Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Đông Hà
Bà Bóng
#1 Posted : Friday, June 24, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Bà Bóng

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 20
Points: 0

Hiện nay mới 22 tuổi, thơ của Đông Hà đã và đang được diễn ngâm thường xuyên tại đài truyền thanh Việt Nam ở San Jose, và các tiểu bang khác. Văn của nàng cũng là một hiện tượng. Có 5 tổ chức, một ở Paris, 4 ở Mỹ và 1 ở Canada đang xúc tiến việc in những tác phẩm của nàng. Dưới đây là một truyện ngắn tiêu biểu.
_______________________________________

Mùa đom đóm.

Một ngày cuối tháng 6, ngày cuối cùng thuyết trình để chấm dứt khoãng trời Đại Học, tôi nhận được tin nội nhắn vào “bây có về được mùng bốn tháng này không con ? Thằng Khoa nó lấy vợ”

Tôi chết trân “ông lấy vợ đấy hả Khoa ? Sao lẹ vậy ông ?”. Tôi đi thuyết trình luận án tốt nghiệp mà như đi trên mây, dự án trồng lúa thêm vụ mấy bửa hởm còn thông sáo, bây giờ như tơ vò, nhìn đâu cũng thấy cái dáng đen nhẻm, nụ cười hiền queo của Khoa .

Rồi cũng xong, tôi lao về quê như một cơn lũ mùa Đông, không dám khóc mà chỉ im re .

-Mày với con Tía đi bưng quả cho nó nghen Nâu . Nó đợi mày về mấy hởm bửa rồi đó, đi ra đi vô chờ mầy về như gà mắc đẻ vậy đó .

Trưa, nội biểu tôi đem cơm ra chòi Vịt cho Khoa,

-Sao gần cưới mờ nó còn chăn vịt hả nội ? Ngày cưới mà đen thui đàng gái họ cười cho thúi mũi .

-Ờh, tao cũng nói vậy mà nó đâu có nghe, nó nói cưới vợ hay không cũng giống nhau, bầy vịt để đó nó không chăn thì ai chăn ? Lũ vịt mà đói lại đẻ trứng non hay tịt ngòi thì tiền đâu mai mốt mua sách vở cho bây .

Tôi nghèn nghẹn ở cổ , đi cưới người khác mà còn bày đặt lo cho tui. Ông đừng có dẻo miệng quá nghen . Nghĩ vậy chớ mang cơm thì vẫn mang cơm, tôi đi ra chòi vịt mà lòng như ngày mưa .

Khoa ngồi trên bờ đê, cạnh cái chòi vịt, mắt nhìn đâu xa lắc, tôi đến mà cũng chẳng hay .

-Ông Khoa, nội biểu tui mang cơm cho ông .

Khoa giật mình, hình như hơi sao đó, rồi mừng rỡ

-Nâu về rồi hả Nâu ? Học sao ở trển mà ớm nhơm ớm nhách vậy Nâu ? Thôi để tui bắt con vịt bằm nhuyễn đổ bánh xèo cho Nâu ăn nghen .

-Lần nào tui cũng nghe ông nói một cái câu y chang vậy ? Thôi tui về đây, để vịt mà lo cho vợ. Lo cho tui chi, uổng của .

-Nâu ơi Nâu...

Tôi mặc kệ, bưng cái mủng không mà lảnh quảnh bước về, bấy khi , lúc nào tôi cũng đợi Khoa ăn xong rồi sẵn đem chén bát về rửa luôn thể, nhưng bây giờ, ai lòng dạ đâu mà ngồi đó coi ổng ăn, lòng dạ đâu mà ngồi đó trả lời hết câu quan tâm này đến câu quan tâm khác, lòng dạ đâu ...

Ngày đãi bạn, thấy Khoa ăn bận áo sơmi quần tây cười cười với đám bạn, cái mặt tôi héo như cái bánh tráng nhúng nước, héo như ngọn lang phơi nắng . Con Tía kéo tôi vô buồng, “chị Nâu buồn thiệt đó hả ? Tại chị học cao quá, ảnh hỏng dám mơ. Ảnh nói chị đi thành phố học, làm bạn tòan mấy người ăn bận óach thiệt óach, ăn nói “văn hóa”, lại mang giày Tây chớ hong có đi dép lào như ảnh. Hồi tháng trước, ảnh lùa vịt sang đồng trên, nửa đêm bị trúng gió, may có chị Thìn đi tìm vịt lạc thấy nên bắt gió, may sao thoát chết, ảnh mang ơn, má chị Thìn đánh tiếng, rồi nội dặm tiếng cho, thế là ưng nhau đó chớ “

Ai chứ con Thìn tôi biết rõ quá mà, hồi lớp 7 nó học với tôi, học thì dốt nhưng lanh tay lắm, lại xề xòa, giỏi giang việc đồng áng. Chắc lấy nó, Khoa sẽ có người đỡ đần việc nhà, có người nấu nướng đàng hoàng hơn. Hồi xưa, nó chịu Khoa lắm, cứ ỏn ẻn đi ngang nhà gọi “anh Khoa ơi, anh Khoa à” miết thôi . Đâu có như tôi, Khoa biểu đừng gọi Khoa bằng “ông” nữa mà tôi đâu có chịu, cứ mở miệng một ông hai tui . Hèn chi ...

Rồi cũng tới ngày cưới, tôi với con Tía bưng quả cho Khoa mà lòng dạ tôi như rớt xuống sình. Tôi đâu có dám dòm Khoa đâu, hồi trước Khoa đánh tiếng thương mà tôi đâu có dám hó hé gì, tại định học cho xong rồi về quê giúp bà con làm lúa cho nó ra hồn hơn chớ một năm hai vụ có mà đói triền miên, sau đó mới dám ừ . Ai dè nó tưởng tôi làm cao, ưng bụng mấy đứa trên thành phố . Sao mà nó ngu, nội đem nó về từ 9 năm trước, ở cùng một nhà đáng lẽ biết tính tôi chứ . Tôi đậu Đại Học, nó rớt cái bịch, nội biểu nó lo ôn rồi thi tiếp, mà nó làm ra người lớn “để con lo chăn vịt kiếm đồng ra đồng vô mua sách vở cho Nâu, nội à, nó lên trển , con không cho nó thua kém đứa nào đâu”. Sau đó nó lo chăn vịt, dành dụm từng đồng sắm đồ, mua sách, mua vở cho tôi . Tưởng đâu nó cứ miết vậy, hỏng có để bụng thương ai hết, ngờ đâu ....

Đêm tân hôn của vợ chồng nó, tôi ra ngoài sân sau ngồi nhìn trời đất, sao mà nhớ cái hồi tôi khoái bắt đom đóm bỏ vô hộp coi nó sáng, đêm nào thằng Khoa đi bắt rắn, bắt ếch về thế nào cũng cho tôi vài con đom đóm lập lòe sáng trong cái hộp nó tự làm ; sao mà nhớ cái hồi tôi sốt, nó cõng tôi chạy xành xạch lên trạm xá, nó thức trắng đêm để thay khăn cho mát đắp lên trán; sao mà nhớ cái hồi cắt lúa, tụi con gái chòng ghẹo quá chừng chừng mà nó im re, nhìn tôi nói một câu lãnh nhách “kệ tụi nó hén Nâu”; sao mà nhớ ngày tôi lên xe đi thành phố học, mắt nó đo đỏ “lên trển giữ gìn sức khõe nghen, tui bỏ hộp cù là trong xách đó, nhớ trời lạnh lấy mà thoa kẻo bịnh nghen ...” ; sao mà nhớ cái hồi tôi học về, nó chăn vịt tận đồng Xít mà ngày nào cũng dỏng chân về ngang mấy bận, bắt theo con vịt thiệt mập “nội à, con Nâu nó ưng ăn bánh xèo, nội bằm vịt đổ cho nó ăn nghen nội”....

-Vô ngủ đi kẻo muỗi cắn đó Nâu

Tôi giật mình, chùi thiệt lẹ giọt nước mắt ,

-Trời, đêm tân hôn ông ra đây chi, có đi vô không vợ ông giận bây giờ đó nghen .

Cái tiếng "vợ" sao mà cứ sóng sánh váng vấp trong lòng tôi, cứ như ly nước muốn đổ nhào xuống vậy .

-Thi xong chưa Nâu ? Có đạt không Nâu ? Có thiếu tiền gì không để tui liệu trước .

-Ông đi vô đi, tui thi xong hết trơn rồi, tui định ...

-Định sao ?

-Định về xã làm , tui định sống đời sống kiếp với cái đất Quảng này, mà chắc ...

-Ủa, chớ hỏng phải học xong là Nâu ở lại thành phố với thằng đó hả ?

-Thằng nào ? Tui chỉ có thằng chăn vịt của tui thôi . ( Trời ơi, tự dưng tôi bạo miệng lạ )

-Đừng chọc tui mà, tui nói cái thằng lúc trước mà Nâu dẫn về chơi đó

-Trời đất, bộ ông tưởng tui khùng hả ? Nó về coi để làm đồ án đó cha, ai mà thèm mấy cái đầu bóng láng, áo quần se sua đó .

Tự dưng nhớ lại, hồi đó tôi tức vì Khoa cười cười với con Huê nên nói chơi để dọa thôi mà, ai dè nó tưởng thiệt .

-Hai đứa bây làm gì ngoài đó,

Nội ở đâu lọ dọ bước ra .

-Thằng Khoa đi vô ngủ đi, bây để vợ bây một mình vậy đó hả ? Đêm đầu tiên nhà chồng, đừng để cho nó tủi thân nghe con . Đi vô nhanh đi, cho tao có cháu tao bế .

Tự nhiên Khoa ngượng ngịu, lo lắng ngó tôi một cái thiệt nhanh rồi cúi mặt xuống đất “nội kì quá”

Tôi sẵn giọng, -kì gì mà kì, nội nói đúng đó, ông đi vô đi, ở đây nhiều chuyện, tui ngán quá .

Chợt tiếng con Thìn ỏn ẻn nơi cửa buồng vọng ra “Anh ơi, vô ngủ”, nghe ngọt ngào quá mạng. Tôi chợt thấy rờn rợn ở sống lưng , miệng lẩm bẩm một mình “lạ thiệt, sao bửa nay đom đóm ngoài bụi mía nhiều vẫy hỏng biết .

Hết.
Bà Bóng
#2 Posted : Saturday, June 25, 2005 5:52:38 AM(UTC)
Bà Bóng

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 20
Points: 0

Lập thừa pháp.

Phép lập đi lập lại một câu, hay một từ là một trong những phương pháp nhấn mạnh giá trị nhất trong thuật viết văn. Trong thuật hùng biện cũng thế, ta thường thấy diễn giả dùng một cấu trúc văn, lập đi lập lại để làm nổi bật ý nghĩa điều muốn nói.
Ví dụ : mẹ dòng suối dịu hiền, bài hát thần tiên, tiếng dế đêm thâu, ...
Hay tinh xảo hơn, phối hợp với đối xứng, với tỷ giảo :
Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi ngày.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu...

Ta thấychữ "Để con", "đem" được lập đi lập lại một cách hùng hồn, đầy sức truyền cảm. Phải không các bạn?
Nhưng nếu dùng Google tìm chữ Tautology, tức lập thừa pháp, ta thấy nó là một khuyết điểm hơn là một thủ thuật hành văn. Google nói : "Needless repetition of the same sense in different words; redundancy." Lập lại một cách thừa thãi. tại sao lại thế? Có thể nào một ứng dụng tuyệt diệu như thế mà lại thừa thãi ?
Cuốn Essential guide to writing của Oxford nói rõ về khúc mắc này như sau : Lập thừa đôi khi là một ưu điểm nhưng đôi khi nó chính là khuyết điểm. Cái ưu điểm đã nói ở trên, nó làm mạnh ý tưởng. Riêng về khuyết điểm, nếu vô ý hoặc vụng về hoặc thiếu kinh nghiệm viết, nó sinh rườm rà, luộm thuộm. Tưởng tượng một câu văn dài chừng 3 dòng, có đến dăm bẩy chữ "những", chữ "và", ta thấy nó non nớt đến thế nào. Phân biệt một biên giới rõ ràng giữa ưu và khuyết điểm của phép lập thừa không dễ dàng. Những ý tưởng quan trọng có thể trở nên ưu; những ý tưởng không quan trọng trở nên khuyết. Khi bạn viết một từ (hay một ý tưởng) 2 lần hoặc hơn 2 lần, bạn lôi kéo sự chú ý của người đọc. nên nhớ chỉ là chú ý chứ chưa phải sự tán thưởng. Nếu nó là một ý tưởng chủ yếu thì rất hay nhưng nếu không, bạn vụng về nhấn mạnh cái ý tưởng không mấy gì đáng chú ý. Nó chia trí người đọc thay vì lôi kéo chú ý của người đọc.
Lập thừa có 2 hình thức cơ bản : lập lại cùng một ý tưởng. Ví dụ:
- That's camouflage, that's trickery, that's treachery, window dressing.
Chữ lập lại không nhất thiết đồng nghĩa với chữ đầu, và thường là không đồng nghĩa. Thay vì lập lại ý đầu, nó thêm chiều sâu cho nghĩa đầu :
- October 7 began as a commonplace enough day, one of those day that set the teeth on edge with its tedium, its small frustration.
Câu này chữ "frustration" mang ý nghĩa tệ hơn chữ "tedium" nhưng xét toàn câu, ta thấy chính chữ "tedium" lại có thể thêm nghĩa cho chữ "frustration". Xin hiểu như thế này : Nó nhàm chán đến độ thất vọng.
Hình thức thứ nhì là lập lại chính xác chữ ấy (chứ không phải lập lại ý tưởng ấy):
- I didn't like the swimming pool, I didn't like swimming, and I didn't like the swimming instructor, and after all these years I still don't.
- Problem gives rise to problem.
- She smiled a little smile and bowed a little bow.
Và đây đoạn diễn văn đọc trong buổi lễ nhậm chức của tổng thống Kennedy :

[size=1]" Mỹ sẽ trả bất cứ giá nào, gánh vác bất cứ gánh nặng nào, đảm đương bất cứ khó nhọc nào, yểm trợ bất cứ đồng minh nào, chống đối bất cứ kẻ địch nào, để đảm bảo cho sự tồn tại và khải hoàn của tự do."

Xin trích dẫn một đoạn trong truyện ngắn của Đông Hà:

Đêm tân hôn của vợ chồng nó, tôi ra ngoài sân sau ngồi nhìn trời đất. Sao mà nhớ cái hồi tôi khoái bắt đom đóm bỏ vô hộp coi nó sáng, đêm nào thằng Khoa đi bắt rắn, bắt ếch về thế nào cũng cho tôi vài con đom đóm lập lòe sáng trong cái hộp nó tự làm; sao mà nhớ cái hồi tôi sốt, nó cõng tôi chạy xành xạch lên trạm xá, nó thức trắng đêm để thay khăn cho mát đắp lên trán; sao mà nhớ cái hồi cắt lúa, tụi con gái chòng ghẹo quá chừng chừng mà nó im re, nhìn tôi nói một câu lãnh nhách “kệ tụi nó hén Nâu”; sao mà nhớ ngày tôi lên xe đi thành phố học, mắt nó đo đỏ “lên trển giữ gìn sức khõe nghen, tui bỏ hộp cù là trong xách đó, nhớ trời lạnh lấy mà thoa kẻo bịnh nghen ...”; sao mà nhớ cái hồi tôi học về, nó chăn vịt tận đồng Xít mà ngày nào cũng dỏng chân về ngang mấy bận, bắt theo con vịt thiệt mập “nội à, con Nâu nó ưng ăn bánh xèo, nội bằm vịt đổ cho nó ăn nghen nội”.... [/size=1]

Hiển nhiên ta thấy ngay YR dùng lập thừa pháp. Như ta biết, lập thừa pháp lôi cuốn chú ý. Vấn đề chủ ý của YR như thế nào lại bắt ta phải chú ý đến đoạn này? Nó có quan trọng đến mức phải gợi chú ý hay không?
Thưa có. Nó rất xác đáng. Tựa đề là Mùa đom đóm. Đoạn văn này là chỗ chuẩn nhất để cho đom đóm góp mặt. Đom đóm tượng trưng cho những cái gì quý báu nhất mà vụt chốc không còn nữa. Họa chăng là trong hồi tưởng, trong kỷ niệm. Cái con đom đóm lại được thêm sức bằng một chuỗi kỷ niệm khác :"Kệ tụi nó hén nâu", buổi chia tay, bánh xèo nhân vịt ...Chữ sao mà được lập đi lập lại như cái thảng thốt của một "có" trở thành "không", một cái "đang" khuất dần vào "đã", một thân quen phút chốc dửng dưng. (Bóng cũng đang lập thừa chỗ này.)
Cái xác đáng biến thành đích đáng (lại lập thừa) khi toàn câu văn trên được làm cơ ngơi cho câu kết lọt vào, gọn lỏn, đầy ý nghĩa và ...đích đáng : “lạ thiệt, sao bửa nay đom đóm ngoài bụi mía nhiều vẫy hỏng biết." Đom đóm tượng trưng cho luyến tiếc, cho hoài cảm, cho kỷ niệm." lạ thiệt, sao bửa nay kỷ niệm nhiều vẫy hỏng biết."

Thật ngạc nhiên nếu so kỹ thuật văn với số tuổi 22 của nàng.
nguyenthy
#3 Posted : Saturday, June 25, 2005 6:51:26 AM(UTC)
nguyenthy

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 23
Points: 0

giọng văn dễ thương lắm BB. còn bài nào nữa không? hay có link nào đến nữ sĩ Đông Hà này? post vào cho nguyenthy đọc ké với
Bà Bóng
#4 Posted : Saturday, June 25, 2005 9:24:31 AM(UTC)
Bà Bóng

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 20
Points: 0

Bóng mây ná đời.

Tôi sắm cho mình một cuốn nhật kí vào cái tuổi 16, khi anh đến nhà chơi đang lúc tôi ôm đàn gào tóang lên trong phòng. Rồi anh bảo
- “con gái cũng biết chơi Guitar à ? Khá lắm”
Anh khác người ta, khác chị Nên ở chỗ đó “ gàn hở nhóc ? Con gái đi tập chơi Piano kìa”

Để thảy chút yên ắng cho chị Nên với anh, tôi đành ôm cây Guitar lên sân thượng, vẩn vơ với những ý nghĩ gàn dở của mình . Câu đầu tiên trong nhật kí của tôi: "hôm nay trời nắng, có anh đến chơi" . Và hình như còn nhiều câu luẩn quẩn như thế . Chắc bởi tại tôi dốt văn . Trách sao được, con gái học chuyên Toán mà bảo lãng mạn, viết câu cú hay ho như con gái lớp văn của chị thế nào được .

You never thought i loved you
I guess you never thought i cared

Tôi kéo cái giọng dở ẹc của mình ra mà hát, mà gào . Rồi buông đàn, nằm soài ra sân thượng nhìn trời mây, sảng khoái . Chị Nên ló đầu lên :" gàn dữ vậy nhóc, bớt giọng cho chị học nào" Chợt nghe tiếng cười anh ở dưới nhà, giòn tan nhỉ ?

Hờ, chẳng biết tại sao từ đấy, dường như ngày nào tôi cũng khùng lên như thế một lần. Bất kể sáng hay tối, mưa hay nắng.

Chị Nên hay kể về anh, tôi lơ đễnh “ôi dào” thế rồi phát hiện mình cũng lắng tai nghe, chẳng biết tự bao giờ .

-Bạn trai chị à ?”

-Bạn thôi, anh kèm chị học mà .

Tôi vừa nhảy chân sáo lên cầu thang vừa chu miệng trêu: "Xạo"

-Thiệt, nếu được vậy đã quí

Tôi giật mình, chậm lại một bậc chân, "-Chị kiêu à ? Nhìn hắn cũng được chút chút ấy chứ"

-Kiêu gì ...

Bậc thang cuối cùng, nhảy thêm ba bước, vào phòng, hết nghe được chị nói gì. Nắng hôm nay oi ả lạ. Thêm ba bước, tự nhiên cái đầu rối rắm, chợt quay ngoắt xuống nhà, tôi lom khom nhìn ngắm chị. uh, chị Nên giống mẹ hệt, từ dáng dấp, cặp mắt, đến khóe miệng, hèn chi duyên thế, lắm người theo thế . Tôi thì như con càng que, tay chân dài thượt mà ốm nhách, đúng là học Toán khô người hẳn. Tôi chợt phì cười, xạo bà cố, nhỏ Liên cũng cùng dân chuyên Tóan đấy thôi, ấy vậy mà má ửng đỏ, mập mạp xinh ơi là xinh. (Nhưng mà thua chị Nên là cái chắc nhá!)


o0o

Anh lại đến, bước chân hai người lên cầu thang nhẹ quá, tôi chẳng hay, vẫn cái thói quen tay cầm đàn, chân nhảy cò lên từng bậc thang,

I've been walkin' around with my head hanging down
Wondrin' what I'm gonna do
'Cause when you walked out that door, I knew I needed you more

“Té bây giờ, đi gì ngộ thế cô bé ?

Giật thót người, quay lại, rồi bĩu môi, nhảy ào lên sân thượng. “Nhật kí ơi, anh gọi Ni là cô bé đó, hôm nay trời chẳng nắng mà anh cũng đến chơi!”
Buông bút xuống, lại gào lên trong nắng.
You never thought I loved you
I guess you never thought I cared

Ngày nào tôi cũng ghi nhật kí, dù rất vớ vẩn, tuổi 16 trôi đi nhanh chóng, chị vào Đại Học, có anh người yêu đẹp trai như tài tử . Thế mà tôi chả ưa, thà cứ như anh ngày xưa, giản dị mà ... mà sao nhỉ ? Cớ sao lại bực tức vô cớ thế ?”

o0o

Cái tuổi 17 ngổ ngáo chợt gặp anh giữa Thị Xã lưa thưa người .

-Ơ... sao lâu nay không đến nhà em chơi ? Tại chị em có bồ phải không ?

-Oh, anh ra Bắc công tác, mới về hôm qua thôi .

-Chị Nên có bồ rồi đó, buồn không?

-Anh biết mà, chị em hay viết thư cho anh lắm. Anh vui dùm chị em mà, cớ chi mà buồn.
Anh nháy mắt, bẹo má tôi, rồi tạm biệt .

Giữa trưa nắng, tôi như dỗi vì cái bẹo má, hóa ra anh xem tôi là con nít cơ đấy .Hừh !

Một buổi trưa tòng teng đi mua truyện chợt gặp anh .

-Cô bé muốn đi ăn kem với anh không?

-Duyệt!(*) Anh trả tiền nhé!

Anh cười váng lên giữa trưa nắng “ tất nhiên, cô bé ạ !”

-Em ăn kem gì ?

Tôi cười, chẳng nói mà gõ chân nhịp nhịp nhìn ra xa.
-Cậu ăn kem gì ? Cô bán kem hỏi rồi quay qua cười với tôi, hình như kèm theo một cái nháy mắt . Tôi nhe lưỡi, cười đồng lõa mà chẳng hiểu tại sao .

Khi cô bán kém mang ra ly kem đủ màu cho tôi, anh chợt lại cười “ ăn gì ngổ ngáo thế ?”

-Thế mới lợi,
Tôi thì thào vào tai anh :”- em nói anh nghe nhá, một ly kem là 2.000đ, thường thì một màu, một vị, muốn thử hết thì phải mất vị chi là 14.000đ, nếu anh xin mỗi thứ một ít , xin hết 7 màu thì chỉ với 2.000đ đã ăn được tất cả các vị .

Anh vừa đưa thìa vào miệng vừa tủm tỉm cười . Chắc thế nào cũng sẽ bắt chước làm theo tôi cho có lợi cho mà xem.

-Xí cái này

Chưa kịp coi anh cho hay không, tôi nhón tay lấy trái chùm mức trên ly kem của anh .Anh chẳng như chị Nên, gõ cái tróc vô tay tôi đau điếng và phán một câu nghe muốn trộm thêm " dơ quá". Anh chỉ cười, để yên cho tôi nhón lấy.
Lại thêm một điều tối nay chắc chắn tôi sẽ ghi vào nhật kí.

-Sao không để dành mỗi tuần ăn một loại không thấm thía hơn sao ?

-Ngu gì, ăn vậy tiền đâu mua truyện ?

Tôi lôi cuốn Nữ Hòang Ai Cập và Siêu quậy Teppi” ra khoe anh, “-mới tinh nhá, em để dành tiền ăn sáng đó, mẹ mà biết là chết, muốn đọc ké không ? Em đọc xong cho mượn “

-Mình thỏa thuận Ni nhé, anh bao em ăn kem mỗi tuần, em cho anh mượn truyện .

Như vớt được của trời cho, tôi cười nhe cả hàm răng "Duyệt" rồi đưa ngón út bắt anh nghéo để hứa , lỡ mà quên lại uổng .


Chị Nên hay anh về, hay anh đưa tôi đi ăn kem mỗi trưa Chủ Nhật dù mưa hay nắng, chị lạ lắm . “-Anh ghét mấy trò vớ vẩn này lắm mà “
Tôi mỉm cười tinh quái, cho dù vớ vẩn nhưng mà đọc truyện của tôi phải trả công chứ, cũng xứng đáng mà .

o0o

Tuổi 18 dắt tôi xa thị xã nhỏ bé, xa những buổi trưa Chủ Nhật đạp xe đi ăn kem cùng anh. Chỉ còn lại những cú phone và những lá thư anh gửi về nhà trọ .
“Nhật kí ơi, sao mà buồn vậy ? Thèm ăn kem quá” Tôi đành gấp nhật kí lại, đạp xe ra phố tìm quán kem, hình như kem ở thị xã ngon hơn kem nơi đây, nghe sao cứ nhàn nhạt, khô khốc .

Nhật ký của tôi ngày càng đây nghẹt chữ, cây đàn dây đứt mấy bận, tôi viết về nỗi nhớ không tên của mình, hát gàn dở về những bài hát ngày xưa .

Trung thường bảo tôi “Lam đi ăn kem với Trung một lần nhé”
Chỉ biết nhìn Trung mà mỉm cười như khóc, đừng có nói như thế, làm tôi nhớ anh , biết không? Sẽ như thế nào nếu Trung biết tôi nghĩ thế nhỉ ?

Nhận được tin ba vào thăm đúng dịp sinh nhật và anh cũng vào công tác trong này, tôi nhảy cà tưng trên gường như gàn dở .

Một buổi trưa chủ nhật nắng bã người, nhận được tin ... xe lật khi sắp đến thành phố , tôi quỵ xuống bên ống nghe, bên giọng anh khản đặc .

-Tại sao cùng một chiếc xe mà ba em lại không sống như anh, như người ta ?

-Khi chiếc xe mất thắng lao ào qua lề, anh nhìn thấy ba em bám tay vào ghế trước,

-Rồi sao nữa ?

Tôi như mất trí, bấn loạn cả đầu óc, lao vào nắm tay anh mà lắc “Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?

“ rồi xe xoay tròn,.. rồi

-Rồi sao nữa ? Rồi sao nữa hả ?

...rồi lăn xuống .... rồi ... anh xin em ... đừng bắt anh phải nhớ ...

Anh đưa tay ôm cái đầu băng trắng xóa, tôi im lặng, cắn chặt môi, chợt thấy mình vô lý . Giá như ba đừng vào thăm con, giá như con đừng sinh nhật tháng này, giá như ...
Tôi lao đầu ra giữa cái nắng sắp sang hè chói chang mà rã rượi. Những giọt nắng chát mặn trên bờ môi, rát cay trong mắt.

Trở về Thị xã với xác ba được ướp ở băng sau, và anh- im lặng suốt quãng đường dài 2 ngày . Mẹ khóc ngất, đám tang diễn ra lặng lẽ và nghẹn ngào.

Sau đám tang, những ngày xưa tuổi 16 tan như bóng bóng xà phòng, những gì về anh vỡ nát, tôi nhìn anh như một kẻ thù.

o0o

Dòng đời vẫn cứ trôi, chỉ tội cho mẹ một mình với thị xã buồn thiu. Chị Nên lấy chồng ngay khi vừa ra trường, không phải với anh chàng đẹp như tài tử ngày xưa mà là với một anh chàng Phó giám đốc ngạo đời.

Anh vẫn đến nhà trọ mỗi tuần, khi thì hộp kem bỏ trong bịch đá giữ lạnh, khi thì lọ thuốc cảm ... tôi tiếp anh bằng cái im lặng, bằng cái khinh khỉnh và chua chát . Hân biết, sợ anh buồn nên niềm nở thay tôi .

Ngày thứ 2, tôi bắt đầu một ngày bằng nổi nhớ không tên tuổi và kết thúc một ngày cũng bằng nỗi nhớ ấy đến cuối tuần. Càng ngày tôi càng thấy mình cằn đi. Một đôi lần tôi vẩn vơ nghĩ rằng đời mình rồi cũng sẽ mốc lên, sẽ han gỉ đi... Tôi sợ .. và rồi tôi nhận lời đi ăn kem với Trung . Những ly kem vào buổi trưa Chủ Nhật có vị đắng chát lạ lùng, cái cười của Trung tôi ngỡ cái cười anh, chiếc áo đỏ Trung mặt, tôi ngỡ chiếc áo xanh anh hay mặc.

Anh buồn, không cần Hân bảo tôi cũng hiểu, nhưng lạ, bấy lâu nay tôi có nhìn anh đâu mà biết ? Có lẽ bằng hơi thở, tôi hay giữ hơi thở mình trước khi đàn và hát, có lẽ khoảnh khắc đó, tôi nhận thấy hơi thở anh trầm đi. Nhưng mà mặc, tôi vẫn bỏ đi vào những trưa Chủ Nhật với Trung, với những khoảnh khắc chán mốc meo, để Hân thay tôi trò chuyện mỗi tuần với anh.

Tôi bước vào năm cuối Đại Học, anh về lại Thị xã làm việc, chỉ có Hân vẫn liên lạc với anh mỗi tuần .

“-Chúng mày hợp nhau lắm, Hân ạ ! Yêu nhau cho rồi”

-Mày gàn lắm, Lam ơi !

Hân quay đi với vẻ bực dọc nhưng tôi đọc được trong mắt nó một niềm vui rất lén .

“-Mày khác trước nhiều quá, Lam ạ !

Tôi chỉ cười , với tay lấy cây đàn, chợt thấy nó buồn và bụi bặm đến lạ .
Sinh nhật anh, Hân gởi quà về, không quên hỏi tôi “- gửi gì cho sinh nhật anh không ?”

-Chả rỗi hơi

-Anh nhắc mày suốt, mày thừa hiểu ...

Thương hại chứ quái gì trong đó, tôi định sẵng giọng, nhưng cuối cùng cũng bụm miệng được.

Thời gian trôi đi liếng thoắt, ra trường, xin được vào một công ty máy tính với đồng lương khá ổn định.

“-Mày không về quê à ? Có gì hẹn thề với Trung nên ở lại phải không?”

- Trung cũng được, đẹp trai, con nhà giàu , học giỏi.

Tôi quay mặt đi nhìn ra cửa sổ tự lúc nào, chợt nhớ cái ánh mắt thất vọng của Trung lúc tối, nhớ cái nắm lại của bàn tay Trung lúc giận dữ "Trung có gì thua người ta hả Lam ? Trung có gì không tốt hả Lam? Trung có gì.... ”
Chợt thấy thương hại Trung, thương chính mình, tôi bật cười chua chát

- Về làm gì, cái chính là tao muốn ở đây làm giàu.

Thế nhưng cái ý nghĩ làm giàu xẹp xuống, mẹ không chịu rời cái thị xã hiu hắt đó, chị vẫn còn ngoài Bắc, lâu lâu lại gởi tiền cho mẹ . Để mẹ sống một mình ưh ? Chỉ biết lắc đầu xua những ý nghĩa cuối cùng và lên tàu về quê .

“-Tao sắp theo mày về quê mày nè, Lam ơi!

-Con điên, mày bỏ ba mẹ mày cho ai ?

-Cho anh chị tao chứ cho ai, con gái là con người ta mày ơi, anh giúp tao tìm được việc rồi, tháng sau tao ra. Giọng nó như có câu hát, tôi thấy đắng trong cổ họng mà chẳng hiểu tại sao .

o0o

Ngày mai là sinh nhật tôi, cũng là ngày giỗ ba. Tôi đạp xe lang thang khắp thị xã, những gì xưa cũ dội trong đầu, chẳng hiểu sao lại đi ngang quán kem xưa.

-Ah, Ni, trời ơi lâu quá, cô làm kem nhé. Kem lên 2500 đ/ly rồi cháu ạ

Tôi chỉ biết cười “bỏ trong hộp cho cháu, hai phần ạ, cho mẹ một phần .”

-Đưa cô 4 nghìn thôi .

Tôi cười, giúi vào tay cô tờ 5.000đ, -bây giờ hết để dành tiền mua truyện rồi cô ạ

-Hai đứa bây sao rồi ? Thằng Hưng vẫn ra đây vào Chủ Nhật đó, cứ gọi hai phần rồi ngồi đến khi tan cả ra, phí lắm . Lại còn hay hát cái bài tiếng anh tiếng iếc gì mà Ni hay hát đó , tụi bây lạ ghê!

“-Đừng nhắc tên anh, cô ạ !” Tôi mím môi, tự tìm cái phút lì lợm trươc khi làm rơi phí nước mắt “thị xã đã thay đổi 1.000đ" . Rồi định đạp xe đi chợt

Ni ..

Không cần quay lại, tôi thừa biết giọng anh, tự dưng lại bực dọc vô lý , vừa đạp xe đi vừa làu bàu một mình “ không còn là Ni, không được gọi là Ni, chỉ mẹ, chị Nên và cô bán kem mới được gọi Ni thôi .

Đêm, trong bóng tối, mẹ quàng tay ôm lưng tôi, khe khẽ :
“Mẹ biết nó thương con, sao con cứ gàn gàn như thế ? Cứ nghĩ đứa ủy mị như chị con mới khổ, hóa ra đứa lì lợm, cứng đầu lại khổ... con ơi...

Tôi quay vào vách, giả như ngủ, nước mắt trào ra gối, nóng hổi .
Mẹ gầy quá !

Hết.

* Duyệt là tiếng lóng thời thượng có nghĩa đồng ý.
Bà Bóng
#5 Posted : Saturday, June 25, 2005 9:27:07 AM(UTC)
Bà Bóng

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 20
Points: 0

Truyện này hơi khó hiểu. Xin mạn phép cắt nghĩa.


Libido là khát vọng sinh lý, tuy nhiên để định nghĩa một cách kỹ thuật hơn, theo Carl Jung nó là nỗ lực một cá nhân vận dụng để phát triển cá tính. Cô bé Lam đang trong tuổi dậy thì, lúc mà ID, Ego và Super-Ego (bản năng, bản ngã và lương tâm) tranh chấp mãnh liệt nhất - vẫn với mục đích tạo nên cá tính để trở nên một con người trưởng thành. Theo Sigmund Freud, đời sống sinh lý con người trải qua nhiều giai đoạn, hay đúng hơn, tình yêu của con người trải qua 3 hình thái : ở tuổi sơ sinh, con người yêu chính mình. Lớn hơn khi còn thơ ấu, con người yêu cha mẹ - Chi tiết hơn, Freud còn cho biết nữ có khuynh hướng yêu cha và nam có khuynh hướng yêu mẹ - Đến tuổi dậy thì, tình yêu chuyển sang yêu bạn đồng trang lứa và cuối cùng là tình yêu nam nữ, tình vợ chồng. Tất cả mọi giai đoạn sinh trưởng tâm sinh lý ấy, hay mọi hình thái yêu đương ấy đều chung một động cơ là sinh lý. Đừng phản đối, đó chỉ là quan niệm của Freud, không phải của Bóng.
Giống như mọi thiếu nữ mới lớn khác, Lam nhìn đời bằng cặp mắt cao ngạo và xét đoán mọi sự việc như thể cả vũ trụ xoay quanh mình. Và cũng giống như mọi xuân nữ khác, Lam rất dễ bị tiếng sét ái tình. Trong tiềm thức, nàng yêu anh chàng giáo sư tư gia của chị. Ít ra, nàng không hề nghĩ tới việc công nhận rằng đã yêu. Tình yêu bắt đầu bằng tiếng sét ái tình luôn pha trộn với khâm phục tài năng hơn là diện mạo đối tượng.
Một cách ngẫu nhiên và cũng đáng buồn, anh chàng mang lại cho cô bé một tai họa khủng khiếp. Anh chàng đóng một vai trò nào đó trong cái chết của cha nàng lúc tình yêu cha còn mãnh liệt đến nỗi làm lu mờ mọi triển vọng tình yêu khác. Libido của nàng không trưởng thành kịp để chuyển hướng tình yêu cha sang tình đôi lứa. Anh chàng là hiện thân của tai họa. Đúng hơn, anh chàng là bóng mây rao truyền tai họa nếu ta ẩn dụ cái tang người cha là cái ná đời bắn thẳng vào trái tim non nớt của Lam.
"Mẹ gầy quá!" thực ra là một cung từ thú nhận là "Con khổ quá!" Lam tự quên nỗi khổ thầm kín của mình bằng sự quan tâm đến mẹ. Bản tánh cao ngạo buộc nàng tự đánh lừa mình để khỏi phải tội nghiệp mình vì mối xâu xé giằng co khốc liệt giữa bản năng và bản ngã.
Vài năm sau nữa khi đã trưởng thành, tìm được quân bình giữa 3 thực thể tâm sinh lý ấy, hy vọng Lam bớt khổ hơn.


Bà Bóng.
tvk
#6 Posted : Sunday, June 26, 2005 2:05:09 AM(UTC)
tvk

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 305
Points: 0

tvk không ở CA, nên không hề nghe được những tin tức trong cộng đồng VN ở đó về Đông Hà, nhưng mỗi khi đọc một bài thơ hay văn của cô bé Hồng Vàng bên website "Nhà Việt Nam", bao giờ cũng thầm nghĩ: "Con bé này viết như thần đồng, có thể gọi là một "hiện tượng" đúng nghĩa "hiện tượng", trước sau gì rồi cũng nổi tiếng cho mà xem". Thì ra cô nàng đã nổi tiếng rồi dưới cái tên Đông Hà!
Thăng Long
#7 Posted : Thursday, June 30, 2005 2:24:37 PM(UTC)
Thăng Long

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18
Points: 0

Người thương.

Người thương ơi , con trăng treo trên ngọn cây
Rọi sáng bờ giậu , rọi sáng bờ đê
Người thương ơi, cái dạ này biết nhớ

.....

Líu ơi

Ơi

Nghe tiếng Líu hát từ đằng xa tít.

Thiểm bước khẽ lại gần, nắm cánh tay mềm mại của Líu, vuốt lên mái tóc dài của Líu.
Bóng trăng nghiêng qua ngọn tre, lung linh những hạnh phúc qua đôi mắt của Thiểm và ánh lên trên đôi môi hồng bẽn lẽn của Líu.

Bửa nay tát nước mệt không?

Líu cố giả tảng nhịp đập lạ lùng của mình, hỏi Thiểm bằng những câu hỏi như mọi ngày.

Mệt, mệt lắm chớ, nhưng mà gặp Líu thì hết mệt, mà cái bụng lại vui nhiều nữa.

Líu cảm động, nghe bao nhiêu lần cũng thấy chưa đủ, thấy muốn nghe nữa. Líu quờ quạng cánh tay, rờ lên mặt Thiểm, như muốn thuộc lòng từng đường nét trên khuôn mặt người Líu yêu.

Nhiều lúc ngồi lặt bắp, Líu suy nghĩ lung lắm, Líu cũng không ngờ cái thương nó lại đến với mình. Vui rồi buồn, Líu lại rúc vào cái vỏ ốc của chính mình

"Líu mù, mai mốt Thiểm không thương Líu nữa, hay cha mẹ Thiểm không cho ưng"

"Thiểm thương Líu thiệt mà, mù thì sao? Thương là thương cái dạ, cái tình, chứ thương nhan sắc sao Líu nói vậy. Tui thương Líu, là tui cưới, cha mẹ không cho, tui cũng cưới "

Vậy đó, chỉ mới đấy mà đã bốn mùa trăng qua đi, cái mặn, cái nồng của đôi bạn trẻ như sâu đậm thêm, tưởng không gì rứt bỏ được.
Những câu hát trên môi của Líu chẳng còn ai oán như xưa, chữ thương, chữ nhớ biết làm cho đôi môi biết rung, biết mím, biết cười.

Đêm nay trăng lại sáng, Líu đếm ngón tay, Líu biết. Líu đợi người thương. Đợi mãi, đợi mãi, dạ Líu như cháy lên, cồn cào. Vậy mà Thiểm không tới, Líu không biết có chuyện gì xảy ra với Thiểm không. Líu chống cái cây, quờ quạng đi ra hướng đồng. Líu gọi nho nhỏ, sợ người ta nghe, nhưng rồi Líu gọi lớn, gọi mãi, gọi mãi, bốn bề chỉ có tiếng ếch nhái rộp roạt. Đến khi sương đẫm vào vai thì Líu về.

Sáng hôm sau, tiếng ầm ĩ vang dội cả một góc làng

"cha chúng bây, mù mà bày đặt vói cao , từ nay tao cấm, bây bỏ bùa mê thuốc lú con tao hả? cha chúng bây...

Tiếng chửi rủa vang dội vào vách nứa , Líu tái xanh, run lẩy bẩy. Nhưng Líu vẫn ngóng tai nghe
.
"cha, con xin cha, làm vậy tội Líu mà cha, tội chúng con mà cha "

Líu biết đấy là tiếng của Thiểm. Nước mắt giàn dụa, nàng bật khóc tức tửi, cái ngày này, nàng biết trước , nhưng không ngờ lại đau cái dạ đến thế.
Cha nàng đi làm đồng về, trong cơn nóng giận, ông vác cái chổi mà phang vùn vụt không thương tiếc.

"Mày để họ làm nhục tao, quân khốn nạn, quân mất dạy..

Mẹ Líu khóc lóc, quỳ lạy , van xin. Líu ốm đòn, máu tué ra cả bả vai. Nhưng Líu không khóc, chỉ cắn môi đến bật máu

"Con bất hiếu, con có tội , cha cứ đánh, cứ mắng "

Nửa đêm, Líu đang rên rĩ với những vết nhức nhối trên lưng thì cái vách rung rung , Líu ngạt thở , Líu biết là Thiểm. Líu định nằm im, nhưng rồi khoát thêm cái áo, len lén trốn ra.

Líu..

Thiểm đứng đó mà không nói được gì, cái tay cứ ríu vô.

Thiểm về đi, đừng để cha mẹ Thiểm làm nhục nhà Líu thêm, về đi Thiểm.

Nói được bấy nhiêu, Líu bật khóc. Thiểm xoa nhè nhẹ lên vai của Líu
"Tui biết nhà Líu nhục, biết Líu bị đánh đau , tui hèn quá mà, Líu bị đánh mà tui không làm được gì hết. Nhưng dẫu sao đi nữa, tui cũng thương Líu, thương miết như cây lúa thương nước mùa hạn vậy"

Líu cũng thương Thiểm, nhưng Líu mù, Líu phải chịu thôi , đâu dám cãi lời. Phận Líu vậy rồi, Líu đâu dám than trời.

Tui sẽ bù đắp cho Líu, Líu muốn trốn đi với tui không? Tui thề không bao giờ ở bạc với Líu hết. Có trời chứng dám, tui thề...

Líu đưa tay bịt miệng Thiểm lại, không muốn cho Thiểm thề, cái thề nặng lắm, ám lắm . Mà...

Chợt..

"Con líu đâu rồi?

Líu giật thót mình, đẩy Thiểm ra :" về đi Thiểm, coi chừng bị cha Líu đánh"

Trong cơn rối bời, Thiểm như mạnh mẽ hơn :" đi theo tui, trốn với tui, nhanh lên Líu "

ơh.. không ,..không... Líu sợ

"Con Líu đâu rồi?"

Líu như quáng quàng , rút tay khỏi tay Thiểm, lập cập dò gậy, bước vô nhà.

Mùa trăng , mỗi bận đi tát nước về , Thiểm lại cố đi ngang con đường cũ, lòng Thiểm như đau đớn mỗi khi nghe những câu hát của Líu. Những lúc cam lòng không đậu, Thiểm lén vòng ra vách nứa, đặt tai vào, cố nghe ngóng, như thể cố tìm một chút hơi thở của người Thiểm thương.

Bao nhiêu người làm mai cũng không thành, Thiểm chỉ chỉ lắc đầu. Cha mẹ bảo Thiểm bị bùa mê con yêu tinh đội lốt người , Thiểm giận, ức nhưng im lặng. Nghe cái thương vẫn đầy trong cổ họng, trong lồng ngực , nhất là những lúc đi ngang xóm Muống, thấy Líu đang giặt đồ bên sông. Cái mặt trắng xanh buồn bã , đôi cánh tay gầy guộc, cái áo nâu cũ từ những mùa trăng trước.
Thiểm buồn nhất mỗi khi Líu nghe tiếng Thiểm bên tai, Líu như vùng ra xa, sợ hãi. Líu không còn rờ mặt Thiểm như hồi xưa , Líu không còn mỉm cười với Thiểm nữa, lời thương cũng không còn. Líu luôn sống trong lo sợ, trong tự ti, mặc cảm , trong cái răn đe đòn roi từ hai phía.

"Tui nghèo hèn, tui mù...

Thiểm lủi thủi ra về. Ngỡ cái chân mình muốn khụy xuống.

"Nhà này, mày là trai cả, phải lấy vợ , sinh con đẻ cái cho đông để nối dõi tông môn"
Má Thiểm khóc lóc :" chữ hiếu là chữ nặng nhất, đừng bất hiếu với dòng tộc, con ơi "

"Lấy Líu cũng sinh con để cái , sao không cho con lấy Líu"

"Cha bây, ăn cái ngữ gì mà ngu vậy hả? Thứ mù như nó đẻ con ra cũng toàn lũ mù, nhà tao không chấp nhận cái ngữ yêu quỷ đó "

Chưa đẻ sao biết con cũng mù. Người mù có tội tình gì mà cha rủa xả ác độc đến vậy.

Quân ngu dốt, quân mất dạy, mày nói thêm câu nữa, tao đánh tuốt xác

Mẹ xin con, Thiểm ơi, nghe lời ổng cho yên cửa yên nhà.

Rồi cha mẹ Thiểm cũng bắt vợ cho Thiểm, mặc cho những chống cự vô vọng.

Ngày đám cưới Thiểm, rước dâu ngang nhà Líu. Líu biết, Líu không khóc , còn nước mắt đâu mà khóc nữa chứ. Líu chỉ biết cắn môi, cắn đến chảy máu. Líu cầu ông trời cho Thiểm được con đàn cháu đống, cầu cho Thiểm được vui, được ấm dạ , cầu cho Thiểm...

o0o

Chuyện gì cũng qua đi, Líu trở về với cuộc sống mù lòa của mình , những đêm trăng sáng, Líu hay đặt lời hát rồi hát , giọng hát đã hay lại hay và não nùng hơn.
Một ngày khi cơn giông đầu tiên của mùa lạnh trở về , cha Líu đột ngột chết. Chưa đầy một con trăng kế, mẹ Líu lại mất. Líu như chới với , lạc lõng.

Thiểm hay tin, lén vợ con, giả đi làm đồng rồi hỏi dò nơi chôn cha mẹ Líu. Khi Thiểm đến, thấy Líu đầu quấn khăn, gầy gò ngồi bên mộ , dạ Thiểm đau như đứt từng khúc ruột.

"Líu tính sao?"

Biết tính sao, để trời tính vậy.
.........
.......
Thôi, Thiểm về đi, người ta thấy lại đồn đại, vợ Thiểm làm ầm ĩ

Líu cũng về đi, ngồi đây gió lạnh bịnh thì sao

chút nữa Líu về, Thiểm về trước đi. Vợ Thiểm biết thì chết. Về dùm Líu đi mà.

Uh, tui về, mà từ từ đã, Líu đã ăn gì chưa? sao mà xanh quá vậy?

Về đi mà

Thiểm thò tay vô cái gàu tát nước, lấy nắm cơm, giở túm lá chuối ra, chấm một miếng muối mè rồi đặt vào tay Líu, :" Líu ăn hết cái này tui mới đi, còn không tui ở miết đây cho người ta bàn tán "

Líu tái xanh, "xin Thiểm, về đi mà"

Thì ăn xong, tui đi liền

Quả thiệt, Líu nuốt không vô, cái miệng Líu buồn, không ăn được đâu.

Không ăn tui ngồi đây miết, Líu đi đâu, tui đi theo

Biết chừng không nói lại được Thiểm, Líu cầm nắm cơm , đưa vô miệng , nước mắt ràn rụa. Biết Thiểm còn thương Líu như cái bụng Líu thương Thiểm vậy nên Líu chỉ biết khóc. Líu không mong gì hơn, biết là có thương , vậy được rồi.
Líu càng thương, chỉ biết càng tránh mặt Thiểm để nhà họ yên ấm.

Được vài ngày, em trai Líu về, để tang, rồi dắt Líu theo. " mang cha mẹ theo thờ luôn, chị theo tui lên xứ mới, cực nhưng mà có đất ruộng để làm "

Buổi sáng khi trời còn mờ câm, em Líu dắt Líu đi. Hốc mắt của Líu tràn nước , Líu biết từ nay Líu phải xa những cái thân thuộc , tiếng bước chân, tiếng nói của Thiểm, xa cái buồng nhỏ, xa cái giếng Líu gội đầu, Líu tắm ,.... Nhưng rồi Líu tự an ủi :" biết đâu mình đi xa, nhà họ lại yên ấm hơn, vợ Thiểm sẽ không chửi bới nữa..."

Vậy là Líu đi, Thiểm không hay biết gì cả.


Líu, chị vô nhà kẻo sương bịnh chết . Tui nói thiệt, chị mà như vậy, cha mẹ cũng buồn lòng nát dạ dưới kia thôi .Tui hứa với chị, tui lo cho chị đến ngày nào tui chết mới thôi .Khóc miết hết nước mắt , chết khô bây giờ .

Thằng Phiu chống tay vô cái cột, thở dài thường thượt nhìn bà chị ngày càng héo hon mà lòng như đứt từng khúc .
Líu cố mím cái môi, cố ngăn cái quặn đau trong bụng, chống gậy rò rõ bước vô nhà . Vầng trăng đêm chếch sáng một góc, bàng bạc đến não trời như cố xóa cái ngấn tay mà Líu bấm, Líu biết mùa trăng mới lại về .

Khuya, Líu vẫn còn thao thức với hốc mắt nóng hổi, cái bụng̣ Líu nhớ quá, cái dạ Líu xót quá, Líu nhớ hết, cái gì Líu cũng nhớ , Líu thấy mình như chẳng còn gì nơi rừng thiêng nước độc này . Líu muốn về lại cái nhà của Líu, bờ sông của Líu, ...

Ơ hời ... Líu lại khóc ... Líu cố nén tiếng khóc bật ra, cắn đến môi bật máu . Líu nhớ quá, Líu muốn quên mà sao cái bụng Líu cứ nhớ miết . Líu nhớ Thiểm nữa, nhớ nhiều lắm .Líu không biết bây giờ Thiểm có sống vui hơn lúc trước không, không biết vợ Thiểm còn chí chách mắng Thiểm như xưa không .
Ơ hời ... Líu lạnh quá .

Líu đếm ngón tay, nghe tiếng gà gáy, Líu biết giờ này đã canh ba . Líu vẫn chưa ngủ được . Bốn mùa trăng rồi mà cứ như ngày mới lên, cái bụng cứ quặn thắt miết như nước suối mùa lũ vậy.

Thôi mà, giờ chị em nhà tui, mỗi tui là người thân duy nhất của bả , tui không lo, ai lo cho bả bây giờ"

Thời buổi khó khăn, lại thêm cái miệng ăn, con này không ngu mà còng lưng ra làm miết vậy đâu .

Líu giật thót mình, nằm im thin thít lắng nghe . Tiếng vợ chồng Phíu, hình như cãi nhau .

Bả cũng giúp mình nhiều đó thôi, gánh nước, nhặt củi, nấu cơm, coi mấy đứa nhỏ, ..

Mấy cái đó nhẹ hều, ngày không bả, tự tui cũng làm đựơc .Mấy đứa nhỏ lớn lên như cây ở rừng, cần gì coi sóc .

Be bé cái mồm, tui vả cho cái bây giờ

áh àh, ông binh cho bả , bỏ bê tui ...

Tiếng khóc tru tréo của Leng vang lên giữa đêm . Có tiếng hình như vật nhau, chắc là Phíu bịt miệng vợ lại, sợ Líu nghe thấy .
Một lúc sau, tiếng tru tréo lại vang lên lớn hơn, tiếng vỡ của cái đèn dầu toang giữa đêm , Líu lập cập đứng dậy, tìm cái gậy mò mẫm lên gian giữa, nơi vợ chồng Phíu ngủ .

"Chị xin bây ...."

Áh, Líu ngã xuống, có vật gì đó chọi trúng trán Líu . Phíu nhìn sững ra phía ngoài buồng, dáng Líu ngã xuống, dưới ánh trăng vằng vặt, một dòng máu chảy dài trên nền đất . Phíu hốt hoãng bồng chị lên, đặt lên giường, cởi cái áo, xé ra, quấn vòng quanh đầu Líu .

"Chị có sao không, tại tui hết mà, chị ... .. "

Leng nãy giờ tái xanh tái lét đứng trong góc chỉ biết nhìn, bây giờ ngoay ngắc bỏ ra ngòai để lại tiếng hứ dài ngoằng . Dẫu vậy nhưng cái bụng Leng cũng xon xót.

Líu, trời quơi, chị mà có mệnh hệ gì, tui biết ăn nói sao với cha mẹ đây, trời quơi là trời.

Nữa buổi trưa, Líu tỉnh lại, môi tái xanh, khuôn mặt trắng bệch như người bịnh . "Nước ..

Chị tỉnh rồi, trời quơi, tui mừng quá, có đau cái đầu không ? Nước, .. để tui lấy " Phíu hấp tấp chạy xuống bếp lấy nước .
Phíu mở cái nắp ấm, rót nước vô gần đầy nắp , ghé vào miệng cho Líu uống .

"Chị có sao không ?

Uống nước xong, chừng khõe một chút, Líu bước xuống giường
"Chị làm khó cho Phíu rồi phải không ? Giá mà chị chết theo cha mẹ thì đâu làm khổ Phíu vầy đâu"

Phíu đấm cái tay xuống giường :

"Chị đừng nói vậy, chị là chị tui, tui không lo cho chị thì ai lo , vợ tui nó còn nhỏ quá, nó dại, để tui dạy từ từ, chị đừng có buồn .

Thôi, Phíu đi làm rẫy đi, chị đi gánh nước đây

Thôi, để tui gánh cho, chị nghỉ đi, chóng mặt té bây giờ, máu chảy quá chừng, còn sức đâu mà gánh . Tại tui lỡ tay, trời quơi, biết ăn bao nhiêu cho lại bấy nhiêu máu đó chứ . Chị nghỉ đi, có chén cháo tui nấu cho chị dưới bếp, tui múc sẵn để dưới chái, chị ăn đi cho sốt, rồi nằm nghỉ, bửa nay việc nhà để tui lo

Phíu nói vậy, rồi ra sau, lấy thùng nước đi gánh nước một hơi . Sau lưng và trước mặt Phíu một con nắng chan chan đến rát da , cứ ngong lên như thể muốn hủi cả người Phíu vậy.
Còn lại Líu với 4 đứa nhỏ ở nhà . Hình như mấy đứa nhỏ bị cha dặn bữa nay không được quấy rầy Líu nên tụi nó tản ra, đi đâu mất . Líu ngồi một mình lại suy nghĩ, lại ơi hời .

Từ ngày Líu lên đây, vợ chồng nhà Phíu luôn cãi nhau, cái ấm cái êm đã đi tự lúc nào không hay biết. Líu thương em, Líu thương Leng, Líu muốn bỏ đi từ lâu rồi để chúng nó đầm ấm, nhưng.... từ nhỏ tới lớn, có khi nào Líu sống một mình đâu, Líu nhát như con thỏ , Líu không biết mình sống ra sao với cây gậy dò dẫm. Vã lại, nếu Líu đi, Phíu sẽ buồn đau đến mức nào. Nếu biết mọi chuyện nông nổi này, Líu thà ở lại cái làng xưa còn hơn.

o0o

Khi cái chiều rớt dần qua ngọn núi, Phíu chùi mồ hôi trán, uống ngụm nước chè trong ấm rồi gọi vợ, vác cuốc, gùi đồ về . Con đường mòn đất đỏ trãi dài hai cái bóng ốm nhom, dài ngoằn trên đường .

Tui nói rồi, mình đừng có như vẫy nữa, chị tui buồn tội nghiệp bả

Tui tội nghiệp cho bả, ai tội nghiệp cho tui ?

Thôi mà, bả mù từ nhỏ, sống thui thủi một mình miết thôi, không bạn bè, không gì hết . Mình thấy không, mình còn có tui, có con cái, mai mốt già có con nó lo cho, chớ còn chị tui, đâu ai lo đâu, bỏ bả ra ngoài, biết sống chết ra sao .

Vợ Phíu đi bên cạnh, hết chí chóe cái miệng, hình như thị đạ̃ nghe ra một chút. Phíu thấy vợ im lặng, Phíu mừng cái bụng, Phíu biết vợ Phíu dại lắm, chưa nghĩ được cái gì hết, Phíu phải nói từ tốn may ra vợ Phíu nghe, chứ cứ dùng cái tát, dùng cái lời to tiếng lớn, vợ Phíu càng đổ chua ngoa ra .

Hai vợ chồng vừa về đến ngõ, như thường lệ, vợ Phíu gọi con:" mấy dứa nhỏ đâu hết rồi bây ?"
Thằng Út ở truồng, mặt mày bê bết đất, bê bết mũi dãi đang hốt đất bỏ lên đầu, thằng lớn đâu mất, vợ Phíu nóng mặt, quát lớn, "thằng cả đâu, để em vầy đây hở ?"
Con bé Ba chạy ra ôm chân mẹ :" anh cả đi tìm cô Hai, cô bỏ đi đâu mất. Hu hu .. con muốn cô Hai ẵm."

Phíu nghe xong, đứng như trời trồng, chừng khi tỉnh người, Phíu chạy vô cái buồng Líu hay nằm : "Chị ..."
Căn buồng nhỏ bằng phên như trống hoát ra, cái chõng chỉ còn cái gối rơm, cái mền cũ, còn túi đồ của Líu đâu mất , Phíu hốt hoãng nhìn hết bên này tới bên khác, nhìn trước mặt, nhìn sau lưng, căn buồng chỉ bé xíu mà Phíu nhìn không biết bao nhiêu lần, Phíu tìm Líu như thể tìm cái kim rớt xuống đất vậy .

(còn tiếp)
Thăng Long
#8 Posted : Thursday, June 30, 2005 2:27:11 PM(UTC)
Thăng Long

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18
Points: 0

Người thương. (tiếp theo)


Tiếng rỉ rão của côn trùng, tiếng xào xạc của rừng cây về chiều khiến Líu thót tim lại, dò dẫm trong những sợ hãi, những run rẩy .

“-Biết sao đây hở trời ?”

Líu vừa dò dẫm đi, vừa thút thít khóc. Líu nhớ Thiểm quá, nhớ mấy đứa nhỏ quá, nhớ cả vợ chồng thằng Phíu . Líu ước gì mình đừng dại dột thế này.
Líu dùng tai để nghe ngóng, dò dẫm đường mà đi, miệng lẩm bẩm mãi :” Thiểm ơi ... Thiểm ơi ...”

Nơi quê nhà xa xôi, chẳng biết vì cớ nào mà lòng dạ Thiểm như có lửa đốt. Lúc nãy, Thiểm ngủ quên khi ngã lưng ở bờ ruộng, tự nhiên Thiểm giật mình khi dường như nghe tiếng Líu gọi mình. Thiểm nhìn xung quanh, tự lúc nào, con nắng đã sậm màu, bàng bạc sắp về đêm. Thiểm vội vác cuốc lên vai, tay xách ấm chè bươn bải về nhà mà nghe dạ bồn chồn đến lạ lùng. Từ ngày hay tin Líu không còn ở cái nhà xưa, Thiểm như chết đứng, chết ngồi . Thiểm cứ nghe ngóng trong vô vọng, bởi chẳng biết Líu đi đâu, về đâu .

Mấy đêm sau, đang mùa trăng, Thiểm ra ngồi ngoài sân, nhìn lên trời cao, não nề cho gia cảnh của mình, thương nhớ đến người con gái mù lòa mà Thiểm thương ngày xưa. Thiểm mấp mé hát trong cuống họng “người thương ơi con trăng treo đầu ngõ..." những ngày xưa như tràn về, Thiểm như thấm hơi men của một thời, của những nén chặt bấy lâu, Thiểm hát to, to đến người đi tận ngoài ruộng cũng nghe ...” .. người thương ơi cái dạ này biết nhớ ...

Câu hát làm vợ Thiểm điên tiết, thị đứng trước cửa, chống nạnh mà la làng, chửi trời, chửi đất. Thiểm cũng đã quá quen thuộc với những câu chửi ấy nên im lặng rồi đứng phắt dậy đi ra ngõ để lại một câu trổng lơ “quân hỗn láo !” Thiểm không thương vợ, nhưng Thiểm vẫn lo cho cái nhà có đủ cái ăn, Thiểm cặm cụi làm lụng cực nhọc mà chẳng hiểu sao cái miệng thị mỗi ngày càng thêm xoen xoét. Tại Thiểm cứ im lặng miết nên thị làm tới phải không ? Thiểm vừa đi, vừa thở dài chán chường, não cái bụng không tưởng được. Vừa qua khỏi hàng bờ rào, Thiểm va vào người đàn ông đi trước mặt.

“-Thiểm làng Muống phải không hê ?

-Ủa, ai mà biết tui đó

Dạ, tui ..tui là Phíu con ông Cả Phiên đây mà

Trời quơi, chú Phíu, đi đâu mất biệt mấy năm rày ? Chú có biết Líu đi đâu không ? Hay chú mang về trển với chú ? Líu thế nào rồi ? Cho tui hay với, chú làm ơn đi...

Thiểm nắm vai Phíu mà lắc, mà hỏi dồn dập. Phíu như đứng chôn chân, miệng há hốc.

-“Tui tưởng chị Líu về dưới này, tui đem chị tui về trển, vợ tui dại, nói bậy bạ, chị tui buồn cái bụng rồi bỏ đi, tui đâu hay... tui về đây tìm ...

Thiểm như muốn khụy xuống, trời quơi, Líu mù lòa mà, làm sao mà ... Thiểm cũng nói không ra tiếng nữa. Ông trời sao mà bất công, sao ông đọa đày người sống thiệt vậy ông ? Tui thân đàn ông đây, ông muốn hành gì thì hành, , đừng hành Líu mà tội, ông làm ơn làm phước chỉ cho tui đường đi tìm Líu, ông trời quơi ...

-Tui đâu ngờ sự thể ra thế này, trăm sự tại tui cả ... Phíu khóc khục khan trong cổ.

Con trăng đã nằm dài phía đằng đông, đâu đó xa xa tiếng gà gáy sáng rãi rác vang giữa đêm sương. Phíu và Thiểm vẫn ngồi đó, bệt xuống giữa đán cỏ trên đường ra sông.

-Chắc tui đi nữa đây, tui phải tìm cho ra chị tui, tui mới thôi.

-Ngày xưa cha tui nhục mạ nhà chú, chú không hận tui chứ ?

-Bây giờ mà nói chi mấy cái chuyện xưa rích đó, tui đâu có để bụng làm chi, chỉ tội cho chị tui héo hon thôi.

Thiểm chộp bàn tay của Phíu, nắm chặt, “vậy chú cho tui đi tìm Líu, tui còn lòng dạ nào mà ở lại làng trong khi chưa biết Líu giờ ra sao.

Anh còn vợ con, còn dòng họ, đi sao được, họ cười vào mũi cho, Líu là chị tui, để tui tìm được rồi, tui ghi nhận lòng của anh, tui biết hồi xưa anh thương chị tui thiệt nên tui đâu có óan, oán là óan ông trời không công bằng với người hiền lành như chị tui thôi.

Tui có con đâu mà con, tui biết, cái số tui đúng ra phải được lấy Líu, lo cho Líu mới phải, tại hồi đó tui cũng ngu, tui mà vác Líu bỏ chạy thì ai làm gì được. Tui mang Líu đi, sanh con đẻ cái, tui lo cho Líu, lo cho tụi nhỏ, Biết đâu Líu không phải như vầy Tui biết chuyện này là lỗi tại tui hết, Líu có chuyện gì, tui làm sao mà sống . Vậy cho tui đi với, bốn mắt bốn tay thế này cũng tìm lẹ làng hơn mà.

Phíu thở dài
- anh có muốn tìm thì tìm, tui sợ khó cho anh, bây giờ tui phải về trển trước, tui đi vầy vợ tui đâu hay, bả mà bỏ đi tìm tui thì mấy đứa nhỏ không biết tính sao. Tui sẽ đi hướng Tây, tui lần mò mãi, trông ông trời thương mà cho tui tìm ra chị tui .
-
Thiểm nhìn theo cái dáng của Phíu xa dần mà cổ họng nghẹn lại. Đôi bàn tay của Thiểm nắm chặt lại, như muốn nghiền nát nắm cỏ nơi Thiểm ngồi.
“Líu ơi là Líu, chi mà tội tình vầy hở Líu ...

o0o

Những ngày cuối năm, cái rét căm căm phà vào ngực áo, phà vào mặt, rát buốt. Vậy mà...

(còn tiếp )
Thăng Long
#9 Posted : Thursday, June 30, 2005 2:29:17 PM(UTC)
Thăng Long

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18
Points: 0

Dòng sông sao

-ông tưởng mình là cái thá gì ?

-Là cái thá cái thằng tôi

Khóe miệng ông nhếch lên một nụ cười nhàn nhạt nhưng ánh mắt lại bao dung và dường như ấm áp , vẫn như ông của 3 năm về trước. Tôi buông thỏng cánh tay xuống, thở dốc .

“-Đi khỏi phòng tôi ... đi đi

-Tôi chỉ đi khi em biết cười

Tôi luôn là người thắng cuộc ngòai mặt, nhưng rõ ràng lúc nào cũng là con bé thua cuộc hạng bét . Tôi nhếch môi, cái cười bắt chước lại nguyên xi nụ cười của ông .

-Đi khỏi phòng tôi, mang theo cái khó ưa của ông luôn đi.

-Sao chưa khi nào em biết dịu dàng với tôi một lần, như thế nghĩa là tôi là một tên khó ưa sao

-Đúng, khó ưa

Ông bước ra khỏi phòng, hình như cái đầu hơi cúi xuống, đúng lúc tôi thở hắt cho nhẹ thì bỗng dưng ông quay đầu lại “ 3 tiếng nữa tôi quay lại , giờ thì đi khỏi cho khuất cái bộ mặt khó ưa của tôi đây .
Ông thảy lại cuốn DVD cartoon trên chiếc bàn học cho tôi “quà cho em” rồi thọc tay vào túi quần, đi ra .

Tôi đóng cửa phòng một tiếng nghe khô khốc, gieo mình úp mặt xuống giường :” ông đó ưh ? Phải ông của em ngày xưa đó không ? Tại sao ông quay về đột ngột không một lời báo trước như ngày xưa ông ra đi ?

Tôi định khóc tóang lên, chợt nghe tiếng gõ cửa cốc, cốc .. cốc, cái cách gõ cửa của ông, chỉ có ở ông mà thôi. Một ngón trỏ đầu tiên, ngón giữa, tiếng cuối là ngón út. Tôi gồng mình :” Đi”

Dường như ông xem như mình chẳng nghe gì cả, ghé miệng vào cửa :

- 3 tiếng nữa tôi quay lại đón em đi ra ven sông dạo, tôi muốn thăm lại thành phố này một chút, nhớ đó, 3 tiếng nữa”

-Tại sao phải là tôi ?

-Vì tôi chẳng còn ai thân thiết ngoài em ở cái thành phố này.

3 tiếng sau, ông đến thật, chiếc quần kaki trắng, chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, , tôi nhận ra hạt nút trên cùng , 3 năm trước tôi vụng về đơm lại cho ông. Sông buổi chiều bàng bạc những im lặng đến khó chịu của cả hai. Rồi ông cũng là người mở miệng trước.

-Tại sao em muốn đuổi tôi một khi tôi muốn trở về ?

-Tại sao ông ra đi khi em biết mình cần ông ?

-Bây giờ em vẫn cần tôi chứ ?

-Thế có nghĩa là ông muốn ra đi thêm một lần ?

-Em cứ mãi trả lời tôi bằng những câu hỏi sao ?

-Hình như ông cần như vậy phải không ?

Ông thở dài, cái lắc đầu của ông cũng như ngày xưa. Tôi đưa mắt ngắm ông thật lâu, chợt nhận ra những sợi tóc bạc đầu tiên .

-Tôi già rồi phải không ?

Bộ ông muốn mình thành người lớn lắm sao ?

Tôi là người lớn lâu rồi, từ rất lâu rồi

-Sai, ông là một đứa con nít không hơn không kém

-Tại sao ?

-Một người lớn chả bao giờ .. chơi trò đuổi bắt

Ông nhếch miệng một bên “-Tôi biết em nghĩ thế từ lâu, nhưng em chưa lớn nên tôi chưa giải thích cho em hiểu được”

-Em là người lớn, không phải là con nít .
Tôi hét to quá, bao nhiêu người qua lại chợt nhìn vào. Ông lại cười, cái cười đáng ghét mà thời gian ông đi biệt đã ám ảnh tôi .

-Cái cười của ông như quỷ sứ nơi địa ngục.

-Tôi đã nói rồi, tại em thánh thiện quá đấy thôi …

Cục tức chạy lên cổ : - về, em muốn về

-Đang lúc giữa chừng mà đòi về có nghĩa vẫn là con nít

Tôi chỉ biết mím môi, nói như hét vào tai : -thì ở lại,
Ông không cười nữa, bàn tay vô tình chạm phải bàn tay, tê buốt cả nỗi niềm .

-Cuộc sống của em và mẹ giờ thế nào ?

-Như ông thấy đấy

-Tôi muốn nghe em lể

-Về mà hỏi căn phòng em, em chả nhớ gì để kể cho ông nghe

-Em vẫn bướng bỉnh như ngày xưa

-Còn ông lại đáng ghét hơn ngày xưa

Tôi nhớ lại mình 3 năm về trước, nhớ lại những lần bá cổ ông đòi kể chuyện cổ tích, nhớ lại những lần ông cầm kem cho tôi mút , nhớ lại những lần ghé miệng ăn những hạt bắp nướng ông lặt trong tay, nhớ cả những hứa hẹn” mua cartoon cho coi, kể chuyện cổ cho nghe...” mỗi khi năm nỉ con bé ngày xưa_ tôi uống thuốc . Ông nhiều quá, lấp cả một quá khứ xa xôi.

-Đang nhớ chuyện gì xưa lắc phải không ?

-Không

-Dối,

-Tùy

-Em cảm thấy như thế nào khoãng thời gian không có tôi ?

-Yên bình

-Thật ?

-Thật, không tin thì nghéo tay cho tin, ông chỉ là những con sóng bão thôi, mà em thì chả cần nó trong đời, em khác mẹ ở điểm đó, em không đủ sức .

Ông nhếch môi, tưởng ông cười, hóa ra lại chỉ là một cái nhếch môi phờ phạc .

-3 năm qua, ba em có về thăm lần nào không ?

-Không, không hề, mà về để làm chi ? Để làm sóng xô bờ đau thêm một lần rồi bỏ đi nữa ư ? Em chả cần, và mẹ cũng thế. Cũng như với ông, em chả cần, vướng víu, khó thở

-Khó thở ư ?

-Nói trắng ra là ngạt thở, giá ông đừng về thì hơn


o0o

Vậy mà ông ở lại. Tháng 3 rồi tháng 5, tháng 7 ...

-Sao ông không đi đi, cứ như cái ngày xưa ấy

-Em muốn tôi đi đến như vậy sao

-Muốn thế. Mà tại sao ông về ?

-Tôi mệt mỏi với công việc, mệt mỏi với cuộc sống bộn bề, mệt mỏi với những cô độc xứ người, tôi biết mình cũng có một miền yên bình cho mình, vì thế tôi trở về, như về “cổ tích” mà thế giới có em vậy.

Tôi đuối lý rồi, tôi không chối bỏ được lòng mình nữa rồi, nhưng tôi rõ ràng là một đứa con gái, không hơn không kém, ngạo ngược và bướng bỉnh.

-Ông nên đi thì hơn, em sẽ là địa ngục đấy, cổ tích mất rồi

-Em vẫn giữ ý định gọi tôi là ông mãi thế sao ? Em bé hơn cô em đâu là bao

-Không muốn đổi, thế thôi. Mà ông nhớ người xưa à ?

-Uh, nhớ, nhớ lắm dẫu đang đứng cạnh

-Ông về đi, em còn phải học bài. Tôi gào lên như bất lực trước cơn gió

-Tại sao ?

-Vì ông quá khôn

-Chỉ đủ khôn hơn em một centimet

Cái ánh nhìn ngược ngạo của tôi chiếu vào ông, như muốn thể hiện cái tôi ngạo mạn của mình, nhưng rồi lại hốt hoãng khi giáp ánh mắt chợt nồng nàn, có chút gì si dại của ông.
Tôi mím môi, trân cổ :” về đi, em phải học bài”

o0o

Tháng 9, tôi chuẩn bị cho mình một điều ước riêng tư cho ngày sinh nhật. Tôi biết sẽ có ông để cùng thổi nến, có ông để cùng mở quà như ba năm về trước, có ông lại tất cả để được chiều chuộng như ngày xưa và có ông để tôi được chăm sóc cho ông, điều mà 3 năm qua tôi không thể . Tôi thấy mình trong trẻo như những năm về trước, không còn những cái nhíu mày, cái kham khổ khi chịu đựng một điều quá sức dấu kín .
Ông đến, vẫn nụ cười và cái nhếch mép khó ưa.

-Tôi đi mua quà sinh nhật cho em đây, có muốn đi cùng không ?

-Bận

Ông đi ra cửa, bất chợt quay đầu lại
_Đã có bao giờ em có ý nghĩ em cần tôi ?

-Chưa bao giờ, em chả cần bất cứ một thằng con trai nào trên thế giới

-Ngay cả thằng đó là tôi ưh ?

-Đúng thế!

-Có nghĩa là em muốn tôi đi khuất mắt?

-Ông nghĩ em là người chán sự an bình hay sao mà quên cái gật đầu ?

Tôi cười, cái cười váng lên trong nắng ban mai. Rơi đậu trên giọt sương đầu ngày. Đâu ai hay tan lúc nào.

-Em không hối hận đấy chứ ?

-Thế có khi nào ông hối hận những gì mình làm khi sáng suốt chưa ?

-Em bướng bỉnh quá, tôi đi mua quà cho em đây.

Ông bước ra, tôi nhìn theo , ông gầy gò quá, có lẽ hơn cả ngày xưa, sao bấy lâu tôi không nhận ra ?

Tiếng chuông đêm ngoài cửa khiến tôi nhảy phóc ra, ông đến muộn quá, nguội cả món súp su lơ nấu riêng cho ông rồi.

-Cô là Hà Lam?

Ơh, không phải ông, tôi xụ mặt, đóng cửa ầm vào, chẳng đế ý người kia là ai, chợt nhớ ra họ vừa gọi tên mình, vội vàng mở cửa toang ra

-Vâng ạ, Hà Lam đây ạ

-Có người nhờ chuyển gói quà, kí vào đây giúp tôi, ... cám ơn..

“Gửi em”
Khi nhận ra nét chữ quen thuộc, nhận ra sự ra đi thêm lần nữa của ông, tôi thấy mình muốn khóc, tôi thấy mình căm thù ông như sự căm thù 3 năm về trước.

Ông cứ đi đi, mang theo những quái gở của ông đi , em nguyền rủa ông ... cứ đi đi, đi luôn đi .

Cái sinh nhật vỡ tan như bong bóng xà phòng ... Tôi lao đầu về phía ngày xưa, ngàn mảnh trắng vương vãi như dòng sông sao trong khóe mắt .

1.3.05

Đông Hà.
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.