Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bạch Tuyết
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Saturday, July 16, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Bạch Tuyết: 'Nghệ thuật nối dài tình yêu gia đình tôi'

"Tôi ăn cơm chay tính đến nay đã hơn 20 năm. Làm từ thiện là tôi muốn nhắc mình sinh ra từ đâu, chứ không phải là làm phúc". Đó là lời bộc bạch của NSƯT Bạch Tuyết - cây gạo cội trong làng cải lương, cũng là người có học vị cao nhất trong đội ngũ diễn viên cải lương từ trước đến nay.

Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp TP HCM, Bạch Tuyết tiếp tục học tại Viện Hàn lâm Bulgaria, Viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Để thành danh như hôm nay, NSƯT Bạch Tuyết đã trải qua những ngày tháng đầy tủi cực. Mẹ mất lúc mới lên 10 tuổi, chị được gửi vào trường dòng học nội trú. Tuổi thơ ngây, Bạch Tuyết đã nghĩ đến chuyện cắt tóc đi tu, bởi không thể quên được cái chết bi thảm của người mẹ trong một tai nạn giao thông đang tiếc.



Bạch Tuyết (đeo kính) tại Trúc Lâm Thiền viện Đà Lạt.

Cuộc đời Bạch Tuyết bỗng rẽ sang một hướng khác kể từ ngày chị may mắn gặp tài nữ Thanh Nga - “nữ hoàng” sân khấu cải lương thời đó. Trước khi trở thành một nghệ sĩ, Bạch Tuyết cũng là một khán giả hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga - người từng thành công trong vai Thái hậu Dương Vân Nga.

NSƯT Bạch Tuyết nhớ lại, một buổi chiều đi học về, cùng lũ bạn đứng thập thò xem Thanh Nga tập tuồng và rủ nhau… xin hình. Thanh Nga tặng hình, ký tên và không hiểu vì lý do gì, nghệ sĩ bất ngờ… nựng má Bạch Tuyết hỏi: "Em có biết ca hát gì hôn?". Bạch Tuyết đáp: "Em cũng có ca… tân nhạc".

Thanh Nga lại hỏi tiếp: "Em đi hát đi. Khuôn mặt em mà đi hát là nổi tiếng lắm đó". Không ngờ, 2 năm sau, Bạch Tuyết đặt chân vào nghệ thuật để rồi tiếp đến 2 năm nữa, chị đoạt giải Triển vọng Thanh Tâm - một giải thưởng uy tín của giới sân khấu cải lương miền Nam trước 1975. Người bạn diễn và cũng là người gắn huy chương vàng giải Thanh Tâm cho chị năm đó chính là thần tượng của chị - nghệ sĩ cải lương Thanh Nga.

Nay, NSƯT Bạch Tuyết đã ngộ đạo Thiền và được sư phụ đặt pháp danh là Diệu Lộc. Giữ nếp ngồi thiền mỗi ngày cùng với ăn chay trường, vậy mà trông chị thật trẻ so với cái tuổi sinh năm 1945.

Đến với Thiền từ năm 1979, chị xem đó là một cách chống lại stress của đời sống công nghiệp. "Thiền giúp tôi sống khỏe mạnh về thể chất, bình yên về tâm hồn. Cũng đã hơn 20 năm tôi chỉ ăn rau, không ăn thịt cá... Thoạt đầu, nhiều người lo ngại cho tôi không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến thanh sắc. Tôi cũng có cảm giác lo lắng. Nhưng rồi tự thấy những chuyến lưu diễn xa đều không biết mệt. Ngày trước đóng những vai diễn bi thương, tôi tập trung tư tưởng một cách mệt nhọc, khi diễn xong thân thể rã rời. Còn giờ đây, ở những trường đoạn bi thương, tôi nhận ra cảm xúc đến hồn nhiên, giọt nước mắt cứ trào ra nhẹ nhàng, thanh thoát…".

Tâm sự của chị cũng là câu trả lời cho nhiều khán giả yêu mến. Chính vì thế mà NSƯT Bạch Tuyết cho đến giờ vẫn giữ được sức khỏe, chất giọng tốt để đảm nhận một mình hai vai trong Hoàng hậu của hai vua, kéo dài 1 tiếng 10 phút.

Bạch Tuyết vào Nam ra Bắc như con thoi. Đi tới đâu chị cũng được thết đãi cơm chay. Ra Bắc, ghé quán Ngọc Thụ, một trong những tác giả có nhiều vở diễn ở sân khấu phía Nam, vợ chồng ông khéo léo làm một đĩa phở chay xào ngon lành cho "Phật tử di động", chữ của đạo diễn Lê Chức dành cho NSƯT Bạch Tuyết.

Ghé nhà NSND Phạm Thị Thành, họ cùng cuốc bộ ra chùa Quán Sứ lễ phật và ăn chay… Có thời chị còn tự làm món “chay” hết sức độc đáo cho mình. Ở ban công nhà chị, có những đám lúa xanh rì, nhỏ xíu mọc lên. Chị áp dụng một công nghệ của Mỹ, trồng cây lúa chỉ với nước và không khí. Lúa này đem xay như sinh tố, uống vào theo chị sẽ giữ được sự trẻ trung của cơ thể.

"Tôi Thiền tại gia, không có cầu mong điều gì cao xa mà chỉ muốn có sức khỏe và làm được nhiều việc có ích cho đời…", chị nói. NSND Phùng Há cũng rất hãnh diện về Bạch Tuyết. Má Bảy tự hào: "Tôi đã chọn Bạch Tuyết là người tiếp nối sự nghiệp sân khấu cải lương và nối tiếp tôi trong công việc từ thiện".

Bạch Tuyết thổ lộ: "Lặn lội vào vùng sình lầy để đến với người nghèo là tôi tự nhắc mình đừng quên mình từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu, chứ không phải đi làm phúc... 18 tuổi, có tiền trong tay, tôi đã nghĩ đến những đứa trẻ hẩm hiu", cô Ba Bạch Tuyết nói vậy.

Nhìn những em bé chân trần đen đủi chạy dọc hai bên bờ kênh, cố đuổi theo chiếc xuồng có chở NSƯT Bạch Tuyết trong chuyến về Tân Châu - An Giang cứu trợ, chị hồn nhiên cười bảo: "Mình cũng đã lớn lên từ một tuổi thơ như thế ...".

Với gia đình, sau những năm tháng chung sống bên người chồng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng Phạm Huỳnh Tam Lang (Huấn luyện viên đội bóng Cảng Sài Gòn sau này), đôi trai tài gái sắc này chia tay. Họ gặp nhau vào năm 1967, khi đội tuyển bóng đá trước ngày đi tranh giải Merdeka ở Malaysia đến xem đêm hát của đoàn bầu Xuân. Bạch Tuyết được cử thay mặt đoàn hát lên choàng hoa cho thủ quân Tam Lang chúc lành cho đội bóng. Khi đội bóng chiến thắng trở về, họ gặp lại nhau… Và họ cũng đã có những ngày hạnh phúc.

"Cho đến nay đã trải qua 32 năm, tôi cảm nhận rằng cuộc chia tay đó đã giúp chúng tôi có thời gian dành trọn cho nghề nghiệp. Tôi may mắn gặp được người chồng sau như ý nguyện và anh Tam Lang cũng vậy". NSƯT Bạch Tuyết gặp người bạn đời mới trong giới kinh doanh, tâm đầu ý hợp. Má Bảy Phùng Há vẫn khen dài: “Cậu Ba Đức chẳng những không hề gây trở ngại cho vợ là một đào hát thanh sắc vẹn toàn, đã và đang được nhiều người ái mộ, mà đã hỗ trợ, chắp thêm cánh cho Bạch Tuyết phát triển trên con đường nghệ thuật. Đó là thái độ quý hiếm của một người chồng lấy vợ đào hát".

Với người chồng Ba Đức, họ có chung cậu con trai - Valery Bảo Giang. "Val ra nước ngoài sống từ năm lên 12 tuổi. 17 năm xa quê rồi nhưng trong từng câu nói với cha mẹ, bao giờ đầu câu cũng là tiếng "dạ thưa" quen thuộc. Tôi yêu con và tự hào về con trai mình. Trong chuyến sang Mỹ thăm con trai, món quà duy nhất tôi mang theo cho con là chiếc đàn bầu. Ngày đám cưới, Val gẩy đàn bầu cho tôi ca bài vọng cổ Lòng mẹ. Nghệ thuật kỳ diệu và thiêng liêng vô cùng, đã nối dài thêm tình yêu mẹ con và gia đình tôi".

(Theo Tiền Phong)
(trích từ: VNXPress)
www.gachnoi.com
Phượng Các
#2 Posted : Thursday, July 21, 2005 10:32:27 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Trang nhà của Bạch Tuyết:

http://www.nsbachtuyet.com/

Phượng Các
#3 Posted : Tuesday, February 28, 2006 4:10:01 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
BẠCH TUYẾT

TIỂU MINH TINH

Với danh hiệu “cải lương chi bảo” mà soạn giả Hoa Phượng và giới ký giả kịch trường của Sàigòn trước 1975 đã dành cho một tài năng trẻ chỉ ngoài hai mươi mốt tuổi, quả là một hiện tượng có một không hai. Ký giả Phong Vân, tay viết kỳ cựu của nhiều tờ báo uy tín lúc bấy giờ như Đuốc Nhà Nam, Lẽ Sống, Tia Sáng đã không hết lời ca ngợi Bạch Tuyết đại ý như sau: “Bạch Tuyết, một khuôn mặt trẻ đang chói sáng trên sân khấu Dạ Lý Hương hiện nay sẽ còn đi xa nữa trong nghề, vì Bạch Tuyết không những chỉ thông minh, giỏi, ham học mà còn là một cô đào trí thức”. Lời tiên tri của ký giả Phong Vân trên những trang báo cũ của Sàigòn những năm 1966, 1967 đến nay đã gần 40 năm vẫn còn được một số người lưu giữ.
Bạch Tuyết đóng đô ở đoàn Dạ Lý Hương từ năm 1964 liên tục cho đến năm 1968 mà không hề chuyển đổi sang một đại ban nào khác cho dù cô có nhiều lời mời trọng vọng và quyền lợi gấp đôi. Trả lời cho vấn đề này, Bạch Tuyết cho biết: “Thứ nhất là ở sân khấu Dạ Lý Hương tuy ít tiền không bằng những bầu gánh hát muốn kêu mình về nhưng ở đoàn này Bạch Tuyết thấy họ chăm sóc cho mình kỹ càng hơn. Họ chịu khó đầu tư về tác giả, đầu tư về sân khấu, về tổ chức nghệ thuật...”, và đó chính là lý do tại sao Bạch Tuyết – Hùng Cường đóng đô ở Dạ Lý Hương một thời gian khá dài như thế.
Khoảng năm 1969-1970, rất nhiều đào kép nổi tiếng về với Dạ Lý Hương, đoàn này chia làm hai gánh. Dạ Lý Hương 1 với Hùng Cường, Phượng Liên đóng trụ ở Sàigòn, còn Dạ Lý Hương 2 với Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Uùt Hiền đi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung và miền Tây. Sau năm 1968, tình hình chiến tranh lan rộng, những buổi hát đêm diễn đêm không, tuồng tích không mới, đời sống nghệ sĩ và nhân viên trong đoàn bấp bênh từng ngày vì bầu gánh không còn ký giao kèo dài hạn nữa, vì thế phần nghệ thuật bắt đầu đi xuống dần dần. Một đêm, Bạch Tuyết và Hùng Cường hát xong một vở tuồng, cả hai cảm thấy quá chán chường, vì thấy tình hình sân khấu và nghệ thuật càng lúc càng không chất lượng. Tuồng tích lúc này viết ra hình như chỉ để cầm hơi, đối phó với một giai đoạn đang bị khủng hoảng thì đúng hơn. Cả hai đồng ý có thể sẽ ngừng hát một thời gian coi tình hình có tiến triển gì không, đúng lúc đó, Bạch Tuyết và Hùng Cường có mấy người bạn thân làm doanh nghiệp chịu bỏ tiền đầu tư về nghệ thuật, và nhờ đó đoàn Hùng Cường – Bạch Tuyết đã ra đời vào năm 1971 với những vở tuồng như Trăng Thề Vườn Thúy, Má Hồng Phận Bạc... Tuy khách đông, nhưng vì phần quản lý và tổ chức không khoa học, nên sau một thời gian, cả hai ngôi sao lớn của sân khấu cải lương miền Nam phải chia tay nhau vĩnh viễn. Bạch Tuyết, năm 1972 sau khi dẹp gánh, cô bỏ nghề hát và theo học ngành Luật.
Riêng về chuyện tình yêu, ai cũng biết chuyện tình giữa Bạch Tuyết và Tam Lang quả là một mối tình đẹp đầy huyền thoại. Năm 1966, Bạch Tuyết được tặng danh hiệu ngôi vị “cải lương chi bảo”. Cũng vào năm này, Tam Lang cùng đội tuyển bóng tròn quốc gia dự thi Giải Túc Cầu Đông Nam Á tại Mã Lai Á và đoạt ngôi vị vô địch đem về nước Huy Chương Vàng. Cả hai gặp nhau lần đầu và tiếng sét ái tình đã nổ trong tim hai người. Đôi trai tài gái sắc kết hôn với nhau năm 1967, nhưng chỉ được ba năm, cuộc tình đã phải “anh đường anh, tôi đường tôi”. Bạch Tuyết tâm sự: “Hai đứa thương nhau, mà như tuồng cải lương vậy đó. Thương nhau mà không có con được nên đành phải xa nhau vì anh Tam Lang là người cực kỳ tốt và có hiếu với gia đình. Bạch Tuyết ở với Tam Lang được ba năm. Sau anh Tam Lang lập gia đình và có một con gái. Hai đứa thương nhau lắm nhưng xa nhau chỉ vì hoàn cảnh thôi. Tụi này vẫn thân quý nhau”.
Sau 6 năm rời xa sân khấu, sau ngày nghệ sĩ Thanh Nga qua đời, Bạch Tuyết đã trở lại sân khấu qua những vai diễn đầy ấn tượng trong Đời Cô Lựu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Đoạn Tuyệt… Sau khi Thanh Nga mất, Bạch Tuyết có dịp đi thăm đền thờ Dương Vân Nga, đi thăm đền thờ Lý, Trần, vào thư viện và bảo tàng đọc được lịch sử cổ của Việt Nam, Bạch Tuyết cho biết: “BT cảm thấy nghệ thuật cải lương như có một cội nguồn linh thiêng đâu đó mà mình chưa hiểu. Bạch Tuyết mới nghĩ như vậy mình phải đi học trở lại để có thể sắp xếp trình tự những diễn tiến của từng loại hình sân khấu dân tộc từ thời dựng nước tới nay để có thể hiểu được sợi dây nối giữa mình và cải lương. Do đó Bạch Tuyết mới xin đi học trở lại”.
Khi viết lên những giòng này, người viết cũng vừa được thưởng thức một đêm trình diễn vô cùng cảm động của nghệ sĩ Bạch Tuyết tại miền Nam Cali trong đêm hát Chủ Nhật ngày 11 tháng 12 năm 2005 để giúp đồng nghiệp – nghệ sĩ Minh Phụng – vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Dù đang bận rất nhiều công chuyện ở quê nhà, Bạch Tuyết cũng gác bỏ mọi thứ, bay gấp sang Hoa Kỳ để hát cho kịp ngày trình diễn như đã quảng cáo rầm rộ khắp nơi. Xuất hát đầy kín trên dưới 700 người không còn cả lối đi. Chưa tới giờ trình diễn, nhà hàng Seafood Kingdom đã đầy kín người vào. Những tiết mục của các nghệ sĩ Tài Linh, Châu Thanh, Cẩm Tiên, Tuấn Châu vô cùng lôi cuốn, và riêng với phần xuất hiện của ngôi sao Bạch Tuyết quả như một cuốn phim trắng đen thời cũ đang được quay ngược thời gian trở về. Qua những trích đoạn Đời Cô Lựu, Tuyệt Tình Ca, Thái Hậu Dương Vân Nga… tài năng diễn xuất của Bạch Tuyết một lần nữa chứng tỏ ngôi vị độc tôn của nàng. Nước mắt khán giả lại ứa ra khi nhìn thấy Minh Phụng và Bạch Tuyết diễn chung với nhau một phần trích đoạn ngắn trong Mùa Thu Lá Bay thật đẹp trên sân khấu của tình yêu và cao quý vô ngần trong đời thường của tình đồng nghiệp.
Chấm dứt bài này, ngừơi viết ghi lại một lời nói đã từng nghe: “Hành trang của mỗi đời người rất nặng, nặng đến nỗi mỗi người không mang nổi. Chỉ có tôi giúp anh, anh giúp người khác và người khác lại giúp người khác nữa… Có như thế chúng ta mới có đủ sức đi qua cuộc đời”. Vâng, chỉ có cái đẹp như thế mới cứu rỗi nhân loại và làm cho cuộc đời đáng yêu hơn.ª

vietweekly
Phượng Các
#4 Posted : Tuesday, April 18, 2006 2:04:30 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
BẠCH TUYẾT
NGƯỜI GHI CHÉP


Nghệ sĩ Bạch Tuyết tại
phố cổ Main



NGC: Khi nói đến tên Bạch Tuyết, là người ta nghĩ ngay đến một sân khấu đẹp, trên đó nữ nghệ sĩ tên là Bạch Tuyết vừa ca, vừa diễn điêu luyện, nghệ thuật. Xin chị cho biết một chút về cuộc đời nghệ thuật của chị?
BT: Tôi đi hát rất là sớm. Cả gia đình hai bên nội ngoại không ai muốn cho tôi đi hát, vì cho rằng đi hát là “xướng ca vô loài”. Gia đình bên nội của tôi rất là khoa bảng, cho nên cả gia đình muốn tôi trở thành luật sư. Nhưng không ngờ mẹ tôi mất quá sớm, lúc đó tôi mới 8 tuổi. Đó cũng là một khúc quanh của cuộc đời tôi. Tôi được đưa vào trường nội trú, trong trường thật là thanh nhã, êm ắng, hình ảnh của các sơ đẹp quá, tôi nghĩ rằng cuộc đời mình thích nghi với nơi này, tôi xin ở nhà đi tu. Ơû nhà không cho, vì tôi còn nhỏ quá, mới khuyên tôi ráng học. Trong thời gian học ở trường, đến giờ văn, cô giáo gọi lên ngâm thơ cho cả lớp nghe, từ lúc đó tôi đã nổi tiếng. Cuối năm, trường có đóng kịch trong mùa Giáng sinh, tôi đóng vai thiên thần. Các bạn cứ nói rằng tôi mà đi hát sẽ nổi tiếng lắm. Cuộc đời tôi, bắt đầu là như vậy.
NGC: Chị theo Phật giáo hay Công giáo?
BT: Lúc nhỏ, tôi ở nội trú trường của các sơ. Tôi không có ý niệm tôn giáo gì cả. Hồi nhỏ, đọc truyện cổ tích, trong truyện có viết là người hiền không bao giờ chết, vì sẽ được bà tiên tới cứu. Nhưng mà mẹ tôi quá hiền, tại sao chết mà không ai cứu. Điều đó làm cho tôi suy nghĩ hoài, nó đeo đẳng tôi suốt cuộc đời, cho đến một lúc, tôi gặp được giáo lý của Phật giáo. Tôi đi vào Phật giáo cũng rất là hồn nhiên, chỉ muốn được yên tĩnh, muốn cho con người được tốt đẹp. Thông qua giáo lý Phật giáo, tôi đã tìm được câu trả lời cho những bế tắc của mình.
NGC: Cuộc đời và sân khấu có gì khác nhau, có gì giống nhau? Thế nào là nghề, thế nào là nghiệp?
BT: Tôi bước vào nghề này cũng rất là hồn nhiên. Vào nghề, tôi được đóng vai đào chánh liền. Có thể nói đó là số phận. Tôi được ông Ba Quyền, người có uy tín và là tác giả hàng đầu trong sân khấu cải lương, hết sức đạo đức, nâng đỡ. Oâng chuyên môn đi kiếm những tài năng mới. Khi ông nghe tôi ca trên đài phát thanh, ông mới đến xin gia đình cho tôi đi hát. Ba tôi mới nói là, nếu tôi đi hát sẽ bị ông nội từ. Tôi rất muốn đi hát chỉ vì muốn thoát ra khỏi nhà để được tự do thôi, chứ chưa nghĩ tới là cuộc sống sẽ như thế nào. Tôi xin phép ba tôi và nói là nếu thành công tôi sẽ về còn nếu thất bại tôi sẽ tự tử chết chứ không để cho gia đình mang tiếng.
NGC: Một ngày bình thường của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết, bây giờ?
BT: Từ lâu lắm rồi, song song với việc đi hát là đi học, vừa nghiên cứu về cải lương, vừa nghiên cứu về Phật giáo, vì tôi thấy nó thích hợp với mình. Đầu tiên, tôi thấy cả hai rất là khác nhau, nhưng rồi tôi thấy rằng, cải lương nó hỗ trợ cho mình nhận ra rằng đời sống rất là biến thiên. Buổi sáng tập tuồng như thế, buổi tối lên sân khấu huy hoàng như thế, nhưng chỉ có mấy tiếng đồng hồ, bỗng dưng rạp hát lại lạnh tanh. Ngồi đó nhìn xuống rạp hát, tôi cảm thấy rằng, danh vọng là thế nào, quyền lực, quyền lợi là cái gì, vừa mới đóng vai Thái hậu đây, đóng vai Kiều Nguyệt Nga đây, thoắt biến một chốc chẳng còn gì hết. Điều này so với cách lý giải về lẽ vô thường của Phật giáo quá giống đi. Nói chung, cả hai hỗ trợ cho nhau. Cũng từ Phật giáo, tôi cảm nhận ra được rằng, nghề nghiệp của mình rất là thiêng liêng. Bởi vì nó cũng như tôn giáo, tất cả những vở cải lương kinh điển đều có tác dụng về giáo dục một cách rất là hấp dẫn qua lời ca và tiếng hát thay vì qua gõ mõ tụng kinh. Nó đều có một điểm giống nhau ở chỗ là đưa con người đến sự bình yên, sự lương thiện. Điều đó, phù hợp với tâm hồn của tôi. Từ đó, cả hai đều tồn tại song song trong đời sống của tôi. Tôi mới nghĩ rằng mình cần phải đi học để bổ sung cho nghề nghiệp cải lương vì cải lương đã có 80 năm rồi.
NGC: Đi đến quê người, có người Việt Nam. Ở quê nhà cũng có người người Việt Nam. Quê nhà, quê người, chị có cảm xúc gì, có khó khăn gì?
BT: Ở quê nhà, ai cũng biết tôi, ai cũng thương tôi. Đi ra ngoài tôi còn ngậm ngùi hơn nữa là, mọi người vẫn còn nhớ tôi, vẫn còn yêu thương tôi. Khi tôi đi ra nước ngoài, tôi đi thăm con, thêm nữa là tôi muốn tìm hiểu tận tường văn hóa Mỹ, một quốc gia rất trẻ, chỉ hơn 200 năm thôi, mà sao nó lại rất là phục toàn. Cho nên, tôi đi đến tiểu bang này, tiểu bang kia, thăm viện bảo tàng, các nhà hát ở Hoa Kỳ, tôi đến thăm các nơi đó một cách hết sức trân trọng. Tôi cũng có trình diễn ở một vài nơi, tôi rất yêu quí bà con sống xa nhà, ít có nghe cải lương. Cộng đồng người Việt rất nhỏ, so với đất Mỹ, sự khao khát của bà con không hẳn chỉ là cải lương, mà còn là một điều gì đó rất là dân tộc, cho nên tôi rất trân quí sự yêu mến của bà con và tôi rất cảm động mỗi lần trình diễn trên sân khấu hải ngoại. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy mình được nhận thêm một điều gì đó rất trân trọng, rất tình cảm.
NGC: Một vài vui buồn trong đời sống của nghệ sĩ Bạch Tuyết?
BT: Trong đời nghệ sĩ của tôi, ở trong nghề có thể nói tôi là con cưng của tổ nghiệp. Mỗi lần đi hát tôi đều chuẩn bị rất chu đáo, một phần đó là tính cách của tôi, một phần phải nói là sự may mắn được tổ đãi. Đi đến đâu, tôi cũng có nơi hát rất đàng hoàng tử tế, cũng được yêu mến, không bị vất vả vì nghề. Lúc trẻ, khi mới bước chân vào nghề, tôi cảm thấy nghề này quá phiêu, mình không có một vốn liếng gì ngoài cái cần cổ, mà cần cổ rất dễ bị cảm, một sớm một chiều nếu có gì đó xảy ra, sẽ rất là nguy hiểm. Nên cần phải tìm một công việc nào khác để làm cho nó được ổn định. Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã chuẩn bị cho mình rồi. Tôi cùng với các bạn lập chung một công ty rất là ăn chắc mặc dày, tích lũy từng việc một, cho nên đến bây giờ, tôi phải cám ơn ba mẹ, cám ơn trời đất, vì sau tất cả những gì mình sắp xếp, tất cả đều rất là đàng hoàng như ý mình muốn. Tôi có quyền từ chối một vai diễn nào đó mà tôi thấy nó không có ích lợi cho bản thân hoặc cho một ý chung.
NGC: Quần áo, vóc dáng, giọng ca chị săn sóc như thế nào?
BT: Tôi rất là kỹ lưỡng lắm luôn đó. Tôi nghiên cứu trang phục hết sức kỹ lưỡng. Trước khi tôi diễn vai Kiều, vào khoảng năm 1985, mọi người ăn mặc theo lối người Trung Hoa. Nhưng tôi chọn vai diễn Kiều theo tâm tình của ông Nguyễn Du. Do đó, trang phục sân khấu của tôi được vẽ theo kiểu Việt Nam. Vở tuồng Kiều, dựng cho tôi mang đậm nét Việt Nam. Cũng như vai diễn Kiều Nguyệt Nga, tôi có nói chuyện với họa sĩ Lương Đống và soạn giả Anh Tân, vẽ cho tôi một bộ đồ mang dáng dấp của một cô gái miền Nam. Vai diễn Dương Vân Nga cũng vậy, đó là bà hoàng của mình, cho nên tôi muốn tạo cho vai diễn của mình một Thái hậu Việt Nam oai hùng. Tôi cũng không biết là mình đúng hay sai, nhưng tôi luôn tạo cho vai diễn của mình từ vóc dáng, trang phục phải thật là Việt Nam.
NGC: Một chút về con trai của chị?
BT: Con trai của tôi đã ra trường về ngành Accounting và Finance, cháu học thêm về ngành International Relations. Hiện tại cháu đã đi làm và sống tại New York. Cháu rất mê cải lương, có đem theo các tuồng Kiều Nguyệt Nga, Thái hậu Dương Vân Nga, các bài vọng cổ của mẹ viết, của các viết để nghe. Tôi không hề hay biết chuyện đó, đến khi thấy các CD, cháu mới nói cho tôi biết là ở xa nhà, nhớ nhà, nhờ những CD đó cháu mới học xong. Tôi cũng có nói với cháu là đi xa nhà, sẽ buồn và cô đơn, cũng cần học một môn nhạc nào đó để có thể tự mình tìm niềm vui. Cháu nói với tôi cho cháu học đàn bầu vì nó rất là Việt Nam. Sau này, mỗi khi sang đây, cháu đàn đàn bầu cho tôi nghe. Chỉ xin mẹ mang theo cây đàn bầu thôi.
NGC: Chị có thêm đôi lời bày tỏ với những người ái mộ?
BT: Tôi thấy ở một số quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới như Mỹ, Uùc, Canada… những người trẻ Việt Nam rất là giỏi và mau thích nghi, đồng thời lại có một lòng tự trọng rất cao, đó là một điều hết sức cao quí. Riêng đối với bà con mình, ở bất cứ nơi đâu tôi đến, tôi luôn cảm thấy tình cảm của người Việt Nam rất dạt dào.

http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw3n29/vanNghe/bachTuyet.html
Phượng Các
#5 Posted : Wednesday, March 9, 2011 4:57:31 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nguyễn Văn

Vài cảm nhận về nghệ thuật cải lương và Nghệ sĩ Bạch Tuyết






Nhạc sĩ Phạm Duy có một câu nhạc rất hay: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời / Mẹ hiền ru những câu xa vời (Tình ca). Cái “tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” với tôi chính là những làn điệu vọng cổ đã có mặt và tồn tại ở miền Nam từ hơn 100 năm qua [1]. Những làn điệu vọng cổ như lời hát ru của mẹ, đã đi vào tâm tưởng tôi một cách tự nhiên như tiếng nói, hơi thở, và trở thành hành trang tinh thần cho tôi cả 50 năm nay (và chắc chắn trong quãng đời còn lại).
Như cá sống trong nước, khi không có nước mới biết nước là cực kỳ cần thiết cho sự sống của mình, sinh ra và lớn lên với những câu hát, câu hò vọng cổ, tôi không cảm thấy trân quí những câu ca mà có người diễu cợt là “cải lương” đó. Nhưng từ khi đi định cư ở nước ngoài, một thời gian dài gần hai mươi năm tôi không có dịp nghe vọng cổ, mới thấy như mình thiếu một cái gì rất gần. Những câu hát rớt lướt thướt và ngậm ngùi như những mái chèo khuấy động dòng sông mặn mà trong đêm trăng sáng đưa lời ca tiếng nhạc chập chùng theo sóng nước đi xa tắp, mất hút sau rặng trâm bầu … tưởng như là những câu hát “tự tại”, nhưng khi vắng rồi mới thấy mình nhớ nhung da diết:
Tôi đã ra đi theo bãi gió ghềnh trăng,
hay giữa đô thành hoa mộng;
Nhưng tôi quên làm sao khúc nhạc đồng quê
với tiếng hò tha thiết lẫn tiếng hát ru con não nuộc giữa đêm … tàn.
Mấy dãy bàng thưa lẳng lặng đứng mơ màng;
ánh trăng khuya trên nền trời trong vắt,
đang êm đềm soi lạnh bến đò ngang.
Nửa khuya rồi ai đứng nhìn trăng nghe tiếng chèo khua,
có tưởng nhớ một người bụi giang hồ đã nản gót phiêu linh,
sao chưa thấy phản hồi nơi làng xưa cảnh cũ
(Khúc nhạc đồng quê, Văn Hường ca).
Hơn ba mươi năm trước tôi lên tỉnh theo học trung học và cùng ba đứa em họ ở trọ trong một căn nhà khá rộng và thoáng. Hành trang của tôi lúc đó là cái radio hiệu Philip và những cuộn băng … cải lương. Những tuồng thuộc loại cổ điển như Lục Vân Tiên, Đắc Kỷ thọ hình, Lá trầu xanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Ni cô Diệu Liên, đến những tuồng dã sử như Áo vũ cơ hàn, Đêm lạnh chùa hoang, Đợi anh mùa lá rụng, Chuyện tình An Lộc Sơn, v.v… tôi đều nằm lòng! Thuở đó tôi không để ý đến ý nghĩa của tuồng, mà chỉ thích nghe hát. Sau này mới thấy mỗi tuồng cải lương đều hàm chứa một thông điệp về đạo đức xã hội – gia đình, và nhất là tình tự dân tộc. Mỗi tuồng cải lương dù gây cấn và éo le cách mấy cũng đều được kết thúc bằng một “đoạn kết có hậu” và mở ra một tia sáng mới. Người ngay thẳng, chính trực luôn luôn chiến thắng kẻ gian tà, cho dù phải trải qua trăm đắng ngàn cay. Cho đến nay, nghe lại những tuồng cải lương bất hủ trong thập niên 1970s, tôi thấy cái thông điệp đạo đức không hề lỗi thời chút nào. Nghệ thuật cải lương còn có một sức quyến rũ cực kỳ lớn, vì nó có khả năng khai thác, khám phá những góc tối, những nơi sâu kín trong tâm hồn con người, thậm chí lột trần được những mặt trái thối tha, tha hóa của con người.
Nhiều người, nhất là giới trẻ, không thích cải lương, vì họ cho rằng loại hình nghệ thuật này mang tính bi lụy, dìm người xem và nghe trong nước mắt. Nhưng tôi nghĩ nhận xét này không chính xác. Trong thực tế, nghệ thuật cải lương rất phong phú với hàng trăm bài bản, cách hát, có khả năng thể hiện những hỷ, nộ, ái, ố của con người. Ấn tượng về bi lụy có lẽ xuất phát từ những vở tuồng nổi tiếng như Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, hay Nửa đời hương phấn, mà nội dung là những câu chuyện éo le, buồn bã. Nhưng cải lương cũng có những vở tuồng để đời không mang tính bi lụy như Thái hậu Dương Vân Nga, thậm chí mang tính cách mạng như Đoạn tuyệt. Cải lương còn có thể diễn đạt cả kinh Phật như trong một DVD gần đây, Bạch Tuyết (có sự đóng góp của Lệ Thủy) đã chuyển lời kinh Pháp cú thành một trường ca cải lương. Tôi xem tác phẩm này của Bạch Tuyết như một tác phẩm để đời.
Có người cho rằng cải lương có vẻ khuếch đại quá. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, trong cải lương có kịch tính (dĩ nhiên), có cường điệu hóa. Những ai xem qua Tuyệt tình ca có lẽ hơi “bực mình” vì thấy người vợ cũ không nhận ra ông chồng dù chỉ mới 20 năm xa cách, và đúng là tính cách của … cải lương. Nhưng khác với các loại hình nghệ thuật như tân nhạc hay hát chèo, cải lương còn mang tính chân chất, rất gần gũi với cách nói của người dân. Người ta có thể đang nói chuyện và vào câu vọng cổ một cách tự nhiên (không cần phải uốn giọng như hát bội hay tân nhạc). Thành ra, có thể nói cải lương là một nghệ thuật hát nói.
Vì là nghệ thuật hát nói, nên nghệ sĩ cải lương phải có chất giọng tốt. Về giọng hát, cải lương Việt Nam không bao giờ thiếu những nghệ sĩ tài ba. Có lẽ nói không ngoa rằng thập niên 1960 đến 1970s là thời vàng son của sân khấu cải lương, với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao sáng chói mà cho đến nay đóng góp của họ đã trở thành một di sản văn hóa nghệ thuật. Thời đó, mỗi nghệ sĩ làm chủ một phong cách, chiếm lĩnh một giọng hát mà khi xem và nghe khán giả không thể nào lầm lẫn được. Từ những giọng ca mộc mạc của “Vua vọng cổ” Út Trà Ôn, đến những giọng ca mượt mà của Hữu Phước, trong trẻo của Thành Được, êm dịu của Hùng Cường, trầm ấm của Tấn Tài và Minh Cảnh, trong veo của Minh Phụng, réo rắt của Minh Vương, truyền cảm của Thanh Sang, hài hước của Văn Hường, ray rức của “sầu nữ” Út Bạch Lan, buồn man mác của Ngọc Giàu, ấm áp của Hồng Nga, sang trọng của Thanh Nga, liêu trai của Mỹ Châu, chứa chan của Phượng Liên, giọng thổ tha thiết của Lệ Thủy, ngọt ngào của Bạch Tuyết, v.v… (khó mà kể ra hết ở đây!) Những giọng ca mà nói theo Nguyễn Du là mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười, khó mà nói chất giọng của ai hay hơn ai.
Trong các nghệ sĩ thời đó, Bạch Tuyết là người tôi có ấn tượng nhiều nhất. Nếu nói tôi là “fan” của Bạch Tuyết cũng không sai. Báo chí Sài Gòn lúc đó từng trìu mến gọi Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo”, một danh xưng mà tôi nghĩ rất xứng đáng với tài năng của chị. Lúc đó tôi không biết gì về người nghệ sĩ tài hoa này, mà chỉ biết qua những tuồng cải lương chị thủ diễn. (Tôi gọi “chị” vì đoán là Bạch Tuyết hơn tôi khoảng năm bảy tuổi). Sau này đọc sách mới biết Bạch Tuyết quê quán ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, tức “dân miền Tây thứ thiệt”. Có lẽ vùng đất sông nước và đời sống chất phác bên bờ ruộng nương khoai này đã tạo cho Bạch Tuyết một phong cách hát và diễn rất thật của người dân quê Nam bộ.
Mấy năm gần đây có dịp về nước, tôi nghe lại và xem các vai diễn của Bạch Tuyết trong các vở tuồng sáng tác sau năm 1975, mà lòng hâm mộ vẫn không suy giảm chút nào. Tôi thấy tiếng hát của chị bây giờ có vẻ còn điêu luyện hơn, tự tin hơn, thoải mái hơn vài thập niên trước đây. Nghe Bạch Tuyết hát, tôi có cảm giác như người nghệ sĩ hoàn toàn làm chủ cách nhả chữ, gieo câu, hoàn toàn điều khiển làn điệu trầm bổng, luyến láy như người giáo sư đứng trên bục giảng làm chủ bài giảng của mình. Cách phát âm chuẩn xác theo cách nói của người miền Nam làm cho người nghe rất gần gũi với cảm xúc của câu chuyện người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Nghe Bạch Tuyết hát vọng cổ tôi có cảm giác hình như chị được sinh ra chỉ để … hát vọng cổ!
Nhưng nghe Bạch Tuyết hát không thích bằng xem chị diễn trên sân khấu. Đã nhiều lần, từ thuở còn là học sinh cho đến nay, Bạch Tuyết đã làm cho tôi phải nhiều lần sụt sùi trong các vở tuồng để đời như Đời cô Lựu, Nguyệt khuyết, Tuyệt tình ca, v.v… và sau này là những tuồng Kim Vân Kiều, Má hồng phận bạc, Hoàng hậu của hai vua, v.v… Tôi xem đi xem lại vở tuồng Nguyệt khuyết cả chục lần, và càng xem tôi càng thán phục Bạch Tuyết trong vai người đàn bà góa phụ, người mẹ, người bệnh trong nhà thương một cách rất thật, như là chính chị đã hóa thân mình vào nhân vật ngoài đời. Xem Kim Vân Kiều mới thấy Bạch Tuyết nhập vai một nàng Kiều tài hoa nhưng bạc phận một cách suất sắc, làm mê hoặc khán giả từ đầu chí cuối vở tuồng. Viết về Bạch Tuyết, Nhà văn Sơn Nam có một nhận xét chính xác rằng “Bạch Tuyết là nghệ sĩ định hình ... Cô có nét quyến rũ, đưa người nghe, người xem vào thế giới riêng, mà thực và mộng không có ranh giới nữa.”
Mấy năm gần đây, công chúng tỏ ra quan tâm về sự suy sút của nghệ thuật cải lương ở trong nước, và tôi nghĩ quan tâm này cũng có cơ sở. Tôi đã xem qua khá nhiều tuồng cải lương gần đây do các nghệ sĩ trẻ trình diễn. Tuy các nghệ sĩ trẻ ngày nay có chất giọng cực kì tốt, nhưng hình như họ chưa tạo cho mình một phong cách hay một làn hơi riêng như những người đi trước trong thập niên 1960 – 1970. Rất khó phân biệt giọng ca của các nghệ sĩ trẻ bây giờ vì họ đều có giọng hát giông giống nhau. Tuồng cải lương ngày nay có vẻ nhiều hơn trước, nhưng chất lượng thì không cao như khán giả kỳ vọng. Một số vở tuồng được dàn dựng, theo tôi là, quá hấp tấp và chất lượng nghệ thuật giống như một tác phẩm loại “mì ăn liền”. Cũng có thể đây là “thời kỳ quá độ” để nghệ thuật cải lương Việt Nam tìm một định hướng mới hơn.
Có người cho rằng cải lương không còn khả năng thu hút khán giả trẻ như thời thập niên 1970s. Nhưng lấy kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói nghệ thuật cải lương sẽ phát triển trong tương lai, khi đời sống kinh tế được nâng cao và người ta sẽ tìm về những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật cải lương. Thuở còn đi học, dù rất mê cải lương, tôi ít khi nào dám thố lộ với bè bạn vì sợ bị chê là “dân cải lương”, tức đồng nghĩa với quê mùa. Nhưng bây giờ tôi lại thấy cải lương mới đích thực là một nghệ thuật của dân tộc, và không ngần ngại nói tôi yêu cải lương.
Thật ra, đó cũng chỉ là một tình cảm tự nhiên. Càng sống trong thế giới văn hóa của người khác, người ta có khao khát tìm về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của mình, mà cải lương là một bản sắc văn hóa dân tộc. Ở phương Tây người ta có nghệ thuật opera, một loại hình nghệ thuật thuộc vào hàng trưởng giả; còn ở Việt Nam chúng ta có hát bội, chèo, và cải lương thu hút mọi thành phần trong xã hội. Nói như một số nhà phê bình văn học Tây phương, nếu hát bội phản ánh chủ nghĩa anh hùng, chèo nói lên cái trào lộng, thì cải lương thể hiện cái trữ tình của dân tộc.
Giới trẻ trong nước ngày nay thích chạy theo phong trào nhạc hip hop, và một ngày nào đó trong tương lai, họ cũng sẽ như giới giới trẻ ở nước ngoài hiện nay đang có xu hướng về nguồn và tìm về với tình tự dân tộc qua các giai điệu cải lương. Tất cả các nghệ sĩ cải lương trong nước ra ngoài trình diễn đều được đón nhận nồng nhiệt. Có người phải lái xe hàng trăm cây số chỉ để nghe lại những “giọng ca vàng” một thời như Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Sang. Đáng chú ý là trong thời gian 5 năm qua, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhiều “ngôi nhà” cải lương đã xây dựng trong xa lộ internet [1], cung cấp cho giới hâm mộ nhiều thông tin có ích. Khán giả thậm chí có thể nghe và xem một số trích đoạn cải lương trực tuyến.
Theo tôi nghệ thuật cải lương là một trong những bộ môn nghệ thuật thuần Việt Nam. Chỉ người Việt Nam mới có vọng cổ. Nó cần phải được bảo tồn và phát huy thành một môn “vọng cổ học” hay “cải lương học” nghiêm chỉnh. Qua theo dõi báo chí, tôi còn biết Bạch Tuyết đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ nghệ thuật sân khấu ở Bungari. Hy vọng nghệ thuật cải lương sẽ được “hàn lâm hóa” nay mai khi một đội ngũ nhà nghiên cứu về cải lương như Bạch Tuyết đã hình thành. Tôi mong ước một ngày nào đó, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật khảo cứu thêm về vọng cổ để đưa bộ môn này vào một di sản văn hóa của thế giới như trường hợp của nhã nhạc Huế.

Ghi chú:
Các website có nhiều thông tin về cải lương gồm có:
(a) www.cailuong.org.vn là website chính thức của Nhà hát Trần Hữu Trang, Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung phong phú, với tiểu sử nghệ sĩ và nhiều tài liệu về lịch sử nghệ thuật cải lương.
(b) www.cailuongvietnam.com có nhiều thông tin về hoạt động của nghệ sĩ cải lương, chân dung nghệ sĩ, và tâm tình khán giả.
(c) www.nsbachtuyet.com, là website cá nhân của nghệ sĩ Bạch Tuyết, với rất nhiều thông tin về nghệ thuật cải lương. Website được thiết kế khá màu mè, quá nhiều hình ảnh, nên thời gian truy nhập rất chậm. Một số nối kết bị hỏng.
(d) www.nslethuy.com, là website cá nhân của nghệ sĩ Lệ Thủy, với rất nhiều trích đoạn cải lương trước và sau 1975. Website cũng khá màu mè, nhiều hình ảnh, và thời gian truy nhập có khi rất chậm.


Nguồn: giaodiem
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 2 tháng 9 năm 2006


Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.