Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Classical Music : Chọn và mua CD - Mme Ngô
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, July 5, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Classical Music : Chọn và mua CD.

Lời ngỏ : Bài viết này phần nhỏ để trám dzô cái lỗ hổng của lá thư tâm tình được gỡ xuống, phần lớn để tặng riêng cho một người bạn đã làm được 2 việc quan trọng : Cai nét và Tìm hiểu về nhạc cổ điển. Dà, tui cũng theo gương ông quyết định cai net nè ông ơi, nhưng nghe tin ông tốn tiền C.D quá nên tào lao chuyện ni cho ông nghe chơi lấy thảo, coi như tạ cái tình bạn ông đã dành cho tui. Ai có biết ông Cai-Nét ở đâu xin nhắn ông vô đọc bài này.
Trân trọng.


* * *


Khi bước vào vườn hoa nhạc cổ điển, người ta thường chóa mắt rồi sanh lòng hỗn loạn, riết một hồi dám tẩu hỏa nhập ma và lặng lẽ tìm ... lối ra ! Tui nghĩ nếu có vậy cũng vì người ta thích đốt giai đoạn, phi thiệt lẹ để tới đích sớm, và phi nước đại như thế thành té ngựa lọi ba sườn bể bàn tọa cũng là phải quá. Dà, ta nên đủng đỉnh rì rì, chậm nhưng ăn chắc.

Nhạc cổ điển là 1 dòng âm nhạc chưa hề biến thể của ... the exact music, nghĩa là viết sao phải chơi y vậy, cấm sửa đổi thêm thắt.
Các nhà sử học chia âm nhạc làm 5 thời kỳ :
- Từ khởi thủy tới Phục hưng (thế kỷ thứ 16) : Âm nhạc thời này chỉ dùng để phục vụ tế tự. Đại diện là Palestrina.
- Thời Baroque : tiếp theo Phục hưng và chấm dứt năm 1759. Đại diện với Bach và Handel. Âm nhạc thoát khỏi khuôn viên tu viện và chạy vào cung đình cho đám vua chúa quí tộc phong kiến thong thả ăn chơi.
- Thời cổ điển : Tiếp theo Baroque và chấm dứt ở cuối thế kỷ 18 đầu 19, với Mozart và Haydn đại diện. Beethoven sống cuối cổ điển, là cầu nối giữa hai thời cổ điển và lãng mạn.
Âm nhạc thời cổ điển rời khỏi cung đình, tà tà len vào đám trưởng giả học làm sang. Nhạc của Baroque và cổ điển vẫn còn nặng nề khuôn phép, đây là nhạc của pure music, tình cảm bị chế ngự buộc ràng (cho mãi tới khi Beethoven xuất hiện)
- Thời Lãng mạn : Chấm dứt vào đầu thế kỷ 20. Nhạc trở thành đại chúng, chui thẳng vào nhà quần chúng nhơn dân. Tình cảm được biểu lộ thong thả tự do, không câu nệ gò bó nữa, program music xuất hiện. Phẩm và lượng thời này thiệt dồi dào. Brahms, Schubert, Wagner, Tchaikovsky ... và rất nhiều tên tuổi khác.
- Thế kỷ 20 về sau : đây là giai đoạn của ‘âm thanh và cuồng nộ’, rất nhức cái đầu và đau cái màng nhĩ, rồi thì ... (theo thiển ý) nó tụt cấp luôn tới cái củ tỉ với loại nhạc RAP hiện hành, than ôi !



Dòng nhạc cổ điển được chia ra hai loại : Ca khúc và Tấu khúc, tiếng thời thượng của ông Xì-Trum là thanh nhạc và khí nhạc.
Thông thường, một nhạc phẩm bao giờ cũng có hai phần : Phần melody tức leading music và phần accompaniment tức nhạc đệm.
Ca khúc là nhạc có lời và nhạc cụ ở đây là ... giọng hát. Ca khúc thường ngắn như các Lied, nhưng cũng có khi dài thoòng cái kiểu Opera. Dà, đây là nói theo thuyết Tương-Đối của Albert Einstein nha, người thích nghe thì thấy Opera ngắn xủn chưa đã, người hổng thích thì trời ơi sao mà dài bất tận, ngủ đã đời thức dậy mà nhỏ đào thương vẫn chưa chịu chết (vì lao) !
Tấu khúc thì lỉnh kỉnh, ngắn dài khác nhau và chia ra rất nhiều form tức thể loại, kể ra hổng hết và thiệt cũng tối hù khó phân biệt.

Để giản lược, tui chỉ xin kể những thể loại thường thấy và dựa vào nhạc cụ mà chia ra cho dễ nhớ :
Sonata : tức nhạc viết cho 1 nhạc cụ độc tấu. Độc tấu là chơi 1 mình nếu nhạc cụ có khả năng chơi cả phần đệm. Thí dụ như piano, guitar, harpe ... Những nhạc cụ không thể độc tấu đúng nghĩa thì phần nhạc đệm sẽ do một nhạc cụ khác đi kèm, thường là piano, guitar và harpe ...
Concerto : Tấu khúc viết cho nhạc cụ solo nhưng phần nhạc đệm viết cho cả dàn nhạc. Concerto cho piano, violin, cello, trompet vv và vv ...
Symphony : Một tấu khúc bề thế viết cho toàn dàn nhạc, trong đó phần leading music được thay đổi tuần tự bằng các nhạc khí khác nhau tùy theo khả năng sáng tác của tác giả bản nhạc.
Chamber music : Nhạc viết cho chamber orchestra, tức dàn nhạc với số lượng nhạc công và nhạc cụ giới hạn, thường độ vài ba chục người.
Duet, trio, quartet, quinter ... được xếp trong chamber music. Loại nhạc này thoạt đầu là để các nhạc sĩ chơi với mục đích họp mặt với nhau chớ hổng phải để trình diễn như bây giờ.
Phần còn lại của nhạc cổ điển thường là những tác phẩm kém đồ sộ. Đồ sộ ở đây chỉ tính theo lượng và theo thời gian mà không kể phẩm. Phẩm là một chuyện hoàn toàn khác.



Khi bắt đầu bước vào dòng nhạc cổ điển, các tay nghe nhạc tài tử thường được khuyên hai điều sau :
- Nghe những bản nhạc nhỏ và giản dị. Nếu là nhạc ‘lớn’ thì chỉ nên nghe những trích đoạn nổi tiếng, đã góp phần tạo tên tuổi nhà soạn nhạc. Những trích đoạn này được nhà phát hành gom lại trong những CD thường có cái tên rất gợi cảm là The best, The best of Mozart, of Schubert vv và vv.. Thường những cái the best này chúng được chơi bằng các dàn nhạc và các nhạc sĩ của nhóm ... the future, tức những mầm non chưa nhú (có thể sẽ nhú hoặc không bao giờ nhú) của vườn hoa âm nhạc. Các CD này rất rẻ thường dưới 10 đô. Lắm khi gặp promotion hay on sale 10 đồng được 3-5 cái lận !
- Không nên tốn tiền mua CD nếu chưa nghe trước, trừ phi ta rủng rỉnh hổng biết tiền dư để làm gì ! Nếu có mua, cũng nên mua 1 cái nghe thử, nhứt là khi tác giả với ta hoàn toàn là người ... xa lạ, vì người khác thích nhưng chưa chắc mình đã ưng !
Nếu mua CD có lẽ nên mua thẳng từ tiệm, trừ phi bất khả kháng. Ở tiệm ta có quyền xin nghe thử trước, coi có hạp khẩu vị hông. Mua CD bằng đường Bưu điện giá cả rẻ hơn nhưng ... khó trả lợi, vì có trả được cũng hộc máu mồm dồn máu mũi như chơi, mệt lắm lận ! Có lần mới mua một cái CD của Oistrakh 28 đô (dĩ nhiên đáng đồng tiền bát gạo) tuần sau ở tiệm on sale còn 10 đô, tức hơn bò đá, nhưng khỏi có màn trả lợi vì ta đã xé ra mất rồi !

Vậy rồi muốn nghe mà hổng chịu tốn thì làm sao ta ơi ? Dà, dễ lắm, ta đi mượn.
Mượn của người quen (Nó giới thiệu là nó đã phải nghe rồi. Mượn như vậy thì ... giữ nghe hoài nếu thích, cho tới khi Nó sực nhớ ra và đòi lợi) nghe thấy đã thì chạy ù ra tiệm tậu một cái. Tui có kinh nghiệm vụ này : Cho mượn thường là ... mất luôn, mất cái CD và còn tình bạn, hoặc ngược lại mất bạn và còn cái CD.
Một cách mượn khác tốt gấp mấy lần hơn : Ở thư viện. Lý do xin kể như sau :
. CD của thư viện cho mượn thời gian giới hạn, thường là 2-3 tuần. Vì giới hạn nên phải ráng mà tìm ra thời giờ để nghe. Mượn của người quen thì có thói ngâm tôm, thủng thẳng đi đâu mà vội, thủng thẳng cho tới khi nó đòi mới sực nhớ ra, còn không thì (vô tình) quên luôn và ... mất bạn !
. CD của thư viện trả trễ phải đóng tiền phạt vạ, mất mát hư hao phải bồi thường. Sòng phẳng vậy nên ... không phải mang ơn và trả nghĩa !
. Thư viện có rất nhiều version của một tác phẩm. Nếu thích ta có quyền nghe hết để phân biệt cách chơi của từng nhạc sĩ, dàn nhạc và nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc.
. Sau khi đã kết một tác phẩm, thích nhạc sĩ và dàn nhạc trình diễn rồi, thì ta mới đi mua cho khỏi ... hố. Nhạc kiểu này là nhạc chọn lọc hợp thị hiếu nên nghe hoài hổng chán, thành ra bỏ 2-3 chục, lắm khi hơn mà thấy vẫn ... lời (một bộ CD 10 bản violin sonatas của Beethoven do Stern kéo giá sơ sơ có 140 đô hà !)
. Vào thư viện còn có cái lợi nữa là ta có thể đọc được tài liệu liên quan đến tác giả và tác phẩm, nhạc sĩ. dàn nhạc, nhạc trưởng ..vv... trước khi nghe nó, mà hổng tốn đồng xu cắc bạc nào.


Dà, đại khái chuyện nghe nhạc cổ điển nó dễ òm và rẻ rề. Khi nghe khá khá rồi thì ta có quyền dốc hầu bao ra mua môt cái vé concert 5-7 chục để thưởng thức nhạc sống rất đáng đồng tiền bát gạo, còn bằng không vào đó để ngủ thì ngủ ở nhà sướng hơn, gối êm mền ấm mà ... miễn phí !

Xin chào từ biệt cả Xứ và chào riêng ông Cai-Nét.
Thân ái cùng tất cả.
Mme Ngô.
2005/06/17


Phượng Các
#2 Posted : Wednesday, July 6, 2005 4:55:34 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Được tin Mme Ngô sau một thời gian công tác ở Ba Tây đã trở về nhà. Xin chúc mừng Mme xong công tác và mong sẽ tiếp tục được đọc các bài viết hay ho của Mme! Rosebeerchug

Vũ Thị Thiên Thư
#3 Posted : Wednesday, July 6, 2005 8:52:18 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Chị Ngô
Thiên Thư cũng mừng chị đi xa về
Chúc chị luôn an vui
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.