Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Tên gọi của cộng đồng người Việt xa quê hương Nguyễn Bá Tùng Viết từ California Tác giả bàn về tên gọi của cộng đồng người Việt xa quê hương Vấn đề định danh tập thể người sống xa quê hương biến đổi tùy hoàn cảnh lịch sử và quan niệm cũng như ý hướng của người sử dụng. Đó là một hiện tượng phổ biến cho nhiều cộng đồng xa xứ trên thế giới. Ví dụ, với cư dân người Đại Hàn tại Nhật cũng vậy, trong văn bản bằng tiếng Anh thì có từ “Korean residents in Japan” chiếu theo tình trạng pháp lý của họ, hoặc “ethnic Koreans in Japan” để chỉ luôn người Nhật gốc Đại Hàn, hoặc “Korean minority in Japan” để nói lên tương quan của họ đối với xã hội Nhật.
Vấn đề trở nên phức tạp và tế nhị hơn trong ngôn ngữ Nhật và Đại Hàn. Từ chính thức bằng tiếng Nhật là “Zainichi Kankoku Chosenjin” có nghĩa là Cư dân Nam và Bắc Hàn tại Nhật. Nhiều người Đại Hàn tại Nhật thì thích gọi và thích được gọi là “Zainichi Korian” có nghĩa là cư dân Đại Hàn để nói lên tính cách thống nhất của dân tộc họ. Có người lại ưa dùng từ “Chosenjin”, là tên gọi bằng tiếng Nhật của nước Đại Hàn trước chiến tranh Hàn–Nhật để nó về thân phận không quốc gia của họ. Thế hệ trẻ thì lại muốn xác định họ thuộc về một quốc gia riêng, không phải là thành phần thiểu số trong nước Nhật cho nên họ không ưa dùng từ Zainichi nữa.
Đối với tập thể người Việt hiện sinh sống tại hải ngoại cũng thế; người Việt trong nước thường hay dùng chữ “Việt kiều”. Tuy từ này được dùng một cách rộng rãi trong quần chúng và mang một ý nghĩa đặc loại đến nỗi có một số người giữ nguyên như vậy khi phải dịch ra ngoại ngữ (Viet-kieu, a Viet-kieu, the Viet-kieu), nội dung từ này vẫn mang những ý nghĩa khác nhau tùy vào hoàn cảnh được dùng.
Ngoài ra các văn kiện chính thức của nhà nước Việt Nam cũng thường dùng cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài”, chẳng hạn: “Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài”, “Hội Liên Lạc với Người Việt Nam ở Nước Ngoài”… Tuy nhiên khi chuyển ra Anh ngữ thì dù là “Việt kiều” hay “người Việt Nam ở nước ngoài” các cơ quan thông tin của nhà nước Việt nam cũng đều dùng chung một từ là “Overseas Vietnamese."
Trong lúc đó thì ở hải ngoại, trong các sinh hoạt cộng đồng và truyền thông, từ thường được dùng là “Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại”.
Thật sự về mặt ngôn ngữ thì từ “hải ngoại” cũng chỉ là phần Hán-Việt của từ “nước ngoài”, và khi chuyển qua Anh ngữ thì thông thường cũng dùng từ “Overseas Vietnamese”, hoặc có lúc lại dùng “Vietnamese expatriates”. Chẳng hạn trong những bài viết của Gs Lê Xuân Khoa, hai từ “Overseas Vietnamese” và “Vietnamese expatriates” được dùng như là đồng nghĩa và có thể thay thế cho nhau.
Gần đây hơn có thêm từ “Vietnamese diaspora”. Ví dụ, chương trình nghiên cứu ba năm của William Joiner Center thuôc Viện Đại học Massachusetts nhắc ở trên cũng dùng từ “Vietnamese Diaspora” trong đề án của họ: “(Re) Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora”, và được dịch ra Việt ngữ là “Diễn trình (tái) xây dựng diện mạo và quê hương của người Việt ở nước ngoài.”
Chính việc chuyển dịch từ “Vietnamese Diaspora” thành “người Việt ở nước ngoài” cũng đã là một điểm mà nhiều người nêu lên để chỉ trích tính cách thiên lệch của William Joiner Center. Chẳng hạn ông Nguyễn Hữu Luyện lập luận trong bài viết về chương trình nghiên cứu của Đại học Massachusetts rằng, “chữ ‘Vietnamese Diaspora’ contextually và semantically phải dịch là ‘cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng sản’ vì trên 99% người Việt sống ở nước ngoài ngày nay là người tỵ nạn cộng sản.”
Phần phân tích dưới đây nhằm tìm hiểu sự tương hợp giữa thực thể những người Việt xa xứ và những tên gọi nêu trên mà trước hết là từ “Vietnamese diaspora”, một từ rất hàm súc ý nghĩa trong khoa học nhân văn, đã được quốc tế hóa và hầu hết các ngôn ngữ tây phương giữ nguyên, nhưng khi dịch ra tiếng Việt lại có thể trở thành đề tài tranh cãi.
Cụm từ Vietnamese Diaspora
Trong nguyên ngữ từ Diaspora được phát sinh từ hoàn cảnh lưu đày của dân Do Thái bắt đầu từ sáu thế kỷ trước công nguyên ở Babylon, rồi sau đó trải rộng trong vùng Địa Trung Hải, và khắp các châu đại lục ngày nay, khi mà quốc gia Israel đã được thành lập thì những cộng đồng Do Thái sống ngoài lãnh thổ Israel cũng vẫn được gọi là “Diaspora”. Tuy nhiên trong thế kỷ vừa qua, đặc biệt là sau hai cuộc thế chiến và việc phân định lại biên giới của nhiều xứ, và nhất là do những tranh chấp của Chiến Tranh Lạnh, số lượng người bị bắt buộc bỏ quê cha đất tổ kéo lê kiếp sống nơi xứ lạ quê người gia tăng, đồng thời với sự hình thành những cộng đồng người xa xứ nhiều nơi trên thế giới.
Vấn đề định danh tập thể người sống xa quê hương biến đổi tùy hoàn cảnh lịch sử và quan niệm cũng như ý hướng của người sử dụng.
Nguyễn Bá Tùng
Theo Gs. Tölölyan, chủ biên tờ Diaspora, một tập san chuyên về vấn đề người ly hương xuất bản tại Canada, thì cách đây chưa đầy 4 thập niên chỉ có 3 diasporas được các nhà nghiên cứu bàn đến, đó là cộng đồng người Do Thái, cộng đồng người Hy Lạp và cộng đồng người Armenia. Đến năm 1998 thì tờ báo đã có nhiều bài viết liên hệ đến 36 cộng đồng được các nhà nghiên cứu coi là, hoặc tự cho mình là diasporas.
Để tìm hiểu sự thích hợp và khả năng của việc áp dụng từ diaspora cho cộng đồng người Việt xa xứ hiện nay trước hết cần xem đâu là những đặc tính thiết yếu của từ diaspora nói chung. Mặc dù được sử dụng một cách rộng rải – từ Diaspora viết bằng chữ D (hoa) từ trước đến nay để nói về hiện tượng cá biệt của người Do Thái đã có thể được viết bằng chữ d (thường) trong các trường hợp khác – một số đặc điểm thiết yếu cấu tạo nên từ đó vẫn còn được các nhà nghiên cứu giữ lại. Đó là: 1) hiện tượng phân tán dân cư từ một nguồn gốc, 2) ký ức tập thể về quê xưa được xem như là biểu tượng của bản sắc chung, 3) một cảm nhận về cái tôi cách biệt và lạc lõng trên đất nước tạm dung, 4) một huyền thoại về xứ sở gốc được coi như là quê thật sẽ trở về, và 5) một nghĩa vụ chung đối với quê nhà về tinh thần cũng như vật chất.
Dần có thêm những thế hệ mới người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài
Phần đông các nhà nghiên cứu chấp nhận những đặc tính này. Một số ít lại khắt khe hơn đến độ họ coi các cộng đồng người Hoa trên thế giới như là những cộng đồng liên quốc (transnational communities) mà thôi chứ không phải là những diasporas theo đúng nghĩa.
Ngược lại, có nhiều học giả không đồng ý lắm về nội dung quá giới hạn và bị trói buộc quá nhiều với lịch sử của dân Do Thái này. Theo họ, khái niệm “quê nhà” được coi là cốt yếu của người Do Thái lưu vong thật ra không quan trọng bằng mối liên hệ giữa những người lưu vong với nhau tại đất nước tạm dung, như trường hợp người châu Phi và hoặc người Hoa; hoặc sự phát triển kỳ diệu của các phương tiện truyền thông đã làm nhẹ bớt rất nhiều tính cách phân ly và lạc lõng của người xa xứ, khoảng cách giữa diasporas và quê nhà đã được thu ngắn lại; và còn nhiều điều khác nữa.
Nói ngắn gọn, khuynh hướng muốn nới rộng ý nghĩa của từ “diaspora” chủ trương rằng chỉ cần sống xa quê nhà mà còn giữ những liên hệ kinh tế, chính trị, xã hội cũng như tình cảm là có thể được gọi là “diaspora”, không cần xét đến động lực ra đi cũng như ý muốn trở về.
Tuy nhiên vấn nạn có thể được nêu lên ở đây là trong trường hợp đó làm sao để phân biệt được với các trường hợp sống xa quê hương khác như di dân, viễn chinh, du học hay “xuất cảng lao động” như các công nhân Việt nam ở nước ngoài đã nói ở trên?
Ngoài ra, giáo sư F. Riggs, một chuyên gia có uy tín quốc tế về hành chánh công quyền đối chiếu thuộc đại học Hawaii mà chúng tôi có dịp thỉnh ý khi viết bài, đã nêu lên 2 đặc tính phân biệt diaspora và những hình thức sống xa quê hương khác: không chính thức và năng động. Với tiêu chuẩn không chính thức, những nhân viên của nhà nước Việt Nam hiện nay, du hoc sinh, “xuất cảng lao động”, “lao đông hợp tác”… không thể được coi là thuộc Vietnamese diaspora.
Tiêu chuẩn năng động càng thu hẹp số lượng người thuộc diaspora hơn nữa; chỉ những ai còn giữ mối liên hệ với những sinh hoạt hướng về quê hương, hoặc những ai trong tiềm năng có thể thể hiện mối liên hệ nầy khi gặp điều kiện mới nên được coi là Vietnamese diaspora. Tuy khắt khe và hạn chế, hai đặc tính vừa kể sẽ giúp cho tên gọi Vietnamese diaspora mạch lạc và sung tích ý nghĩa hơn.
Nói tóm lại, đối với đa số cộng đồng trên 2 triệu người Việt đang sống rải rác đó đây trên toàn thế giới, rõ ràng dù chấp nhận lối định nghĩa khe khắt nhất thì cũng có thể gọi đó là “Vietnamese diaspora” dựa trên những yếu tố về động lực và hoàn cảnh ra đi, tiến trình hình thành, và nhất là tâm tư và nguyện vọng của đại đa số người Việt đang sống rải rác đó đây trên toàn thế giới được biểu hiện qua những sáng tác văn học nghệ thuật mà một số nhà biên khảo gọi là nền “văn chương lưu đày”.
Nguyễn Bá Tùng
|