong những vở kinh điển gắn liền với tên tuổi NSND Bảy Nam, được chiếu lại trên màn hình, dù đã xem đến hàng chục lần, có khán giả vẫn không khỏi nghẹn ngào với câu nói đã đi vào huyền thoại: "Con không nỡ xa con của con, sao con bắt mẹ phải xa con".

Giáo sư Trần Văn Khê vừa từ Pháp vội vã trở về cho kịp ngày giỗ của "cô Bảy", đã xúc động nói: "Cô Bảy đã cống hiến cho cuộc đời nhiều thành quả nghệ thuật, nhưng có lẽ tác phẩm lớn nhất chính là người con gái của cô, Kim Cương. Một nghệ sĩ tài hoa, một đứa con hiếu đạo với mẹ". Biết mẹ không còn nhiều sức nhưng vẫn rất nhớ sân khấu, Kim Cương viết kịch bản, tạo điều kiện cho mẹ trong những vai nhỏ, thời gian diễn ngắn trên sân khấu. Và chị luôn nép bên mẹ trong những vai con như trong đời thật, vì vậy mà khán giả xem NSND Bảy Nam và NSƯT Kim Cương diễn mà như không diễn.


Kim Cương nói về mẹ.

Trong đêm tưởng niệm, Kim Cương đã đọc lại và tỏ lòng tri ân với một khán giả giấu tên đã viết một bài thơ đặt lên mộ mẹ mình. "Thương vạt nắng chiều tàn đã tắt/ Tiếc một tài hoa dạ ngậm ngùi/ Nghệ danh sáng mãi, như lòng mẹ/ Sĩ khí huyết tâm để lại đời/ Nhân nghĩa, ân tình như biển lớn/ Dân, sĩ nơi nơi cảm tạ người/ Bảy cung, chín bậc đèn sân khấu/ Nam ai khép lại một cuộc đời". Chị thú nhận rằng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, may mắn lớn nhất mà ít nghệ sĩ nào có được chính là có một người bạn diễn ăn ý như má Bảy Nam. Người hiểu chị đến từng hơi thở, chỉ cần nhìn nhau trên sân khấu là đã biết đang nghĩ gì. Nói về mẹ, từ đầu đến cuối chương trình, Kim Cương đã không giấu những cảm xúc của mình trước khán giả, nói đến đâu chị cứ để cho nước mắt tuôn ra đến đó.


Bức thư của một khán giả ái mộ NSND Bảy Nam.

90 tuổi với 75 năm NSND Bảy Nam cống hiến cho nghệ thuật, 15 tuổi đi diễn, 19 tuổi đã làm "bà bầu" và bắt đầu viết kịch bản. Đến lúc thác đi bà đã để lại cho đời 20 vở cải lương và hàng trăm vai diễn đậm nét. Tưởng nhớ một tài hoa nghệ thuật, rất đông khán giả đã tới dự chương trình hôm qua. Dù không có vé, hàng trăm người vẫn đứng trước Nhà hát TP HCM, mong được tận mắt chứng kiến đêm diễn tưởng niệm bà.

Đỗ Duy
16/8/05

http://www.vnexpress.net...an-hoa/2005/08/3B9E126D/
Phượng Các
#3 Posted : Sunday, August 14, 2011 1:59:42 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
"Thương vạt nắng chiều tàn đã tắt
Tiếc một tài hoa dạ ngậm ngùi
Nghệ danh sáng mãi trong lòng mẹ
Sỹ khí huyết tâm để lại đời
Nhân nghĩa ân tình như biển lớn
Dân sỹ nơi nơi cảm tạ người
Bảy cung chốn bậc đèn sân khấu
Nam ai khép lại một cuộc đời”

(Khuyết danh)


Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.